Mục lục
Về đơn kháng cáo phúc thẩm trong tố tụng dân sự
Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại – ThS. Phan Nguyễn Bảo Ngọc
TÓM TẮT
Đương sự được quyền kháng cáo và khi kháng cáo thì phải tuân thủ các quy định về kháng cáo. Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 không yêu cầu đơn kháng cáo có tiêu đề là “Đơn kháng cáo” nhưng Mẫu đơn kháng cáo kèm theo Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lại có tiêu đề là “Đơn kháng cáo”. Bài bình luận sẽ làm rõ tầm quan trọng của tiêu đề “Đơn kháng cáo” cũng như giá trị pháp lý của Mẫu đơn kèm theo Nghị quyết hướng dẫn.
Xem thêm bài viết về “Kháng cáo”
- Bàn về một số vướng mắc trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự về quyền kháng cáo – PGS.TS. Lê Thị Thùy Dương
Quyết định số 20/2013/KDTM-GĐT ngày 09/7/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
XÉT THẤY:
Ngày 14/12/2010, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử và ra Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 104/KDTM-ST buộc Caseamex phải trả lại cho bà Ling Xue Zeng 3.839.024.120 đồng. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn có quyết định về án phí; về trách nhiệm thi hành án; về quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 27/12/2010, Caseamex có văn bản gửi Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ; trong đó nội dung: “kiến nghị TPT. TANDTC tại TP HCM hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Cần Thơ đã tuyên vào ngày 14/12/2010 và xem xét lại toàn bộ sự việc thấu tình đạt lý, bên cạnh đó chúng tôi sẽ bổ sung những chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án nêu trên”.
Văn bản nêu trên của Caseamex (được làm trong thời hạn luật định) tuy không có tiêu đề là Đơn kháng cáo nhưng nội dung văn bản là đề nghị xem xét hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ.
Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành các thủ tục tố tụng về việc kháng cáo và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm đúng quy định của pháp luật.
Tòa án cấp phúc thẩm xác nhận văn bản nêu trên của Caseamex không phải là đơn kháng cáo và ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án đối với Bản kiến nghị ngày 27/12/2010 của Caseamex là không đúng pháp luật. Vì vậy cần hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại nói trên và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ vào khoản 3 điều 291; khoản 3 điều 297; khoản 3 điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011),
QUYẾT ĐỊNH:
Hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại số 35/2011/QĐ-PT ngày 24/3/2011 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
BÌNH LUẬN
1. Dẫn nhập
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị (khoản 1 Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 (sau đây gọi chung là BLTTDS) . Đối với đương sự, kháng cáo phúc thẩm là một quyền và quyền này được ghi nhận một cách minh thị tại Điều 243 BLTTDS theo đó “đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”.
Kháng cáo phúc thẩm là một quyền[1] trong hoạt động tố tụng của đương sự. Thông qua cơ chế này, người kháng cáo “bày tỏ quan điểm, thái độ không đồng ý với kết quả xét xử của Tòa án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại vụ án”[2] còn việc chấp nhận yêu cầu kháng cáo của đương sự đến đâu lại là một vấn đề khác và chỉ được quyết định sau khi xem xét phúc thẩm[3]. Vì là một quyền pháp lý nên đương sự có thể thực hiện hoặc không thực hiện nhưng khi đương sự thực hiện thì việc thực hiện bị ràng buộc bởi nhiều quy định tố tụng như người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí (khoản 1 Điều 130 BLTTDS). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào một loại yêu cầu đối với kháng cáo phúc thẩm và đó là yêu cầu đối với “đơn kháng cáo” được BLTTDS xác định là một “văn bản tố tụng” (Điều 147). Hiện nay, trong Mẫu đơn kháng cáo có trong Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chúng ta thấy đơn kháng cáo nêu tiêu đề “Đơn kháng cáo” nhưng trong thực tiễn có đương sự làm đơn kháng cáo lại không có tiêu đề như vừa nêu và vụ việc được bình luận là một ví dụ điển hình.
Thông qua việc bình luận quyết định giám đốc thẩm trên, chúng ta sẽ làm rõ hai vấn đề sau xoay quanh chủ đề đơn kháng cáo phúc thẩm trong tố tụng dân sự. Thứ nhất, Đơn kháng cáo có nhất thiết phải có tiêu đề “Đơn kháng cáo” không? Thứ hai, yêu cầu trong mẫu đơn kháng cáo có trong Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có ràng buộc đương sự không?
I. Tầm quan trọng của tiêu đề “Đơn kháng cáo”
2. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm
Người kháng cáo thực hiện quyền kháng cáo của mình bằng hình thức văn bản gọi là đơn kháng cáo. Đây là phương tiện để truyền tải những nội dung, ý kiến của đương sự đối với bản án/quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm mà họ chưa thống nhất hoặc không đồng ý[4]. Trong đơn kháng cáo, đương sự có nhất thiết phải nêu tiêu đề là “Đơn kháng cáo” không?
Trong vụ án được nghiên cứu, ngày 14/12/2010, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử và ra Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 104/KDTM-ST buộc Caseamex phải trả cho bà Ling Xue Zeng (chủ doanh nghiệp Oakland Ninja) 3.839.024.120 đồng. Ngày 27/12/2010, Caseamex gửi Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Tp. Hồ Chí Minh và Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ một Văn bản có nội dung “v/v: Kiến nghị TPT. TANDTC tại TP HCM hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Cần Thơ đã tuyên vào ngày 14/12/2010 và xem xét lại toàn bộ sự việc thấu tình đạt lý, bên cạnh đó chúng tôi sẽ bổ sung những chứng cứ tài liệu liên quan đến vụ án nêu trên”. Ở đây, văn bản của Caseamex không có tiêu đề là “Đơn kháng cáo” nên đã dẫn tới phản ứng khác nhau của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm.
Cụ thể, Tòa án cấp sơ thẩm (TAND TP Cần Thơ) đã tiến hành các thủ tục tố tụng về kháng cáo và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm. Điều đó có nghĩa là Tòa án cấp sơ thẩm coi văn bản của Caseamex là một Đơn kháng cáo và xử lý như một Đơn kháng cáo. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm TANDTC lại ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại số 35/2011/QĐ-PT với lý do: Bản kiến nghị đề ngày 27/12/2010 của Caseamex không phải là đơn kháng cáo, việc Tòa án cấp sơ thẩm thông báo cho đương sự nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là không đúng và cần hoàn trả lại cho Caseamex. Như vậy Tòa Sơ thẩm và Tòa Phúc thẩm đã có cách hiểu khác nhau về vấn đề kháng cáo của Caseamex xuất phát từ việc Văn bản của Caseamex không có tiêu đề là “Đơn kháng cáo”.
3. Hướng của Tòa Giám đốc thẩm
Sau khi có quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, Caseamex có đơn yêu cầu xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định đình chỉ.
Theo Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, “Văn bản nêu trên của Caseamex (được làm trong thời hạn luật định) tuy không có tiêu đề là Đơn kháng cáo nhưng nội dung văn bản là đề nghị xem xét hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Cần Thơ. Tòa án sơ thẩm đã tiến hành các thủ tục tố tụng về việc kháng cáo và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm là đúng quy định pháp luật. Tòa án cấp phúc thẩm xác định văn bản nêu trên của Caseamex không phải là đơn kháng cáo và ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án đối với Bản kiến nghị ngày 27/12/2010 của Caseamex là không đúng pháp luật”. Như vậy, Tòa Giám đốc thẩm khẳng định Văn bản của Caseamex là một Đơn kháng cáo hợp lệ và cần phải xử lý như một Đơn kháng cáo cho dù văn bản này “không có tiêu đề là Đơn kháng cáo” khi “nội dung văn bản là đề nghị xem xét hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Cần Thơ”. Việc khẳng định văn bản không có tiêu đề “Đơn kháng cáo” vẫn là Đơn kháng cáo của Tòa giám đốc thẩm còn được thể hiện ở xử lý hệ quả của việc hủy quyết định đình chỉ của Tòa phúc thẩm.
Cụ thể, Tòa Phúc thẩm cho rằng văn bản nêu trên không là Đơn kháng cáo nên đã đình chỉ xét xử phúc thẩm và kháng nghị của Viện kiểm sát theo hướng “hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm” và “giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật”. Với hướng này, có thể Tòa sơ thẩm sẽ buộc Caseamex làm lại đơn theo mẫu với tiêu đề là “Đơn kháng cáo”. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm phán đã theo hướng khác: Hội đồng thẩm phán “hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại nói trên” và “giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”. Ở đây, Caseamex không phải làm lại đơn và Tòa Phúc thẩm phải xét xử phúc thẩm. Điều đó có nghĩa là Văn bản của Caseamex đã đủ là một Đơn kháng cáo cho dù không có tiêu đề là “Đơn kháng cáo” nên Tòa Phúc thẩm phải xử lý như đã có Đơn kháng cáo hợp lệ.
4. Nhận xét
Nếu dựa vào mẫu Đơn kháng cáo kèm theo Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS (được nhắc lại trong Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS[5]), chúng ta thấy hướng của Tòa phúc thẩm như trên phần nào có cơ sở. Bởi lẽ, trong mẫu Đơn kháng cáo kèm theo Nghị quyết, chúng ta thấy có nội dung “Đơn kháng cáo” như tiêu đề của Đơn. Do đó, khi đối chiếu văn bản của Caseamex so với mẫu Đơn kháng cáo kèm theo Nghị quyết, Tòa phúc thẩm đã theo hướng đây không là Đơn kháng cáo vì Văn bản của Caseamex không có cụm từ “Đơn kháng cáo”.
Tuy nhiên, xét từ góc độ BLTTDS, chúng ta thấy hướng của Tòa Phúc thẩm là không thuyết phục và hướng của Tòa Giám đốc thẩm là có căn cứ. Bởi lẽ, khoản 1 Điều 244 BLTTDS quy định “Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây: a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; b) Tên, địa chỉ của người kháng cáo; c) Kháng cáo phần nào của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; d) Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo; đ) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo”. Điều luật này hoàn toàn không yêu cầu trong văn bản kháng cáo phải có nội dung, tiêu đề “Đơn kháng cáo”. Do đó, việc Tòa phúc thẩm chỉ dựa vào việc Văn bản của Caseamex không có nội dung, tiêu đề “Đơn kháng cáo” để cho rằng “Bản kiến nghị đề ngày 27/12/2010 của Caseamex không phải là đơn kháng cáo” là vượt quá yêu cầu của BLTTDS: BLTTDS không yêu cầu văn bản kháng cáo phải có tiêu đề “Đơn kháng cáo” nhưng Tòa phúc thẩm lại dựa vào việc văn bản của Caseamex không có tiêu đề “Đơn kháng cáo” đề cho rằng văn bản của Caseamex không là đơn kháng cáo.
Về phía mình, hướng của Hội đồng thẩm phán là thuyết phục bởi lẽ Hội đồng thẩm phán đã theo hướng xác định đây là đơn kháng cáo cho dù văn bản của Caseamex không có tiêu đề là “Đơn kháng cáo”. Luật đã ghi nhận cho đương sự quyền kháng cáo và Tòa án có trách nhiệm phải đảm bảo cho đương sự thực hiện. Hướng giải quyết như Tòa phúc thẩm bất lợi cho đương sự còn hướng của Tòa Giám đốc thẩm có lợi cho đương sự vì họ không bị hạn chế quyền kháng cáo do văn bản của họ thiếu cụm từ “Đơn kháng cáo”. Với những nội dung nêu trên, chúng ta hiểu rằng, theo Hội đồng thẩm phán, khi nhận được một đơn yêu cầu đối với một bản án hay quyết định của Tòa sơ thẩm, Tòa án phải dựa vào nội dung của đơn (văn bản) yêu cầu và đối chiếu nó với các yêu cầu của BLTTDS. Nếu sau khi đối chiếu với quy định của BLTTDS mà thấy văn bản yêu cầu đáp ứng các nội dung nêu tại khoản 1 Điều 244 thì Tòa án buộc phải coi đây là một Đơn kháng cáo cho dù văn bản (đơn) yêu cầu không có tiêu đề “Đơn kháng cáo”. Hướng này có cơ sở văn bản khá vững chắc là Điều 246 BLTTDS theo đó “sau khi nhận được đơn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 244 của Bộ luật này” và “trường hợp đơn kháng cáo chưa làm đúng quy định tại khoản 1 Điều 244 của Bộ luật này thì Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo sửa đổi, bổ sung”[6]. Theo quy định vừa nêu, Tòa án chỉ được yêu cầu người kháng cáo sửa đổi, bổ sung trong trường hợp đơn “chưa làm đúng quy định tại khoản 1 Điều 244 BLTTDS ”trong khi đó khoản 1 Điều 244 hoàn toàn không yêu cầu đơn kháng cáo phải có tiêu đề là “Đơn kháng cáo”. Vì thế, Tòa án không thể từ chối xử lý một đơn yêu cầu chỉ vì đơn này không có cụm từ “Đơn kháng cáo”. Nói cách khác, hướng của Tòa Giám đốc thẩm là thuyết phục và có cơ sở văn bản pháp luật. Nhưng cũng vì theo hướng như vậy mà Quyết định được bình luận còn cho chúng ta cơ hội làm rõ hơn giá trị pháp lý của các mẫu trong văn bản hướng dẫn như Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Trước khi chuyển sang phần mới, chúng tôi xin đối chiếu với hệ thống pháp luật nước ngoài về kháng cáo mà cụ thể là với hệ thống pháp luật Pháp. Cụ thể, Điều 901 BLTTDS Pháp yêu cầu, ngoài những nội dung được quy định bắt buộc tại Điều 58 là phải có “1) Thông tin cụ thể về người kháng cáo, cá nhân hoặc pháp nhân; 2)Tên, họ tên, nơi cư trú của người bị kháng cáo; nếu là pháp nhân thì yêu cầu về tên và trụ sở của pháp nhân; 3)Đối tượng được yêu cầu”, đơn kháng cáo phải “chỉ định việc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng (từ nay gọi là luật sư) của người kháng cáo, trích dẫn quyết định bị kháng cáo và chỉ định tòa phúc thẩm tiếp nhận đơn kháng cáo”[7]. Đó là những nội dung bắt buộc phải có để đơn kháng cáo có giá trị. Ngoài ra, đơn kháng cáo có những nội dung khác không bắt buộc khác như ghi rõ bản án sơ thẩm bị kháng cáo về những khoản nào và tên của luật sư trợ giúp bên kháng cáo trước Tòa phúc thẩm[8]; đơn kháng cáo được ký bởi luật sư và có bản sao quyết định bị kháng cáo kèm theo[9]. Như vậy, chúng ta thấy pháp luật TTDS Pháp đi theo hướng chú trọng vào nội dung ở Điều 58 và Điều 901 BLTTDS Pháp để xét xem đơn kháng cáo có được công nhận hay không và trong những yêu cầu của các điều luật này cũng không thấy yêu cầu liên quan đến tiêu đề của đơn kháng cáo[10].
II. Giá trị pháp lý của mẫu Đơn kháng cáo
5. Đặt vấn đề
Trong thực tế ở Việt Nam hiện nay thường gặp trường hợp không có sự đồng nhất giữa nội dung văn bản hướng dẫn và các mẫu kèm theo văn bản hướng dẫn: mẫu kèm theo có nhiều nội dung hơn nội dung văn bản hướng dẫn (nội dung trước phần người có thẩm quyền ký).
Chẳng hạn, Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP nêu trên không có nội dung yêu cầu đơn kháng cáo có tiêu đề với cụm từ “Đơn kháng cáo”. Tuy nhiên, trong Mẫu số 01 kèm theo Nghị quyết, .mẫu đơn kháng cáo lại gồm cả tiêu đề với cụm từ “Đơn kháng cáo”. Điều này cho thấy mẫu kèm theo Nghị quyết có nội dung không có trong nội hàm của Nghị quyết (nội dung ở trước phần người có thẩm quyền ký). Thực trạng này được duy trì trong Nghị quyết số 6/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS. Để thấy sự phổ biến của tình trạng mẫu kèm theo nội dung không được nêu trong nội hàm của Văn bản hướng dẫn (cũng như trong nội hàm của Văn bản được hướng dẫn), chúng ta xem thêm Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại. Trong mẫu số 8 kèm theo Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP về Quyết định hủy phán quyết trọng tài có nội dung “quyết định này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các bên, Hội đồng trọng tài không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị”. Nội dung được in đậm và nghiêng không có trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010[11] cũng như trong nội hàm Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP. Điều này cho thấy mẫu trong văn bản hướng dẫn có những nội dung chưa được nêu trong nội hàm văn bản hướng dẫn (trước phần người có thẩm quyền ký) cũng như Văn bản được hướng dẫn.
Văn bản hướng dẫn như Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán và văn bản được hướng dẫn như Luật, Bộ luật là văn bản quy phạm pháp luật theo Điều 2 Luật ban hành văn bản năm 2008 nên “có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội” (khoản 1 Điều 1 Luật ban hành văn bản năm 2008). Câu hỏi đặt ra là các nội dung có thêm trong Mẫu kèm theo văn bản hướng dẫn như trên có nằm trong nội hàm khái niệm văn bản quy phạm pháp luật hay không?
6. Quan điểm trái chiều
Trước vấn đề pháp lý nêu trên, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu nhưng không tìm được tài liệu nào đề cập giá trị của các nội dung nêu trong mẫu kèm theo văn bản hướng dẫn. Từ đó, chúng tôi đã tiến hành hỏi ý kiến của những chuyên gia về xây dựng văn bản và tố tụng nhưng câu trả lời lại không thống nhất.
Đa phần người được hỏi theo hướng mẫu kèm theo văn bản hướng dẫn (như Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán) có giá trị của văn bản hướng dẫn, mẫu kèm theo văn bản hướng dẫn là một bộ phận của văn bản hướng dẫn. Với hướng này, các nội dung bổ sung trong mẫu kèm theo văn bản hướng dẫn cũng “có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội” theo khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành văn bản năm 2008 nên các chủ thể liên quan phải tuân thủ. Hướng này còn được củng cố thêm khi chúng ta thấy Nghị quyết nêu trên (năm 2006 cũng như năm 2012) của Hội đồng thẩm phán quy định “để bảo đảm cho việc làm đơn kháng cáo đúng và thống nhất, Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo làm đơn kháng cáo theo đúng mẫu và ghi đầy đủ nội dung theo hướng dẫn sử dụng mẫu đơn kháng cáo được ban hành kèm theo Nghị quyết này”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nội dung nêu trong mẫu kèm theo văn bản hướng dẫn không có giá trị của văn bản quy phạm pháp luật nên không “có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội” theo khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành văn bản năm 2008 nên các chủ thể liên quan (như đương sự trong tố tụng) không phải tuân thủ.
7. Hướng của Tòa Giám đốc thẩm
Chúng ta thấy Văn bản kiến nghị của Caseamex không có tiêu đề với cụm từ là “Đơn kháng cáo” nhưng Mẫu 01 trong Nghị quyết nêu trên lại có tiêu đề với cụm từ “Đơn kháng cáo”.
Nếu chúng ta theo quan điểm thứ nhất nêu trên thì Mẫu 01 trong đó có tiêu đề với cụm từ “Đơn kháng cáo” có hiệu lực bắt buộc với đương sự vì nó có giá trị như văn bản quy phạm pháp luật. Dường như Tòa Phúc thẩm đã theo hướng này vì đã không coi Văn bản của Caseamex là đơn kháng cáo do thiếu tiêu đề với cụm từ “Đơn kháng cáo”. Tuy nhiên, Tòa giám đốc thẩm đã theo hướng khác là vẫn coi đây là đơn kháng cáo hợp lệ như đã thấy ở trên.
Như vậy, Tòa Giám đốc thẩm đã theo hướng những nội dung trong mẫu kèm theo Nghị quyết không ràng buộc các đương sự và Tòa án không thể dựa vào mẫu này để từ chối quyền kháng cáo của đương sự. Việc không coi Mẫu kèm theo Nghị quyết có giá trị ràng buộc như văn bản quy phạm pháp luật còn được củng cố thêm bằng việc, trong Quyết định của mình, Hội đồng thẩm phán không đề cập tới Mẫu 01 kèm theo Nghị quyết.
8. Nhận xét
Hướng xác định mẫu đơn kháng cáo kèm theo Nghị quyết (mà rộng hơn là các mẫu trong Văn bản hướng dẫn) không phải là văn bản quy phạm pháp luật (tức không chứa đựng các quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung và được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội) như trình bày ở trên là thuyết phục vì các lý do sau:
Thứ nhất, kinh nghiệm cho thấy khi xây dựng văn bản hướng dẫn, cơ quan chủ trì thường tham vấn các cơ quan, ban, ngành… liên quan theo quy trình nhất định[12]. Trong thực tế, ý kiến trao đổi chủ yếu chỉ tập trung vào phần “thân” của văn bản hướng dẫn (tức phần nội dung trước phần có chữ ký của người có thẩm quyền) và thường xem nhẹ các mẫu, nội dung các mẫu kèm theo. Do đó, nếu coi các mẫu kèm theo văn bản hướng dẫn là một bộ phận của văn bản hướng dẫn, có hiệu lực như văn bản quy phạm pháp luật là rất nguy hiểm cho người dân vì không được đầu tư tương xứng như đối với văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, nếu cơ quan chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn kèm theo mẫu muốn coi một nội dung nào đó như văn bản quy phạm pháp luật thì phải đưa vào thân văn bản. Việc cơ quan chủ trì chỉ đưa những nội dung chưa có trong thân văn bản vào mẫu kèm theo có thể cho phép chúng ta suy luận rằng cơ quan chủ quản không muốn nội dung này có giá trị như văn bản quy phạm pháp luật. Nói cách khác, thân văn bản quy phạm pháp luật và mẫu kèm theo không nên có cùng giá trị pháp lý.
9. Kết luận
Trước sự không thống nhất giữa mẫu kèm theo Nghị quyết và Nghị quyết theo hướng mẫu đưa ra nội dung chưa có trong thân của Nghị quyết, chúng ta đã thấy phát sinh khó khăn trong việc vận dụng.
Trước khó khăn như nêu trên, Hội đồng thẩm phán đã theo hướng không coi nội dung bổ sung trong mẫu kèm theo có giá trị như văn bản quy phạm pháp luật. Hướng giải quyết như vậy là thuyết phục do những đặc thù riêng của các mẫu kèm theo văn bản hướng dẫn. Hướng giải quyết trong vụ việc này liên quan tới mẫu kèm theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhưng, thiết nghĩ, tư duy tương tự nên được vận dụng cho các mẫu kèm theo các văn bản hướng dẫn khác.
Vụ việc trên đã phải trải qua nhiều cấp xem xét chỉ vì lý do đương sự không làm theo mẫu kèm theo Nghị quyết hướng dẫn trong tố tụng dân sự. Thực trạng này gây tốn kém cho Nhà nước (vì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét nhiều lần) cũng như cho đương sự (mất thời gian khiếu nại và đợi kết quả, tốn kém chi phí phát sinh…). Do đó, khi làm đơn kháng cáo, các đương sự nên làm theo mẫu kèm theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán để tránh những phiền toái như vừa trình bày. Về phía cơ quan tố tụng, nếu đương sự có văn bản chống lại bản án hay quyết định sơ thẩm nhưng thiếu tiêu đề với cụm từ “Đơn kháng cáo” thì cũng không vội vàng từ chối yêu cầu của đương sự như Tòa Phúc thẩm đã làm vì luật không yêu cầu đơn kháng cáo phải kèm theo tiêu đề như trên./.
Xem thêm bài viết về “Xét xử phúc thẩm”
- Một số vướng mắc khi áp dụng các quy định của pháp luật trong xét xử phúc thẩm vụ án hình sự – ThS. Dương Thị Diệu Hiền
CHÚ THÍCH
* PGS-TS, Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, Thành viên Tổ biên tập BLDS sửa đổi.
** Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Khoản 5 Điều 238 BLTTDS yêu cầu bản án sơ thẩm “trong phần quyết định phải ghi rõ các quyết định của Toà án về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về án phí và quyền kháng cáo đối với bản án”.
[2] Học viện tư pháp, Giáo trình Luật tố tụng dân sự, Nxb. Công an nhân dân, 2007, tr. 395.
[3] Tống Công Cường, Luật Tố tụng dân sự Việt Nam – Nghiên cứu so sánh, Nxb Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2007, tr. 360.
[4] Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, 2013, tr. 328.
[5] Vụ án đang bình luận được Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đưa ra xét xử ngày 14/12/2010 và ngày 27/12/2010, Caseamex có văn bản gửi Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Tp.Hồ Chí Minh và Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ nên ở đây chúng sử dụng Nghị quyết năm 2006. Tuy nhiên, vì Nghị quyết mới năm 2012 có nội dung tương tự như Nghị quyết năm 2006 về vấn đề được nghiên cứu nên những phân tích vẫn còn nguyên giá trị khi vận dụng Nghị quyết năm 2012.
[6] Về kiểm tra đơn kháng cáo, xem thêm Nguyễn Đức Mai, Bình luận khoa học BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, Nxb. CTQG 2012, tr. 451 và tiếp theo.
[7] Từ khoản 1 đến khoản 3 Điều 901 BLTTDS Pháp.
[8] Khoản 4 Điều 901 BLTTDS Pháp.
[9] Khoản 5 Điều 901 BLTTDS Pháp.
[10] Về đơn kháng cáo ở Pháp, xem Serge Guinchard, Cécile Chainais, Frédérique Ferrand, Procédure civil Droit interne et droit de l’Union européenne, Nxb. Précis-Dalloz, 2012, tr. 1256.
[11] Khoản 10 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về Tòa án xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài chỉ quy định “Quyết định của Tòa án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành”.
[12] Về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xem Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Giáo trình xây dựng văn bản pháp luật, Nxb. Hồng Đức, 2012, tr. 173 và tiếp theo.
-
- Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại – ThS. Phan Nguyễn Bảo Ngọc
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 02/2015 (87)/2015 – 2015, Trang 75-80
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời