Mục lục
Một số so sánh về công ty cổ phần theo Luật công ty Nhật Bản và Luật doanh nghiệp Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Thị Lan Hương
Tóm tắt
Luật công ty (LCT) Nhật Bản và Luật doanh nghiệp (LDN) Việt Nam đều có những qui định tương đồng về quyền của cổ đông như quyền hưởng lợi tức cổ phần, quyền biểu quyết, quyền tự do chuyển nhượng cổ phần, quyền xem xét trích lục các thông tin, v.v… và qui định về tổ chức nội bộ công ty cổ phần (CTCP) bao gồm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS). Bảo vệ cổ đông của CTCP và xây dựng mô hình tổ chức nội bộ phù hợp là những vấn đề trung tâm trong LCT Nhật Bản và LDN Việt Nam.
CTCP ở Việt Nam có sự tham gia của cổ đông nhà nước trong cơ cấu cổ đông, mặc dù đạt được mục đích duy trì quyền chi phối trong công ty nhưng trong nhiều công ty, vị thế của cổ đông nhà nước bị lạm dụng dẫn tới làm thiệt hại cho cổ đông nói chung. Ở Nhật Bản nhằm khắc phục tình trạng hình thức hóa của HĐQT, BKS đã xây dựng mô hình tổ chức nội bộ mới trong đó thành lập các Ủy ban trực thuộc HĐQT trong đó có Ủy ban giám sát làm nhiệm vụ giám sát thường xuyên hoạt động quản lý điều hành công ty thay cho BKS của mô hình cũ.
Từ sự so sánh đối chiếu cho thấy rằng, tạo ra tổ chức nội bộ phù hợp nhằm kiểm soát thường xuyên trong cơ quan thường trực quản lý giám sát hoạt động kinh doanh là HĐQT. Sự du nhập mô hình tổ chức nội bộ mới ở Nhật Bản tạo ra sự phân quyền và giám sát lẫn nhau trong HĐQT trong thực hiện hoạt động quản lý, điều hành kinh doanh và giám sát. Đây có thể trở thành bài học kinh nghiệm cho Việt Nam cho hoàn thiện pháp luật công ty để bảo vệ cổ đông và xây dựng mô hình tổ chức nội bộ phù hợp.
Xem thêm bài viết về “Công ty cổ phần”
- Sự cần thiết xây dựng chế định về Công ty hợp vốn cổ phần ở Việt Nam – TS. Nguyễn Văn Lâm
- Quản trị công ty cổ phần theo pháp luật Hàn Quốc: Một vài gợi ý cho Việt Nam – TS. Phan Thị Thanh Thủy
1. Tình hình nghiên cứu so sánh pháp luật về công ty cổ phần ở Nhật Bản và Việt Nam
Hiện nay ở nước ta, có nhiều nghiên cứu của các học giả kinh tế và pháp luật về CTCP trong nước như nghiên cứu CTCP gắn với thị trường chứng khoán, nghiên cứu về quản lý của CTCP và quyền và nghĩa vụ của cổ đông trong CTCP có một số nghiên cứu so sánh LDN ở Việt Nam và các nước [1].
Về nghiên cứu pháp luật CTCP Nhật Bản và Việt Nam, có một số bài viết như chế độ sở hữu cổ phần, về quan hệ pháp lý giữa công ty mẹ và công ty con [2]; và quyền đại diện tố tụng của cổ đông [3]. Ngoài ra, có một số Luận văn thạc sỹ và Luận án tiến sỹ luật học có đề cập đến mô hình tổ chức nội bộ CTCP của Nhật Bản. Các nghiên cứu này ít nhiều đã đề cập đến thực trạng pháp luật của Nhật Bản và so sánh, đối chiếu với những vấn đề pháp lý liên quan theo LDN Việt Nam nhằm đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện các qui định của LDN Việt Nam.
Do nguồn tư liệu hạn hẹp nên việc nghiên cứu về LCT của Nhật Bản chưa nhiều. Nhìn chung, phương pháp đối chiếu pháp luật vận dụng là phù hợp nhằm tìm ra sự tương đồng và khác biệt giữa các chế định LDN Việt Nam so với LCT Nhật Bản. Việc sử dụng phương pháp so sánh luật học còn hạn chế do thiếu các nguồn thông tin cần thiết để đánh giá các qui định sửa đổi đặt trong bối cảnh kinh tế xã hội của Nhật Bản.
2. Một số so sánh về quyền của cổ đông và tổ chức nội bộ theo Luật công ty Nhật Bản và Luật doanh nghiệp Việt Nam
Trong phần này, tác giả tập trung làm rõ một số vấn đề về quyền của cổ đông và tổ chức nội bộ CTCP từ góc độ so sánh, đối chiếu LCT Nhật Bản và LDN Việt Nam.
2.1. Công ty cổ phần trong Luật công ty Nhật Bản và Luật doanh nghiệp Việt Nam
CTCP là loại hình công ty có thể huy động vốn từ nhiều tổ chức và cá nhân bằng cách phát hành và chào bán cổ phần. Ở Việt Nam, LCT năm 1990 công nhận hình thức CTCP, từ năm 1995, loại hình công ty này đã trở thành phổ biến cùng với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Hiện nay, CTCP là loại hình doanh nghiệp có khả năng mở rộng qui mô vốn thông qua thị trường chứng khoán.
Ở Nhật Bản, CTCP được coi là trụ cột của nền kinh tế. Luật thương mại (LTM) Nhật Bản với bề dày lịch sử hàng trăm năm đã công nhận sự tồn tại của loại hình công ty này. Qua nhiều lần sửa đổi, LTM đã hoàn thiện để điều chỉnh phù hợp với thực tế phát sinh. Năm 2005, LCT đã được hiện đại hóa về ngôn ngữ, được tách ra khỏi LTM trở thành một đạo luật độc lập.
Ở Việt Nam, LDN 2005 là sản phẩm của kinh nghiệm lập pháp 15 năm. Từ những điều khoản sơ khai về CTCP và công ty trách nhiệm hữu hạn trong LCT 1990, những chế định pháp luật đã được cụ thể bằng nhiều điều khoản trong LDN 1999, đây chính là nền tảng cho ra đời LDN 2005. LDN hiện hành với 172 điều khoản, trong đó có 54 điều khoản qui định riêng về CTCP.
LDN Việt Nam và LCT Nhật Bản có các qui định tương đồng về CTCP, như qui định về vốn điều lệ, cổ phần, quyền của cổ đông, chuyển nhượng cổ phần, tổ chức nội bộ, v.v…
2.2. Quyền của cổ đông trong công ty cổ phần
Theo LDN Việt Nam, cổ đông được hiểu là người sở hữu cổ phần đã phát hành bởi CTCP, cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp của công ty (LDN Điều 77, Khoản 1 Điểm c). Với vị trí này, cổ đông có những quyền của người góp vốn bao gồm: quyền dự họp ĐHĐCĐ, quyền biểu quyết, quyền đề cử thành viên HĐQT, BKS, quyền tiếp cận thông tin, quyền được hưởng cổ tức, quyền ưu tiên mua cổ phần mới, quyền chuyển nhượng cổ phần, quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần, quyền nhận tài sản còn lại khi công ty phá sản.
Quyền của cổ đông được phân loại phụ thuộc vào cổ phần nắm giữ. Cả Việt Nam và Nhật Bản đều qui định cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi. Cổ đông phổ thông là người sở hữu cổ phần phổ thông trong CTCP, và chiếm đa số trong CTCP.
Cổ đông ưu đãi là người sở hữu cổ phần ưu đãi trong CTCP. Cổ đông ưu đãi có quyền và lợi ích đặc biệt mà cổ đông phổ thông không có như quyền ưu đãi biểu quyết, quyền ưu đãi cổ tức, quyền ưu đãi hoàn lại.
Ở Việt Nam, cơ cấu cổ đông của CTCP khác với Nhật Bản ở chỗ có sự tham gia của cổ đông nhà nước trong các CTCP. Cổ đông nhà nước có thể sở hữu đa số cổ phần để giữ vai trò chi phối trong CTCP. LDN qui định hình thức pháp lý để thực hiện quyền sở hữu của cổ đông nhà nước. Cụ thể là: DNNN là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ (Điều 4 Khoản 22). Phần vốn góp của sở hữu nhà nước là phần vốn góp được đầu tư từ nguồn vốn NSNN và nguồn vốn khác của Nhà nước do một cơ quan nhà nước hoặc tổ chức kinh tế làm đại diện chủ sở hữu (Điều 14, khoản 8). Không phải trong tất cả CTCP, nhà nước đều sở hữu cổ phần, đối với một số CTCP được hình thành cổ phần hóa DNNN hoạt động trong lĩnh vực nhà nước cần giữ vai trò chi phối như bảo hiểm, ngân hàng, xây dựng, v.v… thì tỉ lệ sở hữu được duy trì trên 50%. Còn trong nhiều CTCP hoạt động trong lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối thì cổ phần do nhà nước có thể được bán tùy thuộc vào chủ trương của Chính phủ và cơ quan quản lý vốn nhà nước trực tiếp.
Ở Việt Nam, sự bất cập trong thực hiện quyền của cổ đông ở chỗ: phiên họp ĐHĐCĐ của CTCP thường bị chi phối bởi nhóm cổ đông chi phối, cổ đông thiểu số thường không có tiếng nói trong ĐHĐCĐ. Bên cạnh đó, trong các CTCP hình thành từ cổ phần hóa DNNN thì công đoàn trở thành một chủ thể sở hữu cổ phần bằng nguồn vốn đầu tư từ nguồn quỹ hợp pháp (của công đoàn) tại doanh nghiệp cổ phần hóa (không huy động, vay vốn) để mua cổ phần nhưng không quá 3% vốn điều lệ. Số cổ phần này do Công đoàn nắm giữ nhưng không được chuyển nhượng. Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc sử dụng nguồn quỹ hợp pháp để mua cổ phần trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi người lao động tại doanh nghiệp. Mặc dù Công đoàn là một chủ thể đặc biệt sở hữu cổ phần nhưng LDN không qui định riêng về thực hiện quyền sở hữu của chủ thể này, bởi vậy, chỉ có thể hiểu tổ chức Công đoàn chỉ là một nhà đầu tư – cổ đông phổ thông. Với mức sở hữu 3%, công đoàn không có quyền đề cử người ứng cử vào HĐQT, bởi vậy năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần của công đoàn từ 3% lên 5%. Tuy nhiên, không phải trong mọi CTCP, công đoàn đều sở hữu nguồn kinh phí lớn đủ để tham gia vào HĐQT, sự kết hợp giữa mục đích bảo vệ quyền lợi của người lao động và tham gia vào HĐQT để tham gia quản lý điều hành CTCP chỉ có thể được thực hiện tốt nếu kết hợp giữa các lợi ích của người lao động, lợi ích của công ty và lợi ích của cổ đông. Ở Nhật Bản nhiều CTCP cho người lao động nắm cổ phần nhằm tạo ra cơ cấu cổ đông ổn định. Hội nắm cổ phần của người lao động mua cổ phần và phân phối cho người lao động, cổ phần này không được phân phối cho người bên ngoài, và khi người lao động thôi việc thì bán lại cho Hội nắm cổ phần.
3. Sự khác biệt trong tổ chức nội bộ công ty cổ phần ở Nhật Bản và Việt Nam
3.1. Mô hình tổ chức nội bộ công ty cổ phần truyền thống ở Nhật Bản và so sánh với Việt Nam
Mô hình tổ chức nội bộ truyền thống trong đó CTCP có thiết lập ĐHĐCĐ, HĐQT và BKS đều được pháp luật Nhật Bản và Việt Nam công nhận.
Cổ đông góp vốn vào CTCP, thông qua ĐHĐCĐ quyết định phương hướng kinh doanh và những vấn đề quan trọng của công ty như bầu và bãi miễn thành viên HĐQT. Theo LDN Việt Nam, cổ đông thực hiện quyền biểu quyết và gây ảnh hưởng bằng thực hiện biểu quyết trong đó các vấn đề quyết định tại ĐHĐCĐ được thông qua khi tỉ lệ biểu quyết trên 65% và 75% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp, đặc biệt cổ đông có khả năng thực hiện quyền hữu hiệu hơn thông qua nguyên tắc cộng dồn phiếu khi biểu quyết bầu thành viên HĐQT và KSV (Điều 104 Khoản 3 Điểm c).
Theo Pháp luật Việt Nam, HĐQT là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ như quyết định chiến lược, kế hoạch hàng năm của công ty, kiến nghị các loại cổ phần, và kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty, quyết định chào bán cổ phần mới, giá chào bán cổ phần và trái phiếu của công ty, quyết định mua lại cổ phần, phương án đầu tư và dự án đầu tư, bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức, ký hợp đồng với Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty qui định, giám sát và chỉ đạo Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người điều hành công việc hàng ngày của công ty… (LDN Điều 108).
Theo LCT Nhật Bản, về nguyên tắc trong CTCP không cần thiết lập HĐQT. Tuy nhiên, LCT qui định có 3 loại CTCP phải thiết lập HĐQT đó là công ty đại chúng, công ty có thiết lập BKS và công ty có thiết lập các ủy ban (Điều 327 Khoản 1). Còn công ty có thiết lập BKS là CTCP buộc phải thiết lập BKS là công ty đại chúng trừ công ty có thiết lập các ủy ban (Điều 328 Khoản 1). Còn đối với những CTCP không cần thiết phải thiết lập BKS thì cũng có thể thỏa thuận thành lập BKS (Điều 326 Khoản 2). Trong CTCP có thiết lập HĐQT thì phải bầu một thành viên làm đại diện HĐQT (Điều 362 Khoản 3).
Trong CTCP có thiết lập các ủy ban thì có đại diện điều hành, còn trong CTCP chỉ có một người điều hành thì người này trở thành đại diện điều hành (LCT Điều 420 Khoản 1). Trong trường hợp công ty có nhiều người điều hành, thì HĐQT sẽ xác định mối quan hệ giữa những người điều hành, xác định công việc và nhiệm vụ của từng người trong thực hiện Nghị quyết của HĐQT (Điều 416 Khoản 1 Mục 1).
Ở Việt Nam, Chủ tịch HĐQT do ĐHĐCĐ hoặc HĐQT bầu ra. Trong trường hợp HĐQT bầu ra chủ tịch HĐQT thì Chủ tịch được bầu trong số đó có thể kiêm nhiệm giám đốc hoặc tổng giám đốc (LDN Điều 111), giám đốc hoặc tổng giám đốc có thể là đại diện theo pháp luật trong trường hợp Điều lệ công ty không qui định chủ tịch HĐQT là đại diện theo pháp luật (Điều 116, Khoản 1). Còn ở Nhật Bản, đại diện HĐQT là đại diện công ty, điều hành hoạt động trong công ty, tiến hành giao dịch và ký kết hợp đồng với bên ngoài.
Ở Nhật Bản, hoạt động giám sát của HĐQT tồn tại bất cập. HĐQT có nghĩa vụ giám sát đại diện HĐQT điều hành hoạt động kinh doanh nhưng không phát huy tác dụng, bởi vì quá nửa các thành viên HĐQT là cấp dưới của đại diện HĐQT nên cho nên HĐQT khó có thể giám sát có hiệu quả hoạt động của đại diện HĐQT. Đối với công ty lớn, có qui mô lớn, số thành viên HĐQT có khi lên tới 30, 40 người, việc quyết định các vấn đề rất khó khăn, bởi vậy, các thành viên HĐQT thường nhóm họp bàn bạc trước sau đó, triệu tập phiên họp HĐQT để quyết định chính thức, do vậy, sự tồn tại của HĐQT trở nên hình thức. Còn ở Việt Nam, trong một số CTCP, có tình trạng thành viên HĐQT đại diện quản lý phần vốn của nhà nước quyết định các vấn đề đi ngược lại lợi ích của cổ đông.
BKS là tổ chức nội bộ do ĐHĐCĐ bầu ra được pháp luật trao cho quyền giám sát hoạt động của người quản lý, điều hành công ty. Theo LDN Việt Nam, BKS có từ 3 đến 5 thành viên, nếu Điều lệ công ty không có qui định khác, nhiệm kỳ của BKS không quá 5 năm (Điều 121). Trong BKS, nửa số thành viên phải cư trú tại Việt Nam và phải có ít nhất một thành viên là kế toán viên hoặc kiểm toán viên. Còn ở Nhật Bản, trong các CTCP buộc phải thiết lập BKS thì BKS cần thiết có từ 3 thành viên trở lên, trong đó một nửa phải là kiểm soát viên (KSV) bên ngoài (Điều 335 Khoản 3) và phải có KSV thường trực.
Ở Nhật Bản, có những hạn chế nhất định trong thực hiện quyền giám sát của BKS. Trong nhiều CTCP, BKS không kiểm tra giám sát đúng đắn hoạt động quản lý điều hành thành viên HĐQT. Luật cấm thành viên HĐQT và người lao động kiêm KSV, trên thực tế, KSV là cấp dưới của người quản lý công ty, KSV thường là người chủ sử dụng lao động cũ nên việc giám sát khách quan rất khó được thực hiện.
Ở Nhật Bản, trong một thời gian dài áp dụng mô hình truyền thống, bên cạnh duy trì chế độ giám sát của HĐQT và BKS đối với hoạt động quản lý điều hành, trên thực tế, người lao động và ngân hàng chủ đạo là chủ thể giám sát trong CTCP. Cả người lao động và ngân hàng chủ đạo đều có mối quan hệ lợi ích lâu dài với công ty. Người lao động theo chế độ hợp đồng dài hạn và hưởng lương theo thâm niên thường thực hiện hoạt động giám sát có lợi cho họ. Còn ngân hàng chủ đạo vừa là người cho vay, vừa là người đi vay và người sở hữu cổ phần của công ty, việc giám sát này cũng dần dần mất tác dụng do các ngân hàng thay vì giám sát sử dụng vốn thì là tiếp tục cấp tín dụng cho những CTCP làm ăn thua lỗ để duy trì quan hệ tín dụng.
Mặc dù chế độ KSV bên ngoài được du nhập vào LCT, tuy nhiên, chế độ này được đánh giá là chưa hiệu quả bởi KSV bên ngoài nếu so với KSV bên trong thì họ có ít hiểu biết về hoạt động của công ty, và thành viên này lại có khả năng kiêm nhiệm hoạt động của công ty khác nên không có nhiều thời gian giám sát. Ngoài ra, tuy sự tham gia của KSV bên ngoài là cần thiết, nhưng trên thực tế, thành viên HĐQT và người lao động thường ít cung cấp các thông tin cho KSV bên ngoài. Có nghĩa là cho dù KSV bên ngoài có sự trung lập nhưng có hạn chế nhất định trong việc thực hiện quyền hạn.
Còn ở Việt Nam, trên thực tế, BKS trong nhiều CTCP cũng bị hình thức hóa, chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn và nhiệm vụ được giao như giám sát HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý điều hành công ty, kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, trung thực và mức độ cẩn trọng trong hoạt động quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính cũng như trong triệu tập ĐHĐCĐ.
3.2. Mô hình công ty có thiết lập ủy ban ở Nhật Bản
Mô hình công ty này được du nhập vào Nhật Bản năm 2002. Khác với CTCP có thiết lập BKS, mô hình CTCP có thiết lập ủy ban bao gồm ĐHĐCĐ, HĐQT, các ủy ban, bên cạnh đó có người điều hành, giám sát viên kế toán.
Việc du nhập mô hình công ty có thiết lập ủy ban trong hoàn cảnh HĐQT, BKS trong mô hình truyền thống bị hình thức hóa, không phát huy được vai trò giám sát phát hiện ra những gian lận tài chính trong công ty.
Về cơ bản, quyền hạn của ĐHĐCĐ trong CTCP có thiết lập ủy ban giống như trong CTCP có thiết lập BKS. HĐQT bao gồm các thành viên HĐQT, các thành viên này được ĐHĐCĐ bầu ra, các thành viên đều có chức danh điều hành nhưng mỗi người có chức trách khác nhau. Trong công ty có thiết lập ủy ban, có chức danh thành viên HĐQT bên ngoài. Vai trò của thành viên này không chỉ đảm bảo cho hoạt động kinh doanh an toàn mà còn tiếp nhận tư vấn từ bên ngoài và có vai trò trong nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.
Trong HĐQT có các ủy ban bao gồm: Ủy ban bổ nhiệm, Ủy ban quyết định thù lao và Ủy ban giám sát.
Ủy ban bổ nhiệm đề xuất việc bổ nhiệm và bãi miễn thành viên HĐQT cho ĐHĐCĐ (Điều 404). Trong Ủy ban này, số thành viên HĐQT bên ngoài chiếm một nửa nên người có quyền lực cao nhất của công ty cho dù có định lạm dụng quyền hạn lựa chọn người có lợi cho họ chăng nữa, thì cũng không thể độc đoán quyết định. Ủy ban bổ nhiệm có quyền đề nghị còn HĐQT là cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm người điều hành và người đại diện điều hành.
Ủy ban quyết định thù lao quyết định nội dung thù lao cho thành viên HĐQT, ở đây, một nửa số thành viên là thành viên HĐQT bên ngoài, Với cơ chế này, các thành viên HĐQT có thể quyết định thù lao của người quản lý điều hành một cách khách quan.
Hoạt động giám sát của HĐQT được giao cho Ủy ban giám sát. LCT Nhật Bản cấm thành viên HĐQT của Ủy ban giám sát kiêm nhiệm chức danh người sử dụng lao động. Ủy ban có nhiệm vụ giám sát hoạt động quản lý điều hành của các thành viên HĐQT, người điều hành, soạn thảo báo cáo giám sát, đề xuất bổ nhiệm và bãi miễn người quản lý điều hành được thuê. Ngoài ra, Ủy ban có quyền yêu cầu đình chỉ hành vi vi phạm đối với người điều hành, có quyền khởi kiện thành viên HĐQT vi phạm pháp luật.
Trong CTCP có thiết lập ủy ban, thì người điều hành và người đại diện điều hành được đảm nhận công việc theo yêu cầu, và độc lập với HĐQT. Những người điều hành do HĐQT bầu ra, số thành viên từ 1 người trở lên. Một trong số họ là đại diện điều hành, và có quyền đại diện. Người điều hành có thể là thành viên HĐQT nhưng không thể là thành viên của Ủy ban giám sát.
Khi lựa chọn mô hình công ty có ủy ban, quyền quản lý điều hành công ty được chuyển từ đại diện HĐQT sang cho người điều hành. Tuy nhiên, có những trường hợp do người điều hành kiêm nhiệm chức danh thành viên HĐQT nên thực chất không hẳn quyền điều hành được chuyển giao cho người điều hành.
Với mô hình thiết lập ủy ban, cổ đông có thể tin tưởng hơn vào sự minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành của CTCP thông qua thực hiện các quyền năng riêng biệt của các ủy ban. Việc giám sát có hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành Ủy ban giám sát có ý nghĩa quan trọng để cổ đông tin tưởng vào sự phát hiện và khởi kiện kịp thời các hành vi vi phạm của các thành viên HĐQT và người điều hành gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.
Nhìn chung, Nhật Bản du nhập mô hình CTCP có thiết lập ủy ban nhằm giải quyết được những hạn chế liên quan đến giám sát không đầy đủ của HĐQT đối với đại diện HĐQT theo mô hình truyền thống và chuyển giao nhiệm vụ giám sát của HĐQT cho Ủy ban giám sát, với kỳ vọng hoạt động giám sát trong CTCP sẽ có hiệu quả hơn. Mặc dù vậy, vẫn còn có sự nghi ngờ về khả năng giám sát của thành viên HĐQT bên ngoài do họ thiếu hiểu biết về nội bộ công ty(1).
Xem thêm bài viết về “Nhật Bản”
- Minh Trị duy tân: Cuộc cách mạng tư tưởng của người Nhật và tư duy phương Đông – TS. Đỗ Đức Minh & ThS. Võ Thị Hoa
- Vai trò của Kiểm sát viên Việt Nam và Công tố viên Nhật Bản trong tố tụng hình sự – ThS. Nguyễn Hải Yến
- Bồi thường thiệt hại do ô tô tự lái gây ra trong pháp luật Đức và Nhật Bản – TS. Nguyễn Thị Phương Châm
- Ba vấn đề về vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005: Kinh nghiệm nhìn từ Nhật Bản – TS. Nguyễn Quốc Vinh
- Điều kiện áp dụng chế định hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong Bộ luật Dân sự Việt Nam – So sánh với Pháp luật Nhật Bản – ThS. Đặng Thái Bình
4. Kết luận
CTCP là loại hình doanh nghiệp có khả năng xã hội hóa nguồn vốn. Sự tồn tại của nó gắn với lợi ích của cổ đông, chủ nợ, nhà nước và người lao động, bởi vậy, LDN Việt Nam và LCT Nhật Bản cùng chung mục đích điều chỉnh lợi ích giữa các chủ thể và duy trìsự tồn tại của nó.
Cả hai nước có những điểm tương đồng trong qui định về quyền của cổ đông và tổ chức nội bộ theo mô hình truyền thống. Điều này xuất phát từ đặc trưng cố hữu của CTCP là loại hình công ty thuộc sở hữu của các cổ đông. Do không phải mọi cổ đông đều tham gia vào quản lý công ty, HĐQT được tổ chức ra để thực hiện công việc quản lý công ty. Với mục đích hoàn thiện môi trường pháp lý để duy trì sự tồn tại và phát triển của CTCP thì vấn đề đặt ra phải đặt trọng tâm bảo vệ quyền lợi của cổ đông, xây dựng mô hình tổ chức nội bộ phù hợp để điều hòa các lợi ích trong công ty.
Để giải quyết những bất cập phát sinh đảm bảo hoạt động giám sát nội bộ có hiệu quả, Nhật Bản đã du nhập mô hình CTCP có thiết lập các ủy ban. Mặc dù còn tồn tại những bất cập nhất định về vị trí của thành viên HĐQT bên ngoài những nhìn chung việc du nhập là cần thiết để tạo ra sự lựa chọn xây dựng mô hình tổ chức nội bộ hợp lý và phù hợp với mục đích làm tối đa hóa lợi nhuận của cổ đông.
Ở Việt Nam, với định hướng phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của nước ngoài trong đó có Nhật Bản là có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm xây dựng mô hình tổ chức nội bộ của CTCP phù hợp thông lệ quốc tế và đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường. Từ những hạn chế trong hoạt động của các tổ chức nội bộ của CTCP ở Việt Nam, có thể thấy rằng các cơ quan ban ngành hữu quan cần đánh giá một cách toàn diện mô hình tổ chức nội bộ theo LDN hiện hành và sửa đổi phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Viết Tý, “Luật so sánh và thực tiễn xây dựng Luật doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Luật học, Số 4 (2007) 66.
[2] Nguyễn Thị Lan Hương, “Những vấn đề pháp lý về Công ty mẹ con ở Nhật Bản”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 12 (2003) 63.
[3] Nguyễn Thị Lan Hương, “Đại diện tố tụng của cổ đông ở Nhật Bản”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 12 (2005) 60.
Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời