Mục lục
Bài viết: “Vật quyền” bảo đảm: kinh nghiệm của nước ngoài cho Việt Nam
- Tác giả: Đỗ Văn Đại*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2015 (86)/2015 – 2015, Trang 57-65
TÓM TẮT
Thuật ngữ “vật quyền” đã xuất hiện trong khoa học pháp lý Việt Nam từ những năm 1960 và thuật ngữ này được dịch từ thuật ngữ “droit réel” trong pháp luật Pháp. Thuật ngữ này không được ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng tư duy vật quyền đã tồn tại ở Việt Nam như trong trường hợp cầm cố và thế chấp tài sản. Trong lần sửa đổi BLDS lần này và trên cơ sở kinh nghiệm của nước ngoài, chúng ta nên mở rộng tư duy này cho cả trường hợp khác như trường hợp bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, thuật ngữ “vật quyền” không nên được sử dụng chính thức trong BLDS vì không phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay.
ABSTRACT:
The term “right in rem” appeared in Vietnam’s legal science since 1960s and it was translated from the term “droi réel” in French Law. This term has not been provided in legal normative documents, but the concept on “right in rem” exists in Vietnam with respect to pledge and mortgage of property cases. In this amendment of the Civil Code today, based on foreign experiences, we should broaden this concept to other cases such as the reservation of ownership right in the case of contracts for the sale of goods. However, the term “right in rem” should not be formally adopted in the Civil Code, due to its unsuitability in the present day context of Vietnam.
TỪ KHÓA: Vật quyền, Luật dân sự, Tạp chí Khoa học pháp lý
1. Dẫn nhập
Trong khoa học pháp lý của các nước theo hệ thống dân luật và điển hình là pháp luật của Pháp có cụm từ rất hay được sử dụng là “droit réel”.
Thuật ngữ “droit réel” tiếng Pháp đã được Giáo sư Vũ Văn Mẫu (chịu ảnh hưởng rất nhiều của hệ thống pháp luật Pháp) chuyển tải sang tiếng Việt trong cuốn sách xuất bản năm 1963. Cụ thể, bên cạnh thuật ngữ nguyên mẫu “droit réel” bằng tiếng Pháp, giáo sư Mẫu đã dịch sang tiếng Việt đây là “quyền đối vật”[1] hay “vật quyền”[2]. Trong Bộ luật dân sự (BLDS) năm 1972 của Việt Nam Cộng hòa, “vật quyền” là thuật ngữ được sử dụng rất phổ biến[3] và, gần đây, chúng ta thấy xuất hiện một số công trình về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trong đó có nội dung liên quan đến “vật quyền”[4]. Trong Dự thảo được Bộ Tư pháp gửi tới một số đơn vị vào tháng 5/2014 để lấy ý kiến cũng xuất hiện thuật ngữ “vật quyền” liên quan đến biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Khi nghiên cứu các tài liệu ở Việt Nam liên quan đến “vật quyền” trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (mà có người gọi là “vật quyền phụ”), người đọc thấy không hiếm tác giả cho rằng Việt Nam không có “vật quyền” nhưng các tác giả này không thực sự nói rõ về khái niệm “vật quyền” trước khi kết luận rằng Việt Nam không có “vật quyền” trong lĩnh vực bảo đảm.
Trong bài viết này, tác giả bàn về khái niệm vật quyền ở hệ thống dân luật liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (tức “vật quyền” bảo đảm hay “vật quyền phụ”[5]) và xem khái niệm này có tồn tại trong pháp luật Việt Nam hiện hành hay không và nếu có thì có nên mở rộng trong Dự thảo sửa đổi BLDS năm 2005 hay không.
I. Nội hàm của khái niệm “vật quyền” bảo đảm trong hệ thống dân luật
2. Hai thành tố chính
Một nghiên cứu lịch sử cho thấy khái niệm “vật quyền” đã tồn tại từ thời pháp luật La Mã. Ở đây, chủ thể có vật quyền được ghi nhận hai quyền cơ bản sau: quyền truy đòi (droit de suite)[6] và quyền ưu tiên (droit de préférence) [7].
Cụ thể, “quyền truy đòi (droit de suite) là thành tố nòng cốt của vật quyền và thậm chí thường xuyên là tiêu chí của vật quyền: nó cho phép đòi tài sản chống lại bất kỳ người cầm giữ nào. Quyền ưu tiên (droit de préférence) cho phép thoát khỏi sự chi phối của pháp luật phá sản và được thanh toán trước tiên trên giá của tài sản, đối tượng của vật quyền; quyền này có thể tồn tại trong trường hợp vật quyền không đầy đủ nhưng vật quyền vẫn luôn hàm chứa quyền truy đòi (droit de suite)”[8].
Hai thành tố trên vẫn được duy trì trong pháp luật dân sự hiện đại, nhất là trong pháp luật thực định Pháp. Chúng ta cùng nhau nghiên cứu hai thành tố này trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự ở hệ thống dân luật và đối chiếu khái niệm này với pháp luật Việt Nam.
* Quyền truy đòi (droit de suite)
3. Ở Pháp
Khi đề cập tới vật quyền (droit réel), hai chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của Pháp khẳng định “vật quyền hàm chứa quyền truy đòi: chủ thể có một vật quyền bất kỳ có thể theo đuổi tài sản cho dù tài sản này đang nằm trong tay ai khi tài sản này là của họ hay bị ràng buộc bởi một quyền vì lợi ích của họ”[9].
Nghiên cứu các tài liệu về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự ở Pháp, chúng ta thấy quyền truy đòi này rất phổ biến. Chẳng hạn, khi đề cập cầm cố tài sản (người cầm cố không giữ tài sản giống như ở Việt Nam), bốn giáo sư của Pháp có nhiều kinh nghiệm về biện pháp bảo đảm khẳng định “với tư cách là chủ thể của một vật quyền, người nhận cầm cố có thể, nếu như đã có chiếm hữu tài sản, phản đối người mua đòi tài sản và, ngược lại, viện dẫn các đặc quyền của mình đối với người mua, như được trao quyền sở hữu theo định giá của chuyên gia. Cũng vẫn tư cách này, họ có thể đòi tài sản cầm cố đối với chủ thể đang có trong tay tài sản cầm cố”[10].
Khi bàn về thế chấp (bất động sản), bốn chuyên gia này cũng cho thấy “là một đặc quyền của vật quyền, quyền truy đòi cho phép chủ thể có quyền lấy lại toàn bộ quyền của mình chống lại người thứ ba chiếm hữu. Khi đó là biện pháp bảo đảm, tức vật quyền chỉ trao cho họ quyền về giá trị và nhất là khi biện pháp bảo đảm này để cho người có nghĩa vụ chiếm hữu tài sản cũng như khả năng định đoạt giá trị tài sản, quyền truy đòi có chức năng thực tế duy nhất là viện dẫn quyền về giá trị này chống lại chủ sở hữu mới”[11].
4. Ở Québec (Canada)
Khi tham khảo các công trình ở Việt Nam có nói về “vật quyền”, đôi khi chúng ta không thấy rõ nội hàm vật quyền nêu trong công trình này lấy từ hệ thống nào nên rất khó kiểm chứng tính xác thực. Để người đọc có thêm thông tin, ngoài việc lấy nguồn từ pháp luật Pháp như trên, chúng tôi bổ sung thêm thông tin trong pháp luật của Québec (Canada).
Pháp luật Québec (Canada) là pháp luật theo hệ thống luật thành văn. Ở đây, người bảo đảm cũng có quyền truy đòi đối với tài sản bảo đảm. Cụ thể, các biện pháp bảo đảm bằng động sản cũng như bất động sản “tạo ra một quan hệ trực tiếp với tài sản bằng cách trao cho người có quyền nhận bảo đảm quyền truy đòi (Điều 2660 BLDS)”[12].
Với nội hàm này, một khi biện pháp bảo đảm được xác lập hợp pháp, “người có quyền có thể thực hiện quyền truy đòi tài sản trong khối tài sản của người thứ ba”[13].
* Quyền ưu tiên (droit de préférence)
5. Ở Pháp
Khi đề cập tới vật quyền, hai chuyên gia của Pháp nêu trên còn viết rằng “vật quyền hàm chứa quyền ưu tiên. Như yếu tố trước (quyền truy đòi), quyền này được lý giải bởi phạm vị rộng của vật quyền. Nếu có xung đột giữa chủ thể có một vật quyền và chủ thể có một quyền đối nhân liên quan đến một tài sản, chủ thể đầu tiên có quyền tuyệt đối, đối kháng với tất cả, sẽ được ưu tiên hơn chủ thể thứ hai”[14].
Nghiên cứu các tài liệu về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự ở Pháp, chúng ta thấy quyền ưu tiên này rất phổ biến. Trong cuốn chuyên khảo của mình về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, hai giáo sư của Đại học Paris xác định có những biện pháp bảo đảm đối vật là thế chấp, cầm cố và những đặc quyền (ưu tiên) và khẳng định “cũng như đối với những vật quyền khác, quyền ưu tiên luôn gắn liền với biện pháp bảo đảm đối vật” và “người có quyền có biện pháp bảo đảm đối vật được hưởng quyền ưu tiên, nhờ vào đó họ sẽ được thanh toán trước tất cả những người có quyền không có biện pháp bảo đảm trên giá trị của tài sản đã được sử dụng để bảo đảm”[15].
Chẳng hạn, liên quan đến thế chấp bất động sản (chủ sở hữu vẫn chiếm hữu tài sản giống như ở Việt Nam hiện nay), biện pháp bảo đảm này “cho phép người có quyền, nếu không được thanh toán đúng thời hạn, truy đòi tài sản ở bất kỳ ai đang cầm giữ tài sản để tiến hành thủ tục nhằm được ưu tiên thanh toán trên tiền bán tài sản so với những người có quyền khác”[16].
6. Québec (Canada)
Nói tóm lại, trong pháp luật của Pháp, “người nhận cầm cố có quyền ưu tiên đối với khoản tiền bán tài sản cầm cố” và “người nhận thế chấp có một quyền ưu tiên. Quyền này cho phép họ được thanh toán trước những chủ nợ khác đối với toàn bộ giá trị bất động sản”[17].
Trong pháp luật của Québec (Canada), người nhận bảo đảm cũng có quyền ưu tiên đối tiền thu được từ tài sản bảo đảm.
Cụ thể, người nhận bảo đảm bằng động sản và bất động sản “cũng được hưởng một quyền ưu tiên đối với khoản tiền từ việc bán tài sản bảo đảm (Điều 2660 BLDS)”[18].
II. Tồn tại tư duy “vật quyền” bảo đảm trong pháp luật Việt Nam
7. Về sự tồn tại
Thuật ngữ “vật quyền” hiện nay không tồn tại trong văn bản quy phạm Việt Nam nói chung cũng như trong văn bản quy phạm Việt Nam về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nói riêng. Tuy nhiên, quyền truy đòi và quyền ưu tiên với tư cách là bộ phận của “vật quyền” như nêu trên trong pháp luật của Pháp hay Québec (Canada) thực sự đã tồn tại ở Việt Nam (trong văn bản cũng như trong thực tiễn xét xử) và phần dưới đây cho thấy điều vừa nêu.
* Quyền truy đòi (droit de suite)
8. Đối với cầm cố tài sản
Liên quan đến “vật quyền” ở Việt Nam, có tác giả cho rằng “vật quyền cho phép chủ thể thực hiện quyền của mình đối với vật, bất kể vật đang nằm trong tay người nào. Luật gọi đó là quyền theo đuổi”[19] và “trong khung cảnh luật thực định Việt Nam, chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp không có vật quyền, do đó, không có quyền đeo đuổi”[20].
Ở Việt Nam, Điều 256 BLDS năm 2005 về “quyền đòi lại tài sản” quy định “chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó”. Hiện nay có ý kiến cho rằng “chỉ chủ sở hữu mới có quyền đòi tài sản” và với hướng này thì những người nhận bảo đảm sẽ không thể khai thác Điều 256 BLDS năm 2005 đề tìm lại tài sản bảo đảm nếu được tài sản bảo đảm được chuyển cho người khác. Tuy nhiên, đọc kỹ điều luật trên thì chúng ta lại có kết quả khác: Quyền đòi lại tài sản nêu tại Điều 256 BLDS năm 2005 không chỉ dành cho “chủ sở hữu” mà dành cả cho “người chiếm hữu hợp pháp” nên quy định này hoàn toàn có thể áp dụng cho trường hợp cầm cố tài sản[21] khi tài sản được giao cho bên nhận cầm cố (được coi là “người chiếm hữu hợp pháp” theo quy định trên) và bị người khác chiếm hữu (như bị lấy trộm). Thực ra, quyền truy đòi nêu trên cũng đã được ghi nhận trong chính các quy định về cầm cố tài sản. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 333 BLDS năm 2005 về cầm cố tài sản, “bên nhận cầm cố tài sản có các quyền sau đây: Yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó”.
Như vậy, quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm (cầm cố) đã được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam giống như trong hệ thống pháp luật dân sự nêu trên.
9. Đối với thế chấp tài sản
Hướng tương tự cũng tồn tại trong lĩnh vực thế chấp tài sản. Ở đây, bên thế chấp vẫn giữ tài sản và bên nhận bảo đảm không chiếm hữu tài sản như trường hợp của cầm cố nêu trên[22]. Trong trường hợp người khác chiếm hữu tài sản, bên nhận thế chấp được yêu cầu nhận lại tài sản để xử lý (tức có quyền truy đòi). Cụ thể, theo khoản 5 Điều 351 BLDS hiện hành, bên nhận thế chấp có quyền “yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”[23]. Việc bên thế chấp vẫn giữ tài sản nên có thể họ định đoạt tài sản bất lợi cho bên nhận bảo đảm nên khoản 4 Điều 348 BLDS quy định bên thế chấp “không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp” tài sản thế chấp. Trong trường hợp bên thế chấp vẫn định đoạt tài sản cho người khác thì bên nhận thế chấp có quyền truy đòi tài sản thế chấp đã được định đoạt cho người khác không? Các quy định riêng biệt về thế chấp tài sản trong BLDS không có câu trả lời rõ ràng nhưng câu trả lời đã có trong quy định chung về giao dịch dân sự và Nghị định số 163/2006 về Giao dịch bảo đảm. Ở Nghị định số 163/2006, quyền truy đòi đã được ghi nhận minh thị. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 20, “trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền thu hồi tài sản thế chấp”.
Các quy định chung về giao dịch cũng cho phép truy đòi tài sản. Cụ thể, việc bên thế chấp định đoạt tài sản cho người khác là vi phạm khoản 4 Điều 348 năm 2005 nêu trên nên hợp đồng định đoạt đó vô hiệu (khi có tranh chấp phải đưa người nhận thế chấp vào tố tụng[24]) và, khi hợp đồng vô hiệu, tài sản được hoàn trả cho bên thế chấp trên cơ sở khoản 2 Điều 137 BLDS[25] năm 2005 nên bên nhận thế chấp được tiếp tục truy đòi tài sản để xử lý như thông thường. Điều đó có nghĩa là bên nhận thế chấp vẫn được truy đòi tài sản từ người khác nếu bên thế chấp định đoạt tài sản cho người này.
Như vậy, trái với quan điểm của một tác giả theo đó khi bàn đến “vật quyền” ở Việt Nam cho rằng “trong khung cảnh luật thực định Việt Nam, chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp không có vật quyền, do đó, không có quyền đeo đuổi”[26], chúng ta có thể khẳng định quyền truy đòi tài sản (hay quyền đeo đuổi) cũng tồn tại trong pháp luật về thế chấp Việt Nam.
* Quyền ưu tiên (droit de préférence)
10. Tồn tại ở Việt Nam
Khi bàn về “vật quyền”, có tác giả ở Việt Nam cho rằng “vật quyền cho phép người có quyền thực hiện quyền của mình đối với vật nhằm thỏa mãn lợi ích theo đuổi trước những người khác, đặc biệt là những người theo đuổi cùng lợi ích đó. Luật gọi đó là quyền ưu tiên. Chủ nợ nhận thế chấp có quyền nhận tiền thu được từ việc bán tài sản thế chấp để trừ nợ trước các chủ nợ thường”[27]. Tuy nhiên, khi liên hệ vật quyền với pháp luật hiện hành của Việt Nam, tác giả này cho rằng chúng ta “thiếu vắng lý thuyết vật quyền”[28].
Đối chiếu với các nhận định ở trên với pháp luật Việt Nam, chúng ta cũng có thể khẳng quyền ưu tiên cũng được ghi nhận trong pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự ở Việt Nam cho dù từ “vật quyền” không được sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, theo Điều 336 BLDS năm 2005 hiện hành, “trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thỏa thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố”.
Quyền được ưu tiên thanh toán này cũng được áp dụng trong khuôn khổ của thế chấp tài trên cơ sở Điều 355 BLDS năm 2005 theo đó “trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 của Bộ luật này”.
11. Minh họa
Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng nhau nghiên cứu vụ việc sau[29]: Bà Linh đã thế chấp căn nhà số 15/3 Xô Viết Nghệ Tĩnh cho Ngân hàng để vay tiền. Sau đó, phía bà Linh có nhận một khoản tiền của ông Đức khi ông Đức thuê căn nhà này. Khi có tranh chấp, phía bà Linh “đề nghị ngân hàng trích một số tiền khi phát mãi nhà để trả nợ tiền thế chân cho ông Đức, nhưng Ngân hàng thương mại cổ phần Đệ Nhất do bà Vân đại diện không chấp nhận”. Ở đây, liên quan đến căn nhà số 15/3 Xô Viết Nghệ Tĩnh, có hai chủ thể muốn được nhận tiền từ việc bán căn nhà là ông Đức và Ngân hàng nhưng chỉ Ngân hàng mới có biện pháp bảo đảm trên căn nhà và Tòa án đã theo hướng ưu tiên Ngân hàng. Cụ thể, theo Tòa án, “trường hợp khi phát mãi căn nhà 15/3 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ngân hàng Đệ Nhất thu nợ vốn và lãi đủ, nếu còn tiền dư thì ngân hàng sẽ trả lại cho bà Linh, lúc đó bà Linh tự giải quyết”[30].
12. Tiểu kết
Sau khi nghiên cứu pháp luật nước ngoài về vật quyền trong lĩnh vực bảo đảm và pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này, chúng ta thấy: Chủ thể được hưởng “vật quyền” có hai quyền năng cơ bản là quyền truy đòi đối với tài sản là đối tượng của vật quyền và quyền được ưu tiên (thanh toán) trên giá trị tài sản là đối tượng của vật quyền. Mặc dù pháp luật hiện hành Việt Nam không dùng thuật ngữ “vật quyền” nhưng nội hàm hai quyền trên của “vật quyền” đã được ghi nhận trong pháp luật thực định Việt Nam. Điều này cho thấy, trái với nhiều người, chúng ta có thể khẳng định “tư duy vật quyền” không xa lạ ở Việt Nam, trong pháp luật Việt Nam tư duy “vật quyền” thực sự đã tồn tại.
III. Mở rộng tư duy “vật quyền” bảo đảm trong pháp luật Việt Nam
13. Đặt vấn đề
Nghiên cứu cho thấy “vật quyền” rất đa dạng. Ở Pháp, các luật gia đã cố gắng liệt kê thành hai nhóm vật quyền là “vật quyền chính” như quyền sở hữu tài sản, quyền hạn chế đối với bất động sản liền kề và “vật quyền phụ” như thế chấp, cầm cố tài sản[31]. Về trường hợp làm phát sinh “vật quyền”, nghiên cứu so sánh cho thấy không có sự thống nhất giữa các nước. Chẳng hạn, khi đề cập tới biện pháp bảo đảm đối vật (làm phát sinh vật quyền), hai chuyên gia của Pháp viết rằng “pháp luật nước ngoài có những biện pháp bảo đảm đối vật mà chúng ta không có hoặc các biện pháp này mềm dẻo hơn chúng ta; pháp luật của Đức từ lâu đã cho phép viện dẫn bảo lưu quyền sở hữu trong thủ tục phá sản và nhất là hệ thống thông luật có một sức mạnh lớn trong việc tạo ra biện pháp bảo đảm”[32]. Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp nào “vật quyền” tồn tại trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự?
Phần trên cho thấy tư duy vật quyền đã tồn tại trong các quy định về thế chấp tài sản và cầm cố tài sản ở Việt Nam. Trong Dự thảo vào tháng 5/2014 của Bộ Tư pháp, chúng ta còn thấy nêu thêm “vật quyền” khác cầm cố hay thế chấp trong phần “vật quyền”. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 208 Dự thảo tháng 5/2014 chúng ta thấy nêu “Các vật quyền bảo đảm: Cầm cố; Thế chấp; Quyền cầm giữ; Bảo lưu quyền sở hữu; Quyền ưu tiên lấy trước”. Đến Dự thảo vào tháng 8/2014, chúng ta vẫn thấy tồn tại các biện pháp bảo đảm trên nhưng Dự thảo không nói đây là “vật quyền” nữa. Đối với cầm cố và thế chấp, chúng ta thấy đã vận dụng tư duy vật quyền nên không nhắc lại. Tuy nhiên, quyền cầm giữ, bảo lưu quyền sở hữu vẫn được Dự thảo mới khẳng định là biện pháp bảo đảm (quyền ưu tiên lấy trước không thấy được nhắc đến nữa trong Dự thảo mới) và chúng ta đặt câu hỏi các biện pháp này có theo tư duy vật quyền hay không.
Chúng ta lần lượt nghiên cứu các biện pháp bảo đảm trên cơ sở của tư duy vật quyền. Đồng thời, chúng ta cũng nghiên cứu thêm xem các bên có thể tạo ra biện pháp bảo đảm với nội hàm “vật quyền” mà chưa được pháp luật dự liệu hay không.
* Về bảo lưu quyền sở hữu
14. Mua bán có bảo lưu
Bảo lưu quyền sở hữu đã tồn tại trong Điều 462 về Mua trả chậm, trả dần với nội hàm theo đó “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận vật mua; bên bán được bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với vật bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Trong phần liên quan đến biện pháp bảo đảm, Dự thảo mới có một phần về Bảo lưu quyền sở hữu với nội hàm theo đó “quyền sở hữu tài sản trong hợp đồng mua bán có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ”. Như vậy, bảo lưu quyền sở hữu vẫn tồn tại trong hợp đồng mua bán nhưng, so với BLDS hiện hành, Dự thảo đã theo hướng đây là một biện pháp bảo đảm và chúng ta cùng nhau xem biện pháp bảo đảm này có theo tư duy “vật quyền” hay không.
15. Vai trò bảo đảm
Về vai trò “bảo đảm” của bảo lưu quyền sở hữu, chúng ta chưa thấy rõ trong BLDS hiện hành mặc dù khái niệm này đã tồn tại như chúng ta đã thấy. Thực ra, bản chất bảo đảm hay không của bảo lưu quyền sở hữu cũng đã gây nhiều tranh cãi trên thế giới nhưng xu hướng hiện nay coi đây là biện pháp bảo đảm bên cạnh các biện pháp bảo đảm truyền thống như cầm cố hay thế chấp.
Thực vậy, bảo lưu quyền sở hữu đã tồn tại ở Pháp và việc xác định đây có là biện pháp bảo đảm cũng được đặt ra. Ở đây, “ban đầu bảo lưu quyền sở hữu đã được phân tích trên cơ sở các cơ chế của quan hệ nghĩa vụ dân sự”[33]. Về bản chất bảo đảm hay không bảo đảm, “theo quan điểm thứ nhất, đây là một biện pháp bảo đảm đích thực vì nó có tất cả các đặc tính chính của biện pháp bảo đảm” nhưng “quan điểm đa số không coi bảo lưu quyền sở hữu là một biện pháp bảo đảm”[34]. Trước việc bất đồng quan điểm nêu trên, Tòa án tối cao Pháp đã can thiệp và trong một quyết định năm 1995 Tòa thương mại Tòa án tối cao Pháp đã khẳng định đây là một biện pháp bảo đảm[35]. Pháp đã sửa đổi quy định trong BLDS về biện pháp bảo đảm từ năm 2006 và lần sửa đổi này đã “trao cho bảo lưu quyền sở hữu một vị trí trong BLDS như một trong các biện pháp bảo đảm” và như vậy “bảo lưu quyền sở hữu được coi như một biện pháp bảo đảm đích thực”[36]. Ngày nay, bảo lưu quyền sở hữu được quy định trong phần biện pháp bảo đảm tại các Điều 2367 và tiếp theo của BLDS Pháp.
Như vậy, xu hướng hiện nay là coi bảo lưu quyền sở hữu như một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và Dự thảo sửa đổi BLDS của chúng ta đang theo hướng này. Trên cơ sở so sánh pháp luật, chúng ta nên ủng hộ hướng của Dự thảo: Việc chuyển bảo lưu quyền sở hữu từ phần hợp đồng mua bán sang phần bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là thuyết phục, cần được chấp nhận.
16. Vai trò vật quyền
Bảo lưu quyền sở hữu được coi là biện pháp bảo đảm và câu hỏi tiếp theo được đặt ra là đây có là biện pháp bảo đảm theo tư duy vật quyền không? Trong Dự thảo tháng 5/2014, chúng ta thấy đây là một loại vật quyền, tức theo tư duy vật quyền. Tuy nhiên, trong Dự thảo mới, chúng ta chỉ thấy nêu bảo lưu quyền sở hữu trong phần biện pháp bảo đảm và biện pháp bảo đảm lại nằm trong phần trái quyền (nghĩa vụ dân sự). Thực ra, việc bảo lưu quyền sở hữu nằm ở phần nào không thực sự quan trọng mà điều quan trọng chính là các quyền mà quy định trao cho người bảo lưu quyền sở hữu. Nếu các quy định trao cho người này các đặc quyền giống như vật quyền nêu trên (truy đòi và ưu tiên thanh toán) thì nó vẫn theo tư duy vật quyền.
Ở Pháp, nhiều thông tin cho thấy bảo lưu quyền sở hữu là một dạng vật quyền. Cụ thể, với tư cách là chủ sở hữu, người bảo lưu vẫn có quyền truy đòi tài sản được bảo lưu quyền sở hữu. Bên cạnh đó, người này được thực hiện quyền của mình “đối với tiền bán lại hàng hóa” và “đối với tiền bảo hiểm” của tài sản được bảo lưu quyền sở hữu “trong trường hợp bị hư hỏng, hủy hoại do rủi ro”[37]. Trong một quyết định vào ngày 15/10/2013, Tòa thương mại Tòa án tối cao Pháp khẳng định “bảo lưu quyền sở hữu là một biện pháp bảo đảm đối vật”. Điều đó cho thấy tại Pháp bảo lưu quyền sở hữu không chỉ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đơn thuần như đã trình bày ở trên mà còn là một biện pháp bảo đảm theo tư duy vật quyền[38].
Trong Dự thảo mới của chúng ta, mặc dù không nằm trong phần “Vật quyền” nhưng bảo lưu quyền sở hữu vẫn theo tư duy vật quyền. Bỡi lẽ, Dự thảo vẫn cho người bảo lưu quyền truy đòi tài sản vì đã quy định “Trong trường hợp bên mua tài sản không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán thì bên bán tài sản có quyền đòi lại tài sản mà bên mua đang chiếm hữu” (khoản 1 Điều 331). Bên cạnh đó, Dự thảo còn ghi nhận quyền được thanh toán trên khoản tiền bán tài sản hay bảo hiểm: “Trong trường hợp tài sản được bán cho người khác thì việc bảo lưu quyền sở hữu được xác lập đối với quyền đòi nợ của người có nghĩa vụ đối với người đã mua lại tài sản hoặc số tiền bảo hiểm hoàn trả thay cho tài sản” (khoản 3 Điều 330). Như vậy, Dự thảo dường như vẫn theo tư duy vật quyền giống như của Pháp và chúng ta nên ủng hộ.
Tuy nhiên, đối với khoản tiền bán lại tài sản hay tiền bảo hiểm trả thay cho tài sản được bảo lưu quyền sở hữu, Dự thảo ghi nhận quyền cho người bảo lưu quyền sở hữu nhưng chưa thực sự rõ nét về sự “ưu tiên” nếu có các chủ nợ khác cũng đòi được hưởng khoản tiền này. Thiến nghĩ, khoản 3 Điều 330 nêu trên nên thể hiện rõ hơn yếu tố này và nên viết lại như sau: “Trong trường hợp tài sản được bán cho người khác thì việc bảo lưu quyền sở hữu được ưu tiên xác lập đối với quyền đòi nợ của người có nghĩa vụ đối với người đã mua lại tài sản hoặc số tiền bảo hiểm hoàn trả thay cho tài sản”[39].
* Về cầm giữ tài sản
17. Vai trò bảo đảm
Cầm giữ tài sản đã được ghi nhận trong BLDS tại Điều 416 theo đó “Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang chiếm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được cầm giữ tài sản khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng theo thỏa thuận”. Nội hàm này được nhắc lại tại Điều 324 Dự thảo tháng 8/2014. Thực ra, hiện nay cầm giữ tài sản nằm trong phần thực hiện hợp đồng (không nằm trong phần biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự). Tuy nhiên, Dự thảo mới chuyển cầm giữ tài sản sang phần biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bên cạnh cầm cố hay thế chấp tài sản. Như vậy, Dự thảo theo hướng đây là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Nhìn từ góc độ so sánh pháp luật, việc khẳng định vai trò bảo đảm của cầm giữ tài sản là thuyết phục. Ở Pháp, cuộc tranh luận về bản chất bảo đảm đối với cầm giữ tài sản đã xảy ra và, trong một quyết định năm 1997, Tòa án tối cao Pháp xác định đây không là biện pháp bảo đảm nhưng, trong lần sửa đổi năm 2006, cầm giữ tài sản đã nằm trong phần các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự[40]. Ngày nay, theo pháp luật của Pháp, cầm giữ tài sản là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bên cạnh các biện pháp bảo đảm truyền thống như cầm cố hay thế chấp. Pháp luật thống nhất của Ohada (Điều 67 đến 70 Hiệp định thống nhất về biện pháp bảo đảm sửa đổi năm 2010) cũng coi cầm giữ tài sản là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như của Pháp.
Như vậy, trên thế giới đã có hệ thống coi cầm giữ tài sản là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Thực ra, việc cầm giữ ở đây là để gây sức ép cho người có nghĩa vụ nếu họ muốn chiếm giữ lại tài sản của họ nên cầm giữ tài sản là một dạng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Do đó, hướng của Dự thảo xác định đây cũng là biện pháp bảo đảm là thuyết phục, cần được ủng hộ[41].
18. Vai trò vật quyền (?)
Vấn đề tiếp theo đặt ra là cầm giữ tài sản có là biện pháp bảo đảm mang tính vật quyền hay không? Dự thảo tháng 5/2014, liệt kê biện pháp này trong phần vật quyền bảo đảm nhưng trong Dự thảo tháng 8/2014 thì bản chất này không được thể hiện nữa (cầm giữ nằm trong phần biện pháp bảo đảm bên cạnh cầm cố, thế chấp hay bảo lãnh). Vậy, cầm giữ tài sản như nêu trên có là biện pháp bảo đảm theo tư duy vật quyền hay không? Chúng ta cùng nhau nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài trước khi xem xét vấn đề này trong pháp luật Việt Nam.
Ở Pháp, bản chất “vật quyền” của cầm giữ tài sản đã được đặt ra. “Theo một số người, do cầm giữ tài sản không trao quyền truy đòi hay quyền ưu tiên nên chỉ đơn giản là một quyền đối nhân, một cách thức thực hiện nghĩa vụ hoàn trả. Đối với người khác, đây thực sự là một vật quyền: xuất phát từ việc cầm giữ, cầm giữ tài sản đối kháng với tất cả mọi người và trao cho người có quyền quyền đối với tài sản, đó là quyền cầm giữ thực tế tài sản đến khi nào nghĩa vụ được thực hiện toàn bộ”[42]. Cuối cùng, các nhà lập pháp của Pháp cũng không khẳng định đây là biện pháp bảo đảm theo tư duy vật quyền vì nội dung các quy định về cầm giữ tài sản không nằm trong phần các biện pháp bảo đảm đối vật. Trong pháp luật Ohada, trước đây Điều 43 Hiệp định thống nhất về biện pháp bảo đảm đã ghi nhận người cầm giữ có quyền truy đòi và quyền ưu tiên giống như cầm cố tài sản nên đây được coi là biện pháp bảo đảm theo tư duy vật quyền. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi năm 2010, quy định trên đã được bỏ nên yếu tố vật quyền của cầm giữ tài sản không được khẳng định nữa.
Trong Dự thảo tháng 5/2014, chúng ta thấy khẳng định đây là “vật quyền bảo đảm” còn trong Dự thảo tháng 8/2014 khẳng định này không được giữ lại. Với nội hàm như hiện nay (không có quyền truy đòi, quyền ưu tiên thanh toán) thì cầm giữ tài sản không theo tư duy vật quyền và lúc này tình trạng sẽ giống như pháp luật Pháp và Ohada hiện hành.
IV. Về việc sử dụng thuật ngữ “vật quyền” trong văn bản
19. Thực trạng
Thông qua trình bày trên, chúng ta đã thấy đặc trưng chính của biện pháp bảo đảm theo tư duy vật quyền là trao cho người nhận bảo đảm quyền truy đòi tài sản và quyền được ưu tiên thanh toán trên khoản tiền bán tài sản bảo đảm.
Bài viết cũng cho thấy tư duy vật quyền trong pháp luật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không xa lạ ở Việt Nam, nó đã tồn tại trong văn bản quy phạm pháp luật mặc dù thuật ngữ “vật quyền” chưa được văn bản nào hiện nay thừa nhận.
Trong Dự thảo sửa đổi BLDS năm 2014 (vào tháng 5 cũng như tháng 8/2014), chúng ta thấy xuất hiện thuật ngữ “vật quyền” này. Theo chúng tôi, chúng ta không nên sử dụng thuật ngữ này trong văn bản để diễn tả tư duy vật quyền và việc này vì các lý do sau:
20. Các lý do không sử dụng
Thứ nhất, việc sử dụng thuật ngữ “vật quyền” này trong Dự thảo sửa đổi BLDS đã gây hoang mang cho người quan tâm vì quá trừu tượng (rất nhiều luật gia không hiểu nội hàm của thuật ngữ này).
Thứ hai, việc sử dụng thuật ngữ này trong văn bản như trong BLDS sẽ tạo ra sự phức tạp trong hệ thống luật thành văn của chúng ta nếu được thông qua trong khi đó chúng ta đã thấy không có gì thực sự đột phá nếu vì như đã nói tư duy này đã tồn tại trong pháp luật thực định Việt Nam.
Thứ ba, việc sử dụng thuật ngữ này trong văn bản như trong BLDS (nếu được thông qua) sẽ gây tốn kém cho xã hội (vì phải tập huấn nếu được thông qua) đồng thời có thể được coi là không phù hợp với Hiến pháp (vì không có quy định nào của Hiến pháp hiện hành đề cập tới thuật ngữ “vật quyền”).
Thứ tư, bản thân thuận ngữ này không phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay vì trong pháp luật của chúng ta không chỉ có “vật” mà còn có cả các tài sản khác như “quyền sử dụng đất” nên thuật ngữ “vật quyền” chỉ thích ứng với một loại tài sản là vật như nhà còn, đối với tài sản khác như quyền sử dụng đất, thì thuật ngữ này không đủ để diễn tả (việc sử dụng từ “vật quyền” để ám chỉ quyền đối với quyền sử dụng đất quả là quá gượng ép). Ở thời điểm GS. Mẫu sử dụng thuật thuật ngữ “vật quyền”, pháp luật của Việt Nam cộng hòa không có phân biệt đất và quyền sử dụng đất như chúng ta hiện nay nên việc sử dụng thuật ngữ “vật quyền” có phần nào chấp nhận được vì đất hoàn toàn có thể được coi là một dạng vật. Tuy nhiên, hoàn cảnh đã thay đổi với các quy định hiện hành (tách bạch giữa đất và quyền sử dụng đất) nên việc sử dụng thuật ngữ “vật quyền” không còn thuyết phục nữa.
21. Thay lời kết
Tư duy vật quyền phổ biến trong hệ thống pháp luật thành văn như Pháp. Tư duy này thực chất cũng đã tồn tại trong pháp luật Việt Nam và các quy định về cầm cố hay thế chấp tài sản hiện nay đã cho thấy điều này. Thiết nghĩ, tư duy này hoàn toàn có thể được mở rộng cho cả trường hợp khác như trường hợp của bảo lưu quyền sở hữu.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, biện pháp bảo đảm theo tư duy vật quyền ảnh hưởng trực tiếp tới người thứ ba trong khi đó biện pháp bảo đảm này xuất phát từ bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Để bảo vệ người thứ ba, chúng ta cần theo hướng chỉ chấp nhận biện pháp bảo đảm hàm chứa nội dung của “vật quyền” nếu biện pháp bảo đảm đó được đăng ký và công khai. Chẳng hạn, đối với bảo lưu quyền sở hữu, chúng ta thấy biện pháp bảo đảm này chỉ tồn tại giữa hai bên (bên bán đồng thời là bên bảo đảm và bên mua đồng thời là bên nhận bảo đảm). Nếu chúng ta muốn trao cho bên mua các nội hàm của “vật quyền” như đã trình bày ở trên, chúng ta phải làm thế nào đó để người thứ ba biết được bảo lưu quyền sở hữu này tồn tại và để đạt được việc này chúng ta nên theo hướng biện pháp bảo đảm này cần được đăng ký, công khai (không đăng ký, công khai thì không ràng buộc người thứ ba liên quan đến quyền truy đòi và quyền ưu tiên nhưng bảo lưu quyền sở hữu vẫn tồn tại, phát sinh hệ quả trong mối quan hệ giữa bên bán và bên mua).
Nói tóm lại, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển tư duy vật quyền như nêu trên nhưng việc sử dụng thuật ngữ “vật quyền” là điều không nên làm. Thực ra, việc sử dụng lại thuật ngữ “vật quyền” mà chính BLDS của Việt Nam Cộng hòa đã sử dụng như Dự thảo sửa đổi đang làm là điều không cần thiết với những lý do đã trình bày ở trên.
CHÚ THÍCH
* PGS.TS, Trưởng Khoa Luật Dân sự – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Thành viên Tổ biên tập BLDS sửa đổi.
[1] Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo, Quyền II – Nghĩa vụ và khế ước, Nxb. Bộ quốc gia giáo dục, 1963, tr. 19. Ở đây, Giáo sư Mẫu đã viết “tuy nghĩa vụ là một sản nghiệp quyền, song người trái chủ không có quyền trực tiếp đối với một sự vật nào (chose), và chỉ có quyền đối với người phụ trái mà thôi. Vì vậy, không phải là một quyền đối vật (un droit réel), nghĩa vụ chỉ là một quyền đối nhân (droit personnel), quyền đòi người phụ trái phải thi hành cung khoản mà họ đã cam kết”.
[2] Vũ Văn Mẫu: Sđd, tr. 20 và 22. Ở đây, Giáo sư Mẫu đã viết “các trái chủ thường tìm cách bảo đảm các món nợ của mình bằng cách yêu sách các vật quyền phụ thuộc (droits réels accessories), chẳng hạn như quyền để đương (une hypotèque) đối với một bất động sản xác định. Quyền để đương này, như tất cả các quyền đối vật khác, sẽ dành cho trái chủ quyền ưu tiên (droit de préférence), nghĩa là quyền xin bán bất động sản ấy để trả nợ cho mình trước các trái chủ khác, và quyền truy tùy (droit de suite) nghĩa là quyền được sai áp và bán bất động sản ấy, mặc dù người phụ trái đã chuyển dịch cho người khác”.
[3] Chẳng hạn, theo điểm a Điều 369, “Các vật quyền bất động sản: 1) Quyền sử hữu, 2) Quyền dụng ích; 3) Quyền cư ngụ và quyền hành dụng; 4) Quyền thuê trừơng kỳ; 5) Quyền địa dịch; 6) Quyền thế chấp; 7) Quyền để đương”.
[4] Xem Nguyễn Ngọc Điện, “Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền và trái quyền trong luật dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, tháng 12/2010; Nguyễn Ngọc Điện, “Lợi ích của việc xây dựng chế định vật quyền đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tài sản,” Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tháng 02/2011; Nguyễn Thị Hạnh, “Một số vấn đề về cấu trúc, vật quyền và trái quyền trong Bộ luật Dân sự Đức mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005”,.http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=4495; Hồ Quang Huy, “Vật quyền bảo đảm – Những vấn đề lý luận đặt ra trong quá trình cải cách pháp luật dân sự ở nước ta,” http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=4446.
[5] “Vật quyền phụ, còn gọi là vật quyền bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, chỉ có tác dụng tạo ra sự an toàn cho người có quyền trong quá trình tham gia vào một quan hệ nghĩa vụ với tư cách trái chủ. Thay vì phải lệ thuộc vào vai trò chủ động của thụ trái để có được sự thực hiện nghĩa vụ thoả đáng, người có vật quyền có thể tác động vào giá trị tiền tệ của tài sản. Loại vật quyền này chỉ trao cho người có quyền các quyền năng hạn chế đối với vật; các quyền năng này chỉ phát huy tác dụng trong những trường hợp được ghi nhận trong luật và được thực hiện theo những thể thức nghiêm ngặt. Quyền của chủ nợ nhận thế chấp, nhận cầm cố là những ví dụ tiêu biểu cho các vật quyền thuộc nhóm này” (Nguyễn Ngọc Điện, “Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền…”, Bđd).
[6] Thuật ngữ “đroit de suite” được Giáo sư Vũ Văn Mẫu dịch sang tiếng Việt là “truy tùy” còn một số tác giả khác hiện nay hiểu là “theo đuổi”. Trong bài viết này, chúng tôi tạm dịch sang tiếng Việt là “truy đòi” vì thuật ngữ “theo đuổi” không thực sự thuyết phục: Thuật ngữ “theo đuổi” rất phù hợp với động vật như theo đuổi chó, mèo nhưng chưa thực sự thích ứng với bất động sản như nhà, quyền sử dụng đất. Thực ra, khi quy định về quyền của người nhận cầm cố trong trường hợp tài sản bị người khác chiếm hữu (sẽ được đề cập ở phần sau), BLDS sử dụng thuật ngữ “trả lại tài sản đó” nên việc sử dụng thuật ngữ “truy đòi” tài sản bảo đảm là chấp nhận được.
[7] J-Ph. Lévy và A. Castaldo: Histoire du droit civil, Nxb. Précis-Dalloz 2002, phần số 209.
[8] J-Ph. Lévy và A. Castaldo: Sđd, phần số 209.
[9] F. Terré và Ph. Simler: Droit civil-Les biens, Nxb. Précis-Dalloz 2010, phần số 47.
[10] M. Cabrillac, Chr. Mouly, S. Cabrillac và Ph. Pétel: Droit des suretés, Nxb. Litec, 2010, phần số 752.
[11] M. Cabrillac, Chr. Mouly, S. Cabrillac và Ph. Pétel: Sđd, phần số 978. Trong cuốn chuyên khảo của Ph. Malaurie và L. Aynès (bởi L. Aynès và P. Crocq): Les suretés et la publicité foncière, Nxb. Defrénois 2008, tr. 164 (phần số 402 về « droit de suite »), chúng ta thấy nêu « quyền ưu tiên hiệu quả nếu tài sản vẫn luôn trong khối tài sản của người có nghĩa vụ, nơi mà nó có thể bị yêu cầu kê biên bởi người có quyền. Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp người có nghĩa vụ chuyển giao tài sản ; họ có quyền làm việc này vì là người có nghĩa vụ không có nghĩa là người không có năng lực hay bị tước mất khả năng quản lý tài sản. Để bảo vệ người có quyền trong trường hợp này, biện pháp bảo đảm đối vật thường xuyên kèm theo một quyền truy đòi, quyền này cho phép người có quyền kê biên tài sản và thực hiện quyền ưu tiên của mình đối với bất kỳ ai đang nắm giữ tài sản ».
[12] Collection de droit: Contrats, suretés et publicité des droits, Editions Yvon Blais 2002, tr. 118.
[13] Collection de droit: Sđd, tr. 118.
[14] F. Terré và Ph. Simler: Sđd, phần số 47.
[15] Ph. Malaurie và L. Aynès (bởi L. Aynès và P. Crocq): Sđd, tr. 271.
[16] Ph. Malaurie và L. Aynès (bởi L. Aynès và P. Crocq): Sđd, tr. 163 và 164.
[17] D. Legeais: Suretés et garanties du crédit, LGDJ 2008, phần số 457 và.
[18] Collection de droit: Sđd, tr. 118.
[19] Nguyễn Ngọc Điện, “Lợi ích của việc xây dựng chế định vật quyền”, Bđd.
[20] Nguyễn Ngọc Điện, “Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật”, Bđd.
[21] Theo Điều 326 BLDS năm 2005, “cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”.
[22] Theo khoản 1 Điều 342 BLDS, “thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp”.
[23] Có ý kiến cho rằng “Nếu người ta không giao, thì chủ nợ chỉ có thể tiến hành cưỡng chế theo thủ tục chung về bắt buộc thực hiện nghĩa vụ” (Nguyễn Ngọc Điện, “Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền”…, Bđd). Tuy nhiên, nhận định như vậy là thiếu cơ sở. Với quy định như trên, chủ nợ hoàn toàn có thể yêu cầu tiến hành cưỡng chế để có được tài sản thế chấm nhằm thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm.
[24] Tòa án cũng theo hướng này đối với cầm cố. Chẳng hạn, theo một quyết định, “trong thực tế khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho chị Thương, ông Nhơn và bà Lệ đang cầm cố đất cho ông Quận, nhưng khi giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không đưa ông Quận tham gia tố tụng là thiếu người tham gia tố tụng và không giải quyết về thỏa thuận cầm cố đất giữa ông Nhơn, bà Lệ với ông Quận là chưa giải quyết triệt để vụ án” (Quyết định số 229/2010/DS-GĐT ngày 25-5-2010 của Tòa Dân sự Tòa án Nhân dân Tối cao).
[25] “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”.
[26] Nguyễn Ngọc Điện, “Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền”…, Bđd.
[27] Nguyễn Ngọc Điện, “Lợi ích của việc xây dựng chế định vật quyền”, Bđd.
[28] Nguyễn Ngọc Điện, “Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền”, Bđd.
[29] Về chủ đề này, xem thêm Đỗ Văn Đại: Luật nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự – Bản án và bình luận bản án, Nxb. CTQG 2014 (xuất bản lần thứ hai), Bản án số 102 – 105.
[30] Bản án số 316/2006/DSST ngày 12-4-2006 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
[31] F. Terré và Ph. Simler: Sđd, phần số 50 và 51.
[32] Ph. Malaurie và L. Aynès (bởi L. Aynès và P. Crocq): Sđd, phần số 406.
[33] D. Legeais, Sđd, phần số 728.
[34] D. Legeais, Sđd, phần số 728.
[35] Xem D. Legeais, Sđd, phần số 728.
[36] D. Legeais, Sđd, phần số 727.
[37] D. Legeais: Sđd, phần số 733.
[38] Cass. com., 15 oct. 2013, n° 13-10463, Sté CSF France c/ Sté Fleurbaix distribution, F-PB (“la clause de réserve de propriété constitue une sûreté réelle”.
[39] Phần đậm in nghiên được bổ sung.
[40] Ph. Malaurie và L. Aynès (bởi L. Aynès và P. Crocq): Sđd, phần số 453.
[41] Về bản chất bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, xem thêm Đỗ Văn Đại: Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Nxb. CTQG (xuất bản lần thứ hai) 2013, phần số 114.
[42] Ph. Malaurie và L. Aynès (bởi L. Aynès và P. Crocq): Sđd, phần số 453.
Trả lời