• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Dân sự » Quyền hưởng dụng Pháp luật dân sự Pháp – Kinh nghiệm cho Việt Nam

Quyền hưởng dụng Pháp luật dân sự Pháp – Kinh nghiệm cho Việt Nam

02/05/2020 02/05/2020 ThS. LS. Phạm Quang Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Khái quát quyền hưởng dụng từ góc nhìn của Bộ luật Dân sự Pháp so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015
    • 1.1. Khái niệm quyền hưởng dụng
    • 1.2. Cách thức xác lập quyền hưởng dụng
    • 1.3. Chấm dứt quyền hưởng dụng
    • 1.4. Hậu quả của việc chấm dứt quyền hưởng dụng
  • 2. Quyền được bảo vệ bằng tòa án và nghĩa vụ của các chủ thể trong mối quan hệ pháp lý của quyền hưởng dụng
    • 2.1. Nghĩa vụ và quyền được bảo vệ bằng tòa án của người hưởng dụng
    • 2.2. Nghĩa vụ và quyền được bảo vệ bằng Tòa án của chủ sở hữu
  • CHÚ THÍCH
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bài viết: Quyền hưởng dụng – Từ góc độ Pháp luật dân sự Pháp đến kinh nghiệm cho Việt Nam

  • Tác giả: Nguyễn Thị Thuý – Lê Minh Khoa
  • Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam số 08(111)/2017 – 2017, Trang 26-33

TÓM TẮT

Quyền hưởng dụng là một chế định mới trong pháp luật dân sự của Việt Nam. Việc áp dụng quyền hưởng dụng trên thực tiễn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và lúng túng do những quy định liên quan đến quyền tài sản này còn khá sơ sài, chưa lường được hết những hệ quả pháp lý phát sinh khi thực hiện quyền hưởng dụng. Trong khi đó, quyền hưởng dụng lại là một chế định đã tồn tại từ lâu đời tại Pháp và được sử dụng một cách nhuần nhuyễn trong một số trường hợp nhất định. Nhóm tác giả cho rằng việc nghiên cứu Bộ Luật Dân sự Pháp về quyền hưởng dụng là cần thiết cho việc vận dụng có hiệu quả chế định này tại Việt Nam. i hưởng dụng, chủ sở hữu Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Dân sự Pháp

ABSTRACT:

Usufruct, one of the property rights, is a new regulation in the civil law of Vietnam. The application of this right, in practice, will face many difficulties and confusions because the regulations related to this right are rather meager and have not forecasted legal consequences arising in cases of application of this usufruct. Otherwise, the usufruct is a regulation existed for a long time and regularly applied in certain cases in France. It is supposed that studying the French Civil Code in relation to the usufruct is necessary to apply effectively this regulation in Vietnam.

TỪ KHÓA: người hưởng dụng, chủ sở hữu Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Dân sự Pháp, quyền hưởng dụng,

KEYWORDS: French Civil Code, usufructuary, the ownership, usufruct, the 2015 Civil Code,

Quyền hưởng dụng – từ góc độ Pháp luật dân sự Pháp đến kinh nghiệm cho Việt Nam

Quyền hưởng dụng cùng với quyền bề mặt, quyền đối với bất động sản liền kề là những điểm mới về quyền đối với tài sản được quy định tại chương XIV – Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) của Việt Nam. Dưới góc độ so sánh với BLDS năm 2015, bài viết sẽ đề cập đến những vấn đềmang tính khái quát nhất trong việc đưa ra định nghĩa, tính chất, cách thức xác lập, căn cứ cũng như hệ quả chấm dứt quyền hưởng dụng theo các quy định hiện hành của BLDS Pháp (I)và nội dung quan trọng nhất của quyền hưởng dụng – quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hưởng dụng (II).

Bài viết cùng số Tạp chí

  • Nhà nước kiến tạo phát triển – Những thách thức thể chế
  • Bảo đảm quyền của người nước ngoài khi bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất
  • Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá – Một số bất cập và hướng hoàn thiện
  • [BÀI ĐANG XEM] Quyền hưởng dụng – Từ góc độ Pháp luật dân sự Pháp đến kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm – Kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài
  • Về một số vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
  • Tác động của quy định về tính tương đương trong chương trình giám sát cá da trơn theo Luật Nông trại 2014 của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu cá da trơn Việt Nam
  • Những nguyên tắc cơ bản trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS)
  • Đề xuất bổ sung các Nguyên lý quản lý nhà nước trong chương trình đào tạo môn học Luật Hành chính ở Việt Nam

1. Khái quát quyền hưởng dụng từ góc nhìn của Bộ luật Dân sự Pháp so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

Quyền sở hữu là một quyền trọng tâm, cốt lõi của pháp luật dân sự[1]. Theo tinh thần của pháp luật La Mã, về nguyên tắc, quyền sở hữu tài sản được cấu thành từ tập hợp của ba quyền cơ bản gồm: quyền định đoạt, quyền sử dụng, quyền hưởng hoa lợi và lợi tức từ tài sản. Trong khi đó, BLDS Pháp đã định nghĩa quyền sở hữu là quyền được hưởng thụ và định đoạt tài sản đó một cách tuyệt đối nhất, miễn là việc sử dụng tài sản đó không bị cấm bởi luật hoặc các quy định pháp luật. Với khái niệm trên thì quyền sở hữu được chia ra thành hai nhóm quyền chính, đó là (i) nhóm quyền định đoạt và (ii) nhóm quyền được hưởng thụ tức là bao gồm quyền sử dụng và quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Do đó có thể nói, quyền hưởng dụng là một quyền chia cắt từ quyền sở hữu.

Theo lý giải của các nhà làm luật Pháp, có sự phân chia này vì khi một chủ thể có được quyền thụ hưởng tức là họ phải sử dụng được tài sản, họ phải tiến hành tu bổ, kinh doanh và phát triển… trên tài sản đó nếu họ mong muốn thu được hoa lợi, lợi tức từ tài sản nói trên. Do đó, BLDS Pháp đã ghép quyền sử dụng và quyền hưởng hoa lợi, lợi tức thành một nhóm quyền bên cạnh quyền định đoạt. Một lý do khác nữa là các nhà lập pháp muốn nhấn mạnh quyền định đoạt tài sản là yếu tố đặc trưng nhất của quyền sở hữu, bởi vì ngược lại với quyền định đoạt, khi tiến hành những quyền tài sản khác như quyền hưởng dụng tài sản, thì chủ thể phải có nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản hiện trạng của tài sản, chứ không thể phá hủy tài sản như quyền định đoạt.

1.1. Khái niệm quyền hưởng dụng

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể nhận định như sau: một chủ thể chỉ có quyền sử dụng, quyền hưởng hoa lợi và lợi tức từ tài sản nhưng không có quyền định đoạt tài sản đó thì chủ thể đó được gọi là có quyền hưởng dụng đối với tài sản nói trên. Theo quy định về quyền hưởng dụng được ghi nhận tại Điều 578 BLDS Pháp, chủ thể có quyền hưởng dụng một tài sản được gọi là người hưởng dụng (l’usufruitier), còn chủ sở hữu tài sản trong trường hợp này chỉ còn lại quyền định đoạt đối với tài sản mà không còn các quyền sử dụng và hưởng hoa lợi từ tài sản của mình nữa. Tên gọi chủ sở hữu trong trường hợp quyền hưởng dụng theo tiếng Pháp đã đổi từ “le propriétaire” sang tên gọi là “le nu-propriétaire” mà một số luật gia Việt Nam đã gọi là “chủ sở hữu giảm thiểu”. [2] Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin phép được gọi chung là “chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng”.

Để dễ hình dung hơn về quyền hưởng dụng, chúng tôi xin phép đưa ra một ví dụ như sau: trong quan hệ thừa kế, pháp luật Pháp cho phép một bên vợ hoặc chồng còn sống nhận quyền hưởng dụng di sản thừa kế là một căn hộ chung cư. Họ có thể sinh sống hoặc cho thuê lại căn hộ nhưng không được bán. Chỉ những người thừa kế là chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, tức là căn hộ, mới có quyền bán. Trong trường hợp này, vợ hoặc chồng còn sống là người hưởng dụng tài sản. Họ có quyền sử dụng và hưởng hoa lợi từ tài sản nhưng không có quyền định đoạt. Ngược lại, những người thừa kế là chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng chỉ có quyền định đoạt tài sản mà không được hưởng dụng.

Quyền hưởng dụng là một quyền tài sản mang tính chất tạm thời. Hai yếu tố “quyền tài sản” và “tạm thời” là hai tính chất cơ bản nhất của quyền hưởng dụng và BLDS Việt Nam năm 2015 cũng khẳng định tính tạm thời của quyền hưởng dụng ngay trong khái niệm của nó, cụ thể: “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”.

Như vậy, quyền hưởng dụng luôn mang tính tạm thời. Căn cứ quy định của Điều 617 BLDS Pháp,người hưởng dụng thực hiện quyền hưởng dụng trong một khoảng thời gian xác định theo thoả thuận; hoặc đến hết cuộc đời của người hưởng dụng. Mặt khác, Điều 619 BLDS Pháp quy định rằng nếu chủ thể nhận quyền hưởng dụng không phải là các cá nhân, thì quyền hưởng dụng chỉ kéo dài 30 năm. Như vậy, từ quy định trên có thể hiểu rằng quyền hưởng dụng của pháp nhân chỉ kéo dài 30 năm. Thời hạn hưởng quyền hưởng dụng của pháp nhân cũng đã được Tòa Phá án Pháp khẳng định trong một vụ việc rằng “Quyền hưởng dụng của pháp nhân không được vượt quá 30 năm”. [3] Bởi vì pháp nhân là “một chủ thể hư cấu, là một sự sáng tạo pháp lí của con người”, nên pháp nhân không bao giờ chết đi. Chính vì vậy, nếu không quy định khoảng thời gian cụ thể để chấm dứt quyền hưởng dụng của pháp nhân, thì quyền hưởng dụng có thể trở thành một quyền mang tính vĩnh viễn, điều này là không thể. Bởi vì chỉ có quyền sở hữu mới có xu hướng tồn tại vĩnh cửu và tính chất tạm thời này chính là điểm đặc trưng giúp phân biệt giữa quyền hưởng dụng và quyền sở hữu.

1.2. Cách thức xác lập quyền hưởng dụng

Căn cứ vào quy định tại Điều 579 BLDS Pháp: “Quyền hưởng dụng được thiết lập bởi luật, hoặc bởi sự tự nguyện”. Ngoài hai hình thức trên, hệ quả của việc chiếm hữu cũng là một hình thức xác lập quyền hưởng dụng bằng thời hiệu. Như vậy, quyền hưởng dụng có thể được xác lập chủ yếu bằng ba cách:

Thứ nhất, quyền hưởng dụng được xác lập theo pháp luật mà trong pháp luật dân sự Pháp,thường tồn tại trong các lĩnh vực liên quan đến thừa kế và hôn nhân gia đình. Ví dụ: Trường hợp 01,một bên vợ hoặc chồng chết trước để lại con chung: tùy theo lựa chọn của mình, người vợ hoặc người chồng còn sống nhận được quyền hưởng dụng đối với tất cả tài sản hiện có hoặc một phần tư quyền sở hữu tài sản (Điều 757 BLDS Pháp); Trường hợp 02, cha và mẹ là người quản lý và hưởng dụng tài sản của con chưa thành niên cho đến khi người này đủ 16 tuổi (Điều 382 BLDS Pháp); [4] Trường hợp 03, một bên vợ hoặc chồng được cấp dưỡng dưới dạng quyền hưởng dụng sau khi ly hôn (khoản 2 Điều 274 BLDS Pháp).

Thứ hai, quyền hưởng dụng theo thỏa thuận là quyền hưởng dụng được xác lập bằng ý chí của một người với hình thức bằng văn bản pháp lý đơn phương như di chúc; hoặc bằng một thỏa thuận như hợp đồng mua bán, tặng cho. Cần lưu ý rằng quyền hưởng dụng này có thể liên quan đến việc bảo quản tài sản và chuyển quyền hưởng dụng cho người thứ ba hoặc chuyển nhượng tài sản nhưng vẫn giữ lại quyền hưởng dụng. Ví dụ: Cha mẹ tặng cho con quyền sở hữu đối với tài sản và giữ lại quyền hưởng dụng cho đến khi chết.[5] Ngoài ra, việc xác lập quyền hưởng dụng bằng thoả thuận đối với tài sản là bất động sản phải được đăng ký.

Thứ ba, quyền hưởng dụng xác lập bằng thời hiệu tức là quyền hưởng dụng có thể được hình thành bởi hệ quả của việc chiếm hữu. Tùy thuộc vào loại tài sản mà việc xác lập quyền hưởng dụng sẽ khác nhau. Đối với tài sản là động sản, bằng việc áp dụng tương tự pháp luật theo Điều 2276 BLDS Pháp thì quyền hưởng dụng đối với động sản sẽ được xác lập ngay lập tức trong trường hợp chiếm hữu ngay tình. Đối với tài sản là bất động sản, thời hiệu của việc chiếm hữu được xác định theo pháp luật dân sự[6] hoặc thời hiệu của việc chiếm hữu được rút ngắn còn 10 năm nếu thỏa mãn điều kiện nhất định do luật định.

Liên quan đến trường hợp chiếm hữu ngay tình, luật dân sự Việt Nam có quy định việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu tại Điều 236 BLDS năm 2015. Cụ thể, người chiếm hữu liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp có quy định khác. Như vậy, hiện nay, khác với pháp luật Pháp, pháp luật Việt Nam không công nhận trường hợp xác lập quyền hưởng dụng theo thời hiệu do chiếm hữu. Với việc không cho phép xác lập quyền hưởng dụng lên tài sản đang bị chiếm hữu ngay tình thì người chiếm hữu không được thu hoa lợi, lợi tức từ việc chiếm hữu tài sản đó. Theo quan điểm của nhóm tác giả, cần thiết ghi nhận quy định cho phép người chiếm hữu ngay tình tài sản xác lập quyền hưởng dụng nhằm mục đích sử dụng hoa lợi, lợi tức để duy trì trạng thái tốt nhất cho tài sản trong khoảng thời gian chiếm hữu. Quy định sẽ tạo động lực cho người chiếm hữu bảo quản tài sản luôn trong trạng thái tốt nhất.

Ngoài ra, khác với quy định của pháp luật Việt Nam, BLDS Pháp không quy định di chúc là một căn cứ xác lập quyền hưởng dụng, bởi vì quan điểm của các nhà lập pháp Pháp cho rằng di chúc là một dạng thỏa thuận đơn phương thể hiện ý chí của người lập di chúc. Tại thời điểm mở thừa kế theo di chúc, người nhận thừa kế có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận việc nhận thừa kế. Như vậy, bản chất của việc xác lập quyền hưởng dụng bằng di chúc cũng là một dạng thoả thuận. [7]

Trường hợp xác lập bằng pháp luật tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa thấy có quy định nào liên quan. [8] Trong khi đó, tại Pháp, tồn tại các quy định liên quan đến thừa kế và hôn nhân gia đình mà khi thỏa các điều kiện luật định thì quyền hưởng dụng phát sinh theo pháp luật, cụ thể theo quy định tại các điều 274, 382, 757 BLDS Pháp. Quyền hưởng dụng là một chế định đặc biệt cho phép ta có thể sử dụng như là một công cụ để bảo vệ quyền lợi của một số chủ thể “yếu thế” thường phát sinh trong quan hệ hôn nhân gia đình. Như vậy, việc quy định căn cứ xác lập quyền hưởng dụng theo pháp luật là tất yếu. Tuy nhiên, pháp luật dân sự Việt Nam vẫn chưa thể hiện được sự đồng bộ trong việc thiết lập các quy định có liên quan đến xác lập quyền hưởng dụng theo pháp luật.

1.3. Chấm dứt quyền hưởng dụng

Theo quy định tại Điều 617, Điều 618 BLDS Pháp, quyền hưởng dụng chấm dứt bởi 04 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, cá nhân nhận quyền hưởng dụng chết dù quyền hưởng dụng đã được chuyển nhượng; hoặc người nhận quyền hưởng dụng cuối cùng chết trong trường hợp có nhiều người nhận quyền hưởng dụng; hoặc hết thời hạn nhận quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận.

Thứ hai, sự biến mất của một vài điều kiện:

  1. Việc mất tài sản dẫn đến chấm dứt quyền hưởng dụng đối với tài sản đó, với điều kiện đó là sự biến mất hoàn toàn hoặc tài sản đó không còn thích hợp để sử dụng. Ví dụ: trong trường hợp nhà ở gắn liền với đất bị phá hủy thì quyền hưởng dụng đối với ngôi nhà sẽ bị chấm dứt theo dù quyền hưởng dụng đối với đất vẫn còn tồn tại.
  2. Quyền hưởng dụng chấm dứt khi người hưởng dụng hoàn toàn không thực hiện quyền của mình trong khoảng thời gian 30 năm. Thời hiệu này không được áp dụng trong trường hợp quyền hưởng dụng được thực hiện bởi một người thứ ba. Ví dụ: người hưởng dụng tài sản không trực tiếp thực hiện quyền hưởng dụng mà quyền hưởng dụng được thực hiện bởi người đi thuê tài sản theo hợp đồng cho thuê tài sản có thời hạn là 30 năm. Như vậy, trong trường hợp này, quyền hưởng dụng không bị chấm dứt do quyền hưởng dụng được thực hiện bởi một người thứ ba.
  3. Quyền hưởng dụng bị chấm dứt do sự hợp nhất. Sự hợp nhất ở đây được hiểu là người có quyền sở hữu đối với tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng và người có quyền hưởng dụng trở thành một. Ví dụ: chủ sở hữu đối với tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng, nhận được di sản là quyền hưởng dụng đối với tài sản đó. Trong trường hợp này, chủ sở hữu đối với tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng ngoài việc có quyền định đoạt tài sản còn được nhận thừa kế là quyền hưởng dụng đối với tài sản đó. Như vậy, quyền hưởng dụng trong trường hợp này sẽ chấm dứt và chủ sở hữu sẽ có đầy đủ quyền năng của mình.
  4. Người hưởng dụng từ chối quyền hưởng dụng trong trường hợp nhận quyền hưởng dụng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, quyết định từ chối nhận quyền hưởng dụng có thể bị tuyên bố vô hiệu nếu gây ra thiệt hại cho bên chuyển nhượng quyền.

Thứ ba, quyền hưởng dụng có thể bị chấm dứt như một chế tài đối với hành vi lạm dụng quyền hưởng dụng của người nhận quyền. Chế tài này được quy định tại khoản 1 Điều 618 BLDS Pháp như sau: “Quyền hưởng dụng có thể chấm dứt bởi việc lạm dụng quyền của người hưởng dụng, bằng việc làm cho xuống cấp hoặc làm cho hư hỏng do không giữ gìn tài sản”. Thẩm phán có thẩm quyền xem xét sự lạm dụng này và lựa chọn chế tài: tuyên bố chấm dứt quyền hưởng dụng hoặc bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu.

Nhìn chung, các quy định của luật dân sự Việt Nam liên quan đến căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng khá chi tiết và khá tương đồng với Pháp. Các căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng được quy định tại Điều 265 BLDS năm 2015. Cụ thể thì quyền hưởng dụng chấm dứt khi (i) thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết; (ii) theo thỏa thuận của các bên; (iii) người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng; (iv) người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định; (v) tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn; (vi) theo quyết định của Tòa án; và (vii) theo các căn cứ khác theo quy định của luật.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp trên thực tế có thể làm chấm dứt quyền hưởng dụng mà BLDS năm 2015 chưa lường trước được đó là người hưởng dụng là pháp nhân chấm dứt hoạt động của mình. Trong trường hợp này, quyền hưởng dụng sẽ được giải quyết như thế nào nếu pháp nhân đó được một pháp nhân khác kế thừa quyền và nghĩa vụ (trường hợp sáp nhập, chia tách, hợp nhất pháp nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp)? Thời hạn của quyền hưởng dụng sẽ được tính lại hay vẫn tiếp tục? Nếu pháp nhân đó không được một pháp nhân khác kế thừa quyền và nghĩa vụ thì sẽ phải giải quyết như thế nào? Vấn đề trên vẫn chưa được BLDS Pháp và Việt Nam đề cập đến. Theo quan điểm của nhóm tác giả, trường hợp pháp nhân nhận quyền hưởng dụng chấm dứt hoạt động của mình và có pháp nhân mới kế thừa (trường hợp sáp nhập, chia tách, hợp nhất pháp nhân) thì tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của pháp nhân cũ được chuyển giao qua cho pháp nhân mới. Thời hạn hưởng quyền hưởng dụng vẫn sẽ được tính tiếp tục kể từ ngày pháp nhân mới nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp pháp nhân nhận quyền hưởng dụng chấm dứt hoạt động và không được một pháp nhân nào khác kế thừa thì có thể hiểu tương tự như việc cá nhân nhận quyền hưởng dụng chết. Trong trường hợp này, có thể xem đây là một trong những căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng.

Ngoài ra, BLDS năm 2015 tại khoản 2 Điều 263 chỉ quy định việc Tòa án truất quyền hưởng dụng của người hưởng dụng trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình, mà không đề cập đến trường hợp lạm dụng quyền của người hưởng dụngnhư là một căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng. Cần lưu ý rằng, việc lạm dụng quyền và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người hưởng dụng là khác nhau. Theo khoản 1 Điều 618 BLDS Pháp, hành vi lạm dụng quyền được hiểu là việc người hưởng dụng dựa vào quyền hưởng dụng của mình gây ra những thiệt hại cho tài sản hoặc không tiến hành những biện pháp tu bổ, bảo trì, sửa chữa cần thiết dẫn đến hư hỏng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.

Nhóm tác giả cho rằng, đối với việc người hưởng dụng không thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể xem đó là hành vi vi phạm “nghiêm trọng” nghĩa vụ của mình. Ngược lại, trong trường hợp người hưởng dụng thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi đó mà có thể xác định là hành vi vi phạm “nghiêm trong” hay không. Về cách thức xác định như thế nào là vi phạm nghiêm trọng thì cần thiết phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng vụ việc. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng có thể định tính được bằng việc xác định hành vi vi phạm có ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản hoặc quyền hưởng dụng hay không. Nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản hoặc trực tiếp đe dọa việc hưởng dụng thì có thể xem hành vi đó là vi phạm nghiêm trọng.

1.4. Hậu quả của việc chấm dứt quyền hưởng dụng

Khi kết thúc quyền hưởng dụng, người hưởng dụng phải hoàn trả lại tài sản theo đúng tình trạng lúc nhận, không được làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 589 BLDS Pháp. Chủ sở hữu phải chịu phần hao mòn cơ bản theo thời gian của tài sản.

Về nguyên tắc, người hưởng dụng không nhận được đền bù cho việc cải tạo vật trái ngược với người chiếm hữu vật. Khoản 2 Điều 599 BLDS Pháp quy định: “Về phía mình, người nhận quyền hưởng dụng không thể đòi, tại thời điểm chấm dứt quyền hưởng dụng, bất kỳ khoản đền bù nào cho việc cải tạo mà họ đã thực hiện mặc dù giá trị của vật đã được tăng lên”. Quy định này phần nào đã hạn chế sự đầu tư ngược trở lại của người nhận quyền hưởng dụng lên tài sản do không được đền bù cho việc cải tạo cũng như cho dù làm cho giá trịcủa tài sản tăng lên. Ngược lại, người nhận quyền hưởng dụng phải bồi thường cho chủ sở hữu trong trường hợp làm hư hỏng tài sản.

Hệ quả của việc chấm dứt quyền hưởng dụng được BLDS Việt Nam năm 2015 quy định tại Điều 266. Cụ thể thì bộ luật quy định tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng sẽ được hoàn trả khi quyền hưởng dụng chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Có thể thấy, quy định này còn tương đối sơ sài và chưa bao quát hết các hậu quả pháp lý của việc chấm dứt quyền hưởng dụng. Chỉ riêng việc hoàn trả tài sản thì bộ luật vẫn chưa chi tiết hóa được hết các tình huống có thể phát sinh trên thực tế.[9] Ngoài ra, các vấn đề khác trong trường hợp quyền hưởng dụng bị chấm dứt như việc hoàn trả tài sản không đúng tình trạng ban đầu (hư hỏng tài sản), việc quyết toán lại các chi phí, các chi phí nào sẽ được hoàn trả lại cho người hưởng dụng trong quá trình thực hiện quyền hưởng dụng vẫn chưa được quy định cụ thể như pháp luật dân sự Pháp. Theo quan điểm của nhóm tác giả, khi chấm dứt quyền hưởng dụng, ngoài nghĩa vụ hoàn trả tài sản thì luật nên khuyến khích các bên ngồi lại với nhau thỏa thuận về việc quyết toán các khoản chi phí, phí tổn liên quan đến tài sản. Trong trường hợp không thống nhất được việc bên nào có nghĩa vụ thanh toán các khoản chi phí cụ thể thì sẽ áp dụng các quy định của pháp luật. Cụ thể thì chủ sở hữu tài sản sẽ phải chịu phần hao mòn theo thời gian và các khoản chi phí sửa chữa cơ bản tài sản khi liên quan đến lỗi chủ quan của người nhận quyền hưởng dụng (hư hỏng do thiên tai, nguyên nhân khách quan); ngược lại, người nhận quyền hưởng dụng phải có trách nhiệm bảo quản và thanh toán các khoản chi phí hợp lý để đảm bảo tài sản không bị hư hỏng sau khi chấm dứt quyền hưởng dụng, chi phí cho việc cải tạo nhằm phục vụ cho việc thu lợi từ tài sản sẽ không nhận được đền bù trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Trong tương lai, cần thiết phải có thêm các văn bản hướng dẫn hoặc các án lệ quy định chi tiết Điều 266 theo đó khi chấm dứt quyền hưởng dụng, tài sản phải được hoàn trả theo đúng tình trạng ban đầu và quyết toán lại các chi phí đã bỏ ra.

2. Quyền được bảo vệ bằng tòa án và nghĩa vụ của các chủ thể trong mối quan hệ pháp lý của quyền hưởng dụng

2.1. Nghĩa vụ và quyền được bảo vệ bằng tòa án của người hưởng dụng

Quyền hưởng dụng là một quyền đối với tài sản nên quyền của người hưởng dụng đối với tài sản sẽ được pháp luật bảo vệ tối đa. Trong khoảng thời gian có quyền hưởng dụng, người hưởng dụng không có bất cứ mối quan hệ nào với chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Có thể nói hai chủ thể này gần như độc lập và không có bất cứ ràng buộc nào lẫn nhau. Chính vì vậy, theo pháp luật dân sự Pháp, khi mà các quyền của người hưởng dụng bị xâm phạm, họ có quyền vận dụng con đường Tòa án nhằm:

(i) Yêu cầu Tòa án công nhận quyền hưởng dụng của mình bằng việc “kiện đòi vật”, kiện đòi lại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng đang bị xâm phạm bởi các chủ thể khác kể cả chủ sở hữu tài sản này.

(ii)Yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền chiếm hữu tài sản. Chủ thể bị khởi kiện có thể là bất kỳ ai như người thứ ba là chủ sở hữu tài sản hay người thứ ba chiếm hữu bất kể ngay tình hay không ngay tình. Ví dụ, chủ nợ của chủ sở hữu muốn lấy tài sản (là đối tượng của quyền hưởng dụng) để trừ nợ, người hưởng dụng có quyền yêu cầu tòa án can thiệp để không cho phép chủ nợ làm điều đó.

(iii) Yêu cầu Tòa án buộc các bên có liên quan phải bồi thường thiệt hại cho mình.[10]

Điều 261 BLDS Việt Nam năm 2015 cho phép người hưởng dụng (i) tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng; (ii) yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản; và (iii) cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản. Ngoài ra, BLDS cũng có các quy định chung bảo vệ quyền khác đối với tài sản tại Mục 2 Chương XI. Cụ thể, BLDS quy định quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu tài sản, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật tại Điều 166 và quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm bồi thường thiệt hại tại Điều 170. Tương tự BLDS Pháp, BLDS năm 2015 đã đưa ra được những cơ sở pháp lý để người nhận quyền hưởng dụng có thể tự bảo vệ mình trong trường hợp quyền hưởng dụng bị xâm phạm. Tuy nhiên, các quy định này còn tương đối đơn giản và được quy định một các rải rác dẫn đến việc, trên thực tế, các chủ thể không nắm bắt được quyền lợi của mình. Hơn nữa, BLDS Pháp quy định rõ khi quyền lợi của người hưởng dụng bị xâm phạm thì họ có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Trong khi đó, BLDS năm 2015 chỉ quy định việc người hưởng dụng có quyền đòi lại tài sản, yêu cầu bồi thường thiệt hại mà không quy định cách thức mà các chủ thể có thể bảo vệ quyền lợi của mình bằng con đường Tòa án hay bằng một con đường giải quyết tranh chấp khác.

Thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp liên quan đến quyền hưởng dụng cũng chưa được quy định cụ thể. Hiện nay, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam không còn xem thời hiệu khởi kiện như là một trong những điều kiện để khởi kiện trừ trường hợp Tòa án được một bên hoặc các bên yêu cầu áp dụng thời hiệu.[11] Mặc dù vậy, việc không quy định thời hiệu quyền hưởng dụng vẫn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ quyền lợi cũng như gây khó khăn cho việc giải quyết các yêu cầu, tranh chấp. Liên hệ đến BLDS Pháp về vấn đề thời hiệu khởi kiện, thì người hưởng dụng có thể bị mất đi quyền yêu cầu đối với Toà án để bảo vệ quyền hưởng dụng của mình nếu hết thời hiệu khởi kiện. Việc “hết thời hiệu” này là hệ quả pháp lý của việc quyền hưởng dụng bị chấm dứt nếu người hưởng dụng không thực hiện quyền hưởng dụng trong vòng 30 năm đối với tài sản (cả bất động sản lẫn động sản) (Điều 617 BLDS Pháp).

2.2. Nghĩa vụ và quyền được bảo vệ bằng Tòa án của chủ sở hữu

Theo pháp luật dân sự Pháp, chủ sở hữu không có toàn quyền sở hữu đối với tài sản mà chỉ có quyền định đoạt. Cụ thể là chủ thể này có quyền mua bán, tặng cho, cầm cố, thế chấp, góp vốn… Trong trường hợp này, khoản 2 Điều 621 BLDS Pháp quy định việc mua bán tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng mà không thông qua sự đồng ý của người hưởng dụng, sẽ không làm thay đổi địa vị pháp lý vốn có của người hưởng dụng nếu họ không tuyên bố từ chối quyền hưởng dụng. Tức là người hưởng dụng vẫn tiếp tục quyền hưởng dụng của mình đối với tài sản dù chủ sở hữu tài sản đó đã thay đổi. Người nhận chuyển nhượng trên chỉ có quyền sở hữu đối với tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng. Ngoài ra, chủ sở hữu có nghĩa vụ không được gây phương hại đến quyền của người hưởng dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 599 BLDS Pháp. Chủ sở hữu phải kiềm chế không được can thiệp hoặc gây trở ngại cho người có quyền hưởng dụng trong việc thực hiện quyền của mình. Ngoài ra, chủ sở hữu còn có nghĩa vụ phải thực hiện những công việc sửaa chữa nghiêm trọng được liệt kê tại Điều 606 BLDS Pháp.

Bên cạnh đó, chủ sở hữu cũng có thể thực hiện những biện pháp bảo đảm cần thiết nếu người có quyền hưởng dụng không thực hiện đúng những quy định do pháp luật đưa ra, chẳng hạn như khởi kiện (i) yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền của mình bằng cách kiện đòi lại vật; (ii) yêu cầu việc bồi thường thiệt hại gây ra cho tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng; (iii) hoặc kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền chiếm hữu.[12] Pháp luật dân sự Pháp trao quyền chiếm hữu tài sản cho người hưởng dụng. Tuy nhiên người hưởng dụng chỉ được trao quyền chiếm hữu trong một giới hạn nhất định. Trong trường hợp này, người hưởng dụng chỉ đơn giản là người giữ đối tượng của quyền chiếm hữu (yếu tố vật chất của tài sản). Quy định này được cụ thể hóa từ khoản 2 Điều 2236 BLDS Pháp và được giải thích bằng án lệ số 103 ngày 13/02/1963: “Theo Điều 2236 BLDS thì người hưởng dụng chỉ là người giữ tạm thời và chủ sở hữu tài sản – là đối tượng của quyền hưởng dụng – thì chiếm hữu một cách trung gian”[13]. Như vậy, dù trên thực tế người hưởng dụng là người chiếm hữu trực tiếp tài sản nhưng về bản chất họ chỉ là người giữ đối tượng tạm thời về mặt vật chất. Cũng vì vậy mà quyền chiếm hữu của người hưởng dụng cũng rất hạn chế. Tuy chủ sở hữu tài sản không chiếm hữu về mặt vật chất tài sản đó nhưng họ vẫn có thể yêu cầu Toà án bảo vệ quyền chiếm hữu đối với tài sản đó.

Theo pháp luật dân sự Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được BLDS năm 2015 quy định tại Điều 263. Điều đáng chú ý là pháp luật Việt Nam có quy định trường hợp cho phép người chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình. Như vậy, có thể hiểu rằng đây cũng là một trong những căn cứ làm chấm dứt quyền hưởng dụng bằng quyết định của Toà án quy định tại khoản 6 Điều 265 BLDS năm 2015.

Tuy nhiên, thủ tục truất quyền vẫn còn chưa được quy định rõ kể cả trong BLDS lẫn Bộ luật Tố tụng dân sự của Việt Nam, cho nên việc yêu cầu truất quyền hưởng dụng là một vụ án dân sự hay một việc dân sự? Ngoài ra, việc người hưởng dụng không thực hiện, thực hiện không đúng, hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình có được coi là hành vi vi phạm “nghiêm trọng” hay không?[14] Căn cứ để xác định như thế nào là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người hưởng dụng? Cách xác định thẩm quyền theo cấp và theo lãnh thổ của Tòa án? Thiết nghĩ nên cần có một thời gian áp dụng nhất định và khi đó phát sinh những vụ việc cụ thể để được hướng dẫn bằng án lệ hoặc bằng các văn bản hướng dẫn chi tiết.

Nhóm tác giả cho rằng, việc yêu cầu truất quyền hưởng dụng là một vụ án dân sự. Bởi vì yêu cầu này phát sinh từ tranh chấp giữa hai bên trong quan hệ pháp luật dân sự, cũng như tính chất phức tạp của quan hệ mà cần thiết phải giải quyết bằng việc khởi kiện tại Tòa án, chứ không thể giải quyết như một việc dân sự thông thường.

– Về vấn đề thẩm quyền theo cấp, do tính chất phức tạp của các vụ việc liên quan đến quyền hưởng dụng, nên cần quy định theo hướng Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền sơ thẩm đối với các vụ án liên quan đến quyền hưởng dụng.

– Đối với thẩm quyền theo lãnh thổ, tuỳ thuộc vào tính chất của tài sản mà quyết định Tòa án có thẩm quyền, cụ thể là Tòa án nơi có bất động sản hoặc Tòa án nơi bị đơn cư trú trong trường hợp đối tượng tranh chấp là động sản..

CHÚ THÍCH

[1]* ThS, Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh

** ThS, Đại học Lyon III, Cộng hòa Pháp Phillipe Malaurie và Laurent Aynès, Les biens, Droit civil, 5ème éd., Nxb. Defrénois 2013, tr.109.

Xem thêm Điều 1, Nghị định thư n°.1 năm 1952, trong Công ước Châu Âu về nhân quyền, https://rm.coe.int/CoERMPublicCommonSearchServices/DisplayDCTMContent?documentId=0900001680063427, truy cập ngày 12/02/2017.

[2] Điều 578 BLDS Pháp: “Quyền hưởng dụng là quyền được thụ hưởng, như chủ sở hữu, trên tài sản thuộc sở hữu của người khác, nhưng phải có nghĩa vụ giữ gìn và bảo quản tài sản đó”.

[3] Phillipe Maulaurie và Laurent Aynès, Les biens, Droit civil, 5ème éd., Nxb. Defrénois 2013:Cass.civ.3er, 7 mars 2007, Bull.civ.III, n°36; Dr.et patr.févr.2009.96, obs.Seube et Th.Revet: “L’usufruit accordé à une personne morale ne peut excéder trente ans”, tr. 264

[4] Vì mục đích đặc biệt của mình, quyền hưởng dụng trong trường hợp này phải tuân theo một quy chế đặc biệt. Xem thêm: Weill và Terré, Les personnes, La famille, Les incapacités, Nxb. Dalloz, nos 764 s.

[5] Xem thêm: Đỗ Văn Đại, Bình luận khoa học – Những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam 2016 (xuất bản lần thứ 2), tr. 270.

[6] Trên thực tế, thời hiệu này hiếm khi được áp dụng vì sau 30 năm kể từ ngày chiếm hữu, người chiếm hữu có thể xác lập quyền sở hữu đầy đủ đối với bất động sản đó.

[7] Điều 258 BLDS 2015: “Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc”

[8] Xem thêm: Đỗ Văn Đại, Bình luận khoa học – Những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam 2016 (xuất bản lần thứ 2), tr. 270.

[9] Cụ thể là trường hợp quyền hưởng dụng được trao cho hơn một người. Về vấn đề này, xem thêm: Đỗ Văn Đại, Bình luận khoa học – Những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam 2016 (xuất bản lần thứ 2), tr. 277.

[10] Francois Terré và Philippe Simler, Droit civil, Les biens, 4e éd., Nxb. Précis Dalloz, 1992, tr. 534

[11] Điều 184 Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

[12] Francois Terré và Philippe Simler, Droit civil, Les biens, 4e éd., Nxb. Précis Dalloz, 1992, tr. 540 – 541

[13] Civ. 1er, 13 fév. 1963, Bull. Civ. I, no 103

[14] Đỗ Văn Đại, Bình luận khoa học – Những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam 2016 (xuất bản lần thứ 2), tr. 273 – 274.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Zénati-Castaing et Revet, Les biens, 3e éd., Nxb. PUF, 2008 [trans: Zénati-Castaing and Revet, Property, 3th edition, PUF, 2008]
  • Đỗ Văn Đại, Bình luận khoa học – Những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam 2016 (xuất bản lần thứ 2) [trans: Do Van Dai, Science Comment – The new points of the 2015 Civil Code, Hong Ducpublising house – Vietnam Jurist Association 2016 (second edition)]
  • Phillipe Malaurie et Laurent Aynès, Les biens, Droit civil, 5ème éd., Defrénois 2013 [trans: Philippe Malaurie and Laurent Aynès, Property, Civil Law, 5th edition, Defrénois 2013]
  • Marty et Raynaud, Droit civil. t. II vol. 2, Les biens, 2e éd., Sirey, 1980 [trans: Marty and Raynaud, Civil Law. T. II vol. 2, Property, 2nd edition, Sirey, 1980]
  • Mémeteau, Droit des biens, 5e éd., Paradigme, 2012 [trans: Mémeteau, Property Law, 5th edition, Paradigme, 2012]
  • Planiol et Ripert, Traité pratique de droit civil français, t. 3, 2e éd. par PICARD, LGDJ, 1952 [trans: Planiol and Ripert, Practical Treaty of French Civil Law, t. 3, 2nd edition by PICARD, LGDJ, 1952]
  • Ripert et Boulanger, Traité de droit civil, t. 2, LGDJ, 1957 [trans: Ripert and Boulanger, Treaty of Civil Law, t. 2, LGDJ, 1957]
  • Sautai, L’usufruit des valeurs mobilières, Dalloz,1925 [trans: Sautai, The usufruct of mobile value, Dalloz, 1925]
  • Francois Terré et Philippe Simler, Droit civil, Les biens, 4e éd., Précis Dalloz, 1992 [trans: Francois Terré and Philippe Simler, Civil Law, Property, 4th edition, Précis Dalloz, 1992]
  • Terré et Simler, Droit civil. Les biens, 8e éd., Précis Dalloz, 2010 [trans: Terré and Simler, Civil Law, Property, 8th edition, Précis Dalloz, 2010]
  • Weill et Terré, Les personnes, La famille, Les incapacités, Dalloz [trans: Weill and Terré, Person, Family, Disabilities, Dalloz]
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Quyền của người hưởng dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015
Quyền của người hưởng dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015
Tuyển tập đề cương câu hỏi ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam có đáp án tham khảo
[CÓ ĐÁP ÁN] Đề cương ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam
Tuyển tập nhận định đúng sai (bán trắc nghiệm) môn Luật Dân sự năm 2015 có đáp án tham khảo.
[CÓ ĐÁP ÁN] Nhận định đúng sai môn Luật Dân sự năm 2015
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015)
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của BLDS 2015
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Tạp chí Khoa học pháp lý VIệt Nam
Bảo đảm tính thống nhất giữa BLLĐ với pháp luật thanh tra lao động

Chuyên mục: Dân sự Từ khóa: Lê Minh Khoa, Luật dân sự, Nguyễn Thị Thúy, Quyền hưởng dụng, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2017

About ThS. LS. Phạm Quang Thanh

Sinh sống tại Hà Nội. Like Fanpage Luật sư Online - iluatsu.com để cập nhật những tin tức mới nhất bạn nhé.

Previous Post: « Biện pháp kê biên tài sản tương ứng số tiền phạt để bán đấu giá
Next Post: Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • VŨ VĂN KIÊN trong [EBOOK] Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam pdf
  • VŨ VĂN KIÊN trong [EBOOK] Giáo trình Luật So sánh pdf
  • VŨ VĂN KIÊN trong [EBOOK] Giáo trình Luật So sánh pdf
  • Thanh Hoa trong [EBOOK] Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam pdf
  • hahehe trong [EBOOK] Giáo trình Luật Lao động pdf – ĐH Luật Hà Nội

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng