Mục lục
Phân cấp trong quản lý hành chính nhà nước? Nêu ví dụ cụ thể về phân cấp trong quản lý hành chính?
- Sự cần thiết quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo địa phương
- Phân tích năng lực chủ thể quan hệ pháp luật hành chính
- Phân tích khái niệm quan hệ pháp luật hành chính. Cho ví dụ minh họa về một quan hệ pháp luật hành chính?
- Phân tích khái niệm quản lý hành chính nhà nước. Cho ví dụ về một hoạt động quản lý hành chính nhà nước?
- [PHÂN BIỆT] Hoạt động quản lý hành chính nhà nước với hoạt động lập pháp và tư pháp? Nêu ví dụ?
- Một số ý kiến về hoạt động ban hành VBQPPL của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Thiếu thống nhất quy định “Đình chỉ” và “Tạm đình chỉ” trong các VBQPPL
- Về thời điểm có hiệu lực của VBQPPL thông qua một vụ án cụ thể
TỪ KHÓA: Luật hành chính, Quản lý nhà nước
1. Phân cấp quản lý hành chính nhà nước là gì?
Phân cấp quản lý là sự chuyển giao thẩm quyền từ cấp trên xuống cấp dưới nhằm đạt được một cách có hiệu quả mục tiêu chung của hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Dưới góc độ ngôn ngữ, “cấp” được hiểu là loại hạng trong một hệ thống (xếp theo trình độ cao thấp, trên dưới). Từ đó, phân cấp quản lý được cắt nghĩa là giao bớt một phần quyền quản lý cho cấp dưới, quy định nhiệm vụ và quyền hạn cho mỗi cấp. Như vậy, ở đây có hai nội dung cần lưu ý là chuyển giao thẩm quyền cho cấp dưới và xác định thẩm quyền của mỗi cấp trong đó.
Thứ nhất, phân cấp quản lý hành chính nhà nước là sự xác định, phân chia các đơn vị hành chính, các cấp hành chính, lãnh thổ và xác định, phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm (thẩm quyền) cho mỗi cấp hành chính lãnh thổ, mỗi cơ quan, đơn vị hành chính trong toàn bộ bộ máy hành pháp, hành chính bằng các quyết định hành chính cho phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa.. của đất nước và các địa phương. Ở khía cạnh này, phân cấp quản lý hành chính nhà nước tương đồng với tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách nền hành chính nhà nước theo hướng phi tập trung hóa.
Thứ hai, phân cấp quản lý hành chính nhà nước là sự điều chỉnh, chuyển giao thẩm quyền (chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm) giữa các cấp hành chính và giữa các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, chủ yếu và chuyển giao một số thẩm quyền từ Chính phủ, các bộ, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên cho chính quyền địa phương hay cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới bằng các văn bản luật, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo… của các cơ quan, đơn vị hành chính cấp dưới, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý. Ở khía cạnh này, phân cấp quản lý hành chính nhà nước là quá trình thực hiện dân chủ, quá trình phi tập trung hóa trong quản lý hành chính.
Thứ ba, phân cấp quản lý hành chính nhà nước là sự chuyển giao một phần thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính nhà nước cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân ngoài nhà nước. Theo mô hình phân cấp này, trách nhiệm của cơ quan nhà nước là xây dựng khuôn khổ pháp luật để mọi thành phần, tổ chức kinh tế vận hành các hoạt động cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho xã hội trên cơ sở bảo đảm lợi ích chung trong khuôn khổ pháp luật quy định. Đây là quá trình xã hội hóa hoạt động hành chính. Việc chuyển giao một phần thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài nhà nước nằm trong nội dung phân cấp quản lý hành chính nhà nước.
2. Nguyên tắc trong hoạt động phân cấp quản lý hành chính nhà nước
2.1. Nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất của quyền lực nhà nước:
Đây cũng chính là nguyên tắc chung về quyền lực nhà nước được quy định trong Hiến pháp 2013: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công , phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.” Cũng như vậy, khi thực hiện phân cấp, giao quyền cho cấp dưới hay các tổ chức, cá nhân, chủ thể tiến hành hoạt động luôn cần phải xem xét để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý hành chính nhà nước, thống nhất trong quyền lực nhà nước.
2.2. Nguyên tắc pháp chế
Hoạt động phân cấp quản lý, nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể được phân cấp quản lý cần được quy định rõ trong các quyết định hành chính.
2.3. Nguyên tắc cân đối
Cân đối giữa nhiệm vụ được giao với năng lực thực hiện nhiệm vụ đó; cân đối giữa quyền hạn và trách nhiệm; cân đối giữa nhiệm vụ được giao với kinh phí để tổ chức thực hiện nhiệm vụ đó (ngân sách); cân đối giữa thẩm quyền được giao với năng lực kiểm soát việc thực hiện các quyền đó của các cơ quan nhà nước cấp trên…
2.4. Nguyên tắc phù hợp
Phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng giai đoạn; phù hợp với đặc thù quản lý của từng ngành, từng lĩnh vực; phù hợp với đặc thù của từng địa phương về kinh tế, xã hội, văn hóa, tập quán; phù hợp trình độ, năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức ở các cấp hành chính…
2.5. Nguyên tắc hiệu lực, hiệu quả
Việc thực hiện nguyên tắc này trong phân cấp quản lý hành chính nhà nước trước hết cần rà soát, đánh giá năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cấp hành chính, các cơ quan, tổ chức hành chính. Với một nhiệm vụ cụ thể, cấp nào có khả năng đạt được mục tiêu, chất lượng, yêu cầu quản lý với chi phí ít nhất và thời gian ngắn nhất thì nên giao cho cấp đó hoặc cơ quan đó. Mặc khác, nguyên tắc hiệu lực, hiệu quả còn đòi hỏi việc giao quyền, giao nhiệm vụ phải được quy định cụ thể và đưa ra được các tiêu chí đánh giá.
2.6. Nguyên tắc công khai dân chủ
Nguyên tắc công khai, dân chủ trong phân cấp quản lý hành chính nhà nước đòi hỏi các quyết định về phân cấp quản lý hành chính nhà nước phải được xây dựng, thảo luận, quyết định một cách công khai, dân chủ theo thẩm quyền. Phải công khai bằng nhiều hình thức để người dân biết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp, để người dân có điều kiện thực hiện quyền giám sát. Kết quả thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao của các cơ quan hành chính các cấp cũng phải được công khai để nhân dân biết…
3. Ý nghĩa của phân cấp quản lý trong quản lý hành chính nhà nước
– Phân cấp quản lý là một biện pháp mang tính pháp lý để giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước ở TW với các chủ thể quản lý hành chính khác.
– Tạo quyền tự chủ, sáng tạo, phát huy tính năng động của các chủ thể quản lý hành chính được trao quyền để khai thác thế mạnh và tiềm năng của những chủ thể này.
– Là điều kiện để phát huy tính hiệu quả của cơ chế quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước và là cơ sở để nhân dân giám sát, kiểm tra hoạt động của bộ máy nhà nước.
4. Ví dụ
– UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan tới địa giới hành chính: Điều 130 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.
– Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về Giao quyền xử phạt cho cấp phó.
– Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã chuyển chức năng công chứng của các cơ quan hành chính tư pháp cho các tổ chức và cá nhân ngoài khu vực nhà nước: Văn phòng công chứng.
Xem thêm: Tạp chí Khoa học pháp lý – https://www.facebook.com/TapChiKhoaHocPhapLy/
Các nguyên tắc phân cấp trong quản lý hành chính nhà nước? Liên hệ ở Việt Nam