Mục lục
Một số điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: Bài viết dưới đây phân tích về những điểm mới, tiến bộ cơ bản của luật này…
- Văn bản quy phạm pháp luật là gì? Phân tích khái niệm VBQPPL?
- Ưu thế của văn bản quy phạm so với nguồn khác của pháp luật
- Tại sao văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là loại nguồn quan trọng nhất của pháp luật Việt Nam hiện nay
- Vai trò của Tòa án trong việc xem xét Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ – TS. Cao Vũ Minh
- Những điểm mới cơ bản của Hiến pháp nước CHXHCH Việt Nam 2013 – PGS.TS. Trương Đắc Linh & TS. Nguyễn Mạnh Hùng
- Những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về quyền bào chữa và việc hoàn thiện BLTTHS – TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
- Một số điểm mới về chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – TS. Võ Thị Kim Oanh & ThS. Trịnh Duy Thuyên
- Một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2014 – TS. Võ Trung Tín
TỪ KHÓA: Điểm mới của Luật, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật 2015,
TÓM TẮT
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 22/6/2015 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Luật này được mong đợi là nền tảng pháp lý quan trọng cho hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp phần tạo ra một hệ thống pháp luật có tính “đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch”. Bài viết dưới đây phân tích về những điểm mới, tiến bộ cơ bản của luật này.
Chất lượng và hiệu quả của hoạt động sáng tạo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm một hệ thống VBQPPL đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi cao. Đương nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện nếu quá trình sáng tạo ấy được đặt trong một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (viết tắt Luật BHVBQPPL năm 2015)[1] được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 22/6/2015 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, được mong đợi là nền tảng pháp lý quan trọng cho hoạt động ban hành VBQPPL của các cơ nhà nước có thẩm quyền. Bài viết phân tích về những điểm mới, tiến bộ của Luật BHVBQPPL năm 2015.[2]
1. Định nghĩa văn bản quy phạm pháp luật
Đây là vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng hóa ra lại khá phức tạp. Văn bản nào là VBQPPL không phải là câu hỏi luôn dễ trả lời. Dưới góc độ pháp lý, để giúp phân biệt VBQPPL với các loại hình văn bản khác (nhất là văn bản áp dụng quy phạm pháp luật), Luật BHVBQPPL qua các thời kỳ đã dành riêng một điều để định nghĩa.[3] Nhìn chung, các dấu hiệu để nhận diện VBQPPL ở các luật này là khá giống nhau, bao gồm các tiêu chí cơ bản như: (1) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, (2) ban hành theo đúng hình thức, thủ tục do luật quy định, (3) có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, (4) được nhà nước bảo đảm thực hiện, (5) để điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, do cách định nghĩa còn mang nặng tính học thuật nên đã gây nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xác định văn bản nào là VBQPPL.[4] Luật BHVBQPPL năm 2015 định nghĩa VBQPPL hợp lý hơn với sự sắp xếp khoa học thứ tự các dấu hiệu, trong đó dấu hiệu quan trọng nhất để nhận diện VBQPPL với các loại hình văn bản khác (dấu hiệu “có chứa quy phạm pháp luật” (QPPL)) được đặt lên hàng đầuvà VBQPPL được định nghĩa ngắn gọn, súc tích, cùng với sự loại bỏ một số dấu hiệu không cần thiết như: được Nhà nước bảo đảm thực hiện hoặc để điều chỉnh các quan hệ xã hội (bởi vì VBQPPL chắc chắn phải chứa QPPL mà QPPL do cơ quan nhà nước ban hành thì đương nhiên Nhà nước phải bảo đảm thực hiện và đã chứa QPPL thì chắc chắn là dùng để điều chỉnh quan hệ xã hội). Theo đó, Điều 2 Luật năm 2015 định nghĩa “VBQPPLlà văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này”. Đồng thời, nhà làm luật đã khéo léo dành một khoản của Điều 3 Luật BHVBQPPL năm 2015 để định nghĩa QPPL là gì? Đây là lần đầu tiên ở nước ta, định nghĩa về QPPL xuất hiện một cách chính thức trong văn bản luật. Điều này góp phần quan trọng vào việc phân biệt QPPL với các loại quy phạm xã hội khác.
2. Giải thích từ ngữ
Đây là nội dung hoàn toàn mới so với các Luật BHVBQPPL trong thời gian qua. Tuy “từ ngữ” để giải thích trong luật này không nhiều nhưng những quy định mới này góp phần tạo ra khuôn khổ pháp lý tốt hơn cho hoạt động ban hành VBQPPL ở nước ta trong thời gian tới. Bên cạnh giải thích về thuật ngữ QPPLđã bàn ở trên, Luật BHVBQPPL năm 2015 còn giải thích hai cụm từ khác.
– Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của VBQPPL:Trong quá trình xây dựng VBQPPL, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức có liên quan là phải “tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản”. Trong khi đó, đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung pháp luật chỉ quy định trách nhiệm là “tạo điều kiện” để họ “tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”. Như vậy, có sự khác biệt rất lớn giữa “đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của VBQPPL” với các đối tượng khác nói chung. Vì vậy, cần phải có sự phân biệt giữa các đối tượng này. Luật BHVBQPPL năm 2015 định nghĩa đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của VBQPPL là góp phần thực hiện mục tiêu đó.
– Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, hiểu thế nào là giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh lại chưa được định nghĩa chính thức trong Luật BHVBQPPL năm 2008, cũng như trong bất kỳ văn bản luật nào khác.[5] Do đó, định nghĩa giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh “là việc Ủy ban thường vụ Quốc hội làm rõ tinh thần, nội dung của điều, khoản, điểm trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh để có nhận thức, thực hiện, áp dụng đúng, thống nhất pháp luật” ở khoản 3, Điều 3 Luật năm 2015 góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nội dung quan trọng này.
3. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Với tiêu chí vừa bảo đảm sự “tinh gọn” của hệ thống VBQPPL, vừa bảo đảm hình thức pháp lý quan trọng cho các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật, Luật BHVBQPPL năm 2015 một mặt vẫn giữ những chủ thể được quyền ban hành VBQPPL như Luật BHVBQPPL năm 2008 (Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp), mặt khác có những thay đổi nhất định trong quy định về hệ thống VBQPPL để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thể hiện ở một số khía cạnh sau:
– Luật BHVBQPPL năm 2015 quy định Hiến pháp vào một khoản riêng (khoản 1, Điều 2) của hệ thống VBQPPL.[6] Quy định này nhằm phản ánh đúng giá trị, “thứ bậc” pháp lý của Hiến pháp. Với tư cách “là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Hiến pháp “có hiệu lực pháp lý cao nhất” và “mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp” (Điều 119 Hiến pháp năm 2013). Do đó, Hiến pháp cần phải được sắp xếp ở vị trí cao nhất trong hệ thống VBQPPL.
– Luật BHVBQPPL năm 2015 bổ sung tên gọi bộ luật trong hình thức văn bản của Quốc hội. Điều này là phù hợp, vì thực tế bên cạnh các VBQPPL mang tên luật, Quốc hội còn ban hành văn bản mang tên bộ luật (Ở nước ta, hiện nay có 6 bộ luật đang tồn tại).[7]
– Luật BHVBQPPL năm 2015 hạn chế chủ thể có thẩm quyền ban hành nghị quyết liên tịch. Theo đó, khác với Luật BHVBQPPL năm 2008 (quy định tất cả các cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội đều có thể phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hộihoặc Chính chủ để ban hành nghị quyết liên tịch), Luật BHVBQPPL năm 2015 chỉ dành quyền này cho Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tách nội dung ban hành nghị quyết liên tịch quy định vào hai khoản khác nhau gắn liền với thẩm quyền của cơ quan nhà nước (hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hộivới Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tại khoản 3 Điều 4 và hình thức nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tại khoản 5 Điều 4).[8] Với vị trí “là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài” thì việc duy trì nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hợp lý, vừa bảo đảm “tiếng nói”, “sự tham gia vào quản lý nhà nước” của các loại hình tổ chức (khi Mặt trận tổ quốc là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức này), vừa bảo đảm quyền lực nhân dân trong hoạt động ban hành VBQPPL. Ngoài ra, việc bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của cơ quan trung ương các tổ chức chính trị – xã hội còn nhằm bảo đảm tính chịu trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc ban hành, cũng như tổ chức thực thi VBQPPL.
– Luật BHVBQPPL năm 2015 bổ sung thẩm quyền ban hành VBQPPL của “chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”. Theo khoản 1, Điều 110 Hiến pháp năm 2013, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là một loại đơn vị hành chính ở Việt Nam và do Quốc hội thành lập. Do đó, quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL cho cấp chính quyền này là hợp lý, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Bởi lẽ, tuy đây là đơn vị hành chính đặc biệt, không giống như các đơn vị hành chính “truyền thống” ở Việt Nam trước đó nhưng cũng là một loại đơn vị hành chính (mới được xác định trong Hiến pháp năm 2013). Vì vậy, chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác đều được quyền ban hành VBQPPL, không có lý do gì chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt lại không có thẩm quyền này.
– Luật BHVBQPPL năm 2015 loại bỏ hình thức thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Đây là quy định nhằm phá vỡ tình trạng không rõ ràng về mặt trách nhiệm đối với thông tư liên tịch do các Bộ trưởng cùng nhau phối hợp ban hành, góp phần tăng cường năng lực quản lý và tính chịu trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc ban hành thông tư đối với ngành, lĩnh vực do mình được phân công phụ trách theo đúng quy định pháp luật.
– Luật năm 2015 cũng loại bỏ hình thức chỉ thị của Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp. Theo Luật BHVBQPPL của Hội đồng nhân dân, UBND năm 2004, ngoài quyết định, UBND các cấp còn có thể BHVBQPPL dưới hình thức chỉ thị. Thực tế đã chứng minh, tính “có chứa QPPL” của chỉ thị thường không đảm bảo, hầu hết các chỉ thị là dùng để “chỉ đạo”, “phối hợp hoạt động”, “đôn đốc”. Hơn nữa, từ Luật BHVBQPPL năm 2008, toàn bộ các chủ thể nhà nước ở trung ương đều không còn thẩm quyền BHVBQPPL với tên gọi chỉ thị. Do đó, bỏ hình thức chỉ thị của UBND là hợp lý và khoa học, đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa hệ thống VBQPPL.
4. Ngôn ngữ và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật
Luật BHVBQPPL năm 2015 bổ sung nội dung xác định trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hộivà Chính phủ trong việc quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL (“Ủy ban thường vụ Quốc hộiquy định về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”, “Chính phủ quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL của các cơ quan, người có thẩm quyền khác…”). Bên cạnh điều chỉnh về thể thức và kỹ thuật trình bày của văn bản hành chính, pháp luật hiện hành có không ít các văn bản pháp luật điều chỉnh về vấn đề tương tự đối với VBQPPL.[1] Sự “phong phú” này làm cho quy định pháp lý về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản nói chung, VBQPPL nói riêng khá “cồng kềnh”, nhưng lại không tạo được sự thống nhất, gây khó khăn cho việc áp dụng cũng như rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật. Quy định mới về trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hộivà Chính phủ đối với vấn đề này sẽ là cơ sở bảo đảm cho tính khuôn mẫu của các loại hình VBQPPL ở nước ta trong thời gian tới.
5. Văn bản quy định chi tiết
Luật BHVBQPPL năm 2015 bổ sung quy định: “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”. Điều khoản này bảo đảm tính quy định văn bản quy định chi tiết “có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. Bởi nếu không “được chuẩn bị và trình đồng thời” với văn bản được quy định chi tiết thì khả năng văn bản quy định chi tiết có hiệu lực “cùng thời điểm” là khó thực hiện. Thực trạng cho thấy, tình trạng “chậm trễ” trong việc ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết thi hành vẫn còn, mặc dù đã giảm so với những năm trước đây. Theo thống kê, chưa tới 60% số văn bản được ban hành đúng thời hạn theo chương trình, kế hoạch.[10]
6. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật
Luật BHVBQPPL năm 2015 đã bỏ thuật ngữ “hủy bỏ” trong các điều khoản tương tự của Luật BHVBQPPL năm 2008 (Điều 9). Điều này là cần thiết nhằm tránh sự không rõ ràng, nhầm lẫn với thuật ngữ “bãi bỏ”, cũng là để phù hợp với tinh thần quy định của Hiến pháp năm 2013 (toàn bộ các thuật ngữ “hủy bỏ” không còn sử dụng trong các quy định về hình thức xử lý có thể áp dụng đối với văn bản trái pháp luật). Đồng thời, Điều 12 còn bổ sung quy định “Văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo và niêm yết theo quy định”. Văn bản bãi bỏ làm chất dứt hiệu lực tồn tại của một văn bản trái pháp luật, vì vậy cần phải được thông báo công khai (thông qua hình thức đăng công báo và niêm yết theo quy định) để các đối tượng được biết, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của VBQPPL.
7. Thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật
Về cơ bản, với Chương II Luật BHVBQPPL năm 2005, có hai điểm mới nổi bật so với Luật BHVBQPPL năm 2008. Cụ thể:
– Bằng cách sử dụng phương pháp liệt kê, thẩm quyền ban hành văn bản luật và nghị quyết QPPL của Quốc hội đã rõ ràng hơn Luật Ban hành VBQPPL năm 2008. Quy định này giúp xác định dễ dàng hơn khi nào Quốc hội cần dùng luật để điều chỉnh (khoản 1, Điều 15), khi nào cần dùng nghị quyết QPPL để điều chỉnh (khoản 2, Điều 15). Điều này góp phần xóa bỏ tình trạng quy định chung chung, khó vận dụng như Luật BHVBQPPL năm 2008.[11]
– Quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL dưới hình thức lệnh, quyết định của Chủ tịch nước cũng có tiến bộ hơn. Luật BHVBQPPL năm 2015 đã liệt kê những nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước phải BHVBQPPL như: “Tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được”.
8. Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
“Luật thủ tục của luật”; “luật làm luật” là những cụm từ được sử dụng khi bàn về vai trò của Luật BHVBQPPL. Vì vậy, quy trình để ban hành các VBQPPL có thể nói là nội dung quan trọng bậc nhất và cũng chiếm nhiều điều khoản nhất trong Luật BHVBQPPL. Trong Luật BHVBQPPL năm 2015, những nội dung mới sau về xây dựng, BHVBQPPL cũng đóng góp quan trọng vào sự thành công của Luật BHVBQPPL năm 2005:
– Đặt ra nhiều quy định liên quan đến hoạt động “xây dựng chính sách” trong quá trình BHVBQPPL (đặc biệt là các văn bản như luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân). Xây dựng chính sách có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hoạt động xây dựng VBQPPL đúng định hướng. “Chính sách” được xem là “ý tưởng”, còn soạn thảo VBQPPL được xem là quá trình chuyển hóa “ý tưởng” thành các QPPL cụ thể. Trên cơ sở các chính sách “hoàn hảo” thì nội dung các quy phạm (được chuyển tải từ các “ý tưởng”) mới hợp pháp và hợp lý. Luật BHVBQPPL năm 2008 chưa chú trọng đến xây dựng chính sách đối với hoạt động ban hành VBQPPL. Trong khi đó, Luật BHVBQPPL năm 2015 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động này, có sự tách bạch giữa quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo VBQPPL.
– Về xây dựng, ban hành VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Luật BHVBQPPLnăm 2015 bổ sung một số “bước mới” như:
+ Bổ sung bước “Lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước” (Mục 1, Chương IV), trong đó quy định về “Trách nhiệm lập danh mục văn bản quy định chi tiết” (Điều 82); “Triển khai xây dựng văn bản quy định chi tiết” (Điều 83). Việc lập danh mục chi tiết tạo “kế hoạch chuẩn” cho việc ban hành loại VBQPPL này, cùng với các yêu cầu về “dự kiến thời gian ban hành”, “theo dõi, đôn đốc”, “báo cáo tiến độ, tình hình ban hành” (được quy định trong Mục này) là những giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu về tính đồng bộ, kịp thờitrong hoạt động ban hành văn bản quy định chi tiết, khắc phục tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết.
+ Bổ sung bước (thủ tục) “đặc biệt” đối với quy trình xây dựng “nghị định không đầu” của Chính phủ. Trước khi Luật BHVBQPPL năm 2015 được ban hành, quy trình để thực hiện loại nghị định đặc biệt này chưa được quy định cụ thể. Pháp luật chỉ xác định “Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội”. Tuy nhiên, thủ tục “xin ý kiến” đó được quy định như thế nào thì không được điều chỉnh cụ thể trong Luật BHVBQPPL năm 2008. Do đó, Điều 95 Luật BHVBQPPLnăm 2015 quy định về thủ tục xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc ban hành “nghị định không đầu” đã góp phần khắc phục những hạn chế này.
9. Hiệu lực và nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
Những điểm mới được thể hiện như sau:
– Tách nội dung đăng công báo VBQPPL ra khỏi nội dung thời điểm có hiệu lực của VBQPPL và chuyển nội dung đăng công báo trước nội dung thời điểm có hiệu lực để nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động này đối với vấn đề hiệu lực của VBQPPL. Kỹ thuật lập pháp này phù hợp với nguyên tắc “Bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của VBQPPL” được quy định tại Điều 4 Luật BHVBQPPL năm 2015.
– Quyđịnh hiệu lực trở về trước của VBQPPL hợp lý hơn. Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 quy định: “Chỉ trong những trường hợp thật cần thiết, VBQPPL mới được quy định hiệu lực trở về trước” (khoản 1, Điều 79). Tuy nhiên, trường hợp nào là “thật cần thiết” lại không có câu trả lời cụ thể. LuậtBHVBQPPL năm 2015 tuy không xác định cụ thể trường hợp nào là “thật cần thiết” nhưng đã đưa ra tiêu chí, mục đích của trường hợp “thật cần thiết” là nhằm“bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”(khoản 1, Điều 155). Như vậy, các chủ thể có thẩm quyền không được “tùy tiện” nhân danh cụm từ “thật cần thiết” để ban hành văn bản có hiệu lực trở về trước mà cần “thận trọng” khi thực hiện quyền năng này. Mọi trường hợp “thật cần thiết” nhưng vi phạm mục đích trên đều không thể được chấp nhận và đương nhiên đều bị xem là văn bản trái pháp luật, cần bị xử lý theo quy định.
– Luật BHVBQPPLnăm 2015 bổ sung quy định về trường hợp hết hiệu lực: “VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực” (khoản 4, Điều 154). Văn bản quy định chi tiết được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản được quy định chi tiết thì không có lý do gì văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực mà văn quy định chi tiết lại còn hiệu lực. Đương nhiên, quy định của Luật BHVBQPPLnăm 2015 còn “tiến bộ” hơn cả Luật BHVBQPPL năm 1996 vì Luật năm 2015 đã loại bỏ hẳn quy định có tính tùy nghi “trừ trường hợp được giữ lại toàn bộ hoặc một phần vì còn phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới” như quy định trong Luật BHVBQPPL năm 1996.
– Luật BHVBQPPL2015 bổ sung quy định mới về áp dụng VBQPPL là: “Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp” (khoản 5, Điều 156). Quy định này là sự hợp lý nhằm làm rõ vị trí thứ bậc pháp lý giữa điều ước quốc tế và quy phạm pháp luật quốc gia.
CHÚ THÍCH
[1] Luật năm 2015 gồm 17 chương, 175 điều, được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 22/6/2015, tại kỳ họp thứ 9.
[2] Những điểm mới này không chỉ so sánh với Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, mà còn đối chiếu với các quy định của Luật Ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004.
[3] Luật Ban hành VBQPPL năm 1996, Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, Luật Ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 đều dành Điều 1 để định nghĩa về VBQPPL.
[4] Báo cáo số 69/BC-BTP của Bộ Tư pháp ngày 18/3/2014về các định hướng lớn xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL.
[5] Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 cũng không định nghĩa về vấn đề này, mặc dù có quy định về các nội dung khác tại Điều 49 như thẩm quyền đề nghị, cơ quan có trách nhiệm soạn thảo, cơ quan có trách nhiệm thẩm tra đối với văn bản giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
[6] Khoản 1, Điều 2 Luật Ban hành VBQPPL 2008 quy định “Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội”.
[7] Ở nước ta, hiện có các bộ luật: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hàng hải.
[8] Khoản 10, Điều 2 Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 quy định hình thức nghị quyết liên tịch vào chung một khoản.
[9] Hiện nay, có 03 VBQPPL sau đây quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL: (1) Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 03/7/2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hộivề ban hành Quy chế về kỹ thuật trình bày dự thảo VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; (2) Thông tư số 25/2011/TT-BTP ngày 27/12/2011 của Bộ Tư pháp về thể thức, kỹ thuật trình bày VBQPPL củaChính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và VBQPPL liên tịch; (3) Thông tư liên tịch số 55/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
[10] Võ Văn Tuyển (Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp), Thẩm quyền ban hành VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tài liệu Hội thảo Góp ý về Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2015.
[11] Khoản 2, Điều 11 Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 quy định: “Luật của Quốc hội quy định các vấn đề cơ bản…”. Tuy nhiên nội dung nào thuộc “vấn đề cơ bản” là rất tùy nghi và rất khó có câu trả lời toàn diện. Luật năm 2015 góp phần giải quyết những khó khăn này.
Tác giả: Dương Hồng Thị Phi Phi – ThS, NCS, Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(95)/2016 – 2016, Trang 48-53
Like Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Trả lời