Mục lục
Quy định về ngoại lệ an ninh quốc gia trong tiếp nhận và quản lý nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kinh nghiệm của một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Thị Nhung [1]
TÓM TẮT
Những năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu ban hành chính sách kiểm soát nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do những quan ngại liên quan đến an ninh quốc gia. Bài viết xem xét tổng quan tình hình ban hành chính sách này của một số quốc gia trên thế giới, với ví dụ cụ thể các trường hợp của Úc, Trung Quốc và Việt Nam, từ đó đưa ra một số so sánh bình luận, cũng như khuyến nghị cho việc thực thi Luật Đầu tư mới ban hành năm 2020 của Việt Nam liên quan đến quản lý nguồn vốn FDI và bảo vệ an ninh quốc gia.
1. Quy định về đánh giá tác động đến an ninh quốc gia trong tiếp nhận và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số quốc gia và Việt Nam
1.1. Tổng quan chung
Theo Báo cáo đầu tư thế giới, những năm gần đây các quốc gia có xu hướng gia tăng kiểm soát nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dựa trên đánh giá tác động đến an ninh quốc gia2. Điều đáng nói là việc rà soát FDI nói chung lẽ ra phải giảm xuống theo mức độ tự do hoá thị trường đầu tư trên thế giới3. Tuy nhiên, đến năm 2019, phần lớn quốc gia phát triển đã và đang ban hành các biện pháp cứng rắn về sàng lọc FDI trong những lĩnh vực chiến lược trên cơ sở đánh giá tác động của nguồn vốn FDI này tới an ninh quốc gia, với những đặc điểm chung như sau4:
Thứ nhất, những biện pháp kiểm soát FDI bao gồm:
(i) mở rộng phạm vi rà soát bằng việc bổ sung thêm các ngành, lĩnh vực kinh tế là đối tượng bị rà soát;
(ii) hạ thấp mức vốn đầu tư tối thiểu trong vùng rà soát5;
(iii) mở rộng các tiêu chuẩn rà soát, tăng cường thiết chế ngăn cản các giao dịch mua bán sáp nhập doanh nghiệp, cũng như kéo dài thời gian rà soát, cho phép hoặc chấp thuận các giao dịch này và thiết lập các cơ quan kiểm soát FDI6;
(iv) một số chính sách mới hướng tới việc mở rộng phạm vi nghĩa vụ thông báo của nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình xem xét tiếp nhận, hoặc trong quản lý hoạt động đầu tư;
(v) quy định về thời hạn để cơ quan quản lý xem xét, chấp thuận các giao dịch mua bán sáp nhập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đã được nới lỏng. Điều này cho phép cơ quan có thẩm quyền có nhiều thời gian và sự linh hoạt trong hoạt động kiểm soát;
(vi) việc ban hành các biện pháp trừng phạt kể cả về dân sự, hình sự và hành chính cho những đối tượng không tuân thủ7.
Thứ hai, số lượng các dự án FDI bị từ chối với lý do ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, hoặc là đối tượng bị kiểm soát bởi các điều kiện bổ sung đang gia tăng, mặc dù dấu hiệu ảnh hưởng hoặc xâm phạm an ninh quốc gia của những dự án này có thể không rõ ràng8. Cụ thể có khoảng 11 giao dịch mua bán sáp nhập lớn và giá trị vượt quá 50 triệu USD đã bị huỷ bỏ do những quan ngại chính trị9. Thống kê năm 2018 cho thấy khoảng 150,6 tỉ USD, tương ứng với 11.6% dòng vốn FDI toàn cầu đã bị từ chối10.
Thứ ba, việc rà soát thường dựa trên nhiều yếu tố hỗn hợp, bao gồm cân nhắc mức độ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, chính sách đảm bảo cạnh tranh, bài toán về lợi ích kinh tế và lợi nhuận ròng (net benifit) của hoạt động đầu tư tại quốc gia tiếp nhận FDI, việc kiểm soát chỉ tập trung vào những lĩnh vực kinh tế trọng điểm như tài chính, bảo hiểm, khai thác tài nguyên, hệ thống thông tin, viễn thông… Ngoài ra, các quốc gia đã thiết lập các chương trình kiểm soát cho cả hai giai đoạn tiền đầu tư và hậu đầu tư dựa trên các yếu tố được cân nhắc tổng thể nêu trên, kết quả thường dẫn tới hạn chế đầu tư, một số nhà đầu tư tiềm năng thậm chí đã bị từ chối tiếp cận thị trường11. Các chương trình kiểm soát FDI nêu trên bị cho là bất công, phân biệt đối xử khi chúng chỉ nhắm các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ tư, các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế hiện đại như đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, không phân biệt đối xử… được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực đầu tư quốc tế. Tuy nhiên luôn luôn có ngoại lệ đối với các nguyên tắc bảo hộ nêu trên, trong đó có ngoại lệ về an ninh quốc gia12. Việc sử dụng ngoại lệ an ninh quốc gia như thế nào vẫn còn gây tranh cãi. Hầu hết các Hiệp định đầu tư quốc tế (IIAs) quy định danh mục ngoại lệ được thiết kế riêng khi đàm phán13, do đó về nguyên tắc danh mục ngoại lệ này phải được công khai và cụ thể14, nhưng thực tế áp dụng có thể sẽ khác. Khi các quốc gia lạm dụng ngoại lệ an ninh quốc gia để biến chúng thành biện pháp bảo hộ, các IIAs có cơ chế cho phép nhà đầu tư khởi kiện quốc gia tiếp nhận đầu tư, và nếu bị phán vi phạm IIAs, các quốc gia này phải chịu trách nhiệm và bồi thường. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại nếu chứng minh được việc vi phạm các nghĩa vụ của IIAs vì mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, trong đó có an ninh quốc gia, các quốc gia áp dụng biện pháp vi phạm sẽ được miễn trách15. Do vậy, chứng minh một biện pháp có nằm trong ngoại lệ an ninh quốc gia hay không là công việc của cả bên áp dụng và bên bị tác động của biện pháp.
Thứ năm, dưới tác động của đại dịch Covid 19, chính sách đầu tư của hầu hết các quốc gia, trong đó có các quốc gia G20 đang được điều chỉnh, một mặt vẫn nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư, nhưng mặt khác cũng có điều chỉnh để bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia. Xu hướng này thậm chí đang có dấu hiệu mạnh mẽ hơn trong thời kỳ đại dịch. Điều này thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và đặt ra nhu cầu phải có các thảo luận để tìm ra biện pháp cân bằng giữa kiểm soát nguy cơ, rủi ro của FDI và cơ hội mà FDI mang lại16.
1.2. Úc
Úc đã ban hành Luật về mua bán sáp nhập doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài năm 197517 (FATA) và Chính sách đầu tư nước ngoài (AFIP)18. Theo quy định hiện hành của Úc, nhà đầu tư nước ngoài và khoản đầu tư của họ chịu sự điều chỉnh của rất nhiều quy định chung về thuế hoặc chính sách cạnh tranh và phải tuân thủ các điều kiện riêng khi thực hiện các giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, mua bán tài sản ở Úc, đặc biệt là trong những lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng lớn19. Tất cả dự án FDI phải trải qua bài kiểm tra về “lợi ích quốc gia” (national interest test). Điều đáng nói là cả FATA và AFIP đều không định nghĩa “lợi ích quốc gia”. AFIP chỉ nêu một số hướng dẫn về vấn đề lợi ích quốc gia và sử dụng phương pháp tiếp cận theo từng vụ việc cụ thể. Năm 2003, Sách trắng về chính sách đầu tư nước ngoài và thương mại của Úc định nghĩa “lợi ích quốc gia như là an ninh và thịnh vượng của nước Úc và người Úc”20. Từ đặc điểm này, Cơ quan rà soát đầu tư nước ngoài của Úc (Foreign Investment Review Board (FIRB- một cơ quan bao gồm 4 nhân sự bán thời gian, những người không phải công chức nhà nước và một thành viên điều hành toàn thời gian)21 có thẩm quyền rất lớn và linh hoạt khi rà soát dự án FDI22. Điều này cũng đồng nghĩa với việc FIRB không bị hạn chế hoạt động theo các nguyên tắc minh bạch hoá.
Theo quy định, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của quốc gia khác tới đầu tư tại Úc là đối tượng đặc biệt chịu sự rà soát về lợi ích quốc gia23. AFIP đã có hướng dẫn riêng về kiểm soát đầu tư với nhóm DNNN, với 6 yếu tố, bao gồm cân nhắc hoạt động thương mại, mối quan hệ của DNNN và các cổ đông bên ngoài, mục đích chiến lược và chính trị trong hoạt động của DNNN khi đầu tư vào một số ngành kinh tế trọng yếu24, các yếu tố phi thương mại trong hoạt động của nhóm doanh nghiệp này25… Những yếu tố này đều chỉ được quy định chung mà không có hướng dẫn cụ thể. Trong thời gian qua các yếu tố nêu trên đã bị chỉ trích vì không minh bạch26, tạo ra khó khăn trong việc hiểu và ước đoán được hệ quả cũng như lý do mà FIRB đưa ra khi rà soát các dự án FDI. Đáng chú ý là theo quy định pháp luật Úc, FIRB không có nghĩa vụ giải thích lý do vì sao họ từ chối một dự án FDI vì lý do lợi ích quốc gia. Nhà đầu tư nước ngoài không có quyền khiếu kiện hành chính, tư pháp nếu họ bị từ chối hoặc ngưng dự án FDI. Cũng có ý kiến cho rằng việc không quy định cụ thể các tiêu chí cho bài kiểm tra về lợi ích quốc gia của FIRB dẫn tới quyết định của FIRB mang màu sắc chính trị, hơn là áp dụng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, một số nhà chính trị có thể can thiệp vào sự hiện diện của một số dự án đầu tư lựa chọn27. Các nhà kinh tế lo ngại cách tiếp cận này có thể dẫn tới việc Úc sẽ mất một lượng đầu tư đáng kể mà lẽ ra họ vẫn có thể thu hút được28. Cũng có ý kiến cho rằng phạm vi lợi ích quốc gia của Úc đang được hiểu quá rộng và không rõ ràng, khái niệm này nên được hiểu theo nghĩa hẹp liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia (đó là vấn đề về quốc phòng và an ninh quân sự), hơn là cách hiểu bao gồm cả lợi ích cộng đồng, cân nhắc về kinh tế và các vấn đề khác như hiện nay29.
1.3. Trung Quốc
Trung Quốc quy định nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động đầu tư tại quốc gia này sẽ phải tuân thủ pháp luật quốc gia và không được làm phương hại tới an ninh quốc gia và lợi ích công cộng30. Chính phủ Trung Quốc thiết lập một hệ thống rà soát an ninh quốc gia để thực hiện rà soát đối với đầu tư nước ngoài có tác động hoặc có thể tác động tới an ninh quốc gia31.
Những dự án nằm trong các nhóm sau đây, có thể phải kiểm tra tác động đến an ninh quốc gia, thứ nhất là nhà đầu tư nước ngoài đang cố gắng thực hiện giao dịch mua lại doanh nghiệp trong nước, hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc phòng hoặc thứ hai là nhà đầu tư nước ngoài cố gắng mua lại doanh nghiệp trong nước hoạt động ở những ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, khai khoáng những tài nguyên quan trọng, các ngành công nghệ then chốt khác và việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp này có thể dẫn tới việc nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp này.
Nếu việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp có khả năng rơi vào phạm vi ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài phải tự nguyện thông báo với cơ quan chức năng. Nếu không thực hiện nghĩa vụ thông báo, cơ quan chức năng Trung Quốc có quyền tự mình khởi xướng điều tra hoặc điều tra theo yêu cầu của bên thứ ba, bất kể giao dịch đó đã hoàn tất hay chưa32. Thông báo về hệ thống rà soát an ninh quốc gia bao gồm những hoạt động đầu tư cần rà soát, nội dung rà soát. Như đã nêu không phải bất kỳ giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong nước nào của nhà đầu tư nước ngoài cũng trở thành đối tượng bị rà soát, việc rà soát được thực hiện nếu việc kiểm soát doanh nghiệp, trực tiếp hoặc gián tiếp bị rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài33.
Tương tự như Úc, Trung Quốc đặc ra yêu cầu rà soát đặc biệt với giao dịch mua bán, sáp nhập nhắm tới DNNN Trung Quốc. Bởi lẽ theo pháp luật Trung Quốc, việc mua bán sáp nhập liên quan đến đối tượng là DNNN sẽ phải trải qua quy trình thủ tục đặc biệt, có thể kéo dài hơn và không chắc chắn về kết quả. Các yêu cầu đặc biệt này, không chỉ giới hạn bởi: sự phê duyệt của chính phủ nếu như việc mua bán, sáp nhập có thể dẫn tới việc nhà nước mất quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp đó, mà các bên phải nhận được sự chấp thuận trước của cơ quan chức năng trước khi giao dịch diễn ra. Tiếp theo là sự kiểm soát về mặt tài sản, giá trị của giao dịch mua bán, sáp nhập có liên quan đến DNNN phải không thấp hơn mức giá đã được thẩm định bởi một cơ quan thẩm định của Trung Quốc. Ngoài ra, pháp luật Trung Quốc cũng yêu cầu các giao dịch tương tự phải được thực hiện thông qua Trung tâm bán đấu giá Trung Quốc-một cơ quan bán công quyền ở Trung Quốc34.
Về hệ quả của các giao dịch có khả năng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, pháp luật Trung Quốc quy định các giao dịch loại này phải bị chấm dứt hoặc phải có biện pháp khác để giảm thiểu tác động đến an ninh quốc gia35. Lưu ý rằng các quy định trong Vùng đặc quyền kinh tế có thể khác với quy định pháp luật quốc gia nói chung. Trong Vùng đặc quyền kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực văn hoá quan trọng và sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin quan trọng cũng là đối tượng rà soát an ninh quốc gia. Phạm vi rà soát có thể bao gồm các dự án mới hoặc việc dự án được chuyển đổi từ trước đó36.
Tương tự như Úc, các quy định pháp luật của Trung Quốc dựa vào khái niệm rất mơ hồ của lợi ích công, an ninh quốc gia hoặc an ninh kinh tế quốc gia37. Việc thực thi các quy định này trao quyền chủ động khá lớn cho cơ quan cấp Bộ, ngành trong việc hiểu, diễn giải các khái niệm nêu trên. Năm 2011, Trung Quốc bổ sung thêm một lớp rà soát của Uỷ ban phối hợp của các Bộ, ngành. Cơ quan này khá giống với thiết chế của Hoà Kỳ38, tập hợp đại diện của rất nhiều ngành khác nhau như Ủy ban dữ trữ quốc gia, quốc phòng, thương mại và nội vụ… Cơ quan này được ngầm hiểu là hệ thống đối chọi lại với cơ quan tương ứng của Hoa Kỳ, để đảm bảo khi các khoản đầu tư của Trung Quốc đến Hoa Kỳ bị rà soát thì chúng phải được đối xử minh bạch, công bằng và khách quan.
Nếu như ở Úc, vẫn còn có ý kiến tranh luận và đề xuất về việc an ninh quốc gia chỉ nên được hiểu là các vấn đề liên quan đến quốc phòng và an ninh, thì khái niệm an ninh quốc gia ở Trung Quốc sẽ vượt xa khỏi lĩnh vực an ninh quốc phòng. Trung Quốc duy trì một danh mục các ngành công nghiệp bị cấm tham gia đầu tư bởi nhà đầu tư nước ngoài nếu “việc cho phép đầu tư vào những lĩnh vực đó sẽ nguy hại tới lợi ích xã hội”39. Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ không phải là đối tượng chịu sự điều chỉnh của các đánh giá tác động đến an ninh quốc gia. Ngoài ra Trung Quốc cũng có một khái niệm khác để rà soát việc tiếp nhận khoản đầu tư, đó là “an ninh kinh tế”. Có thể nhận thấy, không giống với Úc khi việc kiểm soát dựa trên yếu tố quy mô dự án, cũng như mức độ nhạy cảm của dự án trong những ngành công nghiệp chủ chốt, hệ thống thông báo rà soát của Trung Quốc gắn với lĩnh vực cụ thể, mặc dù khá rộng và không có yêu cầu tối thiểu cho quy mô của dự án. Ngoài ra, khái niệm an ninh quốc gia, an ninh kinh tế cũng không được định nghĩa bởi luật và quy định. Trung Quốc có vẻ như có ý định giữ cho những khái niệm này chung nhất có thể, và không chỉ để giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài, mà phạm vi có thể bao trùm cả vấn đề an ninh nội địa, cụ thể là vấn đề liên quan đến tiết lộ thông tin và kinh tế trong nước40.
1.4. Việt Nam
Về chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam xác định “xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”41. Như vậy, về mặt định hướng chiến lược, Việt Nam cũng có kế hoạch xây dựng cơ chế đánh giá tác động an ninh quốc gia của dự án đầu tư nước ngoài. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, an ninh quốc gia cũng được định nghĩa khá rộng và chung, theo đó “an ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”42.
Khi xem xét dự án đầu tư nước ngoài, Việt Nam quy định nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia”43. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư năm 2020 xây dựng một danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng44. Liên quan đến nguyên tắc bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh khi có thay đổi pháp luật, Việt Nam bảo lưu một nguyên tắc cho phép không tiếp tục dành ưu đãi, hoặc áp dụng việc bồi thường cho nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường45. Về thẩm quyền, Luật Đầu tư năm 2020 quy định thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng, ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư46.
Xét về khía cạnh cam kết quốc tế, Việt Nam đã ký 67 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (BITs)47, 13 Hiệp định thương mại tự do, 02 Hiệp định đang chờ phê chuẩn, có cam kết về bảo hộ đầu tư48. Phần lớn các Hiệp định FTA đều có quy định về ngoại lệ an ninh, trật tự công và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, đối với các BITs được đàm phán từ những năm 1990 (BITs cũ) không phổ biến việc đưa ngoại lệ vào các Hiệp định này. Gần đây, khi Việt Nam đẩy mạnh việc đàm phán ký kết các FTAs thế hệ mới, ngoại lệ về an ninh là một trong những điều khoản tiêu chuẩn quy định tại Chương về ngoại lệ chung (trường hợp của Hiệp định CPTPP49 và EVFTA50).
2. Bình luận và khuyến nghị
Khuôn khổ pháp luật của Việt Nam quy định về vấn đề an ninh quốc gia trong quản lý đầu tư nước ngoài đã bước đầu được hình thành, trên cả hai phương diện pháp luật quốc gia và cam kết quốc tế, mặc dù còn chưa cụ thể. Khi so sánh với kinh nghiệm của Úc và Trung Quốc có thể nhận thấy những đặc điểm sau:
Thứ nhất, nếu như Úc và Trung Quốc đều có một cơ quan chuyên trách về rà soát tác động tới an ninh quốc gia, trong trường hợp Trung Quốc, đây là cơ quan Bộ, ngành liên ngành, thì Việt Nam trao thẩm quyền rà soát nêu trên cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, thiết chế này của Việt Nam dường như không tạo ra sự khác biệt với việc rà soát các dự án đầu tư thông thường. Trong tương lai, cùng với xu hướng hội nhập quốc tế và kinh nghiệm từ các quốc gia tiếp nhận đầu tư khác, Việt Nam có thể cân nhắc kiện toàn bộ máy và thiết chế để việc rà soát đánh giá tác động của an ninh quốc gia đối với dự án đầu tư nước ngoài hoàn thiện và hiệu quả hơn. Đặc biệt là các trường hợp đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành, giữa các Bộ, ngành khác nhau.
Thứ hai, Úc và Trung Quốc đều đưa ra định nghĩa khá chung, tiếp cận vấn đề theo từng vụ việc cụ thể, nhưng ít nhất hai quốc gia này đều có hướng dẫn về vấn đề rà soát, đặc biệt là rà soát hoạt động đầu tư của các DNNN của quốc gia khác đến đầu tư. Do vậy, khi xem xét theo khía cạnh này, Việt Nam có thể cân nhắc việc đưa ra các hướng dẫn nội bộ cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ rà soát các dự án đầu tư, để đảm bảo việc rà soát được xây dựng trên các tiêu chí và tiêu chuẩn chung. Đồng thời Việt Nam cũng cần có cơ chế theo dõi và đánh giá tình hình đầu tư ra nước ngoài và tiếp nhận đầu tư của DNNN.
Thứ ba, một trong những vấn đề mà các quốc gia còn đang thảo luận tích cực và có những ý kiến trái chiều liên quan đến việc mức độ và phạm vi rà soát tới đâu thì được cho là phù hợp để đảm bảo vẫn thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng nguồn lực của các FDI để phát triển đất nước trong khi vẫn bảo đảm kiểm soát được an ninh quốc gia trước những nguy cơ và rủi ro của FDI, đặc biệt là FDI từ DNNN của quốc gia khác. Do vậy, việc tham gia vào các diễn đàn đa phương, đàm phán sửa đổi các quy tắc trong các hiệp định đầu tư và thương mại, cũng như cân nhắc và đánh giá tác động cẩn trọng về vấn đề này là giải pháp mà Việt Nam nên cân nhắc./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.
- UNCITAD, Báo cáo đầu tư thế giới năm 2020, trang 18.
- OECD, Sourthest Asia Investment policy perspectives, (Bối cảnh chính sách đầu tư khu vực Đông Nam Á), trang 15.
- UNCITAD, National security-related screening mechanisms for foreign investment, page 4.
- UNCITAD, National security-related screening mechanisms for foreign investment, page 4 .
- UNCITAD, Báo cáo đầu tư thế giới năm 2020, trang 18.
- UNCITAD, National security-related screening mechanisms for foreign investment, page 4.
- UNCITAD, National security-related screening mechanisms for foreign investment, page 1.
- UNCITAD, Báo cáo đầu tư thế giới năm 2020, trang 18.
- UNCITAD, National security-related screening mechanisms for foreign investment, page 1.
- OECD, Sourthest Asia Investment policy perspectives, (Bối cảnh chính sách đầu tư khu vực Đông Nam Á), trang 15.
- OECD, Sourthest Asia Investment policy perspectives, (Bối cảnh chính sách đầu tư khu vực Đông Nam Á), trang 37.
- UNCITAD, Investment policies in response to covid 19 Pandemic, Annex .
- OECD, Sourthest Asia Investment policy perspectives, (Bối cảnh chính sách đầu tư khu vực Đông Nam Á), trang 37.
- Paul Blyschak, State-Owned Enterprises and International Investment Treaties: When are State-Owned Entities and Their Investments Protection, 6 J. INT’l L & INT’l REL.1 (2011) page 50.
- OECD, Twenty-third Report on G20 Investment Measures, page 9.
- Foreign Acquisitions and Takeovers Act 1975, No. 92, 1975, (Luật về mua bán sát nhập có yếu tố nước ngoài năm 1975) truy cập tại https://www.legislation.gov.au/Details/C2020C00023.
- Chính sách đầu tư nước ngoài của Úc, truy cập https://www.dfat.gov.au/trade/investment/Pages/australias- foreign-investment-policy.
- Tomasic, R.; Xiong, P. Mapping the legal landscape: Chinese state-owned companies in australia, 48(2) Victoria U. Wellington L. Rev. 323 (2017) page 325.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012) page 12-13.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012) page13.
- International Bar Association, Doing Business in Asia Pacific, page 20.
- Ming Du, The Regulation of Chinese State-Owned Enterprises in National Foreign Investment Laws: A Comparative Analysis, 5 GLOBAL J. COMP. L. 118 (2016), page 131.
- Ming Du, The Regulation of Chinese State-Owned Enterprises in National Foreign Investment Laws: A Comparative Analysis, 5 GLOBAL J. COMP. L. 118 (2016), page 131.
- Robert Sroka, Friends with Net Benefits: The Investment Canada Act and State Owned Enterprises, 17 Asper REV. INT’l Bus. & TRADE L. 181 (2017), page 214.
- Robert Sroka, Friends with Net Benefits: The Investment Canada Act and State Owned Enterprises, 17 Asper REV. INT’l Bus. & TRADE L. 181 (2017), page 214.
- Ling Ling He, International Regulation of Investment by State-Owned Enterprises: A Comparative Perspective, 13 J. COMP. L. 189 (2018), page 210-212.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012), page 16.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012) page 16.
- Điều 6 Luật Đầu tư Trung Quốc.
- Điều 35 của Luật Đầu tư Trung Quốc quy định.
- International Bar Association, Doing Business in Asia Pacific, page 58.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012) page 21-22.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012) page 22.
- International Bar Association, Doing Business in Asia Pacific, page 66.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012) page 6.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012) page 6.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012) page 7.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012) page 20.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012) page 24.
- Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/08/2019 của Bộ Chính trị số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Mục III (2).
- Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4 Điều 3 Luật an ninh quốc gia năm 2004.
- Khoản 3 Điều 5 Luật Đầu tư năm 2020.
- Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020.
- Khoản 3 Điều 13 Luật Đầu tư năm 2020.
- Khoản 3 Điều 47, Luật Đầu tư năm 2020.
- https://investmentpolicy.unctad.org/international-investment-agreements/countries/229/viet-nam.
- https://trungtamwto.vn/thong-ke/12065-tong-hop-cac-fta-cua-viet-nam-tinh-den-thang-112018.
- Điều 29.2 Hiệp định CPTPP.
- Điều 2.22 (Ngoại lệ chung), 8.53 (Ngoại lệ chung) và 9.3 (Ngoại lệ an ninh và ngoại lệ chung).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- UNCITAD, Báo cáo đầu tư thế giới năm 2020, trang 18.
- OECD, Sourthest Asia Investment policy perspectives, (Bối cảnh chính sách đầu tư khu vực Đông Nam Á), trang 15.
- UNCITAD, National security-related screening mechanisms for foreign investment, page 4.
- OECD, Sourthest Asia Investment policy perspectives, (Bối cảnh chính sách đầu tư khu vực Đông Nam Á), trang 15.
- UNCITAD, Investment policies in response to covid 19 Pandemic, Annex.
- Paul Blyschak, State-Owned Enterprises and International Investment Treaties: When are State-Owned Entities and Their Investments Protection, 6 J. INT’l L & INT’l REL.1 (2011) page 50.
- OECD, Twenty-third Report on G20 Investment Measures, page 9.
- Tomasic, R.; Xiong, P. Mapping the legal landscape: Chinese state-owned companies in australia, 48(2) Victoria U. Wellington L. Rev. 323 (2017) page 325.
- Vivienne Bath, Foreign Investment, the National Interest and National Security – Foreign Direct Investment in Australia and China, 34 Sydney L. REV. 5 (2012) page 12-13.
- International Bar Association, Doing Business in Asia Pacific, page 20
- Ming Du, The Regulation of Chinese State-Owned Enterprises in National Foreign Investment Laws: A Comparative Analysis, 5 GLOBAL J. COMP. L. 118 (2016), page 131.
- Robert Sroka, Friends with Net Benefits: The Investment Canada Act and State Owned Enterprises, 17 Asper REV. INT’l Bus. & TRADE L. 181 (2017), page 214.
- Ling Ling He, International Regulation of Investment by State-Owned Enterprises: A Comparative Perspective, 13 J. COMP. L. 189 (2018), page 210-212.
Trả lời