Mục lục
Bài viết: Hướng sửa đổi quy định về thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc trong BLDS năm 2005
- Tác giả: Vũ Hùng Đức*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2015 (90)/2015 – 2015, Trang 51-56
TÓM TẮT
Người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc là một vấn đề luôn được xem xét khi di sản được phân chia theo di chúc, nhưng quy định về vấn đề này tại Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 670 Dự thảo lần thứ 4 Bộ luật Dân sự sửa đổi) vẫn còn nhiều điểm chưa rõ, khiến cho việc áp dụng điều luật chưa thống nhất. Trong bài viết này, tác giả nêu lên những điểm bất cập và đề xuất hướng sửa đổi.
ABSTRACT:
Heirs regardless the contents of a testament is always being considered when inheritance estate is distributed pursuant to will. However, provision about this issue at Article 669 of the 2005 Civil Code (Article 669 of the Fourth Draft of the Civil Code) are too unclear to be applied uniformly. In this essay, the author shows out shortcomings and suggests the way to amend this provision.
TỪ KHÓA: Thừa kế, Di chúc, Luật Dân sự, Góp ý sửa đổi Luật, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam.
Tài sản rất quan trọng với đời sống con người, và sở hữu tài sản là một quyền con người quan trọng, đảm bảo điều kiện vật chất cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân, qua đó đảm bảo sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Vì con người không thể mang theo tài sản khi chết, nên trên cơ sở tôn trọng quyền sở hữu tài sản, pháp luật thừa nhận quyền định đoạt lần cuối cùng, quyền định đoạt trước khi chết của một người đối với số tài sản cả đời dành dụm, tích góp bằng cách lập di chúc. Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”. Thông qua nội dung di chúc, người lập di chúc có một số quyền cụ thể được ghi nhận tại Điều 648 BLDS, trong đó có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế.[1]
Theo nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của chủ sở hữu, quyền của người lập di chúc cũng được pháp luật tôn trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể trong quan hệ thừa kế, dựa trên những chuẩn mực đạo đức về trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình với nhau, nhà làm luật đã can thiệp ở mức độ nhất định vào quyền định đoạt tài sản hợp pháp của một cá nhân. Điều này nhằm dung hòa giữa quyền (quyền định đoạt tài sản) với nghĩa vụ của cá nhân đó (nghĩa vụ về tài sản đối với các thành viên trong gia đình) bằng cách đưa ra một số quy định giới hạn phạm vi quyền tự định đoạt của người lập di chúc, trong đó có Điều 669 BLDS quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.
Trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (Dự thảo lần 4 ngày 05/01/2015) (sau đây gọi tắt là Dự thảo BLDS), Điều 669 BLDS đã được bổ sung thêm một đoạn, và được sửa thành Điều 670 Dự thảo BLDS với nội dung như sau:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 643 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 644 của Bộ luật này: a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; b) Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc nêu tại khoản 1 Điều này chỉ được hưởng phần di sản nếu họ vẫn còn sống vào thời điểm chia thừa kế”.
Trong bài viết này, tác giả xin nêu ra một số điểm chưa rõ ràng, còn bất cập trong quy định tại Điều 669 BLDS, Điều 670 Dự thảo BLDS và nêu ra hướng sửa đổi.
1. Những vấn đề pháp lý cần làm rõ trong thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Qua việc nghiên cứu các quy định về “lưu sản” trong pháp luật Việt Nam của các thời kỳ và tham khảo quy định pháp luật dân sự một số nước trên thế giới, có thể khái quát những vấn đề pháp lý cần phải được làm rõ trong quy định về “lưu sản” như sau:
– Vấn đề 1: Chủ thể thuộc diện được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc (tạm gọi là “người thừa kế bắt buộc”)
Quy định này khá khác nhau trong từng thời kỳ và ở mỗi quốc gia, chủ yếu do quan điểm của các nhà làm luật trong việc xác định “điểm cân bằng” giữa quyền tự định đoạt tài sản của người lập di chúc với nghĩa vụ về tài sản của họ đối với các thành viên trong gia đình sau khi họ mất đi.
Thông tư 81 năm 1981 của Tòa án nhân dân tối cao xác định: vợ góa hoặc chồng góa, con chưa thành niên hoặc tuy đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, bố mẹ già yếu và túng thiếu là những người thừa kế bắt buộc.
