Sửa đổi về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
Tác giả: ThS. Đặng Thanh Hoa & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
TÓM TẮT
Bài viết phân tích thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, quy định này có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi luận bàn về một số vấn đề cụ thể như sau: (i) Hiểu như thế nào về “đối tượng tranh chấp là bất động sản”; (ii) Hướng dẫn cụ thể cách xác định Tòa án có thẩm quyền về lãnh thổ giải quyết vụ án hôn nhân gia đình hoặc vụ án thừa kế có tranh chấp về bất động sản; và (iii) Xác định nguyên tắc thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án đối với vụ án có đối tượng tranh chấp là bất động sản.
Xem thêm bài viết về “Thẩm quyền của Tòa án”
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình – TS. Nguyễn Văn Tiến
- Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới – ThS. Lê Thị Mận & TS. Lê Vĩnh Châu
- Thẩm quyền của Tòa án Trung Quốc đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – Kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
Điểm nhậphoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015[1] (BLTTDS năm 2015) quy định: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. So với quy định trước đây tại điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) (BLTTDS năm 2004),[2] quy định hiện hành đã sửa đổi cụm từ “tranh chấp về bất động sản” thành “đối tượng tranh chấp là bất động sản” và nhấn mạnh thêm “chỉ Tòa án…” để xác định Tòa án có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với các tranh chấp có đối tượng tranh chấp là bất động sản.
Quy định mới về cơ bản đã giải quyết được những bất cập quy định trước đây khi có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định như thế nào là tranh chấp vềbất động sản và khi có tranh chấp về bất động sản, liệu người khởi kiện có được lựa chọn Tòa án khác ngoài Tòa án nơi có bất động sản để giải quyết tranh chấp của họ hay không. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, chúng tôi cho rằng, nếu không có những hướng dẫn kịp thời và phù hợp thì việc xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ trong quy định mới này vẫn sẽ còn những bất cập và không thống nhất khi triển khai áp dụng trong thực tiễn xét xử. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi luận bàn về một số vấn đề cụ thể như sau: (i) Hiểu như thế nào là “đối tượng tranh chấp là bất động sản”; (ii) Hướng dẫn cụ thể cách xác định Tòa án có thẩm quyền về lãnh thổ giải quyết vụ án hôn nhân gia đình hoặc vụ án thừa kế có tranh chấp về bất động sản; và (iii) Xác định nguyên tắc thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án đối với vụ án có đối tượng tranh chấp là bất động sản.
1. Ý nghĩa của quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản
Quy định về nguyên tắc thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ nói chung và thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản nói riêng được xây dựng xuất phát từ mục đích và quan điểm của nhà lập pháp theo đó chỉ Tòa án nơi có bất động sản mới chính là Tòa án thuận lợi nhất khi giải quyết đối tượng tranh chấp là bất động sản. Tòa án nơi có bất động sản là chủ thể có điều kiện xác minh để giải quyết sát với thực tế thông qua việc xem xét, thẩm định tại chỗ (xác minh thực địa), cho định giá tài sản, thu thập tài liệu từ cơ quan nhà đất…[3] Như vậy, một khi đã xác định đối tượng tranh chấp là bất động sản, việc lựa chọn duy nhất Tòa án nơi có bất động sản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết cũng sẽ đảm bảo việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính các đương sự. Việc quy định thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ của Tòa án có ý nghĩa to lớn đối với các bên có liên quan. Đối với các đương sự, việc xác định được Tòa án có thẩm quyền xét xử tạo sự chủ động cho việc nộp đơn, tiết kiệm được thời gian. Đối với Tòa án, việc quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án giúp cho các Tòa án chủ động trong việc tiếp nhận đơn, hướng dẫn các đương sự nộp đơn đúng nơi, tránh được những mâu thuẫn chồng chéo giữa các tòa cùng cấp với nhau.
2. Thế nào là “đối tượng tranh chấp là bất động sản”?
Theo khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015), “bất động sản” bao gồm: đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng và các tài sản khác theo quy định của pháp luật. Do có đặc tính cố định nên bất động sản thường được điều chỉnh bởi các chế định đặc thù. Nói một cách rõ hơn, khi đối tượng tranh chấp liên quan đến đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng và các tài sản khác theo quy định của pháp luật dân sự, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án nơi có bất động sản giải quyết.
Có thể minh họa qua ví dụ sau đây:
A và B ký kết một hợp đồng cho thuê nhà, trong đó có ghi rõ B phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn và đầy đủ theo thỏa thuận trong hợp đồng này cho A. Trong trường hợp nếu B không trả tiền thuê nhà đúng thời hạn như đã cam kết với A và dẫn đến tranh chấp thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp?
Theo quy định của điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004 có thể hiểu đây là tranh chấp về bất động sản (“về bất động sản” được hiểu là liên quan đến bất động sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp). Ví dụ trên là tranh chấp liên quan đến bất động sản một cách gián tiếp, cụ thể về căn nhà cho thuê nên Tòa án có thẩm quyền được xác định là Tòa án nơi có bất động sản. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015, đối tượng tranh chấp trong trường hợp này là việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của bên thuê đối với bên cho thuê trong hợp đồng. Do đó, Tòa án nơi có bất động sản sẽ không có thẩm quyền xét xử trong trường hợp này.
Tuy nhiên, cũng với ví dụ trên, nếu sau khi hết hạn hợp đồng mà B không trả lại nhà cho A thì có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng cũng tương tự như trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán nêu trên, đây là vi phạm nghĩa vụ trả lại nhà nên đối tượng tranh chấp không phải là bất động sản mà đối tượng tranh chấp ở đây chỉ là hành vi trả lại nhà thuê cho người cho thuê. Quan điểm thứ hai ngược lại, xác định đây chính là trường hợp đối tượng tranh chấp là bất động sản – là căn nhà cho thuê.
Chúng tôi ủng hộ quan điểm thứ hai bởi lẽ: (i) đối tượng tranh chấp là bất động sản phải được hiểu đó là cái mà các bên đang có mâu thuẫn, xung đột và không thể giải quyết được. Mâu thuẫn và xung đột đó phải liên quan trực tiếp đến tài sản là bất động sản; (ii) một khi đã xác định đúng (i) cần phải hiểu rằng khi đó Tòa án nơi có bất động sản sẽ là Tòa án duy nhất thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp này như thế nào?có thể luận giải như sau: (i) A và B đang xung đột, mâu thuẫn về việc đòi lại căn nhà là bất động sản mà bên A đã giao cho bên B nhưng hết hạn bên B không chịu trả lại nhà. Cả A và B đều đang cho rằng mình có quyền nắm giữ căn nhà, rõ ràng tranh chấp này liên quan một cách trực tiếp đến căn nhà; (ii) trong trường hợp này chỉ có Tòa án nơi có căn nhà cho thuê tọa lạc (nơi có bất động sản) có thẩm quyền giải quyết là thuận lợi nhất về lãnh thổ để giúp Tòa án xem xét chứng cứ, tài liệu liên quan đến căn nhà. Hơn nữa cho đến khi bản án có hiệu lực và việc thi hành trên thực tế thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm là thuận lợi nhất để triển khai việc cưỡng chế thi hành án (nếu có)…
Cách lý giải trên cũng sẽ giúp chúng ta giải quyết thuận lợi khi vụ việc rơi vào tình huống được quy định tại khoản 2 Điều 106 BLDS năm 2015 – một quy định khá mới mẻ mà trước đây chưa tồn tại tại BLDS năm 2005: “Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Ví dụ, A ký hợp đồng mua căn hộ với B, tại thời điểm ký hợp đồng căn hộ chưa tồn tại. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, có tranh chấp do A không đóng tiền theo đúng tiến độ. Nếu tranh chấp xảy ra thì Tòa án có thẩm quyền không thể là Tòa án nơi có bất động sản vì đối tượng tranh chấp ở đây rõ ràng không phải là bất động sản mà là việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền của bên mua đối với bên bán. Tòa án thuận lợi nhất để giải quyết trong trường hợp này chỉ có thể là Tòa án nơi bị đơn cư trú (trừ khi các bên có thỏa thuận trước trong hợp đồng về Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của nguyên đơn). Bên cạnh đó, tại thời điểm Tòa án giải quyết, đối tượng tranh chấp ở đây là căn hộ chưa hình thành mặc dù bản thân đối tượng tranh chấp là bất động sản hình thành trong tương lai. Trong trường hợp đó, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 nếu được áp dụng dường như sẽ không mang tính thuyết phục.
3. Hướng dẫn cụ thể cách xác định Tòa án có thẩm quyền về lãnh thổ giải quyết vụ án hôn nhân gia đình hoặc vụ án thừa kế có tranh chấp về bất động sản
Khoản 4 Điều 8 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2004 quy định: “Trong vụ án về hôn nhân và gia đình, thừa kế tài sản… mà có tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 35 của BLTTDS”.
Theo hướng dẫn trên, trong vụ án về hôn nhân gia đình đơn cử như trong vụ án ly hôn, Tòa án có thẩm quyền giải quyết chỉ có thể là Tòa án nơi cư trú của bị đơn hoặc Tòa án nơi nguyên đơn cư trú nếu bị đơn đồng ý… mà không phụ thuộc có hay không có tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng là bất động sản. Rõ ràng, trong một vụ án ly hôn có thể có một hoặc/ và ba quan hệ tranh chấp mà Tòa án có thể giải quyết, gồm: hôn nhân, con cái và tài sản. Trong Tài sản chung vợ – chồng có tranh chấp và yêu cầu Tòa án phân chia có thể là động sản hoặc bất động sản (như nhà, quyền sử dụng đất).
Cụ thể hơn, khi giải quyết vụ án ly hôn có thể có tranh chấp về bất động sản nhưng tranh chấp đó không phải là tranh chấp chính trong vụ án ly hôn, bởi lẽ, Tòa án chỉ có thể giải quyết tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong vụ án ly hôn nếu Tòa án chấp nhận cho các đương sự ly hôn (Tòa án phải giải quyết quan hệ hôn nhân là tranh chấp chính trước). Do đó, đối với vụ án ly hôn nếu có tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng là bất động sản cũng không thể xác định Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết. Việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ nơi cư trú của bị đơn hoặc nơi cư trú của nguyên đơn nếu có sự thỏa thuận của bị đơn (tương ứng với điểm b, c khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004) để ưu tiên giải quyết tranh chấp chính và tiên quyết trong tranh chấp về quan hệ hôn nhân là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, nếu cần thiết, trong quá trình giải quyết vụ án này, Tòa án vẫn có thể chủ động áp dụng biện pháp ủy thác cho Tòa án nơi có bất động sản thu thập chứng cứ trong trường hợp cần thiết[4] (ví dụ: cần thu thập thông tin liên quan đến bất động sản là tài sản chung của vợ chồng khi hai vợ chồng đã thống nhất việc chấm dứt hôn nhân và Tòa án đang tiến hành giải quyết tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng).
Tuy nhiên, nếu áp dụng hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP nêu trên đối với trường hợp “thừa kế tài sản mà có tranh chấp về bất động sản” cho điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004 và đặc biệt nếu bảo lưu hướng dẫn này sẽ không phù hợp với quy định sửa đổi tại điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2015. Theo quan điểm của chúng tôi, khi các bên tranh chấp thừa kế tài sản mà có tranh chấp về bất động sản, cần phải hướng dẫn theo hướng tạo nên sự linh hoạt cho các đương sự nhằm tránh những tổn thất về thời gian và chi phí khi xác định Tòa án không thực sự thuận lợi để giải quyết.
Tham khảo quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án ở Nhật Bản được quy định tại Luật Tòa án[5] , Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản[6] (BLTTDSNB) và các đạo luật khác có liên quan, nguyên đơn có thể kiện bị đơn tại Tòa nơi bị đơn cư trú hoặc sinh sống. Đối với tranh chấp liên quan đến bất động sản, BLTTDSNB quy định rằng Tòa án nơi có bất động sản là nơi giải quyết vụ việc liên quan đến bất động sản.[7] Riêng các vụ việc liên quan đến quyền thừa kế, phần dành riêng theo quy định của pháp luật, hoặc vụ việc liên quan đến di tặng… thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nơi mở thừa kế.[8] Nếu tranh chấp liên quan đến tài sản thừa kế mà không thuộc về trường hợp nói trên, đối với những trường hợp toàn bộ hoặc phần lớn di sản tọa lạc tại một địa phương thì Tòa án nơi có bất động sản tọa lạc đó có thẩm quyền xét xử.[9] Như vậy, BLTTDSNB đã quy định khá cụ thể Tòa án nơi có bất động sản tọa lạc có thẩm quyền giải quyết khi đối tượng tranh chấp trong các vụ việc về thừa kế là bất động sản. Quy định này giúp cho việc giải quyết nhanh hơn, thuận tiện hơn. Trong thực tiễn, chúng ta có thể nghiên cứu và xây dựng các hướng dẫn tương ứng cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.
Ngoài ra, theo chúng tôi, cần xác định rằng đối với tranh chấp về chia di sản thừa kế mà di sản thừa kế là bất động sản, chỉ có Tòa án nơi có bất động sản mới có thẩm quyền giải quyết. Đối với trường hợp tranh chấp về chia di sản thừa kế liên quan đến bất động sản như phân chia khoản tiền đã bán tài sản thừa kế là bất động sản giữa các đồng thừa kế cần phải áp dụng thẩm quyền Tòa án nơi cư trú của bị đơn hoặc Tòa án nơi cư trú của nguyên đơn nếu các bên có thỏa thuận.
4. Xác định nguyên tắc thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án đối với vụ án có đối tượng tranh chấp là bất động sản
Điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 xác định nguyên tắc thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ là: chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết nếu đối tượng tranh chấp là bất động sản.
Qua nghiên cứu và so sánh nội dung quy định tương ứng tại khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004 với Điều 39 BLTTDS năm 2015 chúng tôi nhận thấy: BLTTDS năm 2004 không có quy định nào bắt buộc nguyên đơn khởi kiện tại nơi bị đơn cư trú hay nơi có bất động sản đối với các tranh chấp về bất động sản. Do vậy, trên thực tiễn, đối với các vụ án trong đó nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản thuộc hai địa phương khác nhau, các Tòa án chưa thống nhất trong việc xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004, trong trường hợp các đương sự lại có thỏa thuận về Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, có ưu tiên thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án nơi cư trú của nguyên đơn không?
BLTTDS năm 2015 đã giải quyết được hạn chế trên khi so với quy định cũ là “tranh chấp về bất động sản”, quy định mới xác định chỉ khi nào “đối tượng tranh chấp là bất động sản” mới xác định theo nguyên tắc “chỉ có Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Như vậy, quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 sẽ không áp dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, cần thiết nên có hướng dẫn cụ thể. Điểm b, khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật”. Do đó, theo chúng tôi, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành nghị quyết hướng dẫn theo hướng việc áp dụng quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ phải theo thứ tự ưu tiên như sau: (i) Nếu vụ án có đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ có Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết; (ii) Đối với vụ án mà đối tượng tranh chấp không phải là bất động sản, chỉ lựa chọn Tòa án nơi nguyên đơn cư trú hoặc có trụ sở nếu các bên có thỏa thuận; (iii) Nếu không thuộc trường hợp (i) và (ii), Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi cư trú hoặc có trụ sở của bị đơn.
Qua phân tích, có thể thấy rằng quy định về thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ của Tòa án tại điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 mặc dù đã có những bổ sung cụ thể, hợp lý nhưng vẫn còn khả năng gây ra một vài cách hiểu khác nhau. Chính vì lẽ đó, chúng tôi đề xuất các nhà làm luật xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS năm 2015 nên chú trọng đến các vấn đề nêu trên nhằm giúp các Tòa án áp dụng thống nhất và xác định nhanh, chính xác, đúng thẩm quyền của mình. Đồng thời, qua đó các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự cũng sẽ được bảo vệ một cách toàn diện, kịp thời./.
CHÚ THÍCH
*,**TS Luật học, giảng viên Khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
[1] Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
[2] Điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2004 quy định: “Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết nhưng tranh chấp về bất động sản”.
[3] Xem: TS. Trần Anh Tuấn (giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội), “Thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất”, http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/tham-quyen-cua-toa-an-trong-viec-giai-quyet-cac-tranh-chap-ve-quyen-su-dung-111at, truy cập ngày 16/8/2016.
[4] Điều 93 BLTTDS năm 2004 và Điều 105 BLTTDS năm 2015.
[5] Luật Tòa án Nhật Bản (Court Act) được ban hành ngày 16/4/1947.
[6] Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản (Code of Civil Procedure) được quy định lần đầu tiên vào năm 1890, được sửa đổi thành BLTTDS vào ngày 26/6/1996.
[7] Khoản (xii) Điều 5 BLTTDSNB.
[8] Khoản (xiv) Điều 5 BLTTDSNB.
[9] Khoản (xv) Điều 5 BLTTDSNB.
- Tác giả: TS. Đặng Thanh Hoa & TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06(100)/2016 – 2016, Trang 41-45
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời