Bất cập trong quy trình thi tuyển công chức và hướng hoàn thiện
Tác giả: Trương Tư Phước
TÓM TẮT
Thi tuyển là một hình thức được áp dụng rất phổ biến trong tuyển dụng công chức ở Việt Nam. Hoạt động này được tiến hành theo một quy trình tương đối chặt chẽ dựa trên những quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, quy trình thi tuyển công chức và việc thực hiện trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Bài viết phân tích, đánh giá những hạn chế, bất cập trong quy trình thi tuyển công chức và đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện.
Xem thêm:
- Chuẩn hóa đội ngũ công chức hộ tịch cấp xã: Đòi hỏi của thực tiễn đổi mới công tác quản lý hộ tịch – ThS. Lê Thị Mận & ThS. Nguyễn Quốc Khánh
- Hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật công chức – ThS. Phan Lê Hoàng Toàn
- Phân biệt cán bộ, công chức, viên chức? –
- Một số giải pháp về hoàn thiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức – PGS. Nguyễn Cảnh Hợp & ThS. Mai Thị Lâm
- Hoàn thiện các quy định pháp luật về chưa xử lý và miễn xử lý kỷ luật đối với công chức – TS. Cao Vũ Minh
TỪ KHÓA: Công chức,
Thi tuyển công chức là một hình thức tuyển dụng được áp dụng rất phổ biến ở nước ta hiện nay. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhằm tuyển chọn đội ngũ công chức có đầy đủ năng lực để làm việc trong các cơ quan nhà nước. Để công tác thi tuyển công chức được tổ chức một cách nghiêm túc, bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật thì đòi hỏi phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ.
Hiện nay, quy trình thi tuyển công chức đã được quy định tương đối cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (Luật CB, CC) và các văn bản hướng dẫn thi hành,[1] bao gồm các bước như: thông báo về việc thi tuyển công chức; tiếp nhận hồ sơ đăng ký thi tuyển công chức; thành lập Hội đồng thi tuyển và Ban giám sát; xây dựng đề thi; tổ chức thi tuyển; chấm thi và thông báo kết quả; tổ chức chấm phúc khảo; thông báo kết quả trúng tuyển; ra quyết định tuyển dụng và nhận việc. Mặc dù vậy, bản thân quy trình này và quá trình thực hiện trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.
1. Một số bất cập của quy trình thi tuyển công chức hiện nay
Thứ nhất, còn hiện tượng phân biệt văn bằng, chứng chỉ giữa các loại hình đào tạo hoặc giữa các cơ sở đào tạo trong thi tuyển công chức
Sau hiện tượng một số địa phương như Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Bình… chính thức nói “không” với bằng tại chức (hệ vừa làm vừa học) khi thi tuyển công chức vào năm 2011, 2012,[2] Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2012/TT-BNV bổ sung quy định: “Khi quy định và thông báo các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, cơ quan quản lý công chức không phân biệt loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ (chính quy, tại chức, liên thông, chuyên tu, từ xa, theo niên hạn hoặc theo tín chỉ), không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập”.[3] Thế nhưng, gần đây trong quá trình thi tuyển công chức ở một số địa phương vẫn còn hiện tượng phân biệt văn bằng giữa các loại hình đào tạo. Cụ thể: tỉnh Quảng Nam trong đợt thi tuyển công chức năm 2016 khi quy định về điều kiện văn bằng, chứng chỉ có nêu rõ: “Người dự thi vào công chức loại C (ngạch chuyên viên) phải có bằng tốt nghiệp hệ chính quy trình độ đại học trở lên,…”; “Người dự thi vào công chức loại D phải có bằng tốt nghiệp hệ chính quy trình độ trung cấp trở lên”…[4] Có sự phân biệt đối xử này là vì các cơ quan, đơn vị tuyển dụng quan ngại về chất lượng đào tạo của các hệ không chính quy vốn dĩ không được quản lý chặt chẽ. Họ muốn nâng cao chất lượng đầu vào nên thực hiện bước sàng lọc ngay từ đầu. Tuy nhiên, Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định văn bằng hệ chính quy và không chính quy đều có giá trị như nhau. Do vậy, việc phân biệt bằng cấp này là trái với các quy định của pháp luật.
Hơn nữa, một số cơ quan khi tuyển dụng công chức không những đặt ra điều kiện mang tính phân biệt giữa các loại bằng cấp mà còn có xu hướng thể hiện sự phân biệt giữa các cơ sở đào tạo. Chẳng hạn, Tổng cục thuế trong đợt thi tuyển công chức năm 2016 có nêu rõ điều kiện về văn bằng, chứng chỉ đối với thí sinh đăng ký dự tuyển ngạch chuyên viên và kiểm tra viên thuế làm chuyên môn nghiệp vụ tại Cơ quan Tổng cục thuế là: “Có bằng tốt nghiệp từ bậc đại học, hệ chính quy loại khá trở lên trường: Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện ngân hàng, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại học Tài chính – Marketting, Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng, Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh”… Giả sử, cơ quan tuyển dụng căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 36 Luật CB, CC để quy định “các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển” thì dựa trên tiêu chí nào để tự đặt ra giới hạn về các cơ sở đào tạo? Phải chăng, người dự tuyển có bằng tốt nghiệp từ các trường khác nằm ngoài danh mục liệt kê không đủ “chất lượng” để dự tuyển công chức? Điều này chứng tỏ rằng, dù không rầm rộ như trước đây nhưng trong thi tuyển công chức hiện nay vẫn còn tình trạng phân biệt giữa các loại văn bằng, ưu tiên văn bằng hệ đào tạo chính quy hoặc văn bằng của một số cơ sở đào tạo nhất định. Hiện tượng này không những vi phạm pháp luật về điều kiện thi tuyển công chức mà còn tạo ra sự bất bình đẳng đối với những người dự tuyển.
Thứ hai, một số địa phương tự đặt ra điều kiện hộ khẩu để tạo “rào cản” đối với những người dự thi công chức
Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây khi tổ chức thi tuyển công chức đã đặt ra thêm điều kiện về hộ khẩu thường trú. Ví dụ: Thành phố Hà Nội khi tổ chức thi tuyển công chức năm 2015 yêu cầu người đăng ký dự tuyển phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.[5] Thành phố Đà Nẵng trong đợt tuyển dụng công chức làm việc tại các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện thuộc Ủy ban nhân dân thành phố năm 2017 nêu rõ những người không công tác tại các cơ quan hành chính thuộc thành phố thì phải có hộ khẩu tại thành phố Đà Nẵng trước thời điểm thông báo tuyển dụng. Người không có hộ khẩu tại thành phố Đà Nẵng phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau: tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên; tốt nghiệp thạc sĩ thì phải tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên, chuyên ngành ở bậc thạc sĩ và đại học phải phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển; tốt nghiệp tiến sĩ thì chuyên ngành đào tạo ở bậc tiến sĩ và ngành tốt nghiệp ở bậc đại học phù hợp với môn đăng ký dự tuyển.[6] Thành phố Hồ Chí Minh khi tổ chức thi tuyển công chức những năm gần đây cũng bắt buộc người dự tuyển phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh.[7]
Về mặt pháp lý, Hiến pháp năm 2013 quy định công dân “có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước…” (Điều 23) và “có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” (khoản 1 Điều 35) nên mọi công dân Việt Nam đều có quyền và được bình đẳng về cơ hội để dự tuyển trở thành công chức. Do đó, việc các địa phương tự đặt ra thêm điều kiện phải có hộ khẩu trong thi tuyển công chức không chỉ vi phạm Luật CB, CC mà còn hạn chế quyền Hiến định của công dân, vi phạm khoản 2 Điều 8 Luật Cư trú năm 2006 về cấm “lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.
Hơn nữa, một trong những mục đích của thi tuyển công chức là nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, những người có tài vào làm việc và phục vụ trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc đặt ra điều kiện hộ khẩu dường như đang trở thành “rào cản” đối với những người tài muốn dự thi công chức. Thậm chí có ý kiến cho rằng các địa phương này không muốn mở cửa thu hút người tài mà chỉ muốn dành chỗ cho “người nhà”. Việc quy định hộ khẩu không những vô hình trung hạn chế người giỏi, người có năng lực ở các địa phương khác tham gia dự tuyển công chức mà còn dễ bị người ta hiểu theo góc độ lợi ích cục bộ. Đây là điều kiện nhằm hạn chế người tỉnh ngoài, tạo cơ hội lớn hơn cho những người trong tỉnh, trong đó có thể có cả người nhà và các mối quan hệ thân thích, nhờ vả của nơi tuyển dụng. Cả họ làm quan hay “con cháu các cụ” cũng từ đấy mà ra.[8]
Như vậy, việc các địa phương tự đặt ra điều kiện về hộ khẩu không những vi phạm quy định của pháp luật về thi tuyển công chức mà còn ảnh hưởng đến cơ hội bình đẳng của công dân trong việc trở thành công chức. Sử dụng hộ khẩu như một công cụ hạn chế những quyền hợp pháp đã kéo theo những hiện tượng tiêu cực như “chạy hộ khẩu” để tìm được một chỗ làm trong cơ quan nhà nước.[9] Đã đến lúc các cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ Nội vụ cần phải xóa bỏ ngay rào cản này trong thi tuyển công chức.
Thứ ba, bất cập trong việc phát hành hồ sơ đăng ký dự tuyển
Thông thường, các cơ quan tuyển dụng công chức sau khi ra thông báo về việc thi tuyển thường trực tiếp tổ chức phát hành và bán hồ sơ cho các thí sinh. Điều này đã từng làm nảy sinh những tiêu cực, dẫn đến người có nguyện vọng dự thi công chức bị “sách nhiễu” trong việc mua hồ sơ dự tuyển. Chẳng hạn, trong đợt thi công chức tỉnh Hải Dương năm 2013, theo thông báo hồ sơ dự thi công chức được bán tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, khi người dân đến mua hồ sơ thì gặp phải tình trạng “hết hồ sơ” hoặc “người chịu trách nhiệm bán hồ sơ đi công tác”.[10] Thực chất, một hồ sơ dự thi chỉ bao gồm các giấy tờ như: mẫu đơn đăng ký dự thi, mẫu sơ yếu lý lịch hoặc tờ khai của người dự tuyển vào công chức, phiếu kiểm tra hồ sơ… nhưng lại được bán với giá từ 50.000 – 100.000 đồng/ 1 bộ.[11] Điều đáng nói là hiện nay pháp luật chỉ có quy định về lệ phí dự thi công chức chứ hoàn toàn không có quy định nào về khoản thu này. Trong khi đó, với số lượng hàng trăm, hàng nghìn thí sinh dự thi công chức thì số tiền thu được từ việc bán hồ sơ không phải là nhỏ.
Mặc dù, pháp luật không có quy định cụ thể về việc phát hành hồ sơ đăng ký dự tuyển nhưng thực trạng trên cho thấy vấn đề này đã và đang tồn tại những bất cập nhất định. Gần đây, nhiều địa phương như Quảng Nam, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Thuận… thực hiện việc phát hành hồ sơ dự thi công chức trực tuyến. Người đăng ký dự thi công chức có thể tự mình truy cập vào trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị tuyển dụng để tải tất cả các biểu mẫu và chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu. Điều này không chỉ rất thuận lợi cho người đăng ký dự tuyển mà còn giúp đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết trong thi tuyển công chức, hạn chế được tình trạng “sách nhiễu”. Thiết nghĩ, vấn đề này nên được đưa vào quy định để thực hiện thống nhất, bảo đảm sự cơ hội công bằng cho tất cả thí sinh có nguyện vọng dự thi công chức.
Thứ tư, thời hạn nhận hồ sơ đăng ký dự thi công chức được thực hiện không thống nhất
Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định: “Thời hạn nhận hồ sơ của người đăng ký dự tuyển ít nhất là 30 ngày, kể từ ngày thông báo tuyển dụng công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”. Tuy nhiên, đang tồn tại hai cách hiểu và áp dụng khác nhau quy định này trên thực tế.
Một là, hầu hết các địa phương áp dụng theo hướng thời gian từ khi bắt đầu tiếp nhận hồ sơ (kể từ ngày có thông báo thi tuyển) đến khi kết thúc ít nhất là 30 ngày. Ví dụ, thông báo tuyển dụng công chức tỉnh Quảng Nam năm 2016 quy định rõ thời gian nhận hồ sơ “từ ngày 05/9/2016 đến 17h00 ngày 07/10/2016 (trong giờ hành chính, trừ thứ bảy và chủ nhật)”;[12] thời gian nhận hồ sơ theo Thông báo tuyển công chức của thành phố Đà Nẵng năm 2017 là “từ ngày 12/01/2017 đến hết ngày 17/2/2017”.
Hai là, một số cơ quan quy định thời gian từ ngày thông báo tuyển dụng đến khi kết thúc nhận hồ sơ cũng đảm bảo tối thiểu là 30 ngày nhưng trong đó thời gian tiếp nhận hồ sơ thực tế chỉ có 05 ngày. Điển hình như, trong đợt thi tuyển dụng công chức Tổng cục Thuế năm 2014, theo kế hoạch thi tuyển thì thời gian tiếp nhận hồ sơ dự tuyển chỉ có trong vòng 05 ngày làm việc (từ 8 giờ 00’ ngày 11/8/2014 đến 17 giờ 00’ ngày 15/8/2014). Chính điều này đã từng dẫn đến tình trạng “hàng trăm thí sinh tập trung trước trụ sở Cục Thuế Hà Nội trên phố Giảng Võ chờ đến lượt nộp hồ sơ thi tuyển công chức, khiến vỉa hè chật kín và lòng đường ùn tắc kéo dài”.[13] Nhiều người phải xếp hàng từ 5-6h sáng để được nộp hồ sơ. Thậm chí, có những người sau khi xếp hàng không dám bước ra ngoài hoặc phải thuê người “xếp hàng thuê”[14] vì lo sợ không nộp được hồ sơ đúng hạn.
Chỉ cần nhìn vào thực trạng này, chúng ta có thể hình dung được phần nào những hạn chế của cách làm thứ hai. Đồng thời, theo quan điểm của tác giả, cách làm này chưa thực sự đúng với tinh thần của quy định về thời hạn nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP. Thế nhưng, điều đáng tiếc là cách hiểu này hiện nay vẫn đang tiếp tục được áp dụng trong tuyển dụng công chức ở một số cơ quan. Ví dụ: Thời gian tiếp nhận hồ sơ theo Thông báo tuyển dụng công chức Kho bạc nhà nước năm 2016 là “từ 8 giờ 30 phút ngày 25/4/2016 đến 16 giờ 30 phút ngày 29/4/2016” (05 ngày); thời gian tiếp nhận hồ sơ dự tuyển theo Thông báo tuyển dụng công chức Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế năm 2016 là trong 05 ngày làm việc, “từ 8 giờ 00 ngày 06/02/2017 đến 17 giờ 00 ngày 10/02/2017”.
Vấn đề đặt ra là tại sao các cơ quan này chỉ tiếp nhận hồ sơ dự thi công chức trong thời gian rất ngắn như vậy (thường chỉ trong vòng 05 ngày làm việc)? Trong khi đó, thời gian tổ chức một đợt thi công chức từ khi ra thông báo đến khi kết thúc thi tuyển lại kéo dài ít nhất từ bốn đến năm tháng. Phải chăng đây là cách thức, chiêu trò để cơ quan, người có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng công chức hạn chế số lượng hồ sơ đăng ký thi tuyểnvì mục đích vụ lợi? Theo đó, những người tổ chức tuyển dụng khống chế số lượng người tham gia dự tuyển nhằm tạo điều kiện cho con em, người thân hay những người đã được “gửi gắm” trúng tuyển.[15]
Điều đáng nói hơn nữa là thông thường khoảng hai đến ba năm những cơ quan này mới có một đợt tuyển dụng công chức nhưng nhiều trường hợp khi người dân biết được thông tin thi tuyển thì đã cận ngày hoặc hết thời hạn nên không kịp chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ theo yêu cầu. Trường hợp đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan thì lại không nộp được do hết hạn nhận hồ sơ. Thậm chí, có trường hợp người dự tuyển nộp hồ sơ thi công chức suốt một tuần vẫn không được vì sự tắc trách của bộ phận làm công tác nhận hồ sơ như lý do bận họp, đi vắng… xảy ra ở huyện An Dương, thành phố Hải Phòng trong đợt thi tuyển công chức năm 2014.[16]
Do vậy, cần thống nhất cách áp dụng quy định về thời hạn nhận hồ sơ để tạo sự công bằng, minh bạch trong thi tuyển công chức, hạn chế tình trạng người dự tuyển gặp khó khăn ngay từ khâu nộp hồ sơ dự thi. Trường hợp các cơ quan tuyển dụng áp dụng không đúng quy định của pháp luật về thời hạn nhận hồ sơ thì cần có biện pháp xử lý phù hợp.
Thứ năm, việc tiếp nhận hồ sơ giấy gây lãng phí, bất cập trong khâu xử lý
Căn cứ Điều 2 Thông tư số 13/2010/TT-BNV, hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức phải gồm các loại giấy tờ như: Đơn đăng ký dự tuyển công chức; Bản sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; Bản sao giấy khai sinh; Bản chụp các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển; Giấy chứng nhận sức khỏe; và Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên (nếu có) được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Theo quy định người tham gia dự thi phải nộp hồ sơ đầy đủ và các loại giấy tờ này phải được xác nhận hoặc chứng thực. Điều này đang gây ra sự lãng phí rất lớn về thời gian, tiền bạc cũng như tạo nên nhiều áp lực đối với cán bộ xử lý hồ sơ.
Chẳng hạn, trong đợt thi tuyển công chức ngành Thuế năm 2014, “Tổng cục Thuế tiếp nhận hơn 30.000 bộ hồ sơ nhưng chỉ tuyển 3.000 người. Riêng Cục Thuế Hà Nội hơn 7.000 bộ hồ sơ, chỉ tuyển 200. Rà soát hồ sơ trong một tuần là quá căng thẳng, nhưng phải tiếp nhận bằng hết các hồ sơ, áp lực công việc này quá lớn”.[17] Thời điểm đó, đã có ý kiến cho rằng: “Tại sao không thể thay cả bộ hồ sơ nặng nửa ký bằng một tờ giấy chỉ vài gram? 10.000 người thi mà chỉ lấy 300 – 400 người thì lấy ai ngồi đọc hồ sơ”?[18] Cho đến nay, hầu hết các đợt thi tuyển công chức đều thu hút số lượng thí sinh dự thi rất lớn trong khi chỉ tiêu tuyển dụng lại ít, việc xử lý hồ sơ dự thi tạo ra nhiều bất cập cho bộ phận tuyển dụng. Ví dụ: đợt thi công chức tỉnh Hà Tỉnh năm 2016 có 1.584 hồ sơ đăng ký dự tuyển/ 86 chỉ tiêu; thi công chức hành chính tỉnh Quảng Nam năm 2016 có 2.331 hồ sơ đăng ký dự tuyển/ 362 chỉ tiêu; đợt thi công chức tỉnh Quảng Bình năm 2016 có 747 hồ sơ đăng ký dự tuyển/ 70 chỉ tiêu…[19] Do đó, cần sớm giảm tải khâu này và chuyển sang bước hậu kiểm để khắc phục tình trạng lãng phí trong giai đoạn nhận hồ sơ dự thi công chức.
Thứ sáu, thời gian thi và hình thức thi một số môn không đúng quy định
Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 13/2010/TT-BNV quy định thời gian các môn thi đối với thi tuyển công chức loại C (ngạch chuyên viên và tương đương) là: môn kiến thức chung thi viết thời gian 180 phút; môn nghiệp vụ chuyên ngành thi viết thời gian 180 phút và thi trắc nghiệm thời gian 45 phút; môn ngoại ngữ thi viết thời gian 90 phút hoặc thi vấn đáp thời gian từ 15 đến 30 phút; và môn tin học văn phòng thi thực hành trên máy hoặc thi trắc nghiệm, thời gian 45 phút. Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện việc đổi mới trong thi tuyển công chức nên áp dụng hình thức thi và thời gian thi đối với một số môn không theo quy định này. Ví dụ: Tỉnh Quảng Nam trong đợt thi tuyển công chức hành chính năm 2016 đã tổ chức thi trắc nghiệm trên máy vi tính đối với các môn: nghiệp vụ chuyên ngành, môn tin học và môn ngoại ngữ. Thời gian làm bài thi của mỗi môn thi trên máy vi tính là 30 (ba mươi) phút áp dụng đối với thí sinh dự thi vào công chức loại C hoặc loại D. Như vậy, thời gian thi trắc nghiệm môn nghiệp vụ chuyên ngành đối với công chức loại C chỉ có 30 phút trong khi quy định là 45 phút, hình thức thi và thời gian thi môn ngoại ngữ cũng không đúng quy định. Cá biệt, có trường hợp tỉnh Bình Thuận, trong đợt thi công chức năm 2017 đã thông báo tổ chức hình thức thi trắc nghiệm đối với cả môn kiến thức chung trong thời gian 60 phút (đối với công chức loại C).[20] Mặc dù, việc có những đổi mới trong thi tuyển công chức để tăng cường tính khách quan, minh bạch là cần thiết, tuy nhiên, các địa phương thực hiện một cách bộc phát như thế này sẽ tạo nên những hiệu ứng không tốt trong quá trình chấp hành pháp luật về thi tuyển công chức.
* Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Đổi mới pháp luật về quy trình tuyển dụng và sử dụng công chức”, mã số B2016-LPS-03 do PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp làm chủ nhiệm
2. Một số giải pháp hoàn thiện quy trình thi tuyển công chức
Từ thực trạng thi tuyển công chức như đã phân tích ở trên, việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình thi tuyển công chức là một yêu cầu cấp bách. Để làm được điều này, thiết nghĩ cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau trên cả phương diện pháp lý và thực tiễn.
Một là, đề ra biện pháp xử lý kiên quyết đối với các Bộ, ngành và địa phương còn biểu hiện phân biệt giữa các loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ hoặc giữa các cơ sở đào tạo trong thi tuyển công chức. Bộ Nội vụ sẽ đóng vai trò là đầu mối tiến hành việc kiểm tra, xác minh và xử lý các trường hợp cơ quan, đơn vị tuyển dụng “ưu tiên” tuyển những người tốt nghiệp từ hệ đào tạo chính quy hoặc một số trường nhất định. Việc phân biệt, “kỳ thị” này là hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 05/2012/TT-BNV. Bộ Nội vụ đã từng ra văn bản nhắc nhở về việc nói “không” với bằng tại chức trong thi tuyển công chức ở một số địa phương,[21] tuy nhiên cho đến nay chúng ta vẫn chưa có chế tài nào xử lý triệt để tình trạng này. Do đó, để đảm bảo tính công bằng, khách quan, tuân thủ đúng quy định của pháp luật cũng như tăng cường tính cạnh tranh trong tuyển dụng, các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhau để đưa ra biện pháp xử lý cụ thể đối với các trường hợp phân biệt trong thi tuyển công chức. Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương còn để tái diễn tình trạng này thì phải quy kết trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu các cơ quan tuyển dụng.
Hai là, xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan, đơn vị tuyển dụng đặt ra điều kiện hộ khẩu trong thi tuyển công chức. Vốn dĩ chỉ là một loại giấy tờ chứng nhận thực trạng người dân đang cư trú để cơ quan chức năng quản lý nhưng nay một số địa phương lại biến hộ khẩu thành “rào cản” giới hạn quyền cư trú và làm việc của người dân nhập cư, trong đó có hạn chế cả quyền thi tuyển công chức là không hợp lý. Đã đến lúc hộ khẩu nên được trả về đúng với vai trò, ý nghĩa vốn có của nó; nên chấm dứt việc lạm dụng hộ khẩu để “hành dân”.[22]
Dẫu biết rằng, xóa bỏ điều kiện về hộ khẩu trong thi tuyển công chức sẽ là thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền các địa phương này. Thế nhưng, điều quan trọng là không thể trì hoãn, tránh né mà phải đối mặt với thách thức. Cần tái khẳng định rằng Luật CB, CC và các văn bản về thi tuyển công chức hiện nay không hề có quy định về điều kiện hộ khẩu. Vì thế, Bộ Nội vụ bên cạnh việc hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở các địa phương chấp hành đúng pháp luật về tuyển dụng công chức cũng cần phải tiến hành những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp còn vi phạm. Xóa bỏ được rào cản này thì chúng ta mới có thể thực hiện được đúng tinh thần “tìm người tài chứ không tìm người nhà”.[23]
Ba là, thực hiện thống nhất việc phát hành và tiếp nhận hồ sơ dự thi công chức trực tuyến. Theo đó, tất cả các Bộ, ngành và địa phương khi tổ chức thi tuyển công chức sẽ cung cấp các biểu mẫu hồ sơ trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình để người dự tuyển có thể truy cập và tải về dễ dàng mà không thực hiện việc bán hồ sơ đăng ký dự tuyển như trước đây. Đồng thời, nghiên cứu thay đổi việc buộc người dự tuyển nộp toàn bộ hồ sơ, giấy tờ ngay từ đầu sang cơ chế hậu kiểm. Tức là, người dự tuyển có thể kê khai các thông tin cần thiết theo biểu mẫu yêu cầu và nộp hồ sơ ban đầu qua internet để được dự thi. Điều này được áp dụng phổ biến trong thi công chức ở Nhật Bản.[24] Sau khi trúng tuyển, người dự thi có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các hồ sơ minh chứng bằng bản giấy có chứng thực hoặc xác nhận theo đúng thông tin đã kê khai để cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng kiểm tra, xác minh và ra quyết định tuyển dụng công chức. Có ý kiến lo ngại rằng việc thực hiện theo phương án hậu kiểm sẽ xảy ra tình trạng người trúng tuyển nhưng hồ sơ không đủ điều kiện, dẫn đến việc khiếu nại liên quan đến thi tuyển công chức tăng lên.[25] Tuy nhiên, pháp luật về thi tuyển công chức hiện nay đã có quy định “trường hợp người trúng tuyển không hoàn thiện đủ hồ sơ dự tuyển theo quy định thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức ra quyết định hủy kết quả trúng tuyển”.[26] Cho nên, phương án hậu kiểm là hoàn toàn khả thi, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc lại vừa giảm tải áp lực công việc cho cán bộ phụ trách công tác kiểm tra hồ sơ dự tuyển. Hơn nữa, việc tiếp nhận hồ sơ dự tuyển trực tuyến sẽ khắc phục được tình trạng tiêu cực, “sách nhiễu”, tạo sự công khai, minh bạch, công bằng trong thi tuyển công chức. Điều này sẽ góp phần lựa chọn, tuyển dụng được những người thật sự có trí thức, có tài năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Bốn là, đổi mới nội dung và hình thức thi tuyển công chức. Một trong những đổi mới cơ bản nhằm nâng cao chất lượng thi tuyển công chức là việc thay đổi phương thức tổ chức thi tuyển. Đối với các môn kiến thức chung, tin học, ngoại ngữ và trắc nghiệm chuyên ngành cần phải được tổ chức hoàn toàn bằng phương thức trắc nghiệm trên máy vi tính. Ưu điểm của phương pháp này là máy tính tự ra đề thi, tự đánh giá bài thi, quản lý thời gian thi và tự chấm điểm. Thí sinh sau khi làm bài thi xong là có thể biết ngay kết quả thi. Giải pháp này đảm bảo được nguyên tắc cạnh tranh khách quan, công bằng, minh bạch, thực tài và hạn chế được tiêu cực trong khi thi tuyển. Việc tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm trên máy vi tính cũng sẽ hạn chế tối đa những tiêu cực và sai sót trong khâu chấm thi.
Bên cạnh đó, tác giả cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất nên bổ sung bước phỏng vấn trong thi tuyển công chức.[27] Bởi vì hoạt động công vụ của công chức bao gồm cả các kỹ năng giao tiếp, ứng xử giữa công chức với các công chức khác, giữa công chức với nhân dân, tổ chức. Do vậy, thông qua phỏng vấn mới có thể nhận biết, lựa chọn được ứng viên có phẩm chất, năng lực, kỹ năng thực sự trong quan hệ giao tiếp, ứng xử phù hợp nhất cho vị trí việc làm cụ thể cần tuyển dụng. Ở Nhật Bản, phỏng vấn là một phần thi không thể thiếu trong kỳ thi tuyển công chức quốc gia và được chuẩn bị rất kỹ để đảm bảo sự công bằng và minh bạch. Theo đó, tại mỗi phòng thi phỏng vấn có 3 giám thị phỏng vấn trực tiếp 1 thí sinh. Giám thị chính bắt buộc phải là người của Cơ quan Nhân sự quốc gia. Trước khi vào phòng phỏng vấn 3 giám thị phải đọc kỹ thông tin của thí sinh. Sau khi giám thị đọc kỹ giấy đăng ký dự thi phỏng vấn, các giám thị thảo luận với nhau để xem có giám thị nào có mối quan hệ với thí sinh không, nếu có thì phải thay giám thị, còn không thì 3 giám thị phân công nội dung câu hỏi cho từng giám thị. Cuối cùng giám thị chính sẽ tổng hợp điểm của cả 3 giám thị.[28] Đây là một trong những kinh nghiệm hay nên được áp dụng trong thi tuyển công chức ở nước ta.
Như vậy, chúng ta cần cải cách phương thức thi tuyển công chức theo mô hình hai vòng thi:
– Vòng thứ nhất, Hội đồng thi tuyển công chức của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập và tổ chức thi tập trung bằng hình thức trắc nghiệm trên máy vi tính với các môn kiến thức chung, tin học, ngoại ngữ và trắc nghiệm chuyên ngành. Đối với các Bộ, ngành ở trung ương thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức sẽ thực hiện việc tổ chức thi tập trung này. Những thí sinh thi đạt trên 50 điểm mỗi môn ở vòng một sẽ tiếp tục được dự thi vòng hai.
– Vòng thứ hai, các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng công chức ở các Sở, ngành, địa phương sẽ tổ chức thi viết đối với môn nghiệp vụ chuyên ngành, đồng thời tiến hành phỏng vấn để lựa chọn người trúng tuyển có đầy đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của vị trí dự tuyển. Như vậy, cơ quan, đơn vị sử dụng công chức cũng được trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển dụng. Cách làm này vừa đảm bảo đúng quy định hiện hành về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước vừa góp phần nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức.
Ngoài ra, cần phải giám sát chặt chẽ quá trình thi tuyển, nhất là khâu ra đề, kiểm duyệt đề thi. Đối với phần thi phỏng vấn nếu được áp dụng phải được ghi âm để quá trình thi thực sự khách quan, công bằng. Những giám khảo phụ trách phần thi phỏng vấn phải được đào tạo kỹ năng phỏng vấn để có thể đánh giá một cách khách quan về tính cách, năng lực của thí sinh trong một thời gian ngắn. Đặc biệt, công tác thi tuyển phải được trao cho người có tâm, có trách nhiệm bởi vì dù quy trình thi tuyển có khoa học đến đâu thì điều quan trọng nhất vẫn là những người vận dụng nó.
Tóm lại, trên cơ sở những nội dung đã phân tích, quy trình thi tuyển công chức ở nước ta hiện nay vẫn còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập trên cả phương diện quy định pháp luật lẫn thực tiễn thực hiện. Vì vậy, nghiên cứu và hoàn thiện quy trình thi tuyển công chức là một nhiệm vụ rất cần thiết và quan trọng nhằm góp phần tăng cường tính khách quan, công khai và minh bạch trong thi tuyển. Thiết nghĩ, những giải pháp được đề xuất không chỉ có giá trị đóng góp thiết thực cho những người làm công tác xây dựng pháp luật mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà quản lý trong việc nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi tuyển công chức. Một khi quy trình thi tuyển công chức bảo đảm được nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch thì niềm tin của người dân vào các kỳ thi tuyển công chức do nhà nước tổ chức sẽ được củng cố.
CHÚ THÍCH
[1]Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31/8/2010, sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP; Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2010/NĐ-CP; Thông tư số 05/2012/TT-BNV ngày 24/10/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV; và Thông tư số 03/2015/TT-BNV ngày 10/03/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư số 13/2010/TT-BNV.
[2] Báo điện tử Vietnamnet, “Bộ Nội vụ: Chính quy, tại chức giá trị như nhau”, truy cập 08/03/2017.
[3] Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 05/2012/TT-BNV ngày 24/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV.
[4] Thông báo số 1263/TB-SNV ngày 05/9/2016 của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam về thi tuyển công chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh Quảng Nam năm 2016.
[5] Quyết định số 163/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2015.
[6] Thông báo số 86/TB-SNV ngày 11/01/2017 về việc tuyển dụng công chức làm việc tại các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện thuộc UBND thành phố Đà Nẵng.
[7] Thông báo số 3899/TB-SNV ngày 14/10/2015 Thi tuyển công chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP. Hồ Chí Minh năm 2015 – Đợt 2; Thông báo số 2602/TB-SNV ngày 26/7/2016 thi tuyển công chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP. Hồ Chí Minh năm 2016.
[8] Báo điện tử Thể thao & Văn hóa, “Thứ trưởng Nội vụ: Hộ khẩu không thể và không bao giờ thay được cho tài năng”, truy cập ngày 25/3/2017.
[9] Báo Nhân dân điện tử, “Hộ khẩu làm khó người tài”, truy cập 28/3/2017.
[10] Báo Tiền phong điện tử, “Bất thường mua bán hồ sơ thi công chức Hải Dương”, truy cập 12/10/2016.
[11] Hồ sơ dự tuyển công chức vào Viện Kiểm Sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 được bán với giá 50.000 đồng/ 1 hồ sơ.
[12] Thông báo số 1263/TB-SNV tỉnh Quảng Nam ngày 05/9/2016 Thông báo thi tuyển công chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh Quảng Nam năm 2016.
[13] Báo điện tử VNExpress, “Xếp hàng kín vỉa hè nộp hồ sơ thi vào Cục Thuế Hà Nội”, truy cập 05/4/2017.
[14] Báo Dân trí điện tử, “Dịch vụ xếp hàng thuê nộp hồ sơ thi vào Cục Thuế Hà Nội”, truy cập 05/4/2017.
[15] Báo Lao động điện tử, “Nên quy định cụ thể thời gian nộp hồ sơ thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức”, truy cập ngày 25/3/2017.
[16] Báo điện tử Tuổi trẻ online, “Chờ chực cả tuần vẫn không nộp được hồ sơ thi công chức”, truy cập ngày 25/3/2017.
[17], Báo Lao động điện tử, “Cải cách hành chính ngành nội vụ: Hồ sơ thi công chức được tính bằng… tấn”, truy cập ngày 26/3/2017.
[18] Báo điện tử Vietnamnet, “Nộp hồ sơ công chức nửa ký ai xem đâu”, truy cập ngày 26/3/2017.
[19] Số liệu do tác giả tổng hợp.
[20] Quyết định số 377/QĐ-UBND ngày 10/2/2017 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Kế hoạch thi tuyển công chức nhà nước năm 2017.
[21] Báo Dân trí điện tử, “Địa phương “nói không” với bằng tại chức, Bộ Nội vụ nhắc nhở”, truy cập ngày 26/3/2017.
[22] Nguyễn Thị Thiện Trí (chủ biên), Quyền tự do cư trú của công dân trong giai đoạn hiện nay, Nxb. Dân trí, 2014, tr. 267.
[23] Báo Dân trí điện tử, “Vì sao Thủ tướng yêu cầu tìm người tài, không tìm người nhà?”, truy cập 28/3/2017.
[24] Phạm Huyền Trang, “Quy trình tổ chức thi tuyển công chức của Nhật Bản”, http://isos.gov.vn/Thongtinchitiet/tabid/84/ArticleId/1235/language/vi-VN/Quy-trinh-t-ch-c-thi-tuy-n-cong-ch-c-c-a-Nh-t-B-n.aspx, truy cập 29/3/2017.
[25] Báo Tiền phong, “Tuyển công chức: Thi 10, trượt 9”, http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tuyen-cong-chuc-thi-10-truot-9-848022.tpo, truy cập ngày 28/3/2017.
[26] Khoản 4 Điều 9 Thông tư số 13/2010/TT-BNV.
[27] Thạch Thọ Mộc, “Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng và đánh giá đội ngũ công chức ở nước ta hiện nay”, website Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước,.http://isos.gov.vn/Thongtinchitiet/tabid/84/ArticleId/825/language/vi-VN/Ti-p-t-c-d-i-m-i-cong-tac-tuy-n-d-ng-va-danh-gia-d-i-ngu-cong-ch-c-n-c-ta-hi-n-nay.aspx, truy cập ngày 29/3/2017.
[28] Phạm Huyền Trang, “Quy trình tổ chức thi tuyển công chức của Nhật Bản”, http://isos.gov.vn/Thongtinchitiet/tabid/84/ArticleId/1235/language/vi-VN/Quy-trinh-t-ch-c-thi-tuy-n-cong-ch-c-c-a-Nh-t-B-n.aspx, truy cập 29/3/2017.
- Tác giả: ThS. Trương Tư Phước
- Tạp chí Khoa học pháp lý số 01(113)/2018 – 2018, Trang 24-32
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời