• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Phân luồng giáo dục tại Singapore và Hàn quốc – Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Phân luồng giáo dục tại Singapore và Hàn quốc – Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

02/05/2020 22/05/2021 TS. Trần Việt Dũng& ThS. Nguyễn Thị Kim Cúc & ThS. Nguyễn Xuân Mỹ Hiền Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Mô hình phân luồng giáo dục của Singapore và Hàn Quốc
    • 1.1. Phân luồng giáo dục tại Singapore
    • 1.2. Phân luồng giáo dục tại Hàn Quốc
  • 2. Một số bài học kinh nghiệm cho phân luồng giáo dục tại Việt Nam
  • CHÚ THÍCH

Phân luồng giáo dục tại Singapore và Hàn quốc – Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

TÓM TẮT

Phân luồng giáo dục được nhà nước coi là một cấu thành quan trọng trong chính sách phát triển giáo dục. Nó sẽ là công cụ hữu hiệu giúp nguồn nhân lực quốc gia đạt được mức chuyên môn hóa cao để thích ứng với yêu cầu phát triển của thị trường lao động hiện đại. Tuy nhiên, việc thực hiện phân luồng tại Việt Nam thời gian qua bị đánh giá là thiếu hiệu quả, chưa có sự gắn kết giữa các bậc học. Bài viết tập trung đưa ra đánh giá tác động của chính sách phân luồng giáo dục thông qua nghiên cứu mô hình phân luồng giáo dục tại Hàn Quốc và Singapore, hai quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực, qua đó đề xuất một số ý kiến đóng góp cho việc phát triển chính sách pháp luật trong giáo dục tại Việt Nam.

Phân luồng giáo dục tại Singapore và Hàn quốc - Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Xem thêm bài viết về “Singapore”

  • Mô hình Tòa án thương mại quốc tế Singapore (SICC) – Kinh nghiệm tham khảo cho hệ thống Tòa án Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
  • Quan điểm của Tòa án công lý Châu Âu ngày 16/5/2017 về Hiệp định thương mại tự do giữa liên minh Châu Âu và Singapore: Nội dung chính và các tác động – TS. Ngô Quốc Chiến

Phân luồng trong giáo dục được nhìn nhận rộng rãi như một cấu thành quan trọng trong hệ thống giáo dục giúp định hướng cho học sinh sau khi tốt nghiệp một cấp, bậc học nào đó có thể lựa chọn hướng đi phù hợp để học tiếp hoặc tham gia thị trường lao động.[1] Thực hiện hiệu quả cơ chế phân luồng giáo dục sẽ giúp nguồn nhân lực quốc gia đạt được mức chuyên môn hóa cao nhằm thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ giữa thập niên 1990, Việt Nam đã nhìn nhận tầm quan trọng của phân luồng trong chiến lược phát triển giáo dục.[2] Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể trên thực tế trong suốt những năm qua còn nhiều vấn đề. Hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành vẫn còn xơ cứng, khép kín, cục bộ, thiếu tính mềm dẻo, linh hoạt, thiếu vắng sự liên thông dọc ngang giữa các hệ thống nhỏ. Hệ thống giáo dục phổ thông chưa thực sự gắn kết với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học để làm tốt chức năng chuẩn bị cho học sinh kiến thức và tâm lý sẵn sàng đi vào các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học hoặc tham gia lao động sản xuất.

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Pháp điển hóa tư pháp quốc tế Bỉ và một số gợi ý đối với Việt Nam
  • Một số vấn đề về chứng cứ trong thủ tục giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán quốc tế – Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Mô hình Tòa án thương mại quốc tế Singapore (SICC) - Kinh nghiệm tham khảo cho hệ thống Tòa án Việt Nam
  • Giải thích điều ước quốc tế qua thực tiễn áp dụng của các cơ quan tài phán quốc tế - những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Chính sách tiền lương của nhà giáo trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
  • Mô hình giải quyết tranh chấp môi trường bằng hòa giải tại một số quốc gia – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Thanh tra giáo dục và kiến nghị sửa đổi các quy định về thanh tra trong Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
  • Mở cửa thị trường thuốc lá trong thương mại quốc tế - Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Chứng minh tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm theo pháp luật Hoa Kỳ - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm có khoảng 400.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không vào trung học phổ thông, nhưng chỉ một phần trong số đó vào học trong các trường bổ túc văn hóa, một phần vào các trung tâm dạy nghề, một số vào trung cấp chuyên nghiệp, phần còn lại vào thị trường lao động nhưng chưa qua đào tạo nghề.[3] Nếu tính cả số học sinh bỏ học trung học phổ thông, thi trượt tốt nghiệp lớp 12, thi trượt đại học, cao đẳng thì con số thanh niên chưa qua đào tạo nghề lên tới hàng trăm ngàn người mỗi năm.[4] Hệ quả là một số lượng lớn thanh niên đến tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề. Điều này tạo ra sự lãng phí lớn cho xã hội. Có thể thấy rõ một thực tế là luồng học lên đại học chịu áp lực rất nặng khi số lượng thí sinh đăng ký thi rất cao, vượt quá năng lực đào tạo của trường. Trong khi đó, hầu hết các luồng khác (cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp…) đều rơi vào “bế tắc” vì không đủ người học.[5] Ngành giáo dục phải loay hoay trong việc giải quyết được những trở ngại để “thông luồng”.[6]

Thách thức lớn nhất ở đây là quan niệm của xã hội về vấn đề học và hướng nghiệp. Đại đa số phụ huynh tại Việt Nam đều nhìn nhận bằng cấp đại học sẽ cho con em họ một công việc văn phòng nhẹ nhàng với thu nhập tốt bất kể năng lực và thiên hướng cá nhân của con em họ.[7] Điều này tạo ra một tình trạng bất cập là “thừa thầy – thiếu thợ”. Thống kê hàng năm cho thấy, mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm và con số này vẫn tiếp tục tăng lên hàng năm. Số người thất nghiệp ở Việt Nam của Quý III năm 2017 là gần 1,11 triệu người.[8] Bên cạnh đó, trên thực tế, có nhiều học sinh sau khi kết thúc bậc trung học cơ sở và lên đến bậc trung học phổ thông, đã không theo được chương trình học và phải bỏ học. Mặc dù đã tồn tại hệ trung cấp chuyên nghiệp song song với hệ trung học phổ thông, nhưng phần lớn học sinh vẫn lựa chọn con đường học trung học phổ thông sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở nhằm tạo đà thi vào đại học. Nếu không đỗ mới quay sang học nghề. Điều này gây lãng phí về thời gian và chi phí cho xã hội. Đó là chưa kể tình trạng số lượng người đỗ đại học nhưng không có năng lực nên không ra trường được phải bỏ học giữa chừng hoặc ra trường mà không có việc làm theo ngành mình đã học.

Chính vì quan niệm xã hội cố hữu nêu trên nên việc xây dựng và thực hiện phân luồng giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng năm 2013[9] và Nghị quyết 88/2014/QH13[10] của Quốc hội đều đã khẳng định phân luồng là một trong những yêu cầu quan trọng để đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể thấy rằng vấn đề của hệ thống giáo dục hiện nay là thiếu sự đồng bộ và định hướng cụ thể cho cấu trúc phân luồng giáo dục. Câu hỏi đặt ra là cấu trúc phân luồng phải như thế nào để bảo đảm tính hiệu quả trong hướng nghiệp? Việc thực hiện phân luồng ở cấp độ nào thì sẽ hiệu quả và phù hợp với điều kiện của Việt Nam? Việc học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực có nền giáo dục tiên tiến và đã từng trải qua quá trình phát triển như Việt Nam là một điều rất cần thiết.

1. Mô hình phân luồng giáo dục của Singapore và Hàn Quốc

Hiện nay, trên thế giới có hai luồng quan điểm về vấn đề phân luồng giáo dục: (i) phân luồng giáo dục từ sau cấp độ tiểu học và (ii) phân luồng giáo dục sau cấp độ trung học cơ sở. Trong khu vực, đại diện cho các nước phân luồng sau tiểu học là Singapore. Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia đại diện cho các nước phân luồng sau bậc trung học cơ sở.

1.1. Phân luồng giáo dục tại Singapore

Singapore được coi là một nước có nền giáo dục phổ thông chất lượng hàng đầu thế giới. Hệ thống giáo dục của đảo quốc này hướng đến sự chuyên môn hóa cao. Đạo luật giáo dục Singapore quy định giáo dục bắt buộc 10 năm[11] với 6 năm tiểu học, 4 năm trung học, và từ 1 đến 3 năm tham gia cấp học sau trung học (post-secondary school). Ngay từ giai đoạn tiểu học, chương trình giáo dục đã hướng tới phát triển các kỹ năng, năng khiếu, sở thích của học sinh nhằm tạo điều kiện cho mỗi học sinh được phát triển theo định hướng phù hợp với năng khiếu và sở thích riêng biệt của mỗi cá nhân.[12] Học sinh tiểu học liên tục tham gia các hoạt động trắc nghiệm, kiểm tra để đánh giá trình độ và thiên hướng cá nhân với mục tiêu sau khi kết thúc bậc tiểu học các em sẽ tham gia vào quá trình phân luồng.

Singapore thiết lập 05 luồng chính trong giáo dục phổ thổng: (i) trung học cơ sở thông thường, (ii) trung học cơ sở cấp tốc (rút ngắn so với trung học cơ sở thông thường 1 năm), (iii) trung học cơ sở  kỹ thuật thông thường, (iv) trường kỹ thuật, (v) đào tạo nghề và liên cấp: học tại trung học cơ sở và trường dự bị đại học.[13] Căn cứ vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE), học sinh sẽ có thể chọn lựa đăng ký học một trong các hệ giáo dục nêu trên tại cấp trung học cơ sở. Học sinh có năng khiếu đặc biệt (khoa học, ngôn ngữ, thể dục, nghệ thuật…) có thể nộp Bảng điểm tuyển chọn trực tiếp vào trung học (DSA-Sec). Bảng điểm này thể hiện các năng khiếu và thành tích đặc biệt có thể không được thể hiện ở PSLE. Các trường trung học cơ sở sẽ đánh giá bảng điểm DSA-Sec của các ứng viên để cho chuyển thẳng vào các lớp năng khiếu của trường.[14]

Chương trình trung học cơ sở cấp tốc và trung học cơ sở đặc biệt chỉ dành cho những học sinh đạt kết quả xuất sắc nhằm tạo cơ hội để học hệ thống trường liên thông từ cơ sở cho đến đại học, hoặc đầu tiên chuyển đến cấp trường cao đẳng rồi chuyển qua cấp đại học. Các chương trình hệ đặc biệt và cấp tốc kéo dài trong 4 năm (tương đương từ lớp 7 đến lớp 10)[15] nhằm chuẩn bị cho các em thi lấy bằng GCE-O hay còn gọi là O-level (Singapore Cambridge General Certificate of Education “Ordinary”). Học sinh theo học hệ trung học cơ sở bình thường có thể học chương trình theo định hướng (i) xã hội – nhân văn hoặc (ii)  kỹ thuật trong 4 năm.[16] Chương trình học kết thúc bằng việc tham gia kỳ thi lấy bằng GCE hay còn gọi là “N-level” (Singapore Cambridge General Certificate of Education “Normal”). Sau khi kết thúc chương trình này, học sinh học thêm một năm nữa để thi lấy bằng GCE-O. Các em học sinh học chuyên ngành kỹ thuật có thể đăng ký tại học viện giáo dục kỹ thuật sau khi có kết quả thi GCE-N (chương trình các cơ sở đào tạo này sẽ dành cho các em học sinh mong muốn phát triển các kỹ năng và kiến thức về kỹ thuật trong các ngành công nghiệp đa dạng).

Trong quá trình tham gia học tập theo chương trình trung học cơ sở thông thường, học sinh có thể được chuyển đổi giữa hai phân luồng học thuật và kỹ thuật. Bộ Giáo dục sẽ xem xét đơn của  phụ huynh và học sinh căn cứ trên chấp thuận của giáo viên và hiệu trưởng của cơ sở đào tạo. Cơ chế này bảo đảm mức độ liên thông nhất định trong quá trình phân luồng giáo dục.

Sau khi đậu kỳ thi lấy bằng GCE “O”, học sinh có thể nộp đơn xin vào học tại trường trung học cơ sở theo chương trình dự bị đại học 2 năm hoặc đăng ký vào học tại một trường đào tạo tập trung theo chương trình dự bị đại học 3 năm. Trường trung học cơ sở và trường đào tạo tập trung đều chuẩn bị cho học sinh thi vào đại học và xây dựng nền tảng cho chương trình học bậc đại học. Chương trình học sẽ tập trung dạy các môn học phục vụ cho kỳ thi bằng GCE-A hay còn gọi là “A-level” (Singapore Cambridge General Certificate of Education “Advanced”).

Các trường cao đẳng sẽ tuyển sinh dựa trên kết quả thi GCE-O hoặc GCE-A của ứng viên. Sau 3 năm tham gia chương trình học, sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu các nghề kỹ thuật. Các trường cao đẳng của Singapore có rất nhiều ngành học từ kế toán, du lịch – khách sạn, cơ khí, hàng hải, cho tới quản trị kinh doanh, hải dương học, điều dưỡng, giáo dục mầm non, truyền thông, công nghệ sinh học, thiết kế công nghiệp, y tá… Chương trình cao đẳng thường có tính ứng dụng rất cao, coi trọng việc học thông qua thực hành, từ đó, giúp sinh viên có thể hòa nhập ngay vào môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp. Hệ thống giáo dục đại học của Singapore cũng cho phép các sinh viên tốt nghiệp cao đẳng loại xuất sắc (top 5%) có thể học tiếp lên đại học (2 năm). Theo báo cáo của National Center for Education and the Economy (NCEE) của Hoa Kỳ , những cá nhân này thường rất được các nhà sản xuất ưa thích tuyển dụng vì họ có tư duy thực hành.

Bên cạnh hệ cao đẳng, Singapore cũng tồn tại một hệ thống cơ sở đào tạo nghề kỹ thuật thấp hơn là Viện Giáo dục kỹ thuật (Institute of Technical Education – ITE). Sinh viên học tại các trường ITE sẽ được trang bị các kỹ năng và kiến thức về kỹ thuật hẹp trong một số ngành công nghiệp. ITE xét tuyển sinh dựa trên kết quả thi O-Level hoặc N-Level. Thời gian theo học trong các chương trình của ITE là 2 năm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tiếp tục học lên các trường cao đẳng.

1.2. Phân luồng giáo dục tại Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong số các đại diện của xu hướng phân luồng giáo dục sau trung học cơ sở. Ở Hàn Quốc, giáo dục bắt buộc phổ cập đến cấp trung học cơ sở, hay nói cách khác, trẻ em từ 6 đến 15 tuổi đều phải đi học.

Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc hoạt động theo cơ chế “6-3-3-4”[17], nghĩa là 6 năm học tiểu học, 3 năm học trung học cơ sở , 3 năm học trung học phổ thông và 4 năm học đại học. Thông thường, học sinh theo học tiểu học và trung học cơ sở ngay tại địa phương nơi họ sinh sống. Học sinh về cơ bản không có nhiều lựa chọn cho đến khi kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc, tức là sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

Hàn Quốc bắt đầu phân luồng sau trung học cơ sở, tương đương độ tuổi trung bình là 15 tuổi của học sinh. Tuy nhiên, tại cấp trung học cơ sở, học sinh đã bắt đầu được chuẩn bị tâm lý để xác định sở trường của mình thông qua các khóa học ngoại khóa và các môn học tự chọn, như kinh tế gia đình và công nghệ, ngoại ngữ, máy tính và công nghệ thông tin, cơ khí. Đặc biệt, một trong những yêu cầu của chương trình trung học cơ sở đặt ra là yêu cầu phát triển các kỹ năng tiếp thu và phát hiện thông tin, phân tích tình huống và triển khai ý tưởng mới, chọn giải pháp. Quá trình học này sẽ giúp học sinh thấy rõ được các tố chất và năng lực của mình, từ đó có lựa chọn định hướng học tập phù hợp.[18]

Sau bậc trung học cơ sở, học sinh có thể lựa chọn hai luồng chính tại cấp trung học phổ thông: (i) trung học phổ thông thông thường/ học thuật (general/ academic high school) và (ii) trung học phổ thông nghề (vocational high school). Ngoài ra, còn có một hệ đào tạo nữa là trung học phổ thông chuyên. Các trường này sẽ chia làm hai nhóm là: các trường trung học phổ thông năng khiếu (chuyên về mỹ thuật, nghệ thuật, thể thao, ngoại ngữ) và trường trung học phổ thông chuyên khoa học kỹ thuật (học sinh của các trường này về sau thường sẽ được ưu tiên học tại Viện Khoa học và công nghệ cao cấp của Hàn Quốc và các khoa kỹ thuật công nghệ của các trường đại học).

Tại cấp trung học, việc học tập không còn miễn phí và phụ huynh học sinh sẽ phải trả tiền học phí cho con. Các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc cho rằng cơ chế này đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi quan điểm truyền thống của phụ huynh đối với việc định hướng con cái học đại học. Việc phải trả tiền học sẽ buộc họ phải cân nhắc rất kỹ về định hướng học phù hợp với năng lực và sở thích của con cái. Thực tế, cơ chế này đã tác động một phần tới cấu trúc phân luồng giáo dục tại Hàn Quốc. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở vẫn lựa chọn học trung học phổ thông học thuật. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh ghi danh vào trung học phổ thông nghề đã đạt khoảng 26%.[19] Cũng cần lưu ý là tỷ lệ này cũng rất khác nhau phụ thuộc vào đặc thù của các địa phương. Cụ thể, tại các thành phố lớn như Seoul, Busan, Daegu và Gwanhju, tỷ lệ học trung học phổ thông học thuật thường sẽ cao hơn rất nhiều so với các tỉnh thành khác.

Học sinh của các trường trung học phổ thông học thuật sẽ học các môn học giống nhau trong năm đầu tiên (tương đương với lớp 10). Từ năm thứ 2 trở đi, họ sẽ được chọn học các môn chuyên ngành mình ưa thích thuộc nhóm khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên để phù hợp với định hướng riêng của mình. Ở các trường trung học phổ thông năng khiếu đặc biệt và trung học phổ thông nghề, chương trình giảng dạy được thiết kế riêng theo phân luồng của ngành học. Mặc dù vậy, các trường này vẫn sẽ có một số môn học như trong hệ thống giáo dục trung học phổ thông thông thường. Điều này sẽ giúp học sinh có kiến thức văn hóa nền tảng, điều rất cần cho việc phát triển chuyên môn trong tương lai. Tại các trường trung học phổ thông nghề, trong năm đầu tiên, học sinh sẽ được học giới thiệu đại cương về nghề trong các ngành nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh, cơ khí, thủy sản, vận chuyển và giúp việc nhà… Quá trình này sẽ diễn ra trong hai năm tiếp theo của bậc trung học phổ thông nghề giúp học sinh hình thành các kỹ năng làm việc cho ngành nghề mà họ lựa chọn.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh muốn tiếp tục học đại học, cao đẳng phải tham dự và vượt qua kỳ thi Kiểm tra khả năng học tập đại học (College Scholastic Ability Test – CSAT). Các bài kiểm tra của CSAT sẽ được thiết kế để kiểm tra các nhóm kiến thức và kỹ năng tương ứng mà học sinh đã học trong 3 năm tại hệ trung học phổ thông liên quan.[20]

Tương ứng với các trường trung học phổ thông thông thường và trung học phổ thông chuyên, sau khi vượt qua kỳ thi, học sinh sẽ được tiếp tục học bậc đại học; tương tự như vậy, các học sinh theo học tại các trường trung học phổ thông nghề, sau khi vượt qua kỳ thi sẽ tiếp tục học cao đẳng nghề. Sau khi kết thúc chương trình học tập và đạt được bằng cao đẳng, sinh viên sẽ có thể vào học đại học nếu muốn. Nếu không muốn theo học đại học với chương trình cử nhân kéo dài từ 4 đến 6 năm, học sinh có thể lựa chọn phương án khác, cụ thể là đi làm, sau đó theo học chương trình cử nhân trong vòng 1 năm.[21]

2. Một số bài học kinh nghiệm cho phân luồng giáo dục tại Việt Nam

Qua việc nghiên cứu về hệ thống giáo dục của Singapore và Hàn Quốc, có thể thấy hai quốc gia này có cách tiếp cận khác nhau về cấu trúc phân luồng. Singapore tổ chức phân luồng ngay sau tiểu học và hướng tới sự chuyên môn hóa cao độ trong giáo dục phổ thông. Để thực hiện được điều này, Singapore phải xây dựng chương trình với nhiều cấu thành khác nhau để bảo đảm tính chuyên môn hóa. Bên cạnh đó, Singapore cũng phải đầu tư phát triển hệ thống giáo dục phi chính thống (để học sinh có thể học để bổ túc kiến thức khi cần). Hàn Quốc trong khi đó thực hiện phân luồng từ sau trung học cơ sở, có lẽ vì hệ thống giáo dục phi chính thống của nước này chưa đủ hoàn thiện. Bên cạnh đó, cũng có một lý do khác, đó là một trong những mục tiêu của giáo dục phổ thông là đào tạo kiến thức phổ thông, tổng quát về tất cả các ngành, lĩnh vực cho người học, làm nền tảng cho suốt cuộc đời về sau. Vì vậy, khi tiến hành phân luồng sớm (sau tiểu học), cũng cần đảm bảo được những người học theo phân luồng nghề vẫn sẽ luôn có điều kiện để học bổ túc các kiến thức phổ thông tối thiểu của người học tại phân luồng định hướng trung học cơ sở thông thường, thông qua các hình thức giáo dục phi chính thống và các cấp độ giáo dục. Thực tế, Singapore phải đầu tư và tập trung rất nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống giáo dục nhiều cấp học và hình thức học khác nhau để phục vụ mục đích phân luồng của mình. Từ đó, có thể thấy rằng lựa chọn tiến hành phân luồng từ sau cấp trung học cơ sở như của Hàn Quốc là phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay. Cụ thể, cần thực hiện giáo dục cơ bản 9 năm (tiểu học và trung học cơ sở) thống nhất cho mọi địa bàn, mọi nhóm đối tượng; khi tiến hành phân luồng tại cấp trung học phổ thông (3 năm) cần phân thành 4 luồng chính: (i) theo định hướng chung (có tính hàn lâm/ khoa học như hiện nay), (ii) định hướng kỹ thuật/ công nghệ, (iii) định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao) và định hướng nghề (trung cấp nghề). Đối với học nghề, cần tập trung thiết kế để nối các chương trình đào tạo kỹ năng mang tính thực hành ở bậc thấp với các chương trình đào tạo mang tính nghiệp vụ ở trình độ cao.

Để thực hiện phân luồng hiệu quả, cả Singapore và Hàn Quốc đều phải có các biện pháp chuẩn bị tâm lý và định hướng cho học sinh trước quá trình phân luồng. Cả hai quốc gia này đều chú trọng áp dụng các biện pháp, phương pháp để kiểm tra và phát hiện năng lực, sở thích của học sinh để từ đó định hướng cho học sinh chọn học theo luồng phù hợp. Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng chương trình đào tạo tại cấp trung học cơ sở nhắm tới phát huy năng lực tư duy phân tích, tư duy độc lập và sáng tạo của học sinh là rất cần thiết cho Việt Nam. Đây được xem là một năng lực quan trọng để học sinh tự tin lựa chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Việc phân luồng giáo dục không nên mang tính cứng, tức là vẫn phải tạo điều kiện để học sinh sau khi lựa chọn một luồng nào đó có thể chuyển luồng (nếu mong muốn). Tại Singapore, mặc dù mang tính chuyên môn hóa cao, hệ thống giáo dục vẫn ghi nhận có khoảng 15% học sinh chuyển phân luồng hằng năm.[22] Việc chuyển luồng có thể diễn ra ở cả hai chiều từ hệ học thuật sang hệ kỹ thuật và ngược lại trên cơ sở yêu cầu của học sinh và đánh giá của nhà trường. Cơ chế này cũng tồn tại trong hệ thống giáo dục của Hàn Quốc mặc dù ở mức độ hẹp hơn khi học sinh hầu như chỉ có thể chuyển đổi luồng học sau năm đầu tiên của trung học phổ thông (khi các môn học còn giống nhau và chưa mang tính chuyên môn hóa cao). Việt Nam khi xây dựng hệ thống phân luồng cũng cần có cơ chế liên thông giữa trung học phổ thông thông thường và trung cấp nghề. Quy định về liên thông giữa các hình thức và cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân phải được thể hiện rõ ràng và minh thị trong Luật Giáo dục. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu tâm tới nội dung chương trình đào tạo của các trường trung cấp nghề phải bảo đảm duy trì các môn học văn hóa cơ bản nhằm duy trì nền tảng kiến thức xã hội và khoa học phổ thông cho học sinh. Điều này sẽ giảm bớt rào cản khi học sinh mong muốn đổi luồng.

Hoàn thiện các nội dung phân luồng giáo dục là phải bảo đảm tạo định hướng nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng cho học sinh, qua đó giúp họ chọn học đúng nghề mà họ ưa thích và có năng lực. Mỗi cá nhân phát huy tối đa năng lực ở mỗi ngành nghề sản xuất kinh doanh sẽ giúp tiết kiệm các nguồn lực trong xã hội. Mặt khác, việc thực hiện phân luồng giáo dục triệt để và có hệ thống sẽ  tạo nên một nền tảng vững vàng cho quá trình chuyên môn hóa nguồn nhân lực – một đòi hỏi cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0..

CHÚ THÍCH

[1] Jorgen Hoffmeyer – Zlotnik, “The Classification of Education as a Sociological Background Characteristic” trong Jürgen H. P. Hoffmeyer-Zlotnik và Christof Wolf (Eds), Advances in Cross-National Comparison: A European Working Book for Demographic and Socio-Economic Variables, 2013, Springer, MA; Ganzeboom, H.B.G. and DJ. Treiman, “Internationally Comparable Measures of Occupational Status for the 1988 International Standard Classification of Occupations”, Social Science Research, 1996, 25:201- 239; Smith, H.L. and M. Garnier. “Association between Background and Educational Attainment in France”, Sociological Methods and Research 1986, 14: 317 – 344.

[2] Phân luồng trong giáo dục đã được đề cập tại Nghị quyết Hội nghị trung ương 2 khóa VIII (năm 1996). Năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã nhấn mạnh vấn đề này: “phân luồng sau trung học cơ sở là việc buộc phải làm để nâng cao chất lượng đào tạo và cân đối nguồn nhân lực”.

[3] Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Báo cáo về tình hình thi tuyển tại các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2010 – 2015, 2016.

[4] Phạm Văn Sơn, “Hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông sau trung học theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục và quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011- 2020”, Tọa đàm thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, Hà Nội, 10/2014.

[5] Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tlđd. Theo thống kê của Vụ giáo dục chuyên nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình hàng năm chỉ có 1,8 – 2% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp.

[6] Vân Anh, “Phân luồng học sinh sau trung học phổ thông, trung học cơ sở: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng?”, Tạp chí Giáo dục Thủ đô, số 54, 2014.

[7] Vân Anh, “Phân luồng học sinh sau trung học phổ thông, trung học cơ sở: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng?”, Tạp chí Giáo dục Thủ đô, số 54, 2014.

[8] Tổng cục thống kê, Báo cáo tỷ lệ thất nghiệp năm 2017

http://www.gso.gov.vn/SLTK/Selection.aspx?rxid=eacda483-cb21-4ce7-a95d-8e87a642e43e&px_db=02.+D%C3%A2n+s%E1%BB%91+v%C3%A0+lao+%C4%91%E1%BB%99ng&px_type=PX&px_language=vi&px_tableid=02.+D%C3%A2n+s%E1%BB%91+v%C3%A0+lao+%C4%91%E1%BB%99ng%5CV02.49.px), truy cập ngày 19/01/2018.

[9] Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 4/11/2013.

[10] Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ngày 28/11/2014.

[11] Theo Điều 2 Luật Giáo dục bắt buộc Singapore: “Trẻ em thuộc độ tuổi bắt buộc đến trường là trẻ em từ trên 6 tuổi nhưng chưa đến 15 tuổi và đáp ứng những điều kiện giáo dục tiểu học”.

[12] Nathan Driskell, Global Perspectives: Streaming In Singapore: It’s Not Tracking, And It Actually Promotes Equity, National Center of Education and the Economy, 12/2017, http://ncee.org/2016/12/streaming-in-Singapore, truy cập ngày 20/12/2017.

[13] NCEE, Singapore’s Streaming Education Structure, http://ncee.org/2016/streaming-in-Singapore, truy cập ngày 20/12/2017.

[14].Xem: https://sg.theasianparent.com/changes-to-Singapore-education-system/

[15]. Xem: http://www.worldwide-edu.vn/he-thong-giao-duc-tai-Singapore.html

[16]  MOE, Singapore Education System, https://www.moe.gov.sg/education/secondary/normal-course-curriculum, last visted 20/1/2018.

[17] Nick Clark (ed.), “Education in South Korea”, World Education News and Reviews, 2013, https://wenr.wes.org/2013/06/wenr-june-2013-an-overview-of-education-in-south-korea, truy cập ngày 20/2/2018.

[18] Park, D., S. Baek, M. Chang, D. Choi and M. Kim, “The Demand for Vocational High School Graduates and Strategies to Improve Educational Capacity”, Korea Research Institute for VocationalEducation and Training, 2010, p. 34.

[19] Randal Jones, “Education Reform in Korea”, OECD Economics Department Working Papers, No. 1067, OECD Publishing, 2013, p. 33 – 35, http://education.stateuniversity.com/pages/1402/South-Korea-SECONDARY-EDUCATION.html#ixzz58y6thkat, truy cập ngày 20/1/2018.

[20] NCEE, South Korea: Instructional Systems, http://ncee.org/what-we-do/center-on-international-education-benchmarking/top-performing-countries/south-korea-overview/south-korea-instructional-systems/, truy cập ngày 20/1/2018.

[21] NCEE, South Korea: Instructional Systems, http://ncee.org/what-we-do/center-on-international-education-benchmarking/top-performing-countries/south-korea-overview/south-korea-instructional-systems/, truy cập ngày 20/1/2018

[22] KOF Factbook, Education System Singapore, p. 11.

  • Tác giả: TS. Trần Việt Dũng & ThS. Nguyễn Thị Kim Cúc & ThS. Nguyễn Xuân Mỹ Hiền
  • Tạp chí Khoa học pháp lý số 02(114)/2018 – 2018, Trang 22-28
  • Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Quy định của một số quốc gia trên thế giới về doanh nghiệp nhà nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia) và những lưu ý cho các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam
Quy định của một số quốc gia trên thế giới về doanh nghiệp nhà nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia) và những lưu ý cho các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam
Quản trị công ty cổ phần theo pháp luật Hàn Quốc: Một vài gợi ý cho Việt Nam
Quản trị công ty cổ phần theo pháp luật Hàn Quốc: Một vài gợi ý cho Việt Nam
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Kỷ luật lao động theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và một số kiến nghị
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động - Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
Thỏa thuận không cạnh tranh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động – Kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam

Chuyên mục: Giáo dục Từ khóa: Phân luồng giáo dục/ Pháp luật Hàn quốc/ Singapore/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2018

Previous Post: « Bàn về mục tiêu giáo dục
Next Post: Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và quyền được học tập trong môi trường an toàn »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng