Mục lục
Một số vấn đề về giao kết hợp đồng trong pháp luật của Cộng hòa Pháp và kinh nghiệm cho Việt Nam
TÓM TẮT
Tự do giao kết hợp đồng, theo quy định pháp luật Cộng hòa Pháp, là nguyên tắc nhằm hạn chế sự can thiệp của cơ quan quản lý vào việc giao kết hợp đồng của các chủ thể tham gia. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đóng vai trò tìm ra căn cứ xác định sự tồn tại ý chí thỏa thuận của các bên, điều kiện cơ bản để thiết lập hợp đồng. Nội dung bài viết được các tác giả trình bày dựa trên quan điểm nghiên cứu khái quát về thời điểm giao kết hợp đồng trong luật của Pháp, qua đó so sánh với các quy định tương đồng trong BLDS 2005. So với BLDS 2005 của Việt Nam, BLDS Pháp có nhiều điểm tương đồng, như quan niệm về đề nghị giao kết, chấp nhận đề nghị giao kết: ý chí của các bên trong việc xác lập quan hệ hợp đồng được thể hiện qua việc một bên đưa ra lời đề nghị với những điều kiện nhất định, và bên còn lại chấp nhận hoàn toàn những điều kiện đó…
Xem thêm:
- Đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng – Nhìn từ góc độ so sánh – ThS. Lê Thị Diễm Phương
- Hợp đồng hành chính vô hiệu theo quy định của luật công – PGS.TS. Võ Trí Hảo
- Sửa đổi các quy định về Hợp đồng kinh doanh bất động sản trong Luật Kinh doanh bất động sản – TS. Lê Minh Hùng
- Hiệu lực của hợp đồng theo Công ước Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: “khoảng xám” cho xu hướng quay về áp dụng pháp luật quốc gia? – TS. Trần Thị Thuận Giang & ThS. Lê Tấn Phát
- Bàn về khái niệm Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Điều 3 của Công ước Vienna 1980 – ThS. Lê Tấn Phát & Nguyễn Hoàng Thái Hy
TỪ KHÓA: Giao kết hợp đồng, Hợp đồng, Pháp luật Pháp, Tạp chí Khoa học pháp lý
Dẫn nhập
Theo Điều 1101, Bộ luật Dân sự (BLDS) Cộng hoà Pháp, “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó một hoặc nhiều người cam kết với một hoặc nhiều người khác về việc chuyển giao một vật, làm hoặc không làm một việc nào đó”. Hợp đồng xuất phát từ sự thỏa thuận giữa các bên hay có thể nhận thấy rằng để có sự thỏa thuận ràng buộc phải xuất phát từ ý chí của chủ thể tham gia. Cho nên, tại Điều 1134 quy định tiếp, “Hợp đồng được giao kết có giá trị là luật đối với các bên tham gia giao kết”. BLDS không quy định thời điểm giao kết cho tất cả các loại hợp đồng, nên thời điểm giao kết hợp đồng còn có thể được xác định dựa theo án lệ. Theo đó, cơ quan xét xử phải có nghĩa vụ xác định thời điểm các bên chấp nhận việc giao kết hợp đồng[1]. Ngoại lệ, BLDS chỉ quy định riêng cho hình thức giao kết điện tử. Để xác định được thời điểm giao kết hợp đồng, cần xác định được: thứ nhất, phải có tồn tại sự thoả thuận; thứ hai là một lời đề nghị và thời điểm chấp nhận lời đề nghị. Bài viết này trình này về trình tự giao kết và thời điểm giao kết hợp đồng theo luật của Cộng hòa Pháp và đề xuất một số kinh nghiệm cho VN.
1. Trình tự giao kết hợp đồng
Một hợp đồng chỉ được thiết lập khi một bên đưa ra lời đề nghị và bên kia trả lời chấp nhận đề nghị với những điều kiện phù hợp với lời đề nghị[2]. Quá trình này được gọi là trình tự giao kết hợp đồng. Trong luật của Pháp, việc xác định trình tự giao kết hợp đồng thường dựa vào ba dấu hiệu: tồn tại sự thỏa thuận, có đề nghị hợp lệ, có sự chấp nhận đề nghị hợp lệ.
1.1. Tồn tại sự thỏa thuận
Trong quan hệ pháp luật hợp đồng, sự đồng thuận hay sự thể hiện ý chí của các bên trong việc thiết lập hợp đồng là rất cần thiết cho việc xác định giá trị pháp lý của những cam kết. Vì thế một hợp đồng chỉ được thiết lập khi có sự thỏa thuận giữa các bên hoặc ít nhất cũng có tồn tại sự tự do ý chí của chủ thể giao kết[3]. Sự tự do thể hiện ý chí của các bên trong giao kết hợp đồng được thể hiện trước hết thông qua lời đề nghị giao kết hợp đồng. Theo đó, một bên đưa ra lời đề nghị giao kết chứa đựng các nội dung cơ bản của hợp đồng[4] và bên còn lại chấp nhận những nội dung được nêu trong lời đề nghị giao kết[5].
BLDS Pháp là không quy định chung về điều khoản cơ bản của tất cả các loại hợp đồng. Theo đó, các điều kiện cơ bản được Tòa án xác định thông qua các án lệ tùy từng loại hợp đồng, cụ thể như hợp đồng mua bán có các điều khoản cơ bản cần phải đạt được khi thỏa thuận để đủ kiện có hiệu lực bao gồm điều khoản về đối tượng mua bán[6] và giá cả mua bán[7]. Trong một số trường hợp khác, Tòa án có quyền khẳng định thời điểm giao kết hợp đồng nếu các bên đã đạt được những thỏa thuận nhất định[8].
Như vậy, theo luật của Pháp, để được coi là có giao kết hợp đồng, thì cần phải tồn tại một sự thỏa thuận. Sự thỏa thuận này có thể được xác định dựa trên cam kết hợp pháp của các bên thể hiện qua việc đưa ra đề nghị có đủ các nội dung cơ bản của hợp đồng và được sự chấp thuận của bên kia. Đôi khi việc xác định có hay không có sụ giao kết hợp đồng phải dựa vào sự thẩm định của Tòa án.
Theo luật Việt Nam, trước đây, BLDS 1995 từng có quy định về các điều khoản chủ yếu[9] (điều khoản cơ bản) của hợp đồng, đồng thời còn quy định việc giao kết hợp đồng lệ thuộc vào việc bên đề nghị có nêu rõ nội dung chủ yếu của hợp đồng trong đề nghị giao kết hay không[10]. Hiện nay, BLDS 2005 đã bỏ dấu hiệu “nội dung chủ yếu” trong đề nghị giao kết hợp đồng (khoản 1 Điều 390) và cũng bỏ dấu hiệu này trong quy định về nội dung hợp đồng (Điều 402). Đây là một điểm tiến bộ rất đáng được ghi nhận của BLDS 2005. Giải pháp của khoản 1 Điều 390 BLDS hiện hành có tính khái quát và có ý nghĩa thực tiễn cao hơn so với BLDS 1995, nên cần được tiếp tục duy trì.
1.2. Đề nghị giao kết hợp đồng
Theo luật Việt Nam: “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể”[11].Khác với luật Việt Nam, BLDS Pháp không có điều khoản định nghĩa về lời đề nghị giao kết hợp đồng, có lẽ vì các luật gia Pháp quan niệm pháp luật không nên can thiệp quá sâu vào việc xác lập hợp đồng. Thay vào đó, luật chỉ đóng vai trò bổ khuyết cho nội dung hợp đồng trong trường hợp tồn tại “lỗ hổng”. Lẽ tất nhiên, cơ quan xét xử phải tôn trọng ý chí của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Chính vì thế, trong lịch sử xét xử của hệ thống Tòa án Pháp, đã hình thành án lệ có nội dung định nghĩa về lời đề nghị giao kết hợp đồng như sau: “Lời đề nghị giao kết hợp đồng là sự thể hiện ý chí của một bên nêu rõ các điều kiện cơ bản của hợp đồng để bên còn lại chấp nhận và tiến đến thiết lập hợp đồng”[12].
Lời đề nghị giao kết hợp đồng là lời hứa thể hiện ý chí của một người (người đưa ra lời hứa[13]) đề nghị người khác (người nhận lời) giao kết hợp đồng. Lời đề nghị giao kết hợp đồng còn là sự thể hiện ý chí nhằm mục đích tiến đến việc thiết lập hợp đồng theo những điều kiện nhất định được bên đưa ra lời đề nghị nêu ra.[14] Lời đề nghị giao kết thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau như: thông báo trên báo chí, lời nói gửi đến một người cụ thể hoặc gửi đến nhiều chủ thể khác nhau. Tuy nhiên, không phải mọi lời đề nghị giao kết hợp đồng đều là lời hứa giao kết hợp đồng. Lời đề nghị giao kết hợp đồng chỉ có giá trị pháp lý khi nội dung đáp ứng được các điều kiện:
1.2.1. Tính chất ràng buộc của đề nghị
Về nguyên tắc, một lời đề nghị được đưa ra chưa hẳn là cam kết giao kết hợp đồng của chính tác giả[15]. Vì thế trong chừng mực nhất định lời đề nghị không có giá trị ràng buộc trách nhiệm của bên đưa ra đề nghị. Bởi lẽ, nếu lời đề nghị được gửi và không được chấp nhận trong thời hạn thì không thể trở thành một hợp đồng[16]. Ngược lại, nếu lời đề nghị được chấp nhận thì những cam kết của chủ thể đưa ra lời đề nghị mới có giá trị pháp lý.
Luật Pháp phân biệt giá trị pháp lý của lời đề nghị giao kết hợp đồng với việc hứa giao kết hợp đồng. Việc hứa giao kết hợp đồng về bản chất đã là một hợp đồng và phát sinh giá trị ràng buộc bên đã đưa ra lời hứa. Bởi lẽ, lời hứa phát sinh từ sự thỏa thuận ý chí của các bên, theo đó bên nhận lời hứa đã hoàn thành việc chấp nhận lời hứa của bên kia[17]. Bên đưa ra lời hứa trong trường hợp này không thể tự ý đơn phương hủy bỏ lời hứa[18]. Trong án lệ ngày 28/4/987, Tòa Thương mại đã phân tích rõ trong một lời hứa góp vốn thành lập công ty đã có đầy đủ nội dung cơ bản của một hợp đồng. Cụ thể lời hứa này đã thể hiện các nội dung như đối tượng hợp đồng, nguồn góp vốn của mỗi bên, quyền và nghĩa vụ của các bên, hình thức doanh nghiệp, thời hạn hoạt động…[19].
Tóm lại, lời đề nghị giao kết hợp đồng phải có tính chất cụ thể, tức phải chứa đựng các điều kiện cơ bản nhất của hợp đồng sẽ được lập trong tương lai[20].
1.2.2. Thể hiện ý chí của bên đưa ra lời đề nghị
Theo Điều 1108 BLDS Pháp, để hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì hợp đồng phải đáp ứng đủ bốn điều kiện: phải có sự tự nguyện của các bên tham gia, các bên phải có năng lực giao kết, đối tượng hợp đồng phải xác định, và căn cứ hợp đồng phải hợp pháp [21]. Trong đó, sự đồng ý của các bên là điều kiện quan trọng nhất. Sự đồng ý trước tiên là của bên đưa ra lời đề nghị phải thể hiện được ý chí tiến đến việc xác lập hợp đồng với bên nhận lời đề nghị. Từ ý chí này bên nhận lời đề nghị xác định được việc tiếp tục thương lượng giao kết hợp đồng hoặc trả lời chấp nhận ký kết hợp đồng. Vì vậy, một lời đề nghị giao kết hợp đồng phải thể hiện được ý chí của chính tác giả[22], và cách thức thể hiện ý chí được thể hiện bằng một hình thức có thể nhận biết được. Lời đề nghị giao kết hợp đồng có thể được thể hiện rõ rang hoặc ngầm hiểu cũng có thể là điều kiện tiên quyết cho việc xác lập hợp đồng.
1.2.3. Tính cụ thể của lời đề nghị
Tính cụ thể của lời đề nghị trước hết thể hiện ở việc nội dung của nó phải được chỉ ra một cách đích xác. Sự chỉ ra đích xác nội dung có nghĩa là nội dung thoả thuận phải hàm chứa các điều cơ bản nhất của việc giao kết hợp đồng (ví dụ như đối tượng hợp đồng, giá cả), theo đó bên nhận đề nghị sẽ dễ dàng chấp nhận không chỉnh sửa hoặc bổ sung[23]. Vì thế để có giá trị pháp lý là lời đề nghị giao kết hợp đồng, nội dung lời đề nghị phải được thể hiện một cách cụ thể. Có nghĩa là lời đề nghị được đưa ra phải đáp ứng những điều kiện cơ bản nhất theo quy định pháp luật. Tính cụ thể của lời đề nghị thể hiện qua các yếu tố:
Được gửi đến chủ thể xác định: Người đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng có thể gửi nội dung đề nghị giao kết hợp đồng đến nhiều chủ thể khác nhau. Đó có thể là lời đề nghị dành cho rộng rãi công chúng, hoặc được gửi đến một hoặc nhóm chủ thể nhất định. Tuy nhiên, việc xác định chủ thể còn liên quan đến nội dung lời đề nghị có tính ràng buộc chính bên đưa ra đề nghị. Trong án lệ ngày 28/11/1968, Toà phá án Pháp công nhận việc trả lời chấp nhận một lời đề nghị được đưa ra rộng rãi công chúng có giá trị pháp lý ràng buộc như hợp đồng [24].
Xác định thời hạn trả lời: Bên đưa ra lời đề nghị có thể lựa chọn mức thời hạn cho phép bên nhận lời đề nghị suy nghĩ và trả lời chấp nhận hoặc từ chối giao kết hợp đồng. Thời hạn thể hiện trong lời đề nghị có thể là một ngày hết hạn cụ thể hoặc một thời gian vô hạn định. Việc đưa thời hạn vào nội dung lời đề nghị cho thấy sự thể hiện ý chí muốn giao kết hợp đồng của bên đưa ra đề nghị trong thời hạn nhất định và thời gian đủ dài hoặc hợp lý để bên nhận ra quyết định có thể hoặc từ chối giao kết hợp đồng[25]. Như vậy, trong thời hạn lời đề nghị quy định, việc trả lời của bên nhận được gửi đến bên đưa ra lời đề nghị có thể phát sinh trách nhiệm của hai bên hoặc có thể không. Ngược lại, nếu thời hạn được đề cập trong lời đề nghị đã hết việc trả lời đồng ý của bên nhận lời đề nghị tất nhiên là không có giá trị pháp lý ràng buộc trách nhiệm của các bên[26].
Việc tự đặt ra thời hạn trả lời trong lời đề nghị giao kết hợp đồng ràng buộc trách nhiệm của chính bên đưa ra đề nghị. Bởi lẽ, bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng không có quyền rút lại lời hứa trong thời hạn có hiệu lực. Tuy nhiên, bên đưa ra lời đề nghị có quyền rút lại đề nghị trong trường hợp lời đề nghị gửi chưa đến bên nhận đề nghị.
Trong trường hợp lời đề nghị bị rút lại trước hạn, bên đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng có thể phải chịu trách nhiệm dân sự theo Điều 1382 BLDS mặc dù hợp đồng chưa thiết lập và chưa có ràng buộc trách nhiệm theo hợp đồng. Tuy nhiên, chế tài dành cho bên đưa ra lời đề nghị một khi có thiệt hại từ bên được đề nghị, trong trường hợp bên nhận này đã có những động thái buộc bên đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng tiến đến giao kết hợp đồng nhưng bất thành, là việc phải chịu trách nhiệm bồi thường. Quy định này có nét tương đồng với quy định tại khoản 2 Điều 390 BLDS Việt Nam[27].
Ngược lại, lời đề nghị không có thời hạn xác định không phải là không thể hiện ý chí muốn giao kết hợp đồng và ràng buộc trách nhiệm, mà việc thể hiện mức thời gian vô hạn định có thể cho phép bên đưa ra lời đề nghị được quyền rút lại lời hứa một cách dễ dàng[28]. Tuy nhiên trong một số trường hợp án lệ cho rằng đề nghị chỉ được rút lại “trong thời hạn hợp lý”[29]. Và lời đề nghị vô hạn này cũng có thể được rút lại trong trường hợp không được đón nhận[30].
Thứ ba, lời đề nghị “đóng” có nghĩa là sự thể hiện ý chí rõ ràng của chủ thể đưa ra lời đề nghị, không mang tính chất “nước đôi” nhằm mục đích giao kết hợp đồng[31]. Dự thảo hợp đồng được gửi không hàm chứa những điều kiện có thể thay đổi nội dung từ phía bên đưa ra lời đề nghị. Tất cả những gì thể hiện trong bản dự thảo là nội dung chủ yếu của hợp đồng. Theo đó, bên còn lại chỉ việc chấp nhận những nội dung đề cập và hợp đồng được thiết lập.
Tóm lại, luật của Pháp đòi hỏi lời đề nghị phải thể hiện được các nội dung cơ bản của hợp đồng và nó phải được đưa ra cho những chủ thể xác định. Quy định này hợp lý và minh bạch vì một mặt bảo đảm tính chất cụ thể, có căn cứ của lời đề nghị giao kết hợp đồng khi Tòa án xác định tính chất hợp lệ của một đề nghị, qua đó, giúp cho việc xác định tính chất ràng buộc của lời đề nghị trở nên dễ dàng hơn, vì luật có đưa ra các tiêu chí cụ thể. Quy định như vậy là phù hợp với hoàn cảnh của Pháp, vì thực tiễn áp dụng pháp luật của Tòa án Pháp cho phép thẩm phán có quyền giải thích pháp luật. Ngoài các quy định của pháp luật thành văn, Tòa án còn áp dụng cả án lệ để làm cơ sở pháp lý cho việc đánh giá tính chất hợp pháp, hợp lệ và giá trị ràng buộc của hợp đồng. Điều này làm cho việc phán xử của Tòa án vừa đảm bảo cơ sở pháp lý của luật thành văn, vừa bảo đảm sự linh hoạt trong áp dụng pháp luật để xử lý những tình huống cụ thể.
Khác với luật của Pháp, khoản 1 Điều 390 BLDS 2005 không bắt buộc đề nghị phải chứa đựng các nội dung cơ bản của hợp đồng. Ở chừng mực nào đó, quy định của luật Pháp có cơ sở rõ ràng hơn so với luật Việt Nam, vì chỉ rõ giới hạn của nội dung đề nghị (chỉ cần thể hiện nội dung cơ bản), thay vì như luật Việt Nam có nêu đề nghị phải thể hiện được các nội dung của hợp đồng, nhưng lại không giới hạn rõ nội dung nào. Tuy vậy, quy định của khoản 1 Điều 390 BLDS có tính thực tiễn hơn, vì nó không quá câu nệ vào giới hạn của nội dung đề nghị, cũng như không phải là “cái cớ” cho Tòa án “vin vào” để từ chối công nhận hiệu lực của một đề nghị, chỉ vì nó không thể hiện hết các điều khoản cơ bản của hợp đồng. Quy định như BLDS 2005 cũng đảm bảo tính logic trong mối liên hệ với các quy định khác, bởi vì Điều 402 cũng không còn xác định về các điều khoản cơ bản của hợp đồng. Do đó, tác giả cho rằng, quy định như khoản 1 Điều 390 BLDS 2005 là hợp lý và khả thi trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, trừ việc cách thức diễn đạt của điều luật này vẫn còn nhiều điểm chưa thuyết phục. Vấn đề này sẽ được chúng tôi phân tích cụ thể hơn trong một chủ đề khác.
Cũng như luật Pháp, khoản 2 Điều 390 BLDS 2005 cũng quy định rõ về trách nhiệm của bên đề nghị khi bên này từ chối giao kết hợp đồng sau khi bên kia đã trả lời chấp nhận. Tuy nhiên án lệ của Pháp xem đây là một loại trách nhiệm tiền hợp đồng, trong khi luật Việt Nam, chưa được thể hiện rõ đây là loại trách nhiệm trong hay ngoài hợp đồng. Mặc dù việc xác định trách nhiệm này là trong hay ngoài hợp đồng là không quá quan trọng khi mà nó đã được luật quy định minh thị, nhưng xét dưới góc độ cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý, các luật gia Việt Nam hẳn là rất muốn xác định rõ đây là loại trách nhiệm gì, bởi lẽ điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định cơ sở pháp lý, cũng như cách tính thiệt hại và ấn định mức bồi thường, vì dường như theo pháp luật Việt Nam thì hai loại trách nhiệm này có nhiều điểm pháp lý khác nhau. Tác giả cho rằng, luật Việt Nam cũng cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm tiền hợp đồng, nhằm xác định rõ cơ sở pháp lý và hệ quả pháp lý của loại trách nhiệm này.
Bên cạnh đó, một kinh nghiệm rất hữu ích của Pháp là trong trường hợp đề nghị không thể hiện thời hạn trả lời, án lệ Pháp đã bổ túc bằng cách thừa nhận trả lời đề nghị nếu nó được thực hiện trong khoảng “thời gian hợp lý”. Điều này chưa được thể hiện trong luật Việt Nam. Để hoàn thiện quy định về đề nghị giao kết hợp đồng, tác giả cho rằng, cần tiếp thu cả hai khía cạnh của luật Pháp. Cần đưa vấn đề này vào quy định trong BLDS theo hướng: thừa nhận các trả lời chấp nhận trong trường đề nghị không xác định thời hạn trả lời nếu sự trả lời được thực hiện trong khoảng thời gian “hợp lý”; mặt khác, việc giải thích thế nào là khoảng thời gian “hợp lý” sẽ được Tòa án thực hiện.
1.3. Chấp nhận đề nghị
Chấp nhận lời đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện ý chí của bên nhận lời đề nghị đồng ý chấp nhận những nội dung được nêu ra trong lời đề nghị của bên còn lại về việc giao kết hợp đồng[32]. Trả lời chấp nhận phải cụ thể, không mang tính nước đôi[33]. Để được coi là hợp lệ, việc chấp nhận phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
1.3.1. Chấp nhận không chỉnh sửa
Nội dung trả lời chấp nhận đồng ý trùng khớp với những nội dung của lời đề nghị thì hợp đồng được giao kết. Ngược lại, bên nhận không trả lời hoặc trả lời từ chối thì đồng nghĩa với việc hợp đồng chưa được thiết lập. Chấp nhận một lời đề nghị giao kết hợp đồng mà nội dung hoàn toàn trùng khớp với lời đề nghị để thành lập hợp đồng có thể được xem là trường hợp dễ nhất để xác định thời điểm giao kết hợp đồng.
Trong trường hợp khác, một khi bên nhận trả lời sẽ chấp nhận giao kết hợp đồng với điều kiện có thể phải thay đổi một số điều trong lời đề nghị, bên đưa ra lời đề nghị lúc ban đầu được xác định là bên nhận lời đề nghị. Như vậy, trong cả hai trường hợp nếu như bên nào nhận được lời đề nghị và chấp nhận tất cả những điều khoản được nêu thì hợp đồng được giao kết. Nếu bên nhận lời đề nghị giao kết đồng yêu cầu thay đổi một số nội dung nhưng không được chấp nhận thì hợp đồng cũng chưa được thiết lập nên chưa ràng buộc trách nhiệm của các bên[34]. Theo bản án của Tòa phá án được tuyên ngày 03/12/1919, vì bên nhận lời đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng lời chấp nhận kèm theo những sửa đổi không trùng khớp với những nội dung mà bên đề nghị đưa ra nên hợp đồng chưa được thiết lập[35].
Về điểm này, luật của Pháp và luật của Việt Nam là giống nhau, vì Điều 396 BLDS 2005 cũng quy định chấp nhận đề nghị phải được hiểu là chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị thì mới có giá trị[36].
1.3.2. Trả lời chấp nhận một cách đơn giản
Một khi lời đề nghị mang tính cụ thể được gửi đến bên nhận, bên này trả lời đồng theo những hình thức nhất định mà không cần thiết phải tiếp tục thương lượng thì hợp đồng được thiết lập[37]. Đây là việc bên nhận lời đề nghị thể hiện ý chí chấp nhận bằng việc đơn giản trả lời các điều kiện được đưa ra trước đó.
Điều 1589 BLDS Pháp quy định, lời hứa bán có giá trị bắt buộc thực hiện nghĩa vụ bán một khi tồn tại sự thống nhất ý chí của các bên về đối tượng và giá cả mua bán. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, một lời hứa bán ngay cả khi có sự đồng ý của bên còn lại vẫn chưa được công nhận đã giao kết hợp đồng và có giá trị ràng buộc các bên. Đó là khi hợp đồng chỉ được giao kết kể từ thời điểm các bên phải tuân thủ mặt hình thức nhất định, ví dụ, một hợp đồng có quy định điều khoản liên quan hình thức có hiệu lực pháp luật hoặc án lệ thừa nhận phải công chứng thì chỉ có giá trị pháp lý sau khi được công chứng viên công nhận sự tự do thể hiện ý chí nhằm ràng buộc trách nhiệm của các bên; hoặc hợp đồng chỉ được gọi là giao kết sau khi một bên đã thanh toán giá trị hợp đồng, hay được gọi là thực hiện trước phần nghĩa vụ của một bên.
Thực tế có những án lệ chấp nhận hoặc có thể hợp đồng được giao kết ngay từ thời điểm các bên chấp nhận các điều kiện thoả thuận[38], hoặc các bên phải hoàn thành về mặt hình thức nhất định[39].
So với luật Pháp, luật Việt Nam thiếu hẳn những quy định tương đồng về vấn đề này[40]. Đây có thể được xem là sự thiếu sót của pháp luật thực định, vì thực tế ở Việt Nam, việc giao kết hợp đồng không chỉ được thực hiện theo trình tự đầy đủ hai bước đề nghị và chấp nhận đề nghị như dự liệu của luật, mà trong nhiều trường hợp, việc giao kết hợp đồng được thể hiện bằng những cách thức đơn giản, như bằng cách các bên cùng ký tên vào hợp đồng trước mặt công chứng viên hay viên chức có quyền thị thực, hoặc khi các bên có thỏa thuận trong khi đàm phán là hợp đồng được giáo kết dựa vào một hành vi chấp nhận của người có thẩm quyền ký kết hợp đồng của các bên. Thiết nghĩ, án lệ của Pháp vừa nêu là một bài học kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong việc hướng tới bổ sung vào Điều 404 BLDS 2005 quy định về việc giao kết hợp đồng bằng những cách thức đơn giản, cụ thể như vừa trình bày.
2. Thời điểm giao kết hợp đồng
Thời điểm giao kết hợp đồng được tính từ thời điểm một bên nhận lời đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng, không cần phải thỏa thuận thêm bất cứ nội dung được nêu trong đề nghị[41]. Do vậy, việc xác định thời điểm và địa điểm chấp nhận lời đề nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng cũng như việc xác định giới hạn trách nhiệm của các bên.
2.1. Nguyên tắc chung
Hợp đồng được giao kết dưới nhiều hình thức và cách thức khác nhau, vì thế để xác định thời điểm chấp nhận lời đề nghị phải dựa trên cơ sở của hình thức và cách thức xác lập hợp đồng. Như đã khẳng định, BLDS Pháp được xây dựng dựa trên thuyết tự do thể hiện ý chí, theo đó các nhà lập pháp không can thiệp vào hình thức thể hiện ý chí của các bên[42]. Vì thế, BLDS Pháp không có điều khoản quy định hình thức chung cho việc thể hiện ý chí của các bên trong giao kết hợp đồng, thay vào đó BLDS có quy định riêng cho việc xác định thời điểm chấp nhận giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, việc quy định như thế vẫn còn tồn tại những khiếm khuyết nhất định. Những thiếu sót này có thể được bổ túc bởi án lệ[43].
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, ý chí của các bên trong giao kết hợp đồng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là sự thể hiện trực tiếp bằng lời nói, hay văn bản; hoặc là sự thể hiện ý chí bằng văn bản nhưng được các bên thiết lập gián tiếp; hoặc sự thể hiện ý chí bằng hành vi; cũng có thể là sự im lặng.
Tương tự như vậy, hình thức trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng cũng được thể hiện theo nhiều hình thức khác nhau. Cho dù là sự thể hiện dưới những hình thức khác nhau, ý chí tự nguyện của các bên vẫn là điều kiện cơ bản để xác định thời điểm giao kết hợp đồng.
2.2. Thời điểm giao kết hợp đồng trong những trường hợp cụ thể
2.2.1. Khi trả lời chấp nhận được thể hiện bằng lời nói
Hình thức trả lời bằng lời nói được thể hiện dễ nhất vì có thể được thể hiện mọi lúc, mọi nơi[44]. Việc trả lời chấp nhận lời đề nghị bằng lời nói thường được thực hiện trong trường hợp đòi hỏi việc quyết định phải nhanh, tức thời[45].
Việc xác định thời điểm trả lời chấp nhận lời đề nghị giao kết hợp đồng sẽ rất dễ nếu bên nhận lời đề nghị giao kết hợp đồng trả lời một cách đơn giản và không chỉnh sửa những nội dung được bên kia đưa ra. Ngược lại, trong trường hợp các bên tiến hành thương lượng các nội dung được bên đề nghị đưa ra hoặc thương lượng về một lời đề nghị mới được phản hồi từ bên nhận lời đề nghị, thì việc xác định thời điểm chấp nhận các đề nghị để hoàn thành giao kết hợp đồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các bên chấp nhận toàn bộ hay chấp nhận một phần lời đề nghị.
Việc xác định thời điểm chấp nhận có ảnh hưởng đến những giá trị ràng buộc các bên trong hợp đồng. Bởi lẽ, thỏa thuận được các bên đồng ý có giá trị như hợp đồng. Đây là vấn đề đặt ra cho các Tòa án trong việc xác định thời điểm thể hiện ý chí của các bên. Trong một số trường hợp Tòa án có thể tuyên bố sự thỏa thuận có giá trị pháp lý hay không khi dựa vào các điều kiện được cho là cơ bản nhất của nội dung hợp đồng[46].
2.2.2. Khi trả lời chấp nhận được thể hiện bằng văn bản
Bên cạnh hình thức thể hiện ý chí bằng lời nói, các bên tham gia giao kết hợp đồng có thể thể hiện ý chí của mình bằng văn bản.
Sự thỏa thuận trực tiếp giữa các bên: Án lệ của Pháp đã từng đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề này. Theo bản án của Tòa phá án ngày 30/3/2011, thời điểm thiết lập hợp đồng mua bán, theo Điều 1675 BLDS Pháp[47], là thời điểm các bên thống nhất về các vấn đề cơ bản như đối tượng hợp đồng, giá mua bán phù hợp với thời điểm bán, thậm chí ngay cả trường hợp hợp đồng có điều kiện treo[48].
Sự thỏa thuận gián tiếp giữa các bên: Thời điểm nào được xác định là hợp đồng đã được giao kết? Thời điểm bên được đề nghị trả lời và gửi đi tính theo dấu bưu điện hay thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chính thức từ bên được đề nghị ? BLDS Pháp chưa quy định điều này. Ví dụ, ngày 01 tháng 10 A ở Marseille gửi đề nghị giao kết hợp đồng đến địa chỉ của B ở Paris vào ngày 03 tháng 10. Ngày 05 tháng 10 B ký tên chấp nhận và gửi thư trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Thư đề nghị chấp nhận giao kết đến địa chỉ của A vào ngày 07 tháng 10. Như vậy, hợp đồng được giao kết có thể vào ngày 05 tháng 10, khi B đã ký tên chấp nhận hoặc ngày 7 tháng 10 khi chấp nhận đã đến địa chỉ của A. Vấn đề đặt ra là nếu như ngày 06 tháng 10, B quyết định không giao kết hợp đồng với A nữa, thì liệu có phát sinh trách nhiệm pháp lý giữa các bên đã phát sinh chưa?
Để giải quyết tình huống trên có một số án lệ lựa chọn thời điểm có hiệu lực pháp luật của chấp nhận giao kết hợp đồng là ngày 05 tháng 10[49] bởi vì ở thời điểm này đã tồn tại song song sự thoả thuận giữa các bên. Nếu không có quy định khác trong hợp đồng thì thời điểm giao kết hợp đồng được tính từ thời điểm bên nhận lời đề nghị đã chấp nhận và gửi lời chấp nhận[50]. Trên thực tế giải quyết tranh chấp, Tòa Phá án thường xác định hiệu lực pháp lý của lời đề nghị giao kết hợp đồng dựa vào thời hạn chấm dứt hiệu lực của lời đề nghị. Theo đó, một lời đề nghị giao kết hợp đồng có ấn định thời hạn cụ thể thì bên đưa ra lời đề nghị có nghĩa vụ “hứa phải giữ lời” đến khi hết hạn[51].
Quy định này cũng gần giống với quy định tại khoản 2 Điều 390 và khoản 2 Điều 394[52] của BLDS 2005 của Việt Nam. Nói gần giống, có nghĩa là giống ở thời hạn ràng buộc đề nghị, nhưng luật Pháp khác với luật Việt Nam về thời điểm có hiệu lực của trả lời chấp nhận khi đề nghị được thực hiện theo phương thức đề nghị gián tiếp với người vắng mặt mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần tiếp theo.
Riêng đối với hình thức giao kết hợp đồng điện tử, BLDS Pháp dành các Điều 1369-4, 1369-5 và 1369-6[53] quy định các điều kiện đặt biệt điều chỉnh cách thức thiết lập hợp đồng giữa một bên là thương nhân và khách hàng của họ. Về điểm này, luật Pháp cũng có cách giải quyết như luật Việt Nam khi xem việc đề nghị giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử là một trường hợp đặc thù của giao kết hợp đồng. Ngoài quy định chung về thời điểm nhận được đề nghị tại Điều 391 BLDS 2005, Việt Nam còn có đạo luật riêng quy định về loại giao kết hợp đồng điện tử.[54]
2.1.3. Khi trả lời chấp nhận được thể hiện bằng hành vi cụ thể
Bản chất hợp đồng là dựa trên sự tự do thỏa thuận và chính bản thân sự thỏa thuận đó đã đủ làm phát sinh hiệu lực pháp lý. Sự thỏa thuận có thể rõ ràng hoặc mặc nhiên[55].
Trên thực tế có những hợp đồng được thiết lập không thể hiện bằng văn bản hay lời nói mà có thể được thể hiện thông qua hành vi cụ thể của các bên tham gia. Cụ thể như một bệnh nhân chọn bác sĩ khám chữa bệnh cho mình, bác sĩ không trả lời bằng văn bản hay bằng lời nói mà chính việc bác sĩ bắt đầu chăm sóc cho bệnh nhân đã thể hiện sự đồng ý ràng buộc trách nhiệm của mình đối với bệnh nhân[56].
Hay trong một trường hợp khác, một khách hàng mở cửa taxi đang đậu tại điểm đón khách theo quy định[57], được xem là đã giao kết hợp đồng[58]. Bên vận chuyển đã đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng (đậu xe taxi đúng nơi quy định để nhận khách, tài xế đang ngồi sau vô lăng) và được bên nhận lời đề nghị chấp nhận (khách mở cửa xe và bước lên xe) nên hợp đồng được thiết lập. Rõ ràng ý chí của bên nhận lời đề nghị nhận lời đề nghị một cách rõ ràng và không có tính chất nước đôi.
Qua hai bản án có thể thấy Tòa án Pháp công nhận sự thể hiện bằng hành vi có giá trị giao kết hợp đồng và ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia. Tuy nhiên, việc xác định ý chí của các bên trong trường hợp đó phải xuất từ lời đề nghị của một bên mong muốn giao kết hợp đồng, lời đề nghị này được thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi cụ thể[59] và phải được sự đồng ý của bên nhận lời đề nghị thể hiện bằng hành vi[60] mong muốn ràng buộc trách nhiệm trong giao kết hợp đồng.
2.2.4. Sự im lặng
Nguyên tắc việc đồng ý giao kết hợp đồng phải được thể hiện ra bên ngoài, có nghĩa là bên nhận lời đề nghị phải thể hiện rõ ràng ý chí của mình về việc ràng buộc trách nhiệm trong giao kết hợp đồng. Hay có thể hiểu rằng, sự im lặng của một bên sẽ không được pháp luật công nhận là đồng ý giao kết hợp đồng. Vì một bên không trả lời có nghĩa là không đồng ý. Do vậy, bắt buộc trả lời đồng ý của bên nhận lời đề nghị phải thể hiện ra bên ngoài được công nhận ngay trong bản án ngày 25/5/1870[61].
Tuy nhiên, luật Pháp cũng có những ngoại lệ khi công nhận sự im lặng cũng có nghĩa là đồng ý giao kết hợp đồng. Cụ thể tại Điều 1738 BLDS Pháp: “hợp đồng thuê nhà ở sẽ được tiếp tục ngay cả trường hợp hợp đồng thuê nhà đã hết hạn, bên thuê vẫn còn chiếm hữu chỗ thuê và bên cho thuê không có bất cứ ý kiến gì về việc tiếp tục chiếm hữu chỗ thuê”. Hay tại khoản 2, Điều L.112-2, Bộ luật Bảo hiểm có quy định, “trong trường hợp công ty bảo hiểm im lặng trong thời hạn 10 ngày có nghĩa chấp nhận lời đề nghị thay đổi nội dung hợp đồng bảo hiểm”. Qua hai trường hợp trên có thể thấy sự im lặng làm cho hợp đồng được tiếp tục thực hiện theo ý chí của các bên, hay có thể hiểu sự im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng[62].
Thực tế, Toà án có quyền vận dụng ngoại lệ im lặng có nghĩa là chấp nhận giao kết hợp đồng nếu xét thấy trong tình huống có đủ dấu hiệu cho thấy sự im lặng cũng có nghĩa là ý chí các bên mong muốn thực hiện[63]. Án lệ đã ghi rõ: “Chiếu theo thông báo của tỉnh trưởng vùng Ile-de-France chứng nhận cho ông X, người đã có giấy phép xây dựng đối với một phần đất thuộc sở hữu, kèm theo văn bản yêu cầu phải thực hiện công việc khai quật khảo cổ trước khi bắt đầu xây dựng ; ông X chấp nhận bản dự toán khảo cổ của Hội khảo cổ quốc gia (AFAN), bên AFAN thông báo với ông X rằng, việc thực hiện khảo cổ phải được thực hiện và rằng phần phía sau của dịên tích đất cần phải được khảo sát nghiên cứu chuyên sâu hơn, bên cạnh đó phải thực hiện cuộc khảo nghiệm quy mô nhỏ cấp thiết bảo vệ phải được thực hiện trước; với thông báo này, cơ quan quản lý tỉnh Ile-de-France ban hành văn bản mới yêu cầu phía AFAN phải cấp thiết thực hiện việc khảo sát từ ngày 14/4/1998 đến ngày 17/4/1998; phía ông X từ chối thanh toán chi phí theo công việc do không được đưa vào bản dự toán do phía AFAN gửi, đây là văn bản làm bằng chứng cho việc thanh toán các chi phí.
Chiếu theo đơn kiện của ông X (Toà Versailles, ngày 01/3/2000); nhận đơn và đưa nhận định như sau: 1/ Sự im lặng không phải là thể hiện chấp nhận vì khi ông X nhận được bản dự toán thứ hai và chưa gửi thư trả lời chấp nhận hoặc từ chối; Tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng Điều 1101 và 1108 của Bộ luật dân sự trong việc xác định rằng chủ sở hữu diện tích đất trên đã chấp nhận toàn bộ nội dung bản dự toán thứ hai; 2/ Tiếp theo, tòa sơ thẩm vi phạm Điều 1315 Bộ luật dân sự khi xác định rằng bên có quyền được quyền yêu cầu thực thi hợp đồng mà lẽ ra cần phải có sự đồng ý của bên nhận được lời đề nghị chấp nhận ; rằng phía ông X khi nhận được bản dự toán thứ hai không khẳng định, cũng không trả lời chấp nhận nên có thể xem đây là sự gián đoạn nội dung hợp đồng với phía AFAN”.
Có thể thấy rằng, không chỉ đơn thuần coi việc một bên im lặng là sự trả lời đồng ý, mà cần phải xét thêm hoàn cảnh điều kiện để đủ xác định rằng việc im lặng phải là sự đồng thuận ; cụ thể dựa trên quy định của cơ quan nhà nước về giấy phép xây dựng được cấp cho ông X…về việc không xâm phạm đến kiến trúc khảo cổ chung khi thực hiện việc xây dựng trên thửa đất được cấp phép; dựa vào quyết định của tỉnh Ile-de-France về trường hợp xây dựng này, cần thiết phải thực hiện cuộc khảo cổ nhỏ trước khi tiến hành, quy chế này được ban hành dựa trên sự thoả thuận chuyên môn giữa Chính phủ và AFAN và theo đó tất nhiên ông X phải là chủ thể có liên quan đến nội dung quy chế này. Do vậy, việc ông X nhận được bản dự toán thứ hai đã đủ điều kiện xác định việc im lặng là chấp nhận tất cả các điều kiện của phía AFAN đưa ra trong bản dự toán thứ hai này.
Như vậy theo luật Pháp, sự im lặng chỉ được công nhận là đồng ý giao kết hợp đồng nếu thuộc các trường hợp: (i) trước đó các bên đã từng giao kết và thực hiện hợp đồng; hoặc (ii) đề nghị đưa ra vì lợi ích của bên nhận đề nghị (bên có nghĩa vụ).
Trong hoạt động thương mại, việc phán xét sự im lặng có phải là đồng ý giao kết hợp đồng hay không phải dựa trên tập quán thương mại[64]. Theo đó, các bên phải đã từng có quan hệ thực hiện hợp đồng, và tiếp tục thực hiện cùng một điều kiện như hợp đồng trước đó nhưng không ký thêm bất kỳ một giao kết nào mới, được gọi như là thói quen thương mại.
Ví dụ, trong trường hợp các bên đã từng có giao kết và thực hiện hợp đồng giao hàng mỗi tuần một lần, đến thời điểm nào đó các bên không cần phải ngồi lại thương lượng về các điều khoản của hợp đồng nhưng việc giao hàng và thanh toán tiền vẫn diễn ra một cách bình thường[65]. Hay trong tình huống khác, trong mỗi lần bên bán giao hàng cho bên mua đều đi kèm một hoá đơn hàng hoá với nội dung về việc miễn trách nhiệm của bên bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng. Nếu trong một khoảng thời gian dài (có thể là 03 năm trở lên), bên nhận hàng không có ý kiến gì về điều khoản này thì được xem như là im lặng đồng ý. Bên cạnh đó, Toà án cũng thừa nhận trong hoạt động kinh doanh im lặng trong một số trường hợp cũng được coi là sự đồng ý[66]. Trong giai đoạn đàm phán, điều khoản giá cả phải được hai bên thống nhất, nhất là phải được bên bán đồng ý bán với giá do bên mua đề nghị, trường hợp bên bán im lặng trong thời hạn ấn định được xem là đồng ý bán với giá nêu trên[67].
Hay trong trường hợp khác, Toà án có quyền xác định ý chí của các bên một khi lời đề nghị hoàn toàn có lợi cho người nhận; ví dụ bên có quyền (chủ nợ) đã đề nghị với bên có nghĩa vụ (con nợ) sẽ thực hiện nghĩa vụ (trả nợ) từng phần thì không thể rút lại đề nghị của mình với lý do bên có nghĩa vụ đã không chấp nhận lời đề nghị được đưa ra[68]. Cần nhắc lại trong trường hợp bên thuê được tiếp tục thuê nhà ngay cả trong trường hợp hợp đồng thuê đã hết hạn và bên cho thuê không có ý kiến gì về việc chấm dứt hợp đồng. Xét thấy sự im lặng của bên cho thuê sẽ có lợi cho bên thuê nên Toà án có quyền tuyên bố sự im lặng của bên cho thuê là sự đồng ý giao kết hợp đồng mới[69].
Trong trường hợp khác, A đưa ra lời đề nghị bán trụ sở doanh nghiệp cho B, lời đề nghị có hiệu lực trong một thời hạn nhất định. Quá thời hạn nêu trong lời đề nghị nhưng B vẫn không có câu trả lời đồng ý hay không đồng ý mua. Sau một thời gian, B chuyển tiền vào tài khoản của A, và A nhận đủ số tiền nhưng không có ý kiến. Tòa chấp nhận sự im lặng của A có nghĩa là đồng ý với việc gia hạn thời gian trả lời của B. Vì lẽ B đã nhận đủ tiền và được xem là hợp đồng đã được thiết lập, Tòa cho rằng đây được xem là sự đồng ý trực tiếp về giao kết hợp đồng[70].
Hoặc trong vụ tranh chấp về việc thanh toán số tiền vật liệu trang trí nội thất đắt tiền giữa ông F với công ty B. Ông F đã nhiều lần thanh toán tiền cho số hàng hóa đã mua. Đến một lúc, ông F phát hiện ra số tiền mình trả hàng tháng cộng dồn lại là rất cao so với tổng số tiền hàng đã mua. Tòa án Paris nhận định rằng các bên tranh chấp về giá trị hàng hóa cần thanh toán. Tuy nhiên, việc bên mua đã thanh toán nhiều lần và đã không có ý kiến phản đối về giá trị hàng hoá nên sự im lặng trong trường hợp này được xem là trực tiếp đồng ý về phương thức thanh toán[71].
Cần lưu ý rằng, các thẩm phán phải nghiên cứu kỹ xem việc im lặng có thể đi đến giao kết hợp đồng được hay không, đồng thời phải xem xét đến ý chí của bên đưa ra lời đề nghị[72].
Như vậy, trong hoạt động thương mại, Tòa án chỉ chấp nhận xem im lặng như là một cách ngầm hiểu là đồng ý[73] nếu điều này phù hợp với tập quán thương mại. Còn trong giao lưu dân sự, Toà án không chấp nhận nguyên tắc im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng, vì trong giao lưu dân sự đòi hỏi việc trả lời đồng ý phải được thể hiện rõ theo một hình thức nhất định để thấy được ý chí ràng buộc trách nhiệm của các bên tham gia[74].
Có thể thấy, luật Pháp và luật Việt Nam có cách tiếp cận tương đồng trong các quy định về thời điểm giao kết hợp đồng, đó là việc phân chia các trường hợp cụ thể dựa vào hình thức trả lời chấp nhận giao kết: lời nói, văn bản, hành vi cụ thể. Tuy vậy, quy định trong luật Pháp có vẻ đầy đủ và sát với thực tiễn hơn so với luật Việt Nam, vì ở đây có dự liệu cả các trường hợp phát sinh trong thực tiễn, như: trả lời bằng hằnh vi cụ thể hoặc khi có sự im lặng trong việc trả lời chấp nhận. Điều này không tìm thấy trong Điều 404 BLDS 2005. Để có cơ sở giải quyết tranh chấp phát sinh trong thực tế, hoàn thiện hơn nữa quy định về thời điểm giao kết hợp đồng, tác giả cho rằng cần bổ sung vào Điều 404 BLDS 2005 các trường hợp xác định thời điểm giao kết hợp đồng khi trả lời được thể hiện dưới dạng hành vi cụ thể, hoặc trường hợp các bên có thỏa thuận “im lặng” là một hình thức trả lời đồng ý. Có như vậy, quy định về thời điểm giao kết hợp đồng tại Điều 404 BLDS 2005 mới bao quát được các trường hợp phát sinh trong thực tế và có tính thực tiễn cao hơn.
3. Kết luận
Hợp đồng chỉ được xác lập xong khi các bên có sự thống nhất và đồng thuận về mặt ý chí. Sự thống nhất và đồng thuận ý chí thể hiện qua trình tự giao kết hợp đồng được dự liệu trong luật. Nhưng quá trình giao kết hợp đồng không chỉ đơn giản thể hiện qua hai giai đoạn đề nghị và chấp nhận, mà là một quá trình với diễn biến phong phú, đa dạng trong thực tiễn đời sống.
Luật Việt Nam xem trình tự giao kết hợp đồng là quá trình “bất biến” qua hai bước đề nghị và chấp nhận đề nghị, là chưa phù hợp với thực tiễn đời sống. BLDS 2005 quy định về đề nghị giao kết hợp đồng, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, và xác định thời điểm giao kết hợp đồng còn nhiều điểm chưa hợp lý. Xem xét các quy định tương đồng trong luật và trong án lệ của Pháp, chúng tôi nhận thấy có nhiều nội dung hợp lý và là kinh nghiệm quý báu để có thể tiếp thu đưa vào quy định của luật Việt Nam. Đó là các quy định về các dấu hiệu pháp lý của đề nghị, việc trả lời chấp nhận trong trường hợp đề nghị không nêu thời hạn trả lời cụ thể, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trong khi xảy ra việc trả lời bằng các hình thức khác nhau (nhất là trường hợp trả lời bằng hành vi cụ thể hoặc xem im lặng như là một cách thức trả lời chấp nhận), trách nhiệm tiền hợp đồng…
Pháp luật của Pháp và Việt Nam có nét tương đồng trong vấn đề giao kết hợp đồng. Có thể nói đây là tiền đề cho việc tiếp nhận các kinh nghiệm của Pháp để đưa vào quy định trong luật Việt Nam. Nhưng cũng không thể sử dụng hết tất cả những quan điểm của luật Pháp về giao kết hợp đồng để đưa vào pháp luật Việt Nam, bởi lẽ giữa hai hệ thống pháp luật này còn nhiều điểm khác biệt trong nhận thức và áp dụng pháp luật. Luật của Pháp tuy chưa quy định cụ thể về nhiều nội dung, nhưng quá trình áp dụng lại được hỗ trợ tích cực từ án lệ, trong khi ở Việt Nam, điều này là khó xảy ra. Điều này đòi hỏi pháp luật Việt Nam cần phải vừa quy định cụ thể các vấn đề trong luật, vừa thể hiện tính khái quát, mềm dẻo hơn để có thể được thẩm phán vận dụng có hiệu quả trong xét xử, và trong nhiều trường hợp có thể được giải thích linh hoạt hơn, ví dụ khoản 1 Điều 390 BLDS 2005 không cần quy định về dấu hiệu “nội dung chủ yếu của hợp đồng” trong lời đề nghị như hiện nay là phù hợp, nhưng chính quy định tại khoản 1 Điều 390 này lại phải bỏ cụm từ “xác định cụ thể” mà chỉ nên quy định thành “bên xác định” là đủ. Mặt khác, khái niệm thế nào là “bên xác định” có thể được giải thích rõ luôn tại điều khoản này hoặc trong văn bản hướng dẫn của ngành Tòa án (ví dụ như một Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán) để làm rõ hơn nội hàm của nó.
CHÚ THÍCH
* TS. Luật học, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
** NCS. Trường Đại học Pierre Mendès France – Grenoble – Cộng hòa Pháp.
[1] Điều 1156, BLDS Pháp quy định trong trường hợp giải thích hợp đồng, khi đó cơ quan toà án phải có nghĩa vụ xác định ý chí chung của các bên tham gia, thay vì phải giải thích từ ngữ. Xem án lệ số 299, ngày 17/7/1967, Toà Phá án, Toà Thương mại.
[2] François Terré, Philippe Simler & Yves Lequette, Les obligations, Dalloz, coll. Précis Dalloz. 2009, tr. 118.
[3] Christian Larroumet, Sđd, tr. 97.
[4] Nhưng nội dung của sự tự do thể hiện ý chí của chủ thể cũng có những hạn chế nhất định. Vì thế nội dung lời đề nghị giao kết hợp đồng được bên đưa ra đề nghị gửi đi cũng có những hạn chế. Những hạn chế này được thể hiện trong BLDS Pháp, cụ thể nội dung hợp đồng không được trái với lợi ích công cộng, Điều 6 và Điều 1133, hoặc những hợp đồng mà các bên không nhất thiết phải thoả thuận ví như hợp đồng bảo hiểm. Hay tại Điều L.5421-6, 5421-7, của Luật Vận chuyển có quy bắt buộc thời hạn chịu trách nhiệm của bên vận chuyển đối với bên được vận chuyển là 2 năm. Vì thế, pháp luật vận chuyển của Pháp quy định cấm việc loại bỏ bỏ điều khoản bắt buộc chịu trách nhiệm của bên vận chuyển, theo đó các điều khoản trách nhiệm của bên vận chuyển không phải là điều khoản để các bên có thể tùy nghi thoả thuận loại bỏ trách nhiệm.
[5] Bản án số 83-16875, ngày 12 tháng 3 năm 1985, Toà dân sự phúc thẩm, Bull. 1985 I N. 89 p. 82.
[6] Có thể thấy, hợp đồng mua bán có những điều khoản cơ bản để thoả thuận hoàn toàn khác với các loại hợp đồng khác. Các điều kiện này được khẳng định qua các bản án của Tòa Phá án: ngày 09/5/1961, Bull, Civ, III, số 197; ngày 26/02/1975, kháng cáo số 73-11729, Bull. civ. III số 83; ngày 03/01/1979, 3e civ. kháng cáo số 77-13075, Bull. civ. III no 4 .
[7] Các bản án của Tòa phá án : ngày 09 tháng 6 năm 1980, kháng cáo số 78-15098, Bull. civ. IV no 251 ; ngày 23 tháng 02 năm 1983, kháng cáo số 81-15947, Bull. civ. IV no 85 ; ngày 22 tháng 03 năm 1977, 3e civ., kháng cáo số 75-14057, Bull. civ. III no 144 .
[8] Tòa phá án, ngày 16 tháng 04 năm 1991, kháng cáo số 89-20697, Bull. civ. IV no 148.
[9] Điều 401 BLDS 1995.
[10] Điều 396 BLDS 1995: “Khi một bên đề nghị bên kia giao kết hợp đồng có nêu rõ nội dung chủ yếu của hợp đồng và thời hạn trả lời, thì không được mời người thứ ba giao kết trong thời hạn chờ trả lời và phải chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình”.
[11] Khoản 1 Điều 390 BLDS 2005.
[12] Cass, 23 sept. 1969, Pas., 1970, I, p. 73.
[13] Le pollicitation, theo luật La Mã có nghĩa là người hứa sẽ làm một việc nếu như bên còn lại chấp nhận. Hay được hiểu là lời đề nghị giao kết hợp đồng, là sự thể hiện ý chí (rõ ràng hoặc ngầm định) của một người đối với một hoặc nhiều người khác khi người này đề nghị những người đó ký kết một hợp đồng với những điều kiện nhất định. Xem Từ điển thuật ngữ Pháp lý Pháp – Việt, tr. 599 và 659. Nxb Từ điển bách khoa.
[14] Christian Larroumet, Sđd, tr. 219.
[15] Christian Larroumet, Sđd, tr. 220
[16] Cour de Cassation civile, 3e chambre, 20 mai 1992, Bull, civ, III, n0 164, D.1992, soc. Com.p.397. Trong án lệ này, thẩm phán đưa ra quán quyết lời đề nghị giao kết hợp đồng hết hiệu lực nên hợp đồng chưa thiết lập và không phát sinh trách nhiệm pháp lý của bên đưa ra lời đề nghị. Lý do: bên nhận lời đề nghị trả lời chấp nhận các điều kiện giao kết tuy là trong thời hạn hợp lý nhưng việc bên bán phải bán tài sản trong thời hạn ngắn hơn so với thời hạn bên mua trả lời chấp nhận. (J.C.P. éd. 1994. Virassamy, tr. 197. Rev. trim. Dr. Civ. 1993.345.)
[17] Ví dụ, A đưa ra lời cam kết bán căn nhà của mình và B đồng ý mua. Điều này có nghĩa là đã có sự đồng thuận của cả hai bên, vì thế có giá trị pháp lý ràng buộc trách nhiệm các bên như một hợp đồng. Ngược lại, một cá nhân đưa ra lời đề nghị bán căn nhà, lời đề nghị này không thể trở ràng buộc trách nhiệm nếu chưa được bên nhận đề nghị chấp nhận, vì thế cũng chưa trở thành lời cam kết bán nên không thể bắt buộc họ phải bán.
[18] Christian Larroumet, Sđd, tr. 222
[19] Chambre de Commerce, la Cour de Cassation du 2 avril 1987, D.1987.IR.122, J.C.P 1987.IV.224.
[20] François Terré, Philippe Simler, Yves Lequette, Sđd, tr. 119.
[21] Cần lưu ý rằng BLDS 1804 không có quy định hợp đồng phải tuân thủ theo những hình thức nhất định như BLDS các quốc gia khác.
[22] Lời đề nghị giao kết hợp đồng luôn bị chi phối bởi nguyên tắc tự do thể hiện ý chí. Một hợp đồng chỉ được thiết lập khi nó xuất phát từ ý chí muốn ràng buộc trách nhiệm của các bên. Theo đó, các bên có quyền quyết định việc xác lập hoặc từ chối xác lập quan hệ hợp đồng.
[23] Ví dụ, A rao bán chiếc đồng hồ Rolex, có số serie là NX8323, giá 1000 euro. Lời rao bán chiếc đồng hồ này được xác định là một lời hứa bán và phải bán khi có một người nào đó đồng ý mua với giá 1000 euro.
[24] CCass, 3ème Ch Civile, 28 Novembre 1968.
[25] Về nội dung thời hiệu của lời đề nghị thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc tự do ý chí, đồng thời thể hiện sự bình đẳng của bên đưa ra lời đề nghị đối với bên nhận lời đề nghị. Bởi lẽ, pháp luật không can thiệp việc giao kết hợp đồng của các bên và càng bên lại càng không thể ép buộc bên còn lại phải giao kết hợp đồng với mình.
[26] Tuy nhiên nếu bên đưa ra lời đề nghị vẫn chấp nhận trả lời của bên nhận thì các bên vẫn có thể tiến đến giao kết hợp đồng.
[27] Theo khoản 2 Điều 390: “Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh”.
[28] Dựa trên nguyên tắc tự do rút lại lời đề nghị theo phán quyết của Tòa phá án ngày 3 tháng 2 năm 1919.
[29] Phán quyết ngày 10 tháng 5 năm 1972. Hoặc trong phán quyết ngày 25 tháng 5 năm 2005, một bên đưa ra lời đề nghị bán tài sản, trong đó thời hạn trả lời thể hiện như sau : “Mong sớm nhận được trả lời chấp nhận”. Một tháng sau có một người trả lời chấp nhận mua, nhưng người đưa ra lời đề nghị không đồng ý bán và cho rằng thời hạn trả lời chấp nhận quá trễ. Bên nhận đề nghị kiện ra Tòa. Tại phiên xử sơ thẩm, Tòa án cho rằng, một tháng không phải là quá trễ nên buộc bên bán phải có nghĩa vụ thực kiện cam kết bán. Bên bán sau đó kháng cáo lên Tòa phá án và bị bác bỏ kháng cáo. Toà đưa ra lý do vì cấp sơ thẩm tuyên án đúng bởi vì thời hạn nêu trong đề nghị không được đề cập đến, có thể hiểu là thời hạn hợp lý.
[30] Đối với lời đề nghị không có thời hạn chấm dứt, một số án lệ chỉ thừa nhận việc rút lại nội dung đề nghị trong khoảng “thời gian hợp lý”. Lời đề nghị không ấn định thời hạn được án lệ quy định riêng trong lĩnh vực thương mại, được hiểu là khoảng thời gian rất ngắn (cũng có thể ngầm có giá trị trở lại), lời đề nghị này có thể không có giá trị ràng buộc nếu được phát tán ra công chúng, cũng như dễ dàng thu lại nội dung nếu như không có lời chấp nhận.
[31] Xem ví dụ bán chiếc đồng hồ chú thích 23 trong bài.
[32] Gérard Cornu & Association Henri Capitant, Vocabulaire juridique, tr. 8; hoặc cũng có thể xem Từ điển thuật ngữ pháp lý Pháp – Việt.
[33] Jean-Luc AUBERT, Notion et Roles de l’offre et de l’acceptation dans la formation du contrat, Librairie Générale de Droit et de Jurisprudence, 1970, tr. 280.
[34] Civ. 1ère. 12 mars 1985, Bull.civ.1.n0 89, Rep, not. 1986.385, obs.Aubert; Civ 3e, 20 juin 1989, D.1989.IR.202
[35] Civ. Cass, 3 février 1919, D. 1923, I, 26.
[36] Điều 396 BLDS 2005: “Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị”.
[37] Civ, 1er 28 février 1989, D.1989.IR.94, J.C.P. 1989. IV. 159, đối với hợp đồng bảo hiểm. Xem thêm bản án Civ.1er, 2 juillet 1991, J.C.P. 1991. IV.338 ; Versailles 19 février 1993, D.1994. Somm.9, obs. Delebecque.
[38] Xem án lệ thực hiện quảng cáo (Bản án số 83-16875, ngày 12 tháng 3 năm 1985, Tòa dân sự phúc thẩm, Bull. 1985 I N. 89 p. 82)
[39] Xem án lệ về việc mua bán căn nhà sau khi phải hoàn thành thủ tục công chứng (Án lệ của Tòa phúc thẩm Cass. Civ. 3e, 14 janvier 1987, pourvoi n°85-16306)
[40] Điều 404 chỉ quy định về thời điểm giao kết hợp đồng bằng những hình thức như: văn bản, lời nói, hành vi cụ thể, nhưng không đề cập đến trường hợp giao kết trong đàm phán hợp đồng, hoặc giao kết tại tổ chức hành nghề công chứng.
[41] Việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng có thể xuất phát từ người nhận lời đề nghị hoặc từ người đưa ra lời đề nghị, bởi lẽ, trong trường hợp thứ hai nếu sau khi nhận được lời đề nghị giao kết hợp đồng, bên nhận lời thứ nhất có quyền đưa ra lời đề nghị chỉnh sửa các nội dung hoặc bổ sung những nội dung mới. Như vậy người đề nghị lúc ban đầu trở thành người nhận lời đề nghị mới. Cho dù xuất hiện cả hai trường hợp như trên nhưng để được thừa nhận là hợp đồng đã giao kết thì cần phải xác định được ý chí của các bên tham gia đã hoàn toàn thống nhất về các nội dung mà họ đã thoả thuận.
[42] Toà phá án, 1er , ngày 19 tháng 11 năm 1985, Bull, Civ.1 số 305, D.1987. Hay bản án ngày 27 tháng 11 năm 1990, R.J.D.A. 1991. số 14. 1991.315.
[43] Các án lệ như trên.
[44] Jean – Luc AUBERT, Sđd, tr. 280.
[45] Jean – Luc AUBERT, Sđd, tr. 35.
[46] Các án lệ Civ. 3e, 2 mai 1978, D.1979.317, note Schmidt, J.C.P. 1980.II. 19465, note FieschiVivet; Civ……..231.
[47] Điều 1675 BLDS Pháp: thời điểm giao kết là “thời điểm thực hiện cam kết” . Xem cụ thể: Sđd, tr. 884.
[48] Ngày 23/3/1994, ông X có hứa bán cho công ty Ocodim một thửa đất có thể được phép xây dựng với giá là 31 961,70 euros, các bên thống nhất sẽ hoàn tất thủ tục mua bán sau khi thửa đất trên được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng. Đến năm 2006, diện tích đất trên được cho phép xây dựng và giá trị được xác định theo giá thị trường 3.913.560 euros, công ty Ocodim yêu cầu ông X thực hiện lời hứa năm 1994. Phía ông X không chấp nhận thực hiện lời hứa. Bên công ty Ocodim khởi kiện, ngày 09/11/2009, Toà Rennes tuyên bố thoả thuận giữa hai bên có giá trị pháp lý mặc dù có thoả thuận treo về điều kiện thực hiện hợp đồng, đối tượng và giá cả vào ngày thực hiện hợp đồng khác biệt so với ngày ký thoả thuận. Lý do bản án ghi nhận là các bên đã thống nhất về đối tượng mua bán và giá cả mua bán. Ông X kháng cáo. Tại phiên xét xử ngày 30/3/2011, Toà phá án tuyên bác đơn kháng cáo của ông X, chấp nhận kết quả xét xử của Toà Rennes.
[49] Xem bản án của Toà Thương mại, Toà Phá án ngày 07/01/1981. Bulletin des arrêts Cour de Cassation Chambre commerciale số 14. Kháng cáo số 79-13499.
[50] Xem bản án của Toà thương mại, Toà phá án ngày 07/01/1981, Tlđd trong chú thích ở trên.
[51] Bản án số 2008.I.179, số 1 et Suiv, Toà Phá án, Civ, ngày 07/5/2008. Kháng cáo số 07-11.690. Ngày 24/6/2000, bà X ký thoả thuận với nhân viên công ty môi giới bất động sản về việc hứa mua một căn hộ với những điều kiện nhất định. Hai bên còn thoả thuận thời hạn có hiệu lực của lời hứa cuối cùng vào ngày 27/6/2000. Bên hứa mua phải ký quỹ một số tiền nhất định. Đến ngày 26 tháng 06 năm 2000 bà X có thư gửi công ty bất động sản thông báo không tiếp tục mua căn hộ. Ngày 27 tháng 06 năm 2000 công ty môi giới bất động sản thông báo là đã có sự đồng ý của phía bán là Y. Cấp sơ thẩm cho phép bên đưa ra lời hứa mua được quyền rút lại đề nghị trước hạn vì chưa có sự đồng ý của bên bán. Ngược lại, Toà phá án dựa trên tinh thần Điều 1134 BLDS phán quyết việc rút lại lời hứa mua của bên đưa ra lời đề nghị là vô hiệu, vì lẽ, lời đề nghị mua hoặc bán chỉ được rút lại khi bên kia chưa trả lời chấp nhận, tuy nhiên bên đưa ra lời đề nghị không có quyền rút lại lời hứa trong thời hạn nhất định, nhất là việc ấn định thời hạn hết hiệu lực của lời hứa. Do vậy, trong trường hợp này bà X phải giữ lời hứa đến hết ngày 27/6/2000.
[52] Khoản 2 Điều 390 đã dẫn; khoản 2 Điều 394 BLDS 2005: đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt hiệu lực kể từ khi “hết thời hạn trả lời chấp nhận”.
[53] Điều 1369-4, 1369-5, 1369-6 BLDS Pháp. Nội dung cụ thể: Xem bảng dịch tiếng Việt BLDS Pháp do Nxb. Tư pháp, Hà Nội, năm 2005 ấn hành, tại các tr. 769 – 771.
[54] Xem các Điều 33 – Điều 38 Luật Giao dịch điện tử 2005.
[55] Từ điển thuật ngữ pháp lý Pháp – Việt, tr. 172,173.
[56] Arrêt Mercier Civ 26 mai 1936
[57] Ở Pháp có quy định các điểm đón khách dành cho phương tiện vận chuyển là taxi trong thành phố và các nhà ga. Để đón được taxi khách hàng vẫn có thể đến ngay chỗ để bảng taxi thì lập tức sẽ có taxi đến đón, hoặc lựa chọn phương thức điện thoại đến tổng đài hoặc có thể đón địa điểm thuận lợi.
[58] Cass, civ, 1re, 2 décembre 1969. 381. Bà X bị tai nạn ngay khi vừa bước lên xe taxi của hãng Autoplaces, lý do xe bị trượt dốc có nguyên nhân từ tài xế không giữ chặt thắng tay. Ngày 07/3/1968 các bên đưa vụ việc ra Tòa sơ thẩm, Tòa Paris giải quyết. Tòa nhận định rằng hợp đồng đã được thiết lập nên hãng Taxi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Lý do Tòa sơ thẩm đưa ra phán quyết vì lúc đó xe taxi đậu đúng nơi quy định đón nhận khách, tài xế đang ngồi sau vô lăng sẳn sàng thực hiện công việc, khách hàng thể hiện ý chí sử dụng dịch vụ của hãng bằng việc mở cửa lên xe và không có thể hiện ý kiến nào khác. Hãng không chấp nhận phán quyết của Tòa sơ thẩm nên kháng cáo lên Toà phá án. Ngày 02/12/1969, Toà phá án tuyên bố bác đơn kháng cáo và y án sơ thẩm cùng lý do đã đề cập.
[59] Ví dụ như xe taxi phục vụ khách phải đậu ở những nơi quy định và sẳn sàng đón nhận khách.
[60] Bên nhận lời đề nghị chỉ việc thể hiện hành vi chấp nhận một cách đơn giản không phản đối những điều kiện bên đưa ra lời đề nghị đặt ra. Ví dụ như, khách hàng không thể mở cửa lên xe và yêu cầu tài xế không được vận hành xe.
[61] Phán quyết ngày 25/5/1870: Một công ty chứng khoán gửi thư đề nghị việc mua chứng khoán đến một khách hàng. Nội dung thư đề nghị có ghi rõ thời hạn trả lời, nếu quá thời hạn đó thì công ty được quyền yêu cầu ngân hàng chuyển tiền việc mua bán chứng khoán dưới tên của khách hàng. Sau đó, khách hàng không có thư trả lời đồng ý hay không đồng ý. Cuối cùng công ty yêu cầu ngân hàng thực hiện giao dịch trên tài khoản của khách hàng và có phát sinh các vấn đề việc trả lãi trong khi khi chưa có sự đồng ý từ phía khách hàng. Chủ tài khoản không chấp nhận thanh toán bất cứ khoản phát sinh nào cả. Phía ngân hàng và công ty chứng khoán cho rằng khách không trả lời có nghĩa là đã đồng ý nên phải có trách nhiệm. Tòa sơ thẩm tuyên là việc chủ tài khoản không trả lời có nghĩa là đã đồng ý để công ty và ngân hàng thay mặt thực hiện các giao dịch. Ngược lại, Tòa phá án phiên xử ngày 25/5//1870 cho rằng việc khách hàng im lặng không có nghĩa là đồng ý nên trong trường hợp này khách hàng không có nghĩa vụ gì với phía ngân hàng về các khoản nợ phát sinh.
[62] Sự im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng chỉ được áp dụng trong một số trường hợp nhất định.
[63] JCP 2005, éd. G, I, 194.
[64] Trong bản án của Toà phá án, ngày 21/5/1951, Bull. Civ.1951, II, N0 168, trang 128. Vụ tranh chấp giữa công ty FORD và công ty Fenwick về điều khoản cách tính giá thiết bị cung cấp cho công ty Ford. Đơn đặt hàng của công ty Ford gửi cho công ty Fenwick có đề nghị một số cách tính giá thanh toán cho đơn đặt hàng. Tuy nhiên, công ty Fenwick có đưa ra một cách tính khác dùng cho đơn hàng nêu trên. Khi nhận được thư chấp nhận của bên Fenwick có nội dung cách tính giá thanh toán khác, bên Ford không có ý kiến gì. Bên bán giao hàng cho bên mua. Trong vụ tranh chấp này, Tòa án nhận định rằng, căn cứ theo các tập quán thương mại khi các bên đang thương lượng nội dung hợp đồng và căn cứ vào thư gửi cho bên Ford để biết được nội dung cụ thể của hợp đồng, theo đó bên công ty Ford có quyền đề xuất sửa đổi nội dung do bên Fenwick đưa ra, trong tình huống này bên nhận không đưa ra ý kiến phản đối nào khác có nghĩa là về mặt nội dung họ đã ngầm đồng ý với cách tính trong nội dung bản dự thảo.
[65] Ch commerciale, 23 , Novembre 1999.
[66] Trong vụ này ông Y chủ diện tích đất xây dựng bán cho ông X, chủ doanh nghiệp, một phần diện tích đất. Nội dung hợp đồng mua bán nhằm xây dựng hai căn nhà theo sơ đồ bản vẽ của kiến trúc sư, theo đó kiến trúc sư sẽ liên hệ với bên bán. Tuy nhiên, bên bán lại từ chối việc liên hệ với kiến trúc sư và bên mua buộc phải hủy hợp đồng mua bán. Bên cạnh đó, bên mua lại buộc bên bán phải thực hiện hợp đồng mua bán.
Tòa sơ thẩm Toulouse, ngày 20/3/1985 bác đơn của ông X, bên mua. Lý do: sự thoả thuận trên không được thừa nhận là hợp đồng mua bán vì thiếu điều khoản về giá cả, văn bản thể hiện nội dung trên không được xem là hợp đồng mua bán, có thể xem là hợp đồng hợp tác hoặc điều kiện thanh toán.
[67] Civ, 1er , ngày 12/ 01/1988, D.1988, IR.38, J.C.P. 1988.IV.108, Bull, civ, 1, số 8.
[68] Riom, ngày 12/12/1883, D.1885, 2, 101: Ông D người nhận di sản có giá trị 8000 franc từ ông B. Ông D đề nghị ông B chuyển số tiền đó hằng năm vào tài khoản của vợ mình là 1.500 franc. Vợ của D đã đồng ý. Sau đó, D rút lại lời đề nghị. Toà Riom bác yêu cầu rút lại đề nghị của bên đưa ra vì lý do lời đề nghị đã được chấp nhận và bên đưa ra không có quyền rút lại. Lời chấp nhận gián tiếp được thể hiện rõ trong trường hợp này vì việc thiết lập các quan hệ pháp luật ngoài hợp đồng đều có giá trị hình thành quan hệ pháp luật hợp đồng.
[69] Toà phá án, số 1, ngày 24 tháng 05 năm 2005. J.C.P 2005. I. 194.
[70] Tribuanl Grande Instance de la Seine, ngày 6 tháng 3 năm 1964. D.1964. Sommaire 114.
[71] Toà Paris, ngày 16 tháng 12 năm 1909. D.1910, 2, 141.
[72] Jean – Luc AUBERT, Sđd, tr. 300.
[73] Việc công nhận im lặng là đồng ý giao kết hợp đồng trong hoạt động thương mại chỉ trong những trường hợp nhất định.
[74] Tribunal civil Siene, ngày 31 tháng 01 năm 1936, D.1937,2, 40./.
- Tác giả: TS. Lê Minh Hùng* – ThS. Trần Lê Đăng Phương**
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 02/2013 – 2013, Trang 54-67
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời