Mục lục
Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và quyền được học tập trong môi trường an toàn
Tác giả: TS. Ngô Hữu Phước
TÓM TẮT
Bài viết phân tích, làm sáng tỏ khái niệm và nội hàm của “quyền được học tập trong môi trường an toàn” để làm luận cứ cho việc đề xuất bổ sung Điều 85a “Quyền được học tập trong môi trường an toàn” vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2005.
Xem thêm bài viết về “Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi bổ sung 2009)”
- Chính sách tiền lương của nhà giáo trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục – TS. Lê Thị Thúy Hương
- Tính thống nhất của Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam – ThS. Nguyễn Nhật Khanh
- Tổng quan về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) – GS.TS. Mai Hồng Quỳ
- Luận cứ để xây dựng nguyên tắc áp dụng pháp luật trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục – TS. Cao Vũ Minh
- Bàn về mục tiêu giáo dục – TS. Đỗ Minh Khôi
1. Sự cần thiết ghi nhận trong Luật Giáo dục “quyền được học tập trong môi trường an toàn”
Thời gian gần đây, môi trường giáo dục ở nước ta, từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến bậc đại học rất đáng báo động về sự an toàn của môi trường học đường. Một là, tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Tình trạng học sinh, sinh viên thành lập các phe nhóm đánh nhau, thực hiện các hành vi bạo lực, bắt nạt người học yếu thế vì các lý do liên quan đến sự khác biệt về chính kiến, quan điểm cá nhân, tình bạn, tình yêu… thậm chí còn có cả giáo viên nam đánh nhau với học sinh nữ. Hai là, hiện tượng cá nhân, tổ chức đưa các chất ma túy, chất gây nghiện được “chế biến” thành hình dạng hấp dẫn, đẹp mắt như những viên kẹo hoặc pha trộn vào các loại nước giải khát xâm nhập vào nhà trường và các cơ sở giáo dục.[1] Ba là, tình trạng mất an ninh, trật tự, tội phạm và tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ, ma túy, bia rượu… ở khu vực xung quanh trường học, cơ sở giáo dục.
Thực trạng nói trên đã làm cho cha mẹ, người giám hộ, người học, nhà trường, xã hội rất lo lắng và đặc biệt quan tâm. Về phương diện pháp lý, ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng, chống bạo lực học đường. Nghị định này quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam… Tuy nhiên, do chỉ được điều chỉnh ở tầm văn bản dưới luật nên hiệu lực pháp lý của nghị định này còn hạn chế. Mặt khác, nội dung và tinh thần của Nghị định số 80/2017/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh là “phòng chống bạo lực học đường” và các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường. Do vậy, nghị định này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu gia đình, nhà trường và xã hội là người học cần phải được học tập trong một “môi trường an toàn” theo nghĩa rộng, bao gồm các yếu tố liên quan đến hành vi của người dạy, người học, cơ sở vật chất và môi trường xã hội nơi có trụ sở của trường học, cơ sở giáo dục. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này cần có điều khoản quy định về “quyền được học tập trong môi trường an toàn” như một “tuyên ngôn” và cam kết về trách nhiệm của ngành giáo dục nói chung, của nhà trường, các cơ sở giáo dục nói riêng đối với gia đình, xã hội và người học về việc bảo đảm cho người học được hưởng “quyền được học tập trong môi trường an toàn”.
2. Nội hàm của quyền được học tập trong môi trường an toàn
Như đã trình bày, “quyền được học tập trong môi trường an toàn” là quyền đặc biệt quan trọng của người học và là tiền đề căn bản để người học phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, nhân cách. Dưới góc độ pháp lý, quyền được học tập trong môi trường an toàn phải được hiểu một cách toàn diện đúng với bản chất của nó. Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định số 80/2017/NĐ-CP thì “môi trường giáo dục an toàn là môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần”. Theo đó, có thể hiểu, “môi trường học tập an toàn” là môi trường học tập mà ở đó người học được chăm sóc, nuôi dưỡng, giảng dạy, đào tạo và được bảo vệ để chống lại những mối nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tinh thần, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người học. Đồng thời, “môi trường học tập an toàn” cũng có nghĩa là quyền được học tập của người học phải được bảo đảm, không bị gián đoạn, hạn chế, tước bỏ bởi những nguyên nhân ngoài ý chí chủ quan của người học và không phải vì những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội do chính họ gây ra (như trường học hoặc cơ sở giáo dục bị giải thể do không đạt chuẩn về cơ sở vật chất,[2] do thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu)…[3]
Như vậy, nhìn một cách tổng quan, có 3 nhóm yếu tố tác động đến quyền được học tập trong môi trường an toàn của người học.
Thứ nhất, các yếu tố đến từ nhà trường và cơ sở giáo dục bao gồm các yếu tố bên ngoài (yếu tố xã hội) như: vị trí xây dựng trường và cơ sở giáo dục (gần chợ, trung tâm thương mại, giải trí, khu cai nghiện, khu vực sản xuất có chất thải và môi trường độc hại; khu dân cư mất trật tự an toàn, nhiều người nghiện ma túy, trộm cắp, cướp giật, đua xe, cờ bạc, mại dâm…) và các yếu tố bên trong liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy học tập (phòng học, bàn ghế, bảng, cửa phòng học, cửa sổ, hệ thống điện nước, quạt, máy lạnh…bị hư hỏng, xuống cấp hoặc bị sụt lún, nứt vỡ). Một khi các điều kiện này không đảm bảo tiêu chuẩn thì người học luôn có nguy cơ đối mặt với những rủi ro về tính mạng, sức khỏe.
Thứ hai, các yếu tố từ người chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục liên quan đến đạo đức, nhân cách, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bảo mẫu và thầy cô giáo, người quản lý nhà trường, cơ sở giáo dục.[4] Các yếu tố này được thể hiện qua hành vi, cử chỉ, lời nói, nội dung, phương pháp, kỹ năng giảng dạy và quản lý. Với nhóm yếu tố này, môi trường học tập sẽ không an toàn nếu đội ngũ bảo mẫu, thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục không đạt chuẩn về đạo đức, trình độ và chuyên môn nghiệp vụ. Biểu hiện của không đạt chuẩn đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của thầy cô giáo, bảo mẫu, người quản lý có thể bằng hành động như đánh đập, làm nhục, lạm dụng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phân biệt đối xử… và cũng có thể là không hành động như không giao tiếp, vô cảm, bàn quan với người học mà sự việc cô giáo Trần Thị Minh Châu, trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TP.HCM không giảng trong suốt 3 tháng là một ví dụ điển hình. Những hành vi này là một yếu tố làm cho người học không được hưởng quyền “học tập trong môi trường an toàn”.[5]
Thứ ba, các yếu tố đến từ chính người học mà điển hình là bạo lực học đường – một biểu hiện cụ thể của hành vi hung tính. Theo đó, hành vi hung tính được hiểu là hành vi mang tính thù địch, có liên quan đến cảm giác tuyệt vọng và hẫng hụt, được biểu hiện rõ ràng bằng cường độ biểu đạt lời nói, hành vi, thái độ như đe dọa, chỉ trích, chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm có tính chất bạo lực, thù địch. Những hành vi này làm cho người học không có môi trường an toàn để học tập, rèn luyện tại các nhà trường hoặc cơ sở giáo dục.
Từ phân tích trên, có thể định nghĩa môi trường học tập an toàn là môi trường học tập mà người học được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và được chăm sóc, nuôi dưỡng, giảng dạy tốt nhất phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của từng quốc gia hay từng vùng miền cụ thể. Do vậy, chúng tôi cho rằng, để đảm bảo cho người học được hưởng quyền học tập trong môi trường an toàn thì nhà trường, các cơ sở giáo dục phải bảo đảm được các yếu tố sau đây:
(i) Về nhà trường và cơ sở giáo dục
Trước hết, vị trí để xây dựng nhà trường và cơ sở giáo dục không nằm cạnh cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ[6] hoặc vùng cảnh báo nguy hiểm có nhiều khả năng gánh chịu các sự cố thiên tai như sạt lở đất, lũ lụt, triều cường, động đất… Để bảo đảm an toàn cho người học, cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục phải có khuôn viên, cổng trường, biển tên trường, tường rào, hàng rào, sân vườn, cây xanh bảo đảm an toàn, vệ sinh, phù hợp cảnh quan, môi trường thân thiện. Nhà trường, cơ sở giáo dục phải có khối phòng học, phòng phục vụ học tập, sân chơi… phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học và được sắp xếp và sử dụng an toàn, hợp lý, dễ tiếp cận.[7]
(ii) Về chính quyền địa phương
Chính quyền địa phương nơi có trường học và cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để người học yên tâm học tập, không bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội từ bên ngoài như tệ nạn ma túy, cờ bạc, trộm cắp, cướp giật… Trách nhiệm của chính quyền địa phương thể hiện ở cả hai cấp độ dự báo và xử lý các tình huống phát sinh. Cụ thể, chính quyền địa phương phải dự liệu những nguy cơ, khả năng và tác động xấu của xã hội nói chung và của địa phương nói riêng đối với môi trường giáo dục để có phương án hành động phù hợp gồm: kế hoạch bảo vệ an ninh, trật tự ở địa phương; phòng chống tội phạm; các phương án bảo vệ; lực lượng bảo vệ; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị hữu quan để bảo đảm an toàn cho trường học, cơ sở giáo dục.
(iii) Về đội ngũ bảo mẫu, thầy cô giáo và người làm công tác quản lý giáo dục
Để bảo đảm cho người học được quyền học tập trong môi trường an toàn có một phần rất lớn phụ thuộc vào người thầy bao gồm bảo mẫu, cô nuôi dạy trẻ (nhà trẻ, trường mầm non), thầy cô giáo (bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường trung cấp) và giảng viên (cao đẳng và đại học), đặc biệt là đạo đức và nhân cách của người thầy. Nếu người thầy không đạt chuẩn về đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì người học sẽ bị ảnh hưởng xấu hoặc chính là nạn nhân trực tiếp của các hành vi đánh đập, phân biệt đối xử, xúc phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm mà trong thời gian qua ở nước ta đã có rất nhiều vụ việc.
Từ phân tích ở trên có thể kết luận, để bảo đảm “an toàn” về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và an toàn về “kiến thức” cho người học, để người học được học tập trong môi trường an toàn thì người thầy phải đạt chuẩn về đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Người thầy phải là “bậc thầy về nhân cách”, cùng với gia đình, nhà trường và xã hội bảo đảm cho người học được học tập trong môi trường an toàn.
3. Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới
Các nước có hệ thống giáo dục phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ở châu Âu như Pháp, Italia, Vương quốc Anh, Phần Lan, ở châu Mỹ như Mỹ, Canada thì trong Luật Giáo dục của họ cũng có điều khoản nhằm quy định trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường học tập an toàn cho người học. Cụ thể, Luật Giáo dục Phần Lan, tại Chương VII, Mục 29 về “Quyền được hưởng môi trường học tập an toàn” quy định:
“1. Học sinh đi học sẽ được hưởng một môi trường học tập an toàn.
- Nhà trường phải lập kế hoạch, thiết kế chương trình trong đó có tính đến bảo vệ học sinh, chống lại bạo lực, bắt nạt và quấy rối, thực hiện, giám sát tuân thủ và đánh giá kế hoạch. Hội đồng giáo dục quốc gia ban hành các quy định trong chương trình khung liên quan đến việc xây dựng kế hoạch trên.
- Nhà trường sẽ áp dụng các quy tắc hoặc ban hành các quy định khác áp dụng nhằm đảm bảo trật tự nội bộ trong trường, nhưng cũng không làm hạn chế việc học tập và sự an toàn và sự hài lòng của cộng đồng trường học.
- Nội quy của nhà trường và các quy định khác được quy định trong Tiểu mục 29.3 sẽ đảm bảo sự trật tự và mọi người có hành vi thích hợp cho sự an toàn và sự hài lòng. Các quy định trên có thể bao gồm cả việc xử lý tài sản của trường và việc ở và đi lại trong khu vực trường”.
Điều 11 Luật Giáo dục cơ bản Nhật Bản (ngày 22/12/2006) quy định:
“Giáo dục mầm non là nền tảng cho sự hình thành nhân cách, do đó, các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương sẽ cố gắng thức đẩy việc giáo dục bằng cách cung cấp một môi trường thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ nhỏ và nhiều cách thức khác”.[8]
Luật Giáo dục Canada năm 2012 quy định:
“Sinh viên sẽ góp phần tạo ra một môi trường học tập an toàn và lành mạnh. Và như vậy, họ sẽ tham gia vào các hoạt động giáo dục công dân, chống bắt nạt và chống bạo lực do nhà trường tổ chức” (Điều 18.1); “Ban giám hiệu có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch chống bắt nạt và chống bạo lực và bất kỳ bản sửa đổi nào của kế hoạch này, được đề xuất bởi hiệu trưởng. Mục đích chính của kế hoạch để ngăn chặn tất cả các hình thức bắt nạt và bạo hành nhằm vào học sinh, giáo viên hoặc bất cứ nhân viên nào trong nhà trường. Ngoài các yếu tố mà Bộ trưởng yêu cầu theo quy định, kế hoạch phải bao gồm:
…
(3) các biện pháp để khuyến khích phụ huynh hợp tác trong việc phòng ngừa và ngăn chặn bắt nạt và bạo lực, tạo ra một môi trường học tập lành mạnh và an toàn” (Điều 75.1.).
“Ban giám hiệu sẽ cân nhắc rằng mỗi trường học cần cung cấp một môi trường học tập lành mạnh và an toàn, cho phép mọi học sinh phát huy hết tiềm năng của mình, không bị bắt nạt hay bạo lực. Điều này sẽ hỗ trợ các hiệu trưởng trong công tác ngăn chặn và chấm dứt tình trạng bắt nạt và bạo lực” (Điều 210).[9]
Luật Giáo dục Hoa Kỳ năm 1994 (phần 102) quy định:
“(7) Trường học an toàn, có kỷ luật, không rượu bia và các chất kích thích;
(A) Từ năm 2000, mọi trường học ở Hoa Kỳ sẽ không còn ma túy, bạo lực, sử dụng súng trái phép, rượu bia và sẽ xây dựng một môi trường kỷ luật tập trung học tập.
(B) Những mục tiêu cần đạt được bao gồm:
…
(ii) bố mẹ, các doanh nghiệp, các tổ chức cơ quan nhà nước và cộng đồng sẽ phối hợp để đảm bảo quyền lợi của học sinh trong việc có được một môi trường học tập an toàn, không có ma túy, tội phạm, và các trường học này sẽ cung cấp một môi trường lành mạnh và là nơi an toàn cho mọi trẻ”.[10]
Điều 158G Luật Giáo dục New Zealand năm 1989 (sửa đổi bổ sung năm 2013) quy định: “nhà tài trợ của các trường học liên kết phải cung cấp một môi trường an toàn về thể chất và tinh thần cho học sinh”.[11]
Điều 27 Luật Giáo dục Hàn Quốc 2008 quy định: “(2) Chính phủ và các cơ quan chức năng ở địa phương sẽ thiết lập và thực hiện các chính sách cần thiết cho việc xây dựng nhà ở phúc lợi cho sinh viên để sinh viên có được một môi trường sống an toàn”.[12]
Điều 84 Luật Giáo dục Malaysia năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2006) quy định: “một cơ sở giáo dục có thể bị từ chối nếu không đáp ứng được những tiêu chuẩn về sức khỏe và sự an toàn”.[13]
Như vậy, dù cách cách diễn đạt và quy định không hoàn toàn giống nhau nhưng tinh thần, nội dung của Luật Giáo dục các nước mà chúng tôi nghiên cứu nói trên đều giống nhau đó là Luật đều ghi nhận quyền của người học “được học tập trong môi trường an toàn”. Học tập kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia trên thế giới, chúng tôi cho rằng, luật hóa “quyền được học tập trong môi trường an toàn” của người học là rất cần thiết trong bối cảnh nền giáo dục của nước ta hiện nay nhằm ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước nói chung và nhà trường, cơ sở giáo dục nói riêng phải cam kết bảo đảm cho người học được học tập trong môi trường an toàn, đáp ứng kỳ vọng to lớn của toàn xã hội.
Từ nghiên cứu thực tiễn xã hội của nước ta và Luật Giáo dục của một số quốc gia trên thế giới như đã đề cập ở trên, chúng tôi đề xuất bổ sung Điều 85a về “Quyền được học tập trong môi trường an toàn” với nội dung sau đây:
“Điều 85a. Quyền được học tập trong môi trường an toàn
- Người học được hưởng môi trường học tập an toàn.
- Cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân phải thiết kế chương trình, nội dung giảng dạy, đào tạo bảo đảm cho người học được học tập trong môi trường an toàn, góp phần hình thành, phát triển toàn diện về trí tuệ, phẩm chất, năng lực và nhân cách của người học.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết về môi trường học tập an toàn của hệ thống giáo dục quốc dân.
- Cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân sẽ áp dụng quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về môi trường học tập an toàn hoặc ban hành các quy định khác nhằm cụ thể hóa quyền được học tập trong môi trường an toàn của người học nhưng không được trái pháp luật và quyền của người học”.
CHÚ THÍCH
[1] Hiện nay bọn tội phạm ma túy đã đưa vào Việt Nam một loại ma túy có hình dạng giống “quả dâu tây” để xâm nhập vào nhà trường và các cơ sở giáo dục. Thông tin này đang gây hoang mang, lo lắng cho các phụ huynh và xã hội, bài viết “Ma túy kẹo khiến giới trẻ ‘nghiện điên đảo’ đe dọa tính mạng“, truy cập ngày 29/01/2018.
[2] Xem: “Danh sách 14 trường Đại học có nguy cơ bị giải thể“, truy cập ngày 26/01/2018.
[3].Xem:.”Trường có nguy cơ bị giải thể vì không tuyển được học sinh vào lớp 1“; “Nguy cơ nhiều trường ĐH đóng cửa“, truy cập ngày 26/01/2018.
[4] Xem thêm: “Nhân cách người thầy“, “Nhà giáo thiếu đạo đức, nhân cách: Những giọt nước tràn ly“, Bài viết “Cô giáo phạt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng“, truy ngày 26/01/2018.
[5] Bài viết “Đình chỉ cô giáo không giảng bài suốt hơn 3 tháng“, truy cập ngày 26/01/2018.
[6] Khoản 13 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016.
[7] Điều 3 Nghị định số 80/2017/NĐ-CP.
[8] Xem: http://www.mext.go.jp/en/policy/education/lawandplan/title01/detail01/1373798.htm, truy cập ngày 26/01/2018.
[9] Xem: http://legisquebec.gouv.qc.ca/en/showdoc/cs/I-13.3, truy cập ngày 26/01/2018.
[10] Xem: https://www.govtrack.us/congress/bills/103/hr1804/text, truy cập ngày 26/01/2018.
[11].Xem:.http://www.legislation.govt.nz/act/public/1989/0080/latest/versions.aspx, truy cập ngày 26/01/2018.
[12].Xem:.http://www.moleg.go.kr/english/korLawEng?pstSeq=52143.
[13]Xem:.http://planipolis.iiep.unesco.org/sites/planipolis/files/ressources/malaysia_education_act_1996.pdf.
- Tác giả: TS. Ngô Hữu Phước
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02(114)/2018 – 2018, Trang 29-33
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời