Vướng mắc trong xử lý hành vi vi phạm liên quan đến một số loại vũ khí và đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật của Việt Nam
Tác giả: Lê Thu Hằng [1]
TÓM TẮT
Các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến vũ khí hiện nay khá đầy đủ trong lĩnh vực hành chính và hình sự: Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Bộ luật hình sự, Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội (có quy định hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí bị xử phạt vi phạm hành chính). Tuy nhiên, qua thực tiễn, việc xử lý hành chính hoặc hình sự các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí đang gặp một số vướng mắc xuất phát từ chính các quy định của pháp luật. Trong bài viết này, tác giả tập trung vào một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật để xử lý hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí là súng săn và vũ khí quân dụng, vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hình sự đối với đối tượng này.
1. Khái niệm vũ khí và một số loại vũ khí trong pháp luật Việt Nam
Khái niệm vũ khí và các loại vũ khí đã được quy định và ngày càng được chú trọng hoàn thiện trong các văn bản pháp luật của Việt Nam, từ quy định trong Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30/06/2011 đến luật hóa trong Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20/06/2017, sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 25/11/2019.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến khái niệm vũ khí và khái niệm một số loại vũ khí, cụ thể là vũ khí quân dụng và vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 là điều luật chứa đựng các quy phạm định nghĩa về vũ khí và các loại vũ khí cụ thể. Các quy phạm định nghĩa này không chỉ có giá trị trong luật này mà còn là cơ sở pháp lý cho một số văn bản pháp luật khác trong lĩnh vực hành chính và hình sự.
Khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định: “1. Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”. Đây là quy phạm đã mô tả được đầy đủ các dấu hiệu của vũ khí, đồng thời cũng liệt kê một cách đầy đủ các loại vũ khí được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam hiện hành.
Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định:
“2. Vũ khí quân dụng bao gồm:
(a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
…
(b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ”.
Theo quan điểm của chúng tôi, quy định này tuy đã có những điểm mới so với Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 nhưng vẫn chưa hợp lý.
“Quân dụng” theo Từ điển tiếng việt là “dành riêng để phục vụ quân đội”2, “dùng cho quân đội”. Theo logic ngôn ngữ này thì vũ khí quân dụng là vũ khí dùng cho quân đội, phục vụ cho quân đội và điểm a Khoản 2 Điều 3 là định nghĩa về vũ khí quân dụng. Theo quy định tại Điều 18 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì vũ khí quân dụng chỉ được trang bị cho quân đội vànhững đối tượng khác đã được liệt kê cụ thể tại Khoản 1 Điều 18; từng đối tượng được phép trang bị và sử dụng những loại vũ khí quân dụng cụ thể theo quy định tại Điều 19, theo thủ tục trang bị quy định tại Điều 20 và phải được cấp phép theo quy định tại Điều 21; sử dụng vũ khí quân dụng là để thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo nguyên tắc quy định tại Điều 22 Luật năm 2017.
Nếu xét về nội dung của điểm b Khoản 2 Điều 3, với quy định “tương tự như vũ khí quy định tại điểm a” thì thực chất đây là quy định cho vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Quy định “không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ” trong điểm b Khoản 2 Điều 3 càng cho thấy việc đưa điểm b này vào Khoản 2 quy định về “vũ khí quân dụng” là không hợp lý.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017: “6. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao”. Tuy nhiên Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã tránh sử dụng khái niệm “vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng” và đưa quy định về đối tượng này trong điểm b Khoản 2 Điều 3, theo quan điểm của chúng tôi là không hợp lý như đã phân tích ở trên.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự thì vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự cũng cần được quy định tương ứng với vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và như vậy, để tương thích với quy định tách biệt về súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao đã thể hiện trong luật, cần quan niệm rằng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng không phải là vũ khí quân dụng; không đồng nhất vũ khí quân dụng với vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
2. Một số vướng mắc khi xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí
Thứ nhất, không có đủ quy định pháp luật trong Nghị định xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí để xử lý hành vi vi phạm trên thực tế.
Nội dung sự việc:
Ngày 12/06/2019, L.V.Đ đi xe máy mang 02 khẩu súng colt tự chế, 01 khẩu súng bút tự chế đến đường X thành phố T thì bị Công an thành phố T phát hiện và lập biên bản sự việc hồi 09 giờ 30 phút tại Công an thành phố T. Công an thành phố T đã thu giữ các đồ vật trên đi trưng cầu giám định. Qua đấu tranh, Đ khai nhận ở nhà tại huyện H còn có 03 khẩu súng nên sau đó Công an thành phố T đã chuyển hồ sơ cùng các tang vật đến Công an huyện H để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 10/07/2019, Công an huyện H đã tiến hành kiểm tra hành chính tại nhà Đ tại thôn H, xã K, huyện H, tỉnh T và phát hiện 03 khẩu súng tại nhà Đông (01 khẩu có ký hiệu “CAL 45-358054”; 01 khẩu có ký hiệu “ACIERHRCULE”; 01 súng có ký hiệu “01 – 12 – PPOOF -TESTED – GAUGEINC – SELECTED – STEEL – 6958”),
được xác định thuộc danh mục súng săn, nên đã lập biên bản VPHC số 36/BB-VPHC đối với L.V.Đ về hành vi vi phạm “Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép” được quy định tại điểm c, Khoản 5 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình; trong đó ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, lập biên bản tạm giữ số 10/BB-TGTVPTGPCC theo Quyết định tạm giữ tang vật vi phạm số 11/QĐ- TGTVPTGPCC của Trưởng Công an huyện và tiến hành tạm giữ với tất cả tang vật.
Trên cơ sở hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính do Công an huyện trình, căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan, ngày 24/07/2019, Chủ tịch UBND huyện H ban hành Quyết định số 46/QĐ-XPVPHC đối với ông L.V.Đ về hành vi: “Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép” được quy định tại điểm c, Khoản 5 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, hình thức xử phạt chính: phạt tiền 15 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật vi phạm theo quy định tại điểm a, Khoản 8, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Với vụ việc này, tác giả chỉ tập trung bàn luận về căn cứ pháp lý để xác định hành vi vi phạm của ông Đ, vì đây là một vướng mắc khi áp dụng pháp luật để xác định hành vi vi phạm. Có xác định đúng hành vi vi phạm, xác định đúng và áp dụng điều luật phù hợp thì mới bảo đảm xử lý vi phạm đúng pháp luật.Đối chiếu với các quy định trên thì súng colt, súng bút và súng săn đều là vũ khí. Riêng với ba khẩu súng săn, tuy trước đây đã được cấp giấy phép nhưng theo Chỉ thị số 08/2006/CP-TTg ngày 08/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Các cơ quan công an ngừng cấp giấy phép sử dụng súng săn bắn chim thú hoang dã, thú rừng tự nhiên; những giấy phép sử dụng súng săn bắn chim thú hoang đã được cấp trước đây phải thu hồi, không được phép lưu hành”, vì vậy, các giấy phép dùng súng săn ông Đ xuất trình đều không còn giá trị pháp lý, phải bị thu hồi, cá nhân sở hữu súng săn là việc không được pháp luật thừa nhận.
Qua tình tiết của sự việc, hành vi vận chuyển súng colt, súng bút là hành vi vận chuyển vũ khí và hành vi tàng trữ súng săn của ông Đ là hành vi tàng trữ vũ khí, ngoài ra nếu chứng minh được ông Đ tự chế súng colt, súng bút mà ông Đ vận chuyển thì ông Đ còn có thêm hành vi chế tạo vũ khí. Các hành vi đó thuộc nhóm những hành vi bị nghiêm cấm theo Khoản 1, 2 Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017: “1. Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo; 2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ”. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật đó có bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị xử lý hình sự hay không còn phụ thuộc vào quy định của Nghị định xử phạt và quy định của Bộ luật hình sự.
Một trong những nguyên tắc của xử lý vi phạm hành chính là: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định” điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính. Điều 4 Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định: “Căn cứ quy định của luật này, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; …”. Do vậy, muốn xử phạt được các hành vi trên của ông Đ thì phải có điều luật quy định đó là hành vi vi phạm phải bị xử phạt. Theo phương pháp chung, cần đối chiếu với quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Hành vi “đi xe máy, mang 02 khẩu súng côn tự chế, 01 khẩu súng bút tự chế đến đường X thành phố T” tương ứng với mô tả về hành vi vận chuyển vũ khí mà không có giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật, theo điểm đ Khoản 5 Điều 10 NĐ 167/2013/NĐ-CP, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy theo tính chất, mức độ, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ của hành vi.
Tuy nhiên, với hành vi tàng trữ 03 khẩu súng săn mà cơ quan chức năng áp dụng điểm c, Khoản 5 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để xử lý là chưa thỏa đáng, bởi lẽ:
Khoản 3 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định: Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.
Khoản 4 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định: Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
Theo các quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã dẫn ở trên, súng săn không phải là vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà điểm khoản của điều luật áp dụng chỉ quy định với hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.
Vậy áp dụng điều luật nào để xử lý hành vi tàng trữ súng săn?
Đối chiếu tất cả các điểm khoản của Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, có thể nhận thấy không có quy định nào phù hợp, điều này đồng nghĩa với việc Nghị định xử phạt đã không dự liệu hết các hành vi vi phạm liên quan đến các loại vũ khí có thể xảy ra mặc dù căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của các hành vi đó với xã hội thì các hành vi đó cần phải bị xử phạt. Như vậy, rõ ràng là có hành vi trái pháp luật xảy ra trên thực tế, cần phải xử phạt hành chính nhưng lại không có quy định pháp luật phù hợp; mặt khác, việc cơ quan chức năng phải “gượng ép” đưa vào một điểm khoản của Điều 10 Nghị định số 167/2013 /NĐ-CP cũng là vi phạm nguyên tắc “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”.
Thứ hai, do không có căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính nên không xử lý được về hình sự đối với hành vi vi phạm về súng săn.
Khoản 1 Điều 306 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ như sau:
“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Đối với hành vi trái pháp luật liên quan đến vũ khí nói chung, súng săn nói riêng, muốn xử lý hình sự thì phải thỏa mãn điều kiện đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Giả sử trong trường hợp ông Đ lại tiếp tục có hành vi tàng trữ súng săn mà không có hành vi vi phạm khác trong số các hành vi đã được liệt kê nói trên, cũng chưa bị kết án thì không thể xử lý hành chính, dẫn đến không xử lý hình sự được.
Thứ ba, chưa có quy định xử lý hình sự đối với hành vi trái pháp luật liên quan đến vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Điều 304 BLHS năm 2015 về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự đã liệt kê các loại vũ khí quân dụng tại điểm b Khoản 2, điểm đ Khoản 3, điểm a Khoản 4 gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41 trở lên; mìn, lựu đạn; quả đạn cối, đạn pháo; đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống, đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; thuốc nổ các loại hoặc nụ xuỳ hoặc ống nổ; dây cháy chậm, dây nổ; không có quy định nào về vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Như vậy, nếu trên thực tế có người thực hiện hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều 304 BLHS năm 2015.
Thêm nữa, việc thiếu quy định về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng trong Điều 304 BLHS là không tương thích với quy định ở điều luật khác trong cùng BLHS. Điều 306 BLHS năm 2015 về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tựcó quy định về vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ. Xét về tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, sự cần thiết phải xử lý hình sự thì đây là sự chưa tương xứng giữa các điều luật ngay trong cùng một văn bản pháp luật, chưa phù hợp với nhu cầu được điều chỉnh bằng pháp luật hình sự đối với loại vi phạm này.
Theo quy định tại Điều 306 BLHS năm 2015, các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng… các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thể thao (kèm theo điều kiện đã bị xử lý hành chính, bị kết án…) thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng… các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, nếu xét về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội thì còn cao hơn nhưng không cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 304 BLHS hiện hành, cũng không được quy định là hành vi phạm tội của bất cứ tội phạm nào liên quan đến vũ khí của BLHS hiện hành.
Xét thấy sự cần thiết phải xử lý với loại hành vi này, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Công văn số 416/V14 ngày 09/7/2018 nêu tinh thần hướng dẫn xử lý đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vẫn có thể xem xét xử lý trách nhiệm hành chính, trường hợp sử dụng để gây án, xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người thì xem xét, xử lý theo các tội danh tương xứng theo quy định của BLHS (Tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của người khác, tội giết người…). Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời khi chưa thực hiện được việc sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan trong BLHS hiện hành.
3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật
Từ những phân tích trên, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Như đã phân tích trên đây về điểm bất hợp lý trong Khoản 2 Điều 3 Luật đã sửa đổi, bổ sung năm 2019, theo quan điểm của chúng tôi: Khoản 2 Điều 3 giữ như quy định trong luật năm 2017; sử dụng thống nhất cách diễn đạt “tính năng, tác dụng”. Chuyển điểm b Khoản 2 Điều 3 trong Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 về Khoản 6 Điều 3, nhưng do vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng có một số dấu hiệu khác với vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao nên cần để thành một đoạn riêng. Khoản 6 Điều 3 sửa như sau:
“6. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ;
Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.”
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định trong Nghị định xử phạt hành vi vi phạm hành chính liên quan đến vũ khí.
Hiện nay, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP và Dự thảo Nghị định thay Nghị định 167/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định) đang quy định các hành vi vi phạm về quản lý vũ khí theo hướng chi tiết hóa các đối tượng điều chỉnh là hành vi vi phạm với từng loại vũ khí (vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự).
Để khắc phục hạn chế trong quy định của Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như đã phân tích từ một vụ việc cụ thể trên. Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về xử phạt súng săn, tuy nhiên theo chúng tôi vẫn cần tiếp tục chỉnh lýcho phù hợp hơn về kỹ thuật lập quy. Cụ thể:
– Về Khoản 4 Điều 10:
+ Dự thảo Nghị định đang quy định hành vi vi phạm đối với vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ ở điểm a và b Khoản 4 Điều 10. Cách quy định này không tương đồng với cách quy định hành vi vi phạm đối với các loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự và công cụ hỗ trợ có tính năng tác dụng tương tự, hoặc hành vi vi phạm đối với súng săn và vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn.
Vì cùng là quy định về một đối tượng là hành vi vi phạm đối với vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ nên cần gộp hai khoản này quy định trong một điểm và diễn đạt như sau: “a) Chế tạo, sản xuất, mua, bán, trang bị, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ”.
+ Dự thảo Nghị định đang quy định điểm c Khoản 4 Điều 10 điều chỉnh các hành vi vi phạm đối với các loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự và công cụ hỗ trợ có tính năng tác dụng tương tự.
Sửa điểm c thành điểm b, thêm từ chiếm đoạt và diễn đạt như sau: “b) Chế tạo, sản xuất, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ,vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng tác dụng tương tự hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng tác dụng tương tự”.
+ Điểm d Dự thảo Nghị định chỉ dừng ở quy định về các hành vi vi phạm đối với súng săn, cần bổ sung thêm hành vi đối với vũ khí có tính năng tương tự súng săn. Do đó cần bổ sung thêm cụm từ vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, sửa điểm d thành điểm c và diễn đạt như sau: “c) Chế tạo, sản xuất, mua, bán, trang bị, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng, chiếm đoạt súng săn hoặc chi tiết, cụm chi tiết súng săn hoặc vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn”.
– Về điểm a và b Khoản 5 Điều 10 nên quy định thành điểm a và diễn đạt như sau:
“a) Chế tạo, sản xuất, mua, bán, trang bị, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao”.
Như vậy sẽ tương đồng với cách quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 10.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.
Cần phải luật hóa hành vi này theo hướng bảo đảm đáp ứng yêu cầu của hoạt động phòng chống tội phạm và sự tương đồngcủa các quy định pháp luật trong cùng một văn bản pháp luật, bằng cách bổ sung thêm đối tượng tác động của tội phạm là các loại vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng vào Điều 304 BLHS năm 2015./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Giảng viên Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp.
- Đại từ điển Tiếng Việt – Nguyễn Như Ý, Nxb Văn hóa – Thông tin, 1998; Tr.1370.
Trả lời