Mục lục
Trách nhiệm của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay
Tác giả: TS. Lê Kim Nguyệt & ThS. Phạm Nguyễn Hoàng Long
Tóm tắt
Thời gian gần đây, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã được ban hành và tổ chức thực hiện. Nhiều biện pháp tăng cường, thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại các doanh nghiệp đã được áp dụng, tuy nhiên còn nhiều bất cập, hạn chế chưa được giải quyết như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn thiếu, chưa cụ thể hóa cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các doanh nghiệp; chức năng nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu của các Bộ, Ngành và địa phương chưa rõ ràng và còn chồng chéo và đặc biệt là việc thực hiện trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp hiện nay đang còn rất nhiều vấn đề nan giải cần được bàn và giải quyết. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trên cơ sở đó chỉ ra được những định hướng hoàn thiện pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đồng thời đạt được mục đích phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Xem thêm bài viết về “Trách nhiệm của doanh nghiệp”
- Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và vấn đề bảo đảm an ninh môi trường ở Việt Nam – ThS. Nguyễn Tuấn Vũ
- Cách tiếp cận khoa học đối với vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo pháp luật Liên Bang Nga – TS. Morozov Pavel
- Các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) của Việt Nam và những vấn đề đặt ra – ThS. Phùng Thị Yến
1. Nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu luôn là một trong những vấn đề “nóng” mà con người dù ở bất cứ đâu cũng phải tìm cách đối phó. Một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại hiện nay chính là biến đổi khí hậu. Những tác động tiêu cực của nó ngày càng trở nên khó lường ở khắp các châu lục trên thế giới. Chúng ta nhắc nhiều tới biến đổi khí hậu, vậy biến đổi khí hậu thực chất là gì và phát sinh từ đâu thì nhiều người còn rất mơ hồ và không hiểu một cách sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của nó.
Có thể thấy khí hậu tạo thành một khía cạnh quan trọng trong môi trường sống của con người cần phải được xem xét cùng với các vấn đề khác. Khí hậu thường được định nghĩa là trung bình theo thời gian của thời tiết (thường là 30 năm). Sự thay đổi, dao động của khí hậu trong năm hoặc từ năm này qua năm khác luôn tồn tại và được xem xét như là một vấn đề bình thường trong kế hoạch phát triển. Khí hậu thay đổi, một sự thay đổi trong thông số trung bình khí hậu đo trong nhiều thập kỷ chứ không phải là năm, có tiềm năng tương tác và có khả năng phóng đại hiện tượng môi trường khác liên quan đến phát triển, chẳng hạn như sa mạc hóa, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí, hoặc khan hiếm tăng lên của nước ngọt [1]. Theo nghĩa thông thường người ta hiểu khái niệm biến đổi khí hậu hiện nay gắn liền với sự nóng lên toàn cầu, bắt đầu xuất hiện trên thế giới vài thập kỷ trước. Nó được đặc trưng bởi sự gia tăng nhiệt độ trung bình và chủ yếu gây ra sự tan chảy của sông băng và dẫn đến hiện tượng nước biển dâng cao. Nguyên nhân của những biến đổi này có thể là hậu quả của các hiện tượng tự nhiên hoặc có thể do các hoạt động vì mục tiêu phát triển của con người. Đại diện của các quốc gia khác nhau trên thế giới đang cố gắng thực hiện chính sách đấu tranh chống lại sự nóng lên toàn cầu. Năm 1997, họ đã cùng nhau ký kết Nghị định thư Kyoto và một thỏa thuận đã được phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen nhằm giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Biến đổi khí hậu thế kỷ XXI xảy ra phần lớn là do hoạt động xâm lấn của con người. Tỉ lệ mà con người phải chịu trách nhiệm về vấn đề nóng lên toàn cầu từ năm 1995 là hơn 90% (theo số liệu thống kê của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC), nơi quy tụ hơn 2.500 nhà khoa học trên toàn thế giới [2]. Nguyên nhân của biến đổi khí hậu là do ảnh hưởng rất lớn từ nạn phá rừng; sản xuất carbon dioxide và đặc biệt là hiện tượng đốt nhiên liệu hóa thạch. Hoạt động năng lượng mặt trời hoặc khí thải phát ra từ núi lửa là những hiện tượng tự nhiên cũng ảnh hưởng đến sự thay đổi nhiệt độ. Các chuyên gia ước tính sự nóng lên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong thế kỷ 21, tăng từ 1,8 đến 3,4°C trong năm mươi năm tới. BĐKH thể hiện ở nhiều dạng khác nhau như các biến đổi về đặc điểm khí hậu (nóng lên hoặc hạ nhiệt) tại một nơi hay theo một thời gian nhất định nào đó. Một số dạng ô nhiễm không khí do các hoạt động của con người gây ra cũng có nguy cơ làm biến đổi khí hậu một cách đáng kể dẫn đến sự nóng lên của toàn cầu. Hiện tượng này có thể mang đến những rủi ro cho môi trường và con người thông qua một số biểu hiện như mực nước biển dâng cao, thời tiết khắc nghiệt: hạn hán, lũ lụt, lốc xoáy, sóng thần,… mất ổn định rừng, đe dọa tài nguyên nước ngọt, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, sa mạc hóa, giảm thiểu đa dạng sinh học, làm gia tăng các loại bệnh tật nhiệt đới.. Theo IPCC (1995), biến đổi khí hậu sẽ làm xáo trộn nguồn nước; làm gia tăng tần suất và cường độ của các thảm họa thiên nhiên liên quan đến khí hậu như hạn hán, lũ lụt, bão, lốc xoáy..; biến đổi khí hậu cũng luôn là mối đe dọa về sự biến mất của một số khu vực ven biển, đặc biệt là đồng bằng châu thổ, rừng ngập mặn, rạn san hô..; biến đổi khí hậu có thể làm giảm 17,5% diện tích đất của Bangladesh và 1% của Ai Cập; biến đổi khí hậu làm thúc đẩy sự hồi sinh của bệnh sốt rét và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm như salmonella hoặc bệnh tả. Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn có thể đẩy nhanh sự suy giảm đa dạng sinh học: sự biến mất của các loài động vật hoặc thực vật;
Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng các nước đang phát triển dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu hơn các nước giàu và người nghèo phải đối mặt với sự tàn phá ngày càng tăng do sự khắc nghiệt của thời tiết gây ra như lũ lụt, hạn hán, bão… Thách thức của biến đổi khí hậu đặt ra hai vấn đề lớn: lượng khí thải carbon toàn cầu phải giảm, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng của người nghèo. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là điều cần thiết để đạt được mục tiêu giảm nghèo và phát triển. Các nước nghèo nhất thực sự có thể là nạn nhân đầu tiên và đồng thời là nạn nhân chính từ hậu quả của biến đổi khí hậu. Một phương pháp phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả phải liên quan đến cả việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính và quá trình thích ứng ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương.
Nhìn chung các quan niệm và nhận thức về biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới hay các tổ chức quốc tế đều có những nội dung tương tự như nhau đó là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình và/hoặc dao động của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài hơn; có thể là do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc các tác động bên ngoài, hoặc do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển. Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do đặc thù địa lý có bờ biển dài chạy dọc đất nước. Những năm gần đây Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều thiên tai bất thường như hạn hán, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở,… Thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn và có diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nước, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội. Để ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu quả, ngăn ngừa và giảm thiểu đến mức tối đa các tác động tiêu cực của nó đến sức khoẻ cộng đồng, Nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực chính trị, thông qua hệ thống các quy phạm pháp luật để thể chế các quan điểm, đường lối, chính sách của mình liên quan đến biến đổi khí hậu, quy định quy trình thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu; quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ ứng phó với biến đổi khí hậu và trách nhiệm pháp lý khi thực hiện những vi phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu,… Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, các đợt lũ ống, lũ quét, mưa bão trong những năm gần đây tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung ở nước ta đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Các doanh nghiệp Việt nam đã và đang tích cực triển khai, thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng không ngừng được hoàn thiện. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17 tháng 11 năm 2017 về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”,… đã đề ra những định hướng chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu một cách có hiệu quả. Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi nỗ lực của toàn cầu và hành động quyết liệt của mỗi quốc gia, trong đó việc phát triển các ngành kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng. Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2017, để triển khai thực hiện, tỉnh Bến Tre đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng của thị trường. Cùng với đó, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre ngày càng được nhân rộng. Qua đó, diện tích canh tác lúa giảm hơn 10.000 ha để chuyển sang nuôi trồng thủy sản ở vùng mặn, trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi [3]. Thúc đẩy việc phát triển các ngành kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng vì các lý do: Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai nội dung kế hoạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Trong thời gian qua việc ứng phó với biến đổi khí hậu đã được lồng ghép vào chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển của đất nước và đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 và mới đây là Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020. Theo đó, khung pháp lý về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được bổ sung, hoàn thiện hơn để không chỉ giải quyết được những thách thức của biến đổi khí hậu, tạo tính liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn tận dụng những lợi thế, cơ hội biến đổi khí hậu có thể mang lại, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó chỉ ra được những những định hướng hoàn thiện pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đồng thời đạt được mục đích phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
2. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Những năm gần đây, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng đã được ban hành và thực hiện. Có thể thấy, doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, vừa đóng vai trò rất quan trọng trong việc trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ về biến đổi khí hậu cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp như nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm các nội dung chủ yếu như quản lý chất thải, thu hồi năng lượng từ chất thải hay các chủ trương điều tiết thông qua chính sách thuế, các ưu đãi hỗ trợ… đây là những nội dung pháp lý quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Doanh nghiệp đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường và trở thành một nhân tố cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở nước ta. Đạt được điều đó cần nhiều yếu tố, trong đó, không thể không kể đến trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuôn khổ pháp lý cho việc nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp về cơ bản đã được đề cập trong các Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (Quyết định 158/2008/QĐ-TTg, 2008 và 1183/QĐ-TTg, 2012 cho giai đoạn 2012– 2015), Chiến lược quốc gia về BĐKH (Chiến lược BĐKH, Quyết định số 2139/QĐ-TTg, 2011) và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam (Chiến lược TTX: Quyết định số 1393/QĐ-TTg, 2012). Và được cụ thể hoá trong Luật bảo vệ môi trường 2014, Luật bảo vệ môi trường 2020… Có thể nhận thấy, các quy định về trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp cũng đã có bước tiến lớn, những thay đổi phù hợp hơn với thực tế phát triển ở Việt Nam. Trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được nâng cao, vai trò cũng đang dần được khẳng định ngay trong các quy định pháp luật trong lĩnh vực này. Luật bảo vệ môi trường 2014 và gần đây là Luật bảo vệ môi trường năm 2020 là văn bản được xem là kim chỉ nam quan trọng nhất về pháp lý dành cho bảo vệ môi trường nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng.
Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã nhận thức rõ ràng về các tác động cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và bắt đầu xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu như: sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường… Tại Hà Nội, các quy định về giảm phát thải khí nhà kính đang được tích cực áp dụng. Uỷ ban nhân dân Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thống kê phát thải khí nhà kính ở các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp… Triển khai chương trình hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm trên địa bàn; hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố thực hiện trách nhiệm theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các hoạt động trên nhằm góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng và thực thi hiệu quả các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong thời gian tới. Tại Đà Nẵng, hiện thành phố này đã ban hành các quy định, quy trình, thủ tục, hồ sơ vay vốn để tiếp cận với nguồn vốn, thực hiện các giải pháp đầu tư về nhà xưởng, các giải pháp về công nghệ sản xuất, trang thiết bị giảm phát thải khí nhà kính nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại đơn vị. Quỹ đầu tư phát triển thành phố đã và đang tiến hành cho vay các dự án phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp, đầu tư xe taxi chạy nhiên liệu gaz; cấp điện phục vụ xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay. Các công trình dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường đều được vay với lãi suất ưu đãi 8,5%. Ngoài ra, có thể tham khảo các giải pháp rất hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu như tại Công ty Nippon Koei, Nhật Bản: Công ty đang thực hiện cơ chế tín chỉ JCM (cơ chế giảm phát thải cacbon) được đề xuất bởi Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa Nhật Bản với các nước đang phát triển như Việt Nam để thực hiện các hành động giảm phát khí thải nhà kính thông qua việc chuyển giao công nghệ sạch và tiên tiến từ Nhật Bản. Cụ thể, khi tham gia cơ chế tín chỉ JCM, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được Bộ Môi trường Nhật Bản hoặc Bộ Kinh tế Thương mại và Công thương Nhật Bản hỗ trợ về công nghệ và tài chính, lên đến 50% tổng chi phí đầu tư. Đây sẽ là cơ hội về nguồn vốn cho doanh nghiệp khi liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản để áp dụng các giải pháp công nghệ của Nhật Bản liên quan đến tiết kiệm năng lượng, giảm lượng phát thải khí nhà kính, góp phần tuân thủ các quy chuẩn xả thải ra môi trường [4].
Các lĩnh vực ưu tiên đã được xác định trong thực hiện Kế hoạch Paris tại Việt Nam, nhiều cơ hội cũng được tạo ra cho các doanh nghiệp, đó là các cơ hội cho nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Những lĩnh vực đầy hứa hẹn gồm năng lượng tái tạo; đô thị thông minh, thân thiện hệ sinh thái; giao thông thông minh; công trình và giải pháp thích ứng hoặc tăng khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu,… Pháp luật quy định các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu được ưu tiên gồm: Phát triển ngành và liên ngành khoa học về quản lý, đánh giá, giám sát và dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế – xã hội, môi trường, sức khỏe cộng đồng; Hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học
cơ bản và ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại trong giảm nhẹ khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, sản xuất trọng điểm, phát triển nền kinh tế các bon thấp và tăng trưởng xanh. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện hoặc tham gia hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Hoạt động phát triển các ngành kinh doanh thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang dần khẳng định được vai trò của mình và trở thành một nhân tố cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.
Nhiều quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại các doanh nghiệp đã được áp dụng, tuy nhiên còn nhiều bất cập, hạn chế đang tồn tại, chưa được giải quyết như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể hóa cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các doanh nghiệp; chức năng nhiệm vụ về ứng phó với biến dổi khí hậu của các Bộ, Ngành và địa phương chưa rõ ràng và còn chồng chéo; Các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn phân tán; các quy định về thích ứng chủ yếu về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Phần lớn quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được bổ sung yếu tố biến đổi khí hậu. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước mới được thiết lập ở Trung ương với đội ngũ cán bộ còn mỏng, chưa đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác nghiên cứu khoa học cơ bản về biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế và đặc biệt là việc thực hiện trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp hiện nay đang còn rất nhiều vấn đề nan giải cần được bàn và giải quyết. Hơn nữa, việc tuân thủ các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay chưa thực sự hiệu quả, hàng loạt những hạn chế, bất cập liên quan đến bảo đảm quyền và lợi ích về môi trường của các chủ thể, công khai hoá thông tin và các lợi ích có liên quan, các quy định về phát triển các ngành nghề mới thích ứng với biến đổi khí hậu… Điều này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, mà một trong những nguyên nhân chính là khung pháp lý về ứng phó với biến đổi khí hậu được ban hành và tuân thủ chưa đầy đủ làm cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể có liên quan và ngăn ngừa các xung đột lợi ích về môi trường một cách có hiệu quả. Có thể thấy, Việt Nam có rất ít công cụ pháp luật để thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Một khó khăn nữa là sự thiếu nhận thức về biến đổi khí hậu trong cộng đồng, đặc biệt là doanh nghiệp dẫn đến những khó khăn nhất định trong thực thi và tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này.
Từ những phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng việc hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu phải được tiến hành theo các định hướng sau đây: Một là, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam phải trên cơ sở quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và chiến lược xây dựng pháp luật của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Hai là, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu phải trên cơ sở vận dụng linh hoạt các lý thuyết hiện đại về phát triển bền vững; về phòng ngừa ô nhiễm môi trường; Những quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước về ý nghĩa của hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam; Nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu của doanh nghiệp và các chủ thể khác; Ba là, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam phải trên cơ sở sửa đổi, bổ sung, phát triển những quy định hiện hành về vấn đề này; Bốn là, cần chú trọng tuyên truyền các quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Những quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía các doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện thông qua việc không tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Sự không tuân thủ này có thể lý giải bởi một số nguyên nhân như những quy định về lĩnh vực này còn sơ sài, còn thiếu vắng các quy định hướng dẫn thi hành và do đó, dù muốn áp dụng nhưng các doanh nghiệp vẫn lúng túng đi tìm những nguồn hướng dẫn khác. Chính sự khó khăn này đã làm nản lòng các doanh nghiệp dẫn đến điều dễ hiểu là quy định này không được họ đón nhận. Năm là, chúng tôi cho rằng giải pháp khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh là rất cần thiết. Khuyến khích việc triển khai áp dụng khoa học công nghệ kỹ thuật tiên tiến nhằm khống chế ô nhiễm môi trường như công nghệ “sản xuất sạch hơn“, các “nhãn xanh” hay đề xuất các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, các cơ sở tuân thủ tốt các quy định pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần có chính sách ưu đãi về thuế (miễm hoặc giảm thuế) đối với những doanh nghiệp, các cơ sở có hoạt động kinh tế lần đầu áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, sáng kiến kỹ thuật hay có các giải pháp hữu ích vào dây truyền sản xuất sạch, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, dây truyền công nghệ khép kín… Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc xây dựng và ban hành pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt nam phải phù hợp với các thông lệ quốc tế. Cần đẩy mạnh việc khảo sát, hội thảo, học tập kinh nghiệm về xây dựng và ban hành pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở các nước có điều kiện tương đồng như Việt Nam. Như chúng ta đã biết, hiện nay xu hướng “toàn cầu hoá” đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia trên thế giới. Tạm đặt sang một bên những nguy cơ, những thách thức có thể gặp phải trong việc hội nhập, chúng ta không khỏi thừa nhận những lợi ích to lớn mà xu thế đó đem lại. Đó là việc tạo động lực thúc đẩy sự phát triển trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội của đất nước mà môi trường là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất. Trong hoàn cảnh hiện nay khi các nguồn lực và kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, nếu thiếu sự hợp tác quốc tế thì đất nước ta khó có thể giải quyết các vấn đề môi trường một cách triệt để. Vì vậy, có thể khẳng định việc cùng tham gia hội nhập với các quốc gia trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu là một xu thế tất yếu.
3. Kết luận
Có thể khẳng định vai trò to lớn của các doanh nghiệp trong việc tạo ra nhiều việc làm, sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm, hàng hóa có giá trị kinh tế cao cho đất nước. Tuy nhiên, với quá trình phát triển kinh tế đất nước trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, có nguy cơ làm biến đổi khí hậu một cách đáng kể dẫn đến sự nóng lên của toàn cầu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và cuộc sống của người dân và cộng đồng. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu là một yêu cầu hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, của toàn xã hội và đặc biệt là của các doanh nghiệp để đối phó kịp thời trước khi các vấn đề về môi trường trở nên quá trầm trọng.
Tài liệu tham khảo
[1] Tô Thúy Nga, Tích hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, 2015, 21,
[2] Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC) đã xuất bản hàng loạt các báo cáo kỹ thuật liên quan đến BĐKH, tiêu biểu là 5 báo cáo đánh giá tổng hợp gồm: Báo cáo đánh giá IPCC thứ nhất năm 1990 (FAR); Báo cáo đánh giá IPCC thứ 2 năm 1995: Biến đổi khí hậu (SAR); Báo cáo đánh giá IPCC thứ 3 năm 2001: Biến đổi khí hậu (TAR); Báo cáo đánh giá IPCC thứ 4 năm 2007: Biến đổi khí hậu (AR4); Báo cáo đánh giá IPCC thứ 5 năm 2014.
[3] Diệp Anh, Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, 2019, link:
http://www.bienphong.com.vn/san-xuat-nong nghiep-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau, cập nhật ngày 7/8/2019
[4] Công tâm, Tìm kiếm giải pháp cho các doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, 2019, link: https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet, truy cập ngày 20/10/2019.
Trả lời