Mục lục
Một số giải pháp về hoàn thiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp – ThS. Mai Thị Lâm
TÓM TẮT
Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm là một trong những nội dung cơ bản của hoạt động sử dụng công chức. Căn cứ pháp lý của các quy trình này đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật từ luật, nghị định, thông tư đến quyết định của rất nhiều cơ quan khác nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm được tiến hành bởi người có thẩm quyền gặp nhiều bất cập. Bài viết phân tích những hạn chế của pháp luật, thực hiện pháp luật và đưa ra giải pháp hoàn thiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức.
Xem thêm:
- Bất cập trong quy trình thi tuyển công chức và hướng hoàn thiện – ThS. Trương Tư Phước
- Chuẩn hóa đội ngũ công chức hộ tịch cấp xã: Đòi hỏi của thực tiễn đổi mới công tác quản lý hộ tịch – ThS. Lê Thị Mận & ThS. Nguyễn Quốc Khánh
- Hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật công chức – ThS. Phan Lê Hoàng Toàn
- Phân biệt cán bộ, công chức, viên chức? –
- Hoàn thiện các quy định pháp luật về chưa xử lý và miễn xử lý kỷ luật đối với công chức – TS. Cao Vũ Minh
TỪ KHÓA: Bổ nhiệm, Bổ nhiệm lại, Công chức, Miễn nhiệm, Từ chức
1. Những bất cập, hạn chế trong quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “quy trình thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, phát huy cái tốt, cái đúng, cho nên phải rất chặt chẽ bảo đảm uy nghiêm. Nhưng lại có thực trạng cái gì cũng làm đúng quy trình nhưng cán bộ lại không đúng. Tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai”.[1] Thực tiễn công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức hiện nay cho thấy có rất nhiều tồn tại, hạn chế như ý kiến của Tổng Bí thư đã nêu.
Thứ nhất, pháp luật quy định chưa đầy đủ các điều kiện về bổ nhiệm công chức lãnh đạo.
Các quy định pháp luật cũng thiếu vắng các điều khoản về trường hợp công chức đang bị thanh tra, chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì không được tiến hành hoạt động bổ nhiệm hoặc cơ quan, đơn vị không được đề bạt, giới thiệu để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo. Thực tiễn việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao thông vận tải đã không hỏi ý kiến của cơ quan thanh tra khi cơ quan này đang thanh tra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã làm cho nghị trường Quốc hội “nóng” lên khi Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đại biểu Quốc hội cho rằng điều động, đề bạt công chức lãnh đạo trong quá trình đang thanh tra đơn vị đó là không được phép. Gần đây, trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh cũng có những điểm tương tự. Khi cơ quan thanh tra chưa có kết luận thanh tra việc tổng công ty do Trịnh Xuân Thanh làm Tổng giám đốc thua lỗ hơn 3.200 tỷ thì người có thẩm quyền đã luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt[2] ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngoài ra, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm chưa được pháp luật quy định thống nhất, có sự khác nhau ở các địa phương. Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp được bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn chọn sai người hay còn gọi là hiện tượng “chín ép, chín non”. Nguyên nhân chính nằm ở khâu tiêu chuẩn, điều kiện. Người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn được bổ nhiệm đúng quy trình giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ đó, gây mất lòng tin của nhân dân. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 không quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chức lãnh đạo quản lý. Nghị định số 24/2010/NĐ-CP chỉ quy định chung chung là “đạt tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh được bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.[3] Dựa trên quy định của nghị định, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành quy chế bổ nhiệm công chức thuộc thẩm quyền của mình.
Do chỉ căn cứ vào phân cấp của Chính phủ, nghị quyết về công tác cán bộ của Đảng ủy cấp trên và cùng cấp (nếu có), nên xảy ra tình trạng cùng một chức vụ như nhau nhưng tiêu chuẩn ở các cơ quan được quy định khác nhau. Ví dụ: Bộ Nội vụ quy định từ Trưởng phòng đến Phó Vụ trưởng phải là chuyên viên chính, Vụ trưởng phải là chuyên viên cao cấp.[4] Trong khi đó, rất nhiều cơ quan không yêu cầu Phó Vụ trưởng phải là chuyên viên chính. Tiêu chuẩn “chuyên viên chính” chỉ đặt ra đối với chức danh Vụ trưởng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.[5] Đối với Bộ Công thương, tiêu chuẩn cho tất cả các chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng chỉ nêu chung chung là “có trình độ quản lý hành chính nhà nước”[6] – một tiêu chuẩn không khó để công chức đạt được. Bộ Tư pháp thì chỉ quy định Vụ trưởng và tương đương ở một số đơn vị phải đạt trình độ Tiến sĩ Luật học mà không cần phải là chuyên viên chính.[7]
Thứ hai, quy trình bổ nhiệm lại trong các văn bản pháp luật được quy định chưa thống nhất ở trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg thì quy trình bổ nhiệm lại không có bước lấy ý kiến bằng phiếu tín nhiệm của cấp Đảng ủy mà chỉ có bước lấy ý kiến của tập thể cán bộ, công chức hoặc tập thể lãnh đạo. Tuy nhiên, một số địa phương quy định cả việc lấy ý kiến của cấp Đảng ủy bên cạnh việc lấy ý kiến của tập thể cán bộ, công chức hoặc tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.[8] Vấn đề đặt ra là quy trình lấy phiếu tín nhiệm có cần thiết không? Việc lấy phiếu tín nhiệm trong đơn vị, tập thể nào thì đánh giá được năng lực, uy tín của công chức lãnh đạo? Quy định của pháp luật hiện nay đối với cả quy trình bổ nhiệm và bổ nhiệm lại đều có bước lấy phiếu tín nhiệm nhưng kết quả không mang tính bắt buộc. Trường hợp số phiếu tín nhiệm đạt dưới 50% thì có thể xin ý kiến của cấp lãnh đạo có thẩm quyền để quyết định tiếp tục quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hay không?
Theo khảo sát của chúng tôi tại một số địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng), kết quả thu được cho thấy có 148/ 500 phiếu (chiếm 29,6%) cho rằng kết quả bỏ phiếu chỉ nên mang tính chất tham khảo như quy định hiện nay. Có 173/ 500 phiếu (chiếm 34,6%) cho rằng nên duy trì bước lấy phiếu tín nhiệm nhưng kết quả phải mang tính chất bắt buộc và 179/ 500 phiếu (chiếm 35,8%) cho rằng nên bỏ bước lấy phiếu tín nhiệm vì mang tính hình thức, dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa ý muốn của người có thẩm quyền bổ nhiệm. Như vậy, đa phần các địa phương đều cho rằng nên thay đổi quy định pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm trong quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo hoặc theo hướng bỏ bước lấy phiếu tín nhiệm hoặc theo hướng duy trì nhưng kết quả phải mang tính chất bắt buộc.
Thứ ba, còn xảy ra tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình nhưng bổ nhiệm “thần tốc” vì có ưu ái với một số đối tượng con cháu hoặc người thân quen của lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan nhà nước và báo chí đã phát hiện nhiều vụ bổ nhiệm thần tốc như: trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh (Thanh Hóa), trường hợp ông Vũ Minh Hoàng (Cần Thơ), trường hợp ông Phạm Văn Kháng (Hải Dương), trường hợp bà Bùi Thị Thu Trang và bà Bùi Thị Thu Huyền (Gia Lai), trường hợp ông Lê Phước Hoài Bảo (Quảng Nam), trường hợp ông Huỳnh Thanh Phong (Hậu Giang). Như vậy, việc bổ nhiệm “thần tốc” không chỉ là hiện tượng cá biệt, riêng lẻ mà xảy ra khá phổ biến trên khắp cả nước. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, tất cả các trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” thì người được bổ nhiệm đều có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng với cán bộ, công chức lãnh đạo tại địa phương và đều có sai phạm ở điều kiện bổ nhiệm (như không có chứng chỉ lý luận chính trị, không có bằng cấp tương xứng vị trí việc làm).
Thứ tư, một số trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đúng quy trình, chưa đạt đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa xảy ra trường hợp tái bổ nhiệm ông Phạm Anh Tuấn làm Trưởng phòng Nội vụ huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa mặc dù ông này đang thi hành quyết định xử lý kỷ luật khiển trách.[9] Ngoài ra, nếu chiếu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP thì ông Phạm Anh Tuấn thuộc trường hợp phải bị miễn nhiệm. Cơ quan, đơn vị không những không tiến hành quy trình miễn nhiệm đối với ông Phạm Anh Tuấn mà còn làm thủ tục bổ nhiệm lại là trái quy định của pháp luật. Một số trường hợp bổ nhiệm không đúng quy trình ở các khâu như: không có trong quy hoạch, không lấy phiếu tín nhiệm, không thông qua hội đồng xét duyệt công chức có thẩm quyền (trường hợp bổ nhiệm ông Hồ Thanh Hà làm Phó phòng Tài chính – kế hoạch, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.[10]
Thứ năm, còn xảy ra tình trạng bổ nhiệm dư số lượng công chức lãnh đạo, “lạm phát cấp phó” so với quy định của pháp luật.
Một số vi phạm điển hình ở địa phương như tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa có 8 Phó giám đốc Sở. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định có 6 Phó giám đốc Sở. Trong khi đó, Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội tối đa không quá 4 Phó giám đốc Sở, còn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác có tối đa không quá 3 Phó giám đốc Sở. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên thừa đến 23 cấp phó.[11] Thực trạng này cho thấy nhiều địa phương bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn không đúng quy định pháp luật do vi phạm các điều khoản có liên quan. Hạn chế này gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm cồng kềnh bộ máy nhân sự, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
2. Kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức. Các điều kiện, tiêu chuẩn cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
Đối với bổ nhiệm, một là, cần quy định cụ thể các tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh chung trong phạm vi cả nước nhằm áp dụng thống nhất, đồng bộ cho tất cả các địa phương; hai là, cần bổ sung thêm điều kiện “công chức đang trong thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật thì không thực hiện việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý” vào khoản 1 Điều 40 Nghị định 24/2010/NĐ-CP. Hiện nay, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 chỉ quy định đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật thì không thực hiện việc bổ nhiệm (khoản 3 Điều 82), Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm công chức cũng không quy định về tiêu chuẩn này dẫn đến thực trạng nhiều công chức lãnh đạo đang thi hành quyết định kỷ luật vẫn được bổ nhiệm.
Về hoàn thiện quy trình bổ nhiệm, Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg quy định số lượng người được giới thiệu bổ nhiệm là từ 1 đến 3. Tuy nhiên, để việc bổ nhiệm dân chủ và có tính cạnh tranh hơn thì nên quy định việc bổ nhiệm lần đầu cần có ít nhất 2 ứng viên có đủ điều kiện về tiêu chuẩn để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Người tín nhiệm cao hơn sẽ được bổ nhiệm. Quy định như trên vừa bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng vừa bảo đảm phát huy dân chủ trực tiếp trong cơ quan, đơn vị. Hiện nay, nhiều cơ quan đã tổ chức thi để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo với mức độ cạnh tranh cao, người ngoài cơ quan đơn vị cũng tham gia dự tuyển chức vụ lãnh đạo (tức là đã không có ý kiến quyết định của cấp ủy Đảng về ứng viên tự do) thì việc lấy phiếu tín nhiệm cũng nên có tính cạnh tranh như vậy.
Một giải pháp nữa là cần tăng cường tính chất dân chủ trực tiếp từ bước giới thiệu của tập thể cơ quan. Khuyến khích và bảo đảm cho công chức tự do giới thiệu ứng viên. Nếu ứng viên được số phiếu giới thiệu cao thì lãnh đạo và cấp ủy Đảng cần cân nhắc khi giới thiệu ứng viên để lấy phiếu tín nhiệm. Hiện nay, nhiều cơ quan đang thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo (cấp Vụ, cấp Sở, cấp Phòng) gồm cả ứng viên từ bên ngoài. Đây là xu thế tất yếu, có ý nghĩa rất tích cực. Vì vậy, Chính phủ cần sớm kết luận và ban hành quy định về cơ chế thi tuyển chức danh lãnh đạo trên tinh thần có sự phân cấp cho địa phương. Điều này có nghĩa Chính phủ chỉ quy định quy trình chuẩn, mang tính chất nguyên tắc chung, còn cụ thể hơn do bộ, ngành và địa phương quy định phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của bộ, ngành và địa phương.
Đối với bổ nhiệm lại, một là, cần bổ sung điều kiện tiêu chuẩn “không bổ nhiệm lại đối với công chức lãnh đạo, quản lý vi phạm kỷ luật trong thời gian giữ chức vụ”. Người đã vi phạm kỷ luật trong thời gian giữ chức vụ chứng tỏ không có ý thức kỷ luật cao, không gương mẫu, không đủ uy tín nên không xứng đáng giữ vị trí lãnh đạo, quản lý; hai là, cần sửa điểm a khoản 2 Điều 41 Nghị định 24/2010/NĐ-CP về tiêu chí “hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý” thành “hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý”. Nhằm bảo đảm sự phù hợp với nội dung đánh giá công chức đã được nêu trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì cần quy định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức lãnh đạo quản lý trong thời gian đảm nhận chức vụ là “hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên” chứ không đơn thuần ở mức “hoàn thành nhiệm vụ”.
Đối với miễn nhiệm, cần bỏ căn cứ miễn nhiệm tại điểm c khoản 2 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP “vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức”. Tùy từng tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà công chức bị kỷ luật với các hình thức khác nhau. Khi công chức bị áp dụng các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức nghĩa là chưa đến mức phải áp dụng hình thức cách chức, cũng có nghĩa là công chức vẫn có thể tiếp tục đảm nhận chức vụ. Tuy nhiên, nếu bị áp dụng các hình thức kỷ luật nhẹ hơn cách chức nhưng công chức lại tiếp tục bị miễn nhiệm thì hậu quả cũng không nhẹ hơn cách chức. Như vậy, việc áp dụng các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức thay vì áp dụng cách chức sẽ không còn ý nghĩa.
Thứ hai, cần sửa đổi quy định về lấy phiếu tín nhiệm trong quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chức theo hướng kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có giá trị bắt buộc. Hiện nay, pháp luật quy định đối với các trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm đều phải thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm (bằng cách bỏ phiếu kín) qua hai bước (bước 1 lấy ý kiến ở toàn thể cơ quan, đơn vị hoặc tập thể lãnh đạo của cơ quan, đơn vị; bước 2 lấy ý kiến ở tổ chức Đảng tại cơ quan, đơn vị). Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lại chỉ mang tính chất tham khảo. Quy định này khiến quy trình lấy phiếu tín nhiệm trở nên hình thức do các thành viên bỏ phiếu có suy nghĩ kết quả mình biểu quyết không thay đổi được quyết định của cấp trên. Vì vậy, nên sửa đổi quy định này theo hướng thừa nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có ý nghĩa quyết định và là cơ sở để người có thẩm quyền ban hành quyết định bổ nhiệm công chức lãnh đạo.
Một số ý kiến cho rằng nên bỏ bước lấy phiếu tín nhiệm khỏi quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm công chức vì dễ bị lợi dụng nhằm để hợp thức hóa ý muốn của người có thẩm quyền bổ nhiệm. Theo quan điểm của chúng tôi, vẫn nên giữ quy trình lấy phiếu tín nhiệm. Công chức muốn lãnh đạo, quản lý được cơ quan, đơn vị cần phải được sự ủng hộ, tin tưởng của thủ trưởng cấp trên và những công chức công tác cùng cơ quan, đơn vị. Do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết. Bên cạnh đó, lấy phiếu tín nhiệm phù hợp với xu thế của pháp luật quốc tế và đang là quy trình được quan tâm, ủng hộ và ngày càng được sử dụng rộng rãi không chỉ trong hoạt động bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm mà còn trong rất nhiều hoạt động nhằm mục đích đánh giá công chức Ngoài ra, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm giúp tăng trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, tăng sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cơ quan, đơn vị với thủ trưởng của mình. Do vậy, cần tiếp tục duy trì và hoàn thiện để lấy phiếu tín nhiệm có hiệu quả hơn, thực chất hơn.
Thứ ba, Bộ Nội vụ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm ở các địa phương hiện nay nhằm giảm bớt thực trạng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại sai đối tượng, sai quy trình, dư số lượng quy định đang diễn ra phổ biến ở khắp các tỉnh thành (có thể định kỳ 6 tháng một lần yêu cầu các cơ quan ở địa phương báo cáo và kiểm tra thực tế). Đồng thời, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cá nhân có liên quan đến việc ban hành quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại sai, dư số lượng, không đúng quy trình chứ không chỉ xử lý bằng hình thức phê bình, kiểm điểm như hiện nay. Khi có chế tài nghiêm khắc, các địa phương sẽ giảm đáng kể tình trạng vi phạm từ quy trình đến điều kiện và các quy định pháp luật khác có liên quan, nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền, tạo được sự tin tưởng trong nhân dân.
CHÚ THÍCH
[1]Bài viết thuộc khuôn khổ Đề tài Khoa học – Công nghệ cấp Bộ: “Đổi mới pháp luật về quy trình tuyển dụng, sử dụng công chức”, mã số: 5-505-50501 do PGS-TS. Nguyễn Cảnh Hợp làm chủ nhiệm. Truy cập ngày 17/1/2018.
[2] Diệp Văn Sơn, “Cần áp dụng những giải pháp kỹ thuật để chuẩn hóa đầu vào các quy trình”, tham luận hội thảo Đổi mới quy trình tuyển dụng, sử dụng công chức, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, 11/2017.
[3] Điểm a khoản 1 Điều 40 Nghi định số 24/2010/NĐ-CP.
[4] Quyết định số 1204/QĐ-BNV ngày 19/11/2012 của Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý của Bộ Nội vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
[5] Quyết định số 2336/QĐ-BNN-TCCB ngày 10/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
[6] Quyết định số 8258/QĐ-BCT ngày 15/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý thuộc Bộ Công thương.
[7] Nguyễn Thị Trà Lê, “Hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn hiện nay”, Báo điện tử Ban chỉ đạo trung ương,.http://caicachcongvu.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/71/0/1010103/0/5733/Hoan_thien_tieu_chuan_dieu_kien_bo_nhiem_cong_chuc_lanh_dao_quan_ly_trong_giai_doan_hien_nay, truy cập ngày 17/1/2018.
[8] Điều 14 Quyết định số 16/2017/QĐ-UBND ngày 24/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
[9] Thanh Tuấn, “Tái bổ nhiệm trưởng phòng đang bị kỷ luật”, Báo người lao động, truy cập ngày 17/1/2018.
[10] Ngọc Văn, “Kiểm điểm các cá nhân bổ nhiệm cán bộ sai quy trình“, Báo mới, truy cập ngày 17/1/2018.
[11]. Xuân Long, “Lạm phát cấp phó, bổ nhiệm người nhà gây bất bình dư luận“. Truy cập ngày 17/1/2018.
- Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp – ThS. Mai Thị Lâm
- Tạp chí Khoa học pháp lý số 07(119)/2018 – 2018, Trang 40-44
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời