Mục lục
Về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Tác giả: TS. Lê Ngọc Thạnh
TÓM TẮT
Mục đích của nghiên cứu này nhằm tìm hiểu thẩm quyền của Hội đồng nhân dân theo quy định của Hiến pháp và các đạo luật chuyên ngành; từ đó xem xét tính tương thích của nội dung trên trong pháp luật đất đai hiện hành và Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định pháp luật về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong lĩnh vực quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và quy định giá đất, tác giả sẽ nêu lên những bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Xem thêm:
- Hoàn thiện pháp luật về quy trình lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh – ThS. Nguyễn Thị Ngọc Mai
- Bắt người là Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và người dưới 18 tuổi – ThS. LS. Phạm Quang Thanh
TỪ KHÓA: Góp ý sửa đổi Luật, Hội đồng nhân dân, Tạp chí khoa học pháp lý
Hội đồng nhân dân (HĐND) là thiết chế quan trọng trong việc thực hiện quyền dân chủ đại diện của nhân dân. Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND trong công tác quản lý, giám sát hoạt động quản lý hành chính nhà nước, trong đó có quản lý trên lĩnh vực đất đai là một trong những phương thức chủ yếu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Trên cơ sở nội dung các bản Hiến pháp, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Đất đai năm 2003 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 16/4/2013, tác giả bài viết này sẽ phân tích những bất cập của quy định pháp luật về thẩm quyền của HĐND; đề nghị hướng sửa đổi, bổ sung, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo việc sử dụng tài nguyên đất hợp lý, có hiệu quả.
1. Thẩm quyền của Hội đồng nhân dân được quy định trong các bản Hiến pháp
Chế định pháp luật về Hội đồng nhân dân được ra đời ngay từ khi xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều thứ 19 của Hiến pháp năm 1946 quy định: “Hội đồng nhân dân quyết nghị về những vấn đề thuộc địa phương mình. Những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của các cấp trên.”. Cho dù cách diễn đạt có khác nhau, nhưng trong các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đều quy định, HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, có thẩm quyền như sau:
(i) Quyết nghị các biện pháp quản lý tại địa phương mình;
(ii) Thông qua Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp tiến hành tổ chức thực hiện các Nghị quyết do mình ban hành cũng như các văn bản của cấp trên;
(iii) Giám sát hoạt động thực hiện các Nghị quyết của UBND và hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn.
Trong thẩm quyền của HĐND có việc giải tán HĐND cấp dưới trực tiếp khi HĐND này làm thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng sau khi được sự phê chuẩn của HĐND cấp trên trực tiếp hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Hiến pháp 1959) hoặc của là Hội đồng Nhà nước (Hiến pháp 1980). Nội dung này không được quy định trong Hiến pháp năm 1992, mà được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Hay nói cách khác, quyền năng của HĐND không trọn vẹn, độc lập mà lệ thuộc vào ý chí của cơ quan quyền lực Nhà nước ở cấp hành chính cao hơn. Còn đối với các lĩnh vực khác, quyền lực của HĐND được quy định trong các bản Hiến pháp đều thể hiện tính độc lập của mình, với yêu cầu là phù hợp với các văn bản pháp luật của cấp trên.
2. Thẩm quyền của Hội đồng nhân dân được quy định trong Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai
Khi đề cập việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, Luật Đất đai năm 2003 đã quy định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND; trong đó quy định HĐND các cấp thực hiện quyền giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương, còn UBND các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai và quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền do luật định. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) đã mở rộng cơ quan nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai, ngoài UBND các cấp còn có Quốc hội, Chính phủ và HĐND các cấp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục quy định thẩm quyền của HĐND trong lĩnh vực đất đai tại địa phương. Đáng tiếc là, duy chỉ có vài điều (Điều 20, Điều 22, Điều 43, Điều 109, Điều 192) trong 206 điều của Dự thảo đề cập thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong các lĩnh vực:
(i) Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
(ii) Thông qua việc ban hành giá đất.
Còn HĐND các cấp thì có các quyền chung:
(i) Thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền được quy định trong Luật Đất đai;
(ii) Thẩm quyền giám sát về quản lý sử dụng đất đai theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND.
Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định, ngoài thẩm quyền quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội, xây dựng chính quyền địa phương, khoa học và công nghệ…, trong lĩnh vực tài nguyên, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có quyền quyết định biện pháp quản lý và sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển tại địa phương theo quy định của pháp luật; còn HĐND cấp xã có quyền quyết định biện pháp quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được để lại nhằm phục vụ các nhu cầu công ích của địa phương[1]. Mặc dù pháp luật quy định thẩm quyền của HĐND rộng như vậy; tuy nhiên Dự thảo chỉ đề cập vai trò của HĐND trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng như trong việc ban hành giá đất; còn trong lĩnh vực giám sát, quản lý đất đai chưa được cụ thể hóa.
2.1. Đối với việc xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Trong quản lý nhà nước về đất đai, việc xây dựng, phê duyệt và quản lý quy hoạch kế hoạch sử dụng đất (QH, KH) đóng vai trò quan trọng, là cơ sở để phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ pháp luật đất đai, nhất là trong điều kiện đặc thù ở nước ta hiện nay, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, và nhân dân ủy quyền giao cho Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu. Vì nhân dân không thể trực tiếp thực hiện việc quản lý, nên phải thông qua thiết chế dân chủ đại diện để thực hiện quyền năng của mình trong lĩnh vực đất đai, và như vậy, HĐND là thiết chế có thể đảm đương được nhiệm vụ trọng trách ấy. Như vậy, điều mà nhân dân kỳ vọng vào người đại diện của mình trong việc quản lý đất đai thể hiện trong pháp luật chuyên ngành như thế nào?
Luật Đất đai năm 2003 quy định, chỉ có cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội mới có quyền quyết định QH, KH của cả nước do Chính phủ trình; còn QH, KH cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cấp xã thuộc thẩm quyền xét duyệt của Chính phủ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện; hay nói cách khác, việc quyết định QH, KH của các địa phương thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính các cấp; còn HĐND thực hiện quyền lực của mình bằng cách thông qua QH, KH do UBND cùng cấp trình, trước khi trình cơ quan hành chính nhà nước cấp trên xét duyệt.
Trong Dự thảo, các nội dung về trình tự, thủ tục, thẩm quyền lập, quyết định phê duyệt QH, KH hầu như giữ nguyên các quy định của Luật Đất đai năm 2003, chỉ khác nhau ở chỗ là bỏ nội dung QH, KH cấp xã. Hệ thống QH, KH chỉ có các cấp: quốc gia, tỉnh, huyện và QH, KH đất quốc phòng, đất an ninh[2].
Đối với QH, KH quốc phòng; QH, KH an ninh, trong Dự thảo không đề cập đến vai trò tham gia của HĐND, mà chỉ nêu trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc lập và trình Chính phủ phê duyệt. Mặc dù, trong quá trình tổ chức lập QH, KH cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan có trách nhiệm lập QH, KH phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật về QH, KH trong gần 10 năm qua, kể từ ngày Luật Đất đai có hiệu lực (ngày 01/7/2004) cho thấy, với hàng loạt các bản đồ quy hoạch đủ loại màu sắc, kích thước, nếu không có kiến thức về bản đồ địa chính kết hợp với việc đọc kỹ thuyết minh chi tiết, có khi phải đi thực địa (đối với những vùng giáp ranh, hoặc có địa hình phức tạp) thì ngay cả đối với người có nghiệp vụ quản lý đất đai, muốn hiểu rõ nội dung của quy hoạch cũng không phải là dễ, huống chi đối với nhân dân. Đó là chưa kể đến, pháp luật hiện hành chưa có những quy trình, việc tiếp nhận của người có thẩm quyền đối với những đóng góp của người dân với tư cách cá nhân, hay là của cả cộng đồng dân cư về việc chưa đồng tình với nội dung nào đó trong quy hoạch. Nếu như cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không đồng tình với ý kiến góp ý của nhân dân, cũng không đưa QH, KH thông qua thiết chế dân chủ đại diện (như đối với quy hoạch quốc phòng, an ninh), mà vẫn quyết định phê duyệt thì khi có xung đột lợi ích về những nội dung trên xảy ra sẽ được giải quyết như thế nào; vai trò của người chủ sở hữu đất đai đích thực là toàn dân trong từng trường hợp cụ thể ra sao, hiện vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo[3].
Với những quy định trên, theo tác giả có mấy vấn đề cần đặt ra như sau:
Thứ nhất, hành vi pháp lý “thông qua” văn bản của UBND cùng cấp đệ trình của HĐND chưa được quy định trong các bản Hiến pháp, như đã viện dẫn ở trên, vì thẩm quyền của HĐND là xem xét, quyết định.
Thứ hai, hành vi pháp lý “thông qua” của HĐND khác với hành vi của Quốc hội. Ý chí của Quốc hội sau khi thông qua một nội dung nào đó, được thể hiện bằng Nghị quyết, Luật, Bộ luật sẽ có giá trị thi hành tại thời điểm nhất định được ấn định trong văn bản; còn Nghị quyết của HĐND thể hiện ý chí của mình sau khi thông qua QH, KH phải chờ văn bản của UBND cấp trên quyết định mới có hiệu lực thi hành.
Đối với những địa phương đang thực hiện thí điểm bỏ HĐND thì UBND cấp lập QH, KH trình UBND cấp trên trực tiếp. Như vậy, cho dù có hay không có HĐND thì việc quyết định QH, KH cũng không phụ thuộc vào cơ quan quyền lực ở địa phương. Trong trường hợp này, chế định dân chủ đại diện chưa được xem xét, phát huy hiệu quả.
Thứ ba, các quy định về thẩm quyền quyết định QH, KH cho thấy, thiết chế dân chủ đại diện đã thể hiện rõ nét vai trò của Quốc hội ở tầm quy hoạch cấp quốc gia; còn đối với quy hoạch ở từng địa phương, trong từng lĩnh vực cụ thể cần có sự tham gia của HĐND, pháp luật chưa quy định thẩm quyền của họ “ngang tầm” với quyền hiến định.
Như vậy, việc quyết định QH, KH của Quốc hội ở tầm quốc gia là cơ sở để các cơ quan hành chính nhà nước quyết định phê duyệt các QH, KH chi tiết. Thoạt nhìn, chúng ta có thể thấy vai trò của cơ quan quyền lực thực hiện thiết chế đại diện để thực hiện quyền định đoạt của chủ sở hữu là “toàn dân” giao phó đã thể hiện cụ thể. Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm, đó là ai sẽ bảo vệ quyền lợi khi từng thửa đất cụ thể của họ bị thu hồi do việc lập, phê duyệt QH, KH thiếu khoa học, hoặc bị chi phối bởi lợi ích nhóm, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Quy hoạch thì “hoành tráng” nhưng không tính tới nhu cầu sử dụng và nguồn lực thực hiện nên không khả thi; quy hoạch có khi bị chi phối bởi lợi ích cục bộ hoặc tư tưởng bình quân.”[4].
Trong trường hợp này, HĐND đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người có đất bị thu hồi – với tư cách là đồng chủ sở hữu đất đai, vừa là đối tượng bị tác động của chính sách đất đai; bởi lẽ HĐND được nhân dân bầu, sống gần dân, là người địa phương nên hơn ai hết, họ biết rõ trình tự, thủ tục lập, chất lượng quy hoạch và những vấn đề diễn biến xoay quanh nội dung này.
Thứ tư, việc “tách rời” chức năng xem xét của HĐND, kể cả quyền tham gia ý kiến đóng góp của nhân dân đối với các QH, KH do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập vô hình trung đã tạo ra “khoảng trống” trong việc giám sát quá trình QH, KH của lực lượng vũ trang. Có thể, các nhà làm luật cho rằng, đây là lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia cần được bảo mật, nên nội dung quy hoạch phải được thông qua bằng một quy trình đặc biệt hơn. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, đối với các quốc gia có sử dụng vệ tinh và các thiết bị khác thì việc biết được diễn biến sử dụng đất của một quốc gia khác không phải là điều khó khăn, nên lập luận của tác giả đưa ra ở trên khó đứng vững được.
Hàng ngày, chúng ta đi qua các khu phố nào đó, những dòng chữ như: Công ty TNHH Một thành viên X, Y,… trực thuộc Bộ Tư lệnh A, B hoặc thuộc Tổng cục… của Bộ …, tọa lạc trên khu vực đất dành cho quốc phòng không phải là hiếm. Trong khuôn khổ hoạt động kinh doanh, những người điều hành các doanh nghiệp trên phải có nghĩa vụ bảo toàn vốn, phát triển đơn vị theo kế hoạch của chủ sở hữu; và đương nhiên, bên cạnh nghĩa vụ đó, họ phải có quyền lợi vật chất tương ứng được hưởng theo kết quả kinh doanh, thậm chí cho dù kết quả kinh doanh “âm”, họ vẫn cứ cho mình được hưởng như dư luận báo chí gần đây đã đưa tin về một số doanh nghiệp nhà nước. Trong trường hợp này, ranh giới giữa “sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh” với sử dụng đất vào các mục đích khác cũng thật là khó phân biệt trên cơ sở định lượng. Do vậy, yêu cầu cần có sự tham gia của HĐND để quản lý loại tài sản đặc biệt – đất đai trong việc xét duyệt QH, KH quốc phòng, an ninh là cần thiết trong điều kiện chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Một nội dung cũng rất quan trọng trong công tác quản lý đất đai, đó là việc điều chỉnh QH, KH khi triển khai thực hiện phát sinh những vướng mắc, đáp ứng được những điều kiện do pháp luật quy định. Tuy nhiên, cả trong Luật Đất đai năm 2003 cũng như trong Dự thảo đều quy định chung là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc là người có thẩm quyền như trong Dự thảo) quyết định xét duyệt QH, KH của cấp nào thì có thẩm quyền xét duyệt, điều chỉnh QH, KH của cấp đó[5]; nhưng không quy định trình tự, thủ tục để tiến hành các nội dung trên. Do vậy, điều này cần được xem xét sửa đổi, bổ sung, nhằm hạn chế việc lạm quyền của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong quá trình thực thi pháp luật.
2.2. Đối với việc ban hành giá đất
Về việc định giá đất, ban hành giá đất, Luật Đất đai năm 2003 quy định, căn cứ vào nguyên tắc định giá đất, phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất do Chính phủ quy định, UBND cấp tỉnh xây dựng giá đất cụ thể tại địa phương trình HĐND cùng cấp cho ý kiến trước khi quyết định[6]. Điều này có nghĩa là, việc xem xét cho ý kiến của HĐND chỉ mang tính thủ tục, còn thẩm quyền quyết định thuộc về UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục, nội dung cho ý kiến của HĐND hiện vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định. Về mặt ngữ nghĩa, ý kiến là sự nhìn nhận, cách nghĩ, đánh giá, nhận xét về điều gì đó, thường được phát biểu ra bằng lời, văn bản như: phát biểu ý kiến, trao đổi ý kiến, lấy ý kiến của từng người[7]. Theo cách hiểu này thì HĐND có quyền nhận xét về bảng giá đất do UBND cùng cấp trình; còn kết quả nhận xét đó được UBND tiếp thu như thế nào thì pháp luật chưa quy định cụ thể.
Về nội dung này, Dự thảo vẫn kế thừa quy định trong Luật Đất đai năm 2003, chỉ khác nhau ở chỗ, cụm từ HĐND cùng cấp cho ý kiến đã được thay thế bằng: HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành, hay nói cách khác, chỉ khác nhau về câu chữ trong quy định, còn bản chất về thẩm quyền của HĐND vẫn chưa thay đổi, ý chí của cơ quan quyền lực không phát sinh trực tiếp hiệu lực pháp lý, mà phải chờ cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp quyết định, ban hành[8].
3. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Hội đồng nhân dân
Khác với các nước có mô hình tổ chức quyền lực nhà nước theo hướng tam quyền phân lập, các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đối trọng, kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau trong từng hoạt động của mỗi nhánh quyền lực; còn trong Nhà nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Để thực hiện được điều đó, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các thiết chế phù hợp để các cơ quan trong bộ máy nhà nước vận hành đồng bộ, đảm bảo sự giám sát lẫn nhau, tránh việc lạm quyền làm phương hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; trong đó, việc phát huy thẩm quyền của HĐND trong công tác quản lý nhà nước về đất đai là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở phân tích những hạn chế như đã trình bày ở phần trên, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung có liên quan đến công tác QH, KH và ban hành giá đất, cũng như quyết định biện pháp quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương theo hướng đảm bảo thẩm quyền của HĐND như sau:
Thứ nhất, HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, tính quyền lực phải thể hiện rõ nét trong việc quyết định những vấn đề quan trọng, biểu hiện ý chí của mình thông qua việc ban hành các Nghị quyết có hiệu lực pháp luật, được thi hành ngay, thay cho thủ tục đang được áp dụng hiện nay: một số Nghị quyết của HĐND trong lĩnh vực đất đai dường như chỉ là thủ tục “trung gian”, phải chờ đến cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp, hay cấp trên ban hành quyết định thì Nghị quyết đó mới phát sinh hiệu lực.
Khi xây dựng thẩm quyền của HĐND cũng cần xét đến đặc thù của nước ta hiện nay là đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhằm tránh việc tập trung quyền lực vào cơ quan hành chính, hoặc người được trao quyền trong cơ quan hành chính; hay nói cách khác, nếu toàn bộ tài sản đất đai của quốc gia chỉ do một số người điều hành, quyết định số phận, thì điều này sẽ dễ dẫn đến việc sử dụng tài sản đất đai không được cân nhắc hợp lý, hoặc bị tham ô, lãng phí, không được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời.
Thứ hai, về QH, KH, đề nghị được sửa đổi, bổ sung theo hướng:
(i) UBND cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc lập QH, KH trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định QH, KH sau khi xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền chuyên môn quản lý về đất đai cấp trên.
Cơ quan có thẩm quyền chuyên môn quản lý về đất đai cấp trên có trách nhiệm kiểm tra các nội dung có liên quan như: sự phù hợp với QH, KH cấp trên, ranh giới QH, KH, tính khả thi,… và cho ý kiến bằng văn bản. Ý kiến của cơ quan có thẩm quyền chuyên môn quản lý về đất đai cấp trên là một trong những căn cứ để HĐND xem xét, quyết định.
Nghị quyết của HĐND về QH, KH có hiệu lực thi hành, không phải thêm thủ tục chờ UBND ban hành cùng cấp văn bản.
(ii) Trước khi trình QH, KH quốc phòng, an ninh cho Chính phủ phê duyệt, đơn vị lập QH, KH gửi hồ sơ đến HĐND cấp tỉnh có liên quan để cho ý kiến. Ý kiến của HĐND cấp tỉnh là một trong căn cứ để Chính phủ xem xét, phê duyệt QH, KH.
Thứ ba, về việc ban hành giá đất, đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng:
UBND cấp tỉnh căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, khung giá đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh xây dựng bảng giá đất tại địa phương trình HĐND cùng cấp quyết định.
Cũng tương tự như cách đặt vấn đề ở phần QH, KH, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về việc ban hành giá đất có hiệu lực thi hành, không phải thêm thủ tục UBND cùng cấp ban hành văn bản.
Thứ tư, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa về thẩm quyền của HĐND đã được quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND; đó là quyền quyết định biện pháp quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương đối với HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và quyền quyết định biện pháp quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được để lại nhằm phục vụ các nhu cầu công ích của địa phương đối với HĐND cấp xã. Điều này có nghĩa là, không những trong lĩnh vực QH, KH, ban hành giá đất mà trong tất cả các hoạt động của Nhà nước khi thực hiện quyền của đại diện của chủ sở hữu, cũng như các nội dung quản lý nhà nước về đất đai đều có sự tham gia của HĐND[9].
Nếu chúng ta xây dựng đồng bộ các quy định pháp luật nêu trên, hy vọng rằng công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương sẽ phát huy hiệu quả, và điều quan trọng là, HĐND thực sự là cơ quan quyền lực, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri khi đặt niềm tin vào lá phiếu của mình để bầu ra các đại biểu đại diện cho quyền lợi của họ.
CHÚ THÍCH
* NCS Khóa VI Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Giảng viên Trường Đại học Lao động Xã hội (CSII TP. Hồ Chí Minh).
[1] Khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 21, khoản 3 Điều 29 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003.
[2] Điều 36 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 16/4/2013. Do không còn QH, KH cấp xã, nên tác giả bài viết này không nêu thẩm quyền của HĐND cấp xã đối với việc xét duyệt QH, KH tại địa phương mình.
[3] Điều 25, Điều 26, Điều 30 Luật Đất đai năm 2003; Điều 42, Điều 43, Điều 44 Luật Đất đai sửa đổi Dự thảo ngày 16/4/2013.
[4] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI , truy cập tại địa chỉ: http://sggp.org.vn/chinhtri/2011/12/277205/, ngày 27/12/2011.
[5] Khoản 4 Điều 27 Luật Đất đai năm 2003, Điều 45 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 16/4/2013.
[6] Khoản 3 Điều 56 Luật Đất đai năm 2003.
[7] Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1998), Đại Từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 1885.
[8] Điều 111 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 16/4/2013.
[9] Điều 13, Điều 21 Luật Đất đai (sửa đổi) Dự thảo ngày 16/4/2013.
- Tác giả: TS. Lê Ngọc Thạnh
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 01/2013 – 2013, Trang 25-30
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời