Mục lục
Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới
Tóm tắt
Trong bài viết này, tác giả phân tích một số hạn chế của các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới.
- Thẩm quyền của TAND đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân việt nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới – TS. Lê Thị Mận – ThS. Lê Vĩnh Châu
- Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
- Phân loại quan hệ có yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế – ThS. Nguyễn Thị Hồng Trinh
- Chuẩn hóa đội ngũ công chức hộ tịch cấp xã: đòi hỏi của thực tiễn đổi mới công tác quản lý hộ tịch – TS. Lê Thị Mận
1. Đặt vấn đề
Luật Hộ tịch năm 2014 (sau đây gọi là Luật Hộ tịch) và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch (sau đây gọi là Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ) là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc đăng ký hộ tịch nói chung và đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới (KVBG) nói riêng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại KVBG, pháp luật hộ tịch đã bộc lộ một số hạn chế nhất định như sau: i) Không có sự thống nhất trong các quy định về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại xã KVBG và tại phường, thị trấn KVBG; ii) Không có sự thống nhất trong các quy định về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân (UBND) xã ở KVBG trong việc đăng ký khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con; iii) Không rõ ràng và không thống nhất trong các quy định về đăng ký khai tử cho người nước ngoài tại KVBG; iv) Có sự khác biệt quá lớn trong Hồ sơ đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài tại UBND cấp huyện với Hồ sơ đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài tại UBND xã ở KVBG.
Những hạn chế nêu trên đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại KVBG. Chính vì vậy, việc nghiên cứu những hạn chế của các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại KVBG và từ đó đưa ra một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định này là rất cần thiết.
2. Một số hạn chế của các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới
Trong quá trình thực hiện đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại KVBG, pháp luật hộ tịch đã bộc lộ một số hạn chế sau đây:
2.1. Không có sự thống nhất trong các quy định về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại xã khu vực biên giới và tại phường, thị trấn khu vực biên giới
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về quy chế KVBG đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Khu vực biên giới đất liền mớc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết gọn là khu vực biên giới đất liền) bao gồm xã phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia trên đất liền. Như vậy, KVBG không chỉ bao gồm các xã KVBG mà còn có các phường, thị trấn KVBG. Theo Danh sách xã, phường, thị trấn KVBG đất liền (Ban hành kèm theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ), cho đến năm 2014, trong tổng số 435 xã, phường, thị trấn KVBG đất liền nước ta, có đến 20 phường, thị trấn KVBG đất liền”.
Tuy nhiên, toàn bộ các quy định của Mục 2 Chương III Nghị định số 1 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ với gọi “Đăng ký hộ tịch tại khu vực biên giới” chỉ quy định việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại xã KVBG, mà không quy định việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại phường, thị trấn KVBG. Điều đó có nghĩa là, việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại xã KVBG được thực hiện theo Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, còn việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại phường, thị trấn KVBG lại được thực hiện theo Luật Hộ tịch.
Thực trạng nêu trên dẫn đến sự không thống nhất trong việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại xã, phường, thị trấn KVBG, gây khó khăn cho UBND cấp xã ở KVBG trong việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài.
2.2. Không có sự thống nhất trong các quy định về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới trong việc đăng ký khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con
Theo quy định tại đoạn thứ nhất và đoạn thứ hai của điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch, UBND cấp xã có thẩm quyền “Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam”.
Theo quy định này, UBND xã ở KVBG có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó còn mẹ hoặc cha là công dân nước láng giềng thường trú tại bất cứ xã nào ở KVBG với Việt Nam, đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú tại KVBG với công dân của nước láng giềng thường trú tại bất cứ xã nào ở KVBG với Việt Nam.
Tuy nhiên khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 19 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ lại có những quy định như sau:
- i) “Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó còn mẹ hoặc cha là công dân nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú”. (Khoản 1 Điều 17)
- ii) “Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giếng thường trú tại đơn vị hành chính trong đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú”. (Khoản 1 Điều 18)
- iii) “Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam, tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú”. (Khoản 1 Điều 19)
Theo các quy định nêu trên, UBND xã ở KVBG chỉ được đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó còn mẹ hoặc cha là công dân nước láng giềng thường trú tại đon vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở KVBG của Việt Nam (chứ không phải tại bất cứ xã nào ở KVBG với Việt Nam) nơi công dân Việt Nam thường trú; đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ của công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở KVBG của Việt Nam (chủ không phải tại bất cứ xã nào ở KVBG với Việt Nam) nơi công dân Việt Nam thường trú.
Như vậy, các quy định tại khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 19 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ không phù hợp với quy định tại đoạn thứ nhất và đoạn thứ hai của điểm d khoản 1 Điều 7 Luật hộ tịch, đã thu hẹp thẩm quyền của UBND xã ở KVBG trong việc đăng ký khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con. Điều này ảnh hưởng đến sự thống nhất của hệ thống pháp luật, gây khó khăn cho UBND xã ở KVBG khi áp dụng pháp luật để đăng ký khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con cho những trường hợp đã nêu ở trên.
2.3. Không rõ ràng và không thống nhất trong các quy định về đăng ký khai tử cho người nước ngoài tại khu vực biên giới
Theo quy định tại đoạn thứ ba của điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch, UBND cấp xã “thực hiện đăng ký khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam”.
Quy định này không rõ ràng, không thể xác định sự khác biệt giữa “cư trú ổn định lâu dài” và “cư trú không ổn định lâu dài”. Hiện nay, trong các văn bản pháp luật hộ tịch và pháp luật cư trú không quy định khái niệm “cư trú ổn định lâu dài”. Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung vào ngày 25/11/2019) cũng chỉ nêu khái niệm “cư trú”, chứ không nêu khái niệm “cư trú ổn định lâu dài.
Chính vì không rõ ràng trong quy định thời hạn cư trú của người chết khi thực hiện đăng ký khai tử cho người nước ngoài tại KVBG, cho nên UBND cấp xã ở KVBG gặp nhiều khó khăn khi áp dụng pháp luật để đăng ký khai tử cho người nước ngoài tại KVBG.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, khoản 1 Điều 20 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định như sau: “Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký khai tử cho người chết là người nước ngoài cư trú tại xã đó”. Quy định này rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho UBND xã ở KVBG trong việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài tại KVBG, tuy nhiên lại không thống nhất với quy định tại đoạn thứ ba của điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch.
Theo quy định tại đoạn thứ ba của điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch, người nước ngoài chết được đăng ký khai tử tại UBND cấp xã nơi họ cư trú ổn định lâu dài tại KVBG của Việt Nam, còn theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, người nước ngoài chết được đăng ký khai tử tại UBND xã (chứ không phải UBND cấp xã) nơi họ cư trú (chứ không phä cư trú ổn định lâu dài) tại KVBG của Việt Nam.
Sự không rõ ràng và không thống nhất nêu trên của pháp luật hộ tịch đã gây khó khăn cho UBND cấp xã ở KVBG trong việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài cư trú tại KVBG của Việt Nam.
2.4. Có sự khác biệt quá lớn trong Hồ sơ đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Ủy ban nhân dân cấp huyện với Hồ sơ đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài tại Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ và khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch, Hồ sơ đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài tại UBND cấp huyện bao gồm:
- i) Tờ khai đăng ký kết hôn;
- ii) Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài;
- iii) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
- iv) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đăng ký kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch;
- v) Nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn; nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.
Trong lúc đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài tại UBND xã ở KVBG chỉ bao gồm:
- i) Tờ khai đăng ký kết hôn;
- ii) Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài;
- iii) Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chúng minh nơi thường trú ở KVBG của công dân nước láng giềng.
So sánh hai loại hồ sơ nêu trên, thì hồ sơ Hồ sơ đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài tại UBND cấp huyện đầy đủ hơn, dự tính trước nhiều tình huống có thể xảy ra liên quan đến người đăng ký kết hôn như: Năng lực hành vi dân sự của người đăng ký kết hôn; bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; bên kết hôn là công dân Việt Nam là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang của Việt Nam.
Trong lúc đó, Hồ sơ đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài tại UBND xã ở KVBG còn quá sơ sài, không dự tính trước các tình huống có thể xảy ra liên quan đến người đăng ký kết hôn như đã nêu ở trên.
3. Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới
Từ thực trạng những hạn chế của các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch nêu trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại KVBG như sau:
3.1. Cần bảo đảm sự thống nhất trong các quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại xã, phường, thị trấn khu vực biên giới
Như đã phân tích ở Mục 2.1, các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu nước ngoài tại xã, phường, thị trấn KVBG còn mâu thuẫn lẫn nhau, gây khó khăn cho UBND cấp xã ở KVBG trong việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Mục 2 Chương III Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng quy định thống nhất việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại xã, phường, thị trấn KVBG. Theo đó, Mục 2 Chương III Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ không chỉ quy định việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại xã KVBG, mà còn quy định cả việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài tại phường, thị trấn KVBG.
3.2. Cần bảo đảm sự thống nhất trong các quy định về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới trong việc đăng ký khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài
Theo phân tích tại Mục 2.2, các quy định tại khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 19 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ trái với quy định tại đoạn thứ nhất và đoạn thứ hai của điểm d khoản 1 Điều 7 Luật hộ tịch, đã thu hẹp thẩm quyền đăng ký khai sinh của UBND xã ở KVBG, gây khó khăn cho việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại KVBG, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại KVBG với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú tại KVBG với công dân của nước láng giềng thường trú tại KVBG với Việt Nam.
Do đó, cần bãi bỏ hoặc sửa đổi khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 19 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP cho phù hợp với đoạn thứ nhất và đoạn thứ hai của điểm d khoản 1 Điều 7 Luật hộ tịch nhằm bảo đảm sự thống nhất trong đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại KVBG, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại KVBG với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú tại KVBG với công dân của nước láng giềng thường trú tại KVBG với Việt Nam
3.3. Cần quy định rõ ràng và thống nhất việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài tại khu vực biên giới
Theo phân tích tại Mục 2.3, các quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ rõ ràng hơn, tuy nhiên lại mâu thuẫn với quy định tại đoạn thứ ba của điểm d khoản 1 Điều 7 Luật hộ tịch về đăng ký khai tử cho người nước ngoài chết tại KVBG. Về nguyên tắc, khi có sự mâu thuẫn giữa Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Luật hộ tịch thì cần áp dụng Luật hộ tịch, tuy nhiên trên thực tế, các cơ quan nhà nước thường áp dụng Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ để đăng ký khai tử cho người nước ngoài chết tại KVBG. Thực trạng này đã làm ảnh hưởng đến tính tối cao của Hiến pháp và luật – một đặc điểm quan trọng của nhà nước pháp quyền.
Do đó, trong thời gian tới chúng ta cần sửa đổi đoạn thứ ba của điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch, theo hướng UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký “khai tử cho người chết là người nước ngoài cư trú tại khu vực biên giới của Việt Nam”.
3.4. Cần bổ sung một số giấy tờ trong Hồ sơ đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài tại Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới
Như đã trình bày ở Mục 2.4, so với Hồ sơ đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài tại UBND cấp huyện, thì Hồ sơ đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài tại UBND xã ở KVBG còn quá sơ sài, không dự tính trước các tình huống có thể xảy ra liên quan đến người đăng ký kết hôn.
Do đó, cần quy định bổ sung Hồ sơ đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài tại UBND xã ở KVBG. Theo đó, ngoài những giấy tờ đã được quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, người đăng ký kết hôn phải nộp thêm các giấy tờ sau:
- i) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đăng ký kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
- ii) Nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn; nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
- Trần Việt Dũng (2018), Một số hạn chế của pháp luật hộ tịch và giải pháp hoàn thiện, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, số 35, năm 2018.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Dân sự.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật Cư trú.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật Hộ tịch.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2008), Luật Quốc tịch Việt Nam.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2019), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trần Việt Dũng – ThS.GVC. Trường Đại học Luật, Đại học Huế
Trả lời