Rủi ro đối với tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam
Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Nhật Thanh
TÓM TẮT
Theo nguyên tắc chung, chủ sở hữu chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản. Tuy nhiên, cũng có quy định theo hướng chủ thể chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản không phải là chủ sở hữu. Bài viết phân tích Bộ luật Dân sự năm năm 2005 và Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) về rủi ro xảy ra đối với tài sản, từ đó chỉ ra những bất cập và đề xuất hoàn thiện các quy định về rủi ro đối với tài sản trong pháp luật Việt Nam.
Xem thêm bài viết về “Rủi ro“:
- Một số rủi ro pháp lý từ quy định cho phép doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật – ThS. Lê Thảo Nguyên
Xem thêm bài viết về “Tài sản“:
- Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm – Kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài – ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải
- Căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu – ThS. Châu Thị Vân
- Chứng minh tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm theo pháp luật Hoa Kỳ – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải
- Hoàn thiện pháp luật đối với trường hợp bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho khi bên tặng cho đã giao tài sản – ThS. Lê Thị Giang
- Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân – ThS. Ngô Thị Vân Anh & ThS. Đặng Lê Phương Uyên
Trong thời gian tài sản tồn tại, rủi ro có thể xảy ra như tài sản tự hư hỏng hay tài sản bị hư hỏng, mất, hủy hoại do thiên tai. Đối với những trường hợp như vậy, ai phải chịu rủi ro đối với tài sản?
Pháp luật dân sự trên thế giới cũng như pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành có nhiều quy định liên quan đến rủi ro đối với tài sản và chủ thể phải chịu rủi ro này. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS năm 2005) và sau khi lấy ý kiến toàn dân kết thúc vào tháng 5/2015, một Dự thảo đã chuyển sang Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện (viết gọn là Dự thảo). So với BLDS hiện hành, Dự thảo có nhiều thay đổi liên quan đến chủ thể chịu rủi ro và còn gây nhiều tranh cãi. Để cung cấp cho người quan tâm thông tin tổng thể và đa chiều liên quan đến một vấn đề khá quan trọng trong pháp luật về tài sản (nòng cốt của pháp luật dân sự), chúng tôi trình bày một cách toàn diện nhất những nội dung liên quan đến rủi ro đối với tài sản trong BLDS năm 2015 cũng như trong Dự thảo sửa đổi BLDS (có tham khảo, đối chiếu với pháp luật nước ngoài).
Để có cái nhìn hệ thống, chúng ta sẽ nghiên cứu theo hướng làm rõ là, về nguyên tắc, chủ sở hữu chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản (1) nhưng có những trường hợp người chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản không phải là chủ sở hữu (2). Đối với hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản như hợp đồng mua bán, chúng ta nghiên cứu trong một mục độc lập (3).
1. Chủ sở hữu chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản
1.1. Ghi nhận nguyên tắc
Điều 166 BLDS năm 2005 quy định “Chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Đây là quy định “mới được ghi nhận tại BLDS năm 2005” và Dự thảo sửa đổi giữ nguyên quy định này. Với quy định trên, chủ sở hữu là người chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản và đây là nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam, “về nguyên tắc, chủ sở hữu có quyền quyết định việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thì cũng phải chịu rủi ro đối với tài sản khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị hư hỏng”.[1] Đây cũng là nội dung thành ngữ res perit domino (chủ sở hữu chịu rủi ro đối với vật của mình) được biết đến nhiều trong pháp luật về tài sản trên thế giới.
Với việc ghi nhận nguyên tắc nêu trên, chúng ta có hệ quả như sau: Nếu không có thỏa thuận hay pháp luật quy định khác, chủ sở hữu chịu rủi ro cho dù tài sản đã được giao cho người khác. Chẳng hạn, trong hợp đồng thuê, tài sản được giao cho bên thuê và BLDS năm 2005 không có quy định cụ thể chủ thể chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản trong thời gian thuê nên phải hiểu rằng chủ sở hữu (bên cho thuê) phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản trong thời gian thuê. Khi bàn về rủi ro xảy ra đối với tài sản cho thuê ở Pháp, một tài liệu cũng khẳng định “còn là chủ sở hữu, bên cho thuê tiếp tục đảm trách rủi ro đối với tài sản thông qua việc áp dụng quy định res perit domino. Mọi mất mát, hư hỏng do bất khả kháng hay tự thân tình trạng của tài sản (khuyết tật, hao mòn) vẫn thuộc về chủ sở hữu”.[2]
Cũng với quy định trên, nếu không có thỏa thuận hay pháp luật quy định khác, chủ sở hữu chịu rủi ro đối với tài sản từ khi mình là chủ sở hữu. Ví dụ, trong hợp đồng vay tài sản, Điều 472 BLDS năm 2005 quy định “bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó” nên bên vay sẽ chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản sau khi nhận tài sản (vì bên vay đã trở thành chủ sở hữu tài sản vay) cho dù các quy định về hợp đồng vay trong BLDS năm 2005 không quy định ai là người chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản (trong trường hợp này, bên vay vẫn có nghĩa vụ hoàn trả tài sản cùng loại cho dù tài sản vay đã bị hư hỏng, hủy hoại không do lỗi của bên vay).
1.2. Cụ thể hóa nguyên tắc
BLDS năm 2005 có những quy định cụ thể hóa nguyên tắc nêu trên. Theo Điều 460 BLDS năm 2005 (được giữ lại trong Dự thảo), “các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua được dùng thử vật mua trong một thời hạn gọi là thời hạn dùng thử” và “trong thời hạn dùng thử, vật vẫn thuộc sở hữu của bên bán. Bên bán phải chịu mọi rủi ro xảy ra đối với vật, nếu không có thỏa thuận khác”. Ở đây, “mặc dù hợp đồng mua bán đã được giao kết nhưng trên thực tế vẫn chưa phát sinh hiệu lực”[3] và bên bán vẫn là chủ sở hữu nên bên bán chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản cho dù tài sản đã được giao cho bên mua.[4]
Tương tự, theo Điều 462 BLDS năm 2005 (được giữ lại trong Dự thảo), “bên bán có thể thỏa thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thời hạn chuộc lại” và “trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, phải chịu rủi ro đối với tài sản”. Ở đây, “quyền sở hữu đã được chuyển cho bên mua”[5] và việc BLDS năm 2005 khẳng định bên mua chịu rủi ro đối với tài sản chỉ là cụ thể hóa nguyên tắc nêu trên.
Hướng cụ thể hóa nguyên tắc theo đó chủ sở hữu chịu rủi ro còn được thể hiện đối với hợp đồng gia công. Cụ thể, Điều 553 BLDS năm 2005, “cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu”. Thực chất đây cũng là quy định “dựa trên quan điểm nếu pháp luật không có quy định khác hoặc nếu các bên không có thỏa thuận khác thì chủ sở hữu phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình”.[6]
1.3. Phạm vi áp dụng nguyên tắc
Quy định trên xác định chủ sở hữu chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản nhưng chỉ khoanh vùng ở trường hợp rủi ro “do sự kiện bất khả kháng”, tức tài sản bị hư hỏng, hủy hoại do sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (Điều 161 BLDS năm 2005). Thực tế, rủi ro đối với tài sản có thể xảy ra mà không có sự kiện bất khả kháng như tài sản tự hư hỏng[7]. Do đó, hướng khoanh vùng trong Điều 166 nêu trên là không thuyết phục. Hướng khoanh vùng của Điều 166 còn tạo ra sự không thống nhất giữa các quy định trong chính BLDS năm 2005. Bởi lẽ, Điều 166 là quy định chung nhưng khoanh vùng ở rủi ro do bất khả kháng trong khi đó Điều 460, Điều 462 và Điều 553 nêu trên là quy định chuyên biệt lại không khoanh vùng ở rủi ro do bất khả kháng (mà áp dụng cho tất cả các loại rủi ro xảy ra đối với tài sản).
Bộ luật Dân sự Nga cũng có quy định tương tự với với Điều 166 BLDS năm 2005 của chúng ta nhưng lại không giới hạn ở sự kiện bất khả kháng. Cụ thể, Điều 221 Bộ luật Dân sự Nga quy định: “Chủ sở hữu chịu trách nhiệm về rủi ro của tài sản khi tài sản bị tiêu huỷ hoặc bị hỏng, nếu pháp luật hoặc hợp đồng không quy định khác”. Bộ luật Dân sự Đức cũng không quy định bất kỳ phạm vi giới hạn nào cho rủi ro. Chẳng hạn, Điều 446 Bộ luật Dân sự Đức quy định: “Rủi ro do tài sản bị tiêu hủy hoặc hư hỏng chuyển cho người bán kể từ thời điểm giao vật…”. Trong một công trình nghiên cứu so sánh về thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa một số hệ thống pháp luật trên thế giới, có tác giả cho rằng việc cấm vận của quốc gia đối hàng hóa không phải là sự kiện bất khả kháng (vì nó có yếu tố chủ quan) nhưng nó có thể được coi là rủi ro.[8] Như vậy, có thể thấy rủi ro do bất khả kháng chỉ là một trong những trường hợp rủi ro có thể xảy ra đối với tài sản.
Do đó, cần xem xét lại quy định Điều 166 BLDS năm 2005 và Dự thảo sửa đổi. Quy định theo đó chủ sở hữu chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản cần là quy định chung, áp dụng cho mọi trường hợp rủi ro xảy ra đối với tài sản (không giới hạn ở rủi ro do sự kiện bất khả kháng như hiện nay). Vì vậy, nên bỏ quy định về điều kiện áp dụng rủi ro chỉ khi có sự kiện bất khả kháng. Với hướng vừa nêu, quy định trên nên viết thành “Chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị hư hỏng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
2. Chủ thể chịu rủi ro không là chủ sở hữu tài sản
Phần trên đã cho thấy, về nguyên tắc, rủi ro xảy ra đối với tài sản do chủ sở hữu gánh chịu. Tuy nhiên, ngay trong Điều 166 BLDS năm 2005, nguyên tắc này đã có hai ngoại lệ là các bên có thỏa thuận khác và pháp luật có quy định khác. Trong thực tế, không hiếm trường hợp các bên có thỏa thuận theo hướng chủ thể chịu rủi ro không là chủ sở hữu[9]. Trong phạm vi nghiên cứu này, bài viết tập trung vào ngoại lệ thứ hai (theo quy định của pháp luật).
2.1. Do chậm hoàn trả tài sản
Trong pháp luật hiện hành, có trường hợp người chịu rủi ro đối với tài sản không phải là chủ sở hữu và việc này xuất phát từ việc người liên quan chậm hoàn trả tài sản và rủi ro xảy ra trong thời hạn chậm trả. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 490 BLDS năm 2005, “bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả”. Ở đây, bên thuê không là chủ sở hữu tài sản nhưng pháp luật buộc bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản trong thời gian chậm giao lại tài sản thuê cho bên cho thuê.
Tương tự, Điều 565 BLDS năm 2005 quy định “trong trường hợp bên giữ chậm giao tài sản thì không được yêu cầu bên gửi trả tiền công và thanh toán các chi phí về bảo quản, kể từ thời điểm chậm giao và phải chịu rủi ro đối với tài sản trong thời gian chậm giao tài sản”. Cũng tương tự như vậy, theo Điều 553 BLDS năm 2005, “khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công”.
Về chủ đề đang nghiên cứu, chúng ta lưu ý hai điểm sau: Thứ nhất, còn hợp đồng hay hoàn cảnh làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu như hợp đồng mượn tài sản nhưng hiện nay chưa có quy định giống hai quy định ở trên về hợp đồng thuê, hợp đồng gửi giữ tài sản. Đối với trường hợp như vừa nêu, chúng ta nên cân nhắc bổ sung quy định tương tự theo hướng người chậm giao tài sản (cần phải giao) chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản trong thời gian chậm giao. Thứ hai, quy định trên cho biết người không là chủ sở hữu chịu rủi ro nên khi rủi ro đã xảy ra đối với tài sản thì người này phải bồi thường cho chủ sở hữu giá trị tài sản bị hủy, bị mất hay giá trị tương đương với phần tài sản bị giảm sút.
2.2. Do chậm tiếp nhận tài sản
Trong pháp luật dân sự hiện hành, khi bên có quyền chậm tiếp nhận tài sản thì phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản từ thời điểm chậm tiếp nhận tài sản. Theo Điều 306 BLDS năm 2005, “bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho người đó và phải chịu mọi rủi ro xảy ra kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Ở phần trên, chúng ta thấy chủ sở hữu chịu rủi ro đối với tài sản nhưng quy định vừa nêu theo hướng khác là người chậm tiếp nhận tài sản chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản trong thời gian chậm tiếp nhận tài sản. Đây thực chất là “ngoại lệ của nguyên tắc đó (chủ sở hữu chịu rủi ro)”.[10]
Tương tự, theo khoản 1 Điều 376 BLDS năm 2005, “khi bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là vật thì bên có nghĩa vụ phải bảo quản, giữ gìn vật hoặc có thể gửi tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên có quyền. Bên chậm tiếp nhận phải chịu rủi ro và mọi chi phí về gửi giữ”. Khi bàn về rủi ro, quy định ở Điều 306 không khoanh vùng ở một loại tài sản nào[11] nhưng quy định tại Điều 376 lại tập trung vào một loại tài sản là vật. Thực ra, rủi ro cũng có thể xảy ra đối với tài sản không là vật như quyền sử dụng đất ở bờ sông, biển… Do đó, nên cân nhắc lại đối tượng điều chỉnh của quy định nêu trên (thay từ “vật” bằng “tài sản”).
Hướng quy cho người chậm tiếp nhận tài sản chịu rủi ro đối với tài sản cũng được ghi nhận đối với hợp đồng gia công. Bởi lẽ, theo Điều 553 BLDS năm 2005, “khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
2.3. Do sử dụng tài sản không đền bù
BLDS năm 2005 không quy định cụ thể về chủ thể phải chịu rủi ro trong hợp đồng mượn tài sản. Điều này đồng nghĩa với việc nếu có rủi ro xảy ra đối với tài sản cho mượn, chúng ta áp dụng nguyên tắc theo đó chủ sở hữu chịu rủi ro. Cụ thể, trong hợp đồng mượn, bên cho mượn không chuyển giao quyền sở hữu sang cho bên mượn nên, theo nguyên tắc, bên cho mượn phải chịu rủi ro đối với tài sản. Tuy nhiên, Dự thảo có quy định về việc bên mượn tài sản chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản: “Bên mượn tài sản phải gánh chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian mượn”. Dự thảo không lý giải vì sao lại quy định như vậy. Thực tế, đối với hợp đồng thuê, Dự thảo không có quy định theo hướng bên thuê chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản trong thời gian thuê nên có thể hiểu rằng dường như Dự thảo theo hướng bên mượn chịu rủi ro xảy ra trong thời gian mượn vì sử dụng tài sản của người khác mà không có đền bù (còn bên thuê không chịu rủi ro xảy ra trong thời gian thuê vì bên thuê sử dụng tài sản có đền bù cho bên cho thuê).[12]
Quy định như trên không được ưa chuộng trên thế giới. Tham khảo pháp luật về mượn tài sản ở một số nước trên thế giới, chúng tôi nhận thấy quy định như Dự thảo rất xa lạ. Ở Pháp, “bên cho mượn vẫn là chủ sở hữu tài sản chịu rủi ro” và “bên mượn không phải chịu trách nhiệm đối với bên cho mượn đối với những thiệt hại gây ra cho tài sản do rủi ro”.[13] Bộ luật Dân sự Nhật Bản hay Bộ luật Dân sự Campuchia có quy định về “mượn sử dụng” nhưng lại không nói rõ rủi ro trong trường hợp mượn sử dụng thuộc về bên nào.[14] Điều này đồng nghĩa với việc phải áp dụng nguyên tắc chung là chủ sở hữu phải chịu rủi ro hay nói một cách khác bên cho mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản cho mượn trong thời gian cho mượn. Bộ luật Dân sự Nga có quy định tương tự về mượn tài sản tại Phần IV chương 36 và Điều 696 quy định “Trong trường hợp sử dụng miễn phí tài sản (vay không tính phí), người đi vay phải chịu rủi ro mất mát, thiệt hại đối với tài sản, nếu tài sản bị phá hủy hoặc bị hư hỏng khi người đi vay sử dụng tài sản ngoài mục đích của hợp đồng hoặc người đi vay cho bên thứ ba vay mà không có sự chấp thuận của chủ sở hữu”. Bộ luật Dân sự Đức không nói rõ rủi ro thuộc về bên cho mượn, tuy nhiên Điều 602 quy định: “Người mượn (vay không tính phí) không chịu trách nhiệm cho những thay đổi hoặc suy giảm tài sản mượn được gây ra bởi việc sử dụng phù hợp với hợp đồng”. Điều này cũng được hiểu là bên mượn tài sản không phải chịu rủi ro đối với tài sản.
Quy định như trên của Dự thảo còn rất nguy hiểm cho bên mượn tài sản khi tài sản có rủi ro trong thời gian mượn. Ví dụ: một người mượn nhà để ở 2 ngày và căn nhà bị sập trong thời gian này mà không thể quy trách nhiệm cho bên mượn (nói cách khác là có rủi ro xảy ra trong thời gian mượn nhà). Theo quy định của Dự thảo, bên mượn nhà phải chịu toàn bộ rủi ro đối với căn nhà thì liệu có hợp lý không, liệu có công bằng không? Ở đây, chúng ta cần phân biệt rủi ro đối với tài sản (tài sản bị thiệt hại mà không quy được trách nhiệm cho ai thì chủ sở hữu chịu) và thiệt hại do người mượn gây ra (lúc này người mượn phải chịu trách nhiệm). Nếu bên mượn tài sản sử dụng tài sản theo đúng nội dung, mục đích của hợp đồng đối với tài sản và thiệt hại xảy ra đối với tài sản không phải do lỗi của bên mượn thì việc quy định họ phải chịu thiệt hại này là không phù hợp. Do đó, chúng tôi đề xuất bỏ quy định mới nêu trên về rủi ro xảy ra trong thời gian mượn tài sản.
2.4. Trường hợp hoàn trả tài sản chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật
Hiện nay chúng ta có quy định về hoàn trả tài sản do chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 599 BLDS năm 2005 (được giữ lại trong Dự thảo), “người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó”.
Nếu trước khi hoàn trả mà có rủi ro xảy ra đối với tài sản thì ai gánh chịu rủi ro này? Điều 600 BLDS năm 2005 quy định “trong trường hợp tài sản hoàn trả là vật đặc định thì phải hoàn trả đúng vật đó; nếu vật đặc định đó bị mất hoặc hư hỏng thì phải đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” (khoản 2) và “trong trường hợp tài sản hoàn trả là vật cùng loại, nhưng bị mất hoặc hư hỏng thì phải trả vật cùng loại hoặc đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” (khoản 3). Quy định này buộc bên chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật phải gánh chịu hậu quả từ việc tài sản “bị mất hoặc hư hỏng” mà không phân biệt nguyên nhân dẫn tới việc tài sản bị mất hoặc hư hỏng. Điều đó có nghĩa là người này chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản cho dù tài sản thuộc sở hữu của người khác.
Hướng quy định như trên (vẫn được giữ nguyên trong Dự thảo) là hơi cứng nhắc và chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của Pháp về chủ đề này. Cụ thể, theo pháp luật Pháp, “cần phải phân biệt người chiếm hữu có ngay tình hay không. Trong trường hợp ngay tình, người chiếm hữu không phải gánh chịu hệ quả của việc mất mát, hư hỏng. Lúc này chỉ cần áp dụng thuần túy quy định res perit domino: chủ sở hữu chịu rủi ro đối với tài sản bị hư hỏng, mất mát và chủ sở hữu chính là người đòi tài sản. Ngược lại, trong trường hợp không ngay tình, người chiếm hữu bảo đảm việc mất tài sản trong trường hợp có rủi ro”.[15] Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên phân biệt trường hợp người chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật ngay tình hay không ngay tình, nếu ngay tình thì chúng ta áp dụng nguyên tắc chung theo đó ai là chủ sở hữu chịu rủi ro đối với tài sản. Ngược lại, nếu không ngay tình thì người chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản cho đến khi tài sản được hoàn trả lại cho chủ sở hữu (hay người chiếm hữu hợp pháp).
3. Đối với hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản
3.1. Đối với hợp đồng mua bán tài sản
Theo khoản 1 Điều 440 BLDS năm 2005, “bên bán chịu rủi ro đối với tài sản mua bán cho đến khi tài sản được giao cho bên mua, còn bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ khi nhận tài sản, nếu không có thỏa thuận khác” (quy định này được giữ lại trong Dự thảo với một chút thay đổi về ngôn từ).[16] Quy định này đã tồn tại ở khoản 1 Điều 433 BLDS năm 1995[17] và đã được Tòa án vận dụng trong thực tế. Ví dụ, bà Thủy bán cho bà Dung 01 ghe xoài trị giá 16.476.250 đồng chưa trả tiền (thực tế bà Dung mua cho mẹ bà là bà Thanh). Tuy nhiên ghe xoài này đã bị hư do cháy chợ và phía bên mua “không đồng ý trả tiền ghe xoài này cho bà Thủy”. Cụ thể, “bà Dung, bà Thanh cho rằng đây là trường hợp rủi ro, vì sau khi nhận hàng xong thì chợ bị cháy nên hai bà không chịu trách nhiệm phải hoàn trả số tiền trên cho bà Thủy được, vì hàng không bán được”. Tuy nhiên, sau khi viện dẫn điều luật vừa nêu, Tòa án đã xét rằng “phía bên mua là bà Dung đã nhận hàng (đây là 1 trong 4 ghe mà bà Thanh, bà Dung mua lại của bà Thủy) nên bên mua phải chịu sự rủi ro này, có nghĩa là phải có trách nhiệm hoàn trả giá trị của tài sản đã nhận là 16.476.250 đồng, như án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của bên bán là đúng”.[18]
Nhìn một cách tổng thể, quy định như vừa nêu được ghi nhận trong nhiều hệ thống pháp luật và tương đối thuyết phục. Ở góc độ “kinh tế luật”, sau khi viện dẫn quy định trong Bộ luật Dân sự của Quebec (Canada) theo đó rủi ro được chuyển sang cho bên mua ở thời điểm giao tài sản, hai chuyên gia về “kinh tế luật” lý giải rằng hướng quy định như vậy là vì “chủ thể đang chiếm hữu tài sản ở vị trí tốt hơn đối tác của mình trong việc kiểm soát rủi ro”.[19] Ở góc nhìn khác và cụ thể là “ở góc nhìn tâm lý, rất khó chấp nhận thanh toán tiền mua một vật đã bị hư hỏng, hủy hoại trong tay bên bán và cuối cùng bên bán không bao giờ giao vật này”.[20]
Kế tiếp, khoản 2 Điều 440 BLDS năm 2005 quy định “đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản, nếu không có thỏa thuận khác”. Việc để đăng ký quyền sở hữu tài sản quyết định chủ thể chịu rủi ro đối với tài sản là không thuyết phục. Do đó, chúng tôi đề xuất bỏ quy định nêu trên và chỉ cần ghi nhận quy định như khoản 1 Điều 440 đối với hợp đồng mua bán tài sản nói chung.
3.2. Đối với hợp đồng mua bán tài sản trả chậm, trả dần
Theo Điều 461 BLDS năm 2005, “các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận vật mua; bên bán được bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với vật bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” (khoản 1) và “bên mua có quyền sử dụng vật mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Quy định vừa nêu áp dụng cho mua trả chậm, trả dần nhưng lại không cho biết mua trả chậm, trả dần như thế nào. Có ý kiến cho rằng “mua trả chậm là trường hợp bên mua chỉ phải thanh toán tiền mua tài sản sau khi đã nhận được tài sản trong một thời hạn nhất định. Mua trả dần là trường hợp bên mua được quyền thanh toán tiền mua tài sản thành nhiều lần trong một thời hạn nhất định sau khi đã nhận tài sản”.[21]
Liên quan đến rủi ro xảy ra đối với tài sản trong thời gian sử dụng, BLDS năm 2005 theo hướng bên mua “phải chịu rủi ro” nhưng quy định này chưa rõ là bên mua chịu rủi ro vì bên mua đã là chủ sở hữu hay không. Chúng ta thấy điều luật theo hướng “bên bán được bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với vật bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền”. Nếu bên bán đương nhiên được bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua trả chậm, trả dần thì việc BLDS năm 2005 buộc bên mua chịu rủi ro là buộc chủ thể không là chủ sở hữu chịu rủi ro. Trong trường hợp như vừa nêu, chúng ta cần cân nhắc lại vì việc buộc chủ thể không là chủ sở hữu chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản chỉ nên được thiết kế như một ngoại lệ và quy định về ngoại lệ phải cụ thể, không được chung chung.
Thực ra, cách quy định như của BLDS năm 2005 về hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần là chưa rõ ràng về bảo lưu quyền sở hữu nên làm cho quy định về rủi ro thiếu tính thuyết phục. Trong trường hợp này, bên mua chịu rủi ro và do đó cần theo hướng là, về nguyên tắc, bên mua có quyền sở hữu và việc bên bán còn quyền sở hữu chỉ là ngoại lệ. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng vẫn nên để bên mua chịu rủi ro nhưng quy định trên nên được sửa đổi theo hướng bên mua chịu rủi ro vì đã là chủ sở hữu. Đề đạt được ý tưởng vừa nêu, chúng ta nên theo hướng bên bán chỉ có quyền sở hữu nhưng với hệ quả rủi ro được chuyển sang bên mua khi có thỏa thuận. Theo hướng này, chúng ta nên quy định bảo lưu quyền sở hữu cho bên bán chỉ là ngoại lệ và chỉ khi các bên có thỏa thuận về việc bảo lưu (nếu không có thỏa thuận về bảo lưu quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua nên bên mua mới chịu rủi ro đối với tài sản như quy định hiện nay).
3.3. Đới với hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu
Bảo lưu quyền sở hữu là một trong những biện pháp bảo đảm mới được quy định trong Dự thảo theo đó các bên thỏa thuận bên bán được bảo lưu quyền sở hữu cho đến khi bên mua phải trả hết tiền. Đây là quy định được mở rộng từ nội dung quy định về hợp đồng mua trả chậm, trả dần tại Điều 461 BLDS năm 2005 nêu trên. Liên quan đến rủi ro xảy ra đối với tài sản trong thời gian quyền sở hữu được bảo lưu (tức bên bán vẫn là chủ sở hữu), Dự thảo theo hướng bên mua chịu rủi ro về tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Nghiên cứu so sánh cho thấy việc quy định một cách minh thị rằng bên mua chịu rủi ro khi bên bán bảo lưu quyền sở hữu là khá “lạ” trên thế giới. Bộ luật Dân sự Đức cũng quy định về bảo lưu quyền sở hữu là một điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tại Điều 499 nhưng Bộ luật Dân sự Đức không có quy định cụ thể chủ thể phải chịu rủi ro đối với tài sản trong trường hợp bảo lưu quyền sở hữu. Vì thế sẽ áp dụng nguyên tắc chung là chủ sở hữu chịu rủi ro đối với tài sản, tức bên bán phải chịu rủi ro. Tại Anh, quy định về bảo lưu quyền sở hữu (Retention of Title) được quy định tại đạo luật Sale of good 1979, theo đó trong hợp đồng bên bán có quyền bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản cho đến khi bên mua thanh toán đầy đủ hợp đồng (Điều 41). Ở nước này, rủi ro sẽ chuyển giao cùng với quyền sở hữu trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, tức bán phải chịu rủi ro trong trường hợp bảo lưu quyền sở hữu. Pháp hiện nay cũng coi bảo lưu quyền sở hữu là một loại biện pháp bảo đảm nhưng Bộ luật Dân sự Pháp không có quy định cụ thể về chủ thể chịu rủi ro nên áp dụng nguyên tắc chung theo đó ai là chủ sở hữu thì người đó chịu rủi ro đối với tài sản (thực tế án lệ cũng theo hướng này) trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo chúng tôi, mặc dù bên mua đã chiếm hữu tài sản nhưng bên mua chưa phải là chủ sở hữu đối với tài sản thì không nên buộc bên mua phải chịu những rủi ro.
Để pháp luật Việt Nam không quá xa lạ với pháp luật trên thế giới, chúng ta nên theo hướng không quy định cụ thể chủ thể chịu rủi ro trong phần bảo lưu quyền sở hữu như Dự thảo hiện nay. Nếu theo hướng này, chúng ta có kết quả là chủ sở hữu chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác: nếu bên bán thỏa thuận với bên mua về bảo lưu quyền sở hữu thì bên bán cũng có thể thỏa thuận với bên mua rằng bên mua chịu rủi ro trong thời gian bên bán bảo lưu quyền sở hữu. Trong trường hợp có thỏa thuận về bảo lưu quyền sở hữu nhưng không có thỏa thuận theo hướng bên mua chịu rủi ro thì quy định chung về chủ thể chịu rủi ro đối với tài sản được áp dụng nên chủ sở hữu chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản.
3.4. Đối với hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản
Dự thảo có điều luật mới với tiêu đề “Thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác theo hợp đồng”. Liên quan đến rủi ro xảy ra đối với tài sản, Dự thảo theo hướng “Chủ sở hữu, chủ thể có vật quyền khác phải chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được chuyển giao; bên nhận chuyển giao tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Quy định này tồn tại song song với quy định về chủ thể chịu rủi ro đối với tài sản trong hợp đồng mua bán theo đó “bên bán chịu rủi ro đối với tài sản mua bán trước khi tài sản được chuyển giao cho bên mua, còn bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao”. Với hướng này, quy định mới trên sẽ áp dụng cho các hợp đồng có chuyển giao tài sản (không giới hạn ở hợp đồng mua bán tài sản).
Thực ra, luật quy định chủ sở hữu chịu rủi ro đối với tài sản thì luật cũng có thể quy định chủ thể chịu rủi ro không là chủ sở hữu. Tuy nhiên, để được xã hội chấp nhận, quy định như vậy phải có tính thuyết phục. Dự thảo đã có quy định mang tính khái quát và dựa vào tiêu chí “chuyển giao” tài sản trong điều luật về “Thời điểm xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác theo hợp đồng”. Quy định này quá rộng vì không cho biết “hợp đồng” ở đây là hợp đồng gì trong khi đó có hai loại hợp đồng có chuyển giao tài sản: Loại thứ nhất là hợp đồng có chuyển giao tài sản và chuyển quyền sở hữu như hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, vay tài sản; và loại thứ hai là hợp đồng có chuyển giao tài sản nhưng không có mục đích chuyển quyền sở hữu như hợp đồng thuê, cho mượn, gửi giữ, cầm cố, đặt cọc, ký cược, ký quỹ tài sản. Đối với loại thứ hai này, người nhận tài sản không để trở thành chủ sở hữu tài sản nên không thể buộc họ chịu rủi ro đối với tài sản.
Nếu chúng ta không quy định rõ phạm vi áp dụng (cho loại hợp đồng nào trong hai loại hợp đồng nêu trên), quy định trong Dự thảo có thể được hiểu là áp dụng cho cả loại hợp đồng thứ hai ở trên và như vậy thì rất nguy hiểm cho các chủ thể nhận tài sản không để trở thành chủ sở hữu. Do đó, nếu Dự thảo giữ lại quy định mới trên thì nên nêu rõ tại là phạm vi áp dụng của quy định này chỉ liên quan đến hợp đồng có mục đích chuyển quyền sở hữu tài sản như hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, vay tài sản.
3.5. Đối với nghĩa vụ giao vật
Trước khi kết thúc chủ đề về rủi ro đối với tài sản, chúng ta cùng phân tích quy định mới trong Dự thảo đối với nghĩa vụ giao vật. Ở đây, Dự thảo có quy định mới theo đó “Bên có nghĩa vụ giao vật phải bảo quản, giữ gìn vật và phải chịu rủi ro cho đến khi giao”. Đây là quy định nằm trong phần nghĩa vụ dân sự nên có phạm vi điều chỉnh rất rộng.
Thực tế, nghĩa vụ giao vật tồn tại trong rất nhiều hợp đồng không có mục đích chuyển quyền sở hữu và người có nghĩa vụ giao vật không là chủ sở hữu. Ví dụ, bên thuê, bên mượn, bên nhận cầm cố, nhận cọc, nhận ký cược, nhận gửi giữ tài sản đều có nghĩa vụ hoàn trả tài sản nên cũng có nghĩa vụ giao vật nhưng những chủ thể này không là chủ sở hữu đối với vật mà họ phải giao. Vì những người này không là chủ sở hữu nên chúng ta không thể buộc họ phải chịu rủi ro đối với tài sản.
Hơn nữa, đối với người có nghĩa vụ giao vật với mục đích chuyển quyền sở hữu như bên bán, bên vay, bên trao đổi tài sản thì chúng ta đã có quy định ở trên (quy định cho hợp đồng chuyển quyền sở hữu tài sản hay quy định chung về chủ sở hữu chịu rủi ro đối với tài sản cho đến khi không còn là chủ sở hữu) nên quy định về chủ thể chịu rủi ro trong thực hiện nghĩa vụ giao vật không cần thiết nữa. Còn giao vật khi chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ pháp luật thì cũng đã có quy định nêu ở phần trên. Nói tóm lại, quy định mới theo hướng buộc bên có nghĩa vụ giao vật là không cần thiết và rất nguy hiểm cho những người có nghĩa vụ giao vật mà không mang ý nghĩa giao quyền sở hữu. Do đó, chúng tôi đề xuất bỏ hẳn quy định về rủi ro liên quan đến nghĩa vụ giao vật nêu trên.
Thay lời kết
Rủi ro xảy ra đối với tài sản kéo theo thiệt hại cho chủ thể liên quan cũng như cho xã hội. Việc xác định ai chịu rủi ro mang đậm dấu ấn của lẽ công bằng và các quy định xác định một chủ thể cụ thể chịu rủi ro thường được xây dựng theo triết lý này. Nghiên cứu trên cho thấy, về cơ bản, các quy định hiện hành trong BLDS năm 2005 tương đối thuyết phục. Dự thảo có nhiều quy định mới về chủ thể chịu rủi ro đối với tài sản nhưng lẽ công bằng cho thấy nhiều quy định mới trong Dự thảo không thực sự thuyết phục và nên được lược bỏ hay không được thông qua./.
CHÚ THÍCH
* PGS-TS, Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh, Thành viên tổ biên tập BLDS sửa đổi, Trọng tài viên – Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học pháp lý của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
** Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh
[1] Nguyễn Minh Tuấn chủ biên (2014), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự, Nxb. Tư pháp, 2014, tr. 222.
[2] A. Bénabent, Droit civil – Les contrats spéciaux, Nxb. Montchrestien 2008, phần số 644.
[3] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học BLDS năm 2005 (tập 3), Nxb. CTQG 2013, tr. 392.
[4] Tuy nhiên, phải lưu ý rằng quy định vừa nêu chỉ áp dụng “trong thời hạn dùng thử” nên nếu rủi ro xảy ra sau thời hạn dùng thử thì bên mua phải gánh chịu rủi ro.
[5] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Sđd, tr. 400.
[6] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Sđd, tr. 611. Trong trường hợp này, nếu nguyên vật liệu là của bên gia công thì bên gia công mất những gì mà họ đã cung cấp và phải tiếp tục công việc để thực hiện đúng hợp đồng. Còn nếu nguyên vật liệu là của bên đặt gia công thì bên gia công không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
[7] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Sđd, tr.394, “rủi ro là những thiệt hại xảy ra đối với tài sản hoàn toàn do những yếu tố khách quan mang lại mà không một chủ thể nào có lỗi”.
[8] Transfer of Risk in the Contract of Sale involving Carriage of Goods: A Comparative Study in English, Greek Law and the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods, Dionysios Flambouras, Worcester College, Oxford, http://www.jus.uio.no/pace/transfer_of_risk_contract_of_sale_involving_carriage_of_goods_comparative_study.dionysios_flambouras/doc.html (truy cập 12/9/2015).
[9] Chẳng hạn, khoản 2 Điều 439 BLDS năm 2005, “đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”. Khoản 2 Điều 440 BLDS năm 2005 quy định “Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản, nếu không có thỏa thuận khác”. Với quy định này, chừng nào chưa hoàn tất thủ tục đăng ký thì bên bán vẫn là chủ sở hữu nên vẫn chịu rủi ro nhưng các bên có thể thỏa thuận khác. Ví dụ công ty Sài Gòn bán cho công ty Đức Thành tàu Thanh Đa. Trong biên bản bàn giao tàu ngày 15/12/2003 ghi rõ từ 10 giờ 30 phút ngày 15/12/2003 quyền và trách nhiệm tàu Thanh Đa thuộc về người mua là Công ty Đức Thành. Thực tế, tàu Thanh Đa bị chìm ngày 30/3/2004. Ở đây, về nguyên tắc, chừng nào chưa đăng ký thì bên bán vẫn chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, các bên đã thỏa thuận chuyển giao quyền và trách nhiệm khi giao tàu nên có thể coi đây là thỏa thuận khác nên bên mua phải chịu rủi ro.
[10] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Sđd, tr. 55.
[11] “Rủi ro ở đây được hiểu là rủi ro xảy đến với chính đối tượng của nghĩa vụ mà các bên trong quan hệ đã xác lập với nhau. Toàn bộ rủi ro đối với đối tượng của nghĩa vụ sẽ được chuyển giao từ bên thực hiện nghĩa vụ sang bên có quyền kể từ thời điểm bên có quyền chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ” (Nguyễn Minh Tuấn-chủ biên, Sđd, tr. 396).
[12] Hợp đồng thuê và hợp đồng mượn đều giống nhau ở chỗ chuyển giao quyền sử dụng nhưng không chuyển giao quyền sở hữu. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản giữa hợp đồng thuê và hợp đồng mượn là ở việc có thu phí và không thu phí. Hay nói một cách khác hợp đồng thuê là hợp đồng có đền bù còn hợp đồng mượn là hợp đồng không có đền bù.
[13] Ph. Malaurie, L. Aynès, P-Y. Gautier, Droit civil – Les contrats spéciaux, Nxb. Defrénois 2007, phần số 916
[14] Mục VI, Chương II Bộ luật Dân sự Nhật Bản; Chương 6, Phần 5 Bộ luật Dân sự Campuchia.
[15] W. Dross, Droit des biens, Nxb. LGDJ, 2014, phần số 64.
[16] Luật Thương mại năm 2005 của chúng ta có quy định gần gũi với quy định trên đối với hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng làm rõ trong trường hợp nào được coi là đã giao nhận hàng hóa tại các Điều 57 đến 61.
[17] “Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản phải mua bán cho đến khi tài sản được giao cho bên mua, còn bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ khi nhận tài sản, nếu không có thỏa thuận khác”.
[18] Bản án số 333/DSPT ngày 05/3/2001 của Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh.
[19] E. Mackaay và S. Rousseau, Analyse économique du droit, Nxb. Dalloz và Thémis 2008, phần số 1421.
[20] W. Dross, Droit des biens, Nxb. LGDJ 2014, phần số 31.
[21] Nguyễn Minh Tuấn – (chủ biên), Sđd, tr. 578.
- Tác giả: PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Nhật Thanh
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2015 (91) – 2015, Trang 03-11
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời