Những điểm mới trong Luật Đầu tư năm 2020 về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh
Tác giả: Võ Thị Hoài [1]
TÓM TẮT
“Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” là nguyên tắc đã được khẳng định trong Hiến pháp và các đạo luật về kinh doanh. Để thực hiện nguyên tắc này, việc quy định những ngành nghề nào pháp luật cần phải cấm để đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho các nhà đầu tư là một trong những nội dung cần quan tâm mỗi khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Bài viết phân tích và bình luận về các điểm mới trong Luật Đầu tư năm 2020 về ngành nghề cấm kinh doanh so với những Luật Đầu tư trước đây, từ đó cho thấy sự cần thiết và hợp lý của các quy định này.
1. Ngành nghề cấm kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020
Nội dung về ngành nghề cấm kinh doanh cũng đã được đưa ra bàn thảo về việc thêm bớt những ngành nghề nào cho hợp lý. Một số phương án đã được đề xuất trong các dự thảo và cuối cùng Luật Đầu tư năm 2020 đã được thông qua với 8 ngành nghề cấm kinh doanh. Ngoài việc không thay đổi ở một số ngành nghề thì những ngành nghề khác đã có bổ sung như sau:
Thứ nhất, kinh doanh các chất ma túy theo Phụ lục 1.
Về nội dung này đã từng có ý kiến cho rằng chỉ cần quy định “Kinh doanh các chất ma túy” còn những chất ma túy gì thì sẽ quy định ở văn bản khác để thuận tiện cho quá trình bổ sung, sửa đổi nếu có. Tuy nhiên, với quan điểm rõ ràng, minh bạch, thuận tiện cho nhà đầu tư, đồng thời vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên Luật vẫn quyết định giữ nguyên quy định về các chất ma túy theo Phụ lục 1. Theo đó tại nội dung về các chất ma túy được liệt kê đã có một số thay đổi.
Một là, bảng danh mục các chất ma túy bị cấm trong Luật Đầu tư được chia thành 4 bảng cụ thể chứ không gộp chung một bảng Danh mục các chất ma túy bị cấm đầu tư kinh doanh như Luật Đầu tư năm 2014. Các chất ma túy được chia thành các nhóm:
(i) Các chất và muối, đồng phân, ester, ether và muối của các đồng phân, ester, ether có thể tồn tại của các chất này;
(ii) Các chất và muối, đồng phân có thể tồn tại của các chất này; (iii) Các chất và muối có thể tồn tại của các chất này.
Tuy nhiên sự thay đổi này chỉ là thay đổi về mặt hình thức, còn về nội dung các chất ma túy bị cấm trong danh mục này không có sự thay đổi.
Hai là, ba chất ma túy mới bị cấm được bổ sung vào trong bảng riêng bao gồm: Cần sa và các chế phẩm từ cần sa; lá khat; thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện (trừ trường hợp ethyl este của acid béo iod hóa trong dầu hạt thuốc phiện mà không còn chứa chất ma túy từ thuốc phiện). Quy định này xuất phát từ thực trạng trong thời gian vừa qua đã xuất hiện các loại ma túy mới, số lượng người sử dụng các chất này nhiều (đặc biệt là giới trẻ), gây những tác hại lớn. Cần sa là một loại ma túy lấy từ cây dầu gai có tên là Cannabis Sativa. Hiện nay trong giới trẻ sử dụng các tên khác nhau cho cùng một loại cần sa xuất phát từ cây Cannabis Sativa như “bồ đà”, “bu”, “cỏ”, “tài mà”, “pin” được sử dụng dưới dạng hút, vape, hít, uống hoặc ăn nhằm mục đích thỏa mãn cá nhân và giải trí gây là tình trạng ảo giác, ảo tưởng, rối loạn tâm thần. Nhiều vụ tai nạn giao thông, giết người do ngáo đá khi sử dụng các chất ma túy này đặt ra yêu cầu cần sớm có quy định cấm kinh doanh. Lá Khat có nguồn gốc từ Đông Phi và các nước Ả rập. Thành phần gây kích thích trong lá Khat là hai chất cathinone và cathine. Các thành phần này có tác dụng nhanh hơn so amphetamine nên mức độ cũng nguy hiểm hơn ma túy đá gấp nhiều lần.
Thứ hai, kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này.
Danh mục các loại hóa chất có bổ sung thêm quy định cấm chất Dodecyl benzene sulfonic acid. Tuy nhiên, đối với hóa chất Dodecyl benzene sulfonic acid thực ra không phải là quy định cấm mới, trước đây loại hóa chất này đã được cấm xuất nhập khẩu theo quy định tại Quyết định số 40/2006/QĐ-BCN ngày 01/12/2006. Việc đưa hóa chất này vào danh mục nhằm ngăn chặn quyết liệt việc kinh doanh loại hóa chất này vì nguy cơ gây ung thư trong khi nó có thể được sử dụng trong các chất tẩy rửa.
Về các loại khoáng vật, trước đây Luật Đầu tư năm 2014 chỉ quy định cấm các Amiang màu thuộc nhóm Amphibol mà không liệt kê rõ các loại khoáng chất này. Nay Luật Đầu tư năm 2020 quy định rõ các khoáng vật bị cấm bao gồm: Amiăng crocidolip; Amiăng amosit; Amiăng anthophyllit; Amiăng actinolit; Amiăng tremolit
Thứ ba, kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này.
Những điểm mới của nhóm ngành nghề này bao gồm:
– Bổ sung cụm từ “có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên” so với Luật Đầu tư năm 2014 nhằm loại trừ các trường hợp kinh doanh các loài lai tạo, cấy ghép, áp dụng công nghệ sinh học để trồng tại nhà, tại vườn bởi hiện nay rất nhiều loại thực vật quý hiếm đã được trồng, cấy ghép, lai tạo. Vì vậy nếu cấm kinh doanh tất cả các loại thực vật này là không phù hợp. Ví dụ như sâm Ngọc Linh hay nhiều giống lan quý hiếm đã được người trồng lai tạo, gây giống để cung cấp cho người chơi lan; bán làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe.
– Thay thế “thực vật rừng, động vật rừng” cho từ “động vật, thực vật hoang dã”; đồng thời thêm thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vào danh mục cần bảo vệ. Đối với danh mục các loài thực vật rừng cấm kinh doanh đã được bổ sung thêm thành 39 loài thay vì 19 loài như trước đây. Trong đó đặc biệt liệt kê tên các loài lan quý hiếm thay vì chỉ quy định chung chung các loài lan kim tuyến và các loài lan hài. Quy định này là cần thiết do thời điểm gần đây phong trào chơi lan và mua bán các loài lan quý hiếm, đột biến đang trở nên rầm rộ. Nhiều giao dịch lan với giá trị rất cao, điều đó có thể thúc đẩy việc săn lùng các loài lan rừng quý để mua bán khiến các loài lan quý có thể bị tuyệt chủng. Danh mục động vật và đặc biệt các loài thủy sản được quy định chi tiết và mở rộng từ chỉ có 90 loài đã lên tới 219 loài. Quy định đó cho thấy chúng ta luôn quan tâm và cập nhật danh mục các loài động, thực vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.
Thứ tư, mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người.
Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh bị cấm ở nhóm này bao gồm cả kinh doanh xác người và bào thai người. Trong một vài năm gần đây đang diễn ra tình trạng dụ dỗ phụ nữ nghèo đang có thai gặp nhiều khó khăn sang Trung Quốc chờ sinh và bán con với giá khoảng từ 50 đến 100 triệu đồng. Việc mua bán bào thai này về mặt bản chất là mua bán trẻ em. Tuy nhiên, trong giai đoạn mang thai, bà mẹ chưa sinh con cho nên nếu truy tố về tội mua bán người theo Ðiều 150 và tội mua bán người dưới 16 tuổi theo Ðiều 151 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì không phù hợp và chưa có văn bản nào hướng dẫn truy tố về hành vi này. Hành vi bắt đầu diễn ra ở thời điểm đang mang thai, đứa trẻ chưa được sinh ra nên về bản chất chỉ có thể xử lý khi đứa trẻ đã sinh ra. Điều đó rất khó phát hiện vì hành vi diễn ra ở nước ngoài, có sự đồng thuận của các bên. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này, việc đưa ra quy định cấm về việc kinh doanh bào thai người là việc cần thiết nhằm ngăn chặn từ gốc rễ hoạt động mua bán người biến tướng. Về quy định cấm kinh doanh xác người thực ra không phải là quy định mới. Việc cấm mua bán xác người đã được quy định tại Khoản 3 Điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Tuy nhiên, việc đưa vào Luật Đầu tư là cần thiết vì nếu so với Luật hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì Luật Đầu tư được coi là luật chuyên ngành về kinh doanh nên cần quy định cụ thể về những ngành nghề bị cấm. Việc bổ sung này nhằm thể hiện đầy đủ nội dung, giúp quy định cấm được triệt để và có chế tài cụ thể để xử lý. Đồng thời nhằm ngăn chặn những hình thức kinh doanh trên xác người bởi trên thực tế đã và đang tồn tại tình trạng mua bán xác người cho những mục đích khác nhau như mục đích nghiên cứu hay mục đích mê tín dị đoan.
Thứ năm, kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đây là ngành nghề kinh doanh bị cấm hoàn toàn mới được bổ sung vào trong Luật Đầu tư năm 2020 và cũng là vấn đề có nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến không đồng tình với việc cấm bởi các lý do như: việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Mặc dù có nhiều cách thức khác để đòi nợ qua thủ tục tố tụng nhưng thủ tục này mất nhiều thời gian và nhiều khi không thi hành án được do chậm trễ. Nếu vì các tiêu cực phát sinh thì cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ; giám sát, quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động của các doanh nghiệp này. Nếu vì lý do không quản lý được nên cấm là không phù hợp. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị “khai tử” vì trên cơ sở đánh giá những đóng góp của lĩnh vực ngành nghề này cho xã hội và những tiêu cực phát sinh thì dịch vụ đòi nợ đã bị nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội. Như vậy từ ngày 01/01/2021 các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chấm dứt hoạt động; hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực và doanh nghiệp sẽ phải thanh lý hợp đồng đã ký kết2.
2. Một số kiến nghị đề xuất về các quy định liên quan đến ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh
Nhìn lại cả quá trình xây dựng và ban hành các quy định về ngành nghề cấm kinh doanh cho thấy vẫn còn một số tồn tại cần có giải pháp tháo, gỡ như sau:
Thứ nhất, chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa ngành nghề cấm kinh doanh, hàng hóa cấm kinh doanh và hoạt động cấm đầu tư kinh doanh. Từ đó dẫn tới trong một số văn bản quy định hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh nhưng bao gồm cả ngành nghề cấm kinh doanh. Khi góp ý xây dựng Luật Đầu tư, ngay cả các đại biểu Quốc hội là người làm luật cũng có sự nhầm lẫn này khi “Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra, thám tử tư, vật liệu nổ khác (ngoài pháo nổ), các ngành thải hóa chất độc hại ra môi trường”3. Từ việc không rõ ràng này dẫn tới tình trạng thêm rồi bỏ rất phức tạp trong khi vẫn cấm. Chỉ khác là không cấm trong ngành nghề kinh doanh mà cấm trong hàng hóa hoặc hành vi. Nhiều quy định bãi bỏ vì cho rằng nó là hàng hóa cấm kinh doanh chứ không phải ngành nghề. Ví dụ: nhóm ngành nghề “Kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hoá và thiết bị cấm lưu hành, cấm sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành và/hoặc sử dụng tại Việt Nam”4 bị bỏ đi trong khi vẫn cấm ở các luật chuyên ngành. Chẳng hạn như hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt. Nếu hiểu rằng mua bán giống cây trồng, phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành là cấm một loại hàng hóa trong ngành nghề về nông nghiệp. Vậy liệu cách hiểu pháo nổ chỉ là một loại hàng hóa thuộc nhóm “ngành nghề kinh doanh các loại pháo” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện có hợp lý? Cho nên chỉ cần xếp pháo nổ vào hàng hóa cấm kinh doanh chứ không nằm trong ngành nghề cấm kinh doanh? Vì vậy cần xây dựng khái niệm “ngành nghề kinh doanh” trong luật để bảo đảm việc hiểu một cách thống nhất, từ đó giúp cho việc xây dựng quy định này được hợp lý, tránh tình trạng thêm bỏ rất mâu thuẫn.
Thứ hai, việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ đặt ra yêu cầu cần có một cơ chế hữu hiệu hơn trong việc giải quyết quyền đòi nợ của người dân để tránh tình trạng phát sinh những cách thức đòi nợ tiêu cực hơn so với trước và không quản lý được.
Thứ ba, sớm xây dựng chế tài cho hành vi mua bán xác người và hành vi mua bán bào thai người để phát huy được ý nghĩa của quy định cấm. Vì đối với hành vi mua bán xác người, bào thai người không xếp được vào tội sản xuất, mua bán hàng cấm theo Điều 190 của Bộ luật hình sự. Nghiên cứu mức độ nguy hiểm để quyết định áp dụng chế tài hành chính hay chế tài hình sự cho hành vi này là điều cần được quan tâm.
Tóm lại, Luật Đầu tư năm 2020 đã được xây dựng đáp ứng mục tiêu thực hiện được các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngành nghề kinh doanh bị cấm; ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh được quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch là những nội dung tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh. Để đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ lợi ích của cộng đồng, duy trì trật tự an toàn xã hội và mục tiêu tự do hóa quyền kinh doanh, thu hút tốt hơn nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp cho đầu tư và phát triển, việc rà soát hệ thống các quy định về ngành, nghề kinh doanh trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện để cập nhật những thay đổi cần thiết góp phần hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là yêu cầu trước mỗi lần xây dựng, sửa đổi, bổ sung một đạo luật về kinh doanh./.
CHÚ THÍCH
- Thạc sỹ, Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn.
- Khoản 5 Điều 77 Luật Đầu tư năm 2020.
- https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/co-nen-dua-dich-vu-doi-no-va-tham-tu-tu-vao-luat-dau- tu-88908.html.
- Điểm o Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp.
- Điều 9 Luật trồng trọt năm 2018.
Trả lời