Mục lục
Quan hệ pháp luật hành chính là gì? Đặc điểm và phân loại quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam?
- Quan hệ pháp luật là gì? Các đặc điểm của quan hệ pháp luật?
- [SO SÁNH] Phân biệt quan hệ pháp luật với quan hệ xã hội khác
- Phân tích khái niệm quan hệ pháp luật hành chính. Cho ví dụ minh họa về một quan hệ pháp luật hành chính?
- Phân tích khái niệm chủ thể quan hệ pháp luật?
- Phân tích khái niệm khách thể của quan hệ pháp luật
- Phân tích năng lực chủ thể quan hệ pháp luật hành chính
- Phân tích đặc điểm giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ hành chính
- Phân tích khái niệm nội dung quan hệ pháp luật
- Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Luật Hành chính Việt Nam
- Nguồn của pháp luật là gì? Các loại nguồn của pháp luật?
1. Quan hệ pháp luật hành chính là gì?
Các quan hệ xã hội trong quản lý hành chính nhà nước được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam là các quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Có nhiều quan niệm khác nhau về quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam như: Quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là hình thức pháp lý của quan hệ quản lý xuất hiện trên cơ sở sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam đối với quan hệ đó, mà các bên tham gia quan hệ (chủ thể) mang những quyền và nghĩa vụ pháp lý do quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam tương ứng đã dự kiến trước.
Tuy nhiên, từ quan niệm về quan hệ pháp luật nói chung, chúng ta có thể quan niệm về quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam như sau:
Quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là một dạng cụ thể của quan hệ pháp luật – là quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam giữa hai chủ thể mang quyền và nghĩa vụ đối nhau theo quy định của pháp luật hành chính Việt Nam.
2. Đặc điểm quan hệ pháp luật hành chính
Quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam mang đặc điểm chung của quan hệ pháp luật như: Đều là quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi quy phạm pháp luật, quyền và nghĩa vụ pháp lý của hai bên chủ thể tương ứng với nhau, bên cạnh đó quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam còn có những đặc điểm riêng.
2.1. Đặc điểm thứ nhất: Quyền và nghĩa vụ của hai bên chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam luôn gắn với hoạt động chấp hành – điều hành
Các quan hệ xã hội phát sinh khi các cơ quan nhà nước, các cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước chính là các quan hệ quản lý hành chính nhà nước. Bản chất của những quan hệ này là quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam bởi chúng được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam.
Việc điều chỉnh đối với các quan hệ quản lý hành chính nhà nước vừa nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội khi tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Đây chính là lý do để khẳng định quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam luôn gắn với hoạt động quản lý hành chính nhà nước hay còn gọi là hoạt động chấp hành – điều hành.
Ví dụ: Quan hệ quản lý hành chính nhà nước giữa Ủy ban nhân dân huyện X với công dân A về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong quan hệ pháp luật này quyền của Ủy ban nhân dân huyện là việc quyết định cấp hay không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân A theo quy định của Luật Đất đai hiện hành và các quy phạm pháp luật khác có liên quan. Quyền của công dân A là được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đai thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ của Ủy ban nhân dân huyện X là phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân A khi đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật và nghĩa vụ pháp lý của công dân A là phải thực hiện đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như: Có đơn, biên lai nộp thuế, giấy tờ chứng minh quyền hợp pháp, các loại giấy tờ khác có liên quan… Tổng thể quyền và nghĩa vụ pháp lý của Ủy ban nhân dân huyện X và công dân A trong quan hệ này đều gắn với hoạt động quản lý hành chính nhà nước về đất đai của Ủy ban nhân dân huyện X. Những quyền,và nghĩa vụ pháp lý này phát sinh từ việc chấp hành và điều hành (việc tổ chức chỉ đạo thực hiện) Luật Đất đai và các quy phạm pháp luật khác có liên quan của Ủy ban nhân dân huyện X.
2.2. Đặc điểm thứ hai: Một bên chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam được sử dụng quyền lực nhà nước
Đây là chủ thể có quyền áp đặt ý chí của mình đối với chủ thể bên kia của quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Như vậy, một quan hệ nào đó được xác định là quan hệ quản lý hành chính nhà nước phải có một bên là chủ thể quản lý và bên còn lại là đối tượng quản lý. Tính chất chung của chủ thể quản lý là được sử dụng quyền lực nhà nước và có quyền áp đặt ý chí của mình đối với đối tượng quản lý khi tiến hành quản lý hành chính nhà nước. Xét ở góc độ quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam thì chủ thể quản lý hành chính nhà nước là chủ thể bắt buộc hay còn gọi là chủ thể đặc biệt còn đối tượng quản lý là chủ thể tham gia hay còn gọi là chủ thể thường trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Đương nhiên, chủ thể quản lý hành chính nhà nước trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là bên đại diện cho Nhà nước và đối tượng quản lý là các cá nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam, bằng việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý do pháp luật hành chính Việt Nam quy định. Trở lại ví dụ quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam giữa Ủy ban nhân dân huyện X với công dân A về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh đặc trưng này. Trong quan hệ này Ủy ban nhân dân huyện X là chủ thể quản lý, chủ thể được sử dụng quyền lực nhà nước để áp đặt ý chí của mình trong việc cấp hay không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân A. Dù việc cấp hay không cấp giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân huyện X là hợp pháp hay không hợp pháp thì ngay sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân huyện X sẽ xác định công dân có quyên sử dụng đất hay không có quyền sử dụng đất. Điều này biểu hiện rõ nét quyền áp đặt ý chí của Ủy ban nhân dân huyện X trong tư cách là chủ thể quản lý đối với công dân A là đối tượng quản lý. Ở một góc độ khác biểu hiện này còn thể hiện sự bất bình đẳng về ý chí giữa hai chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Việc này hoàn toàn không xảy ra trong quan hệ pháp luật dân sự.
2.3. Đặc điểm thứ ba: Quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam có thể phát sinh do yêu cầu hợp pháp của cả hai bên chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam
Nếu yếu tố thỏa thuận là bắt buộc để hình thành quan hệ pháp luật dân sự thì thỏa thuận giữa hai bên chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam lại không phải là điều kiện bắt buộc để hình thành quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam.
Trong quản lý hành chính nhà nước, hoạt động quản lý nhà nước được duy trì không đơn thuần từ phía các chủ thể quản lý. Thẩm quyền của các chủ thể quản lý nhà nước chỉ có thể được triển khai khi có sự phối hợp tham gia của đối tượng quản lý hành chính nhà nước. Vì thế, hoạt động quản lý hành chính nhà nước chỉ thực sự được thực hiện khi chủ thể quản lý hành chính nhà nước có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn mà pháp luật quy định và đối tượng quản lý có ý thức thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình để tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Như vậy, chỉ cần một bên chủ thể quản lý hành chính nhà nước hoặc đối tượng quản lý có yêu cầu hợp pháp là đã có thể làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam mà không cần phải có sự đồng ý hay thỏa thuận của phía bên kia.
Ví dụ: Việc thực hiện thẩm quyền của chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện về ban hành quyết định điều động đối với công chức A từ phòng nông nghiệp sang phòng nội vụ. Ngay sau khi chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ký quyết định này đã làm phát sinh quan hệ hành chính mới giữa Ủy ban nhân dân huyện với công chức A là chuyên viên phòng nội vụ mà không phụ thuộc vào việc công chức A có đồng ý hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp A không đồng tình với quyết định điều động của chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện X thì A làm đơn khiếu nại đến chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện X. Kể từ thời điểm tiếp nhận đơn khiếu nại của A quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam đã phát sinh giữa chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện X với công chức A về khiếu nại trong quản lý hành chính nhà nước mà không cần có sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện X. Đương nhiên, trong trường hợp này việc ra quyết định điều động và việc làm đơn khiếu nại đều là những yêu cầu hợp pháp theo quy định của pháp luật hành chính Việt Nam.
2.4. Đặc điểm thứ tư: Phần lớn các tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam (tranh chấp hành chính) được giải quyết theo thủ tục hành chính
Trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam, khách thể hướng tới của các bên trong quan hệ không phải là quyền và lợi ích của các bên mà là quyền và lợi ích của Nhà nước, tập thể dung hòa với quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Bởi vậy, trong hầu hết các quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam khi đối tượng quản lý cho rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại, không được bảo đảm, họ sẽ làm đơn khiếu nại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khiếu nại chính là biểu hiện của sự bất đồng về quyền và lợi ích giữa hai chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Khiếu nại cũng là sự kiện pháp lý làm phát sinh tranh chấp hành chính giữa chủ thể quản lý hành chính và đối tượng quản lý. Theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 thì đối tượng của khiếu nại là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính. Hầu hết các trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân, tổ chức được giải quyết theo thủ tục giải quyết khiếu nại do Luật Khiếu nại năm 2011 quy định, thủ tục này là thủ tục hành chính. Tuy nhiên, với mục đích hướng tới một xã hội công dân và nhằm đảm bảo tính khách quan trong giải quyết tranh chấp hành chính, theo quy định của pháp luật hiện hành một số tranh chấp hành chính được giải quyết theo thủ tục hành chính kết hợp với thủ tục tố tụng hành chính. Ví dụ: Hầu hết quyết định kỷ luật cán bộ công chức bằng các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc khi nảy sinh tranh chấp hành chính đều giải quyết theo thủ tục hành chính – thủ tục giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, riêng quyết định kỷ luật áp dụng hình thức buộc thôi việc khi nảy sinh tranh chấp hành chính sau khi giải quyết theo thủ tục giải quyết khiếu nại mà công chức đó không đồng tình thì có thể khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng9. Chính vì vậy, phần lớn tranh chấp hành chính được giải quyết theo thủ tục hành chính, một số ít các tranh chấp hành chính còn được giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính nếu cá nhân, tổ chức khiếu nại khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2.6. Đặc điểm thứ năm: Cả hai bên chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam khi vi phạm yêu cầu của pháp luật hành chính Việt Nam phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước chứ không phải trước bên kia
Khác với quan hệ pháp luật dân sự, một trong hai bên vi phạm quyền và nghĩa vụ pháp lý phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý trước bên kia, thì trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam dù chủ thể quản lý hành chính nhà nước hay đối tượng quản lý vi phạm yêu cầu của pháp luật hành chính Việt Nam đều phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước. Bởi, bản chất của quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là quan hệ quản lý hành chính nhà nước với việc hướng tới sự bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích công, do vậy một trong các bên vi phạm đều phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước với tư cách đại diện cho quyền lợi công. Mặt khác, nếu bên vi phạm là chủ thể quản lý trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam thì việc gánh chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể này trước Nhà nước là tất yếu bởi họ luôn thực hiện thẩm quyền của mình nhân danh quyền lực nhà nước. Trong trường hợp bên vi phạm là đối tượng quản lý – chủ thể tham gia vào quản lý thì họ phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý trước chủ thể quản lý nhà nước, vì vi phạm của chủ thể thường là vi phạm quyền và nghĩa vụ pháp lý trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam.
Tóm lại: Quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là quan hệ xã hội phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước, được điều chỉnh bởi quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam, giữa hai chủ thể (chủ thể quản lý hành chính nhà nước và đối tượng quản lý hành chính nhà nước) mang quyền và nghĩa vụ khác nhau theo quy định của pháp luật hành chính Việt Nam.
3. Phân loại quan hệ pháp luật hành chính
Có nhiều tiêu chí để phân loại quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Nhưng dù trên cơ sở nào thì việc phân loại cũng có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn quản lý hành chính nhà nước. Nắm vững lý luận phân loại quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam sẽ giúp các chủ thể quản lý hành chính nhà nước xác định chính xác loại quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam phát sinh trong thực tiễn, từ đó sử dụng các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam điều chỉnh quan hệ xã hội đạt hiệu quả cao.
Quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam có thể được phân loại dựa vào hai tiêu chí điển hình sau đây:
3.1. Căn cứ tính chất mối liên hệ giữa hai chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam
Tính chất của mối liên hệ giữa hai chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam, quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam được chia thành hai loại quan hệ sau:
– Quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam được hình thành giữa hai chủ thể có mối quan hệ lệ thuộc với nhau về tổ chức. Đây là những quan hệ được hình thành trên cơ sở phân cấp trong quản lý hành chính, trên cơ sở chỉ đạo điều hành trong quản lý hành chính nhà nước hoặc trên cơ sở thanh tra, kiểm tra trong quản lý hành chính. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là các quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam theo chiều dọc giữa cấp trên với cấp dưới, quan điểm khác lại cho rằng, đây là những quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam nội bộ trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Nhưng dù là cách gọi như thể nào thì chúng ta cần phải hiểu đây là nhóm các quan hệ hành chính được hình thành giữa hai chủ thể lệ thuộc nhau về tổ chức.
Ví dụ: Giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Viện Đại học Mở Hà Nội, giữa Chính phủ với bộ, cơ quan ngang bộ, giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với các sở.
– Quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam hình thành giữa hai chủ thể không có sự lệ thuộc với nhau về tổ chức. Đây là nhóm quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam phát sinh ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống, phát sinh khi các cá nhân tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý hành chính để tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Có thể gọi nhóm quan hệ này là nhóm quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam liên hệ bởi giữa hai chủ thể trong nhóm quan hệ này chỉ liên hệ với nhau hoặc lệ thuộc nhau về hoạt động. Ở loại quan hệ này quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể được xác lập trên nguyên tắc “quyền lực – phục tùng” giữa một bên là Nhà nước với cá nhân, tổ chức khác trong xã hội.
Ví dụ: Quan hệ giữa Ủy ban nhân dân quận với công dân về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký giấy phép kinh doanh; quan hệ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Tự pháp trong việc kiểm tra các vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ luật học.
3.2. Căn cứ quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam
Căn cứ quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam, quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam có thể được phân thành hai loại sau:
– Quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam nội dung: Đây là nhóm quan hệ được thiết lập để các bên chủ thể trong quan hệ trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình trong các lĩnh vực khác nhau của quản lý hành chính nhà nước. Tất nhiên, nhóm quan hệ này được các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam nội dung điều chỉnh.
Ví dụ: Quan hệ giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với công dân A, B về việc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của công dân A hoặc B cấp giấy chứng nhận kêt hôn cho công dân A và công dân B.
– Nhóm quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam thủ tục: Đây là nhóm quan hệ được hình thành trong quá trình các chủ thể thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật nội dung. Nhóm quan hệ này sẽ được các quy phạm hành chính thủ tục điều chỉnh. Tóm lại, quan hệ pháp luật hành chính Việt Nám thủ tục là cơ sở để thực hiện quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam nội dung.
Ví dụ: Quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan đơn vị với công chức A về việc xác nhận tại đơn xin đăng ký kết hôn của A.
4. Chủ thể, khách thể quan hệ pháp luật hành chính
4.1. Chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam
Chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là các bên trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam, bao gồm: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực chủ thể, mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính Việt Nam. Nói cách khác để trở thành chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam cá nhân, cơ quan tổ chức phải có năng lực chủ thể được cấu tạo bởi năng lực pháp luật hành chính Việt Nam và năng lực hành vi hành chính. Xét ở góc độ cụ thể thì để các cơ quan, tổ chức cá nhân trở thành chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam thì cơ quan, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng năng lực chủ thể phù hợp với quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam cụ thể.
Năng lực chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là khả năng pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Tuy nhiên, chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là cơ quan, tổ chức hay cá nhân sẽ được xem xét và bị chi phối bởi các yếu tố khác nhau.
Đối tượng trở thành chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam bao gồm: Các cơ quan nhà nước; cán bộ, công chức; tổ chức xã hội; tổ chức khác; công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch, cụ thể là:
– Chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là cơ quan nhà nước. Ngay từ khi được thành lập các cơ quan nhà nước đã được pháp luật quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Bởi vậy, kể từ thời điểm này các cơ quan nhà nước có đầy đủ khả năng pháp lý để tham gia vào các quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Như vậy, năng lực chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam của cơ quan nhà nước phát sinh khi cơ quan đó được thành lập và chấm dứt khi cơ quan đó giải thể.
“Chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là cán bộ, công chức. Với tư cách là cán bộ, công chức, năng lực chủ thể của đối tượng này hình thành khi cán bộ, công chức được Nhà nước giao đảm nhận một công vụ, nhiệm vụ, chức vụ, chức danh cụ thể trong bộ máy nhà nước và chấm dứt khi không còn đảm nhận công vụ, nhiệm vụ, chức vụ đó nữa.
Ví dụ: Chuyên viên A thuộc biên chế công chức của Bộ Tư pháp. Công chức A có năng lực chủ thể của cán bộ, công chức kể từ thời điểm Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký quyết định bổ nhiệm A vào ngạch công chức: chuyên viên. Năng lực chủ thể của công chức A sẽ chấm dứt ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức A.
– Chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là tổ chức xã hội, tổ chức khác (gọi chung là tổ chức). Năng lực chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam của tổ chức phát sinh khi các tổ chức được thành lập một cách hợp pháp và pháp luật hành chính Việt Nam quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý cho tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau của quản lý hành chính nhà nước và chấm dứt khi không còn những quy định đó hoặc tả chức đó bị giải thể.
– Chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là cá nhân. Năng lực chủ thể của cá nhân được xác lập bởi năng lực pháp luật hành chính Việt Nam và năng lực hành vi hành chính. Khác với các đối tượng chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam trên năng lực chủ thể của cá nhân được xem xét ở hai phương diện năng lực pháp luật hành chính Việt Nam và năng lực hành vi hành chính bởi thời điểm phát sinh của chúng không đồng thời cùng một lúc với nhau. Vì vậy, để xác định cá nhân có năng lực chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam ngoài việc khẳng định cá nhân có khả năng hưởng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật còn phải khẳng định xem cá nhân đã có khả năng thực tế để thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý hay chưa cũng như khả năng thực tế đó đã được Nhà nước thừa nhận hay chưa. Rõ ràng việc tham gia của cá nhân vào các quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào quy định của pháp luật hành chính Việt Nam mà còn phụ thuộc vào khả năng thực tế của mỗi cá nhân.
Vậy năng lực pháp luật hành chính Việt Nam của cá nhân là gì? Năng lực pháp luật hành chính Việt Nam của cá nhân là khả năng hưởng các quyền và nghĩa vụ pháp lý do pháp luật hành chính Việt Nam quy định. Năng lực pháp luật hành chính Việt Nam của cá nhân thể hiện địa vị pháp lý của cá nhân trong quản lý hành chính nhà nước. Thông thường năng lực pháp luật hành chính Việt Nam của cá nhân phát sinh khi cá nhân đó sinh ra và được xác định là công dân và chấm dứt khi cá nhân đó chết.
Năng lực hành vi hành chính của cá nhân là gì? Năng lực hành vi của cá nhân là khả năng bằng chính hành vi của mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý do pháp luật hành chính Việt Nam quy định trong thực tế và được Nhà nước thừa nhận. Chúng ta có thể xem xét năng lực hành vi hành chính của cá nhân ở cả hai khía cạnh: Độ tuổi và năng lực nhận thức hành vi của cá nhân. Tùy từng quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam mà năng lực hành vi hành chính của cá nhân được xác định ở độ tuổi khác nhau theo quy định của pháp luật hành chính Việt Nam.
Ví dụ: Công dân Việt Nam có năng lực hành vi hành chính trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam về xử phạt hành chính khi công dân đó đủ 14 tuổi, có năng lực nhận thức hành vi. Tuy nhiên, ở quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam thực hiện quyền đi học thì công dân Việt Nam từ 6 tuổi, có khả năng nhận thức hành vi đã có đầy đủ năng lực hành vi để tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam giữa nhà trường và mỗi học sinh.
Điểm cần lưu ý là cá nhân được coi là có năng lực hành vi hành chính khi có khả năng thực tế thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý và khả năng đó phải được Nhà nước thừa nhận.
Ví dụ: Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành cá nhân từ 18 tuổi thì có quyền thi lấy giấy phép lái xe mô tô từ trên 5Occ10. Như vậy, chỉ những cá nhân có độ tuổi từ 18 tuổi có khả năng thực tế về điều khiển xe và phải được Nhà nước thừa nhận thông qua việc cấp giấy phép lái xe mới được coi là có năng lực hành vi hành chính trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam với tư cách là người điều .khiển tham gia phương tiện giao thông. Tóm lại, cá nhân có năng lực chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam khi có năng lực hành vi hành chính, tùy thuộc vào quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam cụ thể mà điều kiện về năng lực hành vi hành chính của cá nhân sẽ khác nhau.
4.2. Khách thể của quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam
Khách thể của quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là trật tự quản lý hành chính nhà nước được ghi nhận tại các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam. Quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam là công cụ chủ yếu của các chủ thể quản lý hành chính khi thực hiện hoạt động quản lý hành chính. Bởi vậy, trong cấu tạo của quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam luôn có một bộ phận quy định, xác lập trật tự quản lý hành chính nhà nước. Khi quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam được hình thành trong thực tiễn quản lý hành chính, các bên trong quan hệ luôn hướng tới duy trì trật tự quản lý hành chính nhà nước được quy định tại các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam. Tùy thuộc vào lĩnh vực phát sinh quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam mà trật tự quản lý hành chính nhà nước sẽ khác nhau.
Nhưng, dù là lĩnh vực nào thì đó cũng là trật tự quản lý hành chính nhà nước được pháp luật hành chính Việt Nam xác lập và bảo vệ. Lợi ích chính đáng của hai bên chủ thể, quyền và lợi ích của Nhà nước chỉ có thể được bảo vệ khi quyền và lợi ích hợp pháp đó phù hợp, không đi ngược với trật tự quản lý hành chính nhà nước. Tóm lại, khách thể của quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam là trật tự quản lý hành chính nhà nước. Quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam phát sinh ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội sẽ có khách thể khác nhau là trật tự quản lý ở mỗi lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ: Quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam giữa Ủy ban nhân dân và cá nhân, tổ chức về việc cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khách thể của quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam này là trật tự quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai.
Một ví dụ khác: Quan hệ pháp luật hành chính giữa thanh tra giao thông với cá nhân vi phạm Luật Giao thông đường bộ về xử phạt hành chính, khách thể ở quan hệ này là trật tự quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ…
5. Cơ sở làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính
Dưới góc độ lý luận cơ sở để làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam bao gồm 3 yếu tố: Quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam, năng lực chủ thể, sự kiện pháp lý hành chính.
Tuy nhiên, về thực tiễn chỉ cần xuất hiện sự kiện pháp lý hành chính đã có thể làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Bởi vì, sự kiện pháp lý xảy ra trong thực tiễn quản lý hành chính được coi là sự kiện pháp lý hành chính khi sự kiện đó hoàn toàn phù hợp với sự dự liệu của các nhà làm luật tại quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam, mặt khác nếu đó là sự kiện pháp lý hành chính thì hành vi cụ thể đó phải là hành vi của người có năng lực chủ thể quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam.
5.1. Quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam
– Quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam. Như cấu tạo của quy phạm pháp luật nói chung, quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam xác định điều kiện, hoàn cảnh làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam cũng như quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Khi có sự kiện thực tế xảy ra trong thực tiễn quản lý hành chính nhà nước, nếu sự kiện đó chưa được quy định tại các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam thì không thể làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam là cơ sở pháp lý làm phát sinh, thay đối hay chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam.
5.2. Sự kiện pháp lý hành chính
– Sự kiện pháp lý hành chính là sự kiện thực tế phù hợp với sự dự liệu tại các quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam. Như vậy, sự kiện pháp lý hành chính là cơ sở thực tế để làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam cụ thể. Sự kiện pháp lý hành chính có thể là hành vi (hành động hoặc không hành động) và sự biến.
– Hành vi là sự kiện pháp lý hành chính có tính ý chí. Đây là sự kiện mà khi xảy ra trên thực tế gắn với việc làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam cụ thể. Ví dụ: Hành vi gửi đơn khiếu nại của công dân A đến chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện về quyết định hành chính cụ thể. Hành vi khiếu nại của công dân A là sự kiện thực tế phù hợp với hành vi đã dự liệu tại Luật Khiếu nại năm 2011 làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam về giải quyết khiếu nại giữa chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện với công dân A.
– Hành vi được chia thành hành vi hợp pháp và hành vi không hợp pháp. Hành vi hợp pháp là những hành vi của cá nhân tổ chức phù hợp và không trái với quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam, đó có thể là yêu cầu, sáng kiến của cá nhân, tổ chức hay có thể là hành động công vụ của cán bộ, công chức. Hành vi bất hợp pháp là những hành vi không phù hợp, trái với quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam như: hành vi vi phạm pháp luật hành chính Việt Nam, hành vi hành chính trái quy định của pháp luật… Những hành vi bất hợp pháp dẫn đến sự xuất hiện các quan hệ pháp luật về bảo vệ, quan hệ pháp luật về xử lý kỷ luật hoặc quan hệ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Ví dụ: Hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, hành vi tự ý bỏ việc của cán bộ công chức.
– Sự biến là sự kiện pháp lý hành chính không mang tính ý chí. Đó là những sự kiện thực tế xảy ra theo quy luật khách quan không phụ thuộc vào ý chí của con người. Sự biến chỉ được coi là sự kiện pháp lý hành chính khi sự biến đó đã được dự liệu tại quy phạm pháp luật hành chính Việt Nam.
Ví dụ: Thời tiết lạnh dưới 10°C học sinh tiểu học được nghỉ học. Đây là sự biến pháp lý hành chính bởi sự biến này được dự liệu tại quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép học sinh nghỉ học.
Tóm lại, sự biến là những sự kiện pháp lý hành chính xảy ra không phụ thuộc vào ý chí của con người mà việc xuất hiện chúng được pháp luật hành chính Việt Nam gắn với việc làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính Việt Nam cụ thể.
Trả lời