Sử dụng phụ gia thực phẩm tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp kiểm soát
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu về tác dụng, tác hại của phụ gia thực phẩm đối với sức khỏe con người, thực trạng sử dụng phụ gia thực phẩm tại Việt Nam và các quy định pháp luật hiện hành kiểm soát việc sử dụng phụ gia thực phẩm. Qua thực trạng vi phạm pháp luật về sử dụng phụ gia thực phẩm tại Việt Nam, bài viết phân tích các nguyên nhân dẫn đến vi phạm và đề xuất một số giải pháp kiểm soát hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm.
Xem thêm:
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Nhìn từ khía cạnh quản lý nhà nước và quyền lợi người tiêu dùng – ThS. Nguyễn Tuấn Vũ
- Vai trò của các tiêu chuẩn quốc tế khi ban hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu – ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo
- Đi tìm điểm cân bằng giữa tuân thủ luật WTO và bảo đảm an toàn thực phẩm: Đáp án nào cho Việt Nam – PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương
- Thực trạng phòng ngừa các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm – ThS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh
- Những bất cập về thời hiệu và thời hạn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm – TS. Cao Vũ Minh
TỪ KHÓA: An toàn thực phẩm, Phụ gia thực phẩm,
1. Khái quát về phụ gia thực phẩm
1.1. Khái niệm phụ gia thực phẩm
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), phụ gia thực phẩm là những chất không được coi là thực phẩm hoặc một thành phần của thực phẩm. Phụ gia thực phẩm có ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng, được chủ động cho vào với mục đích đáp ứng yêu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến, xử lý, bao gói, vận chuyển, bảo quản thực phẩm. Phụ gia thực phẩm không bao gồm các chất ô nhiễm hoặc các chất bổ sung vào thực phẩm với mục đích tăng thêm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.[1] Khái niệm này cũng từng được Bộ Y tế ghi nhận trong Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT ngày 31/8/2001 về việc Ban hành “Quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm”. Tuy nhiên, khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 Hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm (thay thế cho Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT) thì khái niệm này không được ghi nhận trong thông tư vì nó đã được chính thức ghi nhận trong Luật An toàn thực phẩm năm 2010: “Phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm”.[2]
Khái niệm trên cho thấy, phụ gia thực phẩm không phải là thực phẩm và nó được cố ý đưa vào thực phẩm nhằm một số mục đích nhất định, nó được lưu lại trong thực phẩm ở dạng nguyên thể hoặc dẫn xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dùng. Tuy không phải là thực phẩm, có ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhưng phụ gia thực phẩm ngày càng được sử dụng rộng rãi và giữ vai trò quan trọng trong việc chế biến và bảo quản thực phẩm bởi nó có thể giúp bảo quản thực phẩm được lâu hơn, cải thiện hương vị và bề ngoài của thực phẩm.
1.2. Phân loại phụ gia thực phẩm
Căn cứ vào công dụng thì phụ gia thực phẩm rất đa dạng, gồm có các loại điển hình thường dùng[3] như: các acid thực phẩm(dấm, acidcitric, acidtartaric, acidmalic, acidfumaric, acidlactic) làm tăng hương vị cho thực phẩm, có tác dụng như là các chất bảo quản và chống oxy hóa; các chất điều chỉnh độ chua dùng để thay đổi hay kiểm soát độ chua và độ kiềm của thực phẩm; các chất chống vón giữ cho các chất bột không bị vón cục; các chất chống tạo bọt làm giảm hoặc ngăn chặn sự tạo bọt trong thực phẩm; các chất chống oxy hóa có tác dụng như là chất bảo quản bằng cách kiềm chế các tác động của oxy đối với thực phẩm và nói chung là có lợi cho sức khỏe; các chất tạo lượng như được bổ sung để tăng số/ khối lượng của thực phẩm mà không làm ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của nó; các chất tạo màu thực phẩm để thay thế các màu sắc bị mất trong quá trình sản xuất hay làm cho thực phẩm trông bắt mắt hơn; chất giữ màu để bảo quản màu hiện hữu của thực phẩm; các chất chuyển thể sữa cho phép nước và dầu ăn duy trì được thể hỗn hợp cùng nhau trong thể sữa, chẳng hạn trong mayonaise, kem và sữa; các chất tạo vị là các phụ gia làm cho thực phẩm hương vị hay mùi cụ thể nào đó và có thể được tạo ra từ các chất tự nhiên hay nhân tạo; các chất điều vị làm tăng hương vị sẵn có của thực phẩm; các chất giữ ẩm ngăn không cho thực phẩm bị khô đi; các chất bảo quản ngăn hoặc kiềm chế sự thối hỏng của thực phẩm bị gây ra bởi các hoạt động của nấm mốc, vi khuẩn hay các vi sinh vật khác; các chất đẩy là các loại khí nén được sử dụng để đẩy thực phẩm ra khỏi đồ chứa đựng nó; các chất ổn định, tạo đặc và tạo gel (sử dụng trong một số loại mứt hoa quả) làm cho thực phẩm có kết cấu đặc và chắc; các chất làm ngọt được bổ sung vào thực phẩm để tạo vị ngọt, nó không phải đường đường được thêm vào để giữ cho thực
phẩm chứa ít năng lượng nhưngvẫn có vị ngọt của đường hay vì chúng có các tác động có lợi cho các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường hay sâu răng; các chất làm đặc thêm vào thực phẩm sẽ làm tăng độ dẻomà không làm thay đổi đáng kể các thuộc tính khác của thực phẩm.
1.3. Tác dụng và tác hại của phụ gia thực phẩm
Các chất phụ gia thực phẩm nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng thì sẽ có một số tác dụng tích cực như: tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng; giữ được chất lượng toàn vẹn của thực phẩm cho tới khi sử dụng; tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm hấp dẫn trên thị trường và kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm.
Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng liều lượng, chủng loại đặc biệt là sử dụng các chất phụ gia bị cấm hoặc kết hợp nhiều phụ gia trong quá trình chế biến có thể làm phát sinh những chất độc hại do phản ứng hóa học hay do tác động vật lý, thì không chỉ gây nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm như phá hủy các chất dinh dưỡng, vitamin… mà còn gây nhiều tác hại khôn lường cho sức khỏe con người như: gây ngộ độc cấp tính (nếu dùng quá liều cho phép); gây ngộ độc mạn tính (khi dùng liều lượng nhỏ, thường xuyên, liên tục, một số chất phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài); nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, quái thai, nhất là khi sử dụng các chất phụ gia tổng hợp…[4]
2. Thực trạng vi phạm pháp luật về sử dụng phụ gia thực phẩm ở Việt Nam
Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư số 27/2012/TT-BYT (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 08/2015/TT-BYT) về Hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm thì sử dụng phụ gia thực phẩm bao gồm hai nhóm hoạt động: (i) Sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu phụ gia thực phẩm; (ii) Sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa phụ gia thực phẩm. Do đó, các hành vi vi phạm trong sử dụng phụ gia thực phẩm có thể chia thành hai nhóm như sau:
2.1. Nhóm hành vi vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu phụ gia thực phẩm
– Sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng giả phụ gia thực phẩm: đường, bột ngọt, dầu ăn là các chất phụ gia thực phẩm thường bị làm giả ở Việt Nam,[5] số lượng vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều với khối lượng lên đến hàng tấn trong mỗi vụ việc. Đặc biệt thời gian gần đây, Trung Quốc đã phát hiện “muối giả” – là một loại muối dùng trong sản xuất công nghiệp chứa hàm lượng lớn nitơ độc hại nhưng lại được đóng gói dưới mác muối ăn cao cấp.[6] Điều này dẫn đến nguy cơ loại “muối giả” này có thể đã hoặc sắp xuất hiện ở Việt Nam.
– Vi phạm các qui định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm theo các yêu cầu quy định tại Thông tư số 15/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
– Nhập lậu phụ gia thực phẩm: nhu cầu sử dụng phụ gia thực phẩm ở Việt Nam rất lớn nhưng số sản phẩm phụ gia thực phẩm được sản xuất trong nước mới chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng lượng phụ gia thực phẩm tiêu thụ trên thị trường, hơn 90% còn lại phải nhập khẩu. Trong số này, chỉ một số ít nhập khẩu chính ngạch, còn lại là… nhập lậu.[7] Hậu quả của việc nhập lậu này là làm cho thị trường Việt Nam xuất hiện hàng loạt chất phụ gia thực phẩm trôi nổi, không hóa đơn chứng từ, không được kiểm định chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng… Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm ở Việt Nam.
– Kinh doanh phụ gia thực phẩmhết hạn sử dụng,[8] không có sổ sách ghi chép, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc phụ gia thực phẩm[9] (vi phạm Điều 4, 12 Thông tư số 16/2012/TT-BYT). Những hành vi vi phạm này xuất hiện tràn lan ở các khu “chợ hoá chất” (như chợ Kim Biên – Tp.HCM, chợ Ngọc Hà, Đồng Tâm – Hà Nội), phụ gia thực phẩm được bày bán trong các can nhựa hoặc túi nylon không nhãn mác, không có tên hóa chất, không có hướng dẫn sử dụng, nguồn gốc sản xuất ở đâu, sử dụng với hàm lượng bao nhiêu, hay dùng trong lĩnh vực gì… Điều này dẫn đến hậu quả phụ gia thực phẩm được bày bán có thể là các loại không nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng. Nghiêm trọng hơn, các loại phụ gia thực phẩm này lại được bày bán chung với các loại phụ gia công nghiệp (cũng không có nhãn mác) dẫn đến nguy cơ nhầm lẫn hóa chất rất cao. Trong khi đó, các loại phụ gia công nghiệp phần lớn đều là những chất có hại cho sức khỏe con người.
2.2. Nhóm hành vi vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa phụ gia thực phẩm
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 27/2012/TT-BYT thì trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm cần hạn chế tới mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; lượng phụ gia được sử dụng trong trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, bao gói và vận chuyển thực phẩm phải đảm bảo không làm thay đổi bản chất của thực phẩm và phải ghi nhãn phụ gia thực phẩm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Điều 3 Thông tư số 27/2012/TT-BYT cũng có quy định các hành vi bị cấm trong sử dụng phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế hành vi vi phạm trong lĩnh vực này rất phổ biến và mức độ khá nghiêm trọng. Cụ thể, có một số hành vi vi phạm phổ biến như:
-Sử dụng phụ gia thực phẩm không có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng:Theoquy định tại Phụ lục 1 Thông tư số 27/2012/TT-BYT thì Việt Nam cho phép sử dụng 400 loại phụ gia thực phẩm với một số công dụng như: phẩm màu, chất điều chỉnh độ acid, chất chống đông vón, chất làm rắn chắc, chất xử lý bột, chất ổn định, chất bảo quản, chất oxy hóa, chất nhũ hóa, chất ổn định, chất làm dày, chất tạo ngọt, chất điều vị… Đây là những phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu, thử nghiệm và được đánh giá là an toàn cho sức khỏe con người nếu sử dụng không vượt quá liều lượng cho phép. Do đó, việc sử dụng các phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục này là hết sức nguy hiểm cho sức khỏe con người, vì đó có thể là những chất đã bị cấm sử dụng do đã được chứng minh là gây ra bệnh tật hoặc có thể gây nguy hiểm cho con người, hoặc đó là những chất phụ gia chưa có kết luận thử nghiệm, chưa đảm bảo tính an toàn cho con người. Nguy hiểm hơn, trên thực tế còn phát hiện nhiều trường hợp dùng chất phụ gia công nghiệp để chế biến thực phẩm như các trường hợp dùng hóa chất nhuộm vải để nhuộm ruốc, dùng chất tẩy công nghiệp để tẩy trắng bún, phở… Đây có thể được xem là những hành vi đầu độc con người.
– Sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục nhưng vượt quá giới hạn cho phép: Phụ gia thực phẩm chỉ an toàn nếu được sử dụng trong hàm lượng cho phép. Do đó, Phụ lục II của Thông tư số 27/2012/TT-BYT Bộ Y tế đã quy định hàm lượng tối đa một chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng cho mỗi loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm. Việc lạm dụng phụ gia thực phẩm dẫn đến nhiều tác hại xấu cho sức khỏe như gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, ngộ độc mạn tính, các bệnh mạn tính hoặc ung thư, đột biến gen, quái thai… Ví dụ như phẩm màu tartrazine (chỉ làm tăng cảm quan, hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng) nếu hấp thụ vào cơ thể một lượng quá ngưỡng cho phép có thể có tác động xấu lên hoạt động và sự chú ý của trẻ em, phẩm màu tartrazine còn có liên quan với bệnh hen suyễn, gây phát ban da và đau nửa đầu. Một số nước trên thế giới hiện đã cấm sử dụng chất này. Còn phẩm màu brilliant blue có thể gây ra một số dị ứng ở một số người.[10]
– Sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng đối tượng thực phẩm:Phụ lục II Thông tư số 27/2012/TT-BYT quy định về hàm lượng tối đa của một chất phụ gia thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã xác định cụ thể từng loại phụ gia thực phẩm được phép sử dụng cho loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm nào. Điều này rất quan trọng vì mỗi loại phụ gia thực phẩm chỉ phát huy tác dụng và an toàn với một hoặc một số nhóm thực phẩm nhất định chứ không thể kết hợp với tất cả các loại thực phẩm và nếu kết hợp không đúng loại thực phẩm thì khả năng gây ra tác hại xấu cho sức khỏe con người là rất cao.
Một ví dụ điển hình cho hành vi vi phạm này là hiện nay có rất nhiều trường hợp sử dụng phụ gia thực phẩm để làm giả thực phẩm như biến thịt trâu thành thịt bò hoặc thịt lợn thành thịt bò nhằm lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính bằng cách thêm (20.000 đồng/kg) hóa chất sodium metalbisulfite – một loại phụ gia thực phẩm chỉ được sử dụng trong nhóm rau quả, tinh bột chứ không được phép dùng trong sản phẩm thịt nên dù cho thịt trâu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng sau khi được xử lý bằng chất cấm này sẽ gây nguy hại cho người dùng.[11]
– Sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng: việc sử dụng các loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hướng dẫn sử dụng hoặc quá hạn sử dụng là một điều vô cùng nguy hiểm. Thực tế hiện nay, việc sử dụng các loại phụ gia thực phẩm này hoàn toàn dựa theo lời quảng cáo công dụng của người bán hàng mà ngay bản thân người bán hàng cũng không có đủ chuyên môn để nắm được công dụng, tác hại của loại phụ gia đó, hoặc ngay cả bản thân người bán hàng cũng không dám sử dụng loại phụ gia thực phẩm đó vì biết chắc chúng độc hại với sức khỏe con người.[12]
– Sử dụng quá nhiều loại phụ gia thực phẩm cho một sản phẩm: Hành vi này thường thấy khi chế biến một sản phẩm mà chất lượng nguyên liệu không tốt hay dễ bị hư thì người ta sẽ cho phụ gia vào để đánh lừa người tiêu dùng. Chẳng hạn hạt bắp rang đen rồi xay, cho thêm màu caramel, hương cà phê, chất tạo đắng, chất tạo độ dính, chất chống mốc, chất chống vón… là có ngay sản phẩm cà phê hấp dẫn mà không cần có hạt cà phê. Hoặc các sản phẩm làm từ thịt, chỉ cần cho thêm hương thịt là có ngay sản phẩm “đầy” thịt… Điều này gây hậu quả là người tiêu dùng phải sử dụng thực phẩm không hề chứa hàm lượng chất dinh dưỡng nào mà toàn chứa chất phụ gia, mặt khác còn có thể gây hại cho sức khỏe nếu xảy ra phản ứng hóa học giữa các chất phụ gia đó.[13]
3. Nguyên nhân tồn tại thực trạng vi phạm sử dụng phụ gia thực phẩm
Thực trạng vi phạm pháp luật trong sử dụng phụ gia thực phẩm tại Việt Nam xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu dưới đây:
3.1. Chưa kiểm soát được việc mua bán hóa chất (trong đó có phụ gia thực phẩm) dẫn đến tình trạng mua bán tràn lan
Trên thực tế hiện nay, việc mua bán hóa chất trong đó có phụ gia thực phẩm ở Việt Nam đã vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan nhà nước. Điển hình như tại Thành phố Hồ Chí Minh, chợ hóa chất Kim Biên (quận 5) được mệnh danh là “chợ tử thần”, bởi vì các loại hóa chất, đặc biệt là các loại phụ gia thực phẩm (độc hại và không độc hại) được bày bán công khai, tràn lan, không nhãn mác, không xuất xứ, để lẫn lộn với các hóa chất công nghiệp và bất cứ ai cũng có thể dễ dàng mua được các loại hóa chất này. Thực trạng mua bán hóa chất tràn lan không chỉ tồn tại ở Thành phố Hồ Chí Minh mà hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều đối mặt với vấn đề này.
Mặt khác, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, việc mua bán hóa chất – phụ gia thực phẩm không chỉ tràn lan ở các chợ truyền thống mà còn lan nhanh trên các mạng xã hội, chỉ cần đặt hàng thì hóa chất sẽ được giao đến tận nơi, cũng phong phú, đa dạng về chủng loại và không rõ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như tính nguy hại của chúng đối với sức khỏe.
3.2. Biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe hành vi vi phạm
3.2.1. Xử phạt vi phạm hành chính
Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm chủ yếu đang được điều chỉnh bởi hai nghị định sau:
(i) Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP) quy định về việc xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu phụ gia thực phẩm, cụ thể:
– Đối với hành vi sản xuất phụ gia thực phẩm giả không có giá trị sử dụng, công dụng[14] thì mức tiền phạt cụ thể phụ thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả đối với hàng thật, nhưng tối đa là 120 triệu/ cá nhân, 240 triệu/ tổ chức; hành vi buôn bán phụ gia thực phẩm giả không có giá trị sử dụng, công dụng[15] thì mức tiền phạt cụ thể phụ thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả đối với hàng thật, nhưng tối đa là 100 triệu/ cá nhân, 200 triệu/ tổ chức;
– Đối với hành vi sản xuất phụ gia thực phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa[16] thì mức tiền phạt cụ thể phụ thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả đối với hàng thật, nhưng tối đa là 90 triệu/ cá nhân, 180 triệu/ tổ chức; hành vi buôn bán phụ gia thực phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa[17] thì mức tiền phạt cụ thể phụ thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả đối với hàng thật, nhưng tối đa là 60 triệu/ cá nhân, 120 triệu/ tổ chức;
– Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu[18] thì mức tiền phạt cụ thể phụ thuộc vào giá trị tương đương của hàng nhập lậu, nhưng tối đa là 100 triệu/ cá nhân, 200 triệu/ tổ chức;
– Đối với hành vi kinh doanh phụ gia thực phẩm quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; kinh doanh phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì mức tiền phạt cụ thể phụ thuộc vào giá trị hàng hoá vi phạm, nhưng tối đa là 80 triệu/ cá nhân, 160 triệu/ tổ chức[19] ;
– Hình thức xử phạt bổ sung đối với những hành vi này chủ yếu là tịch thu tang vật, phương tiện, đình chỉ hoạt động tối đa 24 tháng và chỉ tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
(ii) Nghị định số 178/2013/NĐ-CPngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩmchủ yếu quy định việc xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa phụ gia thực phẩm. Cụ thể, Điều 6 Nghị định số 178/NĐ-CP quy định:
– Hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá giới hạn cho phép thì chỉ phạt tối đa 5 triệu đồng/ cá nhân, 10 triệu đồng/ tổ chức và không có hình phạt bổ sung; hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng chỉ phạt tối đa 20 triệu đồng/ cá nhân, 40 triệu đồng/ tổ chức; hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng chỉ phạt tối đa 30 triệu đồng/ cá nhân, 60 triệu/ tổ chức;
– Hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng chỉ phạt tối đa 40 triệu đồng/ cá nhân, 80 triệu đồng/ tổ chức; hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ chỉ phạt tối đa 50 triệu đồng/ cá nhân, 100 triệu đồng/ tổ chức; hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại chỉ phạt tối đa 100 triệu/ cá nhân, 200 triệu đồng/ tổ chức. Nếu tiền phạt thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm thì tiền phạt bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi này.
– Về hình thức xử phạt bổ sung, thì đối với các hành vi này thời hạn đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm là không quá 6 tháng.
Những quy định trên cho thấy hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong sử dụng phụ gia thực phẩm là quá nhẹ so với mức độ nguy hiểm của hành vi gây ra cho an toàn tính mạng và sức khỏe con người. Mức tiền phạt còn quá thấp so với khoảng lợi bất chính thu được, vì vậy chưa đủ sức răn đe với các chủ thể vi phạm và chưa đủ sức ngăn ngừa các hành vi vi phạm mới.
3.2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) (BLHS năm 1999) thì rất khó truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm trong sử dụng phụ gia thực phẩm, bởi BLHS năm 1999 chỉ mới điều chỉnh các hành vi phạm tội liên quan đến thực phẩm, cụ thể như: Điều 244 quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, Điều 157 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả đối với thực phẩm. Trong khi đó, phụ gia thực phẩm không phải là thực phẩm. Cũng có nhiều vụ việc đã được truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng gây ra nhiều tranh cãi hoặc cùng một hành vi nhưng mỗi nơi xử lý khác nhau. Điển hình như cùng một hành vi làm giả bột ngọt, nhưng có nơi xử lý hình sự về tội sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm (Điều 157 BLHS năm 1999) với mức phạt tù 2-7 năm; có nơi lại xử lý hình sự về tội sản xuất hàng giả (Điều 156 BLHS năm 1999) với mức phạt nhẹ hơn (phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm và chỉ áp dụng với giá trị hàng hóa đủ lớn).[20] Thế nên khi phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, các cơ quan chức năng thường chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính.
3.2.3. Ý thức của người dân
Do việc sử dụng phụ gia thực phẩm đem lại nhiều lợi ích như tạo cho sản phẩm có màu sắc, mùi vị khác nhau, thơm ngon hơn, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, đáp ứng được khẩu vị, sở thích của người tiêu dùng và đặc biệt là đem lại lợi nhuận cao nên ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức bất chấp đạo đức kinh doanh và sức khỏe cộng động lạm dụng các chất phụ gia thực phẩm, thậm chí còn có nhiều trường hợp sử dụng chất phụ gia công nghiệp (rất độc hại) để chế biến sản phẩm, làm cho tình hình an toàn thực phẩm ở Việt Nam rơi vào tình trạng báo động nghiêm trọng.
Hiện nay, việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm rất phổ biến đặc biệt là các hoạt động chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ, nhưng vì lợi nhuận nên người dùng thường chỉ quan tâm đến tác dụng của chất phụ gia mà không quan tâm (hoặc cố tình không quan tâm) đến tác hại của các chất phụ gia. Mặt khác, do hàng hóa thường không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nên người dùng chỉ biết tác dụng của chất phụ gia thông qua lời giới thiệu của người bán và nhiều trường hợp người bán cũng không biết hoặc không nói tác hại của chất phụ gia đó. Bên cạnh đó, tác hại của các chất phụ gia đối với sức khỏe con người thường diễn biến âm thầm, kéo dài theo dạng tích tụ dần dần, hậu quả thường không xảy ra ngay lập tức nên người bán và người dùng thường không quan tâm đến vấn đề này.
4. Giải pháp kiểm soát thực trạng vi phạm sử dụng phụ gia thực phẩm
Với thực trạng và những nguyên nhân chủ yếu nêu trên, tác giả thiết nghĩ, cần phải áp dụng một số giải pháp cụ thể như sau:
– Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh phụ gia thực phẩm, đặc biệt cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh phụ gia thực phẩm và thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ (quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thực phẩm). Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 Hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP thì Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm. Theo quy định tại Điều 14, 15 Thông tư số 16/2012/TT-BYT thì việc kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế (trong đó có phụ gia thực phẩm) chỉ thực hiện:
(i) Không quá hai lần/ năm đối với cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở có cả giấy chứng nhận GMP, HACCP, ISO 22000 và tương đương của cơ quan có thẩm quyền cấp.
(ii) Không quá ba lần/ năm đối với cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
(iii) Không quá bốn lần/ năm đối với các cơ sở không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Còn việc kiểm tra đột xuất chỉ được tiến hành nếu xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm, sự cố an toàn thực phẩm liên quan, các đợt kiểm tra cao điểm theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Với tình hình báo động về an toàn thực phẩm như hiện nay thì tần suất kiểm tra định kỳ như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm soát các hành vi vi phạm trong sử dụng phụ gia thực phẩm. Vì vậy cần phải tăng tần suất kiểm tra để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của những đối tượng này. Đồng thời nên tăng cường công tác kiểm tra đột xuất với mục tiêu phòng ngừa vi phạm chứ không để xảy ra vi phạm, báo chí phản ánh rầm rộ thì cơ quan chức năng mới vào cuộc thanh tra, kiểm tra.
– Về xử phạt vi phạm hành chính: các hành vi vi phạm trong sử dụng phụ gia thực phẩm không khác gì các hành vi đầu độc con người bằng hóa chất, với thủ đoạn ngày càng tinh vi và mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Do đó, cần phải nâng mức tiền xử phạt sao cho tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi, đồng thời phải cao hơn khoản tiền bất chính thu được, có như vậy thì mới khắc phục được tình trạng vì lợi nhuận mà bất chấp tính mạng, sức khỏe người dân. Đồng thời, nên bổ sung hình thức đình chỉ vĩnh viễn đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP thì trong hầu hết các trường hợp vi phạm nêu trên, chủ thể vi phạm đều bị buộc tiêu hủy tang vật vi phạm, nhưng lại không buộc tiêu hủy đối với tang vật vi phạm trong trường hợp sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá giới hạn cho phép. Thiết nghĩ cần phải thay đổi quy định này theo hướng buộc phải tiêu hủy tang vật vi phạm trong tất cả các trường hợp vì thực phẩm có chứa chất phụ gia vượt quá hàm lượng cho phép cũng gây tác hại nguy hiểm cho sức khỏe con người không kém các trường hợp vi phạm còn lại.
– Xử lý nghiêm về hình sự đối với các hành vi vi phạm: Để khắc phục hạn chế của BLHS năm 1999, BLHS năm 2014 đã có quy định rõ đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm tại Điều 193 với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân; Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó có hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm tại Điều 317 với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Như vậy, cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi trong lĩnh vực này đã rõ ràng, vấn đề còn lại là cần xử lý nghiêm minh đối với loại tội phạm này.
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân về tác hại của chất phụ giađối với sức khỏe con người khi sử dụng không đúng loại, vượt quá hàm lượng cho phép. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, bổ sung quy định về hàm lượng tối đa khi sử dụng kết hợp các loại phụ gia thực phẩm. Hiện nay pháp luật chỉ mới quy định hàm lượng tối đa của từng chất phụ gia thực phẩm khi sử dụng đơn lẻ tại Phụ lục II Thông tư số 27/2012/TT-BYT. Tuy nhiên, trên thực tế, một thực phẩm thường được dùng kết hợp nhiều loại phụ gia khác nhau và trong quá trình kết hợp rất có thể phát sinh những chất độc hại do phản ứng hóa học hay do tác động vật lý.[20] Do đó, Bộ Y tế cần nghiên cứu và bổ sung thêm quy định về tổng hàm lượng các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, cũng như quy việc về việc loại phụ gia nào được kết hợp và không được kết hợp với nhau.
– Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thông báo công khai danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn sản phẩm an toàn; có biện pháp khuyến khích các cá nhân, tổ chức mạnh dạn đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Tóm lại, một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thực phẩm trong giai đoạn hiện nay là xuất phát từ những hành vi vi phạm trong sử dụng phụ gia thực phẩm. Do đó kiểm soát được việc sử dụng phụ gia thực phẩm, hạn chế được các hành vi vi phạm chính là góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.
CHÚ THÍCH
* ThS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Thương Mại, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] .http://www.fao.org/docrep/005/y2200e/y2200e07.htm
[2] Khoản 13 Điều 3 Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
[3] Nguyễn Bình Minh, “Những điều cần biết về chất phụ gia thực phẩm”,http://soyte.binhduong.gov.vn/soyte/index.php/ve-sinh-an-toan-thuc-pham/thong-tin-moi/867-nhng-iu-cn-bit-v-cht-ph-gia-thc-phm, truy cập ngày 17/6/2016.
[4] Đàm Văn Bút, “Phổ biến kiến thức về vấn đề chất phụ gia trong bảo quản chế biến thực phẩm”,http://www.thainguyen.gov.vn/wps/portal/attp/detail?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/web+content/sites/sub_sites/chicucatvstp/atvstp_pbkt/a15d788045e57bb9ac4ceddc14cac119, truy cập ngày 17/6/2016.
[5] A Lộc, “Thêm cơ sở kinh doanh bột ngọt giả nhãn hiệu”,.http://tuoitre.vn/chu-de/bot-ngot-gia/76975.html, truy cập ngày 17/6/2016.
[6] Hà Triệu, “Sau“thịt xác chết”, Trung Quốc thu giữ 20.000 tấn muối “giả””, http://anninhthudo.vn/su-kien/sau-thit-xac-chet-trung-quoc-thu-giu-20000-tan-muoi-gia/619557.antd, truy cập ngày 17/6/2016.
[7] Duy Tiến, “Phần lớn phụ gia thực phẩm là nhập lậu”, http://anninhthudo.vn/moi-truong/phan-lon-phu-gia-thuc-pham-la-nhap-lau/461759.antd, truy cập ngày 16/6/2016.
[8] Lê Sơn, “Phát hiện một lượng “khủng” phụ gia thực phẩm quá đát”, http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160415/phat-hien-mot-luong-khung-phu-gia-thuc-pham-qua-dat/1084609.html, truy cập 16/6/2016.
[9] VOV.VN, “Phát hiện cơ sở sản xuất phụ gia thực phẩm giả giữa trung tâm Hà Nội”,http://vov.vn/an-sach-song-khoe/phat-hien-co-so-san-xuat-phu-gia-thuc-pham-gia-giua-trung-tam-ha-noi-500498.vov, truy cập ngày 14/6/2016.
[10] H.Nga, “Xử phạt một hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm “trộn” hóa chất phụ gia độc hại””, http://cand.com.vn/doi-song/Xu-phat-mot-ho-kinh-doanh-che-bien-thuc-pham-tron-hoa-chat-phu-gia-doc-hai-389623/, truy cập ngày 12/6/2016.
[11] Ngọc Ánh, “Biến thịt trâu thành thịt bò bằng chất cấm”,http://nld.com.vn/kinh-te/bien-thit-trau-thanh-thit-bo-bang-chat-cam-20160107221146948.htm, truy cập ngày 12/6/2016.
[12] Ngô Đồng, “Sử dụng phụ gia thực phẩm quá hạn, một cơ sở bị phạt hơn 35 triệu đồng”,http://congan.com.vn/doi-song/thong-tin-tieu-dung/su-dung-phu-gia-thuc-pham-qua-han-mot-co-so-bi-phat-hon-35-trieu-dong_20316.html, truy cập ngày 12/6/2016.
[13] Trần Văn Ký, “Hiểm họa ung thư từ thực phẩm chứa phụ gia”, http://plo.vn/suc-khoe/hiem-hoa-ung-thu-tu-thuc-pham-chua-phu-gia-621562.html,.truy cập ngày 12/6/2016.
[14] Điều 12 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
[15] Điều 11 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
[16] Điều 14 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
[17] Điều 13 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
[18] Điều 17 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
[19] Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
[20] Trần Minh Hùng, ““Đầu độc” bằng thực phẩm và phụ gia giả có thể bị tù chung thân”,http://baochinhphu.vn/Gop-y-Hien-ke/Dau-doc-bang-thuc-pham-va-phu-gia-gia-co-the-bi-tu-chung-than/248344.vgp, truy cập ngày 10/6/2016.
[21] Trần Văn Ký, “Hiểm hoạ ung thư từ thực phẩm chứa phụ gia”,.http://plo.vn/suc-khoe/hiem-hoa-ung-thu-tu-thuc-pham-chua-phu-gia-621562.htmltruy cập ngày 12/6/2016.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(103)/2016 – 2016, Trang 51-59
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời