Bình luận bản án số 42/2010/DS-ST: Sính lễ trong pháp luật Việt Nam.
- Bình luận án lệ 12/2017/AL: Xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa
- Bình luận án lệ 26/2018/AL: Thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với thừa kế mở trước khi có BLDS 2015
- Bình luận bản án: Di chúc có công chứng, chứng thực
- Bình luận bản án: Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam
- Bình luận bản án: Điều kiện từ chối đăng ký, sử dụng tên miền
TÓM TẮT
Bản án được bình luận cho thấy trao nhận sính lễ trong giai đoạn chuẩn bị kết hôn là quan hệ tặng cho tài sản có điều kiện và có những tài sản sính lễ phải hoàn trả lại cho nhà trai trong trường hợp hôn nhân không diễn ra.
TỪ KHÓA: Bình luận bản án,
NỘI DUNG BẢN ÁN
Bản án số 42/2010/DS-ST ngày 15/6/2010 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành tỉnh Long An
XÉT THẤY
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
Ông Thát và bà Thoa đã tổ chức lễ đính hôn vào ngày 25 tháng 9 (Âm lịch) năm 2009. Tại lễ đình hôn, gia đình ông Thát đã trao cho bà Thoa các tài sản: một dây chuyền 05 chỉ vàng 24K, một vòng đeo tay (lắc) 05 chỉ vàng 24K, một đôi bông tai 01 chỉ vàng 24K và 2.000.000 đồng, tiền “nạp tài”, đồng thời, ấn định ngày tổ chức lễ cưới cho ông Thát và bà Thoa, ngày 25 và 26 tháng 01 (Âm lịch) năm 2010. Sau đó, từ việc ông Thát đọc được những tin nhắn trong điện thoại di động của bà Thoa, dẫn đến việc ông Thát nghi ngờ bà Thoa có quan hệ không trong sáng với người khác, làm phát sinh mâu thuẫn giữa ông Thát và bà Thoa. Ông Thát nhiều lần đề nghị bà Thoa hoãn đám cưới, vì tự ái, nên bà Thoa không đồng ý tiến hành lễ cưới theo như dự định. Ngày 09 tháng 01 (Âm lịch) năm 2009, theo lời mời của ông Đang và bà The, bà Nới, ông Gắt và ông Thát đã đến nhà của bà Thoa để bàn bạc về việc tổ chức lễ cưới và giải quyết mâu thuẫn giữa bà Thoa và ông Thát nhưng hai gia đình đã có lời qua tiếng lại, làm cho việc tổ chức lễ cưới của ông Thát và bà Thoa không thể diễn ra.
Do bà Thoa không đồng ý tổ chức lễ cưới cùng với ông Thát và bà The cũng không cho phép tổ chức lễ cưới như đã định nên ông Thát khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết, buộc bà Thoa, ông Đang và bà The hoàn trả lại cho ông nữ trang mà gia đình ông đã trao cho bà Thoa trong lễ đính hôn: một dây chuyền 05 chỉ vàng 24K, một vòng đeo tay (lắc) 05 chỉ vàng 24K, một đôi bông tai 01 chỉ vàng 24K, 01 chiếc nhẫn 0,2 chỉ vàng 18K và 2.000.000 đồng, tiền “nạp tài”.
Ngoài ra, ông Thát còn yêu cầu bà Thoa phải hoàn trả cho ông một chiếc điện thoại di động Nokia – 6300 mà ông Thát đã tặng cho bà Thoa và 2.000.000 đồng mà bà Thoa đã vay của ông Thát.
Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành thụ lý và giải quyết vụ án.
Ngày 04 tháng 5 năm 2010, bà Thoa có đơn yêu cầu phản tố buộc ông Thát, bà Nới và ông Gắt bồi thường cho bà tiền tổn thất về tinh thần do bị mất danh dự và nhân phẩm và bồi thường các chi phí chuẩn bị cho lễ cưới, tổng cộng là 32.200.000 đồng.
Việc trao nữ trang và tiền trong ngày lễ đính hôn giữa ông Thát và gia đình ông Thát với bà Thoa được xem là giao dịch tặng cho có điều kiện, điều kiện trong trường hợp này là việc bà Thoa và ông Thát sẽ tổ chức lễ cưới theo ngày giờ đã định.
Thế nhưng, xuất phát từ việc ông Thát nhiều lần đề nghị hoãn đám cưới dẫn đến việc bà Thoa và gia đình bà Thoa, vì tự ái, đã không đồng ý tổ chức lễ cưới, có nghĩa là, điều kiện tặng cho đã không được thực hiện trên thực tế.
Theo quy định tại Điều 470 BLDS, bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản.
Song, do cả ông Thát và bà Thoa đều có lỗi làm cho điều kiện của hợp đồng tặng cho không được thực hiện nên không có cơ sở buộc bà Thoa hoàn trả toàn bộ số tài sản theo yêu cầu của ông Thát.
Chính vì ông Thát đã nhiều lần đề nghị hoãn việc tổ chức lễ cưới dẫn đến việc bà Thoa cảm thấy bị xúc phạm nên không đồng ý tiếp tục lễ cưới như đã định nên ông Thát cũng phải chịu trách nhiệm đối với phần lỗi của mình.
Theo tập quán địa phương, hoa tai và tiền cho cô dâu may trang phục cưới là bắt buộc nên bà Thoa được quyền giữ lại. Các tài sản khác mà bà thoa đang quản lý là một dây chuyền 05 chỉ vàng 24K, một vòng đeo tay (lắc) 05 chỉ vàng 24K, bà Thoa phải hoàn trả lại cho ông Thát.
Mặt khác, không có cơ sở để chấp nhận quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thoa, khi cho rằng số nữ trang cho trong ngày lễ hỏi là “nữ trang” nên chỉ dành cho nữ, và vì thế, các tài sản đó, là do ông Gắt, bà Nới cho bà Thoa nên ông Thát khởi kiện là không đúng. Bởi vì, tại phiên tòa, bà Nới và ông Gắt đều chấp nhận để ông Thát khởi kiện và đều đồng ý những tài sản đó là tài sản chung của ông Gắt bà Nới và ông Thát nhưng ông bà cho ông Thát để ông Thát trao cho người sẽ là vợ của ông Thát.
Về yêu cầu phản tố của bị đơn, trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa, bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng bị đơn bị mất danh dự, uy tín, nhân phẩm do việc bị từ hôn và do bị bà Nới mắng chửi trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng lại không chứng minh được thiệt hại và mức độ thiệt hại theo quy định tại Điều 611 BLDS nên Tòa án không thể xem xét yêu cầu của bị đơn.
Đối với yêu cầu của bà Thoa buộc ông Thát, bà Nới và ông Gắt hoàn lại các khoản chi phí chuẩn bị trước ngày cưới, gồm: tiền đặt thiệp: 1.200.000 đồng, tiền thuê bàn ghế: 400.000 đồng, tiền thuê rạp: 400.000 đồng, tiền trang trí: 200.000 đồng cũng không có cơ sở chấp nhận, bởi việc lễ cưới không diễn ra là hậu quả trực tiếp của việc bà Thoa và gia đình bà Thoa không đồng ý tổ chức lễ cưới nên không thể buộc ông Thát và gia đình ông Thát hoàn trả các chi phí như yêu cầu phản tố của bị đơn.
Tại phiên tòa, ông Thát đã rút yêu cầu khởi kiện buộc bà Thoa hoàn trả cho ông 0,2 chỉ vàng 18K, một chiếc điện thoại di động Nokia–6300 mà ông Thát đã tặng cho bà Thoa và 2.000.000 đồng mà bà Thoa đã vay của ông Thát. Việc rút yêu cầu là tự nguyện và được Tòa án chấp nhận nên đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này.
Về án phí: (…).
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng Điều 470, Điều 611 Bộ luật Dân sự; Điều 131, Điều 218, Điều 243 và khoản 1 Điều 245 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
Buộc bà Thoa hoàn trả cho ông Thát 10 chỉ vàng 24K.
BÌNH LUẬN BẢN ÁN
1. Dẫn nhập
Lễ ăn hỏi[1] là một nghi thức trong phong tục hôn nhânViệt Nam. Trong lễ này, phía nhà trai thường trao cho nhà gái đồ sính lễ như trau, cầu, gạo, rượu, tiền, vàng, ngọc, áo…. Đây có thể xem là một phong tục, truyền thống tốt đẹp của Việt Nam và đôi khi cũng tồn tại ở một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp, do mâu thuẫn, hai bên không thể tiến đến hôn lễ chính thức là lễ cưới (kết hôn) và, từ đây, nảy sinh vấn đề phía nhà trai đòi lại sính lễ đã trao cho phía nhà gái. Vụ việc được bình luận là một ví dụ điển hình cho vấn đề vừa nêu. Cụ thể, tại lễ đình hôn, gia đình ông Thát đã trao cho bà Thoa các tài sản là một dây chuyền 05 chỉ vàng 24K, một vòng đeo tay (lắc) 05 chỉ vàng 24K, một đôi bông tai 01 chỉ vàng 24K và 2.000.000 đồng, tiền “nạp tài”. Sau đó việc kết hôn không diễn ra và phía nhà trai đòi lại sính lễ đã trao cho phía nhà gái.
Trong cổ luật, vấn đề sinh lễ đã phần nào được điều chỉnh trong văn bản. Chẳng hạn, Điều 314 Bộ luật Hồng Đức quy định: “không đủ sính lễ mà thành hôn với nhau một cách cẩu thả thì bị phạt”. Đồng thời, do bị chi phối sâu sắc bởi quan niệm Nho giáo và các quan niệm hôn nhân, tôn ti trật tự trong gia đình, các điều luật về hôn nhân và gia đình trong Bộ luật này đã bảo vệ gần như tuyệt đối vai trò của người cha, người chồng, người con trưởng khi có việc hủy hôn. Cụ thể tại Điều 315, Bộ luật Hồng Đức quy định: “người nào đã gả con gái rồi (tức đã nhận đồ sính lễ) mà lại thôi không gả nữa thì bị phạt 80 trượng và đem gả cho người khác mà đã thành hôn rồi thì bị xử tội đồ, người sau biết thế mà vẫn cứ lấy thì cũng bị xử tội đồ, người con gái đó phải gả cho người hỏi trước, nếu người đó không lấy nữa thì nhà người con gái phải bồi thường đồ sính lễ gấp đôi cho người đó”. Bên cạnh đó, Bộ luật Hồng Đức còn quy định tại Điều 322 rằng “Con gái hứa gả chồng mà chưa thành hôn nếu người con trai bị ác tật hay phạm tội hoặc phá tán gia sản thì cho phép người con gái kêu quan mà trả lại đồ lễ. Nếu người con gái bị ác tật hay phạm tội thì không phải trả lại đồ lễ, trái luật bị phạt 80 trượng”.
Ở Việt Nam hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc đòi lại sính lễ nên tồn tại các quan điểm khác nhau về câu hỏi nhà gái có phải hoàn trả hay không cho nhà trai sính lễ đã nhận từ nhà trai khi việc kết hôn cuối cùng không diễn ra[2] . Bản án được bình luận cho thấy đây là quan hệ tặng cho tài sản có điều kiện và có những tài sản sính lễ phải hoàn trả lại cho nhà trai.
* Tồn tại quan hệ hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện
2. Có quan hệ tặng cho tài sản
Về góc độ ngôn ngữ Tiếng Việt, tặng cho tài sản được thể hiện dưới nhiều góc độ khác nhau như: “Tặng cho để tỏ lòng quý mến”[3] ; “tặng cho là trao cho để khen ngợi, khuyến khích để tỏ lòng quý mến”[4] , hoặc “tặng cho là chuyển hẳn cho người khác dùng cái của mình có mà không lấy lại cái gì”[5] . Về góc độ “hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận” (Điều 465 BLDS 2005)[6] .
Khi trao nhận sính lễ, các bên không nói là việc trao nhận sính lễ là hợp đồng tặng cho và câu hỏi đặt ra là, trong quan hệ này, có tồn tại hợp đồng tặng cho tài sản không ? Tòa án đã có câu trả lời khá rõ khi xét rằng “việc trao nữ trang và tiền trong ngày lễ đính hôn giữa ông Thát và gia đình ông Thát với bà Thoa được xem là giao dịch tặng cho”.
Như vậy, đối với Tòa án, việc trao nhận sính lễ được coi là một giao dịch tặng cho tài sản. Đối chiếu quan hệ giữa các bên trong trao nhận sính lễ và khái niệm hợp đồng tặng cho tài sản nêu trên, chúng ta thấy việc Tòa án xác định tồn tại quan hệ tặng cho là chấp nhận được.
3. Có quan hệ tặng cho tài sản (tiếp)
Theo quy định trên, để có hợp đồng tặng cho tài sản, các bên liên quan phải có thỏa thuận theo đó một bên giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu tài sản này cho bên kia. Trong vụ việc được bình luận, yếu tố này của hợp đồng tặng cho được thỏa mãn vì phía nhà trai và nhà gái đã tự nguyện trao nhận tài sản cho nhau và thông thường việc trao nhận tài sản này với mục đích chuyển quyền sở hữu tài sản từ phía nhà trai sang nhà gái.
Vẫn theo quy định trên, để là hợp đồng tặng cho tài sản, việc chuyển giao tài sản phải không mang tính đền bù. Ở đây, “chỉ bên tặng cho chuyển giao lợi ích vật chất cho bên được tặng cho mà không nhận về một lợi ích vật chất nào”[7] và nếu như việc tặng cho ẩn chứa sau đó bất kỳ một nghĩa vụ nào đó mang ý nghĩa vật chất mà bên được tặng cho sẽ phải thực hiện vì lợi ích của bên tặng cho thì hợp đồng đó không được coi là hơp đồng tặng cho[8] . Ví dụ, nếu một hợp đồng mang tên “hợp đồng tặng cho tài sản” mà trong đó các bên thỏa thuận với nhau rằng “Bên A tặng cho bên B chiếc đồng hồ với điều kiện bên B phải tặng lại cho bên A chiếc xe đạp” thì hợp đồng đó phải được coi là hợp đồng trao đổi chứ không phải là hợp đồng tặng cho[9] .
Trong vụ việc được bình luận, phía nhà trai có trao tài sản cho phía nhà gái và không nhận lại lợi ích vật chất nào nên có thể cho rằng yếu tố không đền bù nêu trên cũng được thỏa mãn.
4. Việc tặng cho tài sản là có điều kiện
BLDS hiện hành có một số quy định về hợp đồng có điều kiện trong đó có hợp đồng có điều kiện phát sinh. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 125, “trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh”.
Ở đây, các bên đã thống nhất với nhau về hợp đồng nhưng việc hợp đồng có phát sinh hay không còn phụ thuộc vào một điều kiện (thông thường được hiểu là một sự việc trong tương lai chưa chắc chắn sẽ xảy ra). Khi điều kiện xảy ra thì hợp đồng phát sinh (tức tồn tại) còn, khi điều kiện không xảy ra, hợp đồng coi như chưa phát sinh với hệ quả là nếu các bên đã thực hiện như đã trao nhận tài sản thì các bên phải khôi phục tình trạng ban đầu. Khi quy định về tặng cho tài sản, BLDS có quy định về loại điều kiện đang được phân tích tại khoản 1 Điều 470 về Tặng cho tài sản có điều kiện theo đó “bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước khi tặng cho”. Việc bên tặng cho đặt ra yêu cầu nêu trên có thể được coi là đã đặt điều kiện cho việc tặng cho như chính tiêu đề của Điều 470 đã thể hiện. Khi bên được tặng cho không thực hiện yêu cầu trên (không thực hiện nghĩa vụ mà bên tặng cho đặt ra), chúng ta có thể cho rằng điều kiện để làm phát sinh hợp đồng tặng cho đã không xảy ra và lúc đó hợp đồng tặng cho chưa được coi là đã phát sinh (tổn tại) với hệ quả là, nếu bên tặng cho đã giao tài sản, tài sản phải hoàn trả cho bên tặng cho. Thực ra, khoản 3 Điều 470 BLDS đã thể hiện hướng giải quyết vừa nêu với nội hàm: “Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Quan hệ tặng cho sính lễ đã được phân tích ở trên có được coi là một dạng hợp đồng tặng cho có điều kiện với hệ quả nêu trên không? Theo Tòa án, “việc trao nữ trang và tiền trong ngày lễ đính hôn giữa ông Thát và gia đình ông Thát với bà Thoa được xem là giao dịch tặng cho có điều kiện, điều kiện trong trường hợp này là việc bà Thoa và ông Thát sẽ tổ chức lễ cưới theo ngày giờ đã định”. Ở đây, Tòa án không chỉ khẳng định tồn tại hợp đồng tặng cho tài sản “có điều kiện” mà nêu rõ nội dung của điều kiện là các bên “sẽ tổ chức lễ cưới”. Khi đưa ra hướng giải quyết vừa nêu, Tòa án đã vận dụng Điều 470 BLDS về Tặng cho tài sản có điều kiền và điều này cho thấy, đối với Tòa án, đây thực sự là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.
5. Việc tặng cho tài sản là có điều kiện (tiếp)
Điều 470 BLDS có tiêu đề là “Tặng cho tài sản có điều kiện” và, khi đi vào nội dung, Điều 470 chỉ đề cập trường hợp bên tặng cho “yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho”. Với quy định như vậy, khi các bên thống nhất “bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho” thì tồn tại hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Tuy nhiên, với tiêu đề và nội hàm của Điều 470, chúng ta có thể cho rằng điều kiện trong hợp đồng tặng cho không chỉ giới hạn ở việc “bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho”. Nói cách khác, đây chỉ là một trong những trường hợp có thể của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện và hoàn toàn có thể tồn tại điều kiện khác (tùy vào sự tưởng tượng của các bên liên quan) nên việc Tòa án xác định “sẽ tổ chức lễ cưới” là một điều kiện trong hợp đồng tặng cho là không trái với Điều 470 và là chấp nhận được.
Bên cạnh đó, Điều 470 BLDS theo hướng có thể tồn tại hợp đồng “tặng cho tài sản có điều kiện” nhưng không cho biết khi nào việc tặng cho là có điều kiện, điều kiện này phải là điều kiện minh thị hay có thể là điều kiện ngầm định. Do đó, điều kiện trong hợp đồng tặng cho hoàn toàn có thể là điều kiện ngầm định (không cần nói rõ) và việc Tòa án xác định tồn tại hợp đồng tặng cho có điều kiện xuất phát từ việc nhà trai trao sính lễ cho nhà gái là không trái với quy định của Điều 470 và, theo chúng tôi, là chấp nhận được. Ở đây, Tòa án đã theo hướng hợp đồng tặng cho có điều kiện (và điều kiện được thể hiện là việc bà Thoa và ông Thát sẽ tổ chức lễ cưới theo ngày giờ đã định) và điều kiện này là “ngầm định” giữa các bên khi trao nhận sính lễ. Thực ra, việc Tòa án “phát hiện” ra điều kiện “ngầm định” này là thuyết phục vì, khi phía nhà trai trao sinh lễ cho nhà gái, hoàn toàn có thể suy luận rằng nhà trai làm việc đó với ý định rằng kết hôn sẽ diễn ra (không ai tiến hành trao sính lễ cho nhà gái mà lại nghĩ rằng hay mong muốn rằng việc kết hôn sẽ không diễn ra)[10] .
Nói tóm lại, việc Tòa án “phát hiện” ra hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện như trên không trái với Điều 470 BLDS, là chấp nhận được và phần sau cho thấy đây cũng là hướng giải quyết ở nhiều nước trên thế giới.
6. Tính hợp pháp của điều kiện
Theo khoản 1 Điều 470 BLDS, “điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội” và câu hỏi đặt ra là điều kiện ngầm định nêu trên có đáp ứng yêu cầu này không ?
Theo Điều 39 BLDS, “nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn” . Ở đây, nam và nữ “có quyền tự do kết hôn” và đây “là một trong những quyền nhân thân quan trọng gắn với mỗi người”[11] . Điều kiện nêu trên có trái với nguyên tắc tự do kết hôn không? Thực ra, điều kiện trong hợp đồng tặng cho mà Tòa án phát hiện ra là “việc bà Thoa và ông Thát sẽ tổ chức lễ cưới theo ngày giờ đã định” không buộc các bên phải kết hôn. Điều kiện này không buộc bà Thoa cũng như ông Thát phải kết hôn với nhau nếu họ không mong muốn nên không trái với quy định về tự do kết hôn.
Thực ra, loại điều kiện trên khá phổ biến và không ảnh hưởng tới tự do kết hôn nên, theo chúng tôi, là không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội (chúng tôi cũng chưa thấy một bản án nào ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài xác định rằng loại điều kiện như trên là trái với quy định của pháp luật hay trái với đạo đức xã hội).
* Xử lý sính lễ trong trường hợp kết hôn không diễn ra
7. Xử lý theo tập quán địa phương
Nhiều địa phương có tập quán giải quyết vấn đề hoàn trả sính lễ khi hôn nhân không diễn ra. Theo phong tục một số nơi, nếu việc hôn ước bị hủy bỏ thì nhà gái sẽ phải mang lễ vật trả cho nhà trai[12] . Trong tập quán của dân tộc Jrai (Gia Lai), khi hỏi xong và chuẩn bị đám cưới một trong hai bên từ chối (không ưng) thì hai bên phải đưa ra lý do cụ thể. Bên nào vi phạm thì bồi thường 01 chiếc ghè (trị giá bằng 01 con bò), 01 con heo và các khoản chi phí phí ăn hỏi. Nếu sau khi hỏi mà một trong hai bên quan hệ với người khác và từ chối đám cưới thì bị phạt gấp đôi…[13] . Trong vụ việc được bình luận, Tòa án cũng xác định có “tập quán địa phương” về vấn đề hoàn trả (hay không hoàn trả) sính lễ. Tuy nhiên, rất tiếc là Tòa án không cho biết căn cứ vào yếu tố nào để Tòa án có thể xác định “tập quán địa phương” này tồn tại.
Khi tồn tại tập quán về việc hoàn trả sính lễ, câu hỏi đặt ra là Tòa án có áp dụng tập quán để giải quyết không? Trong vụ việc được bình luận, Tòa án đã áp dụng tập quán theo hướng một số sính lễ không phải hoàn trả cho phía nhà trai. Cụ thể, theo Tòa án, “theo tập quán địa phương, hoa tai và tiền cho cô dâu may trang phục cưới là bắt buộc nên bà Thoa được quyền giữ lại”. Thực ra, thực tiễn xét xử ở Việt Nam đã từng áp dụng tập quán để giải quyết vấn đề hoàn trả (hay không hoàn trả) sính lễ và vụ việc được Tòa thượng thẩm Sài Gòn giải quyết cách đây hơn một thế kỷ cho thấy điều này.
Cụ thể như sau : để chuẩn bị cho việc kết hôn giữa cô tư Cửu và con trai mình, ông Hào trao cho nhà gái nhiều tài sản nhưng việc kết hôn không được diễn ra. Sau đó hai gia đình có tranh chấp về những gì nhà trai đã trao cho nhà gái và được Tòa án Mỹ Tho giải quyết theo hướng buộc cô Cửu trả cho gia đình trai một khoản tiền tương ứng với giá trị những nữ trang (bông tai và vàng). Phía cô tư Cửu khiếu nại phúc thẩm tại Tòa thượng thẩm Sài Gòn và, trong Bản án ngày 3/01/1895, Tòa thượng thẩm Sài Gòn đã xét rằng “theo tập quán, có những tài sản chủ yếu sờ mó được như lá trầu, trái cau, bình rượu gạo, lợn, thùng gạo nếp đã được tiêu thụ trong buổi vui lễ gia đình không thể là đối tượng của việc hoàn trả bởi cha mẹ của nhà gái nếu hôn nhân không diễn ra”[14] .
8. Xử lý theo hợp đồng tặng cho có điều kiện
Trong vụ việc được bình luận,“việc tổ chức lễ cưới của ông Thát và bà Thoa không thể diễn ra”và câu hỏi đặt ra là việc này có theo hệ quả gì liên quan đến sính lễ đã trao nhận giữa các bên ?
Trong vụ việc được bình luận, Tòa án đã cho rằng “theo quy định tại Điều 470 BLDS, bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản”. Cụ thể, theo Tòa án,“các tài sản khác mà bà thoa đang quản lý là một dây chuyền 05 chỉ vàng 24K, một vòng đeo tay (lắc) 05 chỉ vàng 24K, bà Thoa phải hoàn trả lại cho ông Thát”. Trong vụ việc sau đây, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng áp dụng quy định về tặng cho tài sản có điều kiện để buộc phía nhà gái trả sính lễ cho nhà trai. Cụ thể, theo Tòa án, “ông Thọ giao cho nhà gái đôi bông hột xoàn, 20 chỉ vàng và 15.000.000đ tại Lễ đính hôn đã được chị Kha và bà Tư thừa nhận là có thật. Theo phong tục, tập quán thì việc tặng cho này chỉ hoàn thành khi anh Sơn và chị Kha kết hôn với nhau, nên số tiền, vàng chưa phải là tài sản của bên được tặng cho. Chị Kha và bà Tư đã trả lại cho ông Thọ đôi bông hột xoàn và 15.000.000đ xong. Ông Thọ chỉ đòi ½ số vàng là 10 chỉ vàng 24 K là đã có lợi cho bị đơn ; Đồng thời, vào ngày 12/01/2008 và ngày 07/3/2008, bà Tư cũng đã có bản cam kết trả lại cho ông Tho 10 chỉ vàng 24K, nhưng bà không thực hiện. Do vậy, bản án sơ thẩm đã buộc chị Kha và bà Tư phải trả lại cho ông Thọ 10 chỉ vàng là có căn cứ theo quy định tại Điều 256 và 470 của BLDS ”[15] .
Trong vụ việc được giải quyết cách đây hơn một thế kỷ đã được nêu trên, Tòa thượng thẩm Sài Gòn cũng theo hướng phía nhà trai được quyền đòi lại một số tài sản trong sính lễ (nhưng không nêu rõ trên cơ sở nào). Ở đây, sau khi không buộc phía nhà gái hoàn trả trầu, trái cau, bình rượu gạo, lợn, thùng gạo nếp đã được tiêu thụ, Tòa thượng thẩm Sài Gòn cho rằng “hoàn cảnh lại khác đối với nữ trang (bông tai, vàng) được trao trong những buổi lễ và không trở thành sở hữu của người vợ tương lai vì người này đã từ hôn ngay sau khi trao tặng bởi người chồng tương lai nhân dịp hôn lễ. Do đó, khi buộc Cửu thanh toán một khoản tiền 30 piastres, giá trị tương ứng với nữ trang trên, thẩm phán đã không vi phạm pháp luật An Nam”[16] .
9. Hướng xử lý ở nước ngoài
Trước khi đi vào đánh giá hướng giải quyết trên của Tòa án, chúng ta điểm qua pháp luật nước ngoài về chủ đề này. Thực ra, hướng giải quyết nêu trên của Tòa án ở Việt Nam (trước đây và hiện nay) không xa lạ trên thế giới. Ở Anh, Iceland[17] , và xứ Wales, pháp luật quy định chiếc nhẫn trao trong lễ đính hôn được xem là một món quà tuyệt đối của vị hôn thê. Tuy nhiên, trong trường hợp một bên chứng minh chiếc nhẫn được tặng với điều kiện (rõ ràng hay ngầm định) rằng nó phải được trả lại cho bên tặng nếu hôn nhân không diễn ra thì bên nhận phải có nghĩa vụ trả lại cho bên tặng[18] . Một trường hợp ở New South Wales (Úc): người đàn ông kiện vị hôn thê cũ của mình vì cô đã ném chiếc nhẫn đi, sau khi ông nói với cô ấy cô ấy có thể giữ nó kể cả khi hôn ước hủy bỏ. Tòa án tối cao New South Wales cho rằng, bất chấp những gì người đàn ông nói, chiếc nhẫn vẫn là một món quà có điều kiện và cô bị buộc phải trả tiền cho anh ta của một khoản tiền ($ 15.250) tương ứng với giá trị chiếc nhẫn đã bị ném.
Tại một một số tiểu bang như Owa, Kansa, Michigan, Minnesota, New Jersey, New Mexico, New York , Pennsylvania… của Mỹ, Tòa án theo quan điểm chiếc nhẫn đính hôn như một món quà có điều kiện (conditionail gift) hay là một lời hứa (ring as promise) cho việc hai bên sẽ tiến đến hôn nhân và nếu hôn ước bị hủy bỏ thì chiếc nhẫn sẽ phải trả lại cho bên tặng cho. Quan điểm của Tòa án thuộc các tiểu bang này cho rằng điều kiện trong trường hợp này không phải là đính hôn (engagement) mà là kết hôn (marriage), chính vì vậy nếu hôn ước bị hủy bỏ thì chiếc nhẫn đính hôn phải được trả lại cho người tặng. Cách tiếp cận này cũng theo trường phái không xem xét yếu tố lỗi, điều này có nghĩa không xem xét đến việc bên nào có lỗi dẫn đến hôn ước bị hủy bỏ[19] . Xin dẫn một ví dụ: Nguyên đơn là Barry Meyer và bị đơn là Robyn Mitnick. Hai bên đã tiến hành đính hôn vào tháng 9.1996. Vào thời điểm này, Barry tặng Robyn một chiếc nhẫn đính hôn theo phong tục với giá 19.500 USD. Ngày 8.11.1996, Barry yêu cầu Robyn ký một thỏa thuận tiền hôn nhân nhưng Robyn không đồng ý. Hai bên xảy ra mâu thuẫn và quyết định hủy bỏ hôn ước. Bên này cho rằng bên kia có lỗi dẫn đến sự tan vỡ này. Barry yêu cầu Robyn trả lại nhẫn nhưng Robyn không đồng ý. Ngày 2.12.1996, Barry khởi kiện ra Tòa với lý do chiếc nhẫn đính hôn là món quà có điều kiện với mong muốn hai bên sẽ kết hôn và khi sự kiện này không xảy ra, Robyn phải trả lại nhẫn cho anh ấy. Robyn phản tố cho rằng chiếc nhẫn là món quà vô điều kiện và việc hủy hôn là do lỗi của Barry nên chiếc nhẫn phải thuộc về cô ấy. Theo quyết định của Tòa án “chiếc nhẫn là quà tặng với mong muốn hai bên sẽ kết hôn và đây chính là điều kiện để sở hữu chiếc nhẫn. Kể từ khi các bên không thực hiện điều kiện kết hôn, Barry được quyền nhận lại nhẫn”. Tòa án cũng xác định không cần xem xét yếu tố lỗi trong việc xác định quyền sở hữu của chiếc nhẫn đính hôn sau khi hôn ước bị huỷ bỏ (trường hợp của Meyer v Mitnick, 625 NW2d 136 (Michigan, 2001)[20] .
Ở Pháp, việc xử lý tài sản trao nhận trong giai đoạn chuẩn bị kết hôn được quy định khá sớm trong văn bản và thực tiễn xét xử có khá nhiều ví dụ cụ thể.
10. Hướng xử lý ở nước ngoài (tiếp)
Theo Điều 1088 BLDS Pháp, «“tất cả tặng cho vì mục đích kết hôn sẽ hết hiệu lực nếu việc kết hôn không diễn ra”. Theo “tuyệt đại đa số các tác giả, việc hợp đồng tặng cho không còn hiệu lực vì không diễn ra điều kiện treo ngầm định. Ở đây, tặng cho được đưa ra với điều kiện treo là kết hôn được tổ chức. Nếu kết hôn không diễn ra, điều kiện không xảy ra và tặng cho không còn giá trị”[21] .
Theo thực tiễn xét xử, “để áp dụng Điều 1088, nguyên nhân dẫn đến việc không thực hiện dự án kết hôn này không quan trọng. Do đó, việc chấm dứt dự án kết hôn do phía nhà trai không tước đi của họ khả năng viện dẫn việc tặng cho không còn giá trị”[22] . Vẫn theo thực tiễn xét, điều luật trên được áp dụng ngay cả trong trường hợp bất khả kháng như trường hợp một bên chết[23] và ngay cả khi không có một hợp đồng tặng cho minh thị như việc chị gái của một bên trao cho bên kia một khoản tiền[24] hay bề ngoài là hợp đồng mua bán nhưng thực tế là hợp đồng tặng cho tài sản[25] . Tuy nhiên, việc tặng cho mang tính tiêu dùng không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định trên, tức người tặng cho không được đòi lại tài sản cho dù việc kết hôn không diễn ra. Dưới đây là một ví dụ cụ thể về việc hoàn trả (hay không hoàn trả) tài sản trao đổi trong giai đoạn chuẩn bị kết hôn. Cụ thể, người con trai đã trao cho người phụ nữ một khoản tiền, mua cho một chiếc xe hơi, máy vi tính và máy in. Sau đó việc kết hôn không diễn ra do lỗi của người con trai và đôi bên có tranh chấp. Theo Tòa án, khoản tiền và giá trị chiếc xe phải hoàn trả cho người con trai vì đây là tặng cho tài sản vì mục đích kết hôn; máy tinh và máy in không phải hoàn trả cho người con trai vì đây là tặng cho mang tính tiêu dùng. Vẫn theo Tòa án, việc chấm dứt do lỗi của người con trai (có lạm dụng trong việc chấm dứt) nên phải bồi thường cho người con gái một khoản tiền cho tổn thất về tinh thần[26] .
Như vậy, tuy có quan điểm khác nhau về việc giải quyết hậu quả của việc kết hôn không xảy ra liên quan đến tài sản (nhất là nhẫn đính hôn) trao đổi khi việc kết hôn không diễn ra nhưng hiện nay phần lớn các nước theo hướng đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện và trong trường hợp điều kiện không xảy ra (việc kết hôn không diễn ra) thì bên được tặng phải phải trả lại chiếc nhẫn đính hôn cho bên tặng.
11. Bất cập từ việc áp dụng tập quán
Ở Việt Nam, việc áp dụng tập quán để giải quyết các vấn đề dân sự đã được ghi nhận trong một số văn bản. Cụ thể, theo Điều 3 BLDS, trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này”. Khả năng áp dụng tập quán trên cũng được ghi nhận tại Điều 6 Luật hôn nhân và gia đình theo đó“trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại Luật này thì được tôn trọng và phát huy”.
Với quy định trên của BLDS, chúng ta chỉ áp dụng tập quán khi thỏa mãn một số điều kiện[27] .Thứ nhất, tập quán chỉ được áp dụng “trong trường hợp pháp luật không quy định”. Luật hôn nhân và gia đình hiện hành cũng như các văn bản khác mà chúng tôi biết không có quy định về chủ đề đang được nghiên cứu nên có thể xác định điệu kiện thứ nhất được thỏa mãn trong việc giải quyết yêu cầu hoàn trả sính lễ[28] . Thứ hai, “tập quán không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật”dân sự. Điều kiện này cũng được thỏa mãn trong vụ việc được bình luận vì không có cơ sở để khẳng định tập quán trên trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật dân sự. Thứ ba, tập quán chỉ được áp dụng khi “các bên không có thoả thuận”. Ở đây, thỏa thuận của các bên được ưu tiên áp dụng trước tập quán và dường như điều kiện này không được đáp ứng trong vụ việc được bình luận vì phần trên đã cho thấy các bên đã có thỏa thuận (ngầm) rằng đây là tặng cho tài sản có điều kiện.
Như vậy, xét từ BLDS về điều kiện áp dụng tập quán trong việc giải quyết yêu cầu hoàn trả sính lễ, hướng giải quyết của Tòa án là chưa phù hợp với văn bản.
12. Hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam
Tuy nhiên, nội dung hướng giải quyết của Tòa án (vấn đề hoàn trả sính lễ trước tiên được giải quyết theo tập quán và khi không có tập quán hay tập quán không điều chỉnh một số sính lễ thì được giải quyết theo hợp đồng) là thuyết phục, cần được duy trì và phát triển.
Thực ra, trao đổi sính lễ gắn liền với phong tục tập quán của nhiều địa phương Việt Nam và việc hoàn trả sính lễ là lĩnh vực thuộc sự giao thoa giữa tập quán và pháp luật nên cần có sự dung hòa giữa tập quán của địa phương và quy định của pháp luật. Trong vụ việc được bình luận, Tòa án vừa áp dụng tập quán, vừa áp dụng quy định của BLDS 2005 để giải quyết hậu quả của kết hôn không diễn ra nhưng chúng ta đã thấy việc ưu tiên áp dụng tập quán so với thỏa thuận (được pháp luật ghi nhận) chưa thực sự phù hợp với Điều 3 BLDS. Tuy nhiên, trao nhận sính lễvốn là truyền thống tốt đẹp của Việt Nam nên, trong trường hợp có tranh chấp, sẽ là thuyết phục nếu trước hết chúng ta giải quyết trên tinh thần phong tục truyền thống địa phương nơi các bên sinh sống.
Để tạo điều kiện cho thực tiễn trong việc giải quyết các yêu cầu hoàn trả sính lễ như trong vụ việc được bình luận, chúng ta nên có quy định (trong Luật hôn nhân và gia đình hay văn bản liên quan) về thứ tự ưu tiên áp dụng tập quán khác với Điều 3 BLDS hiện hành nhằm đáp ứng những đặc thù riêng của vấn đề sính lễ. Ở đây, chúng ta có thể quy định rằng, trong trường hợp kết hôn không diễn ra, sính lễ được giải quyết theo tập quán địa phương nếu tập quán không trái pháp luật, đạo đức xã hội và, trong trường hợp không có tập quán, theo thỏa thuận của các bên hay quy định của pháp luật[29] .
CHÚ THÍCH
[1] Trần Diễm Thúy, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb.Văn hóa – Thông tin, 2009, tr. 120.
[2] Những văn bản pháp luật ban hành thời Pháp thuộc điều chỉnh vấn đề sinh lễ. Dân luật Bắc Kỳ (ban hành năm 1931) và Hộ luật Trung Kỳ (ban hành năm 1935) đã dành hẳn một chương (từ Điều 68 đến Điều 72) quy định về giá trị pháp lý của sính lễ. Cụ thể, Điều 70, 71 Thiên thứ V, chương I phần sính lễ của Dân luật Trung Kỳ quy định: “có sính lễ là có hứa giá thú, lời hứa ấy bao giờ cũng có thể do một người hứa giá thú hay cha mẹ người ấy xin bỏ đi” (Điều 70); “bên nào xin bỏ lời hứa về việc giá thú mà không có duyên cớ gì chính đáng hoặc vì sự lỗi của bên ấy, thì phải chịu trách nhiệm bồi tổn hại. Nếu việc hứa giá thú bị bãi vì một người hứa giá thú mệnh một, thì không phải bồi thường gì cả” (Điều 71). Dân luật Trung kỳ chỉ quy định nếu bãi hôn thì phải bồi thường thiệt hại, không nêu rõ sính lễ đã trao có phải trả lại hay không? Vấn đề này Hộ luật Trung Kỳ quy định rõ hơn: Nếu người con gái hay cha mẹ bên nhà gái không duyên cớ gì chính đáng mà bãi hôn thời phả bồi hoàn lễ ước hôn hay giá tiền lễ ấy, lại có khi phải bồi thường tổn hại cho người con trai hoặc nhà trai nữa. Trái lại nếu tự người con trai hay nhà trai bãi hôn mà không có duyên cớ chính đáng, thời phải mất những đồ lễ ước hôn và cũng có khi phải bồi thường tổn hại cho người con gái hoặc nhà gái nữa. Nếu vị một bên con trai hay con gái có lỗi mà sinh ra sự bãi hôn, thời bên có lỗi cũng phải bồi thường tổn hại cho bên kia (Điều 71, thiên thứ V – giá thú, chương thứ 1 Lễ ước hôn).
[3] Văn Tân, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, 1967, tr. 920.
[4] TT KHXH và Nhân văn, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2006, tr. 1064.
[5] Nguyễn Như Ý (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Giáo dục Hà Nội, tr. 562.
[6] Về khái niệm tặng cho tài sản, xem Nguyễn Hải An, Pháp luật về tặng cho quyền sử dụng đất ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2012, tr. 14.
[7] Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam 2010, tr. 122.
[8] Bùi Đăng Hiếu,Tính chất đền bù của hợp đồng dân sự, Tạp chí luật học, tháng 11/2006.
[9] Bùi Đăng Hiếu,Tính chất đền bù của hợp đồng dân sự, Tạp chí luật học, tháng 11/2006.
[10] Về việc Tòa án “phát hiện” ra điều kiện phát sinh hợp đồng trong thực tế, xem thêm Đỗ Văn Đại,Luật hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án(xuất bản lần thứ 5), Nxb. CTQG 2013, Bản án số 18-20.
[11] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học BLDS năm 2005, Tập I, Nxb. CTQG 2008, tr. 93.
[12] Trương Đình Tín, Phong tục Việt Nam (Quan –hôn – tang – chế), Nxb Đà Nẳng, năm 2002, tr. 83.
[13] Trần Xuân Hiệp,Tập quán về hôn nhân và gia đình ở Tỉnh Gia Lai, Thông tin khoa học pháp lý, 5/1998, tr. 59.
[14] Xem Journal judiciaire de la cochinchine et du Camboge 1896, tr. 90 và 91.
[15] Bản án số 192/2009/DSPT ngày 24/7/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
[16] Xem Journal judiciaire de la cochinchine et du Camboge1896, tr. 90 và 91.
[17] Section 3, arrangement of section, Family Law action.
[18] Section 3(2) Of The Law Reform (Miscellaneous Provisions) Act 1970.
[19] http://marriage.about.com/od/rings/a/ringreturn.htm.
[20] .http://traversecityfamilylaw.com/Documents/Meyer_v_Mitnick.pdf.
[21] N.Levillain, Fasc. 10: LIBÉRALITÉS, Dispositions par contrat de mariage–Donations de biens présents: Jurisclasseur civil 2009, phần số 48.
[22] CA Douai, 28 oct. 2002, n° 01/04301: JurisData n° 2002-209226.
[23] T. civ. Seine, 18 juill. 1923: DP 1923, 2, tr. 206.
[24] CA Paris, 2e ch. A, 12 sept. 1990: JurisDatan° 1990-024525.
[25] Cass. civ., 7 mars 1820 : S. chronol.
[26] CA Douai, 28 oct. 2002, n° 01/04301: JurisData n° 2002-209226.
[27] Về chủ đề này, xem thêm Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án(xuất bản lần thứ 5), Nxb. CTQG 2013, Bản án số 1-2.
[28] Trước đây, Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 20/1/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có quy định về việc tặng cho sính lễ tại Mục 3: “Đồ trang sức mà người vợ hoặc người chồng được tặng riêng trong ngày cưới là tài sản riêng, nhưng những thứ đó được cho chung cả hai vợ chồng với tính chất là tạo dựng cho vợ chồng một số vốn thì coi là tài sản chung. Khi chia tài sản chung, những trang sức có giá trị không lớn so với tài sản chung thì chia cho người đang sử dụng”. Tuy nhiên, văn bản này chỉ đề cập đến tài sản được tặng cho trong ngày cưới khi chia tài sản chung của vợ chồng, không điều chỉnh việc hoàn trả (hay không hoàn trả) tài sản (sính lễ) khi việc kết hông không diễn ra đồng thời Nghị quyêt này không còn hiệu lực do Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 đã được thay thế bởi Luật năm 2000.
[29] Thực ra, việc ghi nhận tập quán địa phương cũng đã được ghi nhận trong Bộ luật dân sự trên cơ sở những đặc thù của vấn đề cần giải quyết. Chẳng hạn, theo khoản 4 Điều 625, “trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.
Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Lê Thị Diễm Phương
Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01/2014 (80)/2014 – 2014, Trang 71-80
Trả lời