Mục lục
Chính sách tiền lương của nhà giáo trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Tác giả: TS. Lê Thị Thúy Hương
TÓM TẮT
Bài viết phân tích một cách tổng quát những bất cập của chế độ tiền lương của nhà giáo theo pháp luật hiện hành, phân tích các luận cứ sửa đổi chính sách tiền lương cho nhà giáo trên cơ sở so sánh với chính sách tiền lương của nhà giáo ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó đề xuất phương án hoàn thiện.
Xem thêm bài viết về “Tiền lương”
- Góp ý về chế định tiền lương trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) – ThS. Nguyễn Thị Bích
Tiền lương dành cho nhà giáo là một vấn đề thu hút được sự quan tâm rộng rãi của toàn thể xã hội. Nhìn chung, đa số các quốc gia trên thế giới đều thống nhất quan điểm rằng chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là chính sách tiền lương, cần thể hiện sự ưu đãi của nhà nước nhằm mục đích nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và thu hút người tài tham gia vào ngành giáo dục.
Với tầm quan trọng như vậy, Luật Giáo dục – một đạo luật quan trọng điều chỉnh toàn diện các vấn đề giáo dục, đương nhiên không thể không đề cập đến chính sách tiền lương cho nhà giáo. Tuy nhiên, quy định về chính sách tiền lương tại Điều 81 Luật Giáo dục năm năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và hệ thống chế độ tiền lương cho nhà giáo đang bộc lộ những bất cập, hạn chế.
1. Các quy định hiện hành về chế độ tiền lương của nhà giáo
Chế độ tiền lương của nhà giáo hiện nay được quy định rải rác ở rất nhiều các văn bản khác nhau và chỉ áp dụng cho những nhà giáo giảng dạy tại các trường thuộc hệ thống công lập. Theo đó, tiền lương của nhà giáo gồm các khoản sau:
1.1. Lương theo chức danh công việc (còn gọi là lương cơ bản)
Khoản lương này của nhà giáo được xác định theo công thức sau:
Lương cơ bản = Mức lương cơ sở[1] x hệ số lương theo ngạch, bậc của nhà giáo
Hiện nay, trong bảng lương áp dụng đối với viên chức ban hành theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004, tiền lương của nhà giáo được xếp vào 6 ngạch lương viên chức, tương ứng với các ngạch A3, A2.1, A2.2, A1, A0 và B. Cách xếp ngạch lương này được thực hiện theo cách phân hạng chức danh nghề nghiệp của nhà giáo ở các cấp học. Cụ thể như sau:
Ngạch A3.1: áp dụng cho 3 chức danh: Giáo sư, Phó Giáo sư và Giảng viên cao cấp (hạng I). Ngạch này gồm 6 bậc lương, thấp nhất là 6,20; cao nhất là 8,00, chênh lệch giữa 2 bậc lương trong ngạch là 0,36. Ngoài các chức danh nhà giáo, ngạch A3.1 còn được áp dụng để trả lương cho 14 chức danh viên chức khác.[2]
Ngạch A2.1: áp dụng cho chức danh Giảng viên chính (hạng II) và Giáo viên trung học phổ thông hạng I, gồm 8 bậc lương, thấp nhất là 4,40; cao nhất là 6,78, chênh lệch giữa 2 bậc lương trong ngạch là 0,34. Ngạch A2.1 này còn được áp dụng để trả lương cho 13 chức danh công việc khác.[3]
Ngạch A2.2: áp dụng cho chức danh Giáo viên trung học phổ thông hạng II và Giáo viên trung học cơ sở hạng I, gồm 8 bậc lương, thấp nhất là 4,0; cao nhất là 6,38, chênh lệch giữa 2 bậc lương trong ngạch là 0,34. Ngạch lương này cũng được áp dụng cho 14 chức danh viên chức khác.[4]
Ngạch A1: áp dụng cho 5 chức danh: Giảng viên (hạng III), Giáo viên trung học phổ thông hạng III và Giáo viên trung học cơ sở/ tiểu học/ mầm non hạng II, gồm 9 bậc lương, thấp nhất là 2,34; cao nhất là 4,98, chênh lệch giữa 2 bậc lương trong ngạch là 0,33. Trong ngạch này, có 29 chức danh viên chức khác được hưởng cùng hệ số lương.[5]
Ngạch A0: áp dụng cho 3 chức danh: Giáo viên trung học cơ sở, tiểu học và mầm non hạng III, gồm 10 bậc lương, thấp nhất là 2,10; cao nhất là 4,89, chênh lệch giữa 2 bậc lương trong ngạch là 0,31.
Ngạch B: áp dụng cho 2 chức danh: Giáo viên tiểu học và mầm non hạng IV, có 12 bậc lương, thấp nhất là 1,86; cao nhất là 4,06, chênh lệch giữa 2 bậc lương trong ngạch là 0,20.
Khi xem xét hệ thống ngạch, bậc lương áp dụng đối với nhà giáo là viên chức làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập nói trên, có thể rút ra một số nhận xét sau:
Thứ nhất, trong mối tương quan chung với các ngạch lương của viên chức nhà nước khác, ngạch lương áp dụng đối với nhà giáo là không cao. Đơn cử, ngạch A2.2 áp dụng cho chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng I (tương đương chức danh giáo viên trung học cơ sở cao cấp). Đây là ngạch lương cao nhất của chức danh giáo viên trung học cơ sở nhưng lại chỉ được xếp cùng ngạch lương với nhiều chức danh chuyên viên chính của các ngành khác. Điều đó có nghĩa các chức danh chuyên viên chính ở ngành khác còn có cơ hội chuyển lên ngạch lương cao hơn (áp dụng cho chức danh chuyên viên cao cấp). Trong khi đó, chức danh giáo viên trung học cơ sở không có cơ hội thăng hạng lên ngạch lương cao hơn nữa. Như vậy là cùng đòi hỏi trình độ đại học trở lên, chưa kể phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn khác nhưng ngạch lương cao nhất áp dụng cho chức danh giáo viên trung học cơ sở chỉ bằng với ngạch lương áp dụng cho chức danh chuyên viên chính của rất nhiều ngành khác.
Thứ hai, cùng được xếp vào ngạch lương với các chức danh viên chức ở các ngành khác nhưng điều kiện để thi chuyển ngạch của nhà giáo khó hơn so với viên chức các ngành khác. Cụ thể, để dự thi nâng ngạch từ chức danh giảng viên (hạng III) lên chức danh giảng viên chính (hạng II), nhà giáo phải có bằng thạc sĩ, trình độ ngoại ngữ, công trình nghiên cứu khoa học… Trong khi đó, đối với phần lớn các ngành khác, việc thi nâng ngạch có khi chỉ cần yếu tố thâm niên.
Bên cạnh đó, giáo viên từ mầm non đến cấp trung học phổ thông được xếp vào ngạch A1 và A0 và B, mà các ngạch này có quá nhiều bậc lương (từ 9 đến 12 bậc). Do đó thời gian để giáo viên đạt được bậc lương cao nhất ở mỗi ngạch sẽ lâu hơn nhiều. Đặc biệt, ngạch lương dành cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học hạng IV có tới 12 bậc, mà khoảng cách giữa các bậc lương liền kề lại quá nhỏ (chỉ bằng 0,2 lần mức lương cơ sở). Với quy định như thế, mỗi lần tăng bậc lương, giáo viên chỉ thêm được khoảng 260.000 đồng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên ở các cấp này đến khi nghỉ hưu vẫn chưa được hưởng đến bậc cuối cùng của ngạch lương.
Thứ ba, hệ thống ngạch và bậc lương của nhà giáo hiện nay lệ thuộc quá nhiều vào chế độ bằng cấp và trình độ của nhà giáo (trung cấp trở lên đối với giáo viên mầm non và tiểu học; cao đẳng trở lên đối với giáo viên trung học cơ sở; đại học trở lên đối với giáo viên phổ thông trung học…) nhưng lại ít căn cứ vào năng lực, vị trí, tính chất công việc cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên. Trong thực tế, giáo viên mầm non và tiểu học được xếp ở các ngạch lương với bậc lương rất thấp, trong khi khối lượng công việc, áp lực và độ khó của công việc lại rất lớn. Do vậy, khi so sánh thu nhập của các chức danh nhà giáo, có thể thấy thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học thấp hơn nhiều so với trung học cơ sở, trung học phổ thông và giảng viên. Điều này ít nhiều cũng dẫn đến việc khó tìm kiếm giáo viên ở các cấp học mầm non và tiểu học.
Thứ tư, xét về tổng quan, có sự bất hợp lý khi quy định số bậc lương trong ngạch dành cho các chức danh giáo viên hạng I (tương đương cao cấp) ở các cấp học phổ thông nhiều hơn số bậc lương trong ngạch áp dụng cho chức danh chuyên viên cao cấp của các ngành khác. Cụ thể, đối với giáo viên mầm non/ tiểu học hạng II là 9 bậc, đối với giáo viên trung học phổ thông hạng I là 8 bậc. Trong khi đó, các chức danh viên chức ngạch A3 – ngạch cao cấp, chỉ có 6 bậc. Về vấn đề số bậc trong từng ngạch lương, khi tổng kết kinh nghiệm của nhiều quốc gia, ILO và UNESCO đã khuyến nghị: “tiến độ từ bậc thấp nhất đến bậc cao nhất trong thang lương cơ bản không được kéo dài hơn khoảng thời gian 10 đến 15 năm”. Như vậy, nếu thực hiện theo khuyến nghị này, với nhịp độ trung bình 3 năm được tăng một bậc lương, thì mỗi ngạch lương chỉ nên gồm tối đa 5 bậc lương.[6]
Thứ năm, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP hiện nay quy định bảng lương cho chuyên gia cao cấp, áp dụng đối với các đối tượng không giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các lĩnh vực chính trị, hành chính, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hóa – nghệ thuật. Bảng lương này chỉ có 3 bậc lương, thấp nhất là 8,80; cao nhất là 10,0, chênh lệch giữa 2 bậc lương là 0,60, cao hơn hẳn so với ngạch lương áp dụng cho chức danh Giáo sư/ Phó Giáo sư/ Giảng viên cao cấp (hạng I). Như vậy, với quy định về tiền lương hiện hành, các chức danh nhà giáo, dù được xếp vào ngạch lương cao nhất của ngành mình thì cũng chưa tương đương với các chức danh hưởng lương ngạch cao nhất ở các lĩnh vực hay ngành khác.
1.2. Các khoản phụ cấp áp dụng cho nhà giáo
Theo quy định hiện hành, nhà giáo có thể được hưởng một hoặc một số khoản phụ cấp sau đây:
i. Phụ cấp thâm niên nhà giáo[7]
Phụ cấp thâm niên nhà giáo được tính theo công thức sau:
Phụ cấp thâm niên = [hệ số lương theo ngạch, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng] x mức lương cơ sở x tỷ lệ phụ cấp thâm niên[8]
Theo công thức này, mức phụ cấp thâm niên của nhà giáo lại được tính dựa trên hệ số bậc lương (trong khi bậc lương đã thể hiện thâm niên, cụ thể, đối với hệ trung học thì sau 2 năm được nâng lương 1 lần, đối với hệ đại học thì sau 3 năm được nâng 1 lần) và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Điều này dẫn đến tình trạng phụ cấp “chồng” phụ cấp. Bên cạnh đó, tình trạng này có thể dẫn đến hiện tượng “già hóa” đội ngũ nhà giáo và khủng hoảng nhân lực trẻ có trình độ cao.
ii. Phụ cấp ưu đãi nghề giáo[9]
Loại phụ cấp này áp dụng cho nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy ở các cơ sở công lập (trừ các cơ sở giáo dục thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cơ quan cơ yếu).
Mức phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo được tính theo công thức sau:
Phụ cấp ưu đãi = mức lương cơ sở hiện hưởng x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + tỷ lệ% (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.[10]
Theo quy định hiện hành, đối với giáo viên dạy mầm non, tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo thì được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề giáo ở mức cao nhất là 50%. Trong khi đó, đối với giáo viên giảng dạy ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa lại chỉ được hưởng mức 35%. Quy định này là không hợp lý, vì cùng vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa mà mức hưởng phụ cấp ưu đãi giữa hai chức danh nhà giáo lại chênh lệch quá nhiều. Ngoài ra, giáo viên giảng dạy trung học cơ sở và trung học phổ thông làm việc ở vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa mà mức hưởng phụ cấp ưu đãi lại bằng với mức hưởng của giáo viên mầm non, tiểu học dạy ở vùng đồng bằng (mức 35%) cũng không thực sự hợp lý.
Bên cạnh hai loại phụ cấp chính nói trên, nhà giáo còn có thể được hưởng một/ một số loại phụ cấp đặc biệt như: phụ cấp chuyên biệt đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành; phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy cho người khuyết tật hoặc phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành trực tiếp giảng dạy tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.[11]
Một điều cần lưu ý là gần như toàn bộ quy định về chế độ tiền lương của nhà giáo nói trên chỉ áp dụng cho nhà giáo là viên chức nhà nước, hiện đang làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập. Chế độ tiền lương áp dụng cho nhà giáo ở các cơ sở ngoài công lập thì không có quy định riêng biệt. Thực ra, điều này cũng có thể hiểu rằng, nhà giáo làm việc ở các cơ sở ngoài công lập sẽ được xem như người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bình thường. Do đó, tiền lương sẽ được áp dụng theo các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, vẫn là một thiếu sót, không đầy đủ nếu như Luật Giáo dục không đề cập đến chế độ tiền lương của nhóm nhà giáo này. Bên cạnh đó, sẽ nảy sinh tình trạng lúng túng trong việc trả lương cho những nhà giáo làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập nhưng lại theo chế độ hợp đồng lao động. Theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 về thực hiện chế độ hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở các đơn vị thuộc khu vực hành chính sự nghiệp sẽ được áp dụng chế độ tiền lương của viên chức. Tuy nhiên, quy định này lại không áp dụng cho chức danh nhà giáo.
Như vậy, chế độ tiền lương hiện hành của nhà giáo đang bộc lộ một số hạn chế lớn sau:
Một là, các ngạch, bậc lương áp dụng cho nhà giáo chưa thể hiện được sự ưu đãi, thậm chí còn thấp hơn so với các chức danh nghề nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác. Trong khi đó, yêu cầu và điều kiện về tiêu chuẩn dành cho chức danh nghề nghiệp này lại rất cao. Bên cạnh đó, việc xây dựng chưa thực sự hợp lý số lượng bậc lương trong từng ngạch vừa làm cho nhà giáo khó đạt được mức lương cao nhất của ngạch, vừa làm cho thu nhập của nhà giáo không được cải thiện ngay cả khi được nâng lương. Hạn chế này dẫn đến tình trạng chính sách tiền lương không tạo ra được động lực để giữ chân cũng như thu hút người giỏi tham gia vào lực lượng nhà giáo. Trong một chừng mực nhất định, tình trạng này cũng có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Hai là, các loại phụ cấp dành cho nhà giáo còn tản mạn, chưa hợp lý và chồng chéo. Bất cập này dẫn đến thực trạng là không phát huy tác dụng trong việc nâng cao thu nhập của nhà giáo và đảm bảo thu nhập gắn với tính chất công việc, trình độ của nhà giáo.
Ba là, các quy định về chế độ tiền lương dành cho nhà giáo hiện chưa toàn diện, chưa thể hiện được sự quan tâm đến lực lượng nhà giáo ngoài công lập.
2. Kinh nghiệm của một số quốc gia về chính sách tiền lương cho nhà giáo
Nghề giáo là một nghề đặc biệt quan trọng, đào tạo ra con người, có ảnh hưởng lớn đến tương lai đất nước. Công việc này cũng là một loại công việc vất vả không chỉ về thể chất mà còn chịu áp lực từ nhiều phía: học sinh, gia đình, trường học… Trên cơ sở nhận thức được sứ mệnh quan trọng của nhà giáo cũng như đánh giá sự vất vả của nghề nghiệp này, các quốc gia đều áp dụng chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, đặc biệt một chính sách về tiền lương theo hướng đảm bảo thu nhập của nhà giáo phải tương xứng với vị trí, trách nhiệm được giao.
Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực như Nga, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, có thể thấy giáo viên tại các nước này đều được hưởng mức lương cao so với mặt bằng chung của xã hội. Chính sách này được áp dụng như đòn bẩy nhằm thu hút nhân tài phục vụ cho sự nghiệp giáo dục.
Ở Nga, cách đây khoảng 10 năm, rất ít người muốn trở thành nhà giáo vì lương của nhà giáo không được ưu đãi trên thực tế so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, chất lượng nhà giáo đã tăng đáng kể. Một trong những nguyên nhân tích cực là việc Tổng thống Nga đã ban hành Sắc lệnh quy định lương nhà giáo phải cao hơn mức lương trung bình của các nghề nghiệp khác trong từng địa phương. Trên thực tế, mức chênh lệch này vào khoảng 30%.[12]
Ở Nhật Bản, chế độ tiền lương hiện tại của giáo viên cũng phản ánh sự thay đổi trong chính sách tiền lương dành cho nhà giáo. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, một giáo viên có 20 năm kinh nghiệm ở Nhật có thu nhập ít hơn nhiều so với thu nhập của một công nhân trung bình trong khu vực tư nhân. Tuy nhiên, đến năm 1984, mức lương khởi điểm của một giáo viên trung học Nhật Bản có trình độ đại học đã cao hơn 15% so với mức lương khởi điểm của một nhân viên văn phòng có trình độ tương đương trong một công ty tư nhân và cao hơn 12% so với lương khởi điểm của một kỹ sư. Vào năm 2008, mức lương trung bình của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cao hơn 44% so với mức GDP bình quân đầu người.[13] Qua khảo sát cụ thể hơn cho thấy, ở Nhật Bản, lương giáo viên những năm đầu nhìn chung cao hơn các ngành nghề khác như kỹ sư, dược sĩ…Vào giai đoạn giữa của nghề nghiệp, mức lương của họ xấp xỉ bằng nhau. Ngoài độ tuổi 53, lương giáo viên lại cao hơn. Bên cạnh các chính sách tốt về tiền lương, một trong những động lực để duy trì giáo viên gắn bó với nghề nghiệp của mình là do ảnh hưởng tích lũy của thâm niên và các khoản trợ cấp hưu trí hào phóng.[14]
Ở Hàn Quốc, mức lương của giáo viên tiểu học tại các trường công lập đều cao hơn các công chức khác và cao hơn 64% so với mức lương trung bình của các nước trong khối OECD mặc dù thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc kém ¼ mức thu nhập trung bình của các nước OECD. Đặc biệt, mức lương khởi điểm của giáo viên phổ thông của Hàn Quốc đạt mức cao nhất trong số các nước thành viên tổ chức OECD.[15] Ở Singapore, mức lương của giáo viên các cấp trong hệ thống giáo dục cũng cao hơn mức GDP bình quân đầu người của nước này từ 25 – 45%.[16]
Qua phân tích trên, có thể thấy, chính sách tiền lương của nhà giáo ở các quốc gia này đều được xây dựng theo hướng đảm bảo tiền lương của nhà giáo ở mức cao, nhất là trong mối tương quan với chế độ tiền lương của các ngành nghề khác.
3. Một số kiến nghị về chính sách về tiền lương của nhà giáo trong Luật Giáo dục sửa đổi
3.1. Các luận cứ về việc điều chỉnh chính sách tiền lương của nhà giáo
Thứ nhất, việc điều chỉnh chính sách tiền lương của nhà giáo là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.
Xuất phát từ việc đánh giá tầm quan trọng của hoạt động giáo dục đào tạo đối với sự phát triển của đất nước, ngay từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai khóa VIII (tháng 12/1996), Đảng ta đã khẳng định: “thực sự coi giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Cụ thể, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ: “phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học là quốc sách hàng đầu”.
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu” đã thực sự trở thành chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Để thể chế hóa chủ trương này, các nghị quyết của Đảng đã đề ra nhiều chính sách lớn nhằm mục tiêu phát triển hoạt động giáo dục đào tạo, trong đó có chính sách tiền lương dành cho nhà giáo. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) năm 1996 về định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đến Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định: “lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Rõ ràng, Luật Giáo dục sửa đổi rất cần phản ánh chủ trương này như một trong những chính sách lớn dành cho nhà giáo.
Thứ hai, việc sửa đổi, bổ sung chính sách tiền lương của nhà giáo là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và đảm bảo chất lượng giáo dục. Chính sách ưu đãi về tiền lương đối với nhà giáo, một khi được triển khai, sẽ có tác dụng thu hút học sinh, sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm và các ngành khác vào làm giáo viên, giúp giáo viên yên tâm công tác. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách nâng lương cho nhà giáo còn thể hiện được sự trân trọng và đánh giá cao của nhà nước, của xã hội đối với nghề giáo, một nghề có vị trí, vai trò vẻ vang là “trồng người”. Việc điều chỉnh chính sách này có thể giải quyết được bất cập trong thực tế là lương của nhà giáo được trả chưa tương xứng với vị trí, vai trò và trách nhiệm của nhà giáo.
Thứ ba, việc điều chỉnh chính sách tiền lương của nhà giáo là nhằm thực thi các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Khi tham khảo bản Kiến nghị của các tổ chức quốc tế như ILO hoặc UNESCO về tiền lương của nhà giáo, có thể thấy, các tổ chức này cũng xuất phát từ một quan điểm tương tự với chủ trương của Đảng cà Nhà nước ra, cho rằng tiền lương của nhà giáo phải “phản ánh tầm quan trọng của nhiệm vụ dạy học đối với xã hội và theo đó là tầm quan trọng của các nhà giáo”. Tuy nhiên, ILO và UNESCO đã xác định điều này một cách cụ thể hơn. Một là, tiền lương của nhà giáo phải “có ưu thế so với tiền lương trả cho các công việc khác cùng hoặc tương đương về trình độ”. Hai là, quan trọng hơn, tiền lương của nhà giáo phải “bảo đảm một mức sống hợp lý cho bản thân họ và gia đình họ cũng như đầu tư vào học tập thêm nữa và tham gia các hoạt động văn hóa, nhờ đó nâng cao trình độ nghề nghiệp của họ”.[17]
3.2. Một số kiến nghị sửa đổi chính sách tiền lương trong Luật Giáo dục và đề xuất phương án triển khai chính sách tiền lương cho nhà giáo
Như đã phân tích, việc sửa đổi, bổ sung chính sách tiền lương cho nhà giáo theo hướng tăng lương nhà giáo so với mặt bằng chung là cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn không ít ý kiến băn khoăn cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc tăng lương cho nhà giáo ngay bây giờ sẽ ảnh hưởng đến tổng chi ngân sách của Nhà nước.[18] Về ý kiến này, đã có những luận cứ và giải pháp nhằm bảo đảm việc tăng lương cho nhà giáo không gây sức ép lớn đối với ngân sách nhà nước như: tăng cường xã hội hóa giáo dục để bổ sung nguồn lực cho các hoạt động giáo dục, điều chỉnh cơ cấu chi cho phù hợp; thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cao ở các địa phương, khu vực phát triển…[19]
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh cả một hệ thống tiền lương bao gồm rất nhiều các ngạch, bậc lương phức tạp không phải là công việc đơn giản và có thể thực hiện nhanh chóng. Do đó, cần phải chờ một đề án cải cách điều chỉnh tổng thể hệ thống thang, bảng lương hành chính sự nghiệp, sau đó mới tính đến chuyện điều chỉnh tăng lương cho nhà giáo. Từ đó, đã có phương án đề xuất nên hoãn lại không đưa vào Luật Giáo dục những sửa đổi về vấn đề tiền lương của nhà giáo.[20]
Quan điểm của chúng tôi là, đương nhiên vẫn cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học về chế độ tiền lương cũng như vấn đề tăng lương cho nhà giáo, bao gồm cả đánh giá tác động xã hội về nội dung này để có thể có giải pháp đồng bộ, khả thi. Tuy nhiên, với tư cách là một đạo luật có phạm vi điều chỉnh tất cả các vấn đề về giáo dục, trong đó có chính sách đối với nhà giáo, Luật Giáo dục sửa đổi lần này vẫn cần phải ghi nhận một chính sách chung, nhất quán về vấn đề tiền lương nhà giáo cho phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Riêng vấn đề triển khai cụ thể chính sách này, các văn bản dưới luật sẽ bảo đảm thực hiện.
Xuất phát từ quan điểm này, chúng tôi có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, cần sửa đổi Điều 81 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nhằm thể hiện chính sách tiền lương nhất quán trong Luật Giáo dục. Hiện nay, Điều 81 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chưa phản ánh được tinh thần Nghị quyết 29 và các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Do đó, điều khoản này cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 81. Tiền lương
- Lương của nhà giáo được xếp vào nhóm cao trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp.
Nhà giáo được hưởng tiền lương, hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác.
- Lương và phụ cấp của nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.”
Thứ hai, mặc dù việc quy định lương cho nhà giáo công lập nằm cùng với các chức danh nghề nghiệp khác chưa thực sự hợp lý và chưa đảm bảo sự ưu đãi, nhưng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc xây dựng và vận hành một bảng lương dành riêng cho nhà giáo là không khả thi. Trong tương lai gần, chúng ta cũng chưa thể thoát ra khỏi bảng lương với các đại lượng mức lương cơ sở; hệ số theo ngạch bậc để chuyển sang một hệ thống phân phối thu nhập theo tính chất, vị trí công việc, mức độ hoàn thành công việc cho từng giáo viên cụ thể. Do đó, một đề án cải cách hệ thống tiền lương tổng thể, trong đó vẫn quy định lương nhà giáo và viên chức trong hệ thống lương đơn vị sự nghiệp công lập là điều nên làm và Chính phủ sẽ triển khai cụ thể nội dung này.
Thứ ba, ngoài phương án tăng lương cơ bản, việc điều chỉnh tăng giảm và cộng dồn các loại phụ cấp dành cho nhà giáo cũng hết sức quan trọng nhằm khắc phục các bất cập của chế độ phụ cấp nói riêng và chế độ lương của nhà giáo nói chung. Không chỉ thế, cần xem xét xây dựng hệ thống này như là một công cụ hữu hiệu nhằm bảo đảm thu nhập cho nhà giáo theo tính chất, vị trí công việc, vùng miền và các yếu tố khác./.
Xem thêm bài viết về “Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi bổ sung 2009)”
- Tính thống nhất của Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam – ThS. Nguyễn Nhật Khanh
- Tổng quan về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) – GS.TS. Mai Hồng Quỳ
- Luận cứ để xây dựng nguyên tắc áp dụng pháp luật trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục – TS. Cao Vũ Minh
- Bàn về mục tiêu giáo dục – TS. Đỗ Minh Khôi
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và quyền được học tập trong môi trường an toàn – TS. Ngô Hữu Phước
CHÚ THÍCH
[1] Mức lương cơ sở hiện hành được quy định theo Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 là 1.300.000 đồng. Mức lương này không phân chia theo vùng như mức lương tối thiểu vùng.
[2] 15 chức danh này bao gồm: Kiến trúc sư cao cấp, Nghiên cứu viên cao cấp, Kỹ sư cao cấp, Định chuẩn viên cao cấp, Giám định viên cao cấp, Dự báo viên cao cấp, Bác sĩ cao cấp, Dược sĩ cao cấp, Biên tập – Biên kịch – Biên dịch viên cao cấp, Phóng viên – Bình luận viên cao cấp, Đạo diễn cao cấp, Diễn viên hạng I, Họa sĩ cao cấp và Huấn luyện viên cao cấp.
[3] 13 chức danh này bao gồm: Kiến trúc sư chính, Nghiên cứu viên chính, Kỹ sư chính, Định chuẩn viên chính, Giám định viên chính, Dự báo viên chính, Bác sĩ chính, Dược sĩ chính, Biên tập – Biên kịch – Biên dịch viên chính, Phóng viên – Bình luận viên chính, Đạo diễn chính, Họa sĩ chính và Huấn luyện viên chính.
[4] 14 chức danh này bao gồm: Lưu trữ viên chính, Chẩn đoán viên chính bệnh động vật, Dự báo viên chính bảo vệ thực vật, Giám định viên chính thuốc bảo vệ thực vật – thú y, Kiểm nghiệm viên chính giống cây trồng, Phát thanh viên chính, Quay phim viên chính, Dựng phim viên cao cấp, Diễn viên hạng II, Bảo tàng viên chính, Thư viện viên chính, Phương pháp viên chính, Âm thanh viên chính và Thư mục viên chính.
[5] 29 chức danh này bao gồm: Lưu trữ viên, Chẩn đoán viên bệnh động vật, Dự báo viên bảo vệ thực vật, Giám định viên thuốc bảo vệ thực vật – thú y, Kiểm nghiệm viên giống cây trồng, Kiến trúc sư, Nghiên cứu viên, Kỹ sư, Định chuẩn viên, Giám định viên, Dự báo viên, Quan trắc viên chính, Bác sĩ, Y tá cao cấp, Nữ hộ sinh cao cấp, Kỹ thuật viên cao cấp y, Dược sĩ, Biên tập – Biên kịch – Biên dịch viên, Phóng viên – Bình luận viên, Quay phim viên, Dựng phim viên chính, Đạo diễn, Họa sĩ, Bảo tàng viên, Thư viện viên, Phương pháp viên, Hướng dẫn viên chính, Tuyên truyền viên chính, Huấn luyện viên, Âm thanh viên và Thư mục viên.
[6] Báo cáo nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước về cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông do Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm, nghiệm thu tháng 1/2010.
[7] Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 và Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
[8] Tỷ lệ phụ cấp thâm niên được tính như sau: nhà giáo đủ 5 giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
[9] Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/10/2005 và Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính.
[10] Tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi dao động từ 25% đến 50% tùy thuộc vào khu vực nhà giáo làm việc hoặc cơ sở giáo dục nơi nhà giáo giảng các môn học chính trị, khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
[11] Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/10/2015 và Thông tư số 22/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/8/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
[12] Báo cáo khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh ở Cộng hòa liên bang Nga, tháng 1/2018.
[13] Báo cáo của OECD năm 2010.
[14] Theo báo cáo khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh tại Nhật Bản, tháng 2/2018.
[15] OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) gồm 34 quốc có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, trong đó có 25 thành viên châu Âu (Áo, Bỉ, Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungari, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh); 4 thành viên châu Mỹ (Canada, Mỹ, Mexico, Chile); 3 thành viên châu Á (Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc) và 2 thành viên châu Đại Dương (Úc, New Zealand).
[16] Theo báo cáo của tổ chức OECD năm 2012.
[17] Báo cáo nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước về cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông do Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm, nghiệm thu tháng 1/2010.
[18] Yến Anh, “Tiền đâu miễn học phí, tăng lương giáo viên?”, Báo Người Lao động Online, truy cập ngày 3/3/2018.
[19] Báo cáo về luận cứ sửa đổi Điều 81 Luật Giáo dục của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, tháng 12/2017.
[20] Văn phòng Chính phủ, báo cáo Dự án Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi ngày 01/02/2018.
- Tác giả: TS. Lê Thị Thúy Hương
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02(114)/2018 – 2018, Trang 34-41
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời