Mục lục
Những điểm mới của chế định pháp nhân trong Bộ luật Dân sự 2015 và một số vấn đề liên quan
TÓM TẮT
Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có nhiều điểm mới so với BLDS năm 2005, bao gồm những điểm mới cơ bản về pháp nhân. Mục đích của bài viết là tổng hợp và phân tích những điểm mới mang tính đặc trưng của chế định pháp nhân trong BLDS năm 2015 cùng các hệ quả của những điểm mới này.
Xem thêm về “Pháp nhân“:
- Bản chất của doanh nghiệp xã hội và cách phân loại pháp nhân theo Bộ luật Dân sự 2015 – ThS. Lê Nhật Bảo
- Bàn về đổi mới chế định pháp nhân trong Bộ luật Dân sự 2005 – PGS.TS. Phan Huy Hồng
- Một số vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân – TS. Lương Thị Mỹ Quỳnh
- Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 – ThS. Nguyễn Thị Xuân
Cá nhân (thể nhân) và pháp nhân là hai loại chủ thể chủ yếu tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự. Khác với cá nhân, pháp nhân là loại chủ thể trừu tượng, do đó nó phải được điều chỉnh trong BLDS thông qua các quy định về điều kiện của pháp nhân, thành lập, tổ chức lại và chấm dứt pháp nhân, hoạt động của pháp nhân, phân loại pháp nhân. Mặc dù đã có những quy định nhằm thể chế hóa vai trò của pháp nhân trong các mối quan hệ dân sự nhưng chế định pháp nhân trong BLDS năm 2005 được đánh giá là “cần được sửa đổi cơ bản vì chế định này không phát huy tác dụng trong đời sống xã hội bởi nó chưa phù hợp với thực tế cũng như chưa đáp ứng về mặt khoa học pháp lý dân sự”.[1] Để khắc phục những hạn chế nêu trên, quy định về pháp nhân trong BLDS năm 2015 đã có những sửa đổi một cách toàn diện.
1. Các điều kiện để một tổ chức được coi là pháp nhân
Điều 84 BLDS năm 2005 xác định 4 điều kiện để một tổ chức được coi là pháp nhân: (1) được thành lập hợp pháp; (2) có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; (3) có tài sản độc lập với cá nhân tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; (4) nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật dân sự một cách độc lập. Mặc dù đây là các điều kiện cơ bản của một pháp nhân trên thực tế nhưng cách quy định này vẫn còn chưa rõ ràng và có nhiều thiếu sót. Điều 74 BLDS năm 2015 đã xác định rõ ràng và chính xác hơn so với BLDS năm 2005 những điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân theo đúng bản chất của chủ thể này. Theo điều luật này, một tổ chức muốn được công nhận là một pháp nhân phải đáp ứng được những điều kiện sau: (1) được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; (2) có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; (3) có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (4) nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
So với BLDS năm 2005, những điều kiện này trong BLDS năm 2015 đã có sự thay đổi về chất. Điều kiện thứ nhất: một pháp nhân “phải được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan” khác hoàn toàn với việc “được thành lập hợp pháp”. Việc thành lập và đăng ký pháp nhân theo bộ luật này được điều chỉnh tại Điều 82, qua đó ghi nhận sự tồn tại của pháp nhân và tư cách pháp nhân của chủ thể đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được pháp luật công nhận, khác với việc thành lập một tổ chức. Khía cạnh này không được ghi nhận rõ ràng trong BLDS năm 2005. Điều kiện thứ hai về cơ cấu tổ chức của pháp nhân cũng có sự cụ thể hơn. Sự thiếu rõ ràng trong quy định pháp nhân phải “có cơ cấu tổ chức chặt chẽ” của BLDS năm 2005 đã làm nảy sinh nhiều quan điểm khác nhau. Một số ý kiến cho rằng yêu cầu này là không cần thiết vì “chẳng hạn đa số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân thì không cần phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ”.[2] Tuy nhiên, vẫn có quan điểm cho rằng cơ cấu tổ chức của loại hình công ty này đã chặt chẽ vì tồn tại như một doanh nghiệp độc lập, có các cơ quan hoàn bị và hoạt động thông qua người đại diện xác định.[3] Điều 83 BLDS năm 2015 đã xác định rõ pháp nhân phải có cơ cấu tổ chức bao gồm cơ quan điều hành, tổ chức nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân; pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Điểm mới này đã khắc phục được tình trạng không rõ ràng trên. Hai điều kiện còn lại là “có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”; “nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập” nhìn chung BLDS năm 2015 đã kế thừa của BLDS năm 2005. Với những thay đổi trên, có thể thấy nhà làm luật đã hướng tới việc làm rõ những điều kiện đặc thù của pháp nhân, là dấu hiệu để phân biệt pháp nhân và các tổ chức không phải pháp nhân trong BLDS năm 2015.
Trên thực tế, còn tồn tại nhiều vấn đề trong những quy định của pháp luật chuyên ngành trong việc cụ thể hóa những quy định về điều kiện để công nhận một tổ chức là pháp nhân. Một trong những vấn đề đó là tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo. Trước khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 được ban hành, Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo được Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2004 cùng những văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 22/2005/NĐ-CP và sau này là Nghị định số 92/2012/NĐ-CP đã có tác động tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo tại Việt Nam thông qua các tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, những quy định về pháp nhân là tổ chức tôn giáo chưa thực sự hoàn chỉnh và cần được bổ sung trong quá trình xây dựng Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo chỉ quy định về khái niệm tổ chức tôn giáo còn Điều 16 Pháp lệnh này chỉ quy định những điều kiện để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo. Chương III nghị định 92/2012/NĐ-CP cũng chỉ quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo, đăng ký hoạt động và công nhận tổ chức tôn giáo. Hai văn bản trên không có quy định về việc sau khi được công nhận, tổ chức tôn giáo có phải là pháp nhân hay không. Trên thực tế, có rất nhiều tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận, tuy nhiên việc công nhận lại chưa theo một quy chuẩn thống nhất nào. Do không có quy định cụ thể về việc ghi nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo sau khi được công nhận nên đã dẫn đến nhiều quan điểm. Có quan điểm cho rằng việc công nhận tổ chức tôn giáo có nghĩa là đã công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức đó, quan điểm khác lại cho rằng đây chỉ là việc công nhận cho các tổ chức này được hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, chứ không đồng nghĩa với việc thừa nhận tư cách pháp nhân. “Với những quy định hiện hành của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và của các văn bản pháp luật liên quan thì tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo sau công nhận ở nước ta chưa rõ và chưa đầy đủ”[4] . Như vậy vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay đó là phải có một quy chuẩn pháp lý chặt chẽ hơn về việc công nhận tổ chức tôn giáo ở cả hai cấp độ là “cho phép hoạt động” và “công nhận tư cách pháp nhân”. Rõ ràng tổ chức và pháp nhân là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và việc công nhận tư cách pháp nhân của một tổ chức có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của tổ chức đó, đặc biệt là tổ chức tôn giáo. Bởi vì “vấn đề pháp nhân tôn giáo liên quan mật thiết đến việc quản lý hành chính và tài sản tôn giáo cũng như các quyền lợi khác về kinh tế, xã hội và văn hóa…của các tôn giáo”.[5]
Vấn đề này đã được Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 tiếp thu và ghi nhận. Ở cấp độ cho phép hoạt động, Luật này quy định những điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tại Điều 18 và trình tự thủ tục cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tại Điều 19. Tổ chức được cấp chứng nhận sẽ được tiến hành các hoạt động tại Điều 20 Luật này. Về tư cách pháp nhân, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 21 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và có tư cách pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo Điều 30 Luật này. Trong các điều kiện đó, ngoài những điều kiện đặc thù của tổ chức tôn giáo, Luật này còn quy định những điều kiện của pháp nhân như điều kiện về cơ cấu tổ chức; về tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; về việc nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Theo tác giả, việc quy định các điều kiện trên là phù hợp với những điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân theo quy định của BLDS 2015 và phù hợp với tình hình thực tiễn về tín ngưỡng tôn giáo hiện nay. Tuy nhiên nội dung này vẫn cần được hướng dẫn cụ thể hơn. Chẳng hạn về vấn đề tài sản của pháp nhân tôn giáo, Luật Đất đai năm 2013 quy định quyền sử dụng đất là một trong những tài sản của tổ chức tôn giáo và diện tích đất này được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất (Điều 54, Điều 159 Luật Đất đai năm 2013), nhưng tổ chức tôn giáo không được tham gia các giao dịch về bất động sản trong các quan hệ pháp luật của tổ chức tôn giáo (Điều 181 Luật Đất đai năm 2013). Về cơ bản theo quy định tại Điều 211 BLDS năm 2015, và theo Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 những cơ sở tôn giáo đó được xác định là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng tôn giáo nhằm phục vụ cho việc thờ phượng và sinh hoạt tôn giáo của các thành viên cộng đồng. Như vậy chế độ tài sản của tổ chức tôn giáo so với các pháp nhân khác tồn tại những điểm khác biệt cần hướng dẫn một cách rõ ràng hơn. Tác giả cho rằng, khi ban hành quy định hướng dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cần thiết phải đảm bảo yêu cầu độc lập về tài sản của pháp nhân tôn giáo để minh bạch tài sản của tổ chức tôn giáo và các chủ thể khác; tránh sự chi phối của các cá nhân, tổ chức tài trợ cho tổ chức tôn giáo trong trường hợp tổ chức tôn giáo phải dựa vào tổ chức, cá nhân đó để hoạt động; thông qua đó, loại bỏ được những nguy cơ đối với xã hội như tham nhũng, rửa tiền, tư lợi thậm chí lợi dụng tổ chức tôn giáo vào các hành vi vi phạm pháp luật… Việc đảm bảo sự độc lập về tài sản của tổ chức tôn giáo cũng sẽ cung cấp cơ sở pháp lý cho việc xử lý các tranh chấp về tài sản giữa tổ chức tôn giáo với các cá nhân tổ chức khác hay thậm chí là những khiếu kiện về tài sản với Nhà nước. Điều này góp phần làm giảm thiểu các xung đột, mâu thuẫn giữa tổ chức tôn giáo và các tổ chức, cá nhân khác cũng như với nhà nước thông qua đó duy trì sự ổn định của xã hội. Do đó tác giả đề xuất cần hướng dẫn cụ thể hơn đối với những điều kiện và thủ tục công nhận tổ chức tôn giáo, nhất là về chế độ pháp lý đối với tài sản của pháp nhân tôn giáo.
Bên cạnh đó, tác giả cho rằng cần phải ban hành quy định hướng dẫn về chấm dứt tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, chẳng hạn như việc đình chỉ hoạt động hay giải thể tổ chức tôn giáo khi có vi phạm pháp luật. Cụ thể, một trong những trường hợp giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là: “hết thời hạn bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ”. Tuy nhiên trong Luật này hoàn toàn không có quy định về các trường hợp đình chỉ hoạt động một tổ chức tôn giáo, trình tự thủ tục và lý do một tổ chức tôn giáo bị đình chỉ hoạt động. Thiết nghĩ, vấn đề này cần có sự nghiên cứu nghiêm túc không những để ban hành một quy định hướng dẫn đầy đủ hơn mà còn là cơ sở để hoàn thiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Phân loại pháp nhânBLDS năm 2015 không sử dụng cách phân loại tại Điều 100 BLDS năm 2015 là liệt kê trong từng điều luật các loại pháp nhân bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; tổ chức kinh tế; tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; quỹ xã hội, quỹ từ thiện; tổ chức khác có đủ điều kiện quy định về pháp nhân. “Việc phân chia pháp nhân như trên dường như không theo một tiêu chí rõ rệt nào”,[6] do đó không làm rõ được bản chất pháp lý của các loại pháp nhân. Theo Điều 75 và Điều 76 BLDS năm 2015, pháp nhân được phân loại thành pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Cách phân loại pháp nhân trong BLDS năm 2015 đã dựa vào tiêu chí rõ rệt là mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của pháp nhân và việc phân chia lợi nhuận cho các thành viên. Đây là quy định bao quát và mang tính dự báo được sự đa dạng của pháp nhân khi tham gia các giao dịch dân sự trong đời sống xã hội. Cách phân loại này có thể coi là một thành công của BLDS năm 2015. Cách tiếp cận này có sự tham khảo kinh nghiệm điều chỉnh của chế định pháp nhân trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn, một số nơi như Quebec (Canada) và Nhật Bản “có chế định về pháp nhân mà ở đó quy định phân biệt dựa vào tiêu chí hoạt động: cho mình hay vì công cộng. Từ đó phân định rõ hai loại: pháp nhân vì mục đích công cộng và pháp nhân vì lợi nhuận”.[7]
Tuy nhiên, Điều 75 và Điều 76 BLDS năm 2015 vẫn liệt kê ra từng loại pháp nhân. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác. Theo chúng tôi, đây là một điểm có phần không hợp lý. Về mặt lý luận, đã dựa vào tiêu chí rõ ràng như trên để phân loại pháp nhân thì không cần thiết phải liệt kê ra từng loại pháp nhân. Mục đích của các nhà làm luật có lẽ là muốn xác định cụ thể các loại pháp nhân và quy chế hoạt động của chúng trong khi nếu chỉ dựa vào mục đích hoạt động của pháp nhân thì khó bao quát được hết các trường hợp trên thực tế, chẳng hạn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công cộng là pháp nhân thương mại hay phi thương mại. Thế nhưng, cách quy định này có phần trùng lặp và dễ gây hiểu nhầm khi đặt trong mối quan hệ với những quy định về địa vị pháp lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương trong các mối quan hệ dân sự từ Điều 97 đến Điều 100 BLDS năm 2015. Sự trùng lắp này dễ làm người đọc đặt ra câu hỏi: vậy rốt cục Nhà nước và các cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương có phải là pháp nhân hay không? Vì với cách quy định như thế này BLDS năm 2015 đã đặt Nhà nước và các cơ quan nhà nước ở trung ương lẫn địa phương ở chung một địa vị với nhau và có tư cách pháp lý độc lập và ngang với pháp nhân.
Nếu cho rằng các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương không phải là pháp nhân, chúng ta sẽ không có cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ việc sau đây:
“Anh D. là Cảnh sát giao thông thuộc Công an huyện được phân công phối hợp cùng với anh H. là Công an xã đi tuần tra giao thông. Sau khi phát hiện anh N. đang điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, anh D. điều khiển xe mô tô của cảnh sát giao thông đuổi theo. Khi đuổi kịp ép xe anh N. vào lề đường, anh H. ngồi sau dùng gậy giao thông đánh vào vùng cổ anh N. làm anh N. mất thăng bằng ngã xuống lề phải đường nên bị thương bất tỉnh.”
Trường hợp gây thiệt hại của anh H nêu trên được nhiều tác giả phân tích rằng không được Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước năm 2009 điều chỉnh vì không thuộc những trường hợp quy định tại Điều 1 và Điều 13 của luật này. Vào thời điểm BLDS năm 2005 có hiệu lực, những quy định về Bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (Điều 620 BLDS năm 2005) và Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra (Điều 619 BLDS năm 2005) không phù hợp với hoàn cảnh này. Do đó, trong thực tiễn xét xử, Tòa án đã áp dụng gượng ép quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra (Điều 618 BLDS năm 2005) để giải quyết tình huống nêu trên.[8] Vấn đề đặt ra là việc giải quyết tình huống theo hướng này có phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 hay không?
BLDS năm 2015 có quy định trường hợp Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra tại khoản 1 Điều 598 nhưng không trực tiếp giải quyết trường hợp này và dẫn chiếu tới quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước năm 2009. Tuy nhiên chúng ta đã biết trường hợp công an xã gây thiệt hại như tình huống của chúng ta không nằm trong những trường hợp được liệt kể trong phạm vi điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước. Hay nói cách khác, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước chưa bao quát được hết các trường hợp bồi thường thiệt hại do người công vụ gây ra. Trong thực tiễn xét xử, Tòa án thường giải quyết những trường hợp này trên cơ sở áp dụng quy định bồi thường thiệt hại do hoạt động của pháp nhân gây ra[9]. Có thể thấy, mặc dù đã có hướng quy định bao quát hơn nhưng BLDS năm 2015 vẫn chưa điều chỉnh đầy đủ được các trường hợp gây thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Như vậy, nếu cho rằng cơ quan nhà nước ở địa phương là pháp nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 76 BLDS năm 2015 thì chúng ta vẫn còn có cơ sở pháp lý để giải quyết những vụ việc như thế này. Về trách nhiệm bồi thường, thực tế có thể xác định thuộc về pháp nhân có trách nhiệm quản lý, điều hành công an xã là Ủy ban nhân dân cùng cấp.[10] Nhưng nếu cho rằng cơ quan nhà nước ở địa phương không phải là pháp nhân mà có quy chế pháp lý riêng bình đẳng với các chủ thể khác theo quy định tại Điều 97 BLDS năm 2015 thì không thể giải quyết vụ việc này theo hướng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hoạt động của pháp nhân gây ra. Do đó, chúng tôi cho rằng, mặc dù những quy định trên còn vướng mắc nhưng nếu xảy ra vụ việc tương tự, Tòa án nên mạnh dạn áp dụng quy định tại Điều 597 BLDS năm 2015 xác định đây là trường hợp bồi thường thiệt hại do hoạt động của pháp nhân gây ra. Bởi lẽ trong vụ việc này “Tòa án đã căn cứ vào “Điều 618 Bộ luật Dân sự” về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra để quyết định buộc Công an xã phải bồi thường”.[11] Đồng thời những quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước 2009 nă cũng cần được điều chỉnh theo hướng quy định đầy đủ những trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại để phù hợp với quy định tại Điều 598 BLDS năm 2015.
3. Tổ chức lại pháp nhân và chấm dứt pháp nhân
Những quy định về việc thay đổi và chấm dứt pháp nhân cũng được BLDS năm 2015 sửa đổi bổ sung, xác định cho rõ ràng hơn. Khi hợp nhất pháp nhân, thời điểm pháp nhân cũ chấm dứt tồn tại là khi pháp nhân mới được thành lập. (Điều 88 BLDS năm 2015). Việc phá sản pháp nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. (Điều 95 BLDS năm 2015 ). Các trường hợp chấm dứt pháp nhân được khái quát lại một cách đầy đủ và bổ sung thêm quy định về xử lý tài sản của pháp nhân chấm dứt tồn tại “theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan”. Đặc biệt, một pháp nhân có thể hợp nhất, sáp nhập vào một pháp nhân khác mà không nhất thiết phải là “pháp nhân cùng loại” như trước đây[12] (Điều 88, 89 BLDS năm 2015). Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn cho việc hợp nhất, sáp nhập nhiều loại hình pháp nhân vốn hết sức phức tạp và đa dạng trong xã hội hiện nay.Pháp nhân có thể bị giải thể theo “những trường hợp khác theo quy định pháp luật” (điểm d khoản 1 Điều 93 BLDS năm 2015). Những quy định trong BLDS năm 2005 chưa có thì nay đã được BLDS năm 2015 quy định rõ như chuyển đổi hình thức của pháp nhân, phá sản pháp nhân. Những quy định trên dù mang tính nguyên tắc nhưng đã góp phần hoàn thiện chế định pháp nhân trong BLDS năm 2015.
Đặc biệt, việc thanh toán tài sản của pháp nhân sau khi bị giải thể là quy định hoàn toàn mới nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên bị ảnh hưởng bởi sự giải thể của pháp nhân. Theo Điều 94 BLDS năm 2015, tài sản của pháp nhân bị giải thể được thanh toán theo thứ tự sau đây: chi phí giải thể pháp nhân; các khoản nợ đối với người lao động như lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; nợ thuế và các khoản nợ khác. Sau khi đã thanh toán hết các khoản trên, phần còn lại thuộc về chủ sở hữu pháp nhân, các thành viên góp vốn. Ngoại lệ quy định tại khoản 3 điều này được đặt ra nhằm mục đích hỗ trợ hoạt động của các quỹ xã hội, quỹ từ thiện và đảm bảo quyền lợi của các đối tượng mà hoạt động của các quỹ này hướng tới. Đó là trường hợp giải thể pháp nhân là quỹ xã hội, quỹ từ thiện: sau khi đã thanh toán hết chi phí giải thể và các khoản nợ theo quy định trên, tài sản còn lại được chuyển giao cho quỹ khác có cùng mục đích hoạt động. Trường hợp không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc quỹ bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì tài sản của quỹ bị giải thể thuộc về Nhà nước. Đây là quy định hợp lý vì tài sản của quỹ xã hội, quỹ từ thiện phần lớn có được từ hoạt động quyên góp của các nhà hảo tâm nhằm phục vụ cho mục đích hoạt động cao đẹp của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện ngoại lệ trên một cách công bằng và hợp lý. BLDS chỉ quy định một cách khái quát nhất, những quy định cụ thể hơn là nhiệm vụ của các văn bản chuyên ngành. Trong khi đó, quy định cũ tại khoản 5 Điều 39 Nghị định số 30/2012/NĐ-CP Về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện có nội dung không còn phù hợp với BLDS năm 2015: “Sau khi thanh toán các khoản nợ và chi phí giải thể, số tiền và tài sản còn lại của quỹ do cơ quan thuộc cấp nào cho phép thành lập thì được nộp vào ngân sách cấp đó”. Như vậy, để phù hợp với BLDS năm 2015 chúng ta cần xây dựng những quy định mới về trình tự thủ tục thực hiện việc chuyển giao tài sản trong trường hợp này.
Xét về việc xử lý tài sản trong trường hợp giải thể pháp nhân là quỹ xã hội, quỹ từ thiện; theo quan điểm của chúng tôi nên để cho Hội đồng quản lý quỹ của quỹ xã hội, quỹ từ thiện quyết định theo nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt của chính quỹ đó đối với tài sản do mình đang quản lý. Do vậy, chúng tôi đề xuất hướng sửa đổi quy định tại khoản 5 Điều 39 Nghị định số 30/2012/NĐ-CP như sau: “Sau khi thanh toán các khoản nợ và chi phí giải thể, việc chuyển giao tài sản còn lại từ quỹ bị giải thể cho các quỹ khác có cùng mục đích hoạt động do Hội đồng quản lý quỹ bị giải thể quyết định”..
CHÚ THÍCH
* Bộ môn pháp luật, Trường ĐH An ninh nhân dân
[1] Vũ Thị Minh Hồng, “Nhìn nhận quy định pháp nhân trong BLDS năm 2005 dưới cái nhìn khoa học và hội nhập”, Hội thảo Tổng kết thực tiễn thi hành và góp ý hoàn thiện BLDS năm 2005 – Ban pháp chế VCCI và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, Hà Nội 1/3/2013.
[2] Trương Thanh Đức, “Bình luận về chủ thể quan hệ dân sự trong BLDS năm 2005”, Hội thảo Tổng kết thi hành BLDS năm 2005 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hà Nội 05/12/2012.
[3] Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình những quy định chung về Luật dân sự, Nxb. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh, năm 2012, tr. 156.
[4] Đặng Thanh Bằng, “Công nhận tổ chức tôn giáo – Kết quả và những vấn đề cần hoàn thiện qua 10 năm thực hiện nghị quyết 25 – NQ/TW về công tác tôn giáo”, Tạp chí Công tác tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, số 5, 2014.
[5] Đỗ Quang Hưng, “Vấn đề công nhận các tổ chức tôn giáo – Tiếp cận so sánh: trường hợp Việt Nam”. Hội nghị khoa học Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á, Hà Nội, tháng 9/2006.
[6] Trương Thanh Đức, “Bình luận về chế định Pháp nhân và đại diện pháp nhân trong BLDS năm 2005”, Hội thảo Thực tiễn thi hành một số chế định của BLDS năm 2005 phục vụ công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự – Bộ tư pháp, Hà Nội 25/5/2012.
[7] Vũ Thị Minh Hồng, tlđd.
[8] Đỗ Văn Đại, “Thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, xử lý thế nào?”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, xem tại (http://baochinhphu.vn/Lay-y-kien-nhan-dan-ve-du-thao-Bo-luat-dan-su-sua-doi/Thiet-hai-do-nguoi-thi-hanh-cong-vu-gay-ra-xu-ly-the-nao/219758.vgp)
[9] Đỗ Văn Đại, Nguyễn Trương Tín, Pháp luật Việt Nam về Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước – Bản án và Bình luận bản án, Nxb. Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2014, tr. 141.
[10] Điều 4 Pháp lệnh công an xã quy định Công an xã chịu sự quản lý, điều hành của Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
[11] Đỗ Văn Đại, tlđd.
[12] Khoản 1 Điều 94 BLDS năm 2005 quy định: “Các pháp nhân cùng loại có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới theo quy định của điều lệ, theo thỏa thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Khoản 1 Điều 95 BLDS năm 2005 quy định: “Một pháp nhân (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) có thể sáp nhập vào một pháp nhân khác cùng loại (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập)”.
- Tác giả: ThS. Trần Tuấn Vũ
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 01(104)/2017 – 2017, Trang 34-40
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời