Mục lục
Bài viết: Nguyên tắc tranh tụng trong TTDS Việt Nam
- Tác giả: Trương Thị Hòa*
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 09(94)/2015 – 2015, Trang 43-45
TÓM TẮT
Về cơ bản, nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự là: tranh luận trong suốt quá trình của vụ án, từ khi thụ lý cho đến tại các phiên tòa xét xử. Yêu cầu và mục tiêu của tố tụng tranh tụng là đảm bảo dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch trong suốt quá trình tố tụng. Trong đó, công khai là yêu cầu, là mục tiêu và là điều kiện để đảm bảo dân chủ, bình đẳng và minh bạch. Đối với tố tụng dân sự Việt Nam, những ưu việt của tố tụng thẩm vấn cần được bảo lưu và dung hòa với những ưu việt của tố tụng tranh tụng. Yêu cầu này nhằm phát huy việc tìm ra sự thật thông qua trực tiếp xét hỏi, tìm ra sự thật đã được che giấu đằng sau những chữ viết (nếu có).
ABSTRACT:
Fundamentally, the principles of litigation in Vietnam civil proceedings are: litigating throughout the process of lawsuit, from the time of file enrolment to the trial. The requirement and targets of litigious proceedings are to guarantee the democracy, equality, openness, transparency throughout the process. In which, the publicity is the requirement, the target and the condition for the guarantee of democracy, equality and tranparence. For Vietnam civil proceedings, the superiorities of questioning proceedings need to be reserved and conciliated with the superiorities of litigious proceedings. This requirement is to find out the truth via direct interrogation, find out the truth hidden behind written documents (if any).
TỪ KHÓA:
1. Một số nhận xét cơ bản về tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành
Nguyên tắc truyền thống của tố tụng dân sự Việt Nam là tố tụng thẩm vấn đã được thể hiện trong các pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, các tranh chấp kinh tế, các tranh chấp lao động. Nguyên tắc tố tụng thẩm vấn được thể hiện trong suốt quá trình từ khi Tòa án thụ lý vụ án cho đến khi xét xử tại phiên tòa và kết thúc bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Tố tụng thẩm vấn đã được thể hiện bằng các chế định: Tòa án chủ động thu thập chứng cứ, trong suốt quá trình tố tụng các chứng cứ gần như không được công khai, Hội đồng xét xử thực hiện quyền và nghĩa vụ xét hỏi toàn bộ vụ án tại phiên tòa…
Với sự ra đời của BLTTDS năm 2004, tố tụng dân sự Việt Nam đã bước đầu tiếp cận với nguyên tắc tố tụng tranh tụng bằng sự khẳng định và làm rõ các chế định về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, nghĩa vụ chứng minh, bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của đương sự. Cụ thể, Điều 6 BLTTDS năm 2004 quy định:
“1. Các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.
- Tòa án chỉ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định”.
Điều 9 BLTTDS năm 2004 quy định: “Đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư hay người khác có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ của họ”.
Điểm a, d, l, m khoản 2 Điều 58 BLTTDS năm 2004 quy định: “Khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
– Cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
– Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Toà án thu thập;
– Đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với nhân chứng;
– Tranh luận tại phiên tòa”.
Đến năm 2011, thực hiện cải cách tư pháp, BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung ngày 29/3/2011 đã tiếp cận gần hơn với tố tụng tranh tụng bằng các quy định về bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự, quyền hỏi của đương sự. Cụ thể, Điều 23a BLTTDS quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án bảo đảm để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Điểm o khoản 2 Điều 58 BLTTDS quy định khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền: “Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án khi được phép của Tòa án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng”.
Theo chúng tôi, từ năm 2004, chúng ta đã bắt đầu đưa tố tụng thẩm vấn tiếp cận với tố tụng tranh tụng và từ năm 2011 đến nay, chúng ta đã định hướng tố tụng tranh tụng bằng việc bổ sung một nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự Việt Nam bằng Điều 23a quy định về bảo đảm quyền tranh luận trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, tố tụng tranh tụng vẫn chưa được thể hiện rõ nét trong tố tụng dân sự Việt Nam. Nói cụ thể hơn, chúng ta đang tìm nội hàm và phương thức thực hiện tố tụng tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam.
2. Quan điểm về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam
Yêu cầu và mục tiêu của tố tụng tranh tụng là đảm bảo dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch trong suốt quá trình tố tụng, từ khi thụ lý cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật. Trong đó, công khai là yêu cầu, là mục tiêu và là điều kiện để đảm bảo dân chủ, bình đẳng và minh bạch.
Đối với tố tụng dân sự Việt Nam, những ưu việt của tố tụng thẩm vấn cần được bảo lưu và dung hòa với những ưu việt của tố tụng tranh tụng. Yêu cầu này nhằm phát huy việc tìm ra sự thật thông qua trực tiếp xét hỏi, tìm ra sự thật đã được che giấu đằng sau những chữ viết (nếu có) nhất là đối với những đương sự trình độ hạn chế, hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo bình đẳng trong giao dịch dân sự bao gồm cả kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình.
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, về cơ bản, nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự là:
– Tranh luận trong suốt quá trình của vụ án, từ khi thụ lý cho đến tại các phiên tòa xét xư;̉
– Tranh luận được thể hiện bằng nhiều hình thức lời nói trực tiếp, lời nói được ghi âm, được ghi chép thành chữ viết; văn bản viết tay, đánh máy, kỹ thuật số…, bằng hình ảnh (chụp ảnh, quay phim, hình vẽ…);
– Tranh luận bằng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, quyền và nghĩa vụ chứng minh, quyền và nghĩa vụ phản bác, phản tố.
Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, Tòa án giữ vai trò trọng tài đối với tranh luận của các đương sự trong vụ án. Tuy nhiên, Tòa án phải là trọng tài tích cực trong tố tụng tranh tụng, vì vậy, Tòa án có quyền và có nghĩa vụ thu thập chứng cứ theo trình tự của tố tụng dân sự khi xét thấy cần thiết hoặc đương sự có yêu cầu.
3. Yêu cầu về nội dung của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam
Thứ nhất, nội dung của nguyên tắc tranh tụng trong BLTTDS cần phải đầy đủ về quyền tranh luận của đương sự trong suốt quá trình tố tụng từ khi thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc vụ án bằng bản án có hiệu lực pháp luật và phải thể hiện trách nhiệm của Tòa án đối với việc bảo đảm nguyên tắc tố tụng tranh tụng được thực hiện đầy đủ và đúng luật.
Thực tế cho thấy: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, BLTTDS Việt Nam đã có Điều 23a với nội dung: “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án bảo đảm để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Vì nội dung Điều 23a không quy đầy đủ về quyền tranh luận của đương sự và trách nhiệm của Tòa án đối với việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự nên trong thời gian qua nguyên tắc tranh tụng gần như chưa được thực hiện.
Thứ hai, cần phải có sự đồng bộ trong các quy định của BLTTDS liên quan đến nguyên tắc tranh tụng.
Theo Điều 23a BLTTDS hiện hành, đương sự thực hiện quyền tranh luận trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, theo điểm m khoản 2 Điều 58, đương sự chỉ có quyền “tranh luận tại phiên tòa”. Căn cứ theo nguyên tắc tranh tụng thì điểm m khoản 2 Điều 58 phải khẳng định đương sự có “quyền tranh luận trong quá trình tòa giải quyết vụ án” để phù hợp và đồng bộ với Điều 23a BLTTDS.
Cũng như trên, quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quy định tại Điều 64 BLTTDS hiện hành. Theo khoản 6 Điều 64, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự chỉ có quyền tranh luận tại phiên tòa. Đó là một sự thiếu sót nghiêm trọng về quyền và nghĩa vụ của luật sư, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự, trong tố tụng tranh tụng.
Sự không đồng bộ và thiếu sót như nêu trên đã làm cho nguyên tắc tranh tụng không được thực hiện. Hơn nữa, thực tế cho thấy ngay tại phiên tòa, tranh luận của đương sự, của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự rất ít khi được quan tâm vì Hội đồng xét xử vẫn là Hội đồng xét xử của tố tụng thẩm vấn, không thật sự căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án.
Thứ ba, cần phải đảm bảo và thực hiện tính công khai trong quá trình giải quyết vụ án. Theo chúng tôi, BLTTDS hiện hành quy định về lấy lời khai của đương sự, lấy lời khai của người làm chứng, quy định về việc thực hiện giám định… không đảm bảo tính công khai khi thu thập chứng cứ và sau khi thu thập chứng cứ. Để đảm bảo tính công khai khi thu thập chứng cứ, cần quy định phải có mặt đầy đủ các đương sự (trừ khi đương sự có yêu cầu vắng mặt hoặc được triệu tập hợp lệ nhưng không đến) khi lấy lời khai người làm chứng, khi cần thu thập chữ ký, chữ viết để giám định…
Theo điểm đ khoản 2 Điều 58 BLTTDS hiện hành, đương sự có quyền được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do tòa án thu thập. Trong thực tế, quy định này về quyền của đương sự đối với sự công khai của chứng cứ sau khi đã được thu thập chưa được thực hiện đầy đủ và đồng bộ. Mỗi nơi mỗi khác, ngay trong một Tòa án thì thẩm phán này và thẩm phán kia cũng khác nhau. Quan điểm ban phát, xin cho còn rất nặng nề, tùy tiện. Ngay cả luật sư cũng gặp khó khăn khi thực hiện quyền này. Đây là một quyền rất quan trọng trong tố tụng tranh tụng. Vì vậy, BLTTDS cần bổ sung quy định về nghĩa vụ của Tòa án đối với quyền của đương sự, của luật sư được công khai toàn bộ các chứng cứ do các đương sự đã nộp cho Tòa án và toàn bộ chứng cứ do Tòa án đã thu thập được. Đương sự và luật sư của đương sự cần phải được tranh luận về chứng cứ trong suốt quá trình tố tụng để đảm bảo việc xét xử có đầy đủ cơ sở và đúng theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, còn nhiều nội dung khác cần được quy định trong BLTTDS để đảm bảo mục tiêu dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch trong tố tụng dân sự như yêu cầu về nội dung và phương thức hòa giải, đối chất; nội dung bản án phải nêu ý kiến tranh luận tại phiên tòa của đương sự, của luật sư, nội dung bản án cần phải thể hiện sự kiện và cơ sở pháp lý trên cơ sở trình bày của đương sự, luật sư của đương sự tại phiên tòa…
4. Một số kiến nghị nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam
Để nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm áp dụng đúng mức và đồng bộ trong tố tụng dân sự Việt Nam, chúng tôi có các kiến nghị như sau:
– Cần xác định rõ ràng quan điểm và sự cần thiết về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam và vai trò của nguyên tắc này.
– Cần xác định rõ nội dung cụ thể của nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự Việt Nam.
– BLTTDS (sửa đổi) cần cụ thể hóa các quan điểm về nội dung của nguyên tắc tranh tụng đã được thống nhất xác định.
– Trong BLTTDS, cần xác định quyền và nghĩa vụ của đương sự đối với nguyên tắc tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án từ thụ lý đến các phiên xét xử tại Tòa án.
– Trong BLTTDS, cần xác định nghĩa vụ cụ thể của Tòa án đối với nguyên tắc tranh tụng, nghĩa vụ và trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án từ thụ lý, đến xét xử, đến nội dung của bản án.
– Cần nâng cao nhận thức của ngành Tòa án, của những cơ quan tiến hành tố tụng về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.
– Cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người tham gia tố tụng về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.
– BLTTDS cần xác định Tòa án có trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc tranh tụng đạt đúng mục tiêu dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.
– Cần chấm dứt cơ chế và nhận thức về ban phát, xin cho trong quá trình thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự./.
Trả lời