Mục lục
Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính
TÓM TẮT
Xử phạt vi phạm hành chính là việc cơ quan có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trong số các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính là một biện pháp đặc biệt. Bài viết phân tích những quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp khắc phục hậu quả này, chỉ ra một số bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện.
Xem thêm:
- Hoàn thiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về lao động – TS. Cao Vũ Minh & ThS. Nguyễn Tú Anh
- Nhận định về các biện pháp khắc phục hậu quả do Chính phủ quy định – TS. Cao Vũ Minh
- Hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” – ThS. Trương Tư Phước
- Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn – ThS. Nguyễn Nhật Khanh
TỪ KHÓA: Biện pháp khắc phục hậu quả, Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp,
Vi phạm hành chính (VPHC) ngoài việc xâm phạm trật tự quản lý nhà nước còn gây ra những hậu quả nhất định đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do đó, bên cạnh việc áp dụng các hình thức xử phạt để răn đe cá nhân, tổ chức thực hiện VPHC, pháp luật còn áp dụng các biện pháp nhất định nhằm khắc phục hậu quả do VPHC gây ra. Điều này phù hợp với nguyên tắc “mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.[1]
Hiện nay, các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC năm 2012) bao gồm:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;
đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
h) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện VPHC đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.
Trong số các biện pháp khắc phục hậu quả nói trên, “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” là một biện pháp khắc phục hậu quả đặc biệt lần đầu tiên được quy định trong Luật XLVPHC năm 2012. Sự ra đời của biện pháp này tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có thẩm quyền có thêm lựa chọn trong quá trình xử phạt VPHC, nhất là trong bối cảnh các VPHC diễn ra trong các lĩnh vực ngày càng đa dạng và gây ra những thiệt hại nhất định. Để hướng dẫn cụ thể hơn việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC, Điều 37 Luật XLVPHC năm 2012 quy định cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ VPHC mà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt; nếu cá nhân, tổ chức VPHC không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
Dựa vào quy định trên có thể rút ra hai kết luận về biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC:
Một là, Luật XLVPHC năm 2012 đã khoanh vùng số lợi bất hợp pháp có được từ VPHC gồm tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá.
Hai là, số lợi bất hợp pháp do cá nhân, tổ chức VPHC nộp lại sẽ được xử lý bằng hai cách: (i) sung vào ngân sách nhà nước; hoặc (ii) hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt.
Như vậy, có thể thấy Luật XLVPHC năm 2012 đã quy định khá rõ ràng về biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC. Trên cơ sở này, Chỉnh phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành nhiều nghị định, thông tư để quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này đối với VPHC trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định cần phải có giải pháp để khắc phục và hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp này trong thực tế.
1. Một số bất cập về biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính
Thứ nhất, quy định không chính xác về tên gọi của biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC
Điểm i khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012 quy định biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC”, tuy nhiên tra cứu các nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực, tác giả phát hiện một số trường hợp quy định về tên gọi của biện pháp khắc phục hậu quả không chính xác so với tên gọi đã được quy định trong Luật XLVPHC năm 2012. Chẳng hạn, đối với VPHC về tem bưu chính và thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông thì Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017) (sau đây viết tắt là Nghị định số 174/2013/NĐ-CP) quy định biện pháp khắc phục hậu quả “buộc thu hồi số lợi bất hợp pháp có được do VPHC”,[2] trong khi đó đối với VPHC về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin thì Nghị định này lại quy định biện pháp khắc phục hậu quả “buộc hoàn trả hoặc buộc thu hồi số lợi bất hợp pháp có được do VPHC”.[3] Đối với VPHC là hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016) (sau đây viết tắt là Nghị định số 109/2013/NĐ-CP) quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do VPHC”.[4]
Câu hỏi đặt ra là các biện pháp khắc phục hậu quả này có phải là biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” hay không? Nếu đúng là như vậy thì rõ ràng tên gọi của biện pháp này trong các quy định của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP đã không nhất quán với Luật XLVPHC năm 2012.
Thứ hai, quy định về số lợi bất hợp pháp chưa phù hợp với quy định về tài sản trong pháp luật dân sự
Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Theo quy định này có thể hiểu vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản là các bộ phận cấu thành nên tài sản. Trong khi đó, như đã trình bày, Luật XLVPHC năm 2012 quy định số lợi bất hợp pháp có được từ VPHC gồm tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá. Cách quy định này dẫn đến cách hiểu tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá là các đối tượng hoàn toàn khác nhau, trong đó tài sản là một đối tượng độc lập so với các đối tượng còn lại. Qua đó, có thể thấy rằng BLDS năm 2015 và Luật XLVPHC năm 2012 chưa có sự thống nhất với nhau trong cách quy định về tài sản. Trong mối quan hệ giữa BLDS năm 2015 và Luật XLVPHC năm 2012 về vấn đề tài sản thì BLDS năm 2015 là luật chung, còn Luật XLVPHC năm 2012 là luật chuyên ngành. Do đó, về nguyên tắc, Luật XLVPHC năm 2012 không được trái với luật chung là BLDS năm 2015. Hơn nữa, chiếu theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau” nên BLDS năm 2015 sẽ được ưu tiên áp dụng so với Luật XLVPHC năm 2012. Vì vậy, tác giả cho rằng Luật XLVPHC năm 2012 cần quy định lại về số lợi bất hợp pháp cho phù hợp với quy định về tài sản trong BLDS năm 2015 vì tiền, giấy tờ và vật có giá chỉ là một bộ phận của tài sản nói chung.
Thứ ba, pháp luật vẫn có sự nhầm lẫn giữa biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC với hình thức xử phạt
Theo quy định của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, các VPHC về cung cấp dịch vụ thư điện tử, tin nhắn, dịch vụ nội dung qua tin nhắn tại điểm g khoản 2, điểm h khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 61 và các VPHC về thu cước dịch vụ tại khoản 1 và khoản 2 Điều 62 có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc tịch thu số lợi bất hợp pháp có được”.[5] Theo tác giả, biện pháp “buộc tịch thu số lợi bất hợp pháp có được” ở đây thực chất là biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” – một biện pháp khắc phục hậu quả được quy định rõ ràng trong Luật XLVPHC năm 2012, chỉ khác nhau ở việc sử dụng thuật ngữ. Các biện pháp này không nhằm mục đích gây thiệt hại đến quyền sở hữu tài sản hay quyền nhân thân của người vi phạm, mà chỉ nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu mà vi phạm đã gây ra qua việc yêu cầu các chủ thể có được số lợi bất hợp pháp từ VPHC do mình thực hiện phải hoàn lại số lợi đó. Bên cạnh đó, “tịch thu” phải là một hình thức xử phạt chứ không phải biện pháp khắc phục hậu quả. Luật XLVPHC năm 2012 quy định tịch thu tang vật VPHC, phương tiện được sử dụng để VPHC là một hình thức xử phạt VPHC. Hình thức xử phạt này vừa có thể áp dụng là hình thức xử phạt chính, vừa có thể áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung.[6] Do đó, việc Chính phủ quy định thêm biện pháp “buộc tịch thu số lợi bất hợp pháp có được” có “bóng dáng” của hình thức xử phạt VPHC là không cần thiết và có thể gây nhẫm lẫn với hình thức xử phạt tịch thu tang vật VPHC, phương tiện được sử dụng để VPHC.
Thứ tư, bất cập về thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC
Với bản chất là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước nên việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nói chung và biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC nói riêng phải do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện, điều này bảo đảm tính hợp pháp của việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC vẫn còn những hạn chế nhất định. Đơn cử, theo khoản 1 Điều 38 Luật XLVPHC năm 2012 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28. Điều này có nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC. Thế nhưng, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai lại “cho phép” Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.[7] Tương tự, theo khoản 2 Điều 46 Luật XLVPHC năm 2012 thì thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” chỉ thuộc về Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra. Luật XLVPHC năm 2012 không quy định cho Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quà này. Tuy nhiên, đến lượt mình, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP đã “mở rộng” thẩm quyền cho Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ được phép áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC”.[8] Như vậy, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP đã mâu thuẫn với Luật XLVPHC năm 2012 trong việc quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC.[9]
Thứ năm, một số lĩnh vực chưa có quy định về cách xác định số lợi bất hợp pháp có được từ VPHC
Luật XLVPHC năm 2012 chỉ mới dừng lại ở việc quy định về các khoản lợi được coi là “số lợi bất hợp pháp” chứ chưa có hướng dẫn cụ thể về cách tính giá trị “số lợi bất hợp pháp”, do đó gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình xử lý tại địa phương. Qua tra cứu các nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực do Chính phủ ban hành, tác giả nhận thấy chỉ có một số văn bản có hướng dẫn cách xác định giá trị “số lợi bất hợp pháp”.[10]
Để hướng dẫn cách xác định số lợi bất hợp pháp do thực hiện VPHC trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày 24/4/2018 để quy định về cách xác định số lợi bất hợp pháp mà cá nhân, tổ chức có được do thực hiện hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng; xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng được phê duyệt hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Theo đó, đối với trường hợp xây dựng công trình nhằm mục đích kinh doanh thì số lợi bất hợp pháp là tổng số m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với đơn giá 1m2 theo hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký nhưng không được thấp hơn suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%. Trường hợp xây dựng công trình không nhằm mục đích kinh doanh thì số lợi bất hợp pháp là tổng số m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với chi phí 1m2 sàn xây dựng theo dự toán được duyệt nhưng không được thấp hơn suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%. Trường hợp không có hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký hoặc dự toán được duyệt thì số lợi bất hợp pháp được xác định là tổng m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%.[11]
Để hướng dẫn cách xác định số lợi bất hợp pháp do thực hiện VPHC trong Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015), Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 149/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC để sung vào ngân sách nhà nước. Thông tư này đã quy định khá rõ ràng về nguyên tắc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC (Điều 3) cũng như các khoản lợi ích được coi là số lợi bất hợp pháp (Điều 4). Điểm tiến bộ đáng chú ý của Thông tư này là đã quy định rất cụ thể, chi tiết cách xác định số lợi bất hợp pháp đối với từng khoản lợi ích nhất định. Cụ thể, Điều 5 quy định cách xác định số lợi bất hợp pháp là tiền, Điều 6 quy định cách xác định số lợi bất hợp pháp là giấy tờ có giá và Điều 7 quy định cách xác định số lợi bất hợp pháp là tài sản, vật có giá.
Đối với VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 31/2014/TT-BTC ngày 07/3/2014 hướng dẫn xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, trong đó có quy định về cách xác định số tiền thu lợi do VPHC. Cụ thể, đối với VPHC tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP thì số tiền thu lợi do VPHC được tính như sau: Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá bất hợp lý trừ (-) tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ bán theo giá đăng ký, kê khai đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đưa vào áp dụng trước đó. Đối với VPHC tại khoản 6 Điều 13 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP thì số tiền thu lợi do VPHC được tính như sau: tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá bất hợp lý trừ (-) tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được tính theo mức giá trên cơ sở kết quả kiểm tra yếu tố hình thành giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.[12]
Như vậy, có thể thấy rằng trong các lĩnh vực nêu trên, do đã có quy định hướng dẫn cụ thể thế nào là “số lợi bất hợp pháp” nên việc áp dụng biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” trở nên dễ dàng. Trong khi đó, đối với các lĩnh vực khác chưa có quy định hướng dẫn cụ thể cách xác định “số lợi bất hợp pháp” hoặc có đề cập nhưng không quy định rõ ràng thì việc giải quyết bài toán này là điều không hề đơn giản, dẫn đến việc áp dụng biện pháp này gặp nhiều khó khăn, gây lúng túng cho người có thẩm quyền xử phạt. Chẳng hạn, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 217/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó có quy định việc xác định số lợi bất hợp pháp đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán nhà nước thực hiện. Ủy ban Chứng khoán nhà nước xây dựng phương pháp tính số lợi bất hợp pháp đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán phù hợp với tình hình thực tế và trường hợp cụ thể.[13] Tuy nhiên tra cứu các văn bản do Ủy ban Chứng khoán nhà nước ban hành tác giả nhận thấy cho đến nay cơ quan này chưa ban hành một văn bản cụ thể nào để hướng dẫn về cách xác định số lợi bất hợp pháp, do đó việc áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC trong lĩnh vực chứng khoán vẫn còn những trở ngại nhất định.
Thứ sáu, hạn chế trong kỹ thuật lập quy về biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC
Một là, Điều 2 Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014) quy định ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật XLVPHC, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc hoàn trả kinh phí bị chiếm dụng hoặc sử dụng sai mục đích;
- Buộc hủy bỏ báo cáo, tài liệu có số liệu, nội dung sai sự thật;
- Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, theo quy định chung về áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với VPHC trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ có thể thấy không có biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC”. Tuy nhiên, tra cứu các VPHC cụ thể được quy định trong Nghị định số 64/2013/NĐ-CP lại xuất hiện các trường hợp có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC”. Đơn cử, đối với VPHC về sở hữu, sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ tại các điểm a, b, c khoản 3 Điều 9, VPHC về ứng dụng, phổ biến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ tại khoản 2 Điều 10, VPHC về chuyển giao, chuyển nhượng, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ tại khoản 1 Điều 11, VPHC về đăng ký, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại khoản 5 Điều 12, VPHC về đặt và tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ tại điểm a khoản 1 Điều 13, Nghị định số 64/2013/NĐ-CP lại quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm”.[14] Qua đó, có thể thấy rằng chưa có sự thống nhất trong cách quy định về biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” trong cùng một văn bản, điều này cho thấy sự “thiếu sót” trong hoạt động soạn thảo của nhà làm luật dẫn đến khả năng làm phát sinh các trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này trong thực tế.
Hai là, Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều quy định ngoài việc áp dụng các hình thức xử phạt, VPHC trong lĩnh vực này còn có thể bị áp dụng 08 biện pháp khắc phục hậu quả trong đó có biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi VPHC” và biện pháp “buộc nộp lại đất, đá, cát, sỏi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC”.[15] Theo cách quy định này có thể hiểu hai biện pháp nói trên là hai biện pháp khắc phục hậu quả hoàn toàn khác nhau vì được quy định độc lập. Trong đó, biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi VPHC” được áp dụng đối với VPHC về làm cản trở sự vận hành và làm hư hại công trình phòng, chống thiên tai, trừ công trình khí tượng, thủy văn tại điểm b khoản 4 Điều 5 và VPHC trong khắc phục hậu quả thiên tai tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP.[16] Còn biện pháp “buộc nộp lại đất, đá, cát, sỏi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC” được áp dụng đối với VPHC vi phạm các quy định tại Điều 7 của Luật Đê điều tại điểm d khoản 2; điểm d khoản 3 Điều 20 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP.[17] Tuy nhiên, cách quy định này chưa phù hợp với Luật XLVPHC năm 2012 về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC”. Cụ thể, như đã trình bày, Điều 37 Luật XLVPHC năm 2012 quy định “số lợi bất hợp pháp” là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ VPHC mà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện. Như vậy, theo tác giả “đất, đá, cát, sỏi” thực chất cũng là một trong các loại “số lợi bất hợp pháp” đã được liệt kê ở trên cho nên biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” đã bao hàm luôn biện pháp “buộc nộp lại đất, đá, cát, sỏi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC”. Do đó, việc quy định thêm biện pháp “buộc nộp lại đất, đá, cát, sỏi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC” bên cạnh biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” tại quy định chung về các biện pháp khắc phục hậu quả đối với VPHC trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP là không cần thiết.
Ba là, một số VPHC có làm phát sinh “số lợi bất hợp pháp” từ việc thực hiện VPHC thế nhưng các nghị định của Chính phủ khi quy định về xử phạt đối với các VPHC này đã bỏ quên việc áp dụng biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC”, trong khi việc áp dụng biện pháp này để khắc phục hậu quả do VPHC gây ra là điều hết sức cần thiết. Đơn cử, điểm b khoản 5 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định đối với hành vi người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Thực tế cho thấy, trong quá trình người nước ngoài thực hiện các hoạt động trái phép tại Việt Nam vẫn có thể làm phát sinh những số lợi nhất định, rõ ràng đây là “số lợi bất hợp pháp” có được do thực hiện VPHC. Tuy nhiên Nghị định số 167/2013/NĐ-CP mới chỉ quy định về việc phạt tiền chứ chưa áp dụng biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” đối với VPHC này, do vậy việc xử phạt VPHC vẫn chưa khắc phục triệt để các hậu quả do VPHC đã gây ra. Chẳng hạn, ngày 29/9/2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông đã ban hành Quyết định xử phạt VPHC số 1572/QĐ-XPVPHC xử phạt ông Li Yeqiao (sinh năm 1984, quốc tịch Trung Quốc, hộ chiếu số E97377091, cấp ngày 06/3/2017, tại Trung Quốc) số tiền 25 triệu đồng vì có hành vi “người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam” quy định tại điểm b khoản 5 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể, ông Li Yeqiao đã tổ chức thu mua chanh dây nhiều lần ở nhiều địa phương mà chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.[18] Tuy nhiên, khi ra quyết định xử phạt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông đã không thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” đối với số lợi bất hợp pháp có được từ thu mua chanh dây trái phép vì đơn giản khoản 8 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP chưa có quy định về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này.
2. Kiến nghị hoàn thiện
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC là một hoạt động áp dụng pháp luật cụ thể, tức là một hoạt động thực thi quyền lực nhà nước. Với đặc thù là một biện pháp cưỡng chế hành chính, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này có khả năng gây ra thiệt hại nhất định cho các đối tượng bị áp dụng. Vì lẽ đó, các quy định pháp luật về biện pháp này cần phải được hoàn thiện để tạo ra khung pháp lý vững chắc cho hoạt động xử phạt trên thực tế. Để khắc phục các bất cập vừa nêu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần tiến hành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các nghị định của Chính phủ về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực để loại bỏ những bất cập liên quan đến biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể:
Một là, cần thống nhất sử dụng tên gọi “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” trong tất cả các quy định về xử phạt VPHC có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này để tránh tạo ra nhiều cách hiểu trong quá trình áp dụng pháp luật. Do vậy, cần sửa lại các biện pháp có tên gọi “buộc thu hồi số lợi bất hợp pháp có được do VPHC”, “buộc hoàn trả số lợi bất hợp pháp có được do VPHC”, “buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do VPHC”, “buộc tịch thu số lợi bất hợp pháp có được” thành biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC”.
Hai là, quy định về nội hàm của thuật ngữ “số lợi bất hợp pháp” trong Luật XLVPHC năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành cần sửa lại cho phù hợp với khái niệm về tài sản trong BLDS năm 2015, theo đó “số lợi bất hợp pháp” có thể được quy định gồm: “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản bất hợp pháp có được từ việc thực hiện VPHC”.
Ba là, bãi bỏ các quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ trong Nghị định số 102/2014/NĐ-CP để bảo đảm sự phù hợp với quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” trong Luật XLVPHC năm 2012.
Thứ hai, đối với các lĩnh vực VPHC có quy định áp dụng biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” mà chưa có quy định hướng dẫn cách xác định “số lợi bất hợp pháp” hoặc có quy định nhưng chưa cụ thể, rõ ràng thì cần bổ sung các quy định hướng dẫn cách xác định “số lợi bất hợp pháp” một cách chi tiết, cụ thể trong nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đó hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này trong thực tế.
Thứ ba, khắc phục các hạn chế trong kỹ thuật lập quy về biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC trong các nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực của Chính phủ, cụ thể:
Một là, bổ sung biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” trong các quy định chung về biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 2 Nghị định số 64/2013/NĐ-CP để làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này đối với các VPHC cụ thể.
Hai là, bãi bỏ quy định về biện pháp “buộc nộp lại đất, đá, cát, sỏi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC” trong quy định chung về các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với VPHC trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều tại điểm e khoản 3 Điều 3 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP để tránh tạo ra sự mâu thuẫn với biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” như đã trình bày.
Ba là, tiến hành rà soát tổng thể các VPHC trong tất cả các lĩnh vực có làm phát sinh số lợi bất hợp pháp mà chưa có quy định về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC” để kịp thời bổ sung biện pháp này làm cơ sở cho việc áp dụng trong thực tiễn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xử phạt và khắc phục hậu quả do VPHC gây ra.
CHÚ THÍCH
[1]Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường “Thực trạng và hướng hoàn thiện một số biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính” do TS. Cao Vũ Minh làm chủ nhiệm.
Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC năm 2012.
[2] Điểm a khoản 10 Điều 12, khoản 10 Điều 23 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.
[3] Điểm a khoản 8 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.
[4] Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP.
[5] Điểm a khoản 6 Điều 61, điểm a khoản 4 Điều 62 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.
[6] Điểm d khoản 1 Điều 21 Luật XLVPHC năm 2012.
[7] Điểm d khoản 1 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP.
[8] Điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP.
[9] Cao Vũ Minh – Nguyễn Nhật Khanh, “Về biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt VPHC”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6 (350), 2017, tr.13.
[10] Xem Phụ lục số 03 – bản tổng hợp những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định của pháp luật về xử lý VPHC kèm theo Báo cáo số 172/BC-BTP ngày 11/7/2016 của Bộ Tư pháp về công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC 06 tháng đầu năm 2016.
[11] Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 03/2018/TT-BXD.
[12] Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 31/2014/TT-BTC.
[13] Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 217/2013/TT-BTC.
[14] Điểm b khoản 4 Điều 9, điểm a khoản 5 Điều 10, khoản 2 Điều 11, khoản 8 Điều 12, khoản 2 Điều 13 Nghị định số 64/2013/NĐ-CP.
[15] Điểm d, điểm e khoản 3 Điều 3 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP.
[16] Điểm b khoản 6 Điều 5, điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP.
[17] Điểm b khoản 9 Điều 20 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP.
[18] M.L, “Xử phạt một người nước ngoài VPHC”, Cổng thông tin điện tử tỉnh Đăk Nông, truy cập ngày 10/01/2018.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Nhật Khanh
- Tạp chí Khoa học pháp lý số 07(119)/2018 – 2018, Trang 45-52
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời