Mục lục
Phân biệt quyết định hành chính với các loại giấy tờ có giá trị pháp lý thường được sử dụng trong quản lý hành chính nhà nước (Giấy phép, Công văn, Hành vi hành chính, Hợp đồng hành chính)
- Quyết định hành chính là gì? Đặc điểm của quyết định hành chính?
- Khái niệm, đặc điểm, phân loại quyết định hành chính
- Về quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính với người vi phạm pháp luật
- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định hành chính
Khi tiến hành hoạt động quản lý hành chính nhà nước, các chủ thể quản lý không chỉ ban hành các quyết định hành chính mà còn sử dụng nhiều hình thức khác để thực hiện hoạt động quản lý như thực hiện các hành vi hành chính, hay thực hiện các hoạt động khác mang tính chất pháp lý. Kết quả của các hoạt động quản lý này không được thể hiện bằng quyết định hành chính mà là các loại giấy tờ hay các hành vi có giá trị pháp lý. Do đó, cần phải phân biệt quyết định hành chính với các loại giấy tờ khác hay các hành vi có chứa đựng các mệnh lệnh hay cách thức giải quyết các công việc phát sinh trong quá trình quản lý mà chủ thể quản lý đã sử dụng. Sự phân biệt này không chỉ có ý nghĩa trong nghiên cứu khoa học pháp lý mà nó còn có ý nghĩa trong thực tiễn của quản lý hành chính nhà nước hay trong hoạt động khiếu nại, giải quyết khiếu nại hành chính.
1. Phân biệt với Giấy phép
Giấy phép là một trong các loại giấy tờ có giá trị pháp lý được sử dụng phổ biến trong quản lý hành chính nhà nước, ví dụ như giấy phép lái xe, giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng. Hoạt động ban hành các giấy tờ này cũng là hoạt động áp dụng pháp luật bởi vì nó chỉ do các chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết các công việc phát sinh trong quá trình quản lý.
Các chủ thể quản lý ban hành các giấy tờ có giá trị pháp lý này khi đối tượng quản lý thỏa mãn các điều kiện đã được pháp luật quy định trước. Điểm chung giữa hoạt động cấp phép hay cấp các loại giấy tờ có giá trị pháp lý như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn với hoạt động ban hành quyết định hành chính cá biệt là đều do chủ thể có thẩm quyền ban hành và căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết một công việc cụ thể với một đối tượng cụ thể (đều là hoạt động áp dụng pháp luật). Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản giữa quyết định hành chính cá biệt với các loại giấy tờ này là đặc trưng pháp lý của chúng:
– Quyết định hành chính cá biệt là căn cứ trực tiếp làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. ví dụ, như quyết định xử phạt hành chính đối với A sẽ làm phát sinh nghĩa vụ nộp phạt của A.
– Giấy phép chỉ là cơ sở xác nhận quyền và nghĩa vụ của các bên trong thực tế, ví dụ như mọi công dân khi thỏa mãn các điều kiện về an toàn giao thông đều có quyền được sử dụng các phương tiện giao thông, tuy nhiên, đối với một số loại phương tiện giao thông cần có sự chứng nhận của cơ quan nhà nước cồ thẩm quyền về khả năng thực hiện quyền điều khiển đổi với các phương tiện đó thông qua việc cấp phép (ví dụ hoạt động cấp bằng lái xe cho người điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh từ 50 phân khối trở lên). Trong trường hợp này, giấy phép chỉ có giá trị xác nhận việc điều khiển phương tiện là hợp pháp chứ không phải là căn cứ làm phát sinh quyền điều khiến phương tiện.
Hoạt động quản lý hành chính có liên quan chặt chẽ đến thủ tục hành chính và để giải quyết các công việc phát sinh hàng ngày trong đời sống xã hội có tính chất lặp đi lặp lại mà đã được pháp luật quy định trước thì các chủ thể quản lý sử dụng các loại biểu mẫu như mẫu đơn, giấy cấp phép (các loại giấy tờ có giá trị pháp lý). Việc áp dụng các loại giấy tờ này đảm bảo việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như nâng cao tính thống nhất, hiệu quả của hoạt động quản lý.
2. Phân biệt với Công văn
Công văn là loại giấy tờ được sử dụng phổ biến trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, tuy nhiên công văn không phải là quyết định pháp luật. Các chủ thể quản lý sử dụng hình thức công văn để truyền tải mệnh lệnh hay hướng dẫn đối tượng quản lý, đây là một hình thức quản lý mang tính chất tổ chức trực tiếp giữa chủ thể quản lý với đối tượng quản lý. Thông thường, công văn được sử dụng khi chủ thể quản lý và đối tượng quản lý có mối quan hệ lệ thuộc về mặt tổ chức. Tuy nhiên, công văn không phải là quyết định hành chính bởi vì pháp luật không quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục đối với hình thức này. Nói cách khác, công văn không được đảm bảo thi hành bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước nhưng nó lại là tiền đề hay căn cứ pháp lý để chủ thể quản lý sử dụng hình thức ban hành quyết định hành chính. ví dụ như khi chủ thể quản lý ban hành công văn yêu cầu đối tượng quản lý thuộc quyền thực hiện các mệnh lệnh của mình mà đối tượng quản lý không tuân thủ các mệnh lệnh đó thì công văn sẽ là căn cứ có giá trị pháp lý để chứng minh trách nhiệm, nghĩa vụ của đối tượng quản lý.
Bên cạnh đó, công văn không chỉ do chủ thể quản lý sử dụng mà nó còn là hình thức văn bản được đối tượng quản lý sử dụng để trao đổi với chủ thể quản lý, ví dụ như công văn giải trình hay công văn kiến nghị của cấp dưới đối với cấp trên.
Tóm lại, công văn là một loại giấy tờ có giá trị pháp lý được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, tuy nhiên công văn không phải là quyết định hành chính bởi vì nó không thỏa mãn các đặc điểm của một quyết định pháp luật nói chung và quyết định hành chính nói riêng.
3. Phân biệt với Hành vi hành chính
Khi chủ thể quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý của mình bên cạnh việc ban hành các quyết định hành chính hay các giấy tờ có giá trị pháp lý thì chủ thể quản lý còn thực hiện bằng chính hành vi của mình. Các hành vi này gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của chủ thể quản lý và có giá trị pháp lý nhất định thì được xác định là hành vi hành chính. Hành vi hành chính được thể hiện dưới dạng hành động hay không hành động.
Luật Khiếu nại năm 2011 đã quy định: “Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.”
Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển Bách Khoa, 2011 định nghĩa về hành vi hành chính như sau: “Hành vi hành chính theo nghĩa rộng bao gồm mọi hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước trong bộ máy hành chính nhà nước có liên quan đến việc thực hiện công vụ trong quá trình thực hiện quản lý hành chính nhà nước (quyết định hành chính bằng văn bản, việc thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ hành chính). Tuy nhiên, thường phân biệt hành vi hành chính là hành vi thực hiện (hoặc không thực hiện) nhiệm vụ có hay không cỏ văn bản, còn quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản, áp dụng trong hoạt động quản lý hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.”
Tiêu chí để xác định hành vi hành chính là hành vi này được thực hiện dưới dạng hành động hay không hành động trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước của chủ thể có thẩm quyền và nó phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của chủ thể đó. ví dụ như hành vi từ chối không tiếp nhận đơn khiếu nại của cán bộ có thẩm quyền có thể được xác định là hành vi hành chính trong trường hợp khiếu nại của họ là có căn cứ và tuân theo các quy định của pháp luật.
Gống như quyết định hành chính cá biệt, hành vi hành chính cũng là đối tượng của khiếu nại hành chính khi có căn cứ cho rằng hành vi hành chính của cán bộ có thẩm quyền là trái phái luật và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
4. Phân biệt với Hợp đồng hành chính
Hợp đồng hành chính là một khái niệm chưa được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể, tuy nhiên trong thực tiễn của hoạt động quản lý, giữa chủ thể quản lý với đối tượng quản lý trong một số trường hợp đã có sự thỏa thuận với nhau, kết quả của sự thỏa thuận này không được thể hiện bằng một hợp đồng dân sự thông thường mà là hợp đồng hành chính. Sự khác biệt này là do mặc dù các chủ thể giao kết hợp đồng đã có sự thỏa thuận nhất định nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng. Bởi vì, một bên chủ thể của hợp đồng là các chủ thể đại diện cho Nhà nước, hay các tổ chức, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước đã có quyền đặt ra các điều kiện mà phía đối tượng tham gia hợp đồng bắt buộc phải tuân theo.
Ví dụ như hợp đồng cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các công ty, cá nhân, tổ chức, trong trường hợp này thì phía cơ quan nhà nước có quyền quy định về giá thuê, điều kiện và thời gian cũng như mục đích thuê và cũng có quyền đơn phương quyết định chấm dứt hợp đồng khi bên kia không thỏa mãn điều kiện.
Pháp luật hành chính của Nhật Bản cũng quy định khái niệm hợp đồng hành chính là các hợp đồng giữa công ty cung cấp dịch vụ công với các cá nhân, tổ chức. Các dịch vụ công này được nhà nước quản lý chặt chẽ về các điều kiện và giao cho các công ty thực hiện, các công ty có nghĩa vụ đảm bảo cung cấp dịch vụ công cho các cá nhân, tổ chức thông qua việc ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng giao kết này thể hiện sự bất bình đẳng ở chỗ các cá nhân, tổ chức phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các điều kiện và yêu cầu của nhà nước và không có quyền thỏa thuận như về giá cả…
Ví dụ, hợp đồng lắp đặt sử dụng nước với công ty cung cấp nước sạch, điện hay hợp đồng thuê nhà của Chính phủ Nhật Bản. Cá nhân, tổ chức tham gia hợp đồng chỉ có quyền đưa ra yêu cầu muốn được sử dụng các dịch vụ công đó và phía các công ty cung cấp dịch vụ công có quyền xem xét, chấp nhận hay bác bỏ việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các công ty cung cấp dịch vụ cũng không được tự do quyết định mức giá cung cấp dịch vụ cũng như các điều kiện khác mà phải tuân thủ theo quy định của nhà nước.
Trong trường hợp này, hợp đồng cung cấp dịch vụ công (hợp đồng hành chính) khác với hợp đồng dân sự là bên công ty cung cấp dịch vụ công có quyền đặt ra các điều kiện và phía bên kia phải có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện đó, và khi có tranh chấp xảy ra thì được giải quyết theo thủ tục hành chính đó là các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ khiếu nại đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (khiếu nại hành chính) mà không khởi kiện một vụ án dân sự.
Like fanpage Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu
Trả lời