Hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam – Thực tiễn và một số giải pháp
Tác giả: Nguyễn Mai Hương
TÓM TẮT
Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, người có thẩm quyền trong bộ máy Nhà nước. Bài viết phân tích, đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam trong năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021, trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.
1. Tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, có thời điểm cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, tuy nhiên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo đảm bảo thông suốt trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh đối với công dân khiếu nại, tố cáo và lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân.
Báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, so với năm 2019, năm 2020 số lượt công dân đến các cơ quan Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 4%, số đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại tăng 1,6%. Về khiếu nại, so với năm 2019, năm 2020 giảm 5,8% số đơn, 15,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,5%). Về tố cáo, so với năm 2019, trong năm 2020 tăng 20,8% số đơn, giảm 0,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm đa số (64,8%).
Các cơ quan hành chính tiếp nhận 305.769 đơn thư các loại. Có 189.202 đơn đủ điều kiện xử lý với 20.958 vụ việc khiếu nại, 8.120 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Một số địa phương có số đơn thư tố cáo tăng nhiều so với năm 2019 là Thành phố Hồ Chí Minh (tăng 139%, hơn 2.400 đơn), Tuyên Quang (468%, 670 đơn), Khánh Hòa (204%, 615 đơn). Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai tại một số địa phương; việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ; liên quan đến môi trường; tranh chấp hợp đồng mua bán nhà chung cư, bầu ban quản trị; quản lý sử dụng nhà chung cư, vi phạm trật tự xây dựng, công tác quy hoạch xây dựng; mua bán nhà theo Nghị định 61/CP; chế độ, chính sách của giáo viên.
Trong 06 tháng đầu năm 2021, đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước tương đối ổn định và có giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số đoàn đông người và công dân của một số địa phương tập trung tại khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, nhà riêng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Trụ sở các cơ quan Trung ươ’ng… căng băng rôn, khẩu hiệu gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo Báo cáo số 1057/TTCP-KHTH của Thanh tra Chính phủ ngày 05 tháng 7 năm 2021 về việc báo cáo kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021, trong 06 tháng đầu năm của Thanh tra Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp nhận 161.215 đơn của công dân, trong đó có 20.451 đơn khiếu nại (giảm 25,9%), 8.592 đơn tố cáo (giảm 38,1%), trong số đó có 10.070 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính (giảm 27,5%). Đến nay đã giải quyết 7.677 vụ việc (đạt 76,2%, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2020).
Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ cấp cơ sở có tiêu cực, vi phạm trong công tác quản lý đất đai. Kiến nghị, phản ánh tập trung nhiều về vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề ở một số địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phát triển kinh tế-xã hội được triển khai xây dựng; về chính sách ưu đãi đối với người có công, người hưởng chế độ chất độc hóa học; về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng là người lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp ổn định của các tỉnh đang mắc kẹt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cần sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức.
Qua thực tiễn thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan, tổ chức thuộc cơ quan hành chính Nhà nước cho thấy, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội; khiếu nại hành chính đòi lại nhà đất cũ đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước; khiếu nại hành chính về tranh chấp đất đai… Nội dung khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý đất đai chủ yếu tập trung vào các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm 70%); về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (chiếm 20%); về cấp, thu hồi Giấy CNQSDĐ (chiếm 10%).
Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, trong năm 2020, có 459.149 lượt công dân đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 4% so với năm 2019), với 296.864 vụ việc (giảm 2,4%), có 3.779 lượt đoàn đông người (giảm 17,7%).
Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5% (khiếu nại 17.171 vụ việc, đạt 81,9%; tố cáo 7.104 vụ việc, đạt 87,5%). Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, chất lượng giải quyết tiếp tục được nâng lên. Nhiều địa phương đã có cách làm mới, dân chủ với sự tham gia của đại diện các ban của Đảng, đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo qua đó đã giải quyết đúng pháp luật, có lý có tình, dứt điểm nhiều vụ việc ngay từ cấp cơ sở. Tỷ lệ thực hiện quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao (khiếu nại đạt 99,2%, tố cáo đạt 97,5%) hơn mục tiêu đề ra (90%) và cao hơn nhiều so với năm 2019 (khiếu nại 84,6%, tố cáo 89,3%) .
Cơ quan chức năng đã tiến hành 1.592 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 2.512 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra phát hiện 412 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 395 tổ chức, 649 cá nhân, xử lý kỷ luật 30 tổ chức, cá nhân .
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các bộ, ngành, địa phương và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có những chuyển biến tốt hơn so với các năm trước, số lượt người, số đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo cũng như số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều giảm.
Tuy nhiên, mặc dù số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo năm 2020 thuộc thẩm quyền giảm so với các năm trước, nhưng các cơ quan hành chính chỉ giải quyết được 83,5% vụ việc, chưa đạt mức chỉ tiêu phấn đấu, giải quyết kịp thời, có hiệu quả trên 85% các vụ việc và thấp hơn so với các năm 2017, 2018 và 2019. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trước đó nhưng chưa được khắc phục triệt để, có những tồn tại, hạn chế do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19. Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất là ở cấp cơ sở. Một số địa phương chưa tích cực rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng. Công tác phối hợp giải quyết trong một số trường hợp còn hạn chế, bất cập và thiếu chặt chẽ.
Cơ cấu, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo không có nhiều thay đổi so với năm trước, tập trung chủ yếu về khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ 61,5% tổng số đơn khiếu nại (so với năm 2019 giảm 5,4%); về tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ… tập trung vào lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 64,8% (so với năm 2019 giảm 1,8%) . Tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương đặc biệt nổi lên là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tập trung đông người, ẩn chứa yếu tố tôn giáo hoặc có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch.
Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020, nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây, đồng thời cũng chưa chỉ ra được những nguyên nhân của số lượng đơn thư, vụ việc cũng như số lượt người đến khiếu nại, tố cáo giảm trong năm 2020; chưa phân tách được số liệu cụ thể vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh mới trong năm nay, số vụ việc từ những năm trước còn tồn đọng chưa giải quyết xong; đánh giá xu hướng phát triển của khiếu kiện tập trung đông người có sự tham gia của giáo dân hoặc do bị lợi dụng, kích động, lôi kéo… để từ đó làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp thích hợp trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, việc các chủ thể có thẩm quyền tiến hành rà soát, tiếp tục giải quyết lại các vụ việc khiếu nại hành chính tuy có thể giải quyết được thêm quyền lợi cho người khiếu nại hành chính nhưng việc làm này là chưa tuân thủ triệt để pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính, vì Luật khiếu nại năm 2011 không quy định về trình tự, thủ tục rà soát này. Như vậy, các chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính chưa thực hiện đúng việc phải hướng dẫn người khiếu nại hành chính khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính, khi vụ việc không được giải quyết hoặc đã được giải quyết hết thẩm quyền bởi các chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính, nhưng người khiếu nại hành chính vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại hành chính đến cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan, tổ chức thuộc cơ quan hành chính Nhà nước và cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến khiếu nại hành chính kéo dài, vì tâm lý của người khiếu nại hành chính còn ngại khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án, bởi họ cho rằng khi vụ việc khiếu nại hành chính đã được giải quyết bằng Tòa án, thì họ sẽ không được tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện hành chính kéo dài. Trong nhiều trường hợp, sau khi tiến hành rà soát, giải quyết lại và ra thông báo chấm dứt thụ lý đơn giải quyết, người khiếu nại hành chính vẫn không đồng ý, khi đó họ mới gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án, nhưng thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính (01 năm) đã hết, Tòa án trả lại đơn khởi kiện, có thể làm cho quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại hành chính chưa được bảo đảm. Mặt khác, việc tiếp tục rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại hành chính tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn gây khó khăn cho việc xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường Nhà nước đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính khi vi phạm quy định của pháp luật trong giải quyết khiếu nại hành chính.
Trong 06 tháng đầu năm 2021, kết quả giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân, tổ chức 33,53 tỷ đồng; 20,1 ha đất; trả lại quyền lợi cho 7 tổ chức và 288 cá nhân, kiến nghị xử lý hành chính 233 người, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 4 vụ việc. Đối với kết quả xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và xử lý 1.381 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Qua xem xét nội dung đơn, thư, các khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án; đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
2. Đánh giá những kết quả trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua
Qua phân tích tình hình khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, có thể thấy được trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2020 có những thành tựu nổi bật sau:
Một là, các cơ quan hành chính Nhà nước đã kịp thời triển khai thi hành Luật khiếu nại năm 2011, Luật tố cáo năm 2018 gắn với sự chỉ đạo của Đảng về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hai là, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, giải quyết kịp thời nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh và đạt tỷ lệ cao.
Ba là, chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo đã quan tâm giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, tập trung giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đội ngũ chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, người làm công tác pháp luật trong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thực hiện nghiêm túc quy định thời gian giải quyết, có vụ việc còn kéo dài; một số cuộc tổ chức đối thoại trong quy trình giải quyết khiếu nại còn mang tính thủ tục; người tổ chức đối thoại chưa thật sự lắng nghe, tìm hiểu bản chất sự việc từ phía người khiếu nại, chưa làm tốt chức năng giải thích thuyết phục dẫn đến kết thúc các cuộc đối thoại đa số đều chưa tìm được tiếng nói chung, các bên đều giữ nguyên ý kiến của mình là nguyên nhân chính gây bức xúc khiến người khiếu nại tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi, vượt cấp hoặc chuyển qua tố cáo người giải quyết khiếu nại.
Bốn là, việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nhất là pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại được quan tâm và đầy mạnh thực hiện tốt hơn.
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2020, thì công tác này cũng bộc lộ những hạn chế nhất định:
Một là, một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các cơ quan, tổ chức chưa xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hai là, chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số cơ quan, tổ chức còn hạn chế, vẫn còn tình trạng thực hiện không dùng quy định của pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin cua người dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ba là, việc tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật và việc xử lý vi phạm chưa được quan tâm đúng mức, còn tình trạng dung túng, bao che cho cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bốn là, việc thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin, trách nhiệm giải trình chưa nghiêm túc, chưa đáp ứng được yêu cầu chính đáng của người dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc theo dõi, tích hợp, khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu và công khai thông tin về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được yêu cầu.
Năm là, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được vai trò, ý nghĩa trong thực tiễn đời sống xã hội.
Nguyên nhân của thực trạng này là do: Thứ nhất, xuất phát từ nguyên nhân là chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian dài không được hoàn thiện đồng bộ, thiếu cụ thể và nhất quán: Quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai chưa đủ rõ dẫn đến công tác xét xử, giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai còn nhiều hạn chế; chế tài xử lý chưa đủ mạnh để ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Thứ hai, nguyên nhân do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập như chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và quyền của người sử dụng đất đã được pháp luật công nhận, dẫn tới nhấn mạnh quyền thu hồi đất của Nhà nước, tạo vốn từ quỹ đất mà chưa quan tâm đầy đủ lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, đặc biệt là trong việc định giá đất bồi thường, xử lý mối tương quan giữa giá đất thu hồi với giá đất tái định cư (thu hồi giá quá thấp, giao lại giá cao).
Tồn tại trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai: Việc áp dụng pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, nhất là trong việc thu hồi đất. Sau khi có Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cấp tỉnh chưa kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh để triển khai; nhiều địa phương cấp huyện và cấp xã chưa nắm chắc những quy định mới của pháp luật về đất đai nên vẫn còn áp dụng những quy định cũ đã bị hủy bỏ hoặc thay thế, nhiều trường hợp áp dụng sai quy định.
Bất cập trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Nhìn chung, tổ chức và cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai thiếu ổn định và bất cập so với yêu cầu thực tế. Giải quyết một vụ khiếu nại đòi hỏi phải có các bước điều tra, nghiên cứu, kết luận và thi hành kết luận, do đó cần một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên trách. Nhưng hiện nay, hầu hết cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại chủ yếu là kiêm nhiệm; khiếu nại về đất đai chủ yếu nảy sinh ở cấp huyện, xã nhưng cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết ở cấp này lại không tương ứng.
Trong thời gian tới, tình hình khiếu kiện có khả năng tiếp tục phát sinh liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trọng điểm như: dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao (thành phố Thủ Đức); di dời giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế… đặc biệt trong năm 2021 sau khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội Khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, nếu không tập trung chỉ đạo, giải quyết sẽ có chiều hướng khiếu kiện đông người, phức tạp. Do vậy, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công khai minh bạch trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm hạn chế những bức xúc của người dân dẫn đến khiếu nại, tố cáo góp phần thực hiện tốt các dự án, ổn định tình hình an ninh chính trị.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới
Tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian tới còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tập trung nhiều ở những địa phương, địa bàn thu hồi nhiều đất của dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Khiếu nại đông người, phức tạp sẽ phát sinh ở những nơi không làm tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, không quan tâm đúng mức đến công tác vận động, thuyết phục và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai trong thời gian tới tiếp tục có sự thay đổi, trong khi những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai chậm được khắc phục. Tình trạng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo; lợi dụng dân chủ, kích động, lôi kéo người khiếu kiện…
Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về nhận thức phải coi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm bảo đảm quyền lợi của công dân và góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế.
Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo để nâng cao hiểu biết pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cán bộ, nhân dân (tập trung ở khu vực xã, phường, thị trấn), các cơ quan báo, đài phát thanh, truyền hình phối hợp với các cơ quan hữu quan thường xuyên tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo bằng các hình thức phong phú, thiết thực, tăng thời lượng, bài viết, chuyên đề, biểu dương kịp thời những điển hình tốt, kinh nghiệm, sáng kiến hay, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung vào pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, xây dựng, pháp luật về kinh doanh… Tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Hoàn thiện cơ chế phối hợp đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính.
Thứ ba, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt coi trọng đối thoại cũng như quá trình thẩm tra, xác minh để có quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại khách quan, chính xác. Chủ động chỉ đạo, tổ chức phối hợp giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới. Phát huy tối đa hiệu quả việc đối thoại, gặp gỡ, trao đổi với người khiếu nại, tố cáo đặc biệt là đối với các vụ việc đông người, phức tạp, gay gắt.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo đảm cho các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm chỉnh. Tập trung kiểm tra rà soát, phối hợp, tuyên truyền, vận động để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng. Đồng thời giải quyết dứt điểm ngay các vụ việc mới phát sinh tại cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại hành chính.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại hành chính thông qua việc làm rõ trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể; quy định chế tài áp dụng tương ứng để xử lý vi phạm trong khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính; hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định trách nhiệm pháp lý và hậu quả pháp lý mà các chủ thể phải gánh chịu nếu vi phạm pháp luật; công khai các vi phạm và tăng cường giám sát việc xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khiếu nại hành chính.
Thứ tư, tăng cường sự tham gia, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã hội đối với việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo thông qua việc tạo điều kiện và huy động sự tham gia của xã hội vào giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo bằng cách: Công khai trình tự, thủ tục tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại hành chính, công khai kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, mở rộng, tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể xã hội phối hợp với các cơ quan Nhà nước tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường trách nhiệm giải trình khi tiếp nhận và xử lý các kiến nghị từ hoạt động giám sát của xã hội, nhất là của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các Ban Thanh tra nhân dân./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2017.
- Trần Đức Lượng (2014), Tìm hiểu pháp luật về khiếu nại (Tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn), Đề án 1-1133/QĐ-TTg, Thanh tra Chính phủ, Hà Nội.
- Lê Tiến Hào (2011), Khiếu nại, tố cáo hành chính – Cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp, Các chuyên đề nghiên cứu Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Hà Nội.
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020
- Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm 2021.
- Thông cáo Báo chí về chương trình phiên họp thứ 2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 18 tháng 8 năm 2021.
- Báo cáo số 1057/TTCP-KHTH của Thanh tra chính phủ ngày 05/7/2021 về việc báo cáo kết quả cống tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021.
Trả lời