Quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần: Ưu điểm hay hạn chế
TÓM TẮT
Khác với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi năm 2007, 2008), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã bổ sung một cách thức quy định mới về thẩm quyền xử phạt là theo tỷ lệ phần trăm (%) có khống chế mức trần. Tuy nhiên, phân tích một cách kỹ lưỡng thì quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần lại tồn tại nhiều bất cập. Bài viết phân tích những bất cập, hạn chế trong quy định về thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần.
Xem thêm:
- Vài bình luận ngắn các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ – TS. Cao Vũ Minh
- Hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm về mại dâm – ThS. Nguyễn Nhật Khanh & ThS. Trần Quốc Minh
- Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật hiện hành – TS. Bùi Thị Đào & ThS. Hoàng Thị Lan Phương
- Bất cập và hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường – TS. Cao Vũ Minh
- Những bất cập về thời hiệu và thời hạn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm – TS. Cao Vũ Minh
TỪ KHÓA: Thẩm quyền, Xử phạt vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam.
1. Giải thích nội dung quy định
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (gọi tắt là Luật XLVPHC năm 2012) đã tăng thẩm quyền xử phạt đối với tất cả các chức danh có thẩm quyền. Quy định này là cần thiết và phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Luật XLVPHC năm 2012 cũng đổi mới cách thức xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm đối với một số chức danh. Cụ thể, nếu Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi năm 2007, 2008) (gọi tắt là Pháp lệnh XLVPHC năm 2002) chỉ quy định thẩm quyền phạt tiền của tất cả các chức danh dựa trên mức tối đa (mức trần) thì Luật XLVPHC năm 2012 đã thêm một cách thức quy định thẩm quyền mới đối với một số chức danh. Đó là quy định mức phạt tiền theo tỷ lệ phần trăm (%) so với mức phạt tiền cao nhất trong các lĩnh vực đồng thời có khống chế mức trần. Những chức danh có thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần thuộc nhiều lĩnh vực gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 38), những người có chức vụ của Công an nhân dân (Điều 39), Bộ đội biên phòng (Điều 40), Cảnh sát biển (Điều 41) và Thanh tra (Điều 46).
Nguyên tắc xác định thẩm quyền theo tỷ lệ phần trăm chỉ có ý nghĩa đối với Chính phủ, nó đòi hỏi Chính phủ phải tính thành các khoản tiền cụ thể theo tỷ lệ phần trăm đối với từng chức danh trong từng nghị định. Ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được phạt đến 10% mức phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 5 triệu đồng (nghĩa là giới hạn thẩm quyền phạt tiền trong từng lĩnh vực sẽ khác nhau, cụ thể: lĩnh vực hôn nhân gia đình có mức phạt tối đa là 30 triệu đồng, vậy Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ được phạt tối đa 3 triệu – 10% của 30 triệu; lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội có mức phạt tối đa 40 triệu đồng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ được phạt tối đa 4 triệu đồng – 10% của 40 triệu; nhưng nếu lĩnh vực lao động có mức tiền phạt tối đa 75 triệu đồng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ được phạt tối đa 5 triệu mà không phải là mức 10% – tức 7,5 triệu); Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được phạt đến 50% mức phạt tối đa trên các lĩnh vực nhưng không quá 50 triệu đồng; chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ được phạt đến 1% mức phạt tối đa trên các lĩnh vực nhưng không quá 500.000 đồng; Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Công an nhân dân được phạt đến 3% mức tối đa trên các lĩnh vực nhưng không quá 1.500.000 đồng; chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ được phạt đến 1% mức tối đa trên các lĩnh vực nhưng không quá 500.000 đồng…
Đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt chuyên ngành theo lĩnh vực riêng như hải quan, kiểm lâm, thuế, quản lý thị trường, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý lao động ngoài nước, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự… (không thuộc các Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 và Điều 46 của Luật XLVPHC năm 2012) thì nguyên tắc tỷ lệ phần trăm này không áp dụng mà vẫn theo mức trần như cách quy định của Pháp lệnh XLVPHC năm 2002, tức mức phạt tối đa của họ được Luật XLVPHC năm 2012 quy định cụ thể (chẳng hạn: công chức thuế, công chức hải quan, kiểm lâm viên, kiểm soát viên thị trường, đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500.000 đồng …).
2. Đánh giá cách thức quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần
Theo nhà làm luật thì mục đích quy định thẩm quyền phạt tiền theo tỷ lệ phần trăm mức tiền phạt tối đa trên mỗi lĩnh vực đồng thời có khống chế mức trần là “tạo sự linh hoạt trong việc quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn bảo đảm khống chế mức phạt tiền tối đa đối với từng chức danh có thẩm quyền xử phạt” .[1] Cách quy định này chỉ áp dụng đối với các chức danh có thẩm quyền quản lý nhiều ngành, lĩnh vực. Đối với các chức danh quản lý chuyên ngành thì chỉ quy định một mức trần duy nhất. Như vậy, với cách quy định tỷ lệ phần trăm mức tiền phạt thì mỗi ngành, lĩnh vực khác nhau, chức danh có giới hạn thẩm quyền phạt tiền khác nhau nhưng vẫn đảm bảo khống chế mức trần. Đó chính là sự linh hoạt trong thẩm quyền xử phạt của các chủ thể.
Vậy tính linh hoạt này có đem lại hiệu quả cao cho hoạt động xử phạt hay không? Theo chúng tôi, quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần lại tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể:
– Thứ nhất, việc quy định tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần đã đi ngược với mục tiêu mở rộng thẩm quyền xử phạt cho các chức danh cấp cơ sở mà nhà làm luật đã cố gắng thể hiện thông qua nhiều điều luật khác. Nói cách khác, việc quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần đã thu hẹp thẩm quyền xử phạt của các chủ thể (chủ yếu ở cấp cơ sở) thay vì mở rộng thẩm quyền như nhà làm luật đã tính toán.
Có thể minh chứng bằng một điển hình thông qua thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm ở tất cả các lĩnh vực.[2] Luật XLVPHC năm 2012 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền “phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng”.[3] Như vậy, đối với các lĩnh vực: hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, bạo lực gia đình, lưu trữ, tôn giáo, thi đua khen thưởng; hành chính tư pháp, dân số, vệ sinh môi trường; thống kê thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ được phạt tối đa là 3.000.000 đồng (các lĩnh vực này có mức phạt tối đa 30.000.000 đồng). Điều này có nghĩa thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong các lĩnh vực này chỉ tăng lên 1.000.000 đồng so với Pháp lệnh XLVPHC năm 2002. Nếu tính toán với tốc độ lạm phát kinh tế diễn ra từ năm 2008 đến nay thì rõ ràng thẩm quyền này của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đang giảm mà không tăng.
Hơn nữa, một trong những tiêu chí quan trọng để phân thẩm quyền xử phạt của mỗi chức danh là dựa trên căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Theo đó, các chức danh cấp cơ sở được quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính không nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng. Như vậy, mức 5.000.000 đồng mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền xử phạt (là mức trần cao nhất theo quy định của Luật XLVPHC năm 2012) tương ứng với những hành vi vi phạm không nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng mà nhà làm luật đã tính toán. Việc xây dựng khung tiền phạt cho mỗi hành vi vi phạm cụ thể trên tất cả các lĩnh vực của Chính phủ cũng phải căn cứ vào tiêu chí này. Có thể kết luận là tất cả hành vi vi phạm ở các lĩnh vực nếu có cùng mức tiền phạt thì có nghĩa là cũng tương đồng với nhau về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Nhìn vấn đề ở góc độ này thì sẽ thấy không có lý do gì để quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong lĩnh vực này được phạt đến 5.000.000 đồng mà trong lĩnh vực khác lại chỉ được phạt đến 3.000.000 đồng hay 4.000.000 đồng.
Nếu lập luận rằng các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, bạo lực gia đình… có mức phạt tối đa thấp nên nếu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được phạt tối đa đến 5.000.000 đồng thì đa phần các hành vi trong lĩnh vực này đều thuộc thẩm quyền của cấp xã mà ít thuộc thẩm quyền của cấp huyện (nghĩa là cấp huyện sẽ ít được xử phạt trong các lĩnh vực này do cấp xã đã xử phạt phần nhiều). Thực chất, điều này lại là dấu hiệu mang tính tích cực chứ không phải tiêu cực. Cấp dưới thực hiện đa phần việc xử phạt thì cấp trên sẽ có nhiều thời gian để tập trung xử phạt những hành vi có tính chất, mức độ nghiêm trọng cao hơn và những công việc quản lý vĩ mô. Ngoài ra, số lượng các lĩnh vực có mức phạt tiền tối đa trên 50.000.000 đồng là rất nhiều và trong đó số lượng các hành vi vi phạm hành chính có mức tiền phạt trên 5.000.000 đồng cũng rất lớn. Vậy nên, ở các lĩnh vực này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh sẽ làm việc nhiều hơn, xử phạt nhiều hơn thay vì “ôm đồm” xử phạt luôn cả những vi phạm vốn dĩ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Có thể xem bảng thống kê sau đây về số lượng hành vi vi phạm hành chính tương ứng với khung tiền phạt trong một số lĩnh vực cụ thể:[4]
Nghị định | Lĩnh vực | Mức tối đa (đối với cá nhân) | Số lượng hành vi vi phạm/ mức phạt dưới 5 triệu đồng) | Số lượng hành vi vi phạm/ mức phạt trên 5 triệu đến 50 triệu đồng) | Số lượng hành vi vi phạm/ mức phạt trên 50 triệu) |
---|---|---|---|---|---|
NĐ 95/2013/NĐ-CP | Lao động | 75 triệu đồng | 39 | 52 | 23 |
NĐ 155/2013/NĐ-CP | Đầu tư | 150 triệu đồng | 18 | 59 | 01 |
NĐ- 121/2013/NĐ-CP | Xây dựng | 500 triệu đồng | 27 | 86 | 04 |
NĐ 179/2013/NĐ-CP | Bảo vệ môi trường | 1 tỷ đồng | 49 | 142 | 541 |
Dựa vào bảng thống kê này có thể thấy chỉ căn cứ vào khung tiền phạt tối đa đối với hành vi vi phạm được quy định trong từng nghị định cũng cho kết quả là số hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh nhiều hơn gấp bội so với cấp xã. Đó là chưa kể những hành vi vi phạm có khung tiền phạt thuộc thẩm quyền của cấp xã nhưng do áp dụng các hình thức xử phạt khác (như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề) và biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền cấp xã nên phải chuyển lên cấp trên. Điều này khiến cho cấp huyện và cấp tỉnh trở thành cấp xử phạt nhiều nhất.[4]
Chi tiết hơn, thực trạng xử phạt cho thấy ở một số địa phương có thống kê số vụ xử phạt vi phạm hành chính theo cấp lãnh thổ cũng cho kết quả là số lượng hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp xã ít hơn cấp huyện, cấp huyện ít hơn cấp tỉnh như: tại Bình Dương theo báo cáo về tình hình xử phạt năm 2014 thì cấp xã xử phạt 38.367 vụ vi phạm, cấp huyện xử phạt 42.655 vụ vi phạm, cấp tỉnh xử phạt 95.736 vụ vi phạm.[5] Tổng kết 6 tháng đầu năm 2015 về tình hình xử phạt vi phạm hành chính cũng cho thấy cấp xã xử phạt với số lượng thấp nhất là 5.774 vụ vi phạm, cấp huyện là 22.678 vụ vi phạm và cấp tỉnh là 15.951.[6] Như vậy, nếu có ý kiến cho rằng cấp xã là cấp xử phạt quá nhiều và cấp trên không có việc để làm là hoàn toàn không có căn cứ.
– Thứ hai, việc quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm làm phức tạp thêm các quy định chi tiết trong các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực của Chính phủ
Trong bối cảnh hiện nay, nhằm đơn giản hóa văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể áp dụng pháp luật, Chính phủ đã sử dụng cách tích hợp nhiều lĩnh vực trong cùng một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, ở phần thẩm quyền xử phạt của các chủ thể phải quy định nhiều mức xử phạt khác nhau cho mỗi chủ thể trên mỗi lĩnh vực. Điều này lại là sự phức tạp cho chủ thể áp dụng pháp luật. Nếu không đọc kỹ và dẫn chiếu nhiều quy định pháp luật cùng lúc với nhau, rất có thể chủ thể xử phạt sẽ triển khai thực hiện không đúng nội dung của điều luật về thẩm quyền xử phạt dẫn đến khả năng xử phạt sai thẩm quyền.
Mặt khác, ở nhiều nghị định của Chính phủ, quy định khung tiền phạt đối với nhiều hành vi vi phạm hành chính chưa sát với thẩm quyền xử phạt của từng chủ thể khiến cho phạm vi thẩm quyền phạt tiền của chức danh cấp cơ sở trước đây đã hẹp nay còn bị thu hẹp hơn.
Ví dụ: theo Điều 66 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, chiến sĩ công an đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội. Vấn đề là trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP không có hành vi nào thuộc các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội có mức phạt cao nhất đến 400.000 đồng để căn cứ vào đó mà xác định thẩm quyền xử phạt như khoản 2 Điều 52 của Luật XLVPHC năm 2012 yêu cầu mà chỉ có một vài hành vi có mức phạt đến 300.000 đồng và đa phần các hành vi còn lại có mức phạt từ 500.000 đồng trở lên. Như vậy, quy định chiến sĩ công an đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 400.000 đồng trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP là không thực tế. Do đó, trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ lại chỉ được phạt đến mức 300.000 đồng đối với một số ít các hành vi được Nghị định quy định mà không phải ở mức 400.000 đồng.
Đối với các chức danh khác, sau khi tính theo tỷ lệ phần trăm thì cũng không có các hành vi có mức cao nhất như Nghị định số 167/2013/NĐ-CP đã quy định. Cụ thể là trong Nghị định số 167/2013 nói trên không có vi phạm nào trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình có mức phạt cao nhất đến 900.000 đồng, mà chỉ có hành vi có mức phạt cao nhất là 300.000 đồng hoặc 500.000 đồng, hoặc là các hành vi có mức phạt từ 1.000.000 đồng trở lên; trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội không có hành vi nào có mức phạt đến 1.200.000 đồng mà chỉ có các hành vi có mức phạt cao nhất đến 1.000.000 đồng hoặc 2.000.000 đồng, 3.000.000 đồng… trở lên; còn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, không có hành vi nào có mức phạt đến 1.500.000 đồng mà chỉ có hành vi có mức cao nhất là đến 300.000 đồng, 500.000 đồng hoặc 1.00.000 đồng, còn sau đó là các hành vi có mức cao nhất 2.000.000 đồng trở lên. Do đó, quy định Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ có thẩm quyền phạt tiền đến đến 900.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 1.200.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; đến 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (tức 3% mức cao nhất của tiền phạt của từng lĩnh vực) cũng là không thực tế.
Tương tự, thẩm quyền xử phạt tiền của Trưởng Công an cấp huyện được quy định là đến 6.000.000 đồng, 8.000.000 đồng theo các lĩnh vực tương ứng trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP cũng là mức phạt không thực tế vì trong Nghị định 167/2013/NĐ-CP không có hành vi nào có mức phạt cao nhất là 6.000.000 đồng hay 8.000.000 đồng…
Như vậy, có thể đi đến kết luận rằng chính việc quy định khung tiền phạt đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trên các lĩnh vực của Chính phủ không sát với thẩm quyền xử phạt của mỗi chức danh do Luật XLVPHC năm 2012 quy định khiến cho thẩm quyền xử phạt của các chức danh trở nên không thực tế. Đồng thời điều này còn làm thu hẹp thêm thẩm quyền xử phạt tiền của mỗi chức danh (đặc biệt là các chức danh cấp cơ sở) vốn đã rất hẹp.
3. Kết luận và giải pháp
Việc quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh theo tỷ lệ phần trăm mức phạt tối đa trên các lĩnh vực có khống chế mức trần đã đem lại nhiều nhược điểm hơn ưu điểm mà nhà làm luật đã kỳ vọng. Đây là phương án đi ngược lại với chủ trương mở rộng thẩm quyền cho cấp dưới, đồng thời cũng đi ngược lại với nguyên tắc phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động xử phạt và mâu thuẫn với nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Kết quả cuối cùng chỉ khiến thu hẹp thẩm quyền xử phạt của các chủ thể cấp dưới và làm phức tạp thêm các quy định hướng dẫn chi tiết thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp dưới. Vậy nên, tính toán một cách kỹ lưỡng thì đây lại là nhược điểm chứ không còn là ưu điểm của cách quy định thẩm quyền phạt tiền này.
Với phương án quy định tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần như pháp luật hiện hành thì mức trần sẽ khiến tỷ lệ phần trăm với mục đích tạo tính linh hoạt không còn ý nghĩa và tạo ra nhiều bất cập như đã phân tích ở trên. Nhưng nếu lựa chọn phương án chỉ quy định tỷ lệ phần trăm mà không khống chế mức trần thì sẽ đi ngược lại với phân cấp quản lý vì một số chức danh có thẩm quyền cấp dưới lại có mức xử phạt quá cao. Do đó, theo chúng tôi nên bỏ cách quy định thẩm quyền phạt tiền theo tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần, vì đã khống chế mức trần thì không cần quy định tỷ lệ phần trăm. Chẳng hạn như Chủ tịch UBND cấp xã đã có quyền xử phạt tiền đến 5.000.000 đồng thì sao lại phải quy định thêm thẩm quyền xử phạt đến 3.000.000 đồng hay 4.000.000 đồng theo lệ 10% của 30.000.000 đồng hay 40.000.000 đồng? Tóm lại, không nên chỉ quy định thẩm quyền theo tỷ lệ phần trăm mà chỉ nên quy định khống chế mức tối đa thẩm quyền phạt tiền của chủ thể như Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 trước đây. Lúc này nhà làm luật muốn mở rộng hay thu hẹp thẩm quyền xử phạt của chủ thể thì chỉ việc điều chỉnh mức trần cao hay thấp.
CHÚ THÍCH
* PGS-TS, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
** Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Tờ trình số 221/TTr-CP ngày 20/10/2011 của Chính phủ về dự án Luật xử lý vi phạm hành chính, tr. 8.
[2] Khoản 4 Điều 1 Pháp lệnh XLVPHC năm 2002.
[3] Điểm b khoản 1 Điều 38 Luật XLVPHC năm 2012.
[5] Báo cáo 56/BC-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh Bình Dương công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 6 tháng đầu năm 2015.
[6] Báo cáo số 05/BC-UBND ngày 23/01/2015 của UBND tỉnh Bình Dương về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2014.
-
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp* & ThS. Mai Thị Lâm*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2015 (91) – 2015, Trang 19-23
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời