Bàn về chế định thanh tra đất đai trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Tác giả: ThS. Nguyễn Tú Anh
TÓM TẮT
Mục đích của bài nghiên cứu này nhằm phân tích cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn của việc hoàn thiện chế định về thanh tra đất đai tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tính tương thích của các quy định này với các quy định của pháp luật thanh tra và những yêu cầu của thực tế hoạt động thanh tra đất đai hiện nay, tác giả đã chỉ ra những bất cập và kiến nghị sửa đổi, bổ sung chế định này trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Xem thêm:
- Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động – PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm & ThS. Nguyễn Văn Trí
- Thanh tra giáo dục và kiến nghị sửa đổi các quy định về thanh tra trong Luật giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) – TS. Thái Thị Tuyết Dung
TỪ KHÓA: Thanh tra, Thanh tra đất đai, Tạp chí khoa học pháp lý
Thể chế hóa những quan điểm và nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật Đất đai năm 2003 được xây dựng theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển bền vững. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai 2003, đất nước ta đã đạt những kết quả tích cực nhất định, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường… Hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường; chính sách, pháp luật về đất đai ngày càng được hoàn thiện; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm; thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất đã được hình thành và phát triển.
Tuy nhiên, Kết luận số 22 ngày 25/02/2012 của Ban chấp hành Trung ương và Báo cáo Tổng kết tình hình thi hành Luật Đất đai 2003 ngày 06/9/2012 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã chỉ ra bên cạnh những thành tựu trên, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai. Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch ”ngầm” còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Một trong những nguyên nhân đó là do công tác thanh tra về đất đai chưa được tổ chức thường xuyên, còn thiếu tính chủ động, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Việc xử lý sau thanh tra của các cấp các ngành chưa kiên quyết, triệt để, kịp thời làm hạn chế đến hiệu quả hoạt động thanh tra nói riêng và hoạt động quản lý nhà nước về đất đai nói chung, cụ thể: tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích, để đất hoang hóa diễn ra thường xuyên và dưới nhiều hình thức gây bức xúc trong dư luận nhân dân và xã hội nhưng chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa các hành vi vi phạm; chế tài quy định xử lý, xử phạt vi phạm pháp luật đất đai còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, những quy định về thanh tra đất đai đã bộc lộ những bất cập cần khắc phục kịp thời. Do vậy, chế định thanh tra là một trong những nội dung được định hướng sửa đổi bổ sung trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này. Việc sửa đổi chế định thanh tra hết sức cần thiết bởi nó xuất phát từ cơ sở lý luận về vai trò của công tác thanh tra đối với quản lý nhà nước về đất đai cũng như từ yêu cầu về tính tương thích với những quy định của pháp luật thanh tra và quan trọng hơn cả đảm bảo nâng cao hiệu lực hiệu quả của việc áp dụng Luật Đất đai trong thực tiễn. Trong phạm vi bài tham luận này tác giả sẽ phân tích cơ sở của việc hoàn thiện chế định thanh tra đất đai và đóng góp những ý kiến nhằm hoàn thiện quy định về chế định thanh tra đất đai theo tinh thần của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
1. Cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn của việc hoàn thiện chế định thanh tra đất đai trong Luật Đất đai sửa đổi
Lý luận trong công tác thanh tra luôn khẳng định thanh tra đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực đất đai nói riêng. Bởi, thứ nhất, thanh tra là chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước. Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, các cơ quan quản lý có thẩm quyền chung và thẩm quyền chuyên môn nhất thiết phải tiến hành hoạt động thanh tra đối với những nội dung quản lý nhà nước đối với đất đai, việc chấp hành pháp luật đất đai. Đó là một khâu không thể thiếu được trong chu trình quản lý hành chính nhà nước. Thứ hai, thanh tra góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Thanh tra, kiểm tra là để đánh giá, nhận xét tình hình và kết quả thực hiện quyết định quản lý; để kiểm nghiệm lại nội dung và chất lượng quản lý; khi cần thiết phải bổ sung, sửa đổi, thậm chí phải hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định quản lý. Thứ ba, thanh tra là một phương thức bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Với tư cách là một chức năng của quản lý nhà nước, thanh tra chính là hoạt động xem xét việc làm của các cơ quan, tổ chức cá nhân có đúng chính sách, pháp luật hay không. Nếu họ làm sai hoặc làm chậm thì giúp họ sửa chữa và làm cho đúng. Mục đích của thanh tra là phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa xử lý những vi phạm, bảo đảm để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tuân thủ và chấp hành một cách chính xác, đầy đủ và nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước. Muốn có pháp chế cần phải làm cho mọi người hiểu biết pháp luật; thông qua hoạt động của mình, công tác thanh tra góp phần tích cực vào việc giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu đúng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và đó cũng là một hoạt động bảo đảm tăng cường pháp chế.
Hoạt động thanh tra ngày càngkhẳng định vị trí quan trọng. Đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý đất đai là một lĩnh vực nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của đại bộ phận cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội thì công tác thanh tra đóng vai trò góp phần bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình quản lý và sử dụng đất nhằm khai thác một cách hiệu quả, bền vững tiềm năng giá trị từ đất đai – nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia.
Từ cơ sở lý luận về tầm quan trọng của công tác thanh tra, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã cho ra đời nhiều văn bản quan trọng làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra trong lĩnh vực đất đai. Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX lần thứ 7 đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó tại Mục II về chủ trương tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai có chỉ đạo: “Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, việc thực hiện các quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người sử dụng đất và hiệu quả sử dụng đất.”. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để thể chế hóa thành các quy định pháp luật cụ thể. Trên cơ sở đó, Luật Đất đai năm 2003 tại mục I chương VI từ Điều 132 đến 134 đã quy định về thanh tra đất đai. Theo đó, khái niệm thanh tra đất đai lần đầu tiên được đưa ra và xác định thanh tra đất đai là thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2003 cũng đã quy định về nội dung thanh tra và nhiệm vụ của thanh tra đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Đoàn thanh tra đất đai. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực đất đai tiến hành thanh tra đất đai. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, quy định về thanh tra đất đai của Luật Đất đai năm 2003 đã lạc hậu và thiếu tính tương thích với các quy định của pháp luật thanh tra. Do vậy, việc sửa đổi bổ sung quy định về thanh tra đất đai trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là điều tất yếu. Tuy nhiên, nội dung về thanh tra đất đai theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi còn thiếu bởi Dự thảo Luật mới chỉ quy định về thanh tra chuyên ngành đất đai trong khi đó xét về lý luận và cơ sở pháp lý quy định về chức năng của thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước theo Luật Thanh tra năm 2010 thì thanh tra đất đai vừa là hoạt động thanh tra hành chính và vừa là hoạt động thanh tra chuyên ngành. Việc chỉ quy định thanh tra chuyên ngành đất đai như vậy còn thiếu hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra.
Thực tiễn quản lý hành chính trong lĩnh vực đất đai cho thấy việc tiến hành thanh tra đất đai nhằm xem xét, đánh giá và xử lý việc thực hiện chính sách pháp luật, thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai đồng thời xem xét, đánh giá, xử lý việc chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành các quy định chuẩn mực kỹ thuât, các quy tắc ngành, lĩnh vực về đất đai là hết sức quan trọng. Công tác thanh tra đất đai đã phát hiện nhiều dạng sai phạm làm giảm sút hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai và đã chỉ ra nhiều vấn đề cần khắc phục kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Có thể thấy ngay Báo cáo Tổng kết công tác năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 của ngành Thanh tra do Thanh tra Chính phủ xây dựng đã xác định thanh tra trong lĩnh vực đất đai là một trong những nội dung của hoạt động thanh tra hành chính (khoản a, điểm 1 mục I của Báo cáo) và qua đó cũng chỉ ra những kết quả đạt được trong công tác thanh tra hành chính trong lĩnh vực đất đai: “Thanh tra Chính phủ tiến hành 46 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai của địa phương, đã kiến nghị thu hồi 17.750 tỷ đồng và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi đất 48 ha và kiểm tra, rà soát để xử lý theo quy định 5.862 ha”. Báo cáo cũng kết luận công tác quản lý đất đai còn buông lỏng để xảy ra nhiều thiếu sót, vi phạm như: quy hoạch sử dụng đất thiếu tính khả thi, không đồng bộ; việc giao, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; lấn chiếm đất công để sử dụng; chuyển nhượng trái phép; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất không đúng quy định. Ngoài Thanh tra Chính phủ, các cơ quan thanh tra ở địa phương qua thực tế cũng khẳng định vai trò của thanh tra hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo báo cáo tổng kết công tác thanh tra của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012, có thể thấy thanh tra đất đai là một nội dung chủ yếu của thanh tra hành chính do Thanh tra quận, huyện tiến hành và qua đó giúp phát hiện sai phạm trong quản lý sử dụng 118.932m2 đất và đã kiến nghị thu hồi 118.932m2 đất, thanh tra chuyên ngành đất đai phát hiện sai phạm trong quản lý 3.569m2 đất và kiến nghị thu hồi 19,259 tỷ đồng và 3.569m2 đất[1]. Từ yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn đều cho thấy vai trò của thanh tra trong quản lý nhà nước về đất đai và việc hoàn thiện chế định thanh tra đất đai là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó cũng có thể thấy, thanh tra đối với lĩnh vực đất đai có sự tồn tại của cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Do vậy, Luật Đất đai sửa đổi lần này nên bổ sung thêm quy định về thanh tra hành chính trong lĩnh vực đất đai.
2. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chế định thanh tra đất đai tại Điều 197 Mục 2 chương VIII Luật Đất đai sửa đổi
Chế định thanh tra đất đai được quy định tại Điều 197 Mục 2 Chương VIII Luật Đất đai sửa đổi đã có những điểm tiến bộ nhất định, đã đưa ra được khái niệm thanh tra chuyên ngành đất đai tương thích với khái niệm thanh tra chuyên ngành được quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010. Tuy nhiên, căn cứ vào nội hàm quy định về thanh tra nhà nước, thanh tra hành chính, chuyên ngành tại Điều 3 của Luật Thanh tra, có thể thấy việc quản lý đất đai cũng là một trong những nội dung của quản lý nhà nước. Do vậy các cơ quan thanh tra vừa cần thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đất đai (thuộc phạm vi hoạt động thanh tra hành chính) và chấp hành pháp luật đất đai, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực vực đất đai (thuộc phạm vi hoạt động thanh tra chuyên ngành hành chính). Xét về thực tiễn hiện nay các cơ quan thanh tra thực hiện chức năng thanh tra hành chính như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Tỉnh, Thanh tra Huyện đều tiến hành hoạt động thanh tra lĩnh vực đất đai bên cạnh hoạt động thanh tra chuyên ngành đất đai của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường và các sở Tài nguyên và Môi trường. Do vậy, việc chỉ quy định thanh tra chuyên ngành đất đai là chưa đủ. Do vậy chúng tôi đề xuất sửa đổi như sau:
Cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Điều 197, cụ thể:
1- Đổi tên Điều 197 thành “Thanh tra nhà nước về đất đai”
2- Bổ sung khái niệm thanh tra nhà nước về đất đai vào trong Luật trên cơ sở bám sát nội hàm khái niệm thanh tra nhà nước đã được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thanh tra 2010: “Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.” Từ khái niệm thanh tra nhà nước có thể bổ sung khái niệm thanh tra nhà nước về đất đai như sau: “Thanh tra nhà nước về đất đai là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật đất đai, việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đất đai. Thanh tra nhà nước về đất đai bao gồm thanh tra hành chính về đất đai và thanh tra chuyên ngành đất đai”.
Theo đó, bổ sung thêm khái niệm thanh tra hành chính về đất đai có nội hàm tương thích với khái niệm thanh tra hành chính được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thanh tra 2010 như sau: “Thanh tra hành chính về đất đai là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đất đai và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực đất đai”.
Bên cạnh đó, khái niệm thanh tra chuyên ngành đất đai cũng cần được chuẩn hóa tương thích với nội hàm khái niệm thanh tra chuyên ngành đã được quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Thanh tra 2010. Khoản 1 Điều 197 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hiện nay chỉ quy định thanh tra việc chấp hành “quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quản lý thuộc lĩnh vực đất đai”, như vậy chưa tương thích với quy định về thanh tra chuyên ngành tại khoản 3 Điều 3 Luật Thanh tra 2010 bao gồm cả việc thanh tra hoạt động chấp hành “quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực”. Trên thực tế các hoạt động chuyên ngành nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực đất đai nói riêng không chỉ phải chấp hành quy định về chuyên môn, kỹ thuật mà còn phải chấp hành các quy định về quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực. Do vậy, tác giả đề xuất phương án sửa đổi khoản 1 Điều 197 như sau: “Thanh tra chuyên ngành đất đai là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật đất đai, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc lĩnh vực đất đai”.
Trên cơ sở việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Điều 197 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, cần xác định cơ quan chỉ đạo và tổ chức thực hiện thanh tra về đất đai không chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Sở Tài nguyên và Môi trường. Bởi trên thực tế các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, còn trực tiếp tổ chức tiến hành thanh tra về đất đai lại là các cơ quan thanh tra nhà nước bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường, Thanh tra các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt Thanh tra Tỉnh), Thanh tra các Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra quận, huyện (gọi tắt là Thanh tra Huyện)
Cần quy định Chính phủ chỉ đạo công tác thanh tra nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước. Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra hành chính về đất đai trong cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành đất đai trong cả nước. Quy định như vậy sẽ phù hợp với trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại Điều 23 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và Điều 14 chương II của Luật Thanh tra năm 2010 “Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.”
Cơ quan thanh tra nhà nước theo cấp hành chính và ngành, lĩnh vực ở địa phương (bao gồm Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện, Thanh tra sở tài nguyên và môi trường) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thanh tra hành chính và chuyên ngành đất đai tại địa phương trên cơ sở phê duyệt của cơ quan quản lý hành chính về đất đai ở địa phương (các UBND cấp tỉnh, huyện và các Sở tài nguyên và Môi trường).
3- Khoản 3 cần tách riêng nội dung thanh tra hành chính về đất đai và thanh tra chuyên ngành về đất đai, cụ thể:
“a. Nội dung thanh tra hành chính về đất đai:
– Thanh tra việc quản lý nhà nước về đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp”
Bởi, thực chất nội dung này chính là nội dung thanh tra hành chính: thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc thẩm quyền quản lý của thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính nhà nước cùng cấp với cơ quan thanh tra (khoản 2 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2013).
“b. Nội dung thanh tra chuyên ngành về đất đai
– Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân khác có liên quan;
– Thanh tra việc chấp hành các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực đất đai.”
Quy định như vậy sẽ phù hợp với quy định về thanh tra chuyên ngành tại khoản 3 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2013.
4- Trên cơ sở bám sát nội dung tiến hành thanh tra, khoản 3 cần tách riêng nhiệm vụ thanh tra hành chính về đất đai và thanh tra chuyên ngành về đất đai
5- Nên bổ sung mục đích thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về đất đai để thể hiện được vai trò của thanh tra là một khâu thiết yếu của chu trình quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Việc bổ sung này cần bám sát quy định về mục đích của hoạt động thanh tra tại Điều 2 của Luật Thanh tra 2010 và dựa trên yêu cầu đặc thù của hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.
6- Giữ nguyên quy định ở khoản 4 “quyền và nghĩa vụ của trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên, quy trình tiến hành thanh tra chuyên ngành đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.” vì quy định này tuy ngắn gọn nhưng đã khái quát hóa và dẫn chiếu sang quy định pháp luật thanh tra, giúp tránh được tính trạng quy định vừa thừa và vừa thiếu như quy định về nội dung này tại Luật Đất đai năm 2003.
CHÚ THÍCH
* ThS. Luật học, giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh
[1].http://www.thanhtra.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/lists/posts/post.aspx?Source=%2ftintuc&Category=Tin+t%e1%bb%a9c+s%e1%bb%b1+ki%e1%bb%87n+to%c3%a0n+ng%c3%a0nh&ItemID=2228&Mode=1
- Tác giả: ThS. Nguyễn Tú Anh
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 01/2013 – 2013, Trang 31-36
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời