Mục lục
Một số kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật về hợp đồng bảo hiểm con người trong Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010)
TÓM TẮT
Hợp đồng bảo hiểm con người là một chế định được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nghiên cứu bản chất của loại hình bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, con người cho thấy, hai loại hình bảo hiểm này có nhiều điểm khác biệt nhau. Do vậy, hai loại hợp đồng này cũng khác nhau. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đang gộp hai loại hợp đồng này thành hợp đồng bảo hiểm con người và áp dụng chung quy định. Những quy định này nếu áp dụng vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì phù hợp nhưng nếu áp dụng cho hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người lại không phù hợp. Chính vì vậy, để đảm bảo tính hiệu quả trong việc điều chỉnh của pháp luật, cần tách riêng hai loại hợp đồng này để có sự điều chỉnh chuyên biệt.
Xem thêm bài viết về “Hợp đồng bảo hiểm”
- Về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ – ThS. Trần Minh Hiệp
1. Đặt vấn đề
Pháp luật về hợp đồng nói chung và hợp đồng bảo hiểm nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng pháp lý cho các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng. Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, có đối tượng kinh doanh là rủi ro, là yếu tố hoàn toàn trừu tượng chưa hề tồn tại tại thời điểm giao kết hợp đồng nên các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này không những nhằm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên mà còn giúp các chủ thể tham gia quan hệ bảo hiểm định hình được sản phẩm bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm con người là một chế định được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm. Theo quy định của hai văn bản trên, hợp đồng bảo hiểm được chia làm ba loại: hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm con người. Trong đó hợp đồng bảo hiểm con người bao gồm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người. Cách quy định trên của pháp luật dựa vào đối tượng bảo hiểm và tính chất gánh chịu thiệt hại do rủi ro phát sinh từ đối tượng bảo hiểm của người được bảo hiểm. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành vẫn còn đánh đồng một số quy định áp dụng cho cả hai loại hợp đồng trên. Những quy định này nếu áp dụng vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì phù hợp nhưng nếu áp dụng cho hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, tai nạn con người lại không phù hợp.
Pháp luật được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Do vậy, tùy thuộc vào đặc trưng của các quan hệ xã hội mà pháp luật có quy định khác nhau. Để các quy định pháp luật về hợp đồng bảo hiểm con người áp dụng có hiệu quả trên thực tế, cần có những quy định riêng áp dụng cho hai loại hợp đồng bảo hiểm: nhân thọ và sức khỏe, tai nạn con người chứ không nên quy định chung như hiện nay.
2. Các loại hợp đồng bảo hiểm con người
Căn cứ vào các quy định của pháp luật[1] , có thể phân chia hợp đồng bảo hiểm con người thành hai loại: hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọlà hợp đồng có đối tượng bảo hiểm là tuổi thọ và tính mạng của con người. Đây là loại hợp đồng khá đặc biệt vì người mua bảo hiểm muốn bảo hiểm cho sự sống và chết của người được bảo hiểm. Mục đích của việc bảo hiểm không phải là bảo hiểm cho sự thiệt hại phát sinh từ hệ quả sống hoặc chết mà là người mua bảo hiểm muốn dành một khoản trợ cấp cho người thụ hưởng liên quan đến sự kiện sống hoặc chết của người được bảo hiểm.
Khi sự kiện bảo hiểm được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm là “chết” thì đây chính là loại hình bảo hiểm tử kỳ. Còn trong trường hợp, sự kiện được bảo hiểm là “sống” thì đây chính là loại hình bảo hiểm sinh kỳ. Tuy nhiên, có trường hợp hợp đồng bảo hiểm kết hợp cả hai yếu tố “sống” hoặc “chết” thì được gọi là hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp[2] . Theo Luật Bảo hiểm nhân thọ của Úc, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một hợp đồng bảo hiểm cung cấp một khoản tiền khi một người chết hoặc khi xảy ra sự kiện ngẫu nhiên liên quan đến sự sống hoặc chết của một con người[3] .
Ngoài sự kiện bảo hiểm làm phát sinh trách nhiệm trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm là sự sống hoặc chết của người được bảo hiểm, trong bảo hiểm nhân thọ, pháp luật cho phép doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế sản phẩm bảo hiểm kết hợp cả hai yếu tố rủi ro và tích lũy. Theo đó, đối với loại hình bảo hiểm này, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp dù không có sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng người mua bảo hiểm đã tích lũy đủ số tiền bảo hiểm thông qua hoạt động đóng phí. Đây là đặc trưng khác biệt giữa hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với các loại hợp đồng bảo hiểm khác.
Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con ngườilà loại hợp đồng có đối tượng bảo hiểm là tai nạn, bệnh tật, chăm sóc sức khỏe con người[4] . Trong hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người, người mua bảo hiểm hướng đến yếu tố chuyển giao thiệt hại mà nhẽ ra người được bảo hiểm phải gánh chịu khi có những sự kiện tác động đến bản thân người được bảo hiểm dẫn đến họ phải bỏ ra những chi phí để chữa trị hay chăm sóc sức khỏe sang doanh nghiệp bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm này mang tính chất bồi thường thiệt hại. Có nghĩa rằng, trách nhiệm trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra và người được bảo hiểm có đủ những bằng chứng đã bỏ ra những khoản chi phí để khắc phục các yếu tố rủi ro liên quan đến sức khỏe.
Như vậy, cùng nằm trong nhóm hợp đồng bảo hiểm con người nhưng tính chất của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người có sự khác biệt cơ bản. Nếu trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, số tiền bảo hiểm là một con số cố định mà doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả cho người thụ hưởng thì trong bảo hiểm sức khỏe con người, số tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể trả cho người thụ hưởng. Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra hoặc dù không có sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng đến hạn trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người thụ hưởng số tiền bảo hiểm đã xác định trong hợp đồng bảo hiểm. Còn đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra và dựa vào thiệt hại thực tế phát sinh. Ngoài yếu tố cùng hướng đến là rủi ro, thì hợp đồng bảo hiểm sức khỏe mang tính chất bù đắp thiệt hại, còn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mang tính chất tích lũy.
3. Các yếu tố thể hiện sự khác biệt giữa hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người
3.1. Yếu tố rủi ro và tích lũy
Trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đối tượng mà người mua bảo hiểm hướng đến để bảo vệ là tính mạng, tuổi thọ của con người, đây là những yếu tố không thể tính toán được về mặt giá trị. Hơn nữa, như đã phân tích, những yếu tố thuộc về đối tượng trong bảo hiểm con người mà pháp luật quy định là những gì thuộc về bản thân của mỗi người. Những yếu tố này thuộc về tự nhiên nhân, không thể qua mua bán hoặc trao đổi mà có được. Chính vì vậy, mục đích mà người mua bảo hiểm hướng đến trong bảo hiểm nhân thọ không chỉ là lợi ích về tài chính mà còn là quyền lợi gắn liền với sự tồn tại của một con người. Cụ thể, thông qua tính mạng, tuổi thọ của mình, người mua bảo hiểm được quyền để dành một khoản tài chính cho chính mình hoặc cho những người thân. Vì vậy, bảo hiểm nhân thọ không đơn thuần chỉ là sự bù đắp thiệt hại mà còn mang yếu tố tích lũy (tiết kiệm).
Tính chất rủi ro trong bảo hiểm nhân thọ còn liên quan đến việc bảo vệ sự sống và cái chết của con người. Điều này được thể hiện qua việc chi trả quyền lợi bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm dựa trên hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trả tiền bảo hiểm nếu người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định đối với bảo hiểm sinh kỳ, hoặc khi người được bảo hiểm chết trong một thời hạn nhất định đối với bảo hiểm tử kỳ. Lý do doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm trong bảo hiểm sinh kỳ là vì người được bảo hiểm vẫn còn sống và bên mua bảo hiểm đã thực hiện xong nghĩa vụ đóng phí (bảo hiểm sinh kỳ chủ yếu hướng đến mục đích tích lũy tài chính). Còn việc doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm trong bảo hiểm tử kỳ vì người được bảo hiểm chết. Việc người được bảo hiểm chết là một sự kiện để người này lấy chính mạng sống của mình làm đối tượng bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhằm để lại một khoản lợi ích tài chính nhất định cho người thụ hưởng. Trường hợp, nếu đây là loại hình bảo hiểm kết hợp giữa sinh kỳ và tử kỳ, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm khi người được bảo hiểm chết do rủi ro được bảo hiểm và cả trong trường hợp người được bảo hiểm không chết nhưng hợp đồng đã được đóng phí đầy đủ.
Trong các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, trách nhiệm bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh khi đối tượng bảo hiểm bị thiệt hại. Trong khi đó, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (trừ nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ thuần túy), ngoài trường hợp người được bảo hiểm gặp rủi ro được bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm còn phát sinh trong một số trường hợp khác như hết thời hạn hợp đồng, hoàn phí hay trả giá trị hoàn lại.
Đối với các hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người, trách nhiệm trả tiền bảo hiểm của doanh nghệp bảo hiểm chỉ phát sinh khi có rủi ro xảy ra. Rủi ro được bảo hiểm là những sự kiện tác động đến bản thân người được bảo hiểm dẫn đến họ bị tai nạn, bệnh tật, các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Như vậy, cùng là hợp đồng bảo hiểm con người nhưng yếu tố rủi ro và tích lũy chỉ được thiết kế trong các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mà thôi.
3.2. Nguyên tắc khoán
Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên, theo đó, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm, còn doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra hoặc theo cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm[5] .Hợp đồng bảo hiểm tài sản và trách nhiệm dân sự là loại hợp đồng mang tính chất bồi thường nên số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm căn cứ vào thiệt hại hoặc dựa vào tỷ lệ phí bảo hiểm. Tính chất bồi thường thể hiện rất rõ trong hai loại hợp đồng này. Tuy nhiên đối với hợp đồng bảo hiểm con người, mặc dù pháp luật quy định chung một tên gọi nhưng cách thức trả tiền bảo hiểm lại khác nhau.
Trong hợp đồng bảo hiểm con người, nếu đây là loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ áp dụng nguyên tắc khoán. Cụ thể, khi mua bảo hiểm, bên mua bảo hiểm sẽ đề nghị một số tiền bảo hiểm ấn định, trên cơ sở số tiền bảo hiểm đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tính phí bảo hiểm. Nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra hoặc đến thời hạn trả tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người thụ hưởng số tiền bảo hiểm ấn định theo cam kết. Số tiền bảo hiểm này không dựa vào thiệt hại thực tế phát sinh từ sự kiện bảo hiểm.
Tính chất “khoán” trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thể hiện rất rõ nét. Cụ thể, cùng một người được bảo hiểm, người mua bảo hiểm có thể yêu cầu số tiền bảo hiểm khác nhau cho từng hợp đồng bảo hiểm. Việc bên mua bảo hiểm đề nghị số tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không căn cứ vào vị trí, nghề nghiệp của người được bảo hiểm trong xã hội mà căn cứ vào khả năng tài chính của người mua bảo hiểm. Sở dĩ, bên mua bảo hiểm phải căn cứ vào khả năng tài chính của mình để đề nghị số tiền bảo hiểm vì nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm trong suốt thời gian của hợp đồng. Nếu trong thời gian thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không thể tiếp tục đóng phí bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực và hậu quả sẽ rất bất lợi cho bên mua bảo hiểm[6] .
Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra hoặc đã hết hạn đóng phí theo cam kết trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng. Số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả là số tiền mà bên mua bảo hiểm đã yêu cầu trong hợp đồng bảo hiểm. Đây là khoản tiền ấn định, doanh nghiệp bảo hiểm mặc nhiên phải trả đầy đủ mà không được phép viện dẫn các lý do căn cứ vào thiệt hại thực tế phát sinh hay mức độ tổn thất từ người được bảo hiểm. Khoản tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thể hiện sự cam kết chi trả tài chính vô điều kiện của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người thụ hưởng khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra hoặc hết thời hạn đóng phí của hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, nếu đây là loại hình bảo hiểm sức khỏe con người, cách thức trả tiền bảo hiểm lại có sự khác biệt. Số tiền bảo hiểm được quy định trong hợp đồng bảo hiểm chỉ là số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả cho người được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Cụ thể, nếu là loại hình bảo hiểm sức khỏe đơn thuần, khi người được bảo hiểm bị bệnh tật, trong phạm vi số tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả các chi phí chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Nếu chi phí chữa bệnh cho người được bảo hiểm nhỏ hơn số tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ. Trường hợp chi phí chữa bệnh lớn hơn số tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chi trả trong phạm vi số tiền bảo hiểm. Còn nếu đây là loại hình bảo hiểm tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trả tiền bảo hiểm theo một trong hai cách, hoặc là căn cứ vào chi phí mà người được bảo hiểm bỏ ra để chữa trị, hoặc căn cứ vào tỷ lệ thương tật để trả tiền bảo hiểm.
3.3. Cách thức đóng phí bảo hiểm
Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm. Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, phí bảo hiểm chính là giá cả của sản phẩm bảo hiểm. Đối với một sản phẩm bảo hiểm, phí bảo hiểm được định ra cao hay thấp phụ thuộc vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm.
Trong bảo hiểm con người, phí bảo hiểm phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, nơi cư trú của người được bảo hiểm. Đồng thời, với hai loại hình bảo hiểm khác nhau: bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe con người thì phí bảo hiểm cũng được tính khác nhau và cách thức đóng phí bảo hiểm cũng khác nhau.
Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng có thời hạn bảo hiểm rất dài (ít nhất là từ 5 năm trở lên), phí bảo hiểm thường được đóng làm nhiều lần. Hơn nữa, trong bảo hiểm nhân thọ, pháp luật cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế các sản phẩm bảo hiểm có sự kết hợp giữa yếu tố rủi ro và tích lũy, nên để thu hút người mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thường chia nhỏ phí bảo hiểm để bên mua bảo hiểm đóng nhiều lần. Cách thức đóng phí này tạo thuận lợi cho người mua bảo hiểm có thể tích lũy một số tiền bảo hiểm lớn từ việc đóng dần từng khoản phí bảo hiểm nhỏ trong thời gian bảo hiểm.
Đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người, do thời hạn của hợp đồng thường ngắn nên phí bảo hiểm chủ yếu được đóng một lần. Trên thực tế, các hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, tai nạn con người thường được ký kết với thời hạn một năm. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm quy định thời hạn của loại hợp đồng này phải dài như hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì chắc chắn người mua bảo hiểm sẽ ít tham gia. Sở dĩ, có thực trạng này bởi vì, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, tai nạn con người là hợp đồng mang tính chất đền bù thiệt hại hơn là nhằm mục đích đầu tư, tích lũy. Cách thức thu phí của loại hợp đồng này giống với các hợp đồng mang tính đền bù thiệt hại như hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, hợp đồng bảo hiểm tài sản. Trường hợp bên mua bảo hiểm chưa đóng đủ phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm được quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm đóng nốt khoản phí bảo hiểm còn lại. Nếu người mua bảo hiểm không chịu đóng, doanh nghiệp bảo hiểm được quyền khởi kiện đòi bên mua bảo hiểm thực hiện nốt nghĩa vụ đóng phí của mình.Còn trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc đóng phí bảo hiểm ngoài mục đích thể hiện trách nhiệm của bên mua bảo hiểm còn nhằm mục đích tích lũy nên nếu bên mua bảo hiểm sau khi đã đóng một số lần phí bảo hiểm mà không thể đóng tiếp các khoản phí bảo hiểm tiếp theo, thì hợp đồng có thể bị chấm dứt[7] .
Mặc dù pháp luật quy định, trong bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm có thể đóng phí bảo hiểm một lần hoặc nhiều lần, tuy nhiên theo tìm hiểu của tác giả, trên thực tế, tất cả các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điều thiết kế cách thức đóng phí bảo hiểm chia làm nhiều lần. Sở dĩ các doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết kế hợp đồng theo hướng chia nhỏ khoản phí bảo hiểm để đóng theo từng thời hạn là để vừa đảm bảo lợi ích cho người mua bảo hiểm vừa đảm bảo được mục đích tích lũy trong bảo hiểm nhân thọ. Việc đóng phí bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ mang tính chất từng lần và cuốn chiếu. Cụ thể, sau một thời gian đóng phí theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải tính luôn giá trị giải ước của hợp đồng đến thời điểm đó. Nếu hợp đồng bảo hiểm chấm dứt vào thời điểm nào thì doanh nghiệp bảo hiểm trả phần giá trị giải ước của hợp đồng đến thời điểm đó (sau khi trừ các chi phí có liên quan). Phần giá trị giải ước của hợp đồng sau khi trừ đi các chi phí có liên quan gọi là giá trị hoàn lại của hợp đồng.
Như vậy, trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sẽ không có trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm buộc người mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm. Nếu hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, bên mua bảo hiểm chưa đóng phí thì hợp đồng bảo hiểm đó chưa phát sinh hiệu lực pháp lý. Trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng được một hoặc một số lần phí bảo hiểm và không tiếp tục đóng phí bảo hiểm sau thời gian gia hạn mà pháp luật quy định thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng. Sở dĩ, pháp luật quy định như trên do xuất phát từ đặc trưng của bảo hiểm nhân thọ. Đối với loại hình bảo hiểm này, người mua bảo hiểm tham gia vào quan hệ bảo hiểm ngoài mục đích bảo vệ còn nhằm đạt được mục đích tích lũy tài chính. Việc tích lũy này thể hiện sự tích góp của người mua bảo hiểm thông qua việc đóng phí bảo hiểm theo từng tháng hoặc từng quý. Điều này cũng có nghĩa rằng, phí bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ được tính theo từng khoảng thời gian chứ không tính một lần cho toàn bộ thời gian bảo hiểm. Do vậy, trong quá trình bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm không còn đủ khả năng tài chính để theo đuổi mục đích tích lũy thì hợp đồng bảo hiểm sẽ dừng lại.
Quy định về đóng phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hoàn toàn khác biệt so với các quy định ở đóng phí ở loại hình bảo hiểm sức khỏe con người, tài sản và trách nhiệm dân sự. Đối với các loại hình bảo hiểm này, vì phí bảo hiểm thường được đóng một lần và phí được tính chung cho cả thời gian bảo hiểm nên việc đóng phí bảo hiểm cho hết thời gian của hợp đồng bảo hiểm là bắt buộc. Khi bên mua bảo hiểm chỉ mới đóng được một phần phí bảo hiểm và không tiếp tục đóng số phí còn lại (nếu bên mua bảo hiểm không thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm) thì doanh nghiệp bảo hiểm được quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm phải đóng tiếp khoản phí bảo hiểm còn lại.
4. Một số kiến nghị đối với quy định của pháp luật về hợp đồng bảo hiểm con người
4.1. Quy định riêng biệt cho hai loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe con người
Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người bao gồm: tính mạng, tuổi thọ, sức khỏe, tai nạn con người. Trong các yếu tố này, tuổi thọ và tính mạng liên quan đến sự sống và cái chết của con người, hai yếu tố này không thể tính toán được về mặt giá trị. Có nghĩa rằng, nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra (người được bảo hiểm chết hoặc vẫn còn sống đến hết thời hạn trong hợp đồng bảo hiểm) thì doanh nghiệp bảo hiểm không thể căn cứ vào thiệt hại thực tế từ hệ quả chết hoặc sống của người được bảo hiểm để tính tiền bảo hiểm. Thực chất, sự kiện người được bảo hiểm chết hoặc sống không thể tính toán được thiệt hại cụ thể vì mạng sống là vô giá. Do vậy, đối với loại hình bảo hiểm này, khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng một khoản tiền bảo hiểm theo cam kết trong hợp đồng bảo hiểm mà không được phép yêu cầu người mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm chứng minh thiệt hại thực tế.
Còn đối với loại hình bảo hiểm sức khỏe con người, mặc dù đối tượng bảo hiểm cũng là con người nhưng sự kiện bảo hiểm có thể chỉ dừng lại ở việc người được bảo hiểm bị bệnh tật hoặc thương tật mà thôi. Đối tượng được bảo hiểm là sức khỏe và tai nạn của con người, trong trường hợp này tính toán được thiệt hại, tức là những chi phí mà người được bảo hiểm bỏ ra để chăm sóc sức khỏe hoặc điều trị vết thương. Vì vậy, trên thực tế, khi chi trả bảo hiểm trong bảo hiểm tai nạn và sức khỏe con người, doanh nghiệp bảo hiểm thường yêu cầu người được bảo hiểm chứng minh thiệt hại thực tế thông qua việc đưa ra hóa đơn tiền viện phí, hóa đơn mua thuốc, các chi phí chăm sóc sức khỏe và điều trị thương tật…
Chính vì sự khác biệt về đối tượng bảo hiểm và tính chất thiệt hại giữa bảo hiểm tính mạng, tuổi thọ (bảo hiểm nhân thọ) với bảo hiểm sức khỏe, tai nạn con người mà pháp luật các nước đều có quy định riêng về hai loại hình bảo hiểm này. Cụ thể: Bộ luật Bảo hiểm của Pháp chia bảo hiểm thành hai loại: bảo hiểm phi hàng hải; bảo hiểm con người và bảo hiểm đầu tư. Trong đó, bảo hiểm con người và bảo hiểm đầu tư bao gồm: bảo hiểm nhân thọ và đầu tư (Life insurance and capitalisation); bảo hiểm thương tật cá nhân (Personal injury insurance); bảo hiểm tàn tật (Disablement insurance).[8] Luật Hợp đồng bảo hiểm Đức chia bảo hiểm thành: bảo hiểm trách nhiệm; bảo hiểm chi phí pháp lý; bảo hiểm vận chuyển; bảo hiểm cháy trong xây dựng; bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tàn tật nghề nghiệp; bảo hiểm tai nạn; bảo hiểm sức khỏe.[9] Luật về hợp đồng bảo hiểm của Israel cũng chia bảo hiểm thành: bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm tai nạn; bảo hiểm ốm đau; bảo hiểm tàn tật; bảo hiểm tài sản; bảo hiểm trách nhiệm.[10] Luật bảo hiểm của Philippines cũng chia bảo hiểm thành: bảo hiểm hàng hải; bảo hiểm cháy; bảo hiểm bảo đảm; bảo hiểm thương vong; bảo hiểm nhân thọ.[11] Luật Hợp đồng bảo hiểm của Australia cũng chia bảo hiểm thành: bảo hiểm tài sản; B bảo hiểm trách nhiệm; bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm tai nạn.[12]
Như vậy, có thể thấy rằng, luật bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm của các nước đều có sự tách bạch giữa loại hình bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tai nạn, sức khỏe.
Sự phân chia các loại hình bảo hiểm theo luật các nước là phù hợp. Chúng ta không nên đánh đồng giữa loại hình bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe con người vì tính chất và đối tượng của hai loại hình bảo hiểm này là khác nhau. Có thể do đã xác định được sự khác biệt này nên Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 đã phân chia các loại hình bảo hiểm thành: bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm phi nhân thọ; bảo hiểm sức khỏe. Tuy nhiên phần quy định về các loại hợp đồng bảo hiểm trong Luật Kinh doanh bảo hiểm thì vẫn giữ nguyên theo luật cũ. Cách quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010 đã phần nào phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng chưa trọn vẹn. Theo chúng tôi, cần tách hợp đồng bảo hiểm con người thành hai loại: hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người để có quy định riêng biệt.
4.2. Bổ sung quy định về cách thức trả tiền bảo hiểm trong bảo hiểm sức khỏe con người
Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì bảo hiểm tai nạn, sức khỏe con người thuộc về bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, vì đối tượng của bảo hiểm tai nạn, sức khỏe là những yếu tố thuộc về con người nên nếu quy định loại hình bảo hiểm này thuộc lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ là không đúng với tên gọi và bản chất của bảo hiểm phi nhân thọ. Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 đã tách bảo hiểm sức khỏe thành một loại hình bảo hiểm riêng với các sản phẩm bảo hiểm cơ bản là bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm y tế và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe[13] . Mục đích của bảo hiểm sức khỏe là doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả khoản tiền mà người được bảo hiểm bỏ ra để chữa bệnh, điều trị thương tật hoặc chăm sóc sức khỏe khi có những sự kiện xảy ra buộc người được bảo hiểm phải bỏ ra những chi phí này.
Mặc dù, bảo hiểm sức khỏe theo quy định của pháp luật hiện hành không phải là loại hình bảo hiểm phi nhân thọ nhưng nó lại mang tính chất bù đắp thiệt hại. Tính chất bù đắp thiệt hại này thể hiện ở chỗ nếu số tiền bảo hiểm cam kết lớn hơn những chi phí mà người được bảo hiểm bỏ ra thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng chỉ trả tiền bảo hiểm căn cứ vào thiệt hại (tức chi phí mà người được bảo hiểm đã bỏ ra). Trường hợp chi phí mà người được bảo hiểm bỏ ra lớn hơn số tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng chỉ trả tiền bảo hiểm trong phạm vi số tiền bảo hiểm đã cam kết.
Tuy nhiên, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta thấy rằng, nhà làm luật đang đánh đồng giữa loại hình bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Cụ thể, phần quy định về các loại hợp đồng bảo hiểm của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã đặt tên gọi: “hợp đồng bảo hiểm con người” áp dụng cho cả hai loại hình bảo hiểm trên. Cách quy định theo pháp luật hiện hành đã dẫn đến hệ quả sau đây:
– Nếu áp dụng theo quy định của pháp luật sẽ không đúng với bản chất của loại hình bảo hiểm. Cụ thể, như đã chứng minh, bảo hiểm tai nạn, sức khỏe là loại hình bảo hiểm nhằm bù đắp thiệt hại cho người mua bảo hiểm vì họ phải bỏ ra những chi phí khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Chính vì vậy, về nguyên tắc, người được bảo hiểm chỉ được nhận số tiền bảo hiểm bằng với những tổn thất mà mình phải gánh chịu (tức bằng với những chi phí mà họ đã bỏ ra để điều trị thương tật, chăm sóc sức khỏe…) Điều này cũng đã được khẳng định tại Điều 33, Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Căn cứ trả tiền bảo hiểm tai nạn, sức khỏe con người”. Mặc dù đã có quy định cụ thể như vậy, nhưng vì Luật Kinh doanh bảo hiểm xếp loại hình hợp đồng này chung với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, gọi chung là hợp đồng bảo hiểm con người và không quy định về bảo hiểm trùng nên gây khó khăn khi trả tiền bảo hiểm.
Như đã phân tích, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành, nếu người được bảo hiểm cùng được bảo hiểm tại nhiều hợp đồng bảo hiểm với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm thì các doanh nghiệp đều phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm độc lập theo từng hợp đồng. Cách trả tiền bảo hiểm như trên là không đúng với bản chất của loại hình bảo hiểm sức khỏe, tai nạn con người vì đây là loại hình bảo hiểm mang tính chất bù đắp thiệt hại. Việc pháp luật cho phép người được bảo hiểm được nhận tiền bảo hiểm tại nhiều hợp đồng bảo hiểm khác nhau với cùng một thiệt hại sẽ dẫn đến hậu quả tạo điều kiện cho việc trục lợi bảo hiểm.
Ví dụ, một người bị sốt xuất huyết được đưa vào bệnh viện điều trị, tổng chi phí cho 6 ngày nằm viện là 15 triệu đồng. Nếu người này có 3 hợp đồng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, theo quy định của pháp luật hiện hành, cả ba doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm căn cứ vào từng hợp đồng bảo hiểm độc lập (vì trong hợp đồng bảo hiểm con người không quy định hợp đồng bảo hiểm trùng). Như vậy, trong sự kiện trên, người được bảo hiểm sẽ được các doanh nghiệp bảo hiểm trả 45 triệu đồng tiền bảo hiểm (giả sử số tiền bảo hiểm của mỗi một hợp đồng lớn hơn 15 triệu), điều này sẽ là bất hợp lý. Sự bất hợp lý ở đây thể hiện ở chỗ người được bảo hiểm chỉ bỏ ra chi phí 15 triệu đồng nhưng lại được các doanh nghiệp bảo hiểm trả đến 45 triệu, khoản tiền 30 triệu người được bảo hiểm không phải bỏ ra nhưng vẫn được hưởng từ doanh nghiệp bảo hiểm. Trong khi đó, bản chất của bảo hiểm sức khỏe là bù đắp những chi phí mà người được bảo hiểm bỏ ra để chữa trị vết thương, chăm sóc sức khỏe.
– Nếu các doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ vào bản chất của bảo hiểm tai nạn, sức khỏe để đưa ra cách thức trả tiền không vượt quá chi phí mà người được bảo hiểm bỏ ra trong trường hợp có nhiều hợp đồng bảo hiểm được giao kết cho một đối tượng bảo hiểm thì không đúng với quy định của pháp luật. Trên thực tế, nếu rơi vào trường hợp này, các doanh nghiệp bảo hiểm đều rất lúng túng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận trả tiền bảo hiểm khi bên được bảo hiểm đã được nhận tiền bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm khác. Nhưng một số doanh nghiệp bảo hiểm lại không đồng ý với cách trả tiền này và giải pháp của họ là yêu cầu người mua bảo hiểm phải nộp chứng từ gốc.
Hệ quả của hai cách áp dụng trên đã tạo ra sự bất công bằng giữa những người tham gia bảo hiểm, đồng thời cũng tạo ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm. Thực trạng này cần thiết phải được chấm dứt và pháp luật cần đưa ra những quy định đúng với bản chất của từng loại hình bảo hiểm.
Theo ý kiến của tác giả, pháp luật được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội nên các quy định của pháp luật phải dựa vào bản chất của các quan hệ xã hội. Nếu chúng ta đưa ra những quy định pháp luật không phù hợp với bản chất của quan hệ xã hội thì quy định của pháp luật chỉ mang tính hình thức, không áp dụng được vào thực tiễn và không đạt được hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật. Ngoài ra, nếu pháp luật không gắn với thực tiễn đời sống sẽ tạo ra sự bất công trong quá trình áp dụng. Chính vì vậy, để cách thức trả tiền bảo hiểm sức khỏe con người phù hợp với bản chất của loại hình bảo hiểm này, pháp luật cần có quy định về hợp đồng bảo hiểm trùng trong bảo hiểm sức khỏe con người. Cụ thể, nếu trong bảo hiểm sức khỏe con người, có nhiều hợp đồng bảo hiểm cùng giao kết cho một người được bảo hiểm với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm thì tổng số tiền mà các DNBH phải chi trả không vượt quá chi phí mà người được bảo hiểm bỏ ra.
4.3. Kiến nghị thiết kế các điều khoản về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, tai nạn con người trong Luật Kinh doanh bảo hiểm
Như đã phân tích, pháp luật hiện hành về kinh doanh bảo hiểm đã gộp hai loại hình bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cùng quy định chung trong hợp đồng bảo hiểm con người. Xuyên suốt bài viết, tác giả đã chứng minh, bản chất của hai loại hình bảo hiểm này hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
– Đối tượng được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ là tuổi thọ và tính mạng của con người. Đây là những yếu tố không thể định giá. Dù có sự kiện bảo hiểm xảy ra trong bảo hiểm nhân thọ, các bên trong hợp đồng đều không thể tính toán được thiệt hại phát sinh. Còn đối tượng được bảo hiểm trong bảo hiểm sức khỏe con người là tai nạn, sức khỏe của con người. Đây là những yếu tố gắn chặt với con người nhưng nó khác với tính mạng và tuổi thọ. Tuổi thọ và tính mạng là sự sống và chết của con người. Còn sức khỏe và tai nạn là những yếu tố thuộc về bản thân đang tồn tại của chính người đó. Người ta có thể bỏ ra chi phí để chăm sóc sức khỏe, chữa trị vết thương, nhưng không thể định giá được mạng sống của một con người.
– Cách thức đóng phí bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe con người là khác nhau. Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm kết hợp yếu tố rủi ro và tích lũy, thời hạn bảo hiểm dài nên phí bảo hiểm chắc chắn phải được đóng nhiều lần. Còn bảo hiểm sức khỏe chỉ có yếu tố rủi ro, thời hạn bảo hiểm ngắn nên phí bảo hiểm thường đóng một lần. Trong bảo hiểm nhân thọ, nếu bên mua bảo hiểm không thể tiếp tục đóng phí bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt, doanh nghiệp bảo hiểm không được quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm phải tiếp tục đóng phí (vì bản chất của bảo hiểm nhân thọ là tích lũy đến từng giai đoạn của hợp đồng). Còn trong bảo hiểm sức khỏe, nếu bên mua bảo hiểm chưa đóng đủ phí, doanh nghiệp bảo hiểm được quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm đóng nốt khoản phí bảo hiểm còn lại (vì phí bảo hiểm trong bảo hiểm sức khỏe được tính cho cả thời gian của hợp đồng). Chính vì vậy, Điều 37, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định “trong bảo hiểm con người, nếu bên mua bảo hiểm không đóng hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm không được khởi kiện đòi bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm”là chưa phù hợp. Cụ thể, quy định này chỉ đúng với bảo hiểm nhân thọ nhưng không đúng với bảo hiểm tai nạn, sức khỏe với những lý do như đã phân tích ở các phần trước.
– Cách thức trả tiền bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cũng khác nhau. Bảo hiểm nhân thọ áp dụng nguyên tắc khoán, còn bảo hiểm sức khỏe áp dụng nguyên tắc đền bù. Chính vì vậy, trong bảo hiểm nhân thọ sẽ không có quy định về bảo hiểm trùng vì các hợp đồng bảo hiểm có giá trị độc lập. Nhưng nếu trong bảo hiểm sức khỏe không áp dụng quy định về bảo hiểm trùng sẽ là vô lý, vì cùng một thiệt hại, người được bảo hiểm sẽ nhận được nhiều khoản tiền từ các hợp đồng bảo hiểm khác nhau.
Những khác biệt trên đây là những khác biệt cơ bản thuộc về yếu tố lý luận. Đây là những yếu tố chi phối quy định của pháp luật về các loại hợp đồng bảo hiểm. Chính vì vậy, việc pháp luật phải tách riêng hai loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tai nạn, sức khỏe con người để điều chỉnh là cần thiết. Đồng thời những quy định của pháp luật về hợp đồng bảo hiểm con người trong Luật Kinh doanh bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm nhân thọ cần được giữ nguyên.
Cụ thể, bổ sung một điều khoản nêu khái niệm về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, theo đó, nội dung của điều khoản này là “Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng theo đó doanh nghiệp bảo hiểm thu phí bảo hiểm của người mua bảo hiểm và cam kết trả một khoản tiền ấn định hoặc một khoản trợ cấp cố định cho người thụ hưởng khi có những sự kiện tác động đến chính bản thân người được bảo hiểm hoặc theo cam kết trong hợp đồng bảo hiểm”.
Điều 31: Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Thêm khoản 1. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tuổi thọ và tính mạng của con người.
Khoản 2 giữ nguyên như luật định.
Điều 32: “Số tiền bảo hiểm” giữ nguyên.
Bỏ Điều 33, chuyển sang quy định cho hợp đồng bảo hiểm sức khỏe.
Điều 34, 35, 36, 37 giữ nguyên.
Điều 38: thay cụm từ “con người” theo quy định hiện hành bằng cụm từ “nhân thọ”. Các nội dung khác của điều khoản này giữ nguyên.
Điều 39: “Các trường hợp không trả tiền bảo hiểm” giữ nguyên.
Riêng đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người, tác giả kiến nghị về cách thức thiết kế các điều khoản và nội dung các điều khoản như sau:
Điều… “Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe là hợp đồng theo đó doanh nghiệp bảo hiểm thu phí bảo hiểm của người mua bảo hiểm và cam kết trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng dựa trên những khoản chi phí mà người được bảo hiểm phải bỏ ra để chăm sóc sức khỏe hoặc tai nạn khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra”.
Điều… “1. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm sức khỏe là sức khỏe và tai nạn con người
2- Bên mua bảo hiểm chỉ được phép mua bảo hiểm cho những người sau đây:
Bản thân bên mua bảo hiểm;
Vợ, chồng;
Những người có quan hệ huyết thống ba đời;
Người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng;
Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi được bảo hiểm”.
Điều… “Căn cứ trả tiền bảo hiểm sức khỏe con người” chuyển toàn bộ nội dung của Điều 33 sang.
Điều … “Nguyên tắc trả tiền bảo hiểm sức khỏe con người.
Trong hợp đồng bảo hiểm sức khỏe con người, khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải trả tiền bảo hiểm tối đa không vượt quá những chi phí mà người được bảo hiểm đã bỏ ra để chăm sóc sức khỏe, điều trị vết thương”.
Điều… “Hợp đồng bảo hiểm trùng.
1- Hợp đồng bảo hiểm trùng là hợp đồng bảo hiểm trong đó bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm cho một người được bảo hiểm tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.
2- Trong trường hợp giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền của tất cả các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá tổng chi phí mà người được bảo hiểm bỏ ra để điều trị thương tật hoặc chăm sóc sức khỏe.
3- Quy định về hợp đồng bảo hiểm trùng tại điều này không áp dụng đối với trường hợp người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn”.
Điều … “Không được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn
Trong trường hợp người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc đau ốm do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba gây ra, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà không có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người thụ hưởng. Người thứ ba phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật”.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Dân sự 2005”
- Một số góp ý về người thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 – Bàn về tư cách hưởng thừa kế của người được thành thai và sinh ra sau thời điểm mở thừa kế – TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng & ThS. Ngô Thị Vân Anh
- Hướng sửa đổi quy định về thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc trong Bộ luật Dân sự 2005 – ThS. Vũ Hùng Đức
- Bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự của CHLB Đức và một số liên hệ với bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự 2005 của Việt Nam – PGS.TS. Phan Huy Hồng
- Bàn về đổi mới chế định pháp nhân trong Bộ luật Dân sự 2005 – PGS.TS. Phan Huy Hồng
- Ba vấn đề về vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005: Kinh nghiệm nhìn từ Nhật Bản – TS. Nguyễn Quốc Vinh
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, Trưởng Bộ môn Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Xem khoản 3, Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010.
[2] Xem khoản 15, Điều 3, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
[3] Điểm 9, Phần 2, Luật Bảo hiểm nhân thọ Úc 1995.
[4] Xem Điểm 3, khoản 3, Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010.
[5] Khoản 1, Điều 12, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
[6] Xem Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 về đóng phí bảo hiểm nhân thọ.
[7] Xem Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
[8] Nguồn: Insurance code of France 1972.
[9] Nguồn: Insurance Contract Act 2008 of Germany.
[10] Nguồn: Insurance Contract Law of Israel 1981.
[11] Nguồn: The Insurance Code of the Philippines.
[12] Nguồn: Insurance Contracts Act 1984 – Australia.
[13] Điểm 3, khoản 3, Điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010.
- Tác giả: TS. Nguyễn Thị Thủy*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05/2014 (84)/2014 – 2014, Trang 24-32
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời