Mục lục
Các hình thức quản lý hành chính nhà nước
- Quản lý hành chính nhà nước là gì? Đặc điểm hoạt động quản lý hành chính nhà nước?
- Các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước
- Các phương pháp quản lý hành chính nhà nước
- Bổ sung nguyên lý quản lý nhà nước trong đào tạo môn Luật Hành chính – Tạp chí KHPLVN
- Phân tích khái niệm quản lý hành chính nhà nước. Cho ví dụ về một hoạt động quản lý hành chính nhà nước?
- Phân cấp trong quản lý hành chính nhà nước là gì?
- [PHÂN BIỆT] Các hình thức quản lý hành chính nhà nước
- [PHÂN BIỆT] Hoạt động quản lý hành chính nhà nước với hoạt động lập pháp và tư pháp? Nêu ví dụ?
1. Hình thức quản lý hành chính nhà nước là gì?
Quản lý hành chính nhà nước được thực hiện trước hết chủ yếu bởi cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua hoạt động quản lý cơ quan hành chính giải quyết hàng loạt những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội (các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao…). Những hoạt động này rất phong phú và được thể hiện dưới những hình thức nhất định. Hình thức quản lý hành chính nhà nước là biểu hiện ra bên ngoài của những hoạt động cùng loại về nội dung, tính chất do các cơ quan hành chính thực hiện nhằm giải quyết những nhiệm vụ đặt ra trong lĩnh vực quản lý hành chính.
Bất kỳ một nội dung quản lý nào muốn đưa vào thực tế cũng đều phải thông qua những hình thức nhất định. Hình thức quản lý phải do các cơ quan hành chính có thẩm quyền sử dụng. Pháp luật quy định rất cụ thể mỗi một cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện những hình thức nhất định. Điều đó có nghĩa là nếu sử dụng những hình thức không được pháp luật cho phép là vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc lựa chọn những hình thức quản lý phải đáp ứng với những vấn đề cần giải quyết, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đối tượng quản lý là hết sức cần thiết. Hình thức và nội dung quản lý có quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, khi cơ quan hành chính nhà nước áp dụng hình thức này hay hình thức khác thể hiện chủ thể quản lý đã đưa một nội dung quản lý nào đó vào thực tiễn.
2. Phân loại hình thức quản lý hành chính nhà nước
Một quan niệm tương đối phổ biến khi đề cập hình thức quản lý hành chính, đó là phân loại hình thức quản lý hành chính thành hai nhóm: Những hình thức quản lý hành chính mang tính pháp lý và những hình thức không mang tính pháp lý.
Những hình thức mang tính pháp lý được pháp luật quy định cụ thể gắn với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hành chính và ban hành các văn bản áp dụng quy phạm pháp luật hành chính.
Ví dụ: Pháp luật quy định cụ thể thẩm quyền ban hành văn bản, hình thức văn bản, thủ tục ban hành văn bản. Những hình thức này thể hiện tính quyền lực nhà nước, nó mang tính bắt buộc đối với các đối tượng có liên quan hoặc trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt một quan hệ pháp luật hành chính cụ thể.
Những hình thức quản lý không mang tính pháp lý chỉ được pháp luật quy định chung. Hình thức hoạt động này không làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính, các quyền, nghĩa vụ của đối với chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Hình thức này cũng được sử dụng tương đối phổ biến, có tính chất hỗ trợ cho hình thức pháp lý. Chẳng hạn hoạt động thu thập, xử lý thông tin giúp chủ thể quản lý ban hành quyết định quản lý, phổ biến kinh nghiệm tiên tiến, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào quản lý làm tăng hiệu quả của hoạt động này… Hình thức không mang tính pháp lý tuy không được pháp luật quy định chặt chẽ như hình thức pháp lý nhưng cũng giống như hình thức pháp lý nó có liên quan chặt chẽ đến thẩm quyền của cơ quan hành chính. Để đưa nội dung quản lý vào thực tế chủ thể quản lý thường sử dụng kết hợp cả hai hình thức này.
Việc phân chia hoạt động quản lý thành 2 nhóm thành những hình thức pháp lý và hình thức không mang tính pháp lý nhìn chung được các nhà khoa học và quản lý thừa nhận nhưng khi phân chia mỗi một hình thức thành những loại nhỏ hơn thì có sự phân chia khác nhau.
2.1. Cách chia hình thức quản lý hành chính nhà nước thành 6 loại
Cách thứ nhất: Hình thức quản lý hành chính chia làm 6 loại:
– Ban hành các quyết định quản lý có ý nghĩa chung, chủ đạo;
– Ban hành các quyết định quản lý có tính quy phạm;
– Ban hành các quyết định quản lý cá biệt – cụ thể;
– Thực hiện các hoạt động tổ chức xã hội trực tiếp;
– Tiến hành các hoạt động mang tính chất tác nghiệp vật chất – kỹ thuật;
– Hợp đồng hành chính.
2.2. Cách chia hình thức quản lý hành chính nhà nước thành 4 loại
Cách thứ hai: Hình thức quản lý hành chính chia làm 4 loại:
– Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
– Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật;
– Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp;
– Thực hiện những tác động về nghiệp vụ – kỹ thuật.
2.3. Cách chia hình thức quản lý hành chính nhà nước thành 5 loại
Để phân loại cụ thể các hình thức quản lý hành chính hiện nay thành 4 loại thì chưa đầy đủ. Thực tế, hoạt động áp dụng quy phạm pháp luật hành chính không phải lúc nào cũng được thực hiện thông qua hình thức văn bản mà nó còn được áp dụng thông qua các hoạt động cụ thể của các chủ thể có thẩm quyền quản lý. Do vậy hợp lý nhất là phân chia hình thức quản lý thành 5 loại:
– Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
– Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật;
– Thực hiện những hoạt động khác mang tính pháp lý;
– Áp dụng các biện pháp tổ chức trực tiếp;
– Thực hiện những tác động về nghiệp vụ – kỹ thuật.
3. Hệ thống các hình thức quản lý hành chính nhà nước
3.1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản là hình thức thể hiện của quyết định hành chính nói chung, trong đó có quyết định hành chính quy phạm và đây là hình thức pháp lý được xác định là quan trọng nhất trong hoạt động quản lý hành chính. Thông qua hình thức này cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý của mình.
Các văn bản pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước ban hành (Đạo luật, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) mới chỉ quy định những quy tắc chung, cơ bản, không bao hàm hết mọi vấn đề của đời sống xã hội. Nhiệm vụ đặt ra trước cơ quan hành chính là phải ban hành các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa, chi tiết hóa những quy định chung đó, những văn bản pháp luật này là phương tiện hữu hiệu để cơ quan hành chính giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình.
Hoạt động quản lý hành chính là tổ chức thực hiện pháp luật một cách trực tiếp, thường xuyên, đòi hỏi cơ quan hành chính phải ban hành một số lượng lớn các văn bản quy phạm của mình mới đáp ứng được yêu cầu đó. Hoạt động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hành chính cho thấy hoạt động của các chủ thể quản lý không chấp hành thụ động mà mang tính sáng tạo cao. Điều này thể hiện ở chỗ những nội dung cần điều chỉnh trong thực tiễn quản lý rất phong phú và phức tạp, nhiều nội dung mới phát sinh mà chưa có luật điều chỉnh. Điều này đòi hỏi cơ quan hành chính phải ban hành các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền làm cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề mới phát sinh đó.
Tính linh hoạt, sáng tạo thể hiện cao trong hoạt động này, đồng thời cho thấy hoạt động quản lý hành chính do các cơ quan hành chính thực hiện không phải là hoạt động chấp hành thụ động. Văn bản pháp luật do cơ quan hành chính ban hành là kết quả của hoạt động lập quy (ban hành quy phạm pháp luật hành chính do cơ quan hành chính thực hiện), mục đích của hoạt động này đặt ra các quy tắc xử sự điều chỉnh hành vi của cơ quan hành chính, cán bộ, công chức, công dân, người nước ngoài, các tổ chức.
Đồng thời xác định thẩm quyền của các cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong quan hệ pháp luật hành chính. Quy định về cơ cấu tổ chức, mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính với nhau và ngay cả quan hệ trong nội bộ cơ quan hành chính. Nếu không có sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật hành chính thì không thể bảo đảm cho hoạt động quản lý hành chính được diễn ra một cách đúng đắn phù hợp với quy luật khách quan. Quy phạm pháp luật hành chính là một phương tiện rất quan trọng để cơ quan hành chính thực hiện chức năng của mình.
Vai trò của văn bản quy phạm pháp luật hành chính quan trọng như vậy nên thẩm quyền ban hành, thủ tục ban hành phải được pháp luật quy định rất cụ thể.
3.2. Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật hành chính
Đây là một hình thức rất quan trọng và được các cơ quan hành chính sử dụng thường xuyên để đưa các quy phạm pháp luật hành chính vào thực tiễn. Việc các chủ thể quản lý ban hành các văn bản áp dụng quy phạm pháp luật là nhằm giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của một cá nhân hay tổ chức và tùy vào từng trường hợp cụ thể chủ thể quản lý sẽ ban hành các văn bản áp dụng cho phù hợp.
Quy phạm pháp luật hành chính chủ yếu được đưa vào đời sống xã hội, thông qua hình thức văn bản này. số lượng văn bản áp dụng được ban hành rất lớn và thường xuyên, điều này cho thấy cơ quan hành chính trực tiếp giải quyết công việc hàng ngày chiếm một tỷ lệ lớn so với những công việc khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính. Ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật hành chính được các chủ thể quản lý ban hành để giải quyết những vấn đề về xây dựng, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, xử lý vi phạm hành chính…
Chính vì vậy hoạt động này phải dựa trên cơ sở các đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan hành chính cấp trên hoặc chính cơ quan ban hành văn bản áp dụng đó. Văn bản áp dụng cũng giống như các hình thức văn bản bản khác mang tính quyền lực nhà nước, tính đơn phương, bắt buộc thi hành ngay đối với đối tượng áp dụnẹ. Văn bản áp dụng có tính đơn phương thể hiện chủ thể quản lý căn cứ vào pháp luật, vào những sự kiện pháp lý, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để áp dụng một hay một số quy phạm tương ứng với những tình huống cần giải quyết đó.
Việc tham khảo ý kiến của các cơ quan hữu quan nhằm thu thập thông tin cho việc ra văn bản áp dụng là quan trọng nhưng không có tính quyết định. Quyết định hành chính do cơ quan hành chính ban hành có nhiều loại (Quyết định chủ đạo, quyết định quy phạm, quyết định áp dụng) nhưng các quyết định này đều phải được thể hiện dưới hình thức văn bản. Nói một cách khác văn bản hành chính là hình thức thể hiện của quyết định hành chính nói chung và quyết định cá biệt nói riêng. Phạm vi tác động của loại văn bản này rất rộng và mục đích ban hành rất khác nhau. Hoạt động ban hành văn bản áp dụng là hoạt động chủ yếu của các chủ thể quản lý hành chính và trực tiếp tác động đến cá nhân, tổ chức đòi hỏi chủ thể ban hành phải dựa trên cơ sở pháp luật và phải xem xét thực tế vấn đề cần giải quyết để áp dụng quy phạm pháp luật phù hợp.
3.3. Thực hiện những hoạt động khác mang tính pháp lý
Hoạt động áp dụng pháp luật được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức văn bản áp dụng. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính còn được thông qua các hoạt động có tính chất pháp lý do những chủ thể khác nhau thực hiện.
Đó là những hoạt động như:
– Kiểm tra giấy phép lái xe ô tô, xe máy, văn bằng chứng chỉ, đăng ký tạm trú tạm vắng;
– Đăng ký những sự kiện khai sinh, khai tử;
– Tạm giữ hành chính, khám phương tiện vận tải, đồ vật, kiểm tra bắt buộc sức khỏe;
– Công chứng…
Hình thức hoạt động này được áp dụng nhằm nhiều mục đích khác nhau nhằm ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật, thực hiện trách nhiệm giải quyết công việc liên quan đến quyền lợi cá nhân, tổ chức. Đây là hình thức áp dụng quy phạm pháp luật thông qua các hoạt động của các chủ thể quản lý có thẩm quyền mà không phải ban hành văn bản áp dụng.
3.4. Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp
Hoạt động này còn được gọi là thực hiện các hoạt động tổ chức xã hội trực tiếp. Hình thức này được các cơ quan hành chính áp dụng thường xuyên để bổ trợ cho các hình thức quản lý mang tính chất pháp lý. Áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các chủ thể quản lý tác động đến các cá nhân, tổ chức nhằm đảm bảo sự cộng tác, phối hợp giữa cơ quan hành chính, tổ chức xã hội, công dân trong việc thực hiện các quyết định quản lý.
Đó là những biện pháp:
– Ban hành những chỉ dẫn, khuyến nghị khoa học;
– Thăm dò hướng dẫn dư luận xã hội;
– Tổ chức phong trào thi đua, phối hợp hoạt động giữa cơ quan hành chính và tổ chức xã hội;
– Bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ, công chức;
Biện pháp này còn được tổ chức, thực hiện trong nội bộ hệ thống cơ quan hành chính để đảm bảo sự kết hợp thống nhất, đồng bộ trong hoạt động giữa các cơ quan hành chính với nhau
– Kết hợp chế độ tập thể lãnh đạo với chế độ thủ trưởng;
– Quan hệ chỉ đạo, điều hành công việc giữa thủ trưởng với cán bộ công chức thuộc quyền;
– Kiểm tra, giám sát, điều phối hoạt động trong cơ quan;
– Nghiên cứu, tổng kết, phổ biến những kinh nghiệm tiên tiến và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động quản lý.
3.5. Thực hiện những tác động về nghiệp vụ kỹ thuật
Đây là hình thức sử dụng kiến thức nghiệp vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật trợ giúp cho hoạt động quản lý. Hoạt động này rất phong phú như: Chuẩn bị các tài liệu, thu thập xử lý thông tin phục vụ cho việc ban hành văn bản quản lý hành chính, quản lý hồ sơ giấy tờ liên quan đến tổ chức, nhân sự, quản lý thu chi tài chính, tài sản trong cơ quan đơn vị… những hoạt động này ngày càng được chú trọng vì nó phục vụ trực tiếp cho các hoạt động quản lý đạt hiệu quả.
Hoạt động này ngày càng được chú trọng và được trang bị những phương tiện kỹ thuật hiện đại (hệ thống máy tính và các trang thiết bị văn phòng) cùng với các chương trình tin học hóa giúp bảo quản thông tin, truyền đạt thông tin, thu thập xử lý thông tin lựa chọn những thông tin có ích cho hoạt động quản lý. Hoạt động quản lý chỉ có thể đạt hiệu suất cao, chất lượng thông qua những phương tiện đó. Việc hiện đại hóa công tác quản lý hành chính nhờ ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin còn giúp cho việc tinh giảm bộ máy hành chính, loại bỏ dần tệ quan liêu, cải cách về thủ tục giấy tờ, đồng thời người giữ chức vụ lãnh đạo kiểm tra, giám sát tốt hơn đối với cán bộ, công chức thuộc quyền trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan.
Trả lời