Mục lục
Bài viết: Về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
- Tác giả: Trần Minh Hiệp*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2013 (78)/2013 – 2013, Trang 37-43
TÓM TẮT
Bài viết phân tích các điều kiện phát sinh trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Bài viết phân tích rõ các khái niệm thời điểm giao kết, thời điểm phát sinh hiệu lực và thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm; đồng thời phân tích nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm.Thông qua việc phân tích những điểm bất cập trong việc áp dụng quy định pháp luật vào thực tiễn xét xử, tác giả kiến nghị sửa đổi một số quy định của pháp luật theo hướng bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm
ABSTRACT:
The paper analyzes the conditions for arising liability of life insurance contracts under the provisions of the current Vietnam laws. It gives a clear analysis of concepts of time of signing, time of validity, and time of arising liability; together with an examination on the buyers’ duty of insurance premium payment. By studying the shortcomings in applying the current legal provisions into trial practice, the author proposes amendments to some provisions of the law towards protecting the interests of insurance buyers.
TỪ KHÓA: Hợp đồng bảo hiểm, Bảo hiểm nhân thọ, Tạp chí Khoa học pháp lý
Trách nhiệm bảo hiểm là nội dung quan trọng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (HĐBHNT). Thực hiện trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của khách hàng khi phát sinh sự kiện bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề xác định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm trong HĐBHNT theo quy định của pháp luật hiện hành còn nhiều hạn chế.
I. Quy định của pháp luật hiện hành về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có một trong những trường hợp sau đây:
“- Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm;
– Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm;
– Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm”.
Dưới góc độ lý luận về hợp đồng, để xác định đúng trách nhiệm bảo hiểm, có ba thời điểm cần xác định gồm: thời điểm giao kết hợp đồng, thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng và thời điểm phát sinh trách nhiệm từ hợp đồng.
1. Về thời điểm giao kết HĐBHNT
Theo quy định tại Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm, HĐBHNT phải được lập thành văn bản hoặc cũng có thể được lập dưới dạng bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm[1]. Luật Kinh doanh bảo hiểm không quy định về phương thức giao kết HĐBHNT nên có thể hiểu với hình thức giao kết hợp đồng bằng văn bản, phương thức giao kết có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp. Theo khoản 1 và 4 Điều 403 Bộ luật Dân sự 2005, “thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản” (nếu là phương thức giao kết trực tiếp) hoặc là “thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hoặc khi các bên đã thoả thuận xong về nội dung chủ yếu của hợp đồng” (nếu là giao kết gián tiếp).
2. Về thời điểm có hiệu lực của HĐBHNT
Theo Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học, “hiệu lực của hợp dân sự là giá trị bắt buộc đối với các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng”[2]. Có hai dấu hiệu thể hiện bản chất của hiệu lực hợp đồng, “một là, giá trị pháp lý của hợp đồng giống như luật; hai là, hiệu lực ràng buộc mang tính cưỡng chế nhằm ràng buộc các bên phải tôn trong và thực thi đầy đủ các cam kết trong hợp đồng”. Hiệu lực của hợp đồng là giá trị pháp lý của hợp đồng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, và giá trị pháp lý buộc các bên tham gia hợp đồng phải tôn trọng và thực thi đầy đủ các cam kết trong hợp đồng”[3]. Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng không quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm. Theo khoản 1 và 3 Điều 404 Bộ luật Dân sự 2005, “hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên” và “hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, nếu một trong các bên của HĐBHNT chứng minh được HĐBHNT đã giao kết thì nội dung của hợp đồng đó có hiệu lực, tức có giá trị ràng buộc, cưỡng chế đối với các bên. Theo đó, trách nhiệm phát sinh từ HĐBHNT cũng sẽ trở nên ràng buộc đối với các bên.
3. Về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm
Theo Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm trong HĐBHNT không phát sinh cùng lúc với thời điểm giao kết hợp đồng hoặc thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng. Với quy định nêu trên, khái niệm “thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm” là một khái niệm hoàn toàn mới trong pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Với hai tiêu chí theo Điều 15 Luật Kinh doanh Bảo hiểm, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm không trùng với thời điểm giao kết hợp đồng hay thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng. Quy định này dẫn đến một số bất cập về mặt pháp lý và tiễn áp dụng pháp luật như được phân tích dưới đây.
II. Bất cập về mặt pháp lý và thực tiễn khi xác định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm nhân thọ.
Do tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường bảo hiểm nhân thọ và phương thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ chủ yếu thông qua các đại lý hoặc nhân viên của đại lý doanh nghiệp bảo hiểm; thực tiễn giao kết HĐBHNT thường không tuân thủ quy trình giao kết hợp đồng theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này dẫn đến việc khó xác định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm phát sinh.
1. Về điều kiện HĐBHNT đã được giao kết hoặc có bằng chứng HĐBHNT đã được giao kết
Điều kiện này chỉ nhằm xác định thời điểm giao kết hợp đồng mà chưa thể xác định “thời điểm có hiệu lực của hợp đồng”. Như vậy, nếu các bên có thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của HĐBHNT sau thời điểm giao kết hợp đồng nhưng bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm thông qua đại lý bảo hiểm thì trách nhiệm bảo hiểm phát sinh trước thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Quy định như vậy là không hợp lý, bởi vì trách nhiệm bảo hiểm là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, khi hợp đồng chưa phát sinh hiệu lực thì không thể phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.
2. Về điều kiện bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm
Nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã có hiệu lực pháp luật nhưng bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm thì xem như đã vi phạm hợp đồng trừ trường hợp có thỏa thuận nợ phí bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm đã được chấm dứt hiệu lực theo Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong trường hợp này, doanh nghiệp nghiệp bảo hiểm “không được khởi kiện đòi bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm”[4]. Vì vậy, pháp luật quy định thời điểm đóng đủ phí bảo hiểm là thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là không cần thiết. Thực tiễn áp dụng quy định này trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phát sinh một số vấn đề sau:
Một là, khi HĐBHNT đã được giao kết và có hiệu lực pháp luật thì nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm phát sinh. Khi đó, bên mua bảo hiểm sẽ đóng phí kỳ hạn đầu tiên và cho các kỳ hạn tiếp theo. Vì những khó khăn về tài chính hoặc do không được đôn đốc, nhắc nhở của doanh nghiệp bảo hiểm nên bên mua bảo hiểm tạm ngưng đóng phí bảo hiểm trong một hoặc một số kỳ hạn. Tuy nhiên, nếu sau đó họ vẫn tiếp tục đóng phí bảo hiểm thì họ phải đóng phí cho cả phần thời gian từ khi tạm ngưng đóng phí cho đến ngày đóng phí bảo hiểm trở lại trên thực tế. Hành vi thu phí bảo hiểm cho thời gian trước đó đồng nghĩa rằng doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm cho những rủi ro trước đó trừ trường hợp doanh nghiệp bảo điểm ra thông báo đơn phương đình chỉ HĐBHNT sau khi đã ấn định một khoản thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm cần thiết đề bên mua bảo hiểm thực thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Tác giả cho rằng việc doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận thu phí bảo hiểm sau khi bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đồng nghĩa với việc khôi phục hiệu lực hợp đồng theo khoản 4 Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Hai là, bảo hiểm nhân thọ khác với bảo hiểm phi nhân thọ ở số lần đóng phí bảo hiểm nhiều và thời hạn đóng bảo hiểm là dài hạn. Vì vậy, có những trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm cho những lần trước đó nhưng do khó khăn về tài chính hoặc do doanh nghiệp bảo hiểm thiếu đôn đốc, nhắc nhở mà bên mua bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm những lần tiếp theo. Tuy nhiên, nếu sau đó bên mua bảo hiểm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tiếp tục thu phí bảo hiểm. Đến khi sự kiện bảo hiểm phát sinh thì doanh nghiệp bảo hiểm từ chối trách nhiệm bảo hiểm do chưa đóng đủ phí bảo hiểm. Khoản 2 Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định “trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí” thì “doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng”. Pháp luật mới chỉ ghi nhận quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng nhưng không quy định hình thức và thời điểm đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, pháp luật cũng không quy định rõ nếu doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục thu phí bảo hiểm thì có được quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm do bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm trước đó hay không.
Ba là, vấn đề xác định thời điểm đóng đủ phí bảo hiểm. Thực tiễn đóng phí bảo hiểm được thực hiện tại đại lý bảo hiểm hoặc tại nơi cư trú của bên mua bảo hiểm (thông qua nhân viên thu phí bảo hiểm). Do đó, thởi điểm đóng phí bảo hiểm trên thực tế và thời điểm doanh nghiệp thu phí bảo hiểm từ đại lý hoặc từ nhân viên thu phí bảo hiểm là khác nhau. Cũng có trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm nhưng đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên thu phí bảo hiểm không nộp phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm đúng hạn[5]. Do đó, trường hợp có sự kiện bảo hiểm xảy ra giữa hai thời điểm này thì trách nhiệm bảo hiểm chưa phát sinh đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Hơn nữa, một vấn đề cần làm rõ là nếu việc chậm đóng phí bảo hiểm là do lỗi của đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên thu phí bảo hiểm thì trách nhiệm bảo hiểm có phát sinh không. Thực tiễn xét xử phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này:
Ngày 24/03/2005, ông Trần Hữu Liêm, sinh năm 1956, thường trú tại ấp 3, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, kí hợp đồng số 71375698 mua Bảo hiểm nhân thọ của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam với mệnh giá sản phẩm chính 100.000.000 đồng. Sản phẩm bổ trợ chết và tàn tật do tai nạn 200.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền ông Liêm phải đóng theo định kì hằng quý trong 18 năm là 300.000.000 đồng. Ông Liêm đóng phí quý đầu là 3.654.000 đồng trong ngày kí hợp đồng thông qua bà Vũ Thị Minh Nguyền (đại lí bảo hiểm Prudential tại địa phương). Bà Nguyền cam kết đại lí sẽ đến thu tiền tại nhà nếu đến hạn mà chưa có tiền đóng thì cho gia hạn 60 ngày. Nếu có gì trở ngại thì phía công ty hoặc đại lý gửi thư hoặc điện thoại nhắc nhở. Ngày 24/6/2005, đến hạn đóng tiền quý thứ hai, bà Nguyền không tới thu tiền. Ông Liêm đến đại lý đóng tiền nhưng không gặp được bà Nguyền. Lý do, bà Nguyền đi học chính trị (có giấy chứng nhận số 140/GCN ngày 11/9/2005 của Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bến Tre). Ngày 27/8/2005, ông Liêm bị ngã đập đầu vào thành ghe chấn thương sọ não, qua đời.
Trong giấy xác nhận ngày 24/3/2006 nộp cho tòa án, bà Vũ Thị Minh Nguyền xác nhận: “Tôi bận đi học chính trị, vả lại công ty cũng không gửi giấy báo cho đại lý biết là hợp đồng đến hạn mà khách hàng cũng không nhận được giấy báo của công ty là hợp đồng mất hiệu lực ba ngày… cả gia đình ông Liêm đều thiết tha mua bảo hiểm, do tai nạn xẩy ra ngoài ý muốn, vậy chúng tôi đề nghị công ty cũng nên tạo uy tín cho đại lý và công ty giải quyết cho ông Liêm”. Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 28/2008/DS-ST ngày 21/8/2008, TAND Quận 1, TP Hồ Chí Minh tuyên: “Không chấp nhận yêu cầu của bà Phạm Thị Trên (người thụ hưởng theo chỉ định trong hợp đồng bảo hiểm) đòi Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam trả tiền bảo hiểm do ông ông Trân Hữu Liêm không đóng đủ phí bảo hiểm”. Tại Bản án phúc thẩm số 538/2009/DS-PT ngày 31/3/2009, Tòa phúc thẩm TAND TP Hồ Chí Minh tuyên: “Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị Trên. Sửa bản án sơ thẩm số 28/2008/DS-ST ngày 21/8/2008 của TAND Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Buộc Công ty Prudential Việt Nam trả tiền bảo hiểm là 300.000.000 đồng cho bà Phạm Thị Trên ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật”. Trong vụ việc này, bên mua bảo hiểm đã vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm liên tục trong suốt thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Vi phạm này là căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm theo bản bán cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, bản án cấp phúc thẩm vẫn yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường bảo hiểm do việc đóng phí bảo hiểm thực hiện theo thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự và điểm a, khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong vụ việc này lỗi thuộc về phía Prudential và đại lý tại địa phương khiến cho bên mua bảo hiểm không thể thực hiện việc đóng phí bảo hiểm. Điều này có nghĩa là có những trường hợp nhất định trách nhiệm bảo hiểm vẫn có thể phát sinh ngay cả khi bên mua bảo hiểm chưa đóng đủ phí bảo hiểm.
3. Về cấp chứng thư bảo hiểm
Nếu HĐBHNT đã giao kết và khách hàng đã đóng đủ phí bảo hiểm nhưng doanh nghiệp bảo hiểm chưa cấp chứng thư bảo hiểm cho khách hàng thì hợp đồng có phát sinh trách nhiệm bảo hiểm không? Thực tế cho thấy việc giao kết hợp đồng bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm là thông qua đại lý bảo hiểm hoặc qua nhân viên kinh doanh; doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cấp chứng thư bảo hiểm khi đã nhận đủ phí bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm đã giao kết. Nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra giữa hai thời điểm này thì doanh nghiệp bảo hiểm từ chối trách nhiệm bảo hiểm theo Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
4. Về điều kiện đóng đủ phí bảo hiểm
Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định điều kiện phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là phải đóng “đủ phí bảo hiểm” đã vi phạm nguyên tắc thỏa thuận giữa các bên. Phí bảo hiểm là nghĩa vụ tài chính phát sinh từ HĐBHNT. Vì vậy, việc thực hiện nghĩa vụ này như thế nào là do các bên thỏa thuận. Các bên có thể thỏa thuận một thời điểm đóng phí bảo hiểm khác sau thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Việc doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận giao kết hợp đồng bảo hiểm hoặc cấp chứng thư bảo hiểm khi khách hàng chưa đóng phí bảo hiểm được coi là mặc nhiên chấp nhận gia hạn thời hạn đóng phí nếu trong hợp đồng không thỏa thuận về thời hạn đóng phí bảo hiểm. Như vậy, khoản 2 Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm yêu cầu bên mua bảo hiểm phải chứng minh “có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm” là vi phạm nguyên tắc giải thích hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm “trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”.
Thêm vào đó, trên thực tế hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm nhân thọ đều thỏa thuận cung cấp cho khách hàng một số quyền lợi như duy trì hợp đồng bảo hiểm với số tiền bảo hiểm giảm dần (tiền phí bảo hiểm sẽ tự động trừ dần vào số tiền bảo hiểm hoàn lại), chuyển đổi thành hợp đồng khác đã trả phí một lần (sản phẩm bảo hiểm có mức phí bảo hiểm bằng với mức phí bảo hiểm đã đóng)… Tuy nhiên, những thỏa thuận này thường được hiểu là những ưu đãi của doanh nghiệp bảo hiểm cho khách hàng chứ không phải là những quyền lợi chính đáng của bên mua bảo hiểm được pháp luật bảo đảm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, nếu có sự kiện bảo hiểm phát sinh, doanh nghiệp bảo hiểm thường sẽ viện dẫn vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đúng thời hạn theo Điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm để từ chối nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm.
5. Về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
Khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm là “điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”. Như vậy trường hợp bên mua bảo hiểm nhân thọ chưa đóng đủ phí bảo hiểm có được coi là trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hay không phải được quy định trong HĐBHNT và doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng. Pháp luật không nên quy định cứng nhắc nội dung “chưa đóng đủ phí bảo hiểm” là điều khoản loại trừ trách nhiệm nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Thêm vào đó, việc chậm đóng phí bảo hiểm cũng có thể do lỗi “vô ý” của bên mua bảo hiểm – là trường hợp không được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo khoản 3 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Như vậy, giữa Điều 15 và Điều 16 có sự mâu thuẫn trong việc xác định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm.
III. Một số kiến nghị về thời điểm xác định trách nhiệm bảo hiểm trong HĐBHNT.
Bản chất của HĐBHNT là sự thỏa thuận thuận giữa các bên. Trường hợp nếu các bên không thỏa thuận trong hợp đồng thì các quy định của pháp luật sẽ được áp dụng. Phần lớn HĐBHNT được giao kết trên cơ sở hợp đồng mẫu do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp. Tuy nhiên, với tính cạnh tranh trong thị trường bảo hiểm nhân thọ, khách hàng hoàn toàn có thể đề nghị đàm phán để thỏa thuận lại các nội dung của hợp đồng. Pháp luật cần tạo điều kiện và tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên hơn là ràng buộc các bên bằng những điều kiện bắt buộc. Với cách tiếp cận đó, tác giả kiến nghị một số nội dung sau:
Thứ nhất, pháp luật cần thay thế cụm từ “trách nhiệm bảo hiểm” thành cụm từ “nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm”. Dưới góc độ pháp lý, “trách nhiệm” là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể phải gánh chịu khi vi phạm hợp đồng. Trong HĐBHNT, nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phát sinh khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian HĐBHNT có hiệu lực. Như vậy, việc thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng chứ không phải là “trách nhiệm” do vi phạm hợp đồng. Vì vậy, tác giả kiến nghị bên mua bảo hiểm chỉ cần chứng minh có sự kiện bảo hiểm phát sinh theo hợp đồng thì doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm.
Thứ hai, pháp luật cần xác định rõ thời điểm giao kết hợp đồng, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và thời điểm phát sinh nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm. Để xác định thời điểm giao kết HĐBHNT, cần phân biệt phương thức giao kết hợp đồng. Theo đó, nếu giao kết theo phương thức trực tiếp thì hợp đồng bảo hiểm chỉ được coi là giao kết khi doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bao hiểm cùng ký vào hợp đồng. Trong phương thức giao kết trực tiếp, hợp đồng bảo hiểm được coi là bằng chứng giao kết mà không cần doanh nghiệp bảo hiểm cấp chứng thư bảo hiểm. Chứng thư bảo hiểm (nếu có) phải dẫn chiếu đến nội dung hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết. Nếu giao kết theo phương thức gián tiếp, hợp đồng bảo hiểm được coi là giao kết khi bên đề nghị (có thể là doanh nghiệp bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm) nhận được trả lời chấp nhận giao kết. Các bên trong hợp đồng bảo hiểm phải chứng minh thời điểm nhận được trả lời chấp nhận giao kết toàn bộ nội dung đề nghị giao kết của bên còn lại.
Nếu các bên không có thỏa thuận khác trong hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm giao kết hợp đồng. Khi đó, nội dung của hợp đồng có giá trị ràng buộc đối với các bên. Đồng thời, nếu các bên không có thỏa thuận khác trong hợp đồng thì thời điểm phát sinh nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm là thời điểm có hiệu lực của HĐBHNT. Quy định như vậy buộc doanh nghiệp bảo hiểm ý thức hơn khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và cấp chứng thư bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Hạn chế trường hợp bên doanh nghiệp bảo hiểm cố tình không đôn đốc, nhắc nhở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm nhưng sau đó vẫn truy thu toàn bộ phí bảo hiểm cho thời gian trễ hạn nộp phí. Đồng thời nếu có phát sinh sự kiện bảo hiểm trong thời gian trễ hạn đóng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường bảo hiểm.
Thứ ba, Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm cần tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên về thời điểm phát sinh nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm. Do đó, không nên quy định cứng nhắc thời điểm phát sinh nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm. Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm nên sửa đổi theo hướng xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm theo các điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng. Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định theo hướng trên: “sau khi hợp đồng bảo hiểm được xác lập, người yêu cầu bảo hiểm sẽ trả phí bảo hiểm theo các điều kiện và điều khoản của hợp đồng và người bảo hiểm sẽ chịu rủi ro kể từ ngày ghi trên hợp đồng bảo hiểm”[6]. Quy định như vậy yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm ý thức hơn trong việc xây dựng điều khoản làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm trong hợp đồng mẫu. Đây chính là điều kiện để bên mua bảo hiểm ý thức thỏa thuận điều khoản về thời điểm phát sinh nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm. Nếu hợp đồng bảo hiểm không thỏa thuận về thời điểm phát sinh nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm thì tính từ “ngày ghi trên hợp đồng bảo hiểm” – thời điểm hợp đồng bảo hiểm được giao kết và có hiệu lực.
Thứ tư, tác giả cho rằng, quy định nghĩa vụ đóng đủ phí bảo hiểm là điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là không cần thiết. Có quan điểm cho rằng, quỹ chi trả bảo hiểm được tạo lập từ phí bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm thì sự đóng góp của họ vào quỹ bảo hiểm chưa có nên không có cơ sở để nhận được tiền bồi thường từ quỹ này[7]. “Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm là bằng chứng chấp nhận giao kết hợp đồng mà không đồng nghĩa với việc là bằng chứng của việc cam kết bồi thường kể từ thời điểm cấp giấy chứng nhận hay giao kết hợp đồng. Nghĩa vụ bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh khi bên mua bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm”[8]. Bởi vì, khả năng bồi thường bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không phải chỉ từ số tiền phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm. Hơn nữa, doanh nghiệp bảo hiểm phải xác định được khả năng bồi thường bảo hiểm và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm điều kiện phát sinh nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm. Nếu hợp đồng bảo hiểm không thỏa thuận về điều kiện làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm thì rủi ro thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm.
Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên. Vì vậy, chỉ loại trừ sự thỏa thuận giữa các bên khi nội dung thỏa thuận đó trái pháp luật và đạo đức xã hội. Nếu sự thỏa thuận của các bên đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên rõ ràng hơn thì pháp luật phải công nhận sự thỏa thuận của các bên được ghi nhận trong hợp đồng. Bởi vì chỉ khi nào các bên trực tiếp thỏa thuận nội dung trong hợp đồng thì các bên mới ý thức được nghĩa vụ và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ đó. Điều này loại trừ vi phạm về nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đúng hạn theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành.
CHÚ THÍCH
* ThS Luật học, giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1]Đoạn 2 Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định “Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định”
[2] Đinh Văn Thanh – Phạm Công Lạc (chủ biên), Thuật ngữ Luật Dân sự, Trong bộ từ điển Giải thích thuật ngữ Luật học, Nxb Công an Nhân dân, H.1999.
[3] Lê Minh Hùng, Hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam, Luận án tiến sỹ luật học, Đại học Luật Tp.HCM, Năm 2010, tr. 19.
[4] Điều 36 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2005.
[5] Xem thêm: Nguyển Thị Thanh Ngọc, (2006), Pháp luật về ký kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, tr. 55.
[6] Theo bản dịch tại Nguyễn Thị Thủy, Pháp luật về bảo hiểm tài sản tại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, năm 2010, tr. 155.
[7] Nguyễn Thị Thủy, (2010), Pháp luật về bảo hiểm tài sản tại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr. 153.
[8] Nguyễn Thị Thủy, (2007), “Nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm và vấn đề xác định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm”, (05), Tạp chí Khoa học pháp lý, tr. 22.
Trả lời