Mục lục
Quy phạm pháp luật hành chính là gì? Phân loại và thực hiện quy phạm pháp luật hành chính?
- Phân tích hình thức áp dụng quy phạm pháp luật hành chính
- Quy phạm pháp luật là gì? Các đặc điểm của quy phạm pháp luật?
- Phân tích cơ cấu của quy phạm pháp luật
- Ý nghĩa của từng bộ phận trong cơ cấu quy phạm pháp luật
- [PHÂN BIỆT] Các hình thức quản lý hành chính nhà nước
- Ưu điểm và hạn chế của các loại nguồn của pháp luật
- Nguồn của pháp luật là gì? Các loại nguồn của pháp luật?
- Bàn về khái niệm nguồn của Luật Hình sự Việt Nam
- Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Luật Hành chính Việt Nam
- Tại sao Luật Hành chính là ngành luật về quản lý nhà nước
1. Khái niệm quy phạm pháp luật hành chính
Trong quản lý hành chính nhà nước các chủ thể quản lý hành chính nhà nước sử dụng các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ quản lý nảy sinh trong thực tiễn quản lý hành chính nhà nước.
Là một yếu tố cơ bản tạo nên ngành Luật Hành chính Việt Nam, quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam là công cụ pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ quản lý phát sinh trong lĩnh vực chấp hành – điều hành.
1.1. Quy phạm pháp luật hành chính là gì?
Từ quan niệm về quy phạm pháp luật nói chúng có thể định nghĩa quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam như sau: Quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật, dó các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước.
Là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật nên quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam cũng giống như các quy phạm pháp luật khác có tính bắt buộc chung, do các các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền ban hành, được áp dụng nhiều lần trong cuộc sống cho đến khi bị bãi bỏ và được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế của Nhà nước.
1.2. Phân biệt quy phạm pháp luật hành chính với các quy phạm pháp luật khác
Vì là phương tiện chuyên điều chỉnh các quan hệ quản lý phát sinh trong hoạt động chấp hành và điều hành nên quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam có những điểm khác biệt sau:
– Nội dung cơ bản của quy phạm pháp luật chính là thẩm quyền của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước, như thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các cấp, thẩm quyền của bộ trưởng; địa vị pháp lý của các chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam, như quyền và nghĩa vụ của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cá nhân, tổ chức trong quan hệ quản lý hành chính nhà nước về việc cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cá nhân, tổ chức đó; và thủ tục hành chính cần thiết cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên trong quan hệ quản lý hành chính nhà nước, như thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh, thủ tục đăng ký kết hôn, thủ tục khiếu nại, tố cáo; các biện pháp khen thưởng và các biện pháp cưỡng chế hành chính đổi với các đối tượng quản lý hành chính nhà nước trong các trường hợp cần thiết, như các hình thức xử phạt bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật phương tiện vi phạm, các hình thức khen thưởng đối với cán bộ, công chức như: Giấy khen, bằng khen…
– Quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam do nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành trong hệ thống các cơ quan nhà nước, như: Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, bộ trưởng, Ủy ban nhân dân các cấp, Hội đồng nhân dân các cấp, hội đồng thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong đó, các cơ quan hành chính nhà nước là chủ thể ban hành quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam với số lượng lớn.
– Các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam tạo thành hệ thống quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam thống nhất với một trật tự nghiêm ngặt về thứ bậc hiệu lực pháp lý. Đặc điểm này là yếu tố quan trọng bảo đảm sự vận hành thông suốt và thống nhất của bộ máy quản lý hành chính nhà nước, đảm bảo trật tự kỷ cương trong quản lý hành chính nhà nước.
1.3. Nguyên tắc của hệ thống quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam
Hệ thống quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam có tính thống nhất khi tuân thủ các nguyên tắc sau:
+ Các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam do cơ quan hành chính nhà nước ban hành phải không trái với các quy phạm pháp luật của cơ quan quyền lực cùng cấp. Ví dụ, quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam do Chính phủ ban hành không trái với quy phạm pháp luật của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
+ Các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam do cơ quan nhà nước cấp dưới, cấp địa phương ban hành phải trên cơ sở và không trái với quy phạm của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên, cấp Trung ương, ví dụ như quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trên cơ sở và không trái với quy phạm hành chính của Chính phủ.
+ Các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam của cơ quan cấp bộ ban hành phải trên cơ sở và không trái với quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam của Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải được ban hành trên cơ sở và không trái với Nghị định của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
+ Các quy phạm pháp luật hành chính do cá nhân -người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành phải trên cơ sở và không trái với quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam của tập thể cơ quan hành chính nhà nước đó. Ví dụ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải trên cơ sở và không trái với nghị định của Chính phủ.
2. Phân loại quy phạm pháp luật hành chính
Phân loại quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan, trọng trong công tác hệ thống hóa và pháp điển hóa quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện pháp luật nhất là trong hoạt động áp dụng pháp luật. Việc phân loại bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng đều phải dựa vào các tiêu chí khác nhau. Tùy theo yêu cầu về nhận thức thực tiễn cũng như về kỹ thuật có thể xác định các tiêu chí phân loại như sau:
2.1. Căn cứ vào chủ thể ban hành
Căn cứ vào chủ thể ban hành, bao gồm:
– Quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam do các cơ quan quyền lực nhà nước ban hành như: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
– Quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam do Chủ tịch nước ban hành.
– Quy phạm hành chính do các chủ thể trong các cơ quan hành chính nhà nước ban hành: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.
– Quy phạm hành chính do các chủ thể trong các cơ quan tư pháp ban hành: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Quy phạm hành chính do các cơ quan nhà nước phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương ban hành.
Ví dụ: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ban hành quyết định hành chính liên tịch về vấn đề việc làm của thanh niên.
2.2. Căn cứ vào tính chất của các mối quan hệ quản lý
Căn cứ vào tính chất của các mối quan hệ quản lý, gồm có:
– Quy phạm hành chính nội dung: Là những quy phạm xác định trực tiếp địa vị pháp lý của các bên chủ thể trong quan hệ hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Như, quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính của chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam quy định về nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt hành chính trong thời hạn nhất định.
– Quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam thủ tục: Là những quy phạm xác định trình tự, cách thức thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Như, quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam quy định về thủ tục xử phạt hành chính; quy phạm quy định về thủ tục giải quyết khiếu nại trong quản lý hành chính.
3. Thực hiện quy phạm pháp luật hành chính
Thực hiện quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam thực chất là biến những khả năng, yêu cầu của pháp luật thành hiện thực trong cuộc sống. Pháp luật sẽ trở nên không có ý nghĩa nếu không được thực hiện trong thực tiễn. Điều này cũng khẳng định xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật là hai hoạt động song song và tồn tại.
Việc thực hiện quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam được tiến hành theo nhiều hình thức khác nhau như: Tuân thủ, chấp hành, áp dụng, sử dụng. Song hai hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam phổ biến nhất là chấp hành quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam và áp dụng quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam.
3.1. Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam
Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam là việc các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng những hành vi theo quy định của pháp luật hành chính Việt Nam hiện hành. Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam thường thể hiện ở các trường hợp sau:
– Thực hiện đúng các hành vi mà quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam buộc phải thực hiện như, Luật Giao thông đường bộ quy định: Người điều khiển xe máy và ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Thực hiện đúng hành vi này nghĩa là mỗi khi cá nhân điều khiển xe máy tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm.
– Không thực hiện những hành vi mà quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam ngăn cấm như, quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam tại Luật Giao thông đường bộ quy định cá nhân khi điều khiển phương tiện giao thông không được đi ngược chiều đường một chiều. Chấp hành quy phạm này mỗi cá nhân khi tham gia giao thông nhìn thấy biển báo đường ngược chiều thì không điều khiển phương tiện giao thông vào đường ấy.
– Thực hiện các hành vi trong giới hạn mà các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam quy định. Điều 29, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đối năm 2008 quy định chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành chính với mức phạt tiền tới 30 triệu đồng. Như vậy, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ có thể ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với cá nhân vi phạm hành chính có mức phạt tiền không quá 30 triệu đồng.
3.2. Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam
Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam là việc cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam hiện hành để giải quyết các công việc cụ thể phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước.
Ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào các quy phạm pháp luật hiện hành để cấp giấy chứng nhận kết hôn cho anh A và chị B.
Hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam được thực hiện bởi nhiều chủ thể có thẩm quyền khác nhau. Do hệ quả của việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam rất dễ xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức nếu chủ thể có thẩm quyền áp dụng không đúng quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam. Nên khi áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam cán bộ, công chức cần phải tuân thủ các yêu cầu sau:
– Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam phải đúng mục đích và nội dung. Mục đích của quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam là ý nghĩa xã hội của việc áp dụng quy phạm pháp luật, còn nội dung của quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam là yêu cầu về tính pháp lý khi áp dụng quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam.
Ví dụ: Khoản b, Điều 6, Nghị định 87/NĐ-CP ngày 21/11/2001 quy định: Phạt tiền từ 50 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng đối với người có hành vi tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến độ tuối kết hôn. Mục đích của việc áp dụng quy phạm này là hướng tới bảo đảm việc kết hôn đúng độ tuối mà Luật Hôn nhân và gia đình quy định, từ đó giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân. Nội dung của quy phạm này đòi hỏi khi áp dụng người có thẩm quyền phải xử phạt trong mức phạt đã quy định. Điều đó, đòi hỏi khi áp dụng quy phạm này người có thẩm quyền xử phạt hành chính phải cân nhắc mức phạt tiền sẽ áp dụng để vừa đảm bảo mục đích cũng như nội dung của quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam đó.
– Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam phải được thực hiện bởi chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Ủy ban nhân dân huyện X ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông A (chuyên viên thuộc Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn) là vi phạm thẩm quyền. Bởi căn cứ vào Luật Cán bộ, công chức thì thầm quyền ban hành quyết định kỷ luật cán bộ, công chức phải thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện X chứ không phải Ủy ban nhân dân huyện X.
– Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam phải được thực hiện đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Ví dụ: Theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu bao gồm: Thụ lý, đối thoại, xác minh thu thập tài liệu, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Nhưng khi giải quyết khiếu nại người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại mà không tiến hành thủ tục đối thoại. Trong trường hợp này quyết định giải quyết khiếu nại là không hợp pháp vì việc áp dụng giải quyết khiếu nại đã không tuân thủ thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu.
– Áp dụng quy phạm phạm pháp luật hành chính Việt Nam phải được thực hiện trong thời hạn, thời hiệu do pháp luật quy định.
Ví dụ: Điều 56, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn ban hành quyết định xử phạt hành chính là 10 ngày kể từ ngày lập biên bản. Như vậy, nếu quá 10 ngày kể từ-ngày lập biên bản vi phạm hành chính người có thẩm quyền không ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Điều 10, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 quy định: Thời hiệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng là 2 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Quy định này đặt ra yêu cầu đối với người có thẩm quyền xử phạt hành chính: chỉ ban hành quyết định xử phạt hành chính khi còn thời hiệu xử phạt hành chính theo Điều 10 của Pháp lệnh.
– Kết quả của hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam phải được, trả lời, công khai, chính thức bằng văn bản (trừ trường hợp có quy định khác). Quy định này buộc các chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thông báo tới người khiếu nại về việc thụ lý hay không thụ lý đơn khiếu nại bằng văn bản.
Like fanpage Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu
Trả lời