Trong BLDS hiện hành thì con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động thuộc diện hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc, trừ trường hợp những người này từ chối hưởng di sản hoặc không được quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật.
Còn trong quy định của BLDS Pháp thì những người thừa kế bắt buộc có thể là con (Điều 913), tôn thuộc dòng họ (nội hoặc ngoại) (Điều 914), vợ hoặc chồng (Điều 914-1) nếu họ không thuộc trường hợp bị tước quyền hưởng di sản (Điều 726) hoặc bị tuyên bố không xứng đáng được thừa kế (Điều 727).
Về vấn đề này, theo quan điểm của tác giả, việc quy định chỉ những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất mới có thể thuộc diện thừa kế bắt buộc như trong BLDS Việt Nam hiện nay là chưa hợp lý.
Có thể coi Điều 669 BLDS là sự can thiệp của các nhà làm luật, nên giữa việc xem xét chủ thể thuộc diện hưởng thừa kế bắt buộc với chủ thể thuộc diện hưởng thừa kế theo pháp luật cần có sự tương đồng nhất định. Vì vậy, các chủ thể thuộc hàng thừa kế thứ hai và thứ ba cũng nên được xem xét có thuộc diện hưởng thừa kế bắt buộc hay không? Tuy nhiên, vì mục đích của quy định về hàng thừa kế khác với mục đích của quy định về thừa kế bắt buộc, nên phạm vi cũng như điều kiện để được hưởng thừa kế bắt buộc không nhất thiết phải giống với phạm vi và điều kiện hưởng thừa kế theo pháp luật.
– Vấn đề 2: Điều kiện hưởng thừa kế bắt buộc
Theo Điều 669 BLDS, không phải chủ thể nào là con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất khả năng lao động, cha, mẹ, vợ hoặc chồng cũng đều đương nhiên thuộc diện hưởng thừa kế bắt buộc, mà còn phải kèm thêm điều kiện là họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó; trừ khi họ thuộc diện không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo quy định này, có thể hiểu rằng nếu những chủ thể thuộc diện thừa kế bắt buộc không được hưởng di sản theo di chúc hoặc được hưởng nhưng phần di sản theo di chúc không bằng phần di sản bắt buộc (2/3 suất thừa kế, nếu di sản được chia theo pháp luật) thì Điều 669 sẽ được áp dụng để họ được hưởng đủ phần di sản bắt buộc. Tuy nhiên, chúng ta đều biết một người được hưởng di sản không chỉ từ di chúc, mà có thể vừa hưởng di sản theo di chúc, vừa hưởng di sản theo pháp luật. Vậy thì trong trường hợp phần di sản hưởng theo di chúc ít hơn phần di sản bắt buộc, nhưng tổng số di sản mà người đó được hưởng theo di chúc và theo pháp luật lại bằng, hoặc lớn hơn phần di sản bắt buộc thì Điều 669 có cơ hội được áp dụng hay không? Điều 669 BLDS và Điều 668 Dự thảo BLDS đều không đề cập tới. Ở đây, dường như các nhà làm luật đã quên không tính đến phần di sản mà những người thừa kế bắt buộc có thể được nhận trong những trường hợp có phần di sản được chia theo pháp luật.
Theo tác giả, để xem xét có áp dụng quy định về hưởng thừa kế bắt buộc hay không, cần phải dựa trên kết quả so sánh giữa phần di sản bắt buộc với phần di sản mà người thuộc diện thừa kế bắt buộc được hưởng từ người lập di chúc (theo di chúc và theo pháp luật) chứ không phải chỉ so sánh với phần di sản mà người thuộc diện thừa kế bắt buộc được hưởng theo di chúc.
Ngoài những điều kiện trên, so với BLDS, trong Dự thảo BLDS còn bổ sung thêm một điều kiện nữa, là phải “còn sống vào thời điểm chia thừa kế” (khoản 2 Điều 668). Theo quy định trong BLDS, để được coi là người thừa kế thì chủ thể thừa kế chỉ cần còn sống hoặc tồn tại cho tới thời điểm mở thừa kế[2], chứ pháp luật không yêu cầu họ phải còn sống hoặc tồn tại cho tới khi chia thừa kế. Nhưng theo như quy định trên trong Dự thảo, thì điều kiện đưa ra có phần khắt khe hơn đối với những người thừa kế bắt buộc: “chỉ được hưởng phần di sản nếu … vẫn còn sống vào thời điểm chia thừa kế”. Điều đó có nghĩa là, nếu những người này còn sống tại thời điểm mở thừa kế nhưng chết trước thời điểm chia thừa kế thì họ sẽ không được hưởng di sản từ người lập di chúc nữa; còn nếu sau thời điểm chia thừa kế họ mới chết thì vẫn được hưởng di sản từ người lập di chúc.
Như vậy, việc bổ sung điều kiện này vào Dự thảo BLDS chỉ tạo nên hệ quả khác biệt so với BLDS nếu người thừa kế bắt buộc chết trước thời điểm chia thừa kế. Theo BLDS, ở trường hợp này thì trong quá trình phân chia di sản của người lập di chúc sẽ xuất hiện các đồng thừa kế của người thừa kế bắt buộc, còn theo Dự thảo BLDS, các đồng thừa kế của người thừa kế bắt buộc chỉ có cơ hội nhận di sản từ người thừa kế bắt buộc, chứ không có cơ hội nhận phần di sản từ người lập di chúc.
Sự khác biệt như vậy có ý nghĩa gì? Có lẽ Ban biên soạn Dự thảo BLDS cho rằng nếu người thừa kế bắt buộc chết trước thời điểm chia thừa kế thì trên thực tế họ không có cơ hội khai thác lợi ích của phần di sản mà họ được hưởng từ người lập di chúc, mà là những người đồng thừa kế của họ. Trong khi đó, mục đích của quy định về thừa kế bắt buộc là nhằm vào lợi ích của người thừa kế bắt buộc chứ không phải là những người đồng thừa kế của người thừa kế bắt buộc, nên họ đã bổ sung thêm điều kiện như vậy.
Tuy nhiên, tác giả không đồng ý với việc bổ sung điều kiện này, với hai lý do sau đây:
Thứ nhất, mục đích của việc quy định về quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là nhằm đem lại lợi ích cho người thừa kế bắt buộc, cho nên việc quy định thêm điều kiện để được được hưởng thừa kế bắt buộc, trong mọi trường hợp, đều hạn chế cơ hội được hưởng di sản của người thừa kế bắt buộc. Điều này đi ngược với mục đích ban đầu khi đưa ra quy định về hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Việc bổ sung thêm điều kiện chỉ có thể được chấp nhận khi chúng ta xem xét nó trong mối quan hệ với quyền định đoạt của người lập di chúc và lý do bổ sung thêm điều kiện là nhằm nâng cao quyền định đoạt của người lập di chúc. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta thấy rằng việc bổ sung thêm điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 668 Dự thảo BLDS dường như không phải vì mục đích này.
Bên cạnh đó, nếu áp dụng điều kiện được bổ sung, chúng ta thấy lợi ích của người thừa kế bắt buộc đã bị hạn chế, chứ không phải được mở rộng. Xu hướng chủ đạo của BLDS là mở rộng phạm vi quyền tự định đoạt của các chủ thể, trong đó có quyền định đoạt của người lập di chúc. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ chú ý tới việc mở rộng quyền này, thì vô hình trung đã bỏ mất quyền lợi của người thừa kế bắt buộc. Trong khi đó, ở một xã hội mà các giá trị đạo đức đang ngày càng xuống cấp như Việt Nam hiện nay, sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình ngày một lỏng lẻo, thì nhiệm vụ của pháp luật không phải chỉ nhằm bảo vệ tài sản thuộc quyền sở hữu của một cá nhân nào đó, mà còn phải góp phần duy trì, cải thiện những mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Do đó, quá đề cao quyền tự định đoạt của người lập di chúc mà ít quan tâm đến nghĩa vụ tài sản của họ đối với các thành viên trong gia đình, theo tác giả, chưa phải là một hướng đi đúng.
Thứ hai, nếu chúng ta lấy mốc thời gian là thời điểm chia thừa kế làm điều kiện, thì đây không phải là một mốc dễ xác định, nhất là trong những trường hợp hạn chế phân chia di sản (Điều 686 BLDS và Điều 685 Dự thảo BLDS), thì khoảng thời gian từ thời điểm mở thừa kế đến thời điểm chia thừa kế có thể bị kéo dài. Như vậy, cơ hội người thừa kế bắt buộc được hưởng di sản sẽ giảm đi, nhất là trong trường hợp họ là những người đã cao tuổi, hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo.
Với những lý do trên, tác giả cho rằng không nên đưa thêm điều kiện như khoản 2 Điều 668 Dự thảo BLDS.
– Vấn đề 3: Phần di sản bắt buộc
Đây cũng là một vấn đề nhằm xác định “điểm cân bằng” giữa quyền và nghĩa vụ của người lập di chúc. Theo ý kiến chủ quan của tác giả, 2/3 suất thừa kế theo pháp luật là một con số có thể chấp nhận được.
Như trình bày, nếu chúng ta mở rộng diện những người thuộc diện hưởng thừa kế bắt buộc, thì quy định về phần di sản bắt buộc cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp với từng nhóm người ở các hàng thừa kế khác nhau. Nếu không có người nào ở hàng thừa kế thứ nhất, hoặc có nhưng từ chối, có nhưng không đủ tư cách hưởng di sản thì tới lượt những người ở hàng thừa kế thứ hai được xem xét để hưởng thừa kế bắt buộc, với mức di sản bắt buộc được hưởng ít hơn (có thể là 1/3 suất thừa kế, nếu di sản được chia theo pháp luật). Tương tự, nếu không có người nào thuộc hàng thừa kế thứ nhất và hàng thừa kế thứ hai, hoặc có nhưng từ chối, có nhưng không đủ tư cách hưởng di sản thì tới lượt những người ở hàng thừa kế thứ ba được xem xét để hưởng thừa kế bắt buộc, với mức di sản bắt buộc ít nhất (có thể là 1/6 suất thừa kế, nếu di sản được chia theo pháp luật).
Về vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo pháp luật dân sự một số nước. Ví dụ như ở Pháp, tùy theo người thừa kế bắt buộc là ai, bao nhiêu người mà phần tài sản có thể tự do định đoạt cũng khác nhau (không vượt quá một nửa số tài sản, hoặc không vượt quá ba phần tư số tải sản của người để lại di sản)[3].
– Vấn đề 4: Cách trích di sản cho những người thừa kế bắt buộc
Nếu những vấn đề trên đã được quy định trong Điều 669 BLDS (mặc dù vẫn còn cách hiểu, cách giải thích khác nhau) thì vấn đề thứ tư này lại chưa được thể hiện trong điều luật này, dẫn đến trong quá trình áp dụng vẫn còn có quan điểm khác nhau.
Trong các văn bản quy định về vấn đề thừa kế, chỉ có Thông tư số 81 của Tòa án nhân dân tối cao là từng đề cập vấn đề này: “Sau khi đã trích chia cho những người thừa kế bắt buộc, Tòa án vẫn chiếu theo di chúc để phân chia số di sản còn lại cho những người được chỉ định trong di chúc, theo tỷ lệ phân quyền của họ”.
Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có dịp áp dụng Điều 669 BLDS theo hướng này tại Bản án số 402/2008/DS-PT ngày 24-4-2008: “Ông Tài chết ngày 22-8-1984, thừa kế mở, di chúc ngày 22-8-1983 của ông Tài phát sinh hiệu lực pháp luật. Tại thời điểm lập di chúc cho bà Hai được hưởng tài sản, ông Tài có hai người con: Bà Mai (con nuôi) và ông Hoa (con riêng của ông Tài) mắc bệnh tâm thần, do đó ông Hoa là người thừa kế bắt buộc không phụ thuộc vào nội dung di chúc, nên ông Hoa được hưởng ít nhất 2/3 suất thừa kế nếu thừa kế được chia theo pháp luật. Như vậy, di chúc ngày 22-8-1983 của ông Tài có hiệu lực một phần sau khi trừ phần thừa kế bắt buộc cho ông Hoa”.
Khác với quan điểm trên, nhóm tác giả của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng việc phân chia di sản thừa kế bắt buộc phải được tiến hành theo 05 bước sau: (1). Thực hiện di chúc; (2). Chia thừa kế phần di sản còn lại; (3). Xác định giá trị hai phần ba một suất thừa kế theo pháp luật; (4). Xác định những người thuộc diện thừa kế bắt buộc được hưởng di sản; và (5)_Trích phần di sản thừa kế của những người thừa kế khác để bù cho những người thừa kế bắt buộc.[4] Theo cách phân chia này thì Điều 669 chỉ được xem xét đến sau khi toàn bộ di sản đã được định đoạt theo di chúc (và theo pháp luật, nếu có).
Sẽ không có vấn đề để bàn luận nếu hai cách phân chia di sản nói trên không dẫn tới hai kết quả khác nhau. Tuy nhiên, nếu chịu khó tính toán một chút, chúng ta sẽ thấy rằng kết quả của hai cách chia không luôn giống nhau. Đối với những trường hợp mà toàn bộ di sản được định đoạt trong di chúc, và toàn bộ di chúc có hiệu lực pháp luật (hay nói cách khác là không dùng tới hình thức chia thừa kế theo pháp luật) thì việc áp dụng Điều 669 trước hay sau khi phân chia di sản theo di chúc không làm thay đổi kết quả phân chia di sản. Nhưng nếu trong quá trình phân chia mà có áp dụng hình thức chia thừa kế theo quy định của pháp luật thì việc áp dụng Điều 669 trước hay sau sẽ dẫn tới kết quả phân chia di sản khác nhau.
Bản thân tác giả đồng ý với cách phân chia di sản theo luồng quan điểm thứ hai. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào câu chữ nội dung Điều 669 BLDS thì chúng ta chưa thể khẳng định là các nhà làm luật muốn áp dụng Điều 669 BLDS trước hay sau khi phân chia di sản theo di chúc. Trong trường hợp điều luật không quy định rõ, thì chúng ta nên giải thích điều luật theo hướng tôn trọng quyền định đoạt của người lập di chúc, chứ không nên dựa vào những suy đoán chủ quan theo hướng đề cao sự can thiệp của pháp luật để làm hạn chế quyền định đoạt của các chủ thể (mà đây cũng là xu hướng chủ đạo trong việc sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2005).
Theo kết quả so sánh giữa hai cách chia di sản thừa kế bắt buộc, tác giả thấy trường hợp áp dụng Điều 669 sau cùng ít làm ảnh hưởng đến những phần di sản được định đoạt theo di chúc hơn là trường hợp áp dụng Điều 669 trước tiên[5]. Vì vậy, áp dụng Điều 669 sau cùng vẫn đảm bảo quyền lợi của những người thừa kế bắt buộc, mà lại ít tạo ra sự xáo trộn đối với quyền lợi của những người có tên trong di chúc hơn là áp dụng Điều 669 trước tiên.
Tóm lại, nhằm đảm bảo quyền lợi của những người thừa kế bắt buộc và quyền lợi của những người thừa kế khác, trên cơ sở tôn trọng quyền định đoạt của người lập di chúc và tuân thủ nội dung Điều 669, tác giả cho rằng Điều 669 cần phải được áp dụng sau cùng, sau khi đã phân chia di sản theo di chúc và theo quy định của pháp luật. Sau khi toàn bộ di sản đã được phân chia theo di chúc (và theo pháp luật, nếu có), chúng ta sẽ xác định 2/3 suất thừa kế theo pháp luật là bao nhiêu, những ai thuộc diện thừa kế bắt buộc, và số tài sản cần cắt giảm để bù phần còn thiếu cho những người thừa kế bắt buộc.
Tổng số tài sản cần cắt giảm thường dễ xác định, nhưng cắt giảm của ai, bao nhiêu là một vấn đề vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Theo tác giả, vì Điều 669 được ban hành với mục tiêu giới hạn quyền định đoạt của người lập di chúc, nên chỉ có những phần di sản nào nằm trong phạm vi quyền định đoạt của người lập di chúc mới bị xem xét để cắt giảm, còn những phần di sản được phân chia bởi quy định của pháp luật thì không bị tác động bởi điều luật này. Hệ quả của suy luận này là chỉ có những người được hưởng di sản theo di chúc mới có thể nằm trong nhóm người cần phải hoàn lại một phần di sản cho những người thừa kế bắt buộc. Đối với những người được hưởng di sản theo di chúc, chúng ta phân thành 2 nhóm: nhóm không thuộc diện thừa kế bắt buộc và nhóm thuộc diện thừa kế bắt buộc. Đối với nhóm thứ nhất, toàn bộ phần di sản họ nhận được từ di chúc sẽ được dùng để tính tỷ lệ phần di sản phải hoàn lại cho những người thừa kế bắt buộc. Đối với nhóm thứ hai – những người cũng thuộc diện thừa kế bắt buộc, nếu phần di sản họ được hưởng theo pháp luật lớn hơn hoặc bằng phần di sản bắt buộc (2/3 suất thừa kế, nếu di sản được chia theo pháp luật) thì toàn bộ phần di sản họ được hưởng theo di chúc sẽ được dùng để tính tỷ lệ phần di sản phải hoàn lại. Nếu phần di sản họ được hưởng theo pháp luật ít hơn phần di sản bắt buộc thì phần di sản còn lại sau khi đã dùng cả phần di sản được hưởng từ di chúc và theo pháp luật trừ đi phần di sản bắt buộc sẽ được dùng để tính tỷ lệ phần di sản phải hoàn lại cho những người thừa kế bắt buộc khác.
2. Hướng sửa đổi Điều 669 Bộ luật Dân sự
Theo những phân tích ở trên, có thể thấy nguyên nhân chính dẫn đến những vướng mắc trong áp dụng Điều 669 BLDS là do điều luật này chưa quy định đủ những vấn đề cần thiết. Với truyền thống lập pháp ở Việt Nam, sẽ là một vấn đề khó khăn nếu chúng ta muốn làm rõ cách áp dụng điều luật này chỉ bằng quy định trong BLDS, cho nên, sẽ tốt hơn nếu chúng ta đề cập những nội dung cơ bản trong BLDS, và hướng dẫn cụ thể những nội dung này thông qua Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (tương tự như cách Tòa án nhân dân tối cao đã làm với Thông tư 81).
Với những phân tích đã trình bày ở phần 2, tác giả đề xuất sửa đổi Điều 669 BLDS và góp ý Điều 668 Dự thảo BLDS theo hướng sau:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng một phần di sản của người lập di chúc trong trường hợp họ không được hưởng di sản hoặc được hưởng nhưng không đủ phần di sản theo quy định tại khoản 2 điều này nếu di sản được phân chia theo di chúc và theo pháp luật, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều … hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều …[6]của Bộ luật này:
a) Cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ chưa thành niên của người lập di chúc; con đẻ đã thành niên mà không có khả năng lao động của người lập di chúc;
b) Anh ruột, chị ruột, em ruột của người lập di chúc mà không có khả năng lao động.
2. Những người thuộc điểm a khoản 1 điều này được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất thừa kế theo pháp luật. Những người thuộc điểm b khoản 1 điều này được hưởng phần di sản bằng một phần ba suất thừa kế theo pháp luật.
Suất thừa kế theo pháp luật là phần di sản một người thừa kế theo pháp luật được hưởng nếu di sản được chia theo pháp luật.
3. Phần di sản giành cho những người nói trên được trích theo tỷ lệ từ những phần di sản mà người khác được hưởng theo di chúc”.
CHÚ THÍCH
* Giảng viên Bộ môn Pháp luật, trường ĐH An ninh nhân dân.
[1] Xem khoản 1, 2 Điều 648 BLDS.
[2] Xem Điều 635 BLDS năm 2005 quy định về người thừa kế: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.
[3] Xem các điều 913, 914, 914-1 Bộ luật Dân sự Pháp, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2005.
[4] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo trình pháp luật về tài sản, quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế, Nxb. Hồng Đức, Hội Luật gia Việt Nam, năm 2012, tr. 295 – 297, 396 – 403.
[5] Việc trình bày và so sánh kết quả giữa hai cách chia trong các trường hợp là khá dài, nên tác giả không trình bày cụ thể trong bài viết này.
[6] Hai dấu “…” trong đoạn này sẽ được thay đổi bởi một con số cụ thể, tùy thuộc vào sự thay đổi vị trí các điều luật có liên quan trong Bộ luật dân sự (sửa đổi). Do đó, tác giả không thể đưa ra một con số cụ thể.
Trả lời