Mục lục
Thủ tục hành chính là gì? Các đặc điểm của thủ tục hành chính?
- Phân loại thủ tục hành chính và vấn đề cải cách hành chính?
- Phân tích khái niệm, đặc điểm, chủ thể của thủ tục hành chính
- [PHÂN BIỆT] Thủ tục hành chính nội bộ với hành chính liên hệ
- Tổ chức đơn vị hành chính – lãnh thổ nhằm cải cách hành chính
1. Thủ tục hành chính là gì?
Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức, điều kiện và thời hạn tiến hành hay thực hiện một hoạt động quản lý hành chính nhà nước do pháp luật hành chính Việt Nam quy định.
Thuật ngữ “thủ tục” được hiểu là cách thức, quy trình, trình tự, hay các bước kế tiếp nhau theo thứ tự thời gian để thực hiện một hoạt động nào đó. Trong thực tiễn quản lý nhà nước, tương ứng với mỗi hoạt động đòi hỏi cần có những cách thức, trình tự giải quyết phù hợp với nội dung công việc cần giải quyết (mối quan hệ hình thức và nội dung), do đó nó hình thành nên nhiều loại thủ tục khác nhau.
Hoạt động quản lý hành chính nhà nước hay hoạt động chấp hành – điều hành chỉ do các chủ thể nhân danh nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước thực hiện, do đó, hoạt động này không thể được thực hiện một các tùy tiện, theo ý chí chủ quan của chủ thể quản lý hành chính nhà nước. Các hoạt động quản lý hành chính nhà nước phải được tiến hành theo quy định của pháp luật về nội dung, thẩm quyền cũng như trình tự thực hiện các hoạt động quản lý.
Hoạt động quản lý hành chính có nội dung rất đa dạng, phong phú, nó diễn ra trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, do đó không thể có một quy định chung về trình tự, cách thức tiến hành để áp dụng cho tất cả các hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Xuất phát từ chính đặc điểm này mà các hoạt động quản lý hành chính nhà nước tùy thuộc vào từng nội dung quản lý sẽ có các cách thức và trình tự thực hiện khác nhau. Như vậy, thủ tục thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước có tính chất rất đa dạng. Hơn nữa, các chủ thể quản lý không thể tùy tiện đặt ra các cách thức, trình tự giải quyết công việc theo ý chí chủ quan của mình. Để đảm bảo tính thống nhất chung trong hoạt động quản lý thì các cách thức, trình tự này phải được quy định giống nhau và có tính bắt buộc chung, có nghĩa là cách thức, trình tự giải quyết công việc này phải do pháp luật quy định.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào nội dung của vụ việc cần giải quyết mà các bước tiến hành hoạt động quản lý của chủ thể quản lý được thực hiện trong một khoảng thời gian khác nhau và phải thỏa mãn các yêu cầu, điều kiện khác nhau của thực tiễn quản lý hành chính nhà nước. Tuy nhiên, để tránh tình trạng gây khó khăn, phiền hà cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ thể quản lý thì mỗi hoạt động quản lý hành chính cần phải được tiến hành trong một khoảng thời gian và điều kiện nhất định. Dó đó, yếu tố thời hạn và điều kiện thực hiện cũng là một trong những yếu tố tạo thành thủ tục hành chính.
Như vậy, mặc dù không có một “thủ tục chung” để áp dụng cho tất cả các hoạt động quản lý hành chính nhà nước nhưng hoạt động quản lý hành chính nhà nước cần phải được tiến hành theo một trình tự, cách thức, điều kiện và thời hạn nhất định do pháp luật quy định. Trình tự, cách thức, điều kiện và thời hạn thực hiện hoạt động quản lý hay thực hiện thẩm quyền của chủ thể quản lý hành chính nhà nước là các yếu tố cấu thành nên thủ tục hành chính.
2. Đặc điểm của thủ tục hành chính
2.1. Thủ tục hành chính phải do pháp luật hành chính Việt Nam quy định
Hoạt động quản lý nói chung hay hoạt động quản lý hành chính nhà nước nói riêng đều phải được thực hiện theo một trình tự, cách thức nhất định do pháp luật quy định, bởi vì đó là các hoạt động do các chủ thể có thẩm quyền nhân danh nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước tiến hành. Các chủ thể quản lý nhà nước không thể tùy tiện đặt ra các cách thức, trình tự thực hiện hoạt động quản lý nhà nước mà phải đảm bảo tính thống nhất và bắt buộc áp dụng chung, bên cạnh đó còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng quản lý.
2.3. Thủ tục hành chính phải gắn liền với hoạt động quản lý hành chính nhà nước
Thủ tục hành chính phải gắn liền với hoạt động quản lý hành chính nhà nước hay nói cách khác thủ tục hành chính là cách thức, trình tự thực hiện một hoạt động quản lý hành chính nhà nước nào đó. Đặc điểm này để phân biệt thủ tục hành chính với các thủ tục lập pháp, tư pháp. ví dụ, hoạt động ban hành nghị định của Chính phủ phải được thực hiện theo thủ tục hành chính (không phải là thủ tục lập pháp). Như vậy, hoạt động quản lý hành chính nhà nước phải được thực hiện theo thủ tục hành chính.
2.4. Thủ tục hành chính do chủ thể có thẩm quyền thực hiện
Chủ thể có thẩm quyền luôn là chủ thể tiến hành hay thực hiện các trình tự, cách thức giải quyết công việc trong hoạt động quản lý, bởi vì hoạt động quản lý hành chính nhà nước là hoạt động do chủ thể có thẩm quyền nhân danh nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước thực hiện. Các đối tượng quản lý chỉ là bên tham gia thực hiện thủ tục hành chính và có nghĩa vụ tuân theo thủ tục hành chính do pháp luật quy định. Bên tham gia thủ tục hành chính có quyền yêu cầu chủ thể có thẩm quyền tiến hành thủ tục hành chính để áp dụng đối với mình.
2.5. Thủ tục hành chính có nhiều loại khác nhau
Hoạt động quản lý hành chính nhà nước có nội dung rất đa dạng, phong phú và diễn ra trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tương ứng với mỗi hoạt động sẽ có những cách thức, trình tự thực hiện khác nhau. Chủ thể quản lý phải xác định cách thức, trình tự áp dụng chung phù hợp với từng nội dung của hoạt động quản lý, do đó đã hình thành nhiều loại thủ tục khác nhau như thủ tục cấp phép, thủ tục xử phạt, thủ tục giải quyết khiếu nại, thủ tục kỷ luật cán bộ, công chức… Nói cách khác, mỗi hoạt động quản lý tùy thuộc vào nội dung của nó mà các cách thức, trình tự và thời gian thực hiện là khác nhau, do đó phải có nhiều loại thủ tục khác nhau.
2.6. Thủ tục hành chính do nhiều chủ thể có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước thực hiện
Đặc điểm này để phân biệt với hoạt động lập pháp và hoạt động tư pháp, bởi vì hoạt động quản lý hành chính nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi cơ quan hành chính nhà nước, nhưng bên cạnh đó còn có các cơ quan nhà nước khác (cơ quan quyền lực, tư pháp), các cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Trả lời