Mục lục
Kinh nghiệm từ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng duyên hải miền Trung
Xem thêm bài viết về “Giáo dục pháp luật”
- Những khó khăn trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân biển tại Việt Nam hiện nay – ThS. Lý Nam Hải
Tóm tắt
Kinh nghiệm lựa chọn hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Duyên hải miền Trung là cách thức tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể, đặc thù, nhằm hình thành trong đồng bào dân tộc thiểu số những tình cảm, tri thức và hành vi pháp lý phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực hiện pháp luật trong thực tiễn.
Kinh nghiệm thực tiễn thực hiện công tác phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh Duyên hải miền Trung cho thấy, các tỉnh, thành trong vùng đã lựa chọn các hình thức phổ biến, giáo dục đặc thù, mồi hình thức đều xuất phát từ sự phù hợp với một hoặc một số đối tượng nhất định, phù hợp với từng địa bàn, điều kiện kinh tế xã hội nhất định, lấy hiệu quả nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số làm mục tiêu. Đó là việc lựa chọn hình thức tuyên truyền phải thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, phù hợp, kịp thời, chính xác, dễ hiểu, dễ thực hiện; kết hợp thực hiện lồng ghép có hiệu quả với các chính sách dân tộc có liên quan. Kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Duyên hải miền Trung sẽ được tiếp tục vận dụng, phát huy trong thời gian tới.
Vùng Duyên hải miền Trung gồm 8 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và thành phố Đà Nãng với diện tích tự nhiên là 49.409,7 km2, chiếm 14,93% diện tích cả nước… Đây cũng là nơi sinh cơ lập nghiệp của hầu hết các dân tộc thiểu số, mà chủ yếu sinh sống ở các huyện, các xã miền núi, vùng khó khăn của các tỉnh, thành trong vùng. Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân xác định: “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (gồm 5 chương, 41 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013) và các văn bản hướng dẫn thi hành xác định người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn là một trong 06 đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều 17, quy định: “Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn,… căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng mà tập trung vào các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, quốc phòng, biên giới, chủ quyền quốc gia, biển, đảo, tài nguyên, khoảng sản và các lĩnh vực pháp luật khác gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân”.
Đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng đặc thù trong phổ biến, giáo dục pháp luật, bởi hiện nay hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Duyên hải miền Trung nhìn chung đời sống còn khó khăn, giao thông còn trắc trở, thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, nhận thức pháp luật hạn chế, môi trường tiếp xúc và sử dụng pháp luật còn hạn hẹp, chủ yếu ứng xử theo phong tục tập quán, thay đổi hành vi sống là làm việc theo pháp luật chưa nhiều. Chính đặc thù này đã ảnh hưởng tới hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế.
Nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền các cấp ở các tỉnh Duyên hải miền Trung đều có chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai bằng những hình thức, nội dung thiết thực, liên
quan trực tiếp đến đối tượng đặc thù dân tộc thiểu số; gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh trong vùng. Nhất là tổ chức thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2021”. Qua triến khai, thực hiện, có thể rút một số kinh nghiệm trong việc lựa chọn hình thức phổ biến pháp luật phù hợp đặc thù vùng dân tộc thiểu số các tỉnh Duyên hải miền Trung như sau:
1. Tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp tại các làng, thôn, nhất là tuyên truyền miệng, phổ biến bằng ngôn ngữ, tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số
Đó là cách thức tuyên truyền trực tiếp bằng lời nói để thuyết phục bà con dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và làm theo pháp luật. Tại các nhà Rông, nhà văn hóa của làng, các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trực tiếp nói chuyện pháp luật cho hội viên, nông dân, bà con dân tộc thiểu số; định kỳ, bằng cách trực tiếp tiếp xúc, trao đổi, thảo luận sinh hoạt của chi hội, tổ hội lồng ghép nói chuyện pháp luật với từng hộ gia đình, từng đối tượng; kết hợp xử lý cụ thể tình huống thực tiễn, giải đáp pháp luật, theo chuyên đề pháp luật phù hợp để bà con dân tộc thiểu số tìm hiểu. Vì thế, hình thức tuyên truyền pháp luật này mang tính chất gần gũi, dễ thực hiện, dễ đi vào lòng người và cũng là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Chẳng hạn, Hội nghị phổ biến pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với ủy ban nhân dân huyện A Lưới tổ chức cho 60 cán bộ xã, thôn bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của 20 xã, thị trấn của huyện A Lưới bằng trình chiếu Powerpoint, kèm theo những hình ảnh minh họa sống động về các quy định pháp luật, phù hợp với những hình ảnh sinh hoạt đời thường đồng bào dân tộc thiểu số Tà Ôi. Do vậy, không khí hội nghị tuyên truyền pháp luật sôi động, cuốn hút bà con dân tộc thiểu số tập trung lắng nghe.
2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình văn hóa, văn nghệ, bằng các hình ảnh, truyền thanh, truyền hình
Thông qua các áp phích, biểu ngữ, tranh cổ động,… bằng tiếng dân tộc thiểu số phù hợp từng vùng, từng làng cũng có cách làm sáng tạo như ở các huyện miền núi Bình Định, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Các khẩu hiệu vận động sống làm việc theo pháp luật, nghiêm chỉnh thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Hôn nhân gia đình,… được kẻ vẽ, trưng bày khu vực đông dân cư của bà con dân tộc thiểu số để ai ai nhìn thấy, nhớ và vận dụng thực hiện.
Các tỉnh Duyên hải miền Trung là nơi phát tích và nuôi dưỡng phát triển nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật. Do vậy, việc lồng ghép các quy định pháp luật, một văn bản pháp luật bằng “ngôn ngữ” của một loại hình văn hóa, văn nghệ như thơ, hò vè, nhạc, kịch, bài chòi, hát Bả trạo, hát Bội (tuồng), múa Katê của dân tộc Chăm. Thông qua tổ chức các cuộc thi cồng chiêng và hát dân ca giữa các dân tộc thiểu số, các quy định pháp luật được tuyên truyền lồng ghép trong việc thực hiện Đồ án bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số của các tỉnh trong vùng.
Kinh nghiệm cho thấy sử dụng hình thức tuyên truyền pháp luật các phương tiện thông tin, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp không những đem lại hiệu quả mà còn tạo ra sức lan tỏa sâu rộng; nhất là thông qua chuyên mục “pháp luật và đời sống” bằng tiếng dân tộc thiểu số phát sóng hàng ngày, hàng tuần; cùng với các quy định pháp luật được biên soạn ngắn gọn, các tiểu phẩm nghệ thuật pháp luật ngắn, dễ hiểu, dễ thực hiện để tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng, từng lứa tuổi. Đây là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù được áp dụng rộng rãi, gần gũi với bà con dân tộc thiểu số và đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
3. Tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật được biên soạn bằng tiếng dân tộc
Tài liệu tuyên truyền pháp luật gồm đề cương tuyên truyền, văn bản pháp luật, sách hướng dẫn, sách pháp luật bỏ túi, sách hỏi đáp pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, bản tin pháp luật, băng cassette hoặc đĩa VCD,… được các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận biên soạn, dịch và phát hành bằng tiếng dân tộc thiểu số (như Chăm, Ba Na),… phong phú, hấp dẫn, thiết thực hướng tới từng đối tượng; đây cũng là cẩm nang, phương tiện hoạt động của những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số chịu sự tác động nhất định của chất lượng các tài liệu pháp luật. Vì vậy, việc biên soạn, phát hành các tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số cũng cần chú trọng cả hình thức và nội dung.
4. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tủ sách pháp luật được đặt tại nhà Rông của các làng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống
Thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu, đọc các sách, tài liệu pháp luật của tủ sách, bà con dân tộc thiểu số tra cứu, tìm hiểu và vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tế một cách đầy đủ, có hệ thống, chính xác và thống nhất.
5. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật
Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng được Đoàn Thanh niên ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Duyên hải miền Trung xây dựng, khai thác có hiệu quả. Đó là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thích hợp cho dội tượng thành niên dân tộc thiểu số thông qua sinh hoạt định kỳ, khách mời để giao lưu, học tập, trao đổi kiến thức pháp luật cần thiết, tạo điều kiện để thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số cùng trao đổi, chia sẻ những vấn đề có liên quan đến công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật.
6. Thi tìm hiểu pháp luật là một trong hình thức tuỵên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường được tổ chức thực hiện trong đồng bào dân tộc thiểu số
Bằng việc triển khai hình thức thi khác nhau đối với mồi đối tượng cụ thể trong đồng bào dân tộc thiểu số như thi viết, thi sân khấu hóa,… là cầu nối chuyển tải những nội dung pháp luật vào cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số một cách tự nhiên, là hình thức sinh hoạt văn hóa pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số có sức hấp dẫn và hiệu quả. Đây là một cách làm phổ biến, giáo dục pháp luật hấp dẫn, có hiệu quả cao và được sử dụng nhiều ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên… Những nội dung pháp luật được chuyển tải đến bà con dân tộc thiểu số qua hội thi một cách đon giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động, tránh sự cứng nhắc, khô cứng.
7. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đây là cách làm thường xuyên tổ chức thực hiện ở các tỉnh Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… Bởi qua đó, để giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Qua đó, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt được các thông tin pháp lý, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong thực hiện pháp luật, hướng dẫn ứng xử trong cuộc sống phù hợp pháp luật và tránh được những hậu quả pháp lý bất lợi, tăng cường ý thức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
8. Phỗ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở
Thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở trong đồng bào dân tộc thiểu số là việc già làng, tổ trưởng tổ hòa giải bằng uy tín, hiểu biết pháp luật của mình bồi dưỡng kiến thức, tình cảm pháp luật cho các bên tranh chấp, nhằm hình thành sự hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và thói quen hành động theo pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số; từ đó, làm thay đổi dần các phong tục, tập quán lạc hậu.
9. Kết luận
Thực tiễn hoạt động công tác phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh Duyên hải miền Trung cho thấy, các tỉnh, thành trong vùng đã lựa chọn các hình thức phổ biến, giáo dục đặc thù, mỗi hình thức đều xuất phát từ sự phù hợp với một hoặc một số đối tượng nhất định, phù hợp với từng địa bàn, điều kiện kinh tế xã hội nhất định, lấy hiệu quả nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số làm mục tiêu. Đó là việc lựa chọn hình thức tuyên truyền phải thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, phù hợp, kịp thời, chính xác, dễ hiểu, dễ thực hiện; kết hợp thực hiện lồng ghép có hiệu quả với các chương trình công tác dân tộc và chính sách dân tộc có liên quan. Những kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Duyên hải miền Trung sẽ được tiếp tục vận dụng, phát huy trong thời gian tới.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”;
- Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ hợp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.
- Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021”.
Tác giả: Nguyền Huỳnh Huyện* – TS., Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định; Email: huynhhuyen7274@yahoo.com.vn
Trả lời