Mục lục
Tháo gỡ những vướng mắc trong đấu giá bằng bỏ phiếu theo Luật Đấu giá tài sản
Tác giả: Lê Thị Hương Giang [1] & Đỗ Phương Thảo [2]
TÓM TẮT
Luật đấu giá tài sản ra đời với nhiều quy định tiến bộ về hình thức đấu giá đã tạo ra bước tiến lớn trong hoạt động đấu giá tài sản ở Việt Nam trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế, quốc tế. Tuy nhiên sau hơn 03 năm triển khai áp dụng đã nảy sinh khá nhiều vướng mắc bất cập đối với hình thức đấu giá tài sản bằng bỏ phiếu. Chủ yếu những vướng mắc này là trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện các hình thức đấu giá: đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích một số những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện các hình thức đấu giá nêu trên theo Luật đấu giá tài sản và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
1. Một số những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện các hình thức đấu giá tài sản bằng bỏ phiếu
Thứ nhất, có được áp dụng kết hợp hình thức bỏ phiếu gián tiếp và bỏ phiếu trực tiếp với nhau trong một cuộc đấu giá?
Khoản 1 Điều 40 Luật đấu giá tài sản quy định:
“Tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau đây để tiến hành cuộc đấu giá:
(a) Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;
(b) Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;
(c) Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
(d) Đấu giá trực tuyến”.
Căn cứ vào quy định trên thì hầu hết các tổ chức đấu giá đang áp dụng một hình thức đấu giá tài sản trong một cuộc đấu giá. Chỉ duy nhất có trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, khi có từ hai khách hàng trả giá cao nhất bằng nhau thì Đấu giá viên được lựa chọn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp hoặc đấu giá bằng lời nói để tiếp tục tổ chức đấu giá chọn ra người trúng đấu giá (Khoản 4 Điều 43 Luật đấu giá tài sản). Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện Luật đấu giá tài sản, có tổ chức đấu giá khi áp dụng hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp lại áp dụng thêm cả hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá. Tổ chức đấu giá cho các khách hàng trả giá gián tiếp nhưng tại buổi công bố giá lại chọn ra 03 đến 10 khách hàng trả giá cao nhất tiếp tục đấu giá tiếp bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá. Căn cứ vào Luật đấu giá tài sản thì việc áp dụng 02 hình thức đấu giá trong hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp là không đúng với quy định của pháp luật, trừ trường hợp cần xác định người trúng đấu giá khi có từ 02 khách hàng trả giá cao nhất bằng nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi áp dụng 02 hình thức này trong một cuộc đấu giá thì tài sản được bán với giá cao hơn đúng với nguyên lý và phương thức đấu giá lên. Về vấn đề này, Cục bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp đã có công văn hướng dẫn các tổ chức đấu giá được kết hợp cả hai hình thức đấu giá nói trên trong một cuộc đấu giá nhưng phải quy định rõ trong Quy chế đấu giá tài sản. Tuy nhiên, để thống nhất áp dụng pháp luật thì rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 40 Luật đấu giá tài sản.
Thứ hai, có sự không thống nhất về cách thức trả giá trong các hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói.
Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 41 về hình thức đấu giá bằng lời nói Luật đấu giá tài sản quy định rõ: “Người tham gia đấu giá trả giá. Giá trả phải ít nhất bằng giá khởi điểm trong trường hợp công khai giá khởi điểm”. Tuy nhiên Điều 42 về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá Khoản 5 Điều 43 đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp của Luật đấu giá tài sản lại không có quy định này.
Tại điểm a Khoản 2 Điều 42 Luật đấu giá tài sản về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá quy định: “Người tham gia đấu giá được phát một tờ phiếu trả giá, ghi giá muốn trả vào phiếu của mình”. Tại Điều 43 Luật đấu giá tài sản về đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp thì chỉ quy định chung: “Khi đăng ký tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá được nhận phiếu trả giá, hướng dẫn về cách ghi phiếu, thời hạn nộp phiếu trả giá và buổi công bố giá …”. Căn cứ vào điểm b Khoản 1 Điều 52 Luật đấu giá tài sản thì trong trường hợp không có khách hàng nào trả giá thì cuộc đấu giá sẽ không thành. Tại điểm c Khoản 1 Điều 52 Luật đấu giá tài sản xác định giá trả cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm trong trường hợp không công khai giá khởi điểm thì cuộc đấu giá được xác định không thành. Do đó, dẫn đến một thực tế là khách hàng tham gia đấu giá sẽ được quyền không trả giá hoặc có thể trả giá thấp hơn giá khởi điểm. Như vậy, khi áp dụng hình thức đấu đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp mà giá khởi điểm được công khai nếu tất cả các khách hàng trả giá thấp hơn giá khởi điểm thì nguy cơ đấu giá không thành là rất cao. Đặc biệt, còn tạo điều kiện cho các “cò” đấu giá không thực sự có nhu cầu mua tài sản, cản trở, gây rối với khách hàng có nhu cầu thực sự mua tài sản.
Thứ ba, thiếu thống nhất trong cách thức xác định người trúng đấu giá ở các hình thức đấu giá.
Đối với hình thức đấu giá bằng lời nói, theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 41 quy định: “Đấu giá viên công bố người đã trả giá cao nhất là người trúng đấu giá sau khi nhắc lại ba lần giá trả cao nhất đã trả và cao hơn giá khởi điểm mà không có người trả giá cao hơn”. Với quy định này thì để xác định người trúng đấu giá bắt buộc phải là người trả giá cao hơn giá khởi điểm. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 về đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, Luật đấu giá tài sản không quy định các khách hàng tham gia hình thức đấu giá này phải trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm. Đặc biệt, việc xác định người trúng đấu giá cũng không đưa ra nguyên tắc người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất và cao hơn giá khởi điểm. Việc trả giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên với hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá được thực hiện như sau:
“ – Người tham gia đấu giá được phát một tờ phiếu trả giá, ghi giá muốn trả vào phiếu của mình. Hết thời gian ghi phiếu, đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá nộp phiếu trả giá hoặc bỏ phiếu vào hòm phiếu; kiểm đếm số phiếu phát ra và số phiếu thu về; công bố từng phiếu trả giá, phiếu trả giá cao nhất với sự giám sát của ít nhất một người tham gia đấu giá;
– Đấu giá viên công bố giá cao nhất đã trả của vòng đấu giá đó và đề nghị người tham gia đấu giá tiếp tục trả giá cho vòng tiếp theo. Giá khởi điểm của vòng đấu giá tiếp theo là giá cao nhất đã trả ở vòng đấu giá trước liền kề;
– Cuộc đấu giá kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá. Đấu giá viên công bố người trả giá cao nhất và công bố người đó là người trúng đấu giá”.
Đối với hình thức bỏ phiếu gián tiếp cũng tương tự như vậy, các khách hàng có thể để phiếu trắng, không trả giá hoặc có trả giá nhưng thấp hơn giá khởi điểm. Chỉ có vài khách hàng trả bằng giá khởi điểm và Đấu giá viên căn cứ vào quy định của pháp luật phải bốc thăm xác định người trúng đấu giá. Chính vì vậy, việc áp dụng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, bỏ phiếu gián tiếp rất dễ phát sinh tiêu cực giữa các khách hàng tham gia đấu giá, thông đồng, dìm giá, chỉ mua tài sản bằng giá khởi điểm.
Thứ tư, cách thức xác định người trúng đấu giá trong trường hợp có nhiều người trả giá liền kề bằng nhau đủ điều kiện mua tài sản được thực hiện như thế nào?
Theo Điều 51 Luật đấu giá tài sản: “Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi Đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá.
Trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cuộc đấu giá không thành”.
Quy định này là một bước lùi so với Nghị định số 17/NĐ-CP ngày 04/3/2010 về trình tự, thủ tục bán đấu giá. Theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 17/NĐ-CP ngày 4/3/2010 trước đây quy định:
“Đối với cuộc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, trong trường hợp từ chối mua nêu trên mà có từ hai người trở lên cùng trả giá liền kề, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua thì tài sản được bán cho một trong hai người trả giá liền kề đó, sau khi Đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá”.
So sánh hai điều luật trên cho thấy Điều 39 Nghị định số 17/NĐ-CP đã giải quyết được một tình huống rất hay xảy ra trong thực tiễn đó là khi người trả giá cao nhất từ chối mua tài sản mà có nhiều người trả giá liền kề bằng nhau thì sẽ thực hiện bốc thăm để xác định người trúng đấu giá. Còn căn cứ vào Điều 51 Luật đấu giá tài sản hiện hành thì không giải quyết được tình huống này. Trong trường hợp này tổ chức đấu giá lại phải quay về áp dụng quy định tại Điều 42 của Luật đấu giá tài sản theo hướng áp dụng tương tự nhưng bối cảnh hai điều luật là hoàn toàn khác nhau. Điều 51 Luật đấu giá tài sản là cách thức xác định trúng đấu giá cho người trả giá liền kề trong trường hợp có nhiều người trả giá bằng nhau, còn Điều 42 Luật đấu giá tài sản là cách thức xác định người trúng đấu giá trong trường hợp có nhiều người trả giá cao nhất bằng nhau. Thứ năm, hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp còn quy định sơ sài, nhiều tình huống thực tế xảy ra khó xử lý.
Hình thức đấu giá bỏ phiếu gián tiếp là một trong những hình thức đấu giá mới đang được nhiều các tổ chức đấu giá lựa chọn áp dụng vì tránh được nhiều tiêu cực như: thông đồng, dìm giá, cản trở, hạn chế khách hàng trả giá trong đấu giá tài sản nhưng trong quá trình triển khai cũng gặp một số vướng mắc.
Một là, khách hàng tham gia đấu giá tự bảo mật phiếu trả giá như thế nào?
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 43 Luật đấu giá tài sản quy định: “Phiếu trả giá của người tham gia đấu giá phải được bọc bằng chất liệu bảo mật, có chữ ký của người trả giá tại các mép của phong bì đựng phiếu”. Căn cứ vào quy định này các tổ chức đấu giá đang lúng túng về chất liệu bảo mật bọc phiếu trả giá là chất liệu gì? Có tổ chức đấu giá cho rằng chỉ cần một tờ bìa dầy đóng kín 03 lần phiếu trả giá có chữ ký của khách hàng của phong bì đựng phiếu là đảm bảo bảo mật. Tuy nhiên, có tổ chức đấu giá cho rằng chất liệu bảo mật phải bao gồm 02 lớp: 01 lớp giấy than, 01 lớp giấy bạc. Lớp giấy than có ý nghĩa ghi khách hàng ký lên trên mép phong bì sẽ in chữ ký của chính khách hàng trên phong bì phiếu trả giá sau khi phiếu trả giá được niêm phong. Lớp giấy bạc có tác dụng tránh dùng các phương tiện kỹ thuật để soi giá của khách hàng đã trả. Quá trình thực hiện quy định này đã có tổ chức đấu giá nhận được phiếu trả giá được để trong chai nhựa hoặc ống nhựa, đổ bê tông ở hai đầu, sau đó cho vào một phong bì giấy ký các mép theo quy định. Khách hàng tham gia đấu giá cho rằng, phải đổ bê tông thì mới bảo mật được phiếu trả giá. Tại cuộc công bố giá tổ chức đấu giá phải dùng cưa để cắt bê tông lấy phiếu trả giá ra, loay hoay cả tiếng đồng hồ vì quy chế quy định phiếu trả giá hợp lệ là phiếu không được tẩy xoá, rách nát. Nếu cắt vào phiếu của khách hàng sẽ làm cho phiếu của khách hàng không hợp lệ.
Hai là, khách hàng tham gia đấu giá có quyền nộp phiếu trả giá như thế nào?
Cũng căn cứ vào Khoản 2 Điều 43 Luật đấu giá tài sản quy định: “Phiếu trả giá được gửi qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp và được tổ chức đấu giá tài sản bỏ vào thùng phiếu”. Căn cứ vào quy định này, khi xây dựng quy chế đấu giá tài sản đối với hình thức bỏ phiếu gián tiếp các tổ chức đấu giá cũng đang có 02 cách hiểu khác nhau.
Cách hiểu thứ nhất: Tổ chức đấu giá khi xây dựng quy chế đấu giá cần quy định khách hàng tham gia đấu giá có quyền được lựa chọn 1 trong hai cách nộp phiếu trả giá cho tổ chức đấu giá, hoặc là nộp qua đường bưu điện hoặc là đến tổ chức đấu giá nộp trực tiếp.
Cách hiểu thứ hai: Tổ chức đấu giá khi xây dựng quy chế có quyền lựa chọn một trong hai cách thức nộp phiếu. Hoặc là quy định trong Quy chế khách hàng phải nộp phiếu qua đường bưu điện, hoặc là quy định khách hàng phải đến nộp phiếu trả giá trực tiếp tại tổ chức đấu giá. Thực hiện quy định này trên thực tế đã có tổ chức đấu giá chỉ nhận phiếu trả giá qua đường bưu điện và có tổ chức đấu giá chỉ nhận phiếu trả giá tại tổ chức đấu giá. Và nếu chỉ nhận phiếu trả giá tại tổ chức đấu giá thì vô hình chung đã đang hạn chế khách hàng tham gia đấu giá. Nhưng các tổ chức đấu giá lại cho rằng Luật đấu giá đang cho phép được lựa chọn hoặc qua đường bưu điện hoặc là đến trực tiếp đều là hợp pháp. Và lựa chọn cách nào là do tổ chức đấu giá quy định cụ thể trong từng quy chế đấu giá, khách hàng tham gia đấu giá muốn mua tài sản đấu giá thì cần phải tuân thủ quy chế.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hình thức đấu giá trong Luật đấu giá tài sản
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 40 Luật đấu giá tài sản.
Theo đó cần quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật đấu giá tài sản như sau:
“Tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một hoặc kết hợp nhiều các hình thức sau đây để tiến hành cuộc đấu giá:
(a) Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;
(b) Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;
(c) Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
(d) Đấu giá trực tuyến”.
Thứ hai, cần bổ sung quy định cách thức trả giá đối với khách hàng trong đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp và đấu giá gián tiếp.
Thực tế thực hiện các hình thức bỏ phiếu trực tiếp và đặc biệt là hình thức bỏ phiếu gián tiếp có rất nhiều trường hợp khách hàng trả giá thấp hơn giá khởi điểm, để phiếu trắng không trả giá. Các khách hàng này tham gia đấu giá không phải với mục đích mua tài sản mà chỉ muốn tham gia vào cuộc đấu giá để muốn “ăn chia” với người có nhu cầu mua tài sản thực sự, lợi dụng để trục lợi, thông đồng, dìm giá. Bên cạnh đó, để thống nhất cách thức trả giá giữa các hình thức đấu giá cần phải quy định rõ cách thức trả giá như hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói. Theo đó, người tham gia đấu giá phải trả giáít nhất bằng giá khởi điểm trong trường hợp công khai giá khởi điểm. Vì vậy, cần bổ sung vào Điều 42, Điều 43 Luật đấu giá tài sản quy định: “khách hàng tham gia đấu giá phải trả giá từ giá khởi điểm trong trường hợp công khai giá khởi điểm”.
Thứ ba, sửa quy định về cách thức xác định người trúng đấu giá đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu gián tiếp theo hướng giống với cách thức xác định người trúng đấu giá theo hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói.
Theo đó người trả giá từ vòng bỏ phiếu đầu tiên phải chấp nhận giá khởi điểm (trong trường hợp công bố công khai giá khởi điểm), và giá trúng đấu giá phải cao hơn giá khởi điểm thì mới đúng với nguyên tắc đấu giá lên. Như vậy, Điều 42 của Luật đấu giá tài sản phải được sửa như sau: “Cuộc đấu giá kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá. Đấu giá viên công bố người trả giá cao nhất và công bố người đó là người trúng đấu giá với điều kiện giá đã trả ít nhất phải cao hơn giá khởi điểm trong trường hợp công bố công khai giá khởi điểm”.
Tương tự như trên thì đoạn 3 Khoản 3 Điều 43 của Luật đấu giá tài sản cũng phải sửa như sau: “Đấu giá viên công bố phiếu trả giá cao nhất và ít nhất giá đã trả phải cao hơn giá khởi điểm là người trúng đấu giá”. Thực tiễn cho thấy mục đích của đấu giá tài sản là làm gia tăng giá trị tài sản thông qua đấu giá. Bên cạnh đó, nếu tổ chức đấu giá được quyền xác định người trúng đấu giá chỉ bằng giá khởi điểm cũng cơ hội để các khách hàng thông đồng, dìm giá chỉ trả bằng giá khởi điểm, sau đó sẽ bốc thăm xác định người trúng đấu giá.
Thứ tư, bổ sung quy định về từ chối kết quả trúng đấu giá theo Điều 51 Luật đấu giá tài sản đối với trường hợp xác định có hai người trả giá liền bằng nhau.
Đây là tình huống rất hay xảy ra trong thực tiễn đấu giá tài sản đòi hỏi phải có quy phạm pháp luật điều chỉnh. Vì vậy, tác giả đề xuất bổ sung quy định này như sau: “Đối với cuộc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, trong trường hợp từ chối mua nêu trên mà có từ hai người trở lên cùng trả giá liền kề, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua thì tài sản được bán cho một trong những người trả giá liền kề đó, sau khi đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá”.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá gián tiếp quy định tại Điều 43 Luật đấu giá tài sản.
Một là, Luật đấu giá cần có hướng dẫn cụ thể hơn về cách thức bảo mật phiếu trả giá. Khách hàng có thể bảo mật bằng nhiều cách thức khác nhau như bọc giấy than, bọc giấy bạc trước… nhưng sau đó thống nhất phải cho vào phong bì của tổ chức đấu giá.
Hai là, sửa quy định Khoản 2 Điều 43 Luật đấu giá tài sản chặt chẽ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tham gia đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp: “Người tham gia đấu giá gửi phiếu trả giá qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp tại tổ chức đấu giá. Tổ chức đấu giá phải lập biên bản nhận phiếu trả giá với khách hàng trong trường hợp nhận phiếu trả giá trực tiếp. Trong trường hợp nhận phiếu trả giá qua đường bưu điện cũng phải lập biên bản ký xác nhận thời gian nhận phiếu trả giá với nhân viên bưu chính”./.
CHÚ THÍCH
- Tiến sỹ, Giảng viên Khoa Đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác, Học viện Tư pháp.
- Giảng viên Khoa Đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác, Học viện Tư pháp.
Trả lời