Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài – vụ án dân sự hay việc dân sự
TÓM TẮT
Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là một vấn đề rất quan trọng trong việc thực thi phán quyết trọng tài và được giải quyết tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Thông qua bài viết này, tác giả sẽ trình bày vấn đề liên quan đến việc xác định bản chất của thủ tục giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là vụ án dân sự hay việc dân sự.
Xem thêm:
- Căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến chứng cứ và sự khách quan của trọng tài viên trong tố tụng trọng tài – Bất cập và hướng hoàn thiện – ThS. Phan Thông Anh
- Nguyên tắc bảo mật trong trọng tài đầu tư quốc tế và bình luận về sự bảo mật trong các tranh chấp đầu tư của Việt Nam – ThS. Lê Thị Ánh Nguyệt
- Luận bàn về các nguyên nhân của tình trạng hủy phán quyết trọng tài ở Việt Nam hiện nay – TS. Bùi Xuân Hải
- Quy chế pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm trong luật biển quốc tế: Liên hệ từ phán quyết trọng tài vụ Philippines – Trung Quốc – TS. Trần Thăng Long
- Mối liên hệ giữa pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật dân sự về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự – ThS. Vũ Hoàng Anh
- Một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục đo vẽ trong các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai – ThS. Bùi Ai Giôn
Hủy phán quyết trọng tài (PQTT) đã và đang là một vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn mà phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng trở nên phổ biến. Như đã biết, đặc tính quan trọng nhất của trọng tài thương mại thể hiện ở điểm PQTT là cuối cùng và ràng buộc các bên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những gì trọng tài giải quyết là không thể xâm phạm mà phán quyết của trọng tài hoàn toàn có thể bị hủy.[1] Dù vậy, về nguyên tắc việc hủy PQTT là rất hiếm thấy, căn cứ để Tòa án giám sát phán quyết của trọng tài cũng rất hạn chế và loại trừ việc xét lại nội dung tranh chấp mà trọng tài đã giải quyết.[2]
Đối với hủy PQTT, có rất nhiều vấn đề như: căn cứ hủy PQTT, trình tự hủy PQTT, thời hạn yêu cầu hủy PQTT… Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập sự bất cập, ảnh hưởng đến bản chất và thủ tục giải quyết yêu cầu hủy PQTT. Đó là việc xác định tính chất pháp lý của yêu cầu hủy PQTT. Đây là một vụ án dân sự (VADS) hay một việc dân sự (VDS) trong tố tụng dân sự?
Để giải quyết câu hỏi nêu trên, chúng ta lần lượt đi vào tìm hiểu các vấn đề: (i) phân biệt VADS và VDS; (ii) bản chất yêu cầu hủy PQTT; (iii) đưa ra hướng hoàn thiện pháp luật.
1. Phân biệt vụ án dân sự và việc dân sự
* Khái niệm vụ án dân sự và việc dân sự
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) không đưa ra khái niệm cụ thể về VADS. Tuy nhiên, thông qua các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, có thể hiểu, VADS là những tranh chấp phát sinh tại Tòa án nhân dân trong trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu giải quyết các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động.[3] Để một VADS phát sinh thì phải hội đủ các điều kiện sau đây: (i) phải có tranh chấp, tức là sự mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên; (ii) phải có các bên đối kháng; (iii) phải có hành vi khởi kiện tại Tòa án; (iv) Tòa án có thẩm quyền đã thụ lý giải quyết.
Ngược lại, Điều 361 BLTTDS năm 2015 lại quy định cụ thể về khái niệm VDS. Theo đó, VDS là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Như vậy, VDS phát sinh khi có đủ các điều kiện sau: (i) phát sinh từ yêu cầu của người yêu cầu; (ii) chỉ có một bên chủ thể; (iii) phải có hành vi nộp đơn yêu cầu tại Tòa án; (iv) Tòa án có thẩm quyền đã thụ lý giải quyết.
* Dấu hiệu phân biệt vụ án dân sự và việc dân sự
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng yếu tố quan trọng nhất để phân biệt VADS và VDS đó là việc có hay không có tranh chấp giữa các bên. Khác với VADS sẽ xuất hiện hai bên chủ thể có quyền lợi đối kháng nhau là nguyên đơn và bị đơn, trong VDS chỉ có một bên yêu cầu Tòa án công nhận một sự kiện pháp lý nào đó. Mặc dù trong VDS cũng có thể tồn tại nhiều chủ thể nhưng điều cốt yếu là giữa họ sẽ không có sự tranh chấp, mâu thuẫn về quyền và lợi ích.
Mặt khác, theo khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013, Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Do đó, những hoạt động tố tụng dân sự của Tòa án về cơ bản chỉ được phát sinh khi đáp ứng đầy đủ hai yêu cầu: (i) phải có ít nhất hai bên tranh chấp và (ii) tranh chấp phải liên quan đến các quyền được quy định trong luật.[4] Vì thế, đối với việc công nhận hay không công nhận một sự kiện pháp lý, hay nói cách khác là những yêu cầu không tồn tại tranh chấp theo nguyên tắc sẽ không thuộc chức năng giải quyết của Tòa án. Những loại việc này mang tính chất hành chính hơn là tư pháp, tuy nhiên do quy định của pháp luật nên Tòa án có thẩm quyền giải quyết thay vì cơ quan hành chính nhà nước. Tính chất hành chính thể hiện ở việc Tòa án không xem xét về nội dung vụ việc mà chỉ xác nhận, công nhận những hiện trạng pháp lý đã và đang tồn tại.[5]
Nghiên cứu so sánh cho thấy, các hệ thống pháp luật trên thế giới như Pháp, Đức, Nga, Mỹ… đều sử dụng tiêu chí “tranh chấp” để phân các vụ việc dân sự thành hai loại: một, có tranh chấp (contentious – tương tự như VADS) và hai, không có tranh chấp (non-contentious – tương tự như VDS). Trong Luật La Mã, ngay từ khi ban hành cũng đã có sự phân biệt giữa vụ việc có tranh chấp (iurisdictio contentiosa or contentious) và vụ việc không có tranh chấp (iurisdictio voluntaria or voluntary) phát sinh trong đời sống dân sự.[6] Trong đó, thẩm quyền giải quyết vụ việc có tranh chấp được đặt ra để Tòa án giải quyết những mâu thuẫn về lợi ích theo pháp luật hoặc lợi ích cá nhân giữa các bên. Còn thẩm quyền giải quyết vụ việc không có tranh chấp là sự can thiệp của hệ thống tư pháp vào những sự việc không có tranh chấp giữa các bên và việc xét xử đặt ra như là một phương thức để thực hiện những hoạt động hoặc giao dịch pháp lý.[7]
* Hệ quả của việc phân biệt vụ án dân sự và việc dân sự
Chính vì sự khác biệt cơ bản về bản chất như trên mà việc phân biệt một vụ việc là VADS hay VDS có tác động rất lớn đến tiến trình tố tụng giải quyết vụ việc đó. Sự khác biệt trong thủ tục giải quyết VADS và VDS được thể hiện rõ nhất ở các điểm sau:
Thứ nhất, VDS không có tranh chấp nên không có nguyên đơn, bị đơn như VADS mà chỉ có người yêu cầu Tòa án giải quyết VDS. Người yêu cầu có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác, yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Thứ hai, thành phần giải quyết VDS không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân. Theo Điều 11, Điều 63 BLTTDS năm 2015, Hội thẩm nhân dân tham gia vào Hội đồng xét xử sơ thẩm tất cả các VADS, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn và khi xét xử Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán. Trong khi đó, Điều 55 BLTTDS năm 2015 quy định thành phần giải quyết VDS không bao gồm Hội thẩm nhân dân, kể cả ở cấp sơ thẩm hay phúc thẩm. Điều này xuất phát từ mục đích tham gia của Hội thẩm nhân dân vào xét xử VADS là để nêu ý kiến, quan điểm về tranh chấp dưới góc độ của nhân dân, đảm bảo sự hợp tình (bên cạnh sự hợp lý) trong phán quyết của Tòa án. Ngược lại, giải quyết VDS chỉ là Tòa án áp dụng pháp luật để công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý theo yêu cầu mà các bên đưa ra. Do đó, để giải quyết VDS chỉ đòi hỏi tính chuyên môn của Thẩm phán, không cần thiết phải có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân.
Thứ ba, trong quá trình giải quyết VDS không có hòa giải. Hòa giải trong tố tụng dân sự là một trong những nguyên tắc đặc thù của ngành luật tố tụng dân sự được quy định tại Điều 10 BLTTDS năm 2015. Việc áp dụng nguyên tắc này trong quá trình giải quyết VADS và VDS thể hiện rõ nhất sự khác biệt về mặt bản chất giữa VADS và VDS. Bởi lẽ, hòa giải là việc Tòa án tiến hành những công việc cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các bên có thể thỏa thuận với nhau nhằm giải quyết tranh chấp. Như vậy, chỉ khi nào có tranh chấp giữa các bên Tòa án mới phải hòa giải. Do đó, vấn đề hòa giải chỉ đặt ra đối với việc giải quyết VADS,[8] còn đối với VDS do không có tranh chấp giữa các bên nên không tồn tại chế định hòa giải.[9]
Thứ tư, nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử tại Điều 24 BLTTDS năm 2015 chỉ được áp dụng trong quá trình giải quyết VADS bởi lẽ xét xử VADS thực chất là việc giải quyết xung đột về quyền và lợi ích giữa các đương sự. Do đó, các bên đương sự có quyền tranh luận, đối đáp với nhau, đấu tranh với nhau bằng các chứng cứ, lý lẽ, lập luận tại phiên tòa giữa các bên có quyền lợi đối lập nhau nhằm chứng minh những yêu cầu hoặc phản bác của mình đối với bên kia là xác đáng, có cơ sở và đúng pháp luật; ngược lại, những yêu cầu hoặc phản bác của bên kia là không có căn cứ và không đúng pháp luật.[10] Trái lại, đối với VDS, do bản chất không tồn tại sự tranh chấp giữa các bên nên không có việc xét xử mà chỉ là việc công nhận hay không công nhận giá trị pháp lý của Tòa án đối với một sự kiện nào đó. Vì thế, khi đương sự thực hiện các hành vi tố tụng và các quyền tố tụng trong VDS đều không nhắm tới mục đích tranh luận và tranh tụng. Lợi ích, yêu cầu cần được giải quyết trong VDS là dựa trên quy định của pháp luật chứ không phải thông qua kết quả của tranh luận, tranh tụng như đối với VADS.[11]
Thứ năm, Tòa án mở phiên tòa để xét xử vụ án và mở phiên họp để giải quyết VDS. Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, thời hạn mở phiên họp đối với giải quyết VDS được quy định ngắn hơn nhiều so với VADS. Cụ thể, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu đối với VDS là 1 tháng, trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 1 Điều 366 BLTTDS năm 2015). Trong khi đó, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với VADS theo thủ tục thông thường có thể kéo dài tối đa là 6 tháng đối với VADS, hôn nhân – gia đình và 3 tháng đối với vụ án kinh doanh, thương mại và lao động (khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015).
Thứ sáu, về giá trị pháp lý của phán quyết Tòa án, vì mang tính chất hành chính, một số quyết định giải quyết VDS không có giá trị tuyệt đối như các bản án, quyết định giải quyết VADS. Thật vậy, các bản án, quyết định giải quyết VADS đã có hiệu lực pháp luật không thể bị yêu cầu hủy bỏ nhưng các quyết định giải quyết VDS có thể bị hủy bỏ khi có những căn cứ nhất định. Chẳng hạn như yêu cầu hủy bỏ tuyên bố một người đã chết khi có căn cứ cho thấy họ còn sống (Điều 394, 395 BLTTDS năm 2015), yêu cầu hủy bỏ tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự khi họ phục hồi đầy đủ năng lực hành vi dân sự (Điều 379, 380 BLTTDS năm 2015).
2. Bản chất pháp lý của yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong pháp luật Việt Nam
VDS thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 27, 29, 31, 33 BLTTDS năm 2015. Trong đó, những yêu cầu liên quan đến việc trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại là những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 31 BLTTDS năm 2015. Cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 31, BLTTDS năm 2015 đã liệt kê những VDS liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tại Điều 414 BLTTDS năm 2015, bao gồm: (i) chỉ định, thay đổi trọng tài viên; (ii) áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; (iii) hủy PQTT; (iv) giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; (v) thu thập chứng cứ; (vi) triệu tập người làm chứng; (vii) đăng ký PQTT; (viii) các VDS khác mà pháp luật về trọng tài thương mại Việt Nam có quy định.
So với BLTTDS năm 2011, BLTTDS năm 2015 đã có một sự điều chỉnh trong quy định liệt kê những VDS liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, đó là thay thế thuật ngữ “hủy quyết định trọng tài” thành thuật ngữ “hủy PQTT”.[12] Đây là sự sửa đổi cần thiết, giúp đảm bảo tính thống nhất giữa BLTTDS năm 2015 với Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM năm 2010). Cụ thể, theo khoản 9 và khoản 10 Điều 3 Luật TTTM năm 2010, thuật ngữ “quyết định trọng tài” có nội hàm rộng hơn so với thuật ngữ “PQTT”, bao gồm cả các quyết định khác của Hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết vụ án như quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định thu thập chứng cứ… Do đó, việc BLTTDS năm 2011 quy định Tòa án có thẩm quyền “hủy quyết định trọng tài” có thể dẫn đến việc hiểu quy định này theo hướng Tòa án có thể hủy tất cả các quyết định mà Hội đồng trọng tài ban hành trong quá trình giải quyết tranh chấp và điều này rõ ràng là không hợp lý.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, mặc dù có thể có sự không thống nhất trong cách dùng thuật ngữ nhưng về bản chất thì “quyết định trọng tài” trong BLTTDS năm 2011 chính là “PQTT” theo Luật TTTM năm 2010. Sở dĩ có sự không nhất quán như trên là vì quy định này của BLTTDS năm 2011 được kế thừa hoàn toàn từ BLTTDS năm 2004, ra đời trong giai đoạn Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 (Pháp lệnh TTTM năm 2003) vẫn đang có hiệu lực. Trong khi đó, Pháp lệnh TTTM năm 2003 không sử dụng thuật ngữ “PQTT” mà sử dụng thuật ngữ “quyết định trọng tài” để chỉ quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài (Điều 44 Pháp lệnh TTTM năm 2003). Do đó, trong Pháp lệnh TTTM năm 2003 không có thủ tục “hủy PQTT” mà chỉ có thủ tục “hủy quyết định trọng tài” quy định tại Chương VI của Pháp lệnh. Chính vì thế, việc BLTTDS năm 2011 quy định thủ tục “hủy quyết định trọng tài” là hoàn toàn phù hợp với quy định của Pháp lệnh TTTM năm 2003 và không mâu thuẫn với thủ tục “hủy PQTT” được quy định tại Luật TTTM năm 2010. Dù vậy, sự sửa đổi của BLTTDS năm 2015 vẫn là một sự điều chỉnh cần thiết và kịp thời, tránh những cách hiểu không đúng về quy định này.
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định theo pháp luật Việt Nam, yêu cầu hủy PQTT của Tòa án là một VDS trong tố tụng dân sự.
3. Bất cập từ việc xác định yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là việc dân sự
Khi nghiên cứu các vấn đề về trọng tài thương mại cùng với việc đối chiếu, so sánh tính chất, đặc điểm của yêu cầu hủy PQTT với quy định của BLTTDS năm 2015 về VADS và VDS, tác giả cho rằng việc quy định yêu cầu hủy PQTT là VDS là chưa hợp lý, bởi các lý do sau:
* Thứ nhất, có tranh chấp giữa các bên
Như đã phân tích, yếu tố cốt lõi để phân biệt VADS và VDS là việc có hay không có tranh chấp giữa các bên. Theo quy định của BLTTDS năm 2015, yêu cầu hủy PQTT là VDS, tức là giữa các bên trong yêu cầu hủy PQTT không tồn tại tranh chấp. Tuy nhiên, có thể thấy tương tự như cơ chế xét xử của Tòa án, trong phán quyết của Hội đồng trọng tài thông thường cũng sẽ tồn tại bên “thắng kiện” và bên “thua kiện”. Điều tất yếu ở đây là không ai muốn thua kiện, do đó bên bị bất lợi sẽ luôn tìm cách để PQTT không được thi hành bằng việc yêu cầu Tòa án hủy PQTT. Ngược lại, bên có lợi trong PQTT sẽ không muốn PQTT bị hủy bởi vì như vậy sẽ xâm phạm đến quyền và lợi ích của họ. Do đó, khi một yêu cầu hủy PQTT được đưa ra để Tòa án xem xét, gần như luôn tồn tại một bên muốn PQTT bị hủy và một bên muốn PQTT có hiệu lực. Điều này rõ ràng cho thấy có sự mâu thuẫn về quyền và lợi ích giữa các bên trong việc hủy hay không hủy PQTT của Tòa án, hay nói cách khác thì yêu cầu hủy PQTT thỏa mãn yếu tố có tranh chấp của một VADS.
Ngay thực tiễn giải quyết yêu cầu hủy PQTT tại Tòa án Việt Nam cũng có thể nhận thấy yếu tố tranh chấp giữa các bên. Có thể thấy điều này thông qua việc phân tích một đoạn trong một quyết định về hủy PQTT. Cụ thể, trong một quyết định về hủy PQTT có nêu “căn cứ tài liệu do bên yêu cầu cấp (gồm 24 loại văn bản – có bình luận kèm theo); bản giải trình của bên yêu cầu Công ty Chánh Đức (gồm 11 loại văn bản – có bình luận kèm theo), bản tự bảo vệ của Công ty An Trung (gồm 10 loại văn bản – có bình luận kèm theo); PQTT…”. Ở đây, bên yêu cầu hủy PQTT với một loạt các giấy tờ còn bên kia trở thành một bên trong vụ yêu cầu hủy PQTT đã phải bảo vệ quyền lợi của mình và đưa ra 10 loại văn bản để bảo vệ. Do đó, việc pháp luật hiện hành lại coi đây là VDS, tức là không có tranh chấp là trái với thực tế đời sống và cần có sự thay đổi.[13]
Nghiên cứu so sánh với pháp luật các nước trên thế giới, hầu như không có pháp luật nước nào quy định theo hướng xem yêu cầu hủy PQTT là một VDS, tức là không tồn tại tranh chấp giữa các bên như Việt Nam. Chẳng hạn:
Theo BLTTDS Nga, yêu cầu hủy bỏ PQTT được quy định trong Chương XLVI Phần thứ sáu: “Thủ tục tố tụng đối với tranh chấp liên quan đến PQTT”. Theo đó, yêu cầu hủy PQTT được xem là một tranh chấp liên quan đến PQTT (khoản 1 Điều 418) và được xét xử theo thủ tục giải quyết một VADS tại Tòa án cấp quận (Điều 420, Điều 422).
Ở Đức, VDS là những việc liên quan đến vấn đề gia đình, giám hộ hoặc lợi ích của cá nhân như đăng ký đất đai, kết hôn, di chúc… Đối với các VDS không có tranh chấp, Tòa án đóng vai trò như một cơ quan đăng ký hành chính nhà nước, không phải mở phiên tòa xét xử công khai. Trong khi đó, với quy định tại BLTTDS Đức yêu cầu hủy PQTT phải được làm thành đơn khởi kiện (khoản 1 Điều 1059), được xét xử công khai theo thủ tục tố tụng để các bên có thể trình bày ý kiến, quan điểm của mình trước khi Tòa án ra quyết định (Điều 1063). Như vậy, pháp luật tố tụng dân sự Đức nhìn nhận yêu cầu hủy PQTT như một VADS, tức là tồn tại tranh chấp giữa các bên.
Pháp luật tố tụng dân sự Pháp cũng quy định tương tự như pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam đối với việc phân biệt “VDS” và “VADS” bởi yếu tố có tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên, khác với pháp luật nước ta xem yêu cầu hủy PQTT là một VDS thì pháp luật tố tụng dân sự của Pháp xem yêu cầu này là một VADS. Bằng chứng là những quy định về trọng tài thương mại trong BLTTDS của Pháp đã quy định yêu cầu hủy PQTT đối với trọng tài trong nước (Điều 1495) và trọng tài quốc tế (Điều 1527) đều được làm, nộp và xem xét theo các quy định về VADS trước Tòa án phúc thẩm quy định từ Điều 900 đến 930-1 của BLTTDS Pháp.
Tại Hoa Kỳ, theo Luật Trọng tài Liên bang, việc giải quyết yêu cầu hủy PQTT được thực hiện giống như giải quyết một tranh chấp giữa các bên, khởi đầu bằng việc bên có yêu cầu hủy PQTT phải gửi đơn yêu cầu hủy PQTT cho bên kia hoặc luật sư của họ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày PQTT được ban hành hoặc ngày nhận được PQTT (Mục 12). Sau đó, dựa trên những tài liệu, chứng cứ mà các bên cung cấp, Tòa án sẽ quyết định hủy PQTT (Mục 10) hoặc công nhận hiệu lực của phán quyết (Mục 12). Quyết định hủy PQTT có thể bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm tại Tòa án cấp cao hơn (Mục 16).
* Thứ hai, cần đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong quá trình giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài
Như đã trình bày, xuất phát từ việc xác định yêu cầu hủy PQTT là một VDS, tức là không tồn tại tranh chấp, do đó trong quá trình giải quyết yêu cầu hủy PQTT sẽ không có thủ tục tranh tụng giữa các bên. Theo đó, Tòa án đóng vai trò giống như một cơ quan hành chính nhà nước chứ không phải là một cơ quan xét xử trong việc xem xét có chấp nhận hay không yêu cầu hủy PQTT của bên yêu cầu. Trong các phiên họp xét đơn yêu cầu, Tòa án chỉ căn cứ vào đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo để ra phán quyết, các bên liên quan không có quyền đối đáp, tranh luận với nhau mà chỉ có thể phát biểu ý kiến của mình về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ trong việc giải quyết yêu cầu hủy PQTT.
Có thể thấy rằng quy định này là chưa hợp lý. Bởi lẽ trên thực tế về hủy PQTT, các bên thường rất căng thẳng để bảo vệ lợi ích của mình (một bên không muốn hủy để được thi hành còn một bên không muốn hủy để không phải thi hành). Do đó, tại phiên họp xét đơn yêu cầu, các bên luôn muốn trình bày quan điểm của mình về việc hủy hay không hủy PQTT, đồng thời bác bỏ yêu cầu của đối phương. Chính vì thế, việc không tồn tại thủ tục tranh tụng do được tiến hành theo thủ tục giải quyết VDS vô hình trung đã hạn chế quyền tự bảo vệ của các bên.
Mặt khác, các căn cứ để hủy PQTT theo quy định của Luật TTTM năm 2010 là chưa rõ ràng và còn gây rất nhiều tranh cãi trong quá trình Tòa án giải quyết đơn yêu cầu hủy PQTT.[14] Có những vụ việc tương tự nhau nhưng mỗi Tòa án lại hiểu theo một cách khác nhau và đưa ra phán quyết trái ngược hoàn toàn. Chẳng hạn, đối với vấn đề người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia vào tố tụng trọng tài, các Tòa án đã có hướng giải quyết khác nhau khi thụ lý yêu cầu hủy PQTT. Cụ thể, trong một quyết định giải quyết yêu cầu hủy PQTT, Tòa án đã nhận định: “Hợp đồng số SHZJ/CTP-0501 ngày 5/10/2005 được ký kết giữa ba bên gồm: Công ty Shanghai Zhong Jing IMP&EXP.Corp, Công ty TNHH Cường Thịnh Phát và Công ty cho thuê tài chính II. Nhưng khi giải quyết vụ kiện, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chỉ đưa nguyên đơn là Công ty Shanghai Zhong Jing IMP&EXP.Corp và bị đơn là Công ty cho thuê tài chính II mà không đưa Công ty TNHH Cường Thịnh Phát là một chủ thể tham gia quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bỏ sót người tham gia tố tụng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại khoản 4 Điều 56, Điều 201 BLTTDS”.[15] Tuy nhiên, trong một quyết định khác, Tòa án lại nhận định rằng: Công ty Hồng Chiến còn có yêu cầu hủy quyết định trọng tài do việc Hội đồng Trọng tài sử dụng thuật ngữ “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, Hội đồng xét đơn yêu cầu cho rằng: theo pháp luật hiện hành quy định tại Điều 68 Luật TTTM năm 2010 thì đây không phải là căn cứ để hủy quyết định trọng tài.[16]
Vì thế, việc cho phép các bên có thể tranh luận tại phiên tòa nói riêng và đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong việc cung cấp, đánh giá, sử dụng chứng cứ trong quá trình giải quyết yêu cầu hủy PQTT nói chung là điều vô cùng cần thiết, một mặt giúp Tòa án có cơ sở vững chắc hơn để ra phán quyết, một mặt bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tranh chấp.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn giải quyết yêu cầu hủy PQTT, dường như Tòa án cũng đã tạo điều kiện cho các bên được quyền tranh luận nhằm phản bác các lập luận của nhau và các bên thường rất gay gắt tranh luận tại phiên họp đối với các căn cứ hủy PQTT được đưa ra trong đơn yêu cầu. Ví dụ, tại phiên họp giải quyết yêu cầu hủy PQTT, bên yêu cầu là Công ty cổ phần cao su Việt Phú Thịnh đã đưa ra 03 căn cứ để yêu cầu Tòa án hủy PQTT. Ngược lại, bên liên quan là Công ty Ningbo Janhike Industry Co., Ltd cũng đưa ra luận điểm để phản bác lại 03 căn cứ mà bên yêu cầu đưa ra, đồng thời yêu cầu Tòa án không hủy PQTT.[17] Do vậy, cần thiết phải hợp thức hóa việc tranh luận của các bên trong quá trình giải quyết yêu cầu hủy PQTT bằng cách thay đổi quy định của luật về bản chất của yêu cầu hủy PQTT.
Nghiên cứu so sánh cho thấy, pháp luật các nước đều đảm bảo cho các bên tranh chấp thực hiện quyền tranh tụng trong quá trình Tòa án giải quyết yêu cầu hủy PQTT để bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của mình. Chẳng hạn, tranh chấp giữa hai công ty Trung Quốc là Beijing Zhaowei Emlectric Ltd và Fenxi Mineral Bureau về hợp đồng mua bán hàng hóa. Sau khi có phán quyết của trọng tài thì Fenxi có đơn yêu cầu Tòa án Trung Quốc hủy PQTT với lý do Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Zhaowei đã có phản bác trở lại đối với yêu cầu của Fenxi khi cho rằng tranh chấp về thẩm quyền đã được Hội đồng Trọng tài giải quyết và xác nhận thẩm quyền của mình đối với tranh chấp. Sau cùng, Tòa án đã chấp nhận phản bác của Zhaowei và không chấp nhận yêu cầu hủy PQTT của Fenxi.[18] Hay như tranh chấp giữa Jnah và Marriott về yêu cầu hủy PQTT tại Tòa án Pháp. Tòa án Pháp đã ra quyết định về yêu cầu hủy phán quyết sau khi các bên đã tranh luận và phản bác yêu cầu của đối phương.[19] Như vậy, có thể thấy rằng việc tranh luận, đối đáp về vấn đề hủy PQTT giữa các bên là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án các nước chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu hủy PQTT. Đây là kinh nghiệm mà chúng ta nên học hỏi trong bối cảnh số lượng yêu cầu hủy PQTT đang ở tỷ lệ tương đối cao.
4. Hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng việc quy định yêu cầu hủy PQTT như một VDS là có bất cập và cần thiết phải có sự sửa đổi. Vấn đề đặt ra ở đây là sửa đổi như thế nào?
Một số tác giả cho rằng cần phải bỏ quy định yêu cầu hủy PQTT là một dạng của VDS mà phải coi yêu cầu hủy PQTT là một dạng VADS.[20] Tuy nhiên, liệu quy định theo cách nêu trên có thực sự hợp lý hay không? Liệu rằng có phải tất cả yêu cầu hủy PQTT đều mang tính chất của một VADS hay không? Quan điểm của tác giả cho rằng, không hẳn mọi trường hợp yêu cầu hủy PQTT đều tồn tại tranh chấp giữa các bên, mà hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp cả hai bên tranh chấp đều có mong muốn PQTT bị hủy vì một số lý do nào đó. Do đó, nếu chúng ta quy định theo hướng tất cả yêu cầu hủy PQTT đều là VADS, nghĩa là hễ có yêu cầu hủy PQTT thì sẽ tồn tại tranh chấp giữa các bên có liên quan sẽ không thật sự hợp lý trong một số trường hợp.
Liên hệ với các quy định khác của pháp luật tố tụng dân sự, tại khoản 11 Điều 26 và khoản 6 Điều 27 BLTTDS năm 2015 (trước đây là khoản 9 Điều 25 và khoản 6 Điều 26 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011) có ghi nhận trường hợp tương tự như yêu cầu hủy PQTT là yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Hai yêu cầu này đều hướng tới việc xác định tính có hiệu lực hay không của văn bản do cơ quan có thẩm quyền (không phải Tòa án) ban hành xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Tuy nhiên, đối với yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, BLTTDS năm 2015 phân biệt hai trường hợp về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu: (i) tranh chấp dân sự theo khoản 11 Điều 26 và (ii) yêu cầu về dân sự theo khoản 6 Điều 27.
Để xác định yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi nào là VADS và khi nào là VDS, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã từng có hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP như sau:[21] (i) trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công chứng tranh chấp với nhau về việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì đây sẽ là VADS; (ii) trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công chứng cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật và cùng có yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì đây là VDS.
Như vậy, đối với yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, việc được giải quyết theo thủ tục giải quyết VADS hay VDS phụ thuộc vào yêu cầu của các bên liên quan. Áp dụng tương tự đối với yêu cầu hủy PQTT, có thể thấy hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp các bên trong quan hệ tranh chấp đều có mong muốn PQTT bị hủy và cùng nhau thỏa thuận yêu cầu Tòa án tuyên bố hủy PQTT vì những lý do nào đó. Trong trường hợp này, rõ ràng là không có tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên trong quan hệ yêu cầu Tòa án hủy PQTT. Do đó, không thể xác định đây là VADS mà phải xác định đây là VDS. Mặc dù hiện nay trường hợp hai bên tranh chấp cùng nhau thỏa thuận hủy bỏ PQTT vẫn chưa xảy ra trên thực tế xét xử.[22] Tuy nhiên, với mục đích là dự đoán và điều chỉnh những tình huống, sự việc có thể xảy ra trong cuộc sống, tác giả cho rằng việc có quy định hai bên tranh chấp có quyền thỏa thuận hủy PQTT và đây là một yêu cầu giải quyết VDS là điều hoàn toàn cần thiết và hợp lý.
Việc BLTTDS năm 2015 quy định yêu cầu hủy PQTT là một yêu cầu giải quyết VDS là chưa hoàn toàn hợp lý. Do đó, trong tương lai, BLTTDS năm 2015 cần phải có những định hướng sửa đổi về bản chất của yêu cầu hủy PQTT theo hướng: (1) yêu cầu hủy PQTT có tranh chấp là VADS và (2) yêu cầu hủy PQTT không có tranh chấp là VDS.
CHÚ THÍCH
[1] Đỗ Văn Đại, Trần Hoàng Hải, Pháp luật Việt Nam về Trọng tài thương mại, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr. 324.
[2] Thomas E.Carbonneau, Case and materials: Arbitration Law and Practice, West Publishing, America, 2012, pp. 34.
[3] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Hồ Chí Minh, 2017, tr. 18 -19.
[4] Walter Neitzel, “Non – Contentious Jurisdiction in Germany”, Havard Law Review, Vol. 21, No.7, 1908, tr. 476.
[5] Tống Công Cường, Luật Tố tụng dân sự Việt Nam – Nghiên cứu so sánh, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr. 420.
[6] Elisabetta Silvestri, “Non-Contentious Juricdiction in Italy”, 2013, https://www.academia.edu/2510893/Non-Contentious_Jurisdiction_in_Italy, truy cập ngày 20/8/2018.
[7] James E. Pfander, Daniel D. Birk, “Article III, Averser-Parties, and Non-Contentious Jurisdiction”, The Yale Law Journal, Vol. 124, No. 5, 2015, p. 1403.
[8] Bùi Thị Huyền, “Những khác biệt giữa thủ tục giải quyết việc dân sự với thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 6, 2005, tr. 18 – 21.
[9] Hiện nay, một số quan điểm cho rằng trong việc dân sự vẫn có hòa giải, điển hình là hòa giải đoàn tụ đối với thuận tình ly hôn. Tuy nhiên, nếu xét đúng về bản chất thì hai bên vợ chồng trong yêu cầu thuận tình ly hôn không có tranh chấp trong vấn đề có ly hôn hay không vì đã có thỏa thuận. Việc Tòa án hòa giải đoàn tụ chỉ là một hoạt động nhằm bảo vệ mối quan hệ hôn nhân và gia đình.
[10] Bùi Thị Huyền, Phiên tòa sơ thẩm dân sự – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr. 67 – 68.
[11] Nguyễn Thị Hoài Phương (chủ biên), Bình luận những điểm mới trong Bộ luật tố tụng dân sự, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr. 64.
[12] Theo quy định tại khoản 3 Điều 340 BLTTDS năm 2011 thì một trong những việc dân sự liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là “hủy quyết định trọng tài”.
[13] Đỗ Văn Đại, Pháp luật Trọng tài thương mại Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2018, tr. 704.
[14] Đỗ Văn Đại, Trần Hoàng Hải, Pháp luật Việt Nam về trọng tài thương mại, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr. 324 -351.
[15] Quyết định số 2611/2009/QĐST-KDTM ngày 10/09/2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
[16] Quyết định số 1655/2012/QĐST-KDTM ngày 15/11/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
[17] Quyết định số 05/2012/QĐST-TTTM ngày 06/12/2012 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.
[18] Jingzhou Tao, Arbitration Law and Practice in China, Wolters Kluwer Publishing, Netherlands, 2008, p.166-171.
[19] Xem: http://kluwerarbitrationblog.com/blog/2015/05/07/the-jnah-vs-marriott-case-the-never-ending-story-latest-episode-with-the-18-march-2015-decision-of-the-french-cour-de-cassation/, truy cập ngày 30/8/2018.
[20] Đỗ Văn Đại, Pháp luật Trọng tài thương mại Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2018, tr. 09.
[21] Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương “Những quy định chung” của Bô luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011. Văn bản này hiện đã hết hiệu lực thi hành, tuy nhiên trong bối cảnh BLTTDS 2015 chưa có hướng dẫn cụ thể, chúng ta vẫn có thể căn cứ vào tinh thần của Nghị quyết để xác định các trường hợp tương ứng.
[22] Việc thực tiễn xét xử hiện này chưa ghi nhận trường hợp các bên tranh chấp thỏa thuận về việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài xuất phát từ quy định hiện hành vẫn đang coi yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là việc dân sự, do đó đương nhiên đã không có sự tranh chấp giữa các bên nên việc thỏa thuận là không cần thiết. Tuy nhiên, trong tương lai nếu chúng ta xem yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là tranh chấp dân sự thì việc các bên thỏa thuận hủy phán quyết trọng tài hoàn toàn có thể xảy ra và cần phải được cho phép giải quyết theo thủ tục đối với việc dân sự.
Trả lời