Mục lục
Bàn về mục tiêu giáo dục
Tác giả: TS. Đỗ Minh Khôi
TÓM TẮT
Mục tiêu giáo dục là một vấn đề khái quát và khó có sự thống nhất trong các quốc gia và giữa các quốc gia. Xác định mục tiêu giáo dục trong Luật Giáo dục là rất cần thiết bởi nó là cơ sở cho việc xây dựng chương trình giáo dục quốc gia, mục tiêu, chương trình và kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bài viết khảo sát mục tiêu giáo dục về mặt khoa học, từ thực tế và có những gợi ý cho quá trình hoàn thiện Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009).
Xem thêm bài viết về “Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi bổ sung 2009)”
- Thanh tra giáo dục và kiến nghị sửa đổi các quy định về thanh tra trong Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) – TS. Thái Thị Tuyết Dung
- Tính thống nhất của Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam – ThS. Nguyễn Nhật Khanh
- Tổng quan về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) – GS.TS. Mai Hồng Quỳ
- Luận cứ để xây dựng nguyên tắc áp dụng pháp luật trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục – TS. Cao Vũ Minh
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và quyền được học tập trong môi trường an toàn – TS. Ngô Hữu Phước
1. Nhận thức về mục tiêu giáo dục
Mục tiêu giáo dục là một vấn đề khó đạt được thống nhất trong các quốc gia và giữa các quốc gia và cũng chưa có sự quan tâm, trao đổi về mục tiêu giáo dục ở tầm quốc tế.[1] Việc xác định mục tiêu giáo dục là rất khó khăn bởi phạm vi của giáo dục rất đa dạng. Ví dụ, mục tiêu giáo dục của xã hội nói chung (giáo dục con người trong xã hội) có phạm vi rất rộng và có thể không đồng nhất với mục tiêu của xã hội về sự học tập (giáo dục trong trường học). Mục tiêu giáo dục trong trường học thường cụ thể, có tính xác định cao hơn và tập trung vào lĩnh vực kiến thức, kỹ năng, thái độ của người học. Mục tiêu giáo dục của xã hội nói chung không chỉ về kiến thức, kỹ năng mà còn hướng đến những mục tiêu văn hóa, đạo đức, tinh thần…
Xác định mục tiêu giáo dục chung cũng gặp khó khăn bởi nội dung mục tiêu mang nhận thức, ý chí chủ quan của chủ thể xác định mục tiêu giáo dục đó. Trong xã hội có nhiều chủ thể khác nhau với ý chí, lợi ích khác nhau cho nên xác định mục tiêu giáo dục cũng rất khác nhau. Ví dụ, chính quyền trung ương, địa phương, nhóm xã hội, gia đình, người học… xác định những mục tiêu giáo dục của riêng mình. Do vậy, mục tiêu giáo dục chung trên thực tế là rất khó đồng nhất. Hơn nữa, sự xác định mục tiêu giáo dục cũng bất định bởi sự đa dạng về điều kiện, hoàn cảnh của hệ thống giáo dục, sự biến động của xã hội trong điều kiện hiện đại.[2]
Xem xét việc xác định mục tiêu giáo dục trong tương quan so sánh giữa phương Tây và các xã hội khác, có quan điểm cho rằng, ưu thế của nền giáo dục phương Tây trong thế kỷ 21 mặc dù vẫn có giá trị nhưng không thể thống trị như năm trăm năm trước đây. Do đó, giáo dục trong kỷ nguyên mới cần được xem xét lại. Theo đó, những chuẩn mực khoa học của một số lĩnh vực như toán học, khoa học vốn là giá trị ưu thế của giáo dục phương Tây vẫn có thể giữ nguyên vai trò như trước đây nhưng những lĩnh vực lịch sử và văn hóa sẽ có thể được quan tâm hơn. Mục tiêu của các hệ thống giáo dục hiện đại phải phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và cũng phải thúc đẩy sự hiểu biết toàn cầu. Sẽ là rất nguy hiểm nếu giả định rằng trình độ học vấn tăng lên sẽ tự nhiên tạo ra sự hiểu biết, sự hài hòa giữa các nền văn hóa và khu vực khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nếu hệ thống giáo dục chỉ khuyến khích văn hóa và chủ nghĩa yêu nước của quốc gia, hiệu quả của giáo dục có thể là chia rẽ và xung đột lớn hơn.[3] Nói cách khác, quá trình toàn cầu hóa đã đòi hỏi sự hiểu biết, chia sẻ giữa các nền văn minh, văn hóa. Vì thế, hệ thống giáo dục phải đảm nhiệm nhiệm vụ mang lại sự thông hiểu một cách bình đẳng và dung hòa giữa những nền văn minh, văn hóa này.
Có cách tiếp cận tổng hợp về mục tiêu giáo dục hiện đại dựa trên các yếu tố kỹ năng, kiến thức, thái độ và giá trị sẽ giải quyết xung đột giữa các nền văn hóa, các hệ giá trị khác nhau một cách hòa bình. Về kiến thức, việc biết hai ngôn ngữ (hoặc nhiều hơn) cho người học thấy có nhiều cách để quan sát và cách diễn đạt về thế giới khác với văn hóa của người đó. Về kỹ năng, một trong những kỹ năng xã hội quan trọng mà người học cần có là tìm cách giải quyết xung đột một cách hòa bình giữa và trong các nhóm xã hội. Một trong những mục tiêu quan trọng khác mà trường học cũng cần đạt được đó là tình cảm, tình yêu của người học. Người học có tình yêu trong gia đình nhưng đến trường cần được dạy về tình yêu con người, yêu thiên nhiên… và đặc biệt là yêu thích việc học tập. Tình cảm là một yếu tố cơ bản tác động đến thái độ, kỹ năng và kiến thức của người học; vì vậy, người học cũng cần được học về tình cảm, tình yêu.[4]
Tiếp cận một cách thực tế, cụ thể, có quan điểm cho rằng mục tiêu giáo dục phổ thông nên là: tạo ra người học suốt đời; đam mê; sẵn sàng chấp nhận rủi ro; khả năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện; nhìn sự vật theo nhiều cách khác nhau: làm việc độc lập và tập thể; sáng tạo; quan tâm và cống hiến cho cộng đồng; kiên trì; trung thực và tự trọng; dũng cảm; khả năng sử dụng tốt vật dụng và thích nghi với môi trường xung quanh; nói, đọc, viết tính toán tốt; thực sự vui thích với cuộc sống và công việc.[5]
Liên quan đến tính toàn cầu hóa của mục tiêu giáo dục, có quan điểm cho rằng một trong những mục tiêu quan trọng là trang bị cho người học năng lực toàn cầu. Năng lực toàn cầu (global competency) là kiến thức và kỹ năng để giúp mọi người hiểu được thế giới “phẳng”. Năng lực này được tích hợp từ các lĩnh vực kiến thức khác nhau để hiểu các vấn đề và sự kiện toàn cầu, từ đó hình thành khả năng giải quyết những vấn đề đó. Năng lực toàn cầu bao hàm ba khía cạnh: (1) tôn trọng khác biệt, đặc biệt là khác biệt văn hóa; (2) khả năng ngoại ngữ, hiểu biết lịch sử, địa lý thế giới và các vấn đề toàn cầu; (3) khả năng tư duy và sáng tạo về những vấn đề phức tạp của quá trình toàn cầu hóa.[6]
Tóm lại, xác định mục tiêu giáo dục rất khác nhau tùy thuộc vào góc độ tiếp cận, ý thức chủ quan của con người và tùy thuộc vào những điều kiện hoàn cảnh thực tế. Tuy có những nội dung khác nhau nhưng có sự đồng thuận nhất định về những yếu tố tác động đến giáo dục hiện đại (toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học, công nghệ…), từ đó ảnh hưởng đến việc xác định những mục tiêu cơ bản nhất của giáo dục hiện đại. Những mục tiêu truyền thống vẫn là kiến thức, kỹ năng của người học. Ngoài ra, do sự biến đổi của thế giới hiện đại, một số mục tiêu mới được đặt ra (như năng lực hiểu biết về lịch sử, địa lý và chia sẻ những giá trị văn minh, văn hóa; năng lực nhận biết và giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu; năng lực tư duy sáng tạo).
2. Nhu cầu xác định mục tiêu giáo dục từ thực tiễn
Dưới góc độ thực tiễn, năm 2008, ba tập đoàn đa quốc gia lớn (Cisco, Intel, Microsoft) lo ngại và cảnh báo rằng học sinh, sinh viên chưa được đào tạo những kỹ năng cần thiết để làm việc trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Từ đó, các tập đoàn này kêu gọi đào tạo những kỹ năng cần thiết này. Một dự án lớn do các tập đoàn công nghệ nêu trên, các nhà khoa học giáo dục và một số quốc gia (Ôxtrâylia, Hoa Kỳ, Phần Lan, Singapore, Hà Lan) thực hiện đã xác định hai nhóm kỹ năng chính: (1) nhóm kỹ năng hợp tác giải quyết vấn đề (bao gồm kỹ năng: tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, ra quyết định và hợp tác); (2) nhóm kỹ năng học trong thế giới mạng lưới kỹ thuật số (learning through digital networks) bao hàm kỹ năng: thông tin, công nghệ truyền thông và trách nhiệm xã hội.[7]
Một báo cáo khác cũng cho thấy năng lực nhận thức có nhu cầu tăng cao nhất cho đến năm 2020 (45%) và kỹ năng hợp tác, giải quyết vấn đề (bao gồm hai nhóm kỹ năng: kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp xã hội) là những kỹ năng có mức độ đòi hỏi rất cao (36% đối với kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp và 19% đối với kỹ năng xã hội). Như vậy, Cách mạng công nghiệp 4.0 hình thành quan niệm về lao động có kỹ năng khác với trước đây. Nó đòi hỏi cũng như nhấn mạnh vào khả năng thích ứng liên tục và khả năng học những kỹ năng mới so với quan niệm về lao động có kỹ năng truyền thống là được giáo dục tiên tiến và chuyên sâu về một lĩnh vực.[8]
Xuất phát từ hoạt động học tập, có quan điểm khái quát các nhóm kỹ năng của thế kỷ 21 đã chia thành ba nhóm kỹ năng và 12 thành tố. Nhóm kỹ năng thứ nhất là học tập và sáng tạo bao gồm những kiến thức và kỹ năng liên quan đến kiến thức. Nhóm này bao gồm bốn thành tố: kỹ năng học các môn học chính; kỹ năng tư duy phê phán và giải quyết vấn đề; kỹ năng truyền thông và hợp tác; kỹ năng đổi mới và sáng tạo. Nhóm kỹ năng thứ hai về trình độ kỹ thuật số (digital literacies) bao gồm: (1) kỹ năng về trình độ thông tin (information literacies) tức là khả năng lựa chọn, đánh giá và sử dụng thông tin hiệu quả và có đạo đức để thu thập, áp dụng và chia sẻ kiến thức; (2) kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông là khả năng sử dụng công nghệ kỹ thuật số, công cụ truyền thông và (hoặc) mạng internet để truy cập, quản lý, tích hợp, đánh giá và tạo ra các khối thông tin; (3) kỹ năng về truyền thông là khả năng truy cập, phân tích, đánh giá và truyền đạt thông điệp bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhóm kỹ năng thứ ba là kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng sống (life and career). Đây là nhóm kỹ năng ứng phó với môi trường sống và môi trường làm việc phức tạp trong một nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa bao gồm 5 thành tố (linh hoạt và thích ứng; chủ động và có định hướng; tương tác xã hội và văn hóa; hiệu quả và đáp ứng; lãnh đạo và trách nhiệm).[9]
Dù cách tiếp cận khác nhau nhưng các quan điểm trên đều cho thấy nhu cầu thay đổi nhận thức về kiến thức và kỹ năng trong xã hội hiện đại. Những kiến thức và kỹ năng này xuất hiện do sự biến đổi của môi trường lao động và học tập, vì vậy, chúng trở nên rất quan trọng trong thế kỷ 21. Sự đòi hỏi các kiến thức, kỹ năng này dẫn đến việc tái định vị mục tiêu giáo dục trong điều kiện mới bởi những kỹ năng này phần lớn được hình thành và phát triển trong nhà trường và hệ thống giáo dục nói chung. Nói cách khác, mục tiêu giáo dục phải trang bị cho người học những kỹ năng mới trong một môi trường lao động và học tập mới – một môi trường rộng mở hơn, biến động hơn so với trước đây.
3. Mục tiêu giáo dục trong quy định của pháp luật và những gợi ý
Mục tiêu giáo dục nói chung được xác định trong Điều 2, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2005 như sau: “Mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện con người Việt Nam, về đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu hội nhập quốc tế”. Trên cơ sở mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể cho giáo dục phổ thông là: “Mục tiêu của giáo dục phổ thông là phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên đại học hoặc theo học các chương trình đào tạo nghề nghiệp; phát triển khả năng tự học và học tập suốt đời hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Điều 27, Dự thảo Luật).
Cách quy định như vậy cũng tương đồng với mục tiêu giáo dục phổ thông của Vương quốc Anh. Cụ thể, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông của Vương quốc Anh là: “Các trường do Nhà nước tài trợ phải đảm bảo các chương trình giáo dục nhằm thúc đẩy sự phát triển đạo đức, văn hóa, tinh thần và thể chất của học sinh trong trường học và ngoài xã hội, và chuẩn bị cho học sinh về những cơ hội, trách nhiệm và kinh nghiệm của cuộc sống sau này” và “Chương trình giảng dạy quốc gia cung cấp những kiến thức cơ bản cần thiết cho học sinh để họ phải trở thành những công dân được giáo dục. Chương trình này giúp người học hiểu rõ hơn về sự sáng tạo và thành tựu của nhân loại”.[10] Tương tự, Luật Giáo dục Thụy Điển năm 2010 cũng quy định rất khái quát về mục tiêu giáo dục tại Điều 4, Chương 1: “nhằm hình thành và phát triển kiến thức, giá trị”, “khuyến khích học tập và học tập suốt đời”, “phát triển toàn diện” cho học sinh và người học để trở thành các công dân năng động, sáng tạo, có năng lực và có trách nhiệm.
Luật Giáo dục cơ bản của Phần Lan 628/1998 sửa đổi 1136/2010 quy định trong Đoạn 2 về mục tiêu giáo dục rất khái quát và toàn diện: “Mục đích giáo dục được đề cập trong Đạo luật này là nhằm thúc đẩy sự phát triển nhân cách của học sinh để trở thành thành viên có trách nhiệm về mặt đạo đức của xã hội và cung cấp cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết trong cuộc sống” và “ Hệ thống giáo dục thúc đẩy giá trị văn minh, bình đẳng trong xã hội và bảo đảm các điều kiện tiên quyết để người học tham gia vào quá trình giáo dục và sự tự phát triển của họ”.
Nhìn chung, cách xác định mục tiêu giáo dục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi về cơ bản là tương đối hợp lý vì mục tiêu của hệ thống giáo dục được hiểu là điều cần đạt được cho toàn xã hội, mang tính tuyên ngôn, định hướng cho hệ thống giáo dục nói chung. So với pháp luật của Anh, Thụy Điển và Phần Lan, nhìn chung mục tiêu khái quát của hệ thống giáo dục nói chung trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có nội dung tương đồng. Tuy nhiên, những mục tiêu gắn với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, quá trình toàn cầu hóa chưa được xác định một cách cụ thể trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Mặc dù trong quy định pháp luật của các nước nêu trên không xác định cụ thể nhưng Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi nên coi đây là điểm nhấn, một yêu cầu quan trọng, làm nền tảng pháp lý cho việc xác định mục tiêu giáo dục cụ thể của các cơ sở giáo dục nhằm hiện đại hóa nền giáo dục quốc dân.
Đối với các chủ thể thực hiện các hoạt động giáo dục xác định (các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân), mục tiêu giáo dục cần xác định một cách cụ thể hơn, thực tế hơn, có khả năng đo lường được, có khả năng đạt được. Ví dụ, các xác định mục tiêu giáo dục cụ thể và định lượng phù hợp với các chủ thể như Chính phủ, nhà trường, giáo viên, người học và cũng phù hợp với các chương trình, kế hoạch giảng dạy cụ thể.[11] Nói cách khác, mục tiêu giáo dục của từng cơ sở giáo dục cần cụ thể hóa mục tiêu giáo dục xã hội nói chung, lượng hóa và triển khai các mục tiêu giáo dục chung thành các mục tiêu giáo dục cụ thể để có thể đo lường và đánh giá được. Mục tiêu giáo dục chính là hệ thống các mục tiêu từ những mục tiêu chung, khái quát đến các mục tiêu cụ thể và giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều thực sự quan trọng là khả năng chuyển hóa tinh thần mục tiêu chung, mục tiêu giáo dục xã hội thành các mục tiêu cụ thể của các cơ sở giáo dục. Một điều khó khăn là phương pháp, quy trình và kết quả của việc chuyển dịch tinh thần của mục tiêu giáo dục nói chung thành nội dung trong hệ các mục tiêu cụ thể khó có thể luật hóa. Có lẽ những nội dung này cần được ghi nhận trong các văn bản dưới luật và sử dụng công cụ chính sách để thực hiện..
CHÚ THÍCH
[1] Joel E. Cohen, Goals of Universal Basic and Secondary Education trong Joel E. Cohen and Martin B. Malin (eds) International perspectives on the goals of universal basic and secondary education, Routledge, 2010, p. 3.
[2] Joel E. Cohen, Tlđd, p. 11.
[3] Kishore Mahbubani, Goals of Universal Primary and Secondary Education in the 21st Century Reviving the Spirit of Socrates trong Joel E. Cohen and Martin B. Malin (eds) Routledge, 2010, p. 66 – 72.
[4] Joel E. Cohen, Tlđd, p. 125 – 138.
[5] Dennis Littky – Samantha Grabelle, The Big Picture: Education Is Everyone’s Business, Association for Supervision and Curriculum Development, 2004, p. 1.
[6] Fernando Reimers, Educating for Global Competency trong Joel E. Cohen and Martin B. Malin (eds) Routledge, 2010, p. 183 – 202.
[7] Patrick Griffin, Esther Care (eds), Assessment and Teaching of 21st Century Skills Methods and Approach, chapter 1, Springer, 2015, p. 3.
[8] Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution, World Economic Forum, 2016, p. 45 – 47.
[9] Samuel Kai Wah Chu (ed), 21st Century Skills Development Through Inquiry-Based Learning From Theory to Practice, 2017, p. 22.
[10] Department for Education, The National Curriculum in England, 2013, https://www.gov.uk/government/collections/national-curriculum.
[11] Louis Cohen, Lawrence Manion and Keith Morrison, A Guide to Teaching Practice, Routledge, 2004, p. 111.
- Tác giả: TS. Đỗ Minh Khôi
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02(114)/2018 – 2018, Trang 17-21
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời