Kiến nghị sửa đổi các quy định chung về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2005
Tác giả: TS. Lê Minh Hùng
TÓM TẮT
Bài viết nghiên cứu tổng quát phần quy định chung về hợp đồng trong BLDS 2005. Nội dung bài viết tập trung giải quyết các vấn đề: (1) kết cấu, bố cục tổng thể của phần quy định chung về hợp đồng; (2) khái niệm hợp đồng và quy định chung về hợp đồng; (3) trình tự giao kết hợp đồng; (4) thời điểm có hiệu lực và hiệu lực ràng buộc của hợp đồng; (5) thực hiện, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng. Xuất phát từ luận điểm xem hợp đồng như là “pháp luật” của các bên, và xác định hiệu lực ràng buộc của hợp đồng không bất biến mà là một quá trình với nhiều yếu tố tác động gây biến đổi, bài viết đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định này theo hướng: một mặt cần củng cố quy định về hiệu lực hợp đồng, nhưng mặt khác cũng hướng đến việc bổ sung quy định về những trường hợp ngoại lệ cho phép giải phóng các bên khỏi hiệu lực ràng buộc thái quá của hợp đồng, đồng thời việc hoàn thiện các quy định chung về hợp đồng cần được đặt trong mối quan hệ biện chứng với các quy định liên quan.
Xem thêm bài viết về “Hợp đồng”
- Những yêu cầu cần phải được đặt ra khi xây dựng chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2005 – PGS.TS. Dương Anh Sơn
- Một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về hình thức hợp đồng – TS. Lê Minh Hùng
- Chuyển giao hợp đồng – ThS. Trần Thị Hương
- Hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong pháp luật các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Lê Trường Sơn
- Bình luận về các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2015 – TS. Nguyễn Thùy Trang
Dẫn nhập
Quy định chung về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 có ý nghĩa pháp lý vô cùng quan trọng trong việc thể hiện vai trò luật chung của BLDS trong việc điều tiết tất cả các loại hợp đồng trong lĩnh vực luật tư, trong đó quy định chung về hợp đồng trong BLDS được coi là cơ sở pháp lý nền tảng của luật chuyên ngành khi quy định về các hợp đồng chuyên biệt. Bên cạnh đó, quy định chung về hợp đồng trong BLDS còn đóng vai trò hỗ trợ, làm “bà đỡ” cho sự ra đời của các hợp đồng, bảo đảm hiệu lực thực thi của các hợp đồng, góp phần “nâng đỡ” thị trường, làm “bệ phóng” vững chắc cho giao dịch dân sự phát triển ổn định. Thực tế cho thấy BLDS chưa hoàn thành “sứ mệnh” như vừa đề cập trên đây. Quá trình thực hiện cũng cho thấy các quy định này còn bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định thiếu tính khái quát hoặc chưa đầy đủ, không khả thi và chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
1. Kết cấu của Bộ luật Dân sự năm 2005, phần hợp đồng và bố cục phần các quy định chung về hợp đồng
– Thứ nhất, kết cấu của phần quy định chung về hợp đồng trong BLDS 2005 là chưa hợp lý. Phần thứ Ba của BLDS 2005 có tiêu đề là “Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự”. Tiêu đề này cho thấy nội dung của Phần thứ ba của BLDS gồm hai vấn đề chính: nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, khảo sát các chương, mục trong phần Ba này cho thấy, quy định về hợp đồng dân sự đã không được đặt ngang hàng với nghĩa vụ, thậm chí còn không được đặt ngang bằng với các Chương khác trong Phần thứ Ba, mà chỉ là một mục (thứ 7) trong Chương XVII của Phần thứ Ba. Kết cấu như vậy là chưa cân đối, và cũng không tương xứng với vị trí, vai trò của định chế này trong mối quan hệ tổng thể với các quy định khác của BLDS 2005.
Bởi vậy, tác giả cho rằng cần phải sửa đổi cả về kết cấu của quy định tại Phần thứ Ba về Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự theo hướng bảo đảm sự tương xứng về mặt cấu trúc của Phần thứ ba trong BLDS 2005. Cụ thể: cần đưa quy định chung về hợp đồng lên thành một chương trong Phần thứ Ba, thay vì chỉ được đặt thành một tiểu mục (7) trong chương thứ nhất của Phần thứ Ba như hiện nay.
– Thứ hai, về mặt bố cục, chế định hợp đồng được kết cấu thành hai phần chính là phần chung về hợp đồng và phần các hợp đồng cụ thể. Trong BLDS 2005, Phần chung về hợp đồng được trình bày tại Mục 7, Chương XVII với bố cục gồm 3 tiểu mục, lần lượt là (I) Giao kết hợp đồng, (II) Thực hiện hợp đồng, và (III) Sửa đổi, chấm dứt hợp đồng. Khảo sát kỹ nội dung các điều luật cho thấy thì bố cục này chưa hợp lý và có cấu trúc chưa hoàn chỉnh.
Ở đây, tiểu mục I có tiêu đề là “Giao kết hợp đồng”, nhưng nội dung của nó lại bao trùm nhiều vấn đề không chỉ thuộc phạm trù giao kết hợp đồng: khái niệm hợp đồng, hình thức, nội dung, hiệu lực, phân loại, hiệu lực, hợp đồng mẫu, giải thích hợp đồng, hợp đồng vô hiệu… Như vậy, nội dung của tiểu mục I vừa nêu đã vượt xa phạm vi của tiêu đề tiểu mục này. Điều đó làm cho việc xác định vị trí các điều luật là không khoa học, đồng thời gây bất tiện cho việc nhận thức nội dung (dựa theo tiêu đề) và việc tra cứu các Điều luật gặp khó khăn. Điều này đáng lẽ không nên xảy ra trong Bộ luật có vai trò quan trọng và tầm cỡ như BLDS.
Mặt khác, với một kết cấu ba tiểu mục như trên, nội dung của phần quy định chung về hợp đồng vừa không thể hiện hết các khía cạnh pháp lý của các quy định chung về hợp đồng, vừa không bảo đảm tính logic pháp lý trong các quy định trong từng tiểu mục, đồng thời còn bỏ sót một nội dung quan trọng, có tính cốt tử của pháp luật hợp đồng – đó là tiểu mục quy định về hiệu lực hợp đồng – yếu tố thể hiện bản chất của hợp đồng.
Trên cơ sở những phân tích trên, tác giả kiến nghị cần phải xây dựng lại bố cục của quy định chung về hợp đồng theo hướng tăng số lượng các mục và sắp xếp chúng lại theo một thứ tự hợp lý hơn. Cụ thể: quy định chung về hợp đồng sẽ được chia thành 6 mục thay vì chỉ có 3 tiểu mục như hiện nay, với thứ tự lần lượt là: I. Khái niệm, nguyên tắc chung, phân loại hợp đồng; II. Giao kết hợp đồng; III. Hiệu lực hợp đồng; IV. Thực hiện hợp đồng; V. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng; VI. Chấm dứt hợp đồng.
Cùng với việc sắp xếp lại thứ tự các mục, trong mỗi mục cần bổ sung các điều luật cần thiết và chuyển một số điều luật về đúng vị trí của chúng trong các mục tương ứng. Ví dụ: mục I cần bổ sung thêm quy định về các nguyên tắc chung của chế định hợp đồng, và chuyển các quy định liên quan đến phân loại hợp đồng (Điều 407) về đặt ngay sau quy định về nguyên tắc.
2. Tên gọi của hợp đồng và định nghĩa về hợp đồng
– Thứ nhất, về tên gọi/thuật ngữ hợp đồng dân sự: BLDS 2005 đã định danh các hợp đồng trong phần chung bằng thuật ngữ “hợp đồng dân sự”. Bản thân từ “dân sự” trong pháp luật Việt Nam, vừa có thể được hiểu theo nghĩa rộng là để chỉ các vấn đề thuộc lĩnh vực luật tư nói chung, vừa có thể theo nghĩa hẹp là để chỉ các vấn đề mang tính dân sự thuần túy như ngành “Luật Dân sự”, “hợp đồng dân sự”, “Tòa dân sự” (Tòa chuyên trách của TAND cấp tỉnh hoặc tối cao), để phân biệt với các vấn đề tương đồng khác không phải dân sự, như ngành “Luật Thương mại” hay “Luật Hôn nhân – Gia đình”, hoặc “hợp đồng thương mại” hay “hợp đồng lao động”, “Tòa lao động” hay “Tòa kinh tế” trong cơ cấu tổ chức của ngành tòa án… Như vậy, hai từ “dân sự” được đặt sau ngay sau danh từ hợp đồng dường như có chủ ý của nhà làm luật là muốn khẳng định sự khác biệt giữa hợp đồng dân sự trong pháp luật dân sự với các hợp đồng khác thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành. Hiểu theo nghĩa đó, thì tên gọi “hợp đồng dân sự” như quy định hiện hành là không phù với tính chất, vị trí, vai trò luật chung của BLDS. Điều này làm người đọc cảm nhận các quy định trong phần chung về hợp đồng trong BLDS là chỉ “dành riêng” để điều chỉnh trước hết là các hợp đồng “dân sự”, và qua đó quy định này cũng đã tự làm giới hạn phạm vi tác động của quy định về hợp đồng trong BLDS 2005 đối với các hợp đồng chuyên biệt trong pháp luật chuyên ngành. Do đó, cần bỏ cái đuôi “dân sự” kèm theo trong thuật ngữ “hợp đồng dân sự”.
– Thứ hai, về định nghĩa hợp đồng: Theo Điều 388, thì các “thỏa thuận của các bên làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” đều được coi là hợp đồng. Định nghĩa này chưa phản ánh hết các đặc trưng mang tính bản chất của hợp đồng. Có nhiều thỏa thuận có thể tạo ra các quyền và nghĩa vụ dân sự. Các học giả thường phân chia các thỏa thuận thành hai loại là “thỏa thuận nhiều bên” và các hợp đồng. Trong một số BLDS đã từng được ban hành trên thế giới và Việt Nam, nhà làm luật cũng phân biệt rõ giữa các thỏa thuận của nhiều bên có thể tạo thành “hợp ước” với thỏa thuận nhiều bên tạo thành hợp đồng hay còn gọi là “khế ước”[1]. “Hiệp ước”[2] hay “hợp ước” được hiểu “như là một thỏa thuận của hai hay nhiều ý chí với mục đích tạo lập, cải đổi hay tiêu diệt quyền lợi”[3], trong khi hợp đồng phải là những thỏa thuận tạo ra các quyền, ràng buộc các bên phải làm một việc xác định như giao vật, quyền, thực hiện một công việc xác định. [4] Hiểu theo nghĩa đó thì các thỏa thuận sau đây không phải là hợp đồng: thỏa thuận kết hôn, thỏa thuận về một bên vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con, cử người giám hộ, cho – nhận con nuôi, hiến tặng các bộ phận cơ thể, hiến xác, hoặc các thỏa thuận liên quan đến quyền nhân thân, hay về các quyền, lợi ích khác về mặt gia đình không được phép trao đổi, dịch chuyển trong giao lưu dân sự…
Để có một khái niệm hợp đồng chính xác và minh định rõ các dấu hiệu để phân biệt được giữa hợp đồng với thỏa thuận dân sự thông thường khác, tác giả kiến nghị sửa lại khái niệm “hợp đồng” theo hướng làm rõ hơn các dấu hiệu cơ bản của hợp đồng về chủ thể, nội dung thỏa thuận và hệ quả pháp lý của hợp đồng một. Cụ thể:
Điều 388 (sửa đổi): “Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên tạo ra sự ràng buộc pháp lý nhằm để chuyển giao tài sản, chuyển giao quyền, nghĩa vụ hoặc làm một việc, không làm một việc xác định”.
3. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc giao kết hợp đồng
– Thứ nhất: Bổ sung quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý tiền hợp đồng. Giai đoạn tiền hợp đồng với rất nhiều vấn đề pháp lý cần được điều chỉnh, như nghĩa vụ giữ bí mật thông tin, trách nhiệm không được tham gia giao kết hợp đồng với ý đồ xấu, trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có lỗi làm cho việc giao kết, đàm phán hợp đồng bị đổ vỡ và gây thiệt hại cho bên kia, cũng như cần quy định về các phương thức giao kết hợp đồng khác diễn ra phổ biến trên thực tế: giao kết bằng cách chào hàng và đặt hàng, giao kết bằng cách đàm phán, giao kết tại tổ chức hành nghề công chứng…
Tuy nhiên, trong các quy định hiện hành của BLDS 2005, thì các vấn đề pháp lý phát sinh giữa các bên trong quá trình đàm phán hay trước khi giao kết hợp đồng, như vừa nên trên, hiện vẫn còn là vấn bị bỏ ngỏ. Do đó, tác giả cho rằng cần xác định việc giao kết hợp đồng như một quá trình; quá trình đó được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có quá trình đàm phán, thỏa thuận trước khi giao kết hợp đồng. Vì thế, cần xây dựng các quy định cụ thể điều chỉnh các hành vi pháp lý trong giai đoạn “tiền hợp đồng” và các hệ quả pháp lý, trách nhiệm dân sự và chế tài có thể được áp dụng trong giai đoạn này nhằm cụ thể hóa nguyên tắc thiện chí, trung thực, góp phần bảo vệ quyền lợi của trong giai đoạn tiền hợp đồng. Các quy định cụ thể cần đặt ra trong giai đoạn này là: nghĩa vụ giữ bí mật thông tin, thái độ thiện chí trong đàm phán, giao kết hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại…
– Thứ hai: Sửa đổi khái niệm về đề nghị giao kết hợp đồng. Có thể thấy khái niệm giao kết hợp đồng tại khoản 1 Điều 390 BLDS 2005 chưa phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Mặt khác, ngôn từ sử dụng trong quy định này cũng chưa rõ ràng và dễ gây tranh cãi: “bên đã được xác định cụ thể”. Do đó, quy định này cần được sửa lại để thể hiện đúng bản chất của việc đề nghị giao kết hợp đồng đảm bảo hai yếu tố là (i) có sự rõ ràng về nội dung và (ii) sự khẳng định của bên đề nghị là sẽ chịu sự ràng buộc với đề nghị giao kết hợp đồng, và (iii) bao gồm cả các trường hợp đề nghị với người xác định hoặc đề nghị với công chúng. Tóm lại, Điều 390 nên được sửa đổi như sau:
Điều 390. Đề nghị giao kết hợp đồng (sửa đổi):
“1- Một đề nghị được gọi là đề nghị giao kết hợp đồng nếu nó đủ rõ ràng và thể hiện ý chí của bên đưa ra đề nghị về việc chịu ràng buộc khi đề nghị giao kết được chấp nhận”.
2- Đề nghị giao kết hợp đồng có thể được gửi cho một hoặc nhiều người cụ thể. Tính chất cụ thể được xác định dựa trên danh tính, đặc điểm về nhân thân, thông qua một hành vi cụ thể, hoặc bất cứ dấu hiệu nào khác có liên quan để xác định người đó là người được đề nghị.
Đề nghị được thông báo công khai cho tất cả mọi người cũng được coi là đề nghị giao kết hợp đồng nếu trong thông báo có xác nhận đó là một đề nghị”.
Thứ ba: Khoản 2 Điều 390 cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bản chất của hiệu lực ràng buộc của đề nghị và thiết kế thành một điều luật mới. Cụ thể:
Điều 390a. Hiệu lực đề nghị giao kết hợp đồng (Bổ sung)
“1- Trong khi đề nghị giao kết hợp đồng đang còn hiệu lực, bên đề nghị không được:
a- Sửa đổi, rút lại, hủy bỏ đề nghị trừ những trường hợp được quy định tại các Điều 292, 293 Bộ luật này;
b- Từ chối giao kết hợp đồng nếu nhận được trả lời chấp nhận hợp lệ.
2- Nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng sửa đổi, rút lại, hủy bỏ đề nghị hoặc có lỗi làm cho hợp đồng không thể giao kết được mà gây thiệt hại cho bên được đề nghị thì phải bồi thường thiệt hại theo các quy định của Bộ luật này”.
– Thứ tư: Điều 392 cũng cần được sửa cả các căn cứ pháp lý lẫn lời văn Điều luật. Theo đó, luật chỉ cho phép bên đề nghị sửa hoặc rút lại đề nghị khi tuyên bố này tới sớm hơn hoặc tới cùng một thời điểm với đề nghị. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về hậu quả pháp lý của việc rút lại đề nghị. Cụ thể:
Điều 392. Sửa đổi, rút lại đề nghị
“1- Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;
2- Khi bên đề nghị rút lại đề nghị thì đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt hiệu lực. Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị đó được coi là đề nghị mới”.“- Thứ năm: Bổ sung quy định tại Điều 393 về trường hợp hủy bỏ đề nghị sau khi bên được đề nghị đã nhận được đề nghị và hậu quả pháp lý của hành vi này. Việc hủy bỏ, sửa đổi đề nghị cần phải bị hạn chế và không thể được thực hiện một cách miễn phí. Theo đó, sau khi bên được đề nghị đã nhận đề nghị, thì bên đề nghị không được rút lại đề nghị như quy định hiện hành, mà chỉ có thể hủy bỏ đề nghị hoặc sửa đổi nội dung của đề nghị với những điều kiện cụ thể nhằm hạn chế hành vi này, và bên hủy bỏ, sửa đổi đề nghị còn phải chịu trách nhiệm dân sự nếu việc hủy bỏ, sửa đổi đề nghị đó gây ra thiệt hại cho bên kia. Cụ thể:
“Điều 393. Hủy bỏ, sửa đổi đề nghị giao kết hợp đồng khi bên đề nghị đã nhận được đề nghị (sửa đổi)
1- Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền sửa đổi, hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Việc sửa đổi đề nghị trong trường hợp này có giá trị như một đề nghị mới.
Bên đề nghị không được sửa đổi, hủy bỏ đề nghị khi bên được đề nghị đã thực hiện những hành vi nhất định thể hiện ý định chấp nhận giao kết hợp đồng.
2- Việc sửa đổi, hủy bỏ đề nghị thông báo công khai với công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 390 Bộ luật này phải được thực hiện cùng cách thức với cách thức đưa ra đề nghị.
3- Nếu việc sửa đổi, hủy bỏ đề nghị gây ra thiệt hại cho bên được đề nghị thì bên tuyên bố sửa đổi, hủy bỏ đề nghị phải bồi thường thiệt hại theo các quy định của Bộ luật này”.
– Thứ sáu: Sửa đổi quy định về trả lời chấp nhận tại khoản 1 Điều 397, theo hướng thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn về nội dung, cách thức trả lời, quy định này cần diễn đạt từ nguyên tắc chung, những hành vi phổ biến tiến dần đến ngoại lệ. Cụ thể:
Điều 397. Thời hạn trả lời chấp nhận (sửa đổi, bổ sung)
“1- Đối với đề nghị trực tiếp bằng lời nói hoặc qua điện thoại hay hình thức tương tự thì trả lời chấp nhận phải được thực hiện ngay, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn trả lời.
2- Đối với đề nghị với người ở xa được thực hiện qua thư tín, điện tín hoặc qua các phương tiện truyền tin khác thì trả lời chấp nhận có hiệu lực nếu bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận trong thời hạn trả lời được quy định trong đề nghị, trừ trường hợp trong đề nghị có quy định thời hạn trả lời được tính từ ngày trả lời được gửi đi. Nếu đề nghị quy định thời hạn trả lời là ngày gửi thư trả lời nhưng không xác định được ngày gửi thư trả lời thì ngày trả lời được xác định dựa vào dấu ngày thư đi của bưu điện.
Việc nhận được trả lời chấp nhận được gửi bằng thông điệp dữ liệu điện tử được áp dụng theo quy định về nhận được đề nghị tại Điều 391 Bộ luật này và các quy định trong pháp luật về giao dịch điện tử.
3- Khi đề nghị giao kết không ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời có hiệu lực nếu được gửi đến bên đề nghị trong khoảng thời gian hợp lý. Thời hạn hợp lý được xác định dựa vào từng lĩnh vực, ngành nghề trong trên hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt là phương thức truyền tin được sử dụng khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng”.
– Thứ bảy: Cần tách quy định tại khoản 2 Điều 397 hiện hành thành một quy định riêng về trường hợp chậm trả lời chấp nhận, với quy định đi từ cái chung là chậm trả lời theo hoàn cảnh thông thường và chậm trả lời trong trường hợp gặp trở ngại ngoài ý chí của bên trả lời. Cụ thể:
Điều 397a. Trả lời chấp nhận chậm trễ (mới bổ sung)
“1- Trả lời chấp nhận trễ hạn được coi là đề nghị mới, nhưng vẫn có hiệu lực như là một chấp nhận nếu ngay lập tức bên đề nghị thông báo cho bên được đề nghị rằng họ xem sự chấp nhận đó có hiệu lực.
2- Nếu thư hoặc một văn bản nào khác chứa đựng chấp nhận trễ chỉ ra rằng nó được gởi đi trong hoàn cảnh là nếu nó được chuyển đi theo cách thức thông thường thì nó sẽ đến tay bên đề nghị đúng hạn, thì việc chấp nhận trễ đó có hiệu lực như là một chấp nhận nếu ngay lập tức bên đề nghị không báo cho bên được đề nghị rằng họ xem sự đề nghị của họ không có hiệu lực.”- Thứ tám: Điều 398 tuy có quy định về trường hợp bên đề nghị hoặc bên trả lời là cá nhân chết, mất năng lực hành vi dân sự sau khi trả lời chấp nhận được gửi đi, nhưng chưa dự liệu các vấn đề phát sinh: ai phải giao kết hợp đồng, thời điểm giao kết được xác định chiếu theo quy định nào, và nếu hợp đồng liên quan đến tài năng, nhân cách của chủ thể đó hoặc phải do chính chủ thể đó thực hiện thì có loại trừ khỏi quy định này không. Đây là những vấn đề cóthể làm phát sinh nhiều hệ quả pháp lý phức tạp, cần được quy định cụ thể trong luật. Để khắc phục điều đó, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 398 BLDS 2005 cụ thể như sau:
Điều 398. Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự (bổ sung)
“Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị và được giao kết theo quy định tại Điều 404 Bộ luật này, trừ trường hợp hợp đồng phải do chính người đó tự mình thực hiện thì đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt theo quy định tại khoản 3 Điều 424 Bộ luật này”.
Cũng như Điều 398, Điều 399 cũng cần được sửa đổi, bổ sung tương tự. Cụ thể :
Điều 399. Trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự (sửa đổi)
“Trong trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị và được giao kết theo quy định tại Điều 404 Bộ luật này, trừ trường hợp hợp đồng phải do chính người đó tự mình thực hiện thì hợp đồng chấm dứt theo quy định tại khoản 3 Điều 424 Bộ luật này.”
– Thứ chín: Quy định về thời điểm giao kết hợp đồng tại Điều 404 là chưa khoa học và bỏ sót nhiều trường hợp trên thực tế, nên cần phải được sửa đổi, bổ sung toàn diện. Cụ thể cần phân định rõ trường hợp giao kết hợp đồng chung nhất với các trường hợp giao kết đặc thù, đồng thời cần quy định thời điểm giao kết hợp đồng dựa trên phương thức giao kết và hình thức trả lời chấp nhận, thay vì chỉ dựa vào hình thức trả lời chấp nhận như quy định hiện hành. Các trường hợp cụ thể được thiết kế thành 5 khoản khác nhau, với nội dung như sau:
Điều 404. Thời điểm giao kết hợp đồng (sửa đổi)
“1. Hợp đồng được giao kết tại thời điểm các bên đã thỏa thuận xong nội dung của hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phải được giao kết theo hình thức, thủ tục xác định thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm hoàn tất hình thức, thủ tục đó.
2- Khi hợp đồng được giao kết gián tiếp thông qua thư tín hoặc các phương tiện thông tin, liên lạc khác, hoặc tuy được giao kết trực tiếp nhưng bên đề nghị dành cho bên kia một thời hạn để trả lời, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết.
3- Trong trường hợp hợp đồng được giao kết trực tiếp trên cùng một văn bản, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản; nếu hợp đồng được lập thành nhiều văn bản có nội dung giống nhau, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm mỗi bên đã ký vào văn bản của bên kia. Văn bản được lập chỉ cần các bên hoặc người đại diện hợp pháp của các bên ký tên và ghi rõ họ tên là đủ mà không cần phải có thêm thủ tục nào khác, kể cả việc phải đóng dấu của các bên, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định điều này.
Nếu các bên giao kết hợp đồng bằng văn bản được gửi qua bưu điện, hoặc phương tiện thông tin, liên lạc khác, hoặc nếu chỉ có trả lời chấp nhận là được làm bằng văn bản, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên đề nghị nhận được văn bản trả lời chấp nhận, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Thời điểm nhận được thông điệp dữ liệu được áp dụng theo quy định của Luật Giao dịch điện tử.
4- Trong trường hợp bên được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng bằng một hành vi cụ thể, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên được đề nghị bắt đầu thực hiện hành vi đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu hợp đồng được giao kết gián tiếp, hoặc tuy giao kết trực tiếp mà bên đề nghị có dành một thời hạn để bên được đề nghị trả lời, thì hợp đồng được giao kết tại thời điểm bên đề nghị nhận được thông báo của bên được đề nghị về việc bắt đầu thực hiện hành vi cụ thể đó. Nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận bằng việc thực hiện một công việc cụ thể nhưng không thông báo về việc này cho bên đề nghị biết, thì hợp đồng giao kết vào thời điểm hoàn thành công việc.
Nhưng nếu theo đề nghị giao kết hợp đồng, hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên, hoặc theo tập quán, bên được đề nghị có thể chấp nhận đề nghị bằng một hành vi cụ thể mà không cần phải thông báo cho bên đề nghị, thì hợp đồng được giao kết khi bên được đề nghị bắt đầu thực hiện hành vi này.
5- Theo thỏa thuận, hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên, hoặc pháp luật có quy định im lặng là sự trả lời chấp nhận, và nếu đề nghị giao kết hợp đồng có ấn định thời hạn trả lời, thì hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng. Quy định này không áp dụng đối với việc doanh nghiệp bán hàng có gửi các thông tin quảng cáo hoặc gửi hàng hóa đến địa chỉ giao dịch của người tiêu dùng”.
4. Sửa đổi, bổ sung quy định về hiệu lực của hợp đồng
– Thứ nhất, tiêu đề và lời văn của Điều 405 BLDS 2005 chưa thống nhất với nhau. Do đó, cần tiếp tục duy trì nội cung của điều luật này nhưng tên của điều luật cần được sửa lại đúng.Cụ thể: tiêu đề Điều 405 được sửa lại là “Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng”
– Thứ hai, nội dung của Điều 405 hiện cũng còn nhiều vấn đề gây tranh cãi. Ví dụ: các bên có quyền thỏa thuận hoặc pháp luật có nên quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là một thời điểm khác với thời điểm hợp đồng được giao kết hay không? Việc thỏa thuận của các bên có giới hạn nào không… hiện vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, bởi lẽ nếu không cho phép các bên thỏa thuận về một thời điểm có hiệu lực theo ý chí tự nguyện của các bên, thì đi ngược là nguyên tắc tự do hợp đồng. Trái lại, nếu cho phép các bên tùy ý thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì có thể đi ngược lại nguyên lý hợp đồng (thỏa thuận về trước thời điểm hợp đồng giao kết), hoặc tạo ra những hệ quả pháp lý khó tiên liệu, vì giá trị pháp lý của giai đoạn từ khi hợp đồng được giao kết cho đến khi hợp đồng phát sinh hiệu lực mà có tranh chấp về quyền lợi giữa các bên hoặc tranh chấp về giá trị ràng buộc của hợp đồng thì giải quyết như thế nào? Theo tác giả, cần quy định hạn chế trường hợp thỏa thuận hiệu lực của hợp đồng hồi tố trở về trước thời điểm giao kết hợp đồng (với hợp đồng thông thường) hoặc trước thời điểm pháp luật quy định vì điều này đi ngược lại bản chất của hợp đồng.
– Thứ ba, BLDS 2005 còn thiếu sót do không đề cập tới hiệu lực ràng buộc của hợp đồng. Đó là hiệu lực tương đối của hợp đồng. Do đó, tác giả kiến nghị cần bổ sung điều khoản quy định về hiệu lực ràng buộc – giá trị pháp lý của hợp đồng. Cụ thể:
Điều 405a. Hiệu lực của hợp đồng [Mới bổ sung]
“Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực như pháp luật đối với các bên tham gia hợp đồng.
Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
5. Thực hiện hợp đồng
Các vấn đề liên quan đến trường hợp hoãn thực hiện hợp đồng được quy định tại khoản Điều 415 BLDS 2005 còn nhiều thiếu sót, chưa phù hợp với yêu cầu của thực tế và chưa giải quyết triệt để hậu quả pháp lý của hành vi này. Do đó, Điều 415 cần được sửa đổi toàn diện. Cụ thể:
+ Mở rộng căn cứ để bên có nghĩa vụ trước được hoãn thực hiện nghĩa vụ, chẳng hạn như khi có chứng cứ xác thực về việc: “tài sản bên kia bị giảm sút nghiêm trọng tới mức không thể thực hiện đúng cam kết”; “có bằng chứng cho thấy bên có nghĩa vụ sau đã lâm vào tình trạng mất khả năng hoặc có thể mất khả năng thực hiện nghĩa vụ”; “có hành vi chuyển tài sản, rút vốn, bán tháo tài sản và cố tình bỏ trốn hoặc