Mục lục
Tổng quan về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Tác giả: GS.TS. Mai Hồng Quỳ
TÓM TẮT
Bài viết giới thiệu những nét tổng quan về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục bao gồm: sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục; định hướng sửa đổi Luật Giáo dục; những điểm mới của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Xem thêm bài viết về “Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi bổ sung 2009)”
- Thanh tra giáo dục và kiến nghị sửa đổi các quy định về thanh tra trong Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) – TS. Thái Thị Tuyết Dung
- Tính thống nhất của Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam – ThS. Nguyễn Nhật Khanh
- Luận cứ để xây dựng nguyên tắc áp dụng pháp luật trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục – TS. Cao Vũ Minh
- Bàn về mục tiêu giáo dục – TS. Đỗ Minh Khôi
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và quyền được học tập trong môi trường an toàn – TS. Ngô Hữu Phước
1. Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục
Luật Giáo dục hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, sau đó được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi chung là Luật Giáo dục) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động giáo dục trên phạm vi cả nước, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân tài nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, qua hơn 12 năm thi hành, thực tiễn cho thấy Luật Giáo dục đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể kể ra một số bất cập nổi bật như sau:[1]
Thứ nhất, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất.
Thứ hai, quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu. Một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Thực trạng này xuất phát từ lý do việc phân định giữa quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa rõ. Công tác quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng đúng mức. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và gia đình chưa chặt chẽ. Nguồn lực quốc gia và khả năng của phần đông gia đình đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu.
Thứ ba, đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả.
Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất, kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bất cập này có thể được lý giải bởi tư duy bao cấp còn nặng nề, làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đào tạo.
Chính những bất cập, hạn chế đã nêu đặt ra yêu cầu phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Việc hoàn thiện các quy định của Luật Giáo dục nhằm đáp ứng việc thực hiện các nội dung quan trọng sau:[2]
Một là, sửa đổi Luật Giáo dục để phù hợp với các quy định mới trong Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/01/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Hai là, sửa đổi Luật Giáo dục để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với các luật chuyên ngành: Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan mới được ban hành trong thời gian gần đây như Luật Đầu tư năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện 2016; Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Tổ chức Chính phủ 2015…
Ba là, sửa đổi Luật Giáo dục để phù hợp với thực tiễn thi hành Luật Giáo dục về các nội dung như: cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia Việt Nam, thi tốt nghiệp trung học phổ thông; chương trình, sách giáo khoa; thời gian đào tạo các cấp học và trình độ đào tạo… tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.
Bốn là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc sửa đổi Luật Giáo dục hướng đến việc thực hiện các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.
2. Chính sách sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục
Theo nội dung Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ thì dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được thực hiện trên cơ sở các chính sách sau: [4]
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo
Chính sách này được thực hiện nhằm đạt các mục tiêu sau: tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật về giáo dục, đào tạo; đề xuất cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, xây dựng nền giáo dục mở, thực học, dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần hội nhập quốc tế về hệ thống giáo dục; bảo đảm cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sau khi hoàn thiện sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và tiếp cận hệ thống giáo dục của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục phổ thông để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông
Chính sách này được thực hiện nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, đồng thời bảo đảm học sinh học hết trung học cơ sở có tri thức phổ thông nền tảng, học sinh trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau trung học phổ thông có chất lượng, bảo đảm năng lực học suốt đời.
Thứ ba, đổi mới thời gian đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục đại học và hội nhập quốc tế
Chính sách này được thực hiện nhằm tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Việc phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ đáp ứng sự phù hợp với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực. Do đó, tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là một vấn đề cấp thiết.
Thứ tư, chính sách nhà giáo
Đây là một trong những chính sách rất quan trọng, được bổ sung trong quá trình xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành công trong giáo dục và đào tạo của một quốc gia. Việc sửa đổi các nội dung khác của Luật Giáo dục nhưng “phớt lờ” các điều luật liên quan đến nhà giáo sẽ không bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả khi thực thi, không giải quyết dứt điểm những rào cản sự nghiệp giáo dục Việt Nam hiện tại. Địa vị pháp lý của nhà giáo hiện nay được quy định trong chương IV của Luật Giáo dục chỉ là những quy phạm định nghĩa và “tuyên ngôn” nên không thể áp dụng trực tiếp trong thực tế mà cần phải dẫn chiếu sang Luật Cán bộ công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Bộ luật Lao động năm 2012 và rất nhiều các văn bản dưới luật. Như vậy, những tuyên ngôn về quyền lợi, chế độ ưu đãi cho nhà giáo trong Luật Giáo dục trở nên vô nghĩa.
Do đó, việc bổ sung chính sách nhà giáo trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng trong việc củng cố và hoàn thiện chất lượng giáo dục của nước nhà. Việc giải quyết các chế độ liên quan đến nhà giáo như tiền lương, phụ cấp, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đánh giá và khen thưởng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ của nhà giáo, đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.
3. Một số điểm mới của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Tính đến tháng 03/2018 thì Dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là Dự thảo 5[5] (sau đây gọi tắt là Dự thảo 5). Nội dung của Dự thảo 5 được đánh giá là sửa đổi một cách toàn diện các nội dung của Luật Giáo dục hiện hành, cụ thể Dự thảo đã tiến hành sửa đổi, bổ sung 54 điều về mặt nội dung, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Về mục tiêu giáo dục: khoản 1 Điều 1 Dự thảo 5 đã bổ sung thêm nội dung “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân” vào quy định về mục tiêu giáo dục. Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, sửa đổi về mục tiêu giáo dục còn hướng đến đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.
Về hệ thống giáo dục quốc dân: Dự thảo 5 đã bổ sung quy định “hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông”. Trong đó, hệ thống giáo dục mở bảo đảm cho mọi người đều có cơ hội được tiếp cận giáo dục và học tập suốt đời. Liên thông trong giáo dục tạo điều kiện cho người học sử dụng kết quả học tập đã có để tiếp tục học lên cấp học cao hơn, trình độ đào tạo cao hơn cùng ngành đào tạo hoặc giúp người học chuyển sang ngành đào tạo hay trình độ đào tạo khác; chuyển đổi hình thức giáo dục trong quá trình học tập với yêu cầu, nội dung tương ứng.[6]
Về phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông: nội dung này đã được thể hiện khá rõ nét tại khoản 10 Điều 1 Dự thảo 5 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 26 Luật Giáo dục. Theo đó, giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp trung học phổ thông. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở, học sinh có thể học tiếp lên trung học phổ thông hoặc theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có thể học lên đại học hoặc theo học các chương trình đào tạo nghề nghiệp.
Về hệ thống nhà trường: so với Luật Giáo dục hiện hành, Dự thảo 5 đã phân chia nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân thành trường công lập và trường ngoài công lập. Đối với trường ngoài công lập, Dự thảo 5 đã quy định các loại hình nhà trường gồm trường tư thục, trường dân lập đối với giáo dục mầm non, trường có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý Dự thảo 5 đã bổ sung quy định các điều kiện đối với loại hình “trường tư thục và trường có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận”. Đó là cơ sở giáo dục mà các nhà đầu tư cam kết: hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục.[7]
Về hội đồng trường: Dự thảo 5 đã có sự thay đổi khi quy định về hội đồng trường so với Luật Giáo dục hiện hành, cụ thể Dự thảo đã tách nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường theo cấp học gồm hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và hội đồng trường đối với cơ sở cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời Dự thảo còn bổ sung quy định về hội đồng quản trị trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong đó có cả hội đồng quản trị của trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.[8]
Về trình độ chuẩn của nhà giáo: quy định về trình độ chuẩn của nhà giáo trong Dự thảo 5 được quy định ở mức cao hơn so với Luật Giáo dục hiện hành. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế cải cách giáo dục theo hướng hiện đại và nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đó, đối với giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân sư phạm, đối với giáo viên trung học cơ sở phải có cử nhân sư phạm hoặc có bằng cử nhân và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học phải có bằng thạc sĩ, đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ phải có bằng tiến sĩ.[9]
Về học phí: Dự thảo 5 đã thay đổi nội dung trong quy định về học phí so với Luật Giáo dục hiện hành. Theo đó, học phí là khoản tiền mà người học hoặc gia đình người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Học sinh tiểu học trường công lập không phải nộp học phí. Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo. Giá dịch vụ giáo dục đào tạo là toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phi quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục, đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo. Giá dịch vụ tuyển sinh là khoản tiền mà người dự tuyển phải nộp khi tham gia xét tuyển, thi tuyển sinh.[10]
Ngoài ra, Dự thảo 5 còn quy định một số điều để sửa đổi, bổ sung các điều khoản mang tính kỹ thuật. Cụ thể, thay thế cụm từ “tự chịu trách nhiệm” bằng cụm từ “trách nhiệm giải trình” tại Điều 65; cụm từ “theo hiệp định ký kết với Nhà nước” bằng cụm từ “theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” tại Điều 87; bãi bỏ Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 17, Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 43, Điều 59, Điều 60; đồng thời bãi bỏ cụm từ “tàn tật” tại Điều 10, khoản 2 Điều 26, Điều 63, khoản 1 Điều 82, khoản 1 khoản 2 Điều 89.[11]
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”. Do đó, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thiện các quy định của Luật Giáo dục hiện hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục ở nước ta, góp phần tạo động lực để xây dựng nền giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
CHÚ THÍCH
[1] Xem Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/01/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
[2] Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
[4] Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
[5] Xem tại: http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1396&LanID=1482&TabIndex=1, truy cập ngày 08/03/2018.
[6] Khoản 2 Điều 1 Dự thảo 5.
[7] Khoản 23 Điều 1 Dự thảo 5.
[8] Khoản 27 Điều 1 Dự thảo 5.
[9] Khoản 37 Điều 1 Dự thảo 5.
[10] Khoản 48 Điều 1 Dự thảo 5.
[11] Điều 2 Dự thảo 5.
- Tác giả: GS.TS. Mai Hồng Quỳ
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02(114)/2018 – 2018, Trang 03-07
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời