• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn

25/04/2020 22/05/2021 ThS. Nguyễn Nhật Khanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Một số bất cập về biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn
    • 1.1. Quy định không chính xác về tên gọi của biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn
    • 1.2. Bất cập về thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn
    • 1.3.  Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực chưa có quy định về thủ tục áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”
    • 1.4. Hạn chế trong kỹ thuật lập quy về biện pháp buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn
  • 2. Kiến nghị hoàn thiện
    • 2.1. Cần tiến hành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật
    • 2.2. Thông tin sai sự thật còn gây ra những tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức
    • 2.3. Khắc phục các hạn chế trong kỹ thuật lập quy
  • CHÚ THÍCH

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn

Tác giả: ThS. Nguyễn Nhật Khanh

TÓM TẮT

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trong số các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn là một biện pháp đặc biệt. Bài viết phân tích những quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp khắc phục hậu quả này, chỉ ra một số bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện.

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn

Xem thêm:

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”
  • Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính
  • Nhận định về các biện pháp khắc phục hậu quả do Chính phủ quy định
  • Hoàn thiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về lao động
  • Quyền tiếp cận thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng ở Việt Nam
  • Bàn về việc khắc phục một số hạn chế, sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015
  • Những quy định gây tranh cãi về quy chế pháp lý của các vùng biển theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982
  • Quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải theo Công ước Luật Biển 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012
  • Quyền được bảo vệ về thông tin cá nhân của người chưa thành niên bị buộc tội trong Luật Quốc tế và Bộ luật Tố tụng hình sự 2003
  • Vận dụng linh hoạt các quy định tại Điều 31 TRIPS về Li-xăng bắt buộc để đảm bảo vấn đề tiếp cận dược phẩm của cộng đồng - Kinh nghiệm từ Ấn Độ và Thái Lan
  • Hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” – ThS. Trương Tư Phước
  • Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính – ThS. Nguyễn Nhật Khanh
  • Hoàn thiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về lao động – TS. Cao Vũ Minh & ThS. Nguyễn Tú Anh
  • Nhận định về các biện pháp khắc phục hậu quả do Chính phủ quy định – TS. Cao Vũ Minh

TỪ KHÓA: Biện pháp khắc phục hậu quả,

Vi phạm hành chính (VPHC) ngoài việc xâm phạm trật tự quản lý nhà nước còn gây ra những hậu quả nhất định đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do đó, bên cạnh việc áp dụng các hình thức xử phạt để răn đe cá nhân, tổ chức thực hiện VPHC, pháp luật còn áp dụng các biện pháp nhất định nhằm khắc phục hậu quả do VPHC gây ra. Điều này hướng đến thực hiện nguyên tắc “mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.[1]

Hiện nay, các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC năm 2012) bao gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;

đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

h) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện VPHC hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện VPHC đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.

Trong số các biện pháp khắc phục hậu quả nói trên, “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” là một biện pháp khắc phục hậu quả đặc biệt lần đầu tiên được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) năm 2012, sự ra đời của biện pháp này tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có thẩm quyền có thêm lựa chọn trong quá trình xử phạt VPHC, nhất là trong bối cảnh các VPHC diễn ra trong các lĩnh vực ngày càng đa dạng và gây ra những thiệt hại nhất định, đặc biệt là các VPHC liên quan đến hoạt động báo chí, xuất bản, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh. Để hướng dẫn cụ thể hơn việc áp dụng biện pháp buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, Điều 34 Luật XLVPHC năm 2012 quy định cá nhân, tổ chức VPHC phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đã được công bố, đưa tin trên chính phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử đã công bố, đưa tin; nếu cá nhân, tổ chức VPHC không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

Dựa vào quy định trên có thể rút ra 2 kết luận về biện pháp buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn như sau:

Một là, Luật XLVPHC năm 2012 quy định nội dung cá nhân, tổ chức VPHC phải cải chính là “thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”.

Hai là, nội dung cải chính phải được thể hiện “trên chính phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử đã công bố, đưa tin”.

Qua phân tích trên có thể thấy Luật XLVPHC năm 2012 đã xây dựng được một khung pháp lý cơ bản cho việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”. Trên cơ sở này, Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành nhiều nghị định, thông tư để quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này đối với VPHC trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, khi đối chiếu với các quy định trong các nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này thì tác giả nhận thấy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần phải được hoàn thiện.

1. Một số bất cập về biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn

1.1. Quy định không chính xác về tên gọi của biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn

Điểm e khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012 quy định biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”. Tuy nhiên, khi khảo cứu các nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực, tác giả phát hiện một số trường hợp quy định về tên gọi của biện pháp khắc phục hậu quả không chính xác so với tên gọi đã được quy định trong Luật XLVPHC năm 2012. Chẳng hạn, đối với các VPHC trong hoạt động báo chí, xuất bản, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các VPHC trong lĩnh vực này tại Điều 3, trong đó có áp dụng biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”.[2] Mặc dù đã định danh như vậy nhưng khi áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các VPHC cụ thể thì Nghị định này lại quy định biện pháp trên với các tên gọi khác. Đối với vi phạm quy định về nội dung thông tin, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính, xin lỗi”.[3] Đối với vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí thì áp dụng hai biện pháp khắc phục hậu quả “buộc xin lỗi và cải chính nội dung”.[4] Đối với các VPHC trong lĩnh vực cạnh tranh, Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/07/2014 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018) lại quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính công khai” đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp và hành vi vi phạm quy định về bán hàng đa cấp.[5] Đối với vi phạm các quy định khác về quản lý tài nguyên nước, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản lại quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin, dữ liệu sai lệch do thực hiện hành vi vi phạm”.[6] Đối với VPHC về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC về bình đẳng giới áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc xin lỗi, cải chính công khai”.[7] Đối với vi phạm quy định về sở hữu, sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, Nghị định số 64/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014) áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”.[8] Đối với vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính công khai”.[9] Đối với các VPHC trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016) thì quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin”.[10]

Câu hỏi đặt ra là các biện pháp khắc phục hậu quả này có phải là biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” hay không? Nếu đúng là như vậy thì rõ ràng tên gọi của biện pháp này trong các quy định của Nghị định số 159/2013/NĐ-CP, Nghị định số 71/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 141/2018/NĐ-CP), Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, Nghị định số 55/2009/NĐ-CP, Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP), Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016) đã không nhất quán với Luật XLVPHC năm 2012.

1.2. Bất cập về thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn

Với bản chất là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước nên việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nói chung và biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” nói riêng phải do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện, điều này bảo đảm tính hợp pháp của việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn vẫn còn những hạn chế nhất định. Đơn cử, theo điểm d khoản 1 Điều 46 Luật XLVPHC năm 2012 thì thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28. Điều này có nghĩa, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ không có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012. Thế nhưng, Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC về bình đẳng giới lại “cho phép” thanh tra viên lao động – thương binh và xã hội đang thi hành công vụ được quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc xin lỗi, cải chính công khai”.[11]

Có một điểm cần lưu ý là Nghị định số 55/2009/NĐ-CP được ban hành trước thời điểm Luật XLVPHC năm 2012 ra đời nên nội dung của Nghị định này căn cứ vào Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) chứ không phải dựa trên Luật XLVPHC năm 2012. Đối chiếu với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 của Pháp lệnh này về thẩm quyền của thanh tra viên chuyên ngành đang thi hành công vụ thì chủ thể này cũng không có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc xin lỗi, cải chính công khai” mà chỉ có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này, trừ biện pháp buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (gồm các biện pháp: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do VPHC gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại).

Như vậy, Nghị định số 55/2009/NĐ-CP đã mâu thuẫn với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008), Luật XLVPHC năm 2012 trong việc quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp “buộc xin lỗi, cải chính công khai”. Tính từ thời điểm Luật XLVPHC năm 2012 ra đời thay thế cho Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) đến nay thì vẫn chưa có nghị định nào thay thế cho Nghị định số 55/2009/NĐ-CP để quy định về xử phạt VPHC về bình đẳng giới, do đó thiết nghĩ Chính phủ cần khẩn trương tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này để các quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” nói riêng sẽ đảm bảo sự phù hợp với quy định của Luật XLVPHC năm 2012 cũng như đòi hỏi của thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

1.3.  Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực chưa có quy định về thủ tục áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”

Luật XLVPHC năm 2012 chỉ mới dừng lại ở việc quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” chứ chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục áp dụng biện pháp này, do đó gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình triển khai thi hành trên thực tế. Qua khảo cứu các nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực do Chính phủ ban hành, tác giả nhận thấy chỉ có duy nhất một nghị định có hướng dẫn thủ tục áp dụng biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”.

Cụ thể, để hướng dẫn việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin” đối với các VPHC trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 145/2016/NĐ-CP) quy định trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin, cá nhân, tổ chức vi phạm phải công bố về việc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin trên 01 tờ báo trung ương trong 03 số liên tiếp và trên trang thông tin điện tử của công ty. Cá nhân, tổ chức vi phạm khi thực hiện hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin phải đồng thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán về thông tin hủy bỏ và thông tin được cải chính.[12]

Như vậy, có thể thấy rằng do đã có quy định hướng dẫn cụ thể về thủ tục áp dụng nên việc áp dụng biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” đối với các VPHC trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trở nên dễ dàng. Trong khi đó, đối với các lĩnh vực khác chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về thủ tục áp dụng biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” thì việc giải quyết bài toán này là điều không hề đơn giản, dẫn đến việc áp dụng biện pháp này gặp nhiều khó khăn, gây lúng túng cho người có thẩm quyền xử phạt cũng như các cá nhân, tổ chức phải thực hiện biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”.

1.4. Hạn chế trong kỹ thuật lập quy về biện pháp buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn

Một là, một số nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực có nhiều quy định chồng chéo về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” với các biện pháp khác

Chẳng hạn, Điều 2 Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP) quy định ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật XLVPHC, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

  1. Buộc hoàn trả kinh phí bị chiếm dụng hoặc sử dụng sai mục đích;
  2. Buộc hủy bỏ báo cáo, tài liệu có số liệu, nội dung sai sự thật;
  3. Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Như vậy, theo quy định chung về áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với VPHC trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ có thể thấy Chính phủ áp dụng 12 biện pháp khắc phục hậu quả, gồm 9 biện pháp được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012 và 3 biện pháp nêu trên. Vấn đề pháp lý phát sinh là trong 9 biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012 đã có biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” (điểm e khoản 1 Điều 28) trong khi Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP) lại bổ sung thêm 3 biện pháp trong đó có biện pháp “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng” (khoản 3 Điều 2). Theo cách quy định này có thể hiểu hai biện pháp nói trên là hai biện pháp khắc phục hậu quả hoàn toàn khác nhau vì được quy định độc lập. Điều này có thể khẳng định thêm qua quy định về thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả của các chủ thể có thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP). Theo đó, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Khoa học và Công nghệ, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền áp dụng cả 2 biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” và “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”.[13]

Khảo cứu các VPHC cụ thể được quy định trong Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP), tác giả phát hiện chỉ có một điều khoản duy nhất có áp dụng biện pháp “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng” đối với vi phạm quy định về sở hữu, sử dụng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ tại điểm a khoản 4 Điều 9. Biện pháp này được áp dụng đối với các vi phạm sau đây: (i) sử dụng, công bố số liệu, quy trình công nghệ, thông tin liên quan đến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức khác mà không được phép của cá nhân, tổ chức đó; (ii) đăng ký, công bố công trình nghiên cứu khoa học của cá nhân, tổ chức khác mà không được phép của cá nhân, tổ chức đó; (iii) sử dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình công nghệ hoặc kết quả nghiên cứu của cá nhân, tổ chức khác để đăng ký tham dự triển lãm, cuộc thi, giải thưởng về khoa học và công nghệ mà không được phép của cá nhân, tổ chức đó.

Trong khi đó, đối với biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” thì Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP) không quy định bất cứ vi phạm nào bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này. Câu hỏi đặt ra là nếu không có quy định áp dụng với bất cứ vi phạm cụ thể nào thì Chính phủ quy định “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” với mục đích gì. Đồng thời, có sự khác biệt gì giữa hai biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” và “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng” trong khi trọng tâm của hai biện pháp này đều là việc “cải chính” – nghĩa là “sửa lại cho đúng”.[14]

Theo quan điểm của cá nhân tác giả thì biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” đã bao hàm luôn biện pháp “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng” bởi phân tích kỹ các vi phạm bị áp dụng biện pháp “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng” trong Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP) đã nêu ở trên có thể thấy nội dung cần cải chính chính là “thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”. Chẳng hạn, cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng, công bố số liệu, quy trình công nghệ, thông tin liên quan đến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức khác mà không được phép của cá nhân, tổ chức đó thì “thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” ở đây là làm cho người khác lầm tưởng cá nhân, tổ chức vi phạm là “chủ sở hữu” của số liệu, quy trình công nghệ, thông tin liên quan đến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ được công bố.

Qua đó, có thể thấy rằng chưa có sự thống nhất trong cách quy định về biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” trong cùng một văn bản. Điều này không chỉ thể hiện trong Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP) mà còn trong các nghị định khác,[15] qua đó cho thấy sự hạn chế trong hoạt động soạn thảo của nhà làm luật, dẫn đến làm giảm giá trị điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật.

Hai là, đối với một số VPHC, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” chưa làm chấm dứt và khắc phục được hoàn toàn hậu quả do VPHC gây ra.

Chẳng hạn, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí, xuất bản tuy có quy định nhiều biện pháp khắc phục hậu quả trong đó có cả biện pháp  “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” nhưng không bao quát được hết các hành vi vi phạm. Từ đó dẫn đến thực trạng là nhiều VPHC lẽ ra phải áp dụng biện khắc phục hậu quả để khôi phục lại tình trạng ban đầu do VPHC gây ra nhưng lại không bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng. Đơn cử, những vi phạm như “đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng”, “đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, “đăng, phát thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy”, “đăng, phát các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu”… thì việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” kèm theo biện pháp “buộc xin lỗi” là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ cải chính, xin lỗi bằng một bài viết ngắn và “để mặc” sự tồn tại của các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy thì trong nhiều trường hợp còn lợi bất cập hại. Nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu mà vi phạm đã gây ra thì nhà làm luật cần phải quy định rõ ràng bên cạnh việc cải chính, xin lỗi, còn phải gỡ bỏ bài viết sai phạm ngay lập tức. Vì thế, Điều 42 Luật Báo chí năm 2016 đã rất hợp lý khi quy định: “Đối với báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát”. Điều 3 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP đã có quy định biện pháp khắc phục hậu quả “buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử vi phạm các quy định của pháp luật” nhưng đáng tiếc, các điều khoản cụ thể trong Nghị định này lại không quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này đối với các vi phạm có áp dụng biện pháp “buộc cải chính, xin lỗi”. Bất cập này dẫn đến thực trạng là người có thẩm quyền xử phạt bị “trói tay” khi không tìm thấy cơ sở pháp lý vững chắc để buộc người vi phạm phải gỡ bỏ bài viết “công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó”, “tiết lộ bí mật đời tư khi chưa được sự đồng ý của người đó”, điều này dẫn đến hệ quả là những “thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” vẫn còn tồn tại trên thực tế. Như vậy, trong trường hợp này, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” đã không khắc phục được một cách triệt để hậu quả do VPHC gây ra.[16]

Ba là, một số VPHC có làm phát sinh “thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” từ việc thực hiện VPHC thế nhưng các nghị định của Chính phủ khi quy định về xử phạt đối với các VPHC này đã bỏ quên việc áp dụng biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”, trong khi việc áp dụng biện pháp này để khắc phục hậu quả do VPHC gây ra là điều hết sức cần thiết.

Đơn cử, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017) quy định rất nhiều VPHC liên quan đến việc công bố, đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác; thậm chí xâm phạm đến an ninh quốc gia, chủ quyền của đất nước. Thế nhưng, toàn bộ nghị định này không có một quy định nào áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”. Có thể kể ra một số vi phạm nổi bật như: công bố sai nội dung chứng thư số trên cơ sở dữ liệu của mình (điểm c khoản 4 Điều 57); cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân (điểm a khoản 3 Điều 64); chủ động cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chủ động đăng, phát bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia (điểm a, điểm c khoản 4 Điều 65); cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để tuyên truyền sai trái, không đúng sự thật về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam (khoản 6 Điều 66)…

2. Kiến nghị hoàn thiện

Nhằm khắc phục các bất cập trong các quy định pháp luật về áp dụng biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

2.1. Cần tiến hành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật

Thứ nhất, cần tiến hành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các nghị định của Chính phủ về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực để loại bỏ những bất cập liên quan đến biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể:

– Cần thống nhất sử dụng tên gọi “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” trong tất cả các quy định về xử phạt VPHC có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này để tránh tạo ra nhiều cách hiểu trong quá trình áp dụng pháp luật. Do vậy, cần sửa lại các biện pháp có tên gọi “buộc cải chính công khai”, “buộc cải chính, xin lỗi”, “buộc xin lỗi và cải chính nội dung”, “buộc cải chính thông tin, dữ liệu sai lệch do thực hiện hành vi vi phạm”, “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”, “buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin” thành biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”.

– Trong bối cảnh Luật XLVPHC năm 2012 đã có hiệu lực thì việc tiếp tục duy trì Nghị định số 55/2009/NĐ-CP là điều không hợp lý lẫn không hợp pháp.[17] Do đó, Chính phủ cần xem xét ban hành nghị định thay thế cho Nghị định số 55/2009/NĐ-CP để quy định xử phạt VPHC về bình đẳng giới. Trong đó, cần lưu ý bãi bỏ các quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp “buộc xin lỗi, cải chính công khai”” của Thanh tra viên Lao động – Thương binh và Xã hội đang thi hành công vụ trong Nghị định số 55/2009/NĐ-CP để bảo đảm sự phù hợp với quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” trong Luật XLVPHC năm 2012.

2.2. Thông tin sai sự thật còn gây ra những tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức

Thứ hai, các “thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” ngoài việc gây ra những tổn thất về vật chất đối với cá nhân, tổ chức bị vi phạm còn gây ra những tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức đó. Để khắc phục phần nào sự mất mát về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức bị vi phạm, chủ thể có thẩm quyền xử phạt VPHC có thể yêu cầu chủ thể vi phạm phải tiến hành “cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”. Tuy nhiên, đa số các nghị định quy định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực đều không quy định về trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” và cũng không quy định rõ các hình thức cải chính công khai để bên vi phạm thực hiện. Điều đó gây khó khăn không nhỏ cho các cơ quan chức năng trong việc áp dụng biện pháp này. Do đó, đối với các lĩnh vực VPHC có quy định áp dụng biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” mà chưa có quy định thủ tục áp dụng thì cần bổ sung các quy định hướng dẫn cách thức, trình tự, thời hạn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này một cách chi tiết, cụ thể trong nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực đó hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này trong thực tế.

2.3. Khắc phục các hạn chế trong kỹ thuật lập quy

Thứ ba, khắc phục các hạn chế trong kỹ thuật lập quy về biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” trong các nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực của Chính phủ, cụ thể:

– Cần quy định lại các biện pháp khắc phục hậu quả đối với VPHC trong Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP), Nghị định số 148/2013/NĐ-CP, đặc biệt là hai biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” và “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”. Như đã lập luận, thực ra biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” đã bao hàm luôn biện pháp “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”, do đó các nhà làm luật có thể bỏ đi quy định về biện pháp “buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng” và chỉ giữ lại biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” để bảo đảm tính thống nhất về mặt tên gọi so với Luật XLVPHC năm 2012. Đồng thời để bảo đảm sự phù hợp với tính chất và mục đích áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này đối với các VPHC trong các lĩnh vực cụ thể thì có thể quy định chi tiết về nội dung “thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” cần phải cải chính cũng như thủ tục tiến hành cải chính. Từ đó sẽ giải quyết được sự mâu thuẫn, chồng chéo trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong cùng một nghị định.

– Bên cạnh áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”, “buộc xin lỗi”; để đáp ứng yêu cầu sửa sai, khắc phục các hậu quả và ngăn chặn các hậu quả mới có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai, thiết nghĩ Chính phủ cần xem xét áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử vi phạm các quy định của pháp luật” đối với các VPHC trong hoạt động báo chí, xuất bản tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP theo đúng tinh thần của Luật Báo chí năm 2016.

– Tiến hành rà soát tổng thể các VPHC trong tất cả các lĩnh vực có làm phát sinh “thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” mà chưa có quy định về biện pháp khắc phục hậu “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” để kịp thời bổ sung biện pháp này làm cơ sở cho việc áp dụng trong thực tiễn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xử phạt và khắc phục hậu quả do VPHC gây ra.

CHÚ THÍCH

[1] Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC năm 2012.

[2] Đoạn đầu Điều 3 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định: “Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các  điểm d, đ, e và i khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC, các biện pháp khắc phục hậu quả khác được quy định tại Nghị định này bao gồm…”, biện pháp được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 28 Luật XLVPHC năm 2012 chính là biện pháp “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn”.

[3] Khoản 8 Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP.

[4] Điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP.

[5] Điểm b khoản 4 Điều 28 và điểm c khoản 5 Điều 36 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 141/2018/NĐ-CP).

[6] Điểm a khoản 9 Điều 28 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP.

[7] Điểm a khoản 6 Điều 6 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP.

[8] Điểm a khoản 4 Điều 9 Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP).

[9] Điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.

[10] Điểm c khoản 4 Điều 4, điểm c khoản 4 Điều 5, khoản 4 Điều 7, điểm a khoản 3 Điều 8, điểm a khoản 6 Điều 14, khoản 5 Điều 15, khoản 4 Điều 23, khoản 5 Điều 25, điểm b khoản 5 Điều 29, điểm b khoản 5 Điều 30, điểm a khoản 6 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016).

[11] Điểm a khoản 6 Điều 6, điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định số 55/2009/NĐ-CP.

[12] Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 145/2016/NĐ-CP).

[13] Điểm đ khoản 2, khoản 3, điểm đ khoản 4, điểm đ khoản 5 Điều 22 và điểm d khoản 2, điểm đ khoản 3 Điều 23 Nghị định số 64/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2014/NĐ-CP).

[14] Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 220.

[15] Bất cập này cũng thể hiện tương tự trong Nghị định số 148/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề. Nghị định này vừa quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” vừa áp dụng biện pháp “buộc cải chính trên các phương tiện thông tin” (Điều 3) và thẩm quyền áp dụng hai biện pháp khắc phục hậu quả này, tuy nhiên chỉ có một trường hợp cụ thể có áp dụng biện pháp “buộc cải chính trên các phương tiện thông tin” đối với hành vi thông tin sai về kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở dạy nghề, chương trình dạy nghề trên phương tiện thông tin (điểm c khoản 7 Điều 18).

[16] Cao Vũ Minh, “Hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 21, 2018.

[17] Khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Nghị định số 55/2009/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008). Khi Luật XLVPHC năm 2012 có hiệu lực và thay thế Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) thì lẽ ra Chính phủ phải ban hành nghị định mới nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 55/2009/NĐ-CP.

  • Tác giả: ThS. Nguyễn Nhật Khanh
  • Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(122)/2019 – 2019, Trang 12-20
  • Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Hoàn thiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về lao động
Hoàn thiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động - Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động – Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

Chuyên mục: Hành chính/ Luật Hành chính Việt Nam Từ khóa: Biện pháp khắc phục hậu quả/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2019

Previous Post: « Nhận định về các biện pháp khắc phục hậu quả do Chính phủ quy định
Next Post: Thông báo tập trung kinh tế trong pháp luật Cạnh tranh »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2022 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng