• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Bình luận bản án: Điều kiện từ chối đăng ký, sử dụng tên miền

Bình luận bản án: Điều kiện từ chối đăng ký, sử dụng tên miền

20/05/2020 08/04/2021 PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Ngọc Hồng Phượng Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • NỘI DUNG BẢN ÁN
  • BÌNH LUẬN BẢN ÁN
    • 1. Dẫn nhập
  • I. Điều kiện liên quan đến tên miền
    • 2. Trùng hay giống đối tượng sở hữu trí tuệ
    • 3. Trùng hay giống đối tượng sở hữu trí tuệ (tiếp)
    • 4. Hoặc xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp khác
  • II. Điều kiện liên quan đến người đăng ký, sử dụng tên miền
    • 5. Không có quyền, lợi ích liên quan
    • 6. Sử dụng với ý đồ xấu
    • 7. Điều kiện khác (?)
    • 8. Điều kiện khác
    • 9. Kết luận
  • CHÚ THÍCH

Điều kiện từ chối đăng ký, sử dụng tên miền

Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Ngọc Hồng Phượng

TÓM TẮT

Tên miền được tự do đăng ký và hiện nay tranh chấp về tên miền đang có xu hướng tăng. Bài bình luận cho thấy những điều kiện (trường hợp) tên miền bị từ chối cũng như định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tên miền.

Bình luận bản án: Điều kiện từ chối đăng ký, sử dụng tên miền

Xem thêm:

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Tên doanh nghiệp và khả năng xâm phạm quyền đối với tên doanh nghiệp từ góc độ pháp luật sở hữu công nghiệp
  • Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu và tên thương mại
  • Bình luận án lệ 02/2016/AL: Đứng tên giùm người nước ngoài mua bất động sản
  • Một số ý kiến về người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2010
  • Một vài ý kiến về hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 về án treo và tha tù trước thời hạn có điều kiện
  • Một số ý kiến về quy định về phòng vệ chính đáng theo Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015
  • Miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 từ góc độ tư pháp phục hồi
  • Nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế về quyền miễn trừ trong Luật hình sự Việt Nam.
  • Xung đột quyền trong bảo hộ Nhãn hiệu và Tên thương mại
  • Luận cứ để xây dựng nguyên tắc áp dụng pháp luật trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
  • Một số vấn đề pháp lý từ bản án VLM FOOD TRADING INTERNATIONAL, INC. V. ILLINOIS TRADING CO., 2013 WL 816103 (N.D.ILL.2013) của Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam – ThS. Trần Thanh Tâm & ThS. Võ Thành Vinh
  • Bình luận bản án số 42/2010/DS-ST: Sính lễ trong pháp luật Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Lê Thị Diễm Phương
  • Bình luận bản án: Di chúc có công chứng, chứng thực – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
  • Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Phương Thảo

TỪ KHÓA: Bản án, Bình luận bản án, Tạp chí Khoa học pháp lý

NỘI DUNG BẢN ÁN

Bản án số 52/2011/KDTM-PT ngày 29/3/2011 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội

XÉT THẤY

Ngày 30/9/2009, Công ty Samsung Electronics Việt Nam có đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Tòa án xét xử:

– Buộc ông Minh và Công ty ViTechNet phải ngay lập tức chấm dứt việc sử dụng các tên miền samsungmobile.com.vn và samsungmobile.vn và nhãn hiệu Samsung hoặc bất kỳ tên hoặc nhãn hiệu nào mang tên Samsung trên các trang web tại các địa chỉ www.samsungmobile.com.vn, đồng thời không có bất kỳ hành vi nào khác có thể làm tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Samsung Electronics.

– Yêu cầu Trung tâm Internet Việt Nam ra quyết định thu hồi các tên miền samsungmobile.com.vn và samsungmobile.vn nêu trên đã được cấp phát cho ông Minh và Công ty ViTechNet.

Ngày 15/10/2009, Công ty Samsung Electronics đã nộp phí khởi kiện. Ngày 21/10/2009, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thụ lý hồ sơ để xem xét giải quyết vụ án. Ngày 26/10/2009, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản thông báo đến bị đơn là ông Minh và Công ty ViTechNet về việc Tòa án đã thụ lý vụ án để giải quyết việc tranh chấp đối với hai tên miền samsungmobile.com.vn và samsungmobile.vn.

Ngày 04/12/2009, đại diện Công ty Samsung Electronics rút yêu cầu khởi kiện thứ hai là yêu cầu Trung tâm Internet Việt Nam ra quyết định thu hồi đối với hai tên miền samsungmobile.com.vn và samsungmobile.vn. Xét việc rút đơn kiện này của Công ty Samsung Electronics cũng không có ảnh hưởng gì đến việc thu hồi tên miền. Bởi lẽ, khi các bên đương sự khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết việc tranh chấp tên miền thì Tòa án mới là cơ quan có thẩm quyền thu hồi tên miền.

Ngày 23/11/2009, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với đại diện của Trung tâm Internet Việt Nam để trao đổi về việc quản lý tên miền.

Như vậy, căn cứ vào thời điểm thụ lý vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm thì lúc này nguyên đơn khởi kiện đề nghị Tòa án xem xét buộc hai bị đơn phải chấm dứt ngay việc sử dụng tên miền nêu trên, đồng thời thu hồi hai tên miền này ưu tiên cho nguyên đơn được đăng ký sử dụng.

Cũng tại thời điểm nguyên đơn khởi kiện, tên miền samsungmobile.vn vẫn thuộc quyền sử dụng của bị đơn–Công ty ViTechNet theo giấy chứng nhận tên miền ngày 20/12/2007 của Trung tâm Internet Việt Nam.

Phía nguyên đơn chứng minh tên miền samsungmobile.com.vn và samsungmobile.vn do ông Minh và Công ty ViTechNet giống đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của Công ty Samsung Electronics, nhãn hiệu thương mại Samsung của Công ty Samsung Electronics. Các tên miền do bị đơn đăng ký và sử dụng hoàn toàn gây nhầm lẫn với tên thương mại Công ty Samsung Electronics nổi tiếng thế giới đã được đăng ký và sử dụng cho sản phẩm điện thoại di động.

Bị đơn không có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến các tên miền đã đăng ký samsungmobile.com.vn và samsungmobile.vn (căn cứ Điều 1.2 khoản 1 mục II Thông tư 10) tức là bị đơn không phải là người sản xuất, buôn bán điện thoại.

Các tên miền samsungmobile.com.vn và samsungmobile.vn đã được bị đơn sử dụng với ý đồ xấu nhằm thực hiện hành vi chuyển giao cho Công ty Samsung Eclectronics là chủ của tên thương mại và nhãn hiệu Samsung để kiếm lời bất chính là vi phạm qui định tại Điều 2.1. khoản 2 mục II Thông tư số 10 nhằm chiếm dụng tên miền, ngăn cản không cho Công ty Samsung Electronics đăng ký tên miền tương ứng với tên miền quốc tế samsungmobile.com của Công ty Samsung Electronics tại Việt Nam là vi phạm Điều 2.2 khoản 2, mục II Thông tư 10.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định phía bị đơn đã có những hành vi nêu trên và căn cứ tài liệu tại hồ sơ vụ án, những qui định của pháp luật về việc giải quyết các tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” nên đã xét xử thu hồi tên miền samsungmobile.com.vn là chính xác và phù hợp với qui định của pháp luật. Song Tòa án cấp sơ thẩm lại bác đơn khởi kiện của nguyên đơn về việc thu hồi tên miền samsungmobile.vn với lý do là ngày 25/01/2010 tên miền samsungmobile.vn đã được ông Tiến đăng ký sử dụng.

Như trên đã phân tích, tại thời điểm khởi kiện và thụ lý vụ án tên miền samsungmobile.vn vẫn thuộc quyền sử dụng của bị đơn Công ty ViTechNet, đáng lẽ Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho bị đơn và cơ quan quản lý tên miền rằng tên miền samsungmobile.vn đang có tranh chấp phải được giữ nguyên hiện trạng, không được phép trả lại thu hồi, chuyển đổi nhà đăng ký tên miền .vn hay chuyển đổi cho tổ chức, cá nhân mới theo Điểm 2.2 khoản 2 mục IV của Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ thông tin và truyền thông. Do đó, khi tên miền samsungmobile.vn được chuyển giao cho ông Tiến vào ngày 25/01/2010 là gây thiệt hại đến quyền lợi của nguyên đơn.

Mặt khác bản thân ViTechNet cũng không có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến các tên miền đã đăng ký samsungmobile.vn vì không phải là người sản xuất, buôn bán điện thoại Samsung. Tài liệu có trong hồ sơ còn thể hiện ông Minh và ViTechNet (do ông Minh là đại diện) đã có ý đồ xấu là rao bán tên miền samsungmobile.com.vn cho Công ty Samsung Electronics nhằm trục lợi. Cho nên khi tên miền samsungmobile.vn hết thời hạn sử dụng Công ty ViTechNet cũng đã không đóng phí duy trì tên miền dẫn đến việc tên miền samsungmobile.vn bị thu hồi và chuyển giao cho ông Tiến.

Tại phiên tòa hôm nay đại diện của Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn tại Hà Nội–Trung tâm IP cũng xác nhận kể từ khi ông Tiến đăng ký tên miền samsungmobile.vn cho đến nay ông Tiến cũng chưa hoạt động.

Từ những phân tích nêu trên, Tòa án cấp phúc thẩm thấy đáng lẽ Tòa án cấp sơ thẩm thu hồi lại tên miền samsungmobile.com.vn cùng với tên miền samsungmobile.vn, thì lại xử bác yêu cầu của nguyên đơn. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ sửa án sơ thẩm và thu hồi tên miền samsungmobile.vn ưu tiên cho nguyên đơn đăng ký, sử dụng trong vòng 10 ngày liên tục kể từ khi án có hiệu lực pháp luật.

Đối với ông Tiến không có lỗi gì khi đăng ký tên miền với Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn tại Hà Nội – Trung tâm IP và đã đóng phí duy trì tên miền từ ngày 25/01/2010 đến 25/01/2011, phí đóng duy trì tên miền là 1.050.000 đồng. Ngày 24/02/2011 ông Tiến lại tiếp tục đóng phí duy trì tên miền là 480.000 đồng. Do đó, Công ty Samsung Electronics tự nguyện thanh toán trả số tiền đăng ký duy trì tên miền này cho ông Tiến là 1.050.000 + 480.000 = 1.530.000 đồng.

Từ những nhận định trên,

Căn cứ khoản 2 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự.

Sửa bản án sơ thẩm số 69/2010/KDTM-ST ngày 02/06/2010 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng  Điều 195;  Điều 131; 201; 202 Bộ luật dân sự.

– Điều 76 Luật công nghệ thông tin.

– Khoản 5 Điều 17 Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về sử dụng, quản lý cung cấp dịch vụ Internet. Điểm 4, phần II; phần III; phần IV của Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ thông tin truyền thông.

Xử: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Samsung Electronics Co., Ltd đối với tên miền samsungmobile.vn ưu tiên cho Công ty Samsung Electronics Co., Ltd đăng ký sử dụng tên miền này trong hạn 10 ngày liên tục kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật.

BÌNH LUẬN BẢN ÁN

1. Dẫn nhập

Tên miền được đề cập đến trong Luật sở hữu trí tuệ, Luật công nghệ thông tin và được hiểu “là tên được sử dụng để định danh các địa chỉ Internet” (Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 do Bộ thông tin truyền thông ban hành ngày 24/12/2008 quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam, sau đây là Thông tư 10). Tên miền thực chất là một dấu hiệu phân biệt nhưng không được bảo hộ với tư cách là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, khi được đăng ký sử dụng hợp pháp thì tên miền được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 12 và khoản 2 Điều 68 Luật công nghệ thông tin “tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên miền đó” là một “hành vi bị nghiêm cấm” và “tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” dành cho tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước phải được bảo vệ và không được xâm phạm” [1].

Để được pháp luật bảo vệ, tên miền phải được đăng ký, sử dụng một cách hợp pháp. Trên cơ sở “bình đẳng, không phân biệt đối xử” thì ai cũng được quyền đăng ký, sử dụng tên miền và ai “đăng ký trước được quyền sử dụng trước” (khoản 2 Điều 17 Nghị định 97/2008/NĐ-CP). Trong thực tế, có trường hợp tên miền bị từ chối (sau khi đã đăng ký) vì không đủ điều kiện để được coi là hợp pháp và vụ việc được bình luận là một ví dụ. Tình tiết vụ việc cụ thể như sau: ông Minh đã đăng ký và được cấp tên miền samsungmobile.com.vn còn Công ty Vitechnet đã đăng ký và được cấp tên miền samsungmobile.vn. Ở thời điểm Công ty Samsung Electronics khởi kiện tại Tòa án vào tháng 9/2009 tên miền samsungmobile.vn thuộc quyền sử dụng của Công ty ViTechNet nhưng Công ty ViTechNet không duy trì đóng phí nên đã hết hạn duy trì vào cuối năm 2009 và, đến tháng 1/2010, ông Tiến đăng ký và được cấp tên miền samsungmobile.vn. Khi giải quyết tranh chấp, Tòa án đã theo hướng “thu hồi lại tên miền samsungmobile.com.vn cùng với tên miền samsungmobile.vn”.

Thông qua việc bình luận, chúng ta sẽ làm rõ điều kiện liên quan đến tên miền (I) và điều kiện liên quan đến người đăng ký, sử dụng tên miền (II) để có thể từ chối cho đăng ký, sử dụng tên miền.

I. Điều kiện liên quan đến tên miền

2. Trùng hay giống đối tượng sở hữu trí tuệ

Theo Thông tư 10, tên miền có tranh chấp có thể bị “thu hồi, treo, giữ có thời hạn” và, để có thể áp dụng các biện pháp này người khiếu kiện “phải đảm bảo đầy đủ ba điều kiện” trong đó có điều kiện là “tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của Người khiếu kiện; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà Người khiếu kiện là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp” (khoản 1.1 Điều 1 phần II).

Theo quy định trên, để có thể từ chối việc đăng ký, sử dụng một tên miền thì điều kiện đầu tiền là tên miền này trùng hay giống (tương tự tới mức gây nhầm lẫn) tên thương mại, nhãn hiệu của người khác. Tên miền và đối tượng của Luật sở hữu trí tuệ vừa nêu đều là các dấu hiệu phân biệt và để có thể từ chối tên miền thì các đối tượng sở hữu trí tuệ phải “có trước ngày đăng ký” tên miền (khoản 3 Điều 68 Luật công nghệ thông tin).

Trong vụ việc được bình luận, Công ty Samsung đã đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu Samsung tại Việt Nam từ năm 1993 và điều kiện nêu trên của Thông tư 10 đã được hội đủ: Trong bản án, chúng ta thấy nêu “phía nguyên đơn chứng minh tên miền samsungmobile.com.vn và samsungmobile.vn do ông Minh và Công ty ViTechNet giống đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của Công ty Samsung Electronics, nhãn hiệu thương mại Samsung của Công ty Samsung Electronics”.

3. Trùng hay giống đối tượng sở hữu trí tuệ (tiếp)

Nếu tên miền trùng hay giống với đối tượng khác của Luật sở hữu trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả (ví dụ tên một tác phẩm được pháp luật bảo hộ) thì phải xử lý như thế nào?

Đối với chỉ dẫn địa lý, chúng ta đã có câu trả lời tại điểm d khoản 1 Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ theo đó “đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng” thì “bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh”. Thực ra, ngoài nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, văn bản nêu trên không đề cập đến đối tượng khác của pháp luật sở hữu trí tuệ[2]. Ở đây, các văn bản này theo phương pháp liệt kê và chưa bao quát hết các đối tượng.

Trong pháp luật nước ngoài như Pháp, các nhà làm luật không theo hướng liệt kê như trên. Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều L.45-2 Bộ luật bưu chính và viễn thông Pháp, “đăng ký hay đăng ký lại tên miền có thể bị từ chối hay tên miền bị bỏ khi tên miền có thể xâm hại đến các quyền sở hữu trí tuệ”. Ở đây, đối tượng được bảo vệ trước tên miền là “các quyền sở hữu trí tuệ” nói chung và, theo GS. Caron, “đây chủ yếu là quyền về nhãn hiệu và, trong chừng mực nào đó, quyền tác giả nếu tên miền xâm phạm đến tên tác phẩm được bảo vệ với tư cách là tác phẩm trí tuệ”[3]. Trong pháp luật Việt Nam, ngoài các văn bản được trích dẫn ở trên, chúng ta còn có quy định bao quát hơn và trong trường hợp muốn bảo vệ cả đối tượng không là nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý trước một tên miền thì chúng ta có thể khai thác quy định này. Đó là khoản 3 Điều 68 Luật công nghệ thông tin theo đó tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam phải “bảo đảm việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có trước ngày đăng ký”.

4. Hoặc xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp khác

Trong vụ việc được bình luận, tên miền có tranh chấp liên quan đến đối tượng được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Trong thực tế, tên miền rất đa dạng và có thể không liên quan đến đối tượng được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ.

Kinh nghiệm cho thấy tên miền được sử dụng nhiều như một dấu hiệu nhận biết trùng hay gây nhầm lẫn với tên của các tổ chức hay đơn vị hành chính. Đối với hoàn cảnh này ở Việt Nam, các tổ chức hay đơn vị hành chính liên quan có thể khai thác Thông tư 10, cụ thể là quy định theo đó “tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của Người khiếu kiện”. Ở đây, Thông tư đề cập đến “tên” và khái niệm này không chỉ giới hạn ở tên thương mại như nêu trên mà cần được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả tên các tổ chức, đơn vị hành chính. Hướng giải quyết tương tự cũng cần được vận dụng đối với trường hợp tên miền “trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên” của một cá nhân (rất phổ biến trong thực tế nhất là đối với tên của những cá nhân nổi tiếng).

Liên quan đến quan hệ giữa tên miền với một cá nhân, pháp luật nước ngoài như Pháp còn theo hướng bảo vệ cả các quyền khác không phải là tên (họ tên chỉ là một trong các quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật bảo vệ). Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều L.45-2 Bộ luật bưu chính và viễn thông Pháp, “đăng ký hay đăng ký lại tên miền có thể bị từ chối hay tên miền bị bỏ khi tên miền có thể xâm hại đến các quyền nhân thân” và, theo một nghiên cứu, “quyền nhân thân chủ yếu hàm chứa quyền về họ tên, quyền về hình ảnh và tôn trọng đời tư. Trong các quyền này, quyền có thể liên quan trực tiếp bởi đăng ký một tên miền là quyền về họ tên và đôi khi là quyền về hình ảnh”[4]. Ở Việt Nam, khó có thể khai thác Thông tư 10 để bảo vệ các quyền nhân thân trước một tên miền nhưng, thiết nghĩ, chúng ta có thể sử dụng khoản 3 Điều 68 Luật công nghệ thông tin theo đó tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải “bảo đảm việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” không xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có trước ngày đăng ký” (đây là quy định còn khá chung chung nên có thể được khai thác để bảo vệ những lợi ích mà Thông tư 10 chưa bao quát hết).

II. Điều kiện liên quan đến người đăng ký, sử dụng tên miền

5. Không có quyền, lợi ích liên quan

Ngoài điều kiện liên quan đến tên miền đã được phân tích ở trên, để từ chối tên miền, Thông tư 10 còn đặt thêm điều kiện là người đang sử dụng tên miền “không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó”. Quy định này không được thể hiện rõ trong Luật sở hữu trí tuệ và Luật công nghệ thông tin mặc dù hai văn bản này có nhiều quy định về tên miền nhưng khá gần gũi với xu hướng chung của thế giới: Điều 4 Bộ nguyên tắc do Tổ chức quốc tế về sở hữu trí tuệ (WIPO) xây dựng theo hướng từ chối tên miền khi người đăng ký sử dụng tên miền “không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp”. Ở đây, Bộ nguyên tắc có điểm khác biệt với Thông tư là không nêu thêm yếu tố “liên quan đến tên miền đó”[5].

Liên quan đến đánh giá điều kiện trên, Thông tư 10 không cho biết trường hợp nào người đang sử dụng tên miền “không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó” mà theo hướng đưa ra một danh sách (mở) những trường hợp người đang sử dụng tên miền “được coi là có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền” tại Điều 3 Mục II như “đã sử dụng hoặc có bằng chứng rõ ràng đang chuẩn bị sử dụng tên miền hoặc tên tương ứng với tên miền đó liên quan đến việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ một cách thực sự trước khi có tranh chấp”. Với quy định như vậy, khi một người “được coi là có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền” thì họ không thuộc trường hợp “không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó” nên tên miền không bị từ chối. Trong vụ việc được bình luận, sau khi tên miền samsungmobile.vn do Công ty Vitechnet đăng ký hết hạn sử dụng, ông Tiến đã đăng ký tên miền này và cho rằng “mục đích ông đăng ký tên miền trên là để kinh doanh, mua bán điện thoại di động, chủ yếu là hãng Samsung tại địa bàn tỉnh Yến Bái”. Nếu thông tin này chính xác thì ông Tiến được coi là người “có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền” nên được đăng ký, sử dụng tên miền nhưng rất tiếc là Tòa án không đề cập đến yếu tố này trong bản án.

Đối với việc ông Minh và Công ty Vitechnet cho rằng đăng ký tên miền có tranh chấp là “nhằm mục đích giới thiệu và cập nhật thông tin sản phẩm điện thoại, máy nghe nhạc… chủ yếu là các sản phẩm của Samsung” nhưng Tòa án không cho biết yếu tố này có cho phép xác định ông Minh và Công ty Vitechnet “được coi là có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền” mà khẳng định “bị đơn không có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến các tên miền đã đăng ký” với lý do “bị đơn không phải là người sản xuất, buôn bán điện thoại” và “bản thân ViTechNet cũng không có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến các tên miền đã đăng ký samsungmobile.vn vì không phải là người sản xuất, buôn bán điện thoại Samsung”. Ở đây, Tòa án đã không quan tâm tới việc người bị khiếu kiện sau khi đăng ký tên miền có sử dụng hay chuẩn bị sử dụng tên miền trên thực tế hay chưa, chỉ cần có chứng cứ cho thấy người bị khiếu kiện không hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến nội dung tên miền thì bị xem là không có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan. Điều này cũng phù hợp với cách thức xác định của quốc tế. Chẳng hạn, trong vụ kiện tranh chấp tên miền “nokiabooks.com”, Trọng tài của WIPO giải thích rằng người bị khiếu kiện không có quyền và lợi ích hợp pháp gắn liền với tên miền tranh chấp, vì “trang web sử dụng tên miền tranh chấp có hiển thị một đường link liên kết đến trang web thương mại của bị đơn, trang web này chủ yếu là để bán sách về âm thanh”. Như vậy, người đăng ký tên miền trên thực tế đã sử dụng tên miền “nokiabooks.com” và sản phẩm liên quan đến tên miền thực tế là sách về âm thanh. Khi giải quyết tranh chấp, Trọng tài cũng chỉ quan tâm tới sản phẩm do người đăng ký tên miền cung cấp và nhận thấy không liên quan đến nội dung quan trọng nhất của tên miền tranh chấp là từ “nokia”–nhãn hiệu nổi tiếng gắn liền với sản phẩm điện thoại di động nên đã theo hướng người đăng ký tên miền không có quyền và lợi ích hợp pháp gắn với tên miền tranh chấp.

6. Sử dụng với ý đồ xấu

Để từ chối tên miền, Thông tư 10 còn đặt thêm điều kiện là “tên miền đã được Người bị khiếu kiện sử dụng với ý đồ xấu đối với Người khiếu kiện”.

Về trường hợp được xác định là sử dụng tên miền với ý đồ xấu, Thông tư 10 đưa ra một danh sách (mở) các trường hợp tại Điều 2 Mục II như “cho thuê hay chuyển giao tên miền cho Người khiếu kiện là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ trùng hoặc giống đến mức gây nhầm lẫn với tên miền đó; Cho thuê hay chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh của Người khiếu kiện vì lợi ích riêng hoặc để kiếm lời bất chính”. Với nội dung vừa nêu và phần còn lại của danh sách chúng ta thấy trường hợp sử dụng tên miền với ý đồ xấu khá rộng và chỉ cần “kiếm lời bất chính” là được coi là có ý đồ xấu. Liên quan đến thời điểm xác định “ý đồ xấu”, Điều 4 Bộ nguyên tắc do Tổ chức quốc về tế sở hữu trí tuệ (WIPO) xây dựng theo hướng phải xác định ý đồ này ở thời điểm đăng ký và thời điểm sử dụng tên miền. Đây dường như là một điểm khác biệt với pháp luật hiện hành của Việt Nam vì Thông tư 10 theo hướng xác định ý đồ xấu của người sử dụng tên miền vào lúc “sử dụng” tên miền.

Trong vụ việc được bình luận, không có yếu tố nào của bản án cho phép khẳng định ông Tiến có ý đồ xấu với tên miền mà ông Tiến đăng ký. Tuy nhiên, đối với ông Minh và Công ty Vitechnet, Tòa án cho rằng “tài liệu có trong hồ sơ còn thể hiện ông Minh và ViTechNet (do ông Minh là đại diện) đã có ý đồ xấu là rao bán tên miền samsungmobile.com.vn cho Công ty Samsung Electronics nhằm trục lợi” nên đã kết luận “vi phạm qui định”. Hướng của Thông tư 10 cũng như của Tòa án trong vụ việc được bình luận không thiếu yếu tố thuyết phục khi nghiên cứu so sánh pháp luật về chủ đề này. Một ví dụ khá tương tự đã được giải quyết tương tự ở Trung Quốc và đó là vụ tranh chấp đầu tiên về tên miền ở Trung Quốc vào năm 2000 giữa Công ty IKEA, tên một công ty sản xuất đồ gỗ lớn của Thụy Điển và một công ty của Trung Quốc. Khi Công ty IKEA định đăng ký tên miền của mình là “ikea.com.cn” tại Trung Quốc thì phát hiện là tên miền đã bị Công ty CINET đăng ký trước vào năm 1997. Công ty CINET yêu cầu IKEA phải trả 35.000 USD để được chuyển nhượng tên miền nhưng IKEA không đồng ý và khởi kiện Công ty CINET. Tòa án thành phố Bắc Kinh cho rằng, tại Trung Quốc, nhãn hiệu “IKEA” đã nổi tiếng với các ngành công nghiệp có liên quan và người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu này một cách rộng rãi. Do đó, nhãn hiệu “IKEA” được xác định là một nhãn hiệu nổi tiếng. Tên miền đăng ký của CINET là tương tự với nhãn hiệu đăng ký thuộc sở hữu của IKEA trong các chữ cái và cách phát âm. Bằng cách sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng “IKEA” thuộc sở hữu của Công ty IKEA cho tên miền riêng của mình, CINET có thể dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng tin rằng đó là người đăng ký tên miền hoặc chủ sở hữu của các nhãn hiệu nổi tiếng “IKEA”, hoặc là một đối tác sau này. Người tiêu dùng có thể lầm lẫn tin rằng họ có thể tìm kiếm thông tin liên quan đến mặt hàng với nhãn hiệu “IKEA” trong các trang web có tên là “ikea” và do đó giúp cho trang web của CINET tỷ lệ nhấp chuột cao hơn. Do đó, CINET trong thực tế đã lợi dụng uy tín kinh doanh tốt gắn liền với nhãn hiệu nổi tiếng IKEA. Hơn nữa, CINET bị phát hiện cũng đã đăng ký nhiều tên miền tương tự với các nhãn hiệu nổi tiếng khác và tất cả tên miền đều không được sử dụng một cách liên tục. Hành vi của CINET thể hiện dụng ý xấu và không thiện chí. Cho nên, Tòa án đã xử cho IKEA thắng kiện, CINET không được sử dụng tên miền “ikea.com.cn” và việc đăng ký bị hủy bỏ[6].

7. Điều kiện khác (?)

Để có thể xử lý tên miền theo hướng “thu hồi, treo, giữ có thời hạn”. Thông tư 10 khẳng định phải thỏa mãn “đầy đủ ba điều kiện” đã được phân tích ở trên. Nội dung này làm cho người đọc hiểu rằng khi tên miền và người đăng ký sử dụng tên miền thuộc ba điều kiện nêu trên là tên miền bị từ chối. Tuy nhiên, phân tích kỹ vụ việc cùng với nghiên cứu so sánh, chúng ta thấy để không bị từ chối, tên miền còn phải đáp ứng thêm điều kiện khác.

Trong vụ việc được bình luận, tên miền mà ông Tiến đăng ký không thỏa mãn đầy đủ ba điều kiện trên như chúng ta đã thấy nhưng vẫn bị từ chối. Ở đây, Tòa án xét rằng “đáng lẽ Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho bị đơn và cơ quan quản lý tên miền rằng tên miền samsungmobile.vn đang có tranh chấp phải được giữ nguyên hiện trạng, không được phép trả lại thu hồi, chuyển đổi nhà đăng ký tên miền .vn hay chuyển đổi cho tổ chức, cá nhân mới theo Điểm 2.2 khoản 2 mục IV của Thông tư số 10. Do đó, khi tên miền samsungmobile.vn được chuyển giao cho ông Tiến vào ngày 25/01/2010 là gây thiệt hại đến quyền lợi của nguyên đơn”. Từ đó Tòa án theo hướng “thu hồi tên miền samsungmobile.vn ưu tiên cho nguyên đơn đăng ký, sử dụng trong vòng 10 ngày liên tục kể từ khi án có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, mặc dù không đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện nêu trên, tên miền vẫn bị từ chối vì được đăng ký mới vào thời điểm đang có tranh chấp tên miền. Nhìn một cách tổng thể, hướng giải quyết của Tòa án trong vụ việc trên liên quan đến ông Tiến cũng khá gần gũi với Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (UDRP) Tổ chức quốc về tế sở hữu trí tuệ (WIPO) xây dựng. UDRP đã quy định[7]: Việc đăng ký tên miền không thể được chuyển cho một cá nhân, tổ chức khác (i) trong giai đoạn đang giải quyết tranh chấp theo thủ tục hành chính (các thủ tục đã quy định trong Chính sách) hoặc trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc sau khi thủ tục đó được kết thúc, hoặc (ii) trong giai đoạn đang giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng tại tòa án hoặc thủ tục trọng tài liên quan đến tên miền đang tranh chấp. Nếu tên miền đang tranh chấp được chủ thể khác đăng ký trong các giai đoạn vừa nêu thì việc đăng ký tên miền trong các giai đoạn này sẽ bị hủy bỏ.

Thực ra, hướng “thu hồi” trong trường hợp đăng ký và được cấp tên miền trong giai đoạn tranh chấp như trong vụ việc được bình luận cũng có yếu tố chưa thuyết phục. Vì Tòa án theo hướng Công ty Samsung được ưu tiên đăng ký tên miền trong 10 ngày nên sau 10 ngày này mà họ không đăng ký tên miền thì chúng ta vẫn có thể cho người khác đăng ký sử dụng, nên sẽ là thuyết phục nếu chúng ta chỉ tạm giữ tên miền đã trao cho ông Tiến và, nếu Công ty Samsung không đăng ký trong thời hạn 10 ngày trên, ông Tiến được sử dụng tên miền trong trường hợp có quyền, lợi ích liên quan và không sử dụng tên miền với ý đồ xấu.

8. Điều kiện khác

Ở nước ngoài, nhiều chuyên gia cho rằng tên miền phải là dấu hiệu phân biệt nên phải có đặc tích của dấu hiệu phân biệt. Chẳng hạn, từ năm 2006, hai chuyên gia của Pháp đã cho rằng “với bản chất và chức năng của nó, không thể phủ nhận rằng tên miền là một dấu hiệu phân biệt”; việc bảo hộ tên miền “bị lệ thuộc vào tính phân biệt của tên miền đã được lựa chọn” và yêu cầu xử lý tên miền tương tự “không được chấp nhận khi tên miền hoàn toàn không có yếu tố phân biệt. Đây chỉ là biểu hiện của một nguyên tắc chung cho tất cả các dấu hiệu phân biệt”[8]. Trong thực tiễn xét xử, Tòa án Pháp đã từng từ chối yêu cầu bảo vệ một tên miền như hotelsdecharmetoulouse.com với lý do tên miền này không có tính phân biệt (CA Toulouse, 2e ch., sect. 1, 28 avr. 2010, n° 09/00093). Yêu cầu về tính phân biệt chưa được thể hiện rõ trong pháp luật Việt Nam liên quan đến tên miền và cũng không được đề cập đến trong vụ việc được bình luận nhưng thiết nghĩ, để được bảo vệ, tên miền phải có dấu hiệu phân biệt,nên nếu thiếu tính phân biệt, tên miền có thể bị từ chối.

9. Kết luận

Thông tư 10 đưa ra các điều kiện để từ chối tên miền khi có tranh chấp nên chỉ thực sự thích ứng khi giải quyết tranh chấp, tức là sau khi tên miền đã được đăng ký và tranh chấp về tên miền đã phát sinh. Cách tiếp cận như vậy có nhược điểm là chưa thể hiện vai trò hạn chế tranh chấp. Sẽ là thuyết phục khi chúng ta quy định theo hướng tên miền bị từ chối đăng ký, sử dụng khi thỏa mãn một số điều kiện nhất định ngay từ thời điểm đăng ký hay đăng ký lại và như vậy sẽ tạo tiền đề cho việc từ chối tên miền được tiến hành ngay từ thời điểm đăng ký, đăng ký lại và nếu trong quá trình sử dụng mà có tranh chấp thì đây vẫn là cơ sở đề từ chối tên miền.

Phân tích kỹ văn bản liên qua, chúng ta thấy các điều kiện để từ chối tên miền chưa được thể hiện một cách một cách tập trung trong một văn bản và chưa có tính khái quát cao. Trong tương lai, chúng ta nên thống nhất các điều kiện để từ chối tên miền trong một văn bản Luật do Quốc hội ban hành đồng thời nghiên cứu xem có đặt thêm điều kiện là, để được chấp nhận, tên miền phải có dấu hiệu phân biệt.

Trong vụ việc được bình luận, vấn đề trách nhiệm của tổ chức quản lý đăng ký tên miền được đặt ra nhưng không được Tòa án đề cập đến. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, việc “cấp văn bằng bảo hộ cho người không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ” có thể làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Hy vọng rằng sẽ có những công trình về trách nhiệm của các tổ chức khi cho đăng ký sử dụng một tên miền nhưng sau đó tên miền bị từ chối.

CHÚ THÍCH

* PGS.TS, Trưởng Khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

** Giảng viên Khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] Theo một số chuyên gia, trao một tên miền đồng nghĩa với việc người đầu tiên yêu cầu “được độc quyền đối với tên miền”: J. Azéma và J-Chris. Galloux, Droit de la propriété industrielle, Nxb. Dalloz-Précis 2006, phần số 1551.

[2] Liên quan đến xung đột giữa tên miền và nhãn hiệu nổi tiếng, xem thêm Đỗ Văn Đại và Nguyễn Phương Thảo, Bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 2/2013.

[3] Trích trong Tạp chí Communication Commerce électronique n° 6, Juin 2011, étude 13.

[4] N. Dreyfus, Nouvelle loi sur les noms de domaine du territoire français : évolution ou révolution ?, Tạp chí Communication Commerce électronique n° 6, Juin 2011, étude 13.

[5] Thực ra, trước đây Pháp cũng đưa ra điều kiện giống chúng ta là người yêu cầu đăng ký tên miền không có “quyền hoặc lợi ích hợp pháp” nhưng từ năm 2011 văn bản chỉ đề cập đến “lợi ích hợp pháp”, tức bỏ vế “quyền”.

[6]  Xem IKEA v.s. CINET-First foreign related domain name case decided, nguồn:http://www.ccpit-patent.com.cn/News/2000062301.htm và IKEA Case, Laws and Policies Concerning Domain-Name Disputes in China, nguồn:http://e.lawyer8.com/?p=216.

[7] Xem Điều 8a Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất.

[8] J. Azéma và J-Chris. Galloux, Sđd, phần số 1656 và 1659.

  • Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Ngọc Hồng Phượng
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2013 (76)/2013 – 2013, Trang 73-80
  • Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động - Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động – Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Một số góp ý về quy định liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Một số góp ý về quy định liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Chuyên mục: Hành chính/ Luật Hành chính Việt Nam/ Thương mại Từ khóa: Bình luận bản án/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 03/2013/ Tên miền

Previous Post: « Vấn đề bảo vệ môi trường và Hiệp định TBT trong khuôn khổ WTO qua vụ tranh chấp Hoa Kỳ – cá ngừ II
Next Post: Về Chương IX “Chính quyền địa phương” của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và một số kiến nghị »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng