• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã

25/10/2021 25/10/2021 CTV. Đặng Thùy Trang Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã
    • Nguyên tắc thứ nhất, cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã. Hợp tác xã tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã.
    • Nguyên tắc thứ hai, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên, hợp tác xã thành viên.
    • Nguyên tắc thứ ba, thành viên, hợp tác xã thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.
    • Nguyên tắc thứ tư, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.
    • Nguyên tắc thứ năm, thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ.
    • Nguyên tắc thứ sáu, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, hợp tác xã thành viên, cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
    • Nguyên tắc thứ bảy, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.
  • 2. Một số kiến nghị nhằm phát triển mô hình hợp tác xã tại Việt Nam trong thời gian tới
    • Thứ nhất, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã.
    • Thứ hai, cần có những chính sách hỗ trợ và tăng cường nguồn vốn cho vay đối với hợp tác xã.
  • CHÚ THÍCH

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã

Tác giả: Nguyễn Vinh Hưng [1] Nguyễn Phúc Thiện [2]

TÓM TẮT

Hợp tác xã là mô hình hợp tác, sản xuất, kinh doanh rất phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, khác với các loại hình công ty, hợp tác xã hoạt động không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn hướng đến các mục đích xã hội. Chính vì thế, hợp tác xã được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc rất đặc thù. Bài viết nghiên cứu về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, để từ đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của mô hình hợp tác xã tại Việt Nam.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã

1. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Luật hợp tác xã năm 2012: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. Có thể thấy rằng, mặc dù không được quan niệm là loại hình doanh nghiệp, thế nhưng trên thực tế, “hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích lũy và các nguồn vốn khác của hợp tác xã theo quy định của pháp luật”3. Tuy nhiên, như đã nêu, khác với các loại hình công ty thương mại được thành lập chủ yếu với mục đích kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận cho các nhà đầu tư, hợp tác xã mặc dù mang bóng dáng của một loại hình doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh nhưng nó còn có các dấu hiệu của tổ chức liên kết, hợp tác nhằm hướng đến sự tương trợ, phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên. Đây cũng là lý do khi “pháp luật hiện hành của Việt Nam không xếp hợp tác xã vào nhóm doanh nghiệp, mà chỉ quy định hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp”4. Hoặc có quan điểm cho rằng, hợp tác xã chỉ là “mô hình giản đơn kinh doanh theo ngẫu hứng, theo mùa vụ hay lâu dài”5.

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Bàn về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội theo Dự thảo Luật về Hội
  • Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân
  • Quy định về Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân
  • Quy định về Tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân
  • Các nguồn quy định về tổ chức và hoạt động của Nghị viện

Căn cứ các quy định hiện nay về hợp tác xã6, loại hình kinh tế tập thể này có những đặc điểm để phân biệt với các loại hình công ty khác như sau: Hợp tác xã có sự tham gia của nhiều thành viên (phải có từ 07 thành viên trở lên); đối tượng tham gia có thể là cá nhân (thể nhân) hoặc tổ chức (pháp nhân) và chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp; hợp tác xã có tư cách pháp nhân nhưng không được quyền phát hành chứng khoán các loại. Trên cơ sở các đặc điểm pháp lý này, Điều 7 của Luật hợp tác xã năm 2012 đã đưa ra 07 nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, theo đó:

Nguyên tắc thứ nhất, cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã. Hợp tác xã tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã.

Với tôn chỉ hoạt động hướng đến sự tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau, nên về nguyên tắc, mọi cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân khi đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định đều có quyền thành lập, gia nhập hoặc rời khỏi hợp tác xã. Điều này có nghĩa, không chủ thể nào có quyền gây khó khăn, cản trở, ép buộc đối với cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tham gia hoặc phải rời khỏi hợp tác xã nếu trái với ý muốn của họ. Bởi lẽ, về nguyên tắc, việc thành lập, gia nhập hay rời khỏi hợp tác xã hoàn toàn là quyền tự do quyết định của từng chủ thể. Ngay đối với các hợp tác xã, chủ thể này cũng có quyền tự quyết định việc thành lập, tham gia hoặc rời khỏi liên hiệp hợp tác xã. Do vậy, có nhận xét cho rằng, “nguyên tắc này thể hiện một tư duy mới trong sự nghiệp phát triển kinh tế ở nước ta và nó góp phần củng cố quyền tự do kinh doanh – một trong các quyền cơ bản của công dân”7 đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 20138. Nguyên tắc này còn được gọi là nguyên tắc tự nguyện và là nguyên tắc rất quan trọng của quyền tự do kinh doanh.

Nguyên tắc thứ hai, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên, hợp tác xã thành viên.

Có lẽ từ chính tên gọi của hợp tác xã đã thể hiện rõ tinh thần của sự hợp tác, tương trợ, giúp đỡ, nên cũng chính vì vậy, khác với các loại hình công ty thương mại, “hợp tác xã là tổ chức kinh tế của những người lao động, của các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có những khó khăn về vốn, tài sản… nên việc kết nạp thành viên của hợp tác xã không bị giới hạn bởi giới tính, địa vị, xã hội, chủng tộc, dân tộc hay tôn giáo”9. Về nguyên tắc, những chủ thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật đều có thể được kết nạp làm thành viên của hợp tác xã. Chính nhờ sự đa dạng của đối tượng tham gia nên các hợp tác xã hay các liên hiệp hợp tác xã có thể dễ dàng thu hút được nhiều nguồn lực khác nhau để phát triển và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động.

Nguyên tắc thứ ba, thành viên, hợp tác xã thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.

“Tính dân chủ và bình đẳng chi phối sâu sắc cơ chế tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, theo đó, tập thể xã viên có vai trò quyết định tất cả các vấn đề quan trọng liên quan tới hoạt động và phát triển của hợp tác xã; các cơ quan quản lý và kiểm soát của hợp tác xã do Đại hội xã viên trực tiếp bầu ra”10. Như vậy, khác với công ty cổ phần khi vấn đề quản trị điều hành công ty này thường phụ thuộc vào số lượng cổ phần của từng cổ đông hoặc nhóm cổ đông đang nắm giữ. Nói cách khác, “quyền lực của công ty tập trung chủ yếu vào các cổ đông lớn và những người quản lý điều hành công ty (Managers)”11. Còn đối với hợp tác xã, về nguyên tắc, thành viên hay hợp tác xã thành viên đều có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc mức độ vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Do đó, “mọi công việc, chủ trương của hợp tác xã đều được biểu quyết theo đa số. Mỗi thành viên hợp tác xã chỉ có một phiếu khi biểu quyết, bất kể người góp nhiều vốn hay ít vốn”12. Vì thế, “việc quản lý hợp tác xã thực hiện trên nguyên tắc dân chủ và bình đẳng nên mọi xã viên đều bình đẳng trong việc tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của hợp tác xã”13. Nhờ đó, việc quản trị điều hành của hợp tác xã thường diễn ra công khai, dân chủ và gặp nhiều thuận lợi, đơn giản, dễ dàng hơn. Đồng thời, điều này còn phù hợp với tinh thần của “hợp tác xã là tổ chức kinh tế, hoạt động mang tính xã hội”14. Ngoài ra, “nguyên tắc thể hiện một trong những đặc điểm rõ nét nhất phân biệt hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”15.

Mặt khác, tính công khai, công bằng, minh bạch còn thể hiện rất rõ khi pháp luật quy định hợp tác xã phải luôn cung cấp các thông tin đầy đủ, kịp thời, rõ ràng, chính xác về mọi hoạt động tài chính, sản xuất, kinh doanh, phân phối thu nhập và những nội dung khác cho tất cả các thành viên của nó. Nhờ vậy, các chủ thể tham gia hợp tác xã mà mặc dù chỉ với vốn kiến thức hay sự hiểu biết còn khá hạn chế như bà con nông dân hoặc những người làm ăn manh mún, nhỏ lẻ đều có thể yên tâm, tin tưởng khi cùng được tham gia, làm việc và đóng góp vào hợp tác xã.

Nguyên tắc thứ tư, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.

“Tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính của các pháp nhân kinh tế nói chung”16, chính vì vậy, là một chủ thể kinh tế hợp pháp, nên về nguyên tắc, hợp tác xã có quyền tự quyết định phương án sản xuất, kinh doanh cũng như việc phân phối kết quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hợp tác xã còn có quyền lập và quản lý các quỹ, quyết định vấn đề chi trả tiền lương, tiền công hay có quyền tự quyết định hình thức, thời điểm huy động vốn. Bên cạnh đó, hợp tác xã sẽ phải tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh và phải tự chịu trách nhiệm trước các khách hàng, chủ nợ và pháp luật. Khi hợp tác xã không thể trả các khoản nợ đến hạn theo yêu cầu của chủ nợ thì hợp tác xã cũng giống như các loại hình doanh nghiệp sẽ bị Tòa án mở thủ tục phá sản để phân chia tài sản trả nợ.

Nguyên tắc thứ năm, thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ.

Thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.

Về nguyên tắc, việc tham gia hợp tác xã là hoàn toàn tự nguyện, thế nên, khi đã tham gia hợp tác xã thì những chủ thể tham gia sẽ phải có nghĩa vụ đối với hợp tác xã. Như vậy, “khi đã trở thành thành viên của hợp tác xã, mọi người lao động, các hộ gia đình và các pháp nhân có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện các cam kết, các hợp đồng dịch vụ đã ký kết với hợp tác xã và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trong điều lệ, nội quy của hợp tác xã”17.

Việc phân chia lợi nhuận của hợp tác xã được tiến hành theo cách thức phân phối chủ yếu dựa theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm. Sở dĩ như vậy là vì sự đóng góp của các thành viên đối với hợp tác xã thường rất khác nhau. Trong đó, có thành viên góp bằng tài sản, tiền bạc nhưng cũng có những thành viên chỉ góp bằng công sức lao động hoặc cũng có thành viên chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã. Vì thế, việc phân chia lợi nhuận, thu nhập giữa các thành viên đương nhiên sẽ có sự khác nhau.

Nguyên tắc thứ sáu, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, hợp tác xã thành viên, cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Đây là sự khác biệt rất lớn giữa hợp tác xã so với các loại hình doanh nghiệp kinh doanh. Bởi vì, ngoài việc thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh để thu lợi nhuận, hợp tác xã còn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục văn hóa, đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ hay cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho các xã viên và tại cộng đồng dân cư nơi hợp tác xã hoạt động. Trên thực tế, “nhiều hợp tác xã đã xây dựng nhà văn hóa, thư viện, lớp mẫu giáo, trung tâm thể dục thể thao, hệ thống điện, nước, truyền thanh… để cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho các thành viên và cộng đồng dân cư tại địa phương”18. Mặt khác, chính vì có sự quan tâm rất lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần tại địa phương nên hợp tác xã có thể thường xuyên, liên tục tuyên truyền, thông tin đến nhân dân địa phương về bản chất, lợi ích, sự thuận lợi và tính ưu việt của phương thức sản xuất, kinh doanh tập thể thông qua mô hình hợp tác kinh tế – hợp tác xã. Từ đó, hợp tác xã luôn có thể dễ dàng thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia. Điều này thể hiện rõ tính xã hội và nhân văn sâu sắc của hợp tác xã.

Nguyên tắc thứ bảy, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.

Nghiên cứu cho thấy, “ở Việt Nam, hợp tác xã giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân cũng như trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước”19. Bên cạnh đó, như đã phân tích, “mô hình hợp tác xã được những người lao động hưởng ứng và phát triển sâu rộng vì nó là tổ chức kinh tế mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc”20. Các hợp tác xã thường thu hút được đông đảo thành viên tham gia và tạo ra rất nhiều việc làm cũng như luôn đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do vậy, từ rất lâu, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm rất lớn đến sự phát triển của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Nhờ đó, “số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng lên, doanh thu và thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện. Trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã được nâng cao rõ rệt. Hợp tác xã từng bước hoạt động ổn định, lành mạnh, phát triển cả về quy mô, công nghệ, thị trường… qua đó, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị, xã hội tại cộng đồng”21. Vì thế, để phong trào hợp tác xã tiếp tục phát triển mạnh mẽ và lan rộng tới nhiều khu vực, địa bàn hơn nữa thì việc chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, hợp tác xã thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng miền, quốc gia và quốc tế là rất quan trọng và cần thiết. Đây cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các hợp tác xã trong giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam hiện nay.

Tóm lại, có thể khẳng định, hợp tác xã là mô hình hợp tác, sản xuất, kinh doanh rất phù hợp với các đặc điểm và điều kiện tại Việt Nam. Hợp tác xã không chỉ hướng đến mục tiêu lợi nhuận mà còn chứa đựng những giá trị và đóng góp to lớn về mặt xã hội như sự tương trợ, giúp đỡ, phối hợp giữa các thành viên. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu quan trọng này đòi hỏi việc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã phải tuân thủ triệt để theo các nguyên tắc do pháp luật quy định. Nói cách khác, các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của hợp tác xã chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hợp tác xã duy trì sự ổn định và phát triển bền vững.

2. Một số kiến nghị nhằm phát triển mô hình hợp tác xã tại Việt Nam trong thời gian tới

Từ những nghiên cứu về hợp tác xã cho thấy “thành phần kinh tế hợp tác xã có những điểm ưu việt nhất định và có vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta”22. Vì vậy, để mô hình hợp tác xã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, cần quan tâm các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã.

Theo tác giả, cần có sự quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích đầy đủ, chi tiết, rõ ràng về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã đến các xã viên và những người dân đang cư trú, làm việc tại các địa bàn nơi hợp tác xã đăng ký thành lập. Bởi lẽ, chỉ có tuân thủ các nguyên tắc mới giúp cho quá trình thành lập, tổ chức và hoạt động của hợp tác xã luôn diễn ra đúng theo pháp luật và lại có thể bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho các thành viên tham gia. Trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến cần đặc biệt chú ý đến các địa bàn ở khu vực nông thôn, miền núi hay những vùng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì tại những nơi này, không ít trường hợp cho dù đã tham gia vào hợp tác xã, thế nhưng do thiếu hiểu biết nên người tham gia không nhận thức đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Từ đó, việc thực hiện pháp luật không đạt được hiệu quả và lại còn có thể gây khó khăn, cản trở cho quá trình tổ chức và hoạt động của hợp tác xã.

Thứ hai, cần có những chính sách hỗ trợ và tăng cường nguồn vốn cho vay đối với hợp tác xã.

“Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, phần lớn  các hợp tác xã hiện nay hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên thực tế, tính chất hoạt động của hợp tác xã thường chỉ dừng lại ở các hoạt động kinh tế với mục đích đáp ứng nhu cầu cuộc sống của các xã viên”23. Mặt khác, “với việc sản xuất nhỏ, manh mún, hợp tác xã sẽ khó có thể tạo ra được khối lượng hàng hóa lớn và chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của xã hội và phục vụ xuất khẩu trong quá trình hội nhập”24. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy, một trong những khó khăn rất lớn của các hợp tác xã hiện nay chính là vấn đề về nguồn vốn vay và đây cũng chính là “vấn đề đã được đề cập rất nhiều trong thời gian gần đây”25. Vì như đã nêu, phần lớn các hợp tác xã hiện nay lại chủ yếu hoạt động tại các vùng nông thôn hay ở các địa bàn còn đang gặp nhiều khó khăn, nên nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với các hợp tác xã này luôn rất hạn hẹp. Thống kê trong thời gian gần đây của Liên minh hợp tác xã Việt Nam cho thấy: “hiện nay chưa đến 20% các hợp tác xã có khả năng tự lực vốn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng rất hạn chế chỉ 0,5% trên tổng số hơn 20.000 hợp tác xã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp”26. Từ đó, tác giả cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng xem xét lại vấn đề hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với hợp tác xã. Trong đó, nên theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho vay để các hợp tác xã khi có nhu cầu sẽ nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi một cách đơn giản, dễ dàng và thuận tiện hơn. Theo tác giả, trong giai đoạn hiện tại và tương lai lâu dài, nên xây dựng các gói cho vay dài hạn với lãi suất ưu đãi hoặc miễn giảm lãi suất cho vay đối với các hợp tác xã có quy mô hoạt động nhỏ, lẻ và với số lượng lao động ít. Bởi lẽ, thông thường, đây chính là các hợp tác xã đang rất khó khăn và thiếu thốn về nguồn vốn. Đồng thời, đối với các Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã rất cần có sự quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn đối với các hợp tác xã mới được thành lập tại các địa bàn, khu vực đặc biệt khó khăn, phức tạp. Ngoài ra, tác giả cho rằng, cần phải xây dựng các hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp có thể kết nối dễ dàng với hợp tác xã trong quá trình hợp tác sản xuất, mua bán hoặc phân phối, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm. Thiết nghĩ, có như vậy, hợp tác xã mới có thể tồn tại, phát triển và cạnh tranh với các loại hình doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.

CHÚ THÍCH

  1. Tiến sỹ, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Thạc sỹ, Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Khế (2007), Pháp luật về tổ chức các hình thức kinh doanh, Nxb. Tư pháp, tr. 232.
  4. Viện Đại học Mở Hà Nội (2011), Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, tr. 174.
  5. Phạm Duy Nghĩa (2009), Luật doanh nghiệp tình huống – phân tích – bình luận, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 13 – 14.
  6. Luật hợp tác xã năm 2012.
  7. Lê Minh Toàn, (2006), chủ biên Luật kinh tế Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 179.
  8. Điều 33 của Hiến pháp năm 2013.
  9. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật thương mại, Tập I, Nxb. Công an nhân dân, tr. 343.
  10. Viện Đại học Mở Hà Nội (2011), Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam, sđd, tr. 191.
  11. Friedrich Fubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, Nxb. Pháp lý, tr. 50.
  12. Lê Học Lâm và Lê Ngọc Đức (2010), Luật kinh doanh, Nxb. Thống kê, tr. 181.
  13. Lê Học Lâm và Lê Ngọc Đức (2010), Luật kinh doanh, sđd, tr. 198.
  14. Viện Đại học Mở Hà Nội (2011), Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam, sđd, tr. 175.
  15. Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội (2001), Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam, tr. 115.
  16. Bùi Ngọc Cường (chủ biên 2010), Giáo trình Luật thương mại, tập I, Nxb. Giáo dục Việt Nam, tr. 124.
  17. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật thương mại, Tập I, sđd, tr. 346.
  18. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật thương mại, Tập I, sđd, tr. 347.
  19. Lê Minh Toàn (chủ biên 2006), Luật kinh tế Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 173.
  20. Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật thương mại Việt Nam, tập I, sđd, tr. 331.
  21. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Mô hình hợp tác xã từng bước phát huy hiệu quả phát triển kinh tế, nguồn truy cập: https://dangcongsan.vn/tien-toi-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-va-dai-hoi-xiii-cua-dang/phong- trao-thi-dua-chao-mung-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/mo-hinh-hop-tac-xa-tung- buoc-phat-huy-hieu-qua-phat-trien-kinh-te-530120.html , truy cập: 27/4/2021.
  22. Khoa Luật – ĐHQGHN (2001), Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam, sđd, tr. 108.
  23. Viện Đại học Mở Hà Nội (2011), Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam, sđd, tr. 174 – 175.
  24. Nguyễn Thị Khế (2007), Pháp luật về tổ chức các hình thức kinh doanh, sđd, tr. 231.
  25. Báo điện tử Khánh Hòa Online, Ghi nhận vướng mắc, kiến nghị về thực hiện Luật Hợp tác xã, nguồn truy cập: https://baokhanhhoa.vn/kinhte/201706/ghi-nhan-vuong-mac-kien-nghi-ve-viec-thuc-hien-luat-hop-tac- xa-8043749/, truy cập ngày 24/4/2021.
  26. Báo điện tử Bnews.vn, Tháo gỡ điểm nghẽn về vốn cho hợp tác xã – Bài 2: Tăng thêm nguồn lực, nguồn truy cập: https://m.bnews.vn/thao-go-diem-nghen-ve-von-cho-hop-tac-xa-bai-2-tang-them-nguon-luc/99056.html , truy cập ngày 24/4/2021.
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Các nguồn quy định về tổ chức và hoạt động của Nghị viện
Các nguồn quy định về tổ chức và hoạt động của Nghị viện
Quy định về Tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân
Quy định về Tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân
Quy định về Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân
Quy định về Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân
Bàn về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội theo Dự thảo Luật về Hội
Bàn về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội theo Dự thảo Luật về Hội

Chuyên mục: Chủ thể kinh doanh và phá sản/ Doanh nghiệp Từ khóa: Hợp tác xã/ Nguyên tắc tổ chức và hoạt động

Previous Post: « Pháp luật về quản lý thuế giá trị gia tăng – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Next Post: Bản chất pháp lý của hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng