• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Địa vị pháp lý của nhà giáo trong pháp luật Việt Nam hiện hành và định hướng hoàn thiện

Địa vị pháp lý của nhà giáo trong pháp luật Việt Nam hiện hành và định hướng hoàn thiện

02/05/2020 22/05/2021 PGS.TS. Nguyễn Văn Vân Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Nhận diện các quy định pháp luật về nhà giáo
  • 2. Phạm vi chủ thể “nhà giáo” trong pháp luật hiện hành
  • 3. Quy định chuẩn nghề nghiệp đối với nhà giáo
  • 4. Quy định về trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tiểu học
  • 5. Quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giảng viên
  • 6. Nhiệm vụ của nhà giáo
  • 7. Các quyền của nhà giáo
  • 8. Quyền được mời giảng và dạy thêm của nhà giáo
  • CHÚ THÍCH

Địa vị pháp lý của nhà giáo trong pháp luật Việt Nam hiện hành và định hướng hoàn thiện

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Văn Vân

TÓM TẮT

Bài viết phân tích bất cập trong các quy định pháp luật điều chỉnh địa vị pháp lý của nhà giáo, bao gồm: chuẩn nghề nghiệp; chuẩn trình độ được đào tạo; quy trình tuyển dụng, quản lý, đánh giá mức độ hoàn thành công việc, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo. Từ kết quả phân tích thực tiễn pháp luật, tác giả cung cấp các luận cứ để hoàn thiện quy định pháp luật về nhà giáo trong Luật Giáo dục hiện hành và các định hướng để xây dựng Luật về Nhà giáo trong tương lai.

Địa vị pháp lý của nhà giáo trong pháp luật Việt Nam hiện hành và định hướng hoàn thiện

Xem thêm bài viết về “Địa vị pháp lý”

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới
  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Pháp điển hóa tư pháp quốc tế Bỉ và một số gợi ý đối với Việt Nam
  • Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi trên cơ sở hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi
  • Bất cập và hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường
  • Kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam trong việc nội luật hóa quy định của Công ước Chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về tội phạm hóa hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công
  • Căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến chứng cứ và sự khách quan của trọng tài viên trong tố tụng trọng tài - Bất cập và hướng hoàn thiện
  • Buôn bán trực tuyến hàng hóa vi phạm nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam, thực trạng và hướng hoàn thiện
  • Một số ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam hiện hành về giải quyết tranh chấp lao động tập thể trong doanh nghiệp bằng thủ tục trọng tài
  • Bất cập và hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về hình thức xử phạt trục xuất
  • Địa vị pháp lý của hội trong hoạt động xây dựng pháp luật – TS. Đỗ Minh Khôi

Xem thêm bài viết về “Nhà giáo”

  • Chính sách tiền lương của nhà giáo trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục – TS. Lê Thị Thúy Hương

Thực hiện Nghị quyết số 34/2017/QH14 ngày 08/6/2017 của Quốc hội khóa XIV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (viết tắt là “Dự thảo Luật”).[1]  Đội ngũ nhà giáo nói riêng và cả xã hội nói chung đang mong đợi những thay đổi cơ bản, rõ ràng về vị trí pháp lý của nhà giáo trong Dự thảo Luật này, đặc biệt sau những sự kiện “nóng” và tranh luận xảy ra trong thời gian gần đây về quyền dạy thêm, chế độ biên chế, thẩm quyền điều động, kỷ luật, chế độ tiền lương và đãi ngộ cho nhà giáo… Một khi các điều luật liên quan nhà giáo trong Luật Giáo dục hiện hành không được sửa đổi bổ sung một cách cơ bản thì sẽ không đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khi thực thi.

1. Nhận diện các quy định pháp luật về nhà giáo

Hiện nay, các nội dung về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, điều kiện, tiêu chuẩn quy trình tuyển dụng, đánh giá, sa thải; chế độ lương, phụ cấp của nhà giáo được quy định tại Điều 15 Chương 1 và Điều 70 đến Điều 82 Chương 4 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, đây chỉ là những quy phạm định nghĩa, khái quát và mang tính “tuyên ngôn”. Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Giáo dục đại học năm 2012 cũng quy định về nhà giáo giảng dạy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học nhưng chỉ dừng lại mức độ khái quát tương tự Chương 4, Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Trong thực tế, ngoài số ít nhà giáo là cán bộ lãnh đạo tại các cơ sở giáo dục là công chức[2] và chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, nhóm nhà giáo giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập là viên chức, chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức năm 2010. Nhóm nhà giáo còn lại, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012. Như vậy, khung pháp lý nhà giáo hiện hành khá tản mạn và hàm chứa những bất cập sau:

Một là, những quy định khá ưu việt dành cho nhà giáo trong các đạo luật về giáo dục chỉ mang tính “tuyên ngôn” chứ không thể áp dụng trong thực tế. Các nội dung pháp luật về quy trình, thẩm quyền tuyển dụng, sa thải, đánh giá phân loại, hệ thống ngạch, bậc, hệ thống thang bảng lương dành cho nhà giáo không được quy định trong các luật về giáo dục. Với lý do rằng, nhà giáo là viên chức nên địa vị pháp lý của nhà giáo được áp dụng chung như mọi viên chức trong các lĩnh vực khác và phải theo pháp luật viên chức. Tương tự như vậy, nhà giáo các cơ sở giáo dục ngoài công lập hưởng quy chế pháp lý là người lao động và chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật lao động.

Hai là, sứ mệnh, tính chất công việc của các nhà giáo cùng bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam đều giống nhau, không phân biệt đó là nhà giáo của cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập. Tuy nhiên, địa vị pháp lý của nhà giáo lại được quy định trong nhiều hệ thống văn bản pháp luật khác nhau. Do đó, nội dung của chúng không thể giống nhau. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đang tuyệt đối hóa tiêu chí nguồn gốc kinh phí để trả lương cho nhà giáo, tức căn cứ tiêu chí trường công lập hoặc ngoài công lập để phân định địa vị pháp lý của nhà giáo là viên chức hoặc người lao động.

Ba là, những quy định nói trên đã không còn phù hợp trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay. Cụ thể, các quy chế pháp lý về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ làm việc, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo quá lạc hậu và cào bằng. Bất cập này chưa tạo tiền đề để nhà giáo và các cơ sở giáo dục chủ động và tích cực hội nhập về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Bốn là, những quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo hiện nay phần lớn được cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật. Liệu rằng việc cấm đoán, hạn chế các quyền và/ hoặc gia tăng các nghĩa vụ của nhà giáo trong các văn bản dưới luật có phù hợp với trong Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân?

Như vậy, hệ thống pháp luật Việt Nam về nhà giáo hiện hành tương đối phức tạp, có nguy cơ triệt tiêu lẫn nhau. Với hệ thống pháp luật như vậy, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục mà bản thân nhà giáo cũng khó có thể định vị chính xác vị trí pháp lý của mình. Do đó, xây dựng Luật Nhà giáo để định vị vị trí pháp lý của nhà giáo là một nhu cầu thực tế.

2. Phạm vi chủ thể “nhà giáo” trong pháp luật hiện hành

Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) sử dụng thuật ngữ: “nhà giáo” (khoản 1 Điều 70), “giáo viên”, “giảng viên” (khoản 3 Điều 70) “cán bộ quản lý giáo dục” (các Điều 15, 16, 70, 72, 73, 75, 77) hoặc “người lao động” (các Điều 49, 50, 50a….) để chỉ chủ thể là “nhà giáo”. Các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) quy định về quy trình tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật nhà giáo; chế độ chính sách ưu đãi, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chế độ lương, phụ cấp và các ưu đãi dành cho nhà giáo; các danh hiệu hoặc học hàm trong lĩnh vực giáo dục còn sử dụng các thuật ngữ “nhà giáo nhân dân”, “nhà giáo ưu tú”, “giáo sư”, “phó giáo sư” để chỉ “nhà giáo”. Dù vậy, không có văn bản pháp luật nào trong số đó định nghĩa, giải thích thuật ngữ “nhà giáo” một cách chi tiết, rõ ràng. Thực tiễn áp dụng pháp luật đã phát sinh các tình huống, các câu hỏi mà không thể trả lời chính xác như: “nhà giáo là ai?”, “cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục (phòng, sở, Bộ) có phải là nhà giáo?”, “người từng là giảng viên, giáo viên nhưng đã chuyển sang ngạch công chức có còn bảo lưu các chế độ lương, phụ cấp dành cho nhà giáo?”, “công chức, doanh nhân, chuyên gia nhưng tham gia giảng dạy, hướng dẫn tại các cơ sở giáo dục theo chế độ mời giảng có hưởng các quyền lợi, chế độ và thực hiện các nghĩa vụ luật định dành cho nhà giáo không?”.

Như vậy, những thuật ngữ nói trên là những thuật ngữ pháp lý quan trọng (từ khóa) trong pháp luật giáo dục nhưng nếu không được giải thích cụ thể, định lượng và nhất quán thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong áp dụng pháp luật.

Như vậy, Dự thảo Luật Giáo dục và Luật Nhà giáo (sau này) có thể xây dựng theo hướng:

– Về mặt kỹ thuật lập pháp, trong Luật Nhà giáo phải dành 01 điều luật có tiêu đề: Giải thích thuật ngữ để định nghĩa các thuật ngữ như: “nhà giáo”, “giáo viên”, “giảng viên”, “cán bộ quản lý giáo dục”, “người lao động trong cơ sở giáo dục”, “nhà giáo thỉnh giảng”, “nhà giáo kiêm nhiệm”, “viên chức giáo dục”, “giáo sư”, “phó giáo sư”…

– Về mặt nội dung, phải thể hiện rõ: “nhà giáo có thể là công dân Việt Nam, công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch, được tuyển dụng theo thủ tục của pháp luật về giáo dục để trực tiếp làm công việc giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.

Định nghĩa như trên sẽ chính thức “cởi trói” cho các cơ sở giáo dục (thuộc hệ thống giáo dục quốc dân) trong việc mời người nước ngoài bổ sung vào đội ngũ nhà giáo cơ hữu cho trường mình, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế về giáo dục. Ngoài ra, định nghĩa trên cũng thể hiện rằng người đang công tác tại cơ sở giáo dục, đào tạo nhưng không trực tiếp tham gia công việc giảng dạy (kế toán, văn thư, y tế…) thì không phải là nhà giáo. Cán bộ, công chức được tuyển dụng theo quy trình tuyển dụng công chức, đang công tác tại cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục không phải là nhà giáo. Những người từng là nhà giáo nhưng sau đó được bầu, bổ nhiệm để giữ các chức vụ quản lý giáo dục tại các cơ quan nhà nước mà không tiếp tục trực tiếp giảng dạy thì chỉ có thể bảo lưu toàn bộ ngạch, bậc lương nhưng không thể có địa vị pháp lý trọn vẹn và đầy đủ của nhà giáo.

Nếu Luật Giáo dục sửa đổi theo hướng này thì từ đó về sau trong tất cả văn bản pháp luật, các thuật ngữ nói trên không cần phải diễn giải mà sẽ sử dụng trực tiếp.

3. Quy định chuẩn nghề nghiệp đối với nhà giáo

Một trong những nội dung của pháp luật về nhà giáo là các quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn tuyển dụng và tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại nhà giáo hàng năm. Nếu hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí này phù hợp, rõ ràng thì sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, duy trì sự minh bạch, công bằng trong tuyển dụng, đánh giá nhà giáo. Trong thực tế, việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với một nhà giáo do không đáp ứng yêu cầu chuyên môn gặp nhiều trở ngại do hệ thống các tiêu chí đánh giá còn chung chung, định tính. Tình trạng này tất yếu dẫn đến sự cào bằng, trì trệ và không tạo động lực để nhà giáo rèn luyện nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng và kiến thức chuyên môn.

Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chỉ quy định tiêu chuẩn nhà giáo (Điều 70), trong đó có tiêu chuẩn về trình độ được đào tạo (Điều 77). Hệ thống chuẩn nghề nghiệp và hệ thống tiêu chí đánh giá, xếp loại không quy định trong Luật Giáo dục mà được hướng dẫn bởi thông tư của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ “chủ quản” khác.

– Khoản 2 Điều 70 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) liệt kê bốn tiêu chuẩn, nhưng chỉ có một tiêu chuẩn (“Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ”) được cụ thể hóa tại Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Ba tiêu chuẩn còn lại: i. Phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt; ii. Lý lịch bản thân rõ ràng; iii. Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp là những tiêu chí định tính và không thể áp dụng trực tiếp nếu không có luật chuyên ngành hoặc văn bản dưới luật hướng dẫn.

Mặt khác, Điều 70 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không có quy định nào trao quyền cho Chính phủ và/ hoặc các Bộ quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện những tiêu chuẩn này. Do vậy, các văn bản hướng dẫn thi hành của các bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế) và Ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành trong thời gian qua có thể gây tranh cãi dưới phương diện hiệu lực pháp luật.

Theo chúng tôi, việc mô tả chi tiết tiêu chuẩn nghề nghiệp cho nhóm nhà giáo theo từng bậc học ngay trong Luật Giáo dục là không khả thi. Do vậy, thông qua Luật Giáo dục, Quốc hội cần giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan duy nhất có nhiệm vụ ban hành các tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với các nhóm nhà giáo. Bộ tiêu chuẩn này sẽ sử dụng để tuyển dụng, đánh giá, xếp loại và chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhà giáo, không phân biệt đó là cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập. Các bộ, ngành khác (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ cũng như các bộ chủ quản khác) không cần ban hành các quy định tương tự như vậy.

Căn cứ bộ tiêu chí này, cơ sở giáo dục đào tạo hoặc phòng/ sở giáo dục (theo phân cấp) sẽ tổ chức tuyển dụng, đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhà giáo. Nếu có quy định như vậy, việc quản lý sẽ trở nên hiệu quả và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo phù hợp điều kiện mới. Chỉ khi nào trong bộ chuẩn nghề nghiệp không còn những quy định chung chung, định tính thì việc tuyển dụng, đánh giá, sa thải nhà giáo sẽ công bằng, minh bạch tạo điều kiện để người học, phụ huynh, xã hội có thể giám sát hiệu quả công việc và năng lực của nhà giáo.

Ngoài ra, có thể xem xét bổ sung quy định những trường hợp sau đây không được tuyển dụng vào vị trí nhà giáo:

a) Người bị tước quyền tham gia hoạt động nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo theo bản án của tòa án đã có hiệu lực;

b) Người có tiền án về các tội về an ninh quốc gia, phản bội tổ quốc, tội ác chống lại loài người xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người, kể cả tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, bạo hành người dưới 16 tuổi mà chưa xóa án tích.

c) Người đang bị khởi tố về các tội về an ninh quốc gia, phản bội tổ quốc, tội ác chống lại loài người, xâm phạm tính mạng, sức kể cả có tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô người dưới 16 tuổi, trừ trường hợp đã có quyết định chấm dứt điều tra do không hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm và phục hồi các quyền của người đó.

4. Quy định về trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tiểu học

Theo khoản 1 Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là trung cấp sư phạm. Đây là mức chuẩn thấp, không phù hợp thực tiễn cần phải sửa đổi vì các lý do sau:

Một là, xét yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, phương pháp sư phạm cũng như khối lượng công việc phải hoàn thành của giáo viên tiểu học so với giáo viên trung học phổ thông không chênh lệch nhưng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học được quy định thấp hơn rất nhiều so với giáo viên trung học phổ thông. Quan niệm rằng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tỷ lệ thuận với cấp học là quan niệm không chính xác trong giáo dục. Điều này đã được các nhà nghiên cứu sư phạm chứng minh.[3]

Hai là, xét về chính sách tiền lương, do pháp luật quy định chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là bậc trung cấp nên trong thực tế giáo viên dạy tiểu học dù tốt nghiệp cử nhân, hay thạc sĩ thì cũng bắt đầu hưởng lương từ bậc lương trung cấp.

Theo Dự thảo Luật, có hai phương án sửa khoản 1 Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau:

Phương án 1: “Có bằng cử nhân sư phạm đối với giáo viên tiểu học”;

Phương án 2: “Có bằng cao đẳng sư phạm đối với giáo viên tiểu học”.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại thời điểm tháng 01/2018, tổng số giáo viên đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm trở lên trong cả nước là 358.838 giáo viên, chiếm tỷ lệ 90,73 %. Tổng số giáo viên đạt trình độ đào tạo từ đại học sư phạm trở lên hiện nay là 236.269 GV, đạt tỷ lệ 59,63%. Nếu nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học lên đại học sư phạm cả nước đã có 59,63 % và còn 40,36 % (159.934 giáo viên) chưa đạt.[4]

Theo chúng tôi, tại thời điểm hiện nay, phương án 01 chỉ nên thể hiện trong các văn bản chính sách, chiến lược cho tương lai. Luật sửa đổi bổ sung lần này chỉ nên quy định theo phương án 02. Nếu sửa đổi theo phương án 01 thì tính khả thi của quy định này không cao, kể cả trường hợp có điều khoản chuyển tiếp và lộ trình. Nhiều vấn đề đặt ra chưa thể giải quyết ngay, cụ thể là:

Chuẩn mới này có áp dụng hồi tố đối với 40,36% giáo viên chưa đạt trình độ đại học hay không bởi tại thời điểm tuyển dụng nhóm giáo viên này đã đạt tiêu chuẩn luật định. Quy định này có xâm phạm đến quyền lợi của nhóm giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đại học, đặc biệt khi họ đã lớn tuổi và đang công tác ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Hiện nay, nữ nhà giáo bậc tiểu học chiếm tỷ lệ khá lớn. Việc đào tạo bổ sung trình độ kiến thức để hợp chuẩn có thể gây áp lực lớn về thời gian và kinh phí đối với họ. Từ đó dẫn đến áp lực bỏ việc và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp đối với nữ giới.

Ngoài ra, tính khả thi của quy định này phụ thuộc vào nguồn kinh phí để đào tạo và năng lực đào tạo của các trường đại học sư phạm. Trong khoảng thời gian ngắn, các trường đại học sư phạm vừa đảm bảo số lượng khoảng 159.934 giáo viên phải đạt trình độ đại học nhưng vừa phải đảm bảo được chất lượng là điều không khả thi. Nếu phương án 01 được thông qua sẽ rất khó để giải quyết mâu thuẫn giữa chất lượng đào tạo và quy mô số lượng giáo viên. Kinh nghiệm từ các chương trình đề án đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong thời gian qua cho thấy nếu năng lực đào tạo không đổi thì yếu tố chất lượng rất khó song hành yếu tố số lượng. Mặt khác, với số lượng chỉ tiêu biên chế giáo viên tại các trường hiện nay liệu có cho phép một số lượng lớn giáo viên cùng một thời điểm dừng công việc giảng dạy để đi học, đặc biệt các trường tiểu học địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Như vậy, vì mục tiêu chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai, bất cứ ai cũng sẽ đồng ý với quan điểm của Ban soạn thảo rằng việc nâng chuẩn sẽ tạo được bước đột phá, làm thay đổi căn bản và nâng cao trình độ giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết 29/TW. Tuy nhiên, yếu tố khả thi của một quy định pháp luật cụ thể là tiêu chí quan trọng để quy định đó phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

5. Quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giảng viên

Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về chuẩn giảng viên đại học thấp hơn so với chuẩn giảng viên quy định trong Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Khoản 1 Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định trình độ chuẩn của giảng viên phải: “có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học; có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận án tiến sĩ.”. Trong khi đó khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục đại học năm 2012 quy định: “Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt ở một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định”. Do đó, có thể sửa đổi khoản 1 Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) theo hướng nâng trình độ của chuẩn của giảng viên như sau: “Trình độ chuẩn được đào tạo đối với giảng viên giảng dạy cao đẳng, đại học là có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; tiêu chuẩn đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ có bằng tiến sĩ trở lên”.

Theo chúng tôi, việc sửa đổi theo hướng tăng chuẩn trình độ của giảng viên phù hợp với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Không thể đổi mới giáo dục đại học nếu tiếp tục kéo dài tình trạng “cử nhân dạy cử nhân”. Giảng viên đại học trình độ cử nhân không thể đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học bởi trình độ cử nhân chưa được trang bị phương pháp, kinh nghiệm cũng như năng lực nghiên cứu khoa học. Ngoài công việc giảng dạy, giảng viên còn phải hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, viết khóa luận, đồ án tốt nghiệp. Do đó, chỉ người có trình độ thạc sĩ trở lên – tức đã từng thực hiện đề tài nghiên cứu ở cấp độ luận văn cao học mới có năng lực và phương pháp thực hiện công việc nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, sửa nội dung này để đảm bảo thống nhất với quy định tương tự trong Luật Giáo dục đại học năm 2012.

Bên cạnh các tác động tích cực thì việc nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giảng viên cần phải xem xét thận trọng và có lộ trình. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016 – 2017 cả nước có 72,792 giảng viên cao đẳng/ đại học. Trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16,514 người; giảng viên có trình độ thạc sĩ là 43,127 người; chuyên khoa cấp I – II là 523 người; cao đẳng, đại học là 12.519 người và trình độ khác là 109 người. Do vậy nếu sửa đổi này được thông qua sẽ có 12.519 giảng viên không đủ điều kiện giảng dạy cao đẳng, đại học.[5] Đối với 12.519 giảng viên chưa đủ điều kiện cần áp lộ trình để hoàn thiện kiến thức và nâng cao trình độ. Theo chúng tôi, cần thiết kế điều khoản chuyển tiếp về hiệu lực áp dụng. Nội dung sửa đổi này không có hiệu lực thi hành ngay mà cần có lộ trình (sau 3 đến 6 năm) để các giảng viên là cử nhân đủ thời gian hoàn tất chương trình cao học.

6. Nhiệm vụ của nhà giáo

Một trong những nội dung quan trọng cấu thành địa vị pháp lý của một chủ thể là các quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ thể đó. Trong hoạt động nghề nghiệp, nhà giáo có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Các quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo trong Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) còn khá mơ hồ và bất cập.

Một là, quy định về nhiệm vụ của nhà giáo trong Điều 72 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) vừa thừa vừa thiếu. Các nhiệm vụ, trách nhiệm với tư cách một công dân đã được quy định trong các luật khác, không nên nhắc lại trong Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Trong khi đó các nhiệm vụ, trách nhiệm đặc thù của nhà giáo theo từng bậc học lại không được quy định cụ thể. Đơn cử, nhiệm vụ chính của nhà giáo là nghiên cứu khoa học, giảng dạy và các công việc bổ trợ cho giáo dục, đào tạo (tư vấn, cố vấn học tập, đánh giá, xếp loại người học…) không được quy định cụ thể trong điều này.

Hai là, các nhiệm vụ trong Điều 72 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chủ yếu là các nhiệm vụ định tính, không lượng hóa và không thể áp dụng trong thực tiễn nhằm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo làm cơ sở để khen thưởng, kỷ luật, chấm dứt hợp đồng.

Do đó, hướng sửa đổi bổ sung khoản 2 và 3 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về nhiệm vụ của nhà giáo như sau:

“2. Tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học;

3. Đạt yêu cầu đợt kiểm tra trình độ chuyên môn định kỳ theo quy định của pháp luật”.

Mục đích bổ sung quy định nói trên là để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nhằm thích ứng với sự phát triển. Không có cơ chế kiểm tra chuyên môn định kỳ cộng với tình trạng “biên chế suốt đời” sẽ tạo “sức ì” cho nhà giáo trong việc phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức và tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới. Hiện nay, tuy vẫn duy trì chế độ đánh giá chất lượng nhà giáo nội bộ trong bộ môn, nội bộ trường hoặc các cuộc thi giáo viên giỏi nhưng kết quả không chính xác và không khách quan, mang tính hình thức, đặc biệt là đội ngũ giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu để bổ sung các hành vi bị cấm đối với nhà giáo trong Điều 75 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), bao gồm:

– Lợi dụng hoạt động giáo dục đào tạo để truyền bá, áp đặt cho người học các quan niệm về tôn giáo, tín ngưỡng, gây hận thù xã hội;

– Phân biệt đối xử đối với người học theo dấu hiệu giới tính, chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, nguồn gốc và địa vị xã hội, địa phương, vùng miền mà người học sinh sống;

– Hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người học hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, không đúng sự thật về các sự kiện lịch sử, xã hội để kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật.

7. Các quyền của nhà giáo

Hiện nay, các quy định về quyền của nhà giáo quy định tại Điều 73 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng không thể hiện các quyền đặc thù của nhà giáo mà chỉ đơn thuần là liệt kê các quyền với tư cách là một công dân như: quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự; quyền được nghỉ ngơi theo Bộ luật Lao động… Bất cập khác của Điều 73 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là chỉ ghi nhận (tuyên bố) các quyền của nhà giáo nhưng thiếu cơ chế đảm bảo thực thi quyền đó trên thực tế. Trên thực tế, để thực hiện các quyền của nhà giáo phải căn cứ vào Luật Viên chức năm 2010, Bộ luật Lao động năm 2012 chứ không phải là căn cứ vào Điều 73 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Có thể xem xét kinh nghiệm pháp luật nước ngoài để bổ sung nhóm quyền đặc thù của nhà giáo như:[6]

– Quyền tự do về chuyên môn nghiệp vụ và tự do học thuật (nhưng phải tôn trọng các quyền và tự do của người các chủ thể khác trong hoạt động giáo dục);

– Quyền tự do lựa chọn, sử dụng các hình thức, phương tiện, phương pháp giảng dạy và đào tạo dựa trên nền tảng, nguyên lý sư phạm và chương trình đào tạo;

– Quyền sáng tạo chủ động, phát triển, ứng dụng phương pháp sư phạm trong đào tạo và giáo dục theo chương trình giáo dục;

– Quyền lựa chọn sách tham khảo, đồ dùng dạy học, tài liệu, các phương tiện khác phục vụ hoạt động đào tạo và giáo dục phù hợp với các chương trình giáo dục và phù hợp với pháp luật;

– Quyền tham gia các hoạt động khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, nghiên cứu và các hoạt động thực nghiệm và giao lưu quốc tế;

– Quyền sử dụng thư viện và tiếp cận và khai thác các nguồn thông tin, số liệu để phục vụ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học;

– Quyền tiếp cận, sử dụng miễn phí các dịch vụ bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp sư phạm và phương pháp nghiên cứu khoa học;

– Quyền tham gia vào công tác quản lý của của cơ sở đào tạo theo Điều lệ của cơ sở giáo dục, đào tạo;

– Quyền tiếp cận thông tin và tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến các hoạt động của cơ sở giáo dục, đào tạo;

– Quyền được được điều tra công bằng và khách quan về các vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của giáo viên.

8. Quyền được mời giảng và dạy thêm của nhà giáo

Hiện tượng “dạy thêm, học thêm” ở bậc phổ thông đang bị lạm dụng và biến tướng. Hiện tượng giảng viên cơ hữu của các đại học làm việc không hiệu quả do phải dành quá nhiều thời gian, công sức thực hiện các hợp đồng mời giảng của các trường khác… trở thành “vấn nạn” cho các trường đại học. Tại một số địa phương, chính quyền nóng vội khi cấm giáo viên dạy thêm. Một số trường đại học, hiệu trưởng cấm giảng viên của trường mình tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo khác. Những quyết định trên gây tranh cãi vì vi phạm nghiêm trọng quyền được lao động để có thu nhập chính đáng của con người.

Để kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/7/2007 quy định về dạy thêm, học thêm. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 17/2012 /TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm học thêm thay thế cho Quyết định số 03/2007/QĐ-BGDĐT nói trên. Tuy nhiên, cho đến nay, các vấn đề trên vẫn chưa giải quyết một cách triệt để và hài hòa bởi Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chỉ cấm nhà giáo “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” mà không có bất cứ giải thích chi tiết hoặc định danh các yếu tố cấu thành hành vi “ép buộc”.

Để có cơ sở thuyết phục nhằm bổ sung các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động dạy thêm, dạy theo hợp đồng mời giảng cần xem xét dưới các khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, bản chất và mục tiêu của việc dạy thêm (giảng dạy theo chế độ mời giảng, thực hiện ngoài giờ, sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ tại trường chính) không phải là hành vi xấu, nguy hại cho cộng đồng xã hội hay trái đạo đức xã hội.

Thứ hai, nhà giáo có quyền được lao động, quyền có thu nhập chính đáng, quyền mưu cầu hạnh phúc. Quy định cấm đoán nhà giáo giảng dạy theo chế độ mời giảng (thực hiện ngoài giờ, sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ tại trường chính) sẽ không phù hợp dưới khía cạnh quyền con người.

Thứ ba, giáo dục là dịch vụ chịu sự chi phối bởi quy luật cung cầu nên việc can thiệp bằng công cụ hành chính vào quan hệ cung cầu sẽ không hiệu quả.

Thứ tư, cần phân biệt giữa dạy thêm theo hợp đồng mời giảng và tự tổ chức dạy thêm. Ở trường hợp thứ nhất, nhà giáo chỉ giảng dạy theo hợp đồng mời giảng với các trung tâm mà không tự đứng ra tổ chức việc dạy thêm học thêm, không tham gia công tác quản lý, điều hành, tuyển sinh, quản lý người học, quản lý tài chính. Do vậy khả năng lạm dụng để vụ lợi là khó xảy ra. Ở trường hợp thứ hai hoàn toàn ngược lại. Nếu phải cấm, chỉ cấm ở trường hợp thứ hai, đặc biệt nếu nhà giáo là công chức lãnh đạo, điều hành các trường thì khả năng lạm dụng quyền lực vụ lợi hoàn toàn có thể xảy ra.

Thứ năm, thừa nhận việc dạy thêm, học thêm là một thực tế khách quan, cho nên không thể cấm đoán mà phải xây dựng, hoàn thiện quy chế pháp lý về tổ chức, hoạt động các trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Quy chế pháp lý đó phải thể hiện các nội dung sau: i. điều kiện và quy trình thẩm định hồ sơ đăng ký thành lập; ii. nghĩa vụ công khai chương trình học (đảm bảo không trùng, không dạy lại, dạy trước chương trình phổ thông chính khóa); iii. đối tượng học và chế độ học phí; iv. công khai danh sách giáo viên được mời, tổng số giờ giảng của mỗi giáo viên (đặc biệt là các giáo viên đang trong biên chế cơ hữu tại các trường khác); v. quy chế kiểm tra giám sát, thu hồi giấy phép từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực tiễn chứng minh rằng mọi hoạt động trong cuộc sống xã hội dù phức tạp đến mấy đều có thể kiểm soát, quản lý hiệu quả nếu có một quy chế pháp lý hoàn hảo.

Thứ sáu, nhận diện phân loại các nhóm nhà giáo có nguy cơ lạm dụng quyền lực nhằm vụ lợi trong dạy thêm, để hạn chế hoặc cấm dạy thêm mà không cào bằng. Thiết nghĩ, nhà giáo là công chức, viên chức lãnh đạo các cơ sở giáo dục công lập (cả bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột của những người này), nhà giáo các trường công lập (hưởng lương từ ngân sách nhà nước) không được đứng ra tổ chức lớp học thêm hoặc không được góp vốn, mua cổ phần để thành lập các trung tâm bồi dưỡng văn hóa dạy thêm chính các chương trình chính khóa mà ở đó người học không có lựa chọn hoặc khả năng từ chối.

Tóm lại, nhu cầu phải bổ sung, sửa đổi các nghĩa vụ, trách nhiệm và hành vi bị cấm đối với nhà giáo thể hiện trong văn bản pháp luật về giáo dục có giá trị cao nhất là Luật Giáo dục sửa đổi lần này và Luật Nhà giáo sau này. Quốc hội không nên giao phó toàn bộ thẩm quyền này cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua việc ban hành các thông tư. Chỉ khi Luật Giáo dục quy định rõ ràng về vấn đề dạy thêm, học thêm mới giải quyết dứt điểm tình trạng lạm dụng dạy thêm, học thêm để trục lợi.

Nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành bại trong sự nghiệp giáo dục của mỗi quốc gia. Bên cạnh các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp dành cho nhà giáo, các quy định pháp luật về vị trí pháp lý của nhà giáo là vô cùng cần thiết và cấp bách. Các nội dung về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, cơ chế đảm bảo thực thi các quyền và nghĩa vụ đó phải được quy định rõ ràng, cụ thể trong văn bản pháp luật trong lĩnh vực giáo dục có giá trị cao nhất. Hoàn thiện pháp luật về địa vị pháp lý của nhà giáo là tiền đề để mỗi nhà giáo tiếp nhận và tự bảo vệ các quyền cũng như tuân thủ các nghĩa vụ luật định, góp phần thực hiện sứ mệnh chung của ngành giáo dục nước nhà..

CHÚ THÍCH

[1] Dự thảo số 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Cổng thông tin điện tử Văn phòng Quốc hội.

http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1396&LanID=1482&TabIndex=1, truy cập ngày 08/03/2018.

[2] Nhà giáo là công chức được quy định tại Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức.

[3] Vũ Thị Thu Hiền, Quản lý công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học theo chuẩn nghề nghiệp, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Quang Nhữ, “Một số vấn đề quan trọng về bồi dưỡng giáo viên tiểu học”, Tạp chí Giáo dục, số 3449, 2014.

[4] Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Thủ tướng Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục.

[5] Số liệu công bố tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, https://moet.gov.vn/content/tintuc/Lists/News/Attachments/5137/so%20lieu%20thong%20ke%20GDDH%202016_2017.pdf, truy cập ngày 08/03/2018; ThS Lê Thị Phương Nam, Hoàng Văn Lợi, “Thực trạng  và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học giai đoạn 2010- 2015”, Cổng Thông tin điện tử Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, http://vnclp.gov.vn/ct/cms/Lists/DeTaiNghienCuu/View_Detail.aspx?ItemID=66,cập nhật ngày 09/06/2012.

[6] Các nội dung này tham khảo và lược dịch từ Điều 47 Luật Giáo dục Liên bang Nga ngày 29/12/2012, cập nhật các sửa đổi bổ sung đến 01/5/2017. Bản tiếng Nga: едеральный закон от 29.12.2012 № 273-ФЗ Об образовании в Российской Федераци, редакция от 01.05.2017 с изменениями и дополнениями, вступившими в силу).

  • Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Văn Vân
  • Tạp chí Khoa học pháp lý số 02(114)/2018 – 2018, Trang 42-50
  • Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Vị trí pháp lý của nguyên thủ quốc gia trong các chính thể
Vị trí pháp lý của Nguyên thủ quốc gia trong các chính thể
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động - Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động – Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

Chuyên mục: Giáo dục Từ khóa: Địa vị pháp lý/ Nhà giáo/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2018

Previous Post: « Chính sách tiền lương của nhà giáo trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Next Post: Thanh tra giáo dục và kiến nghị sửa đổi các quy định về thanh tra trong Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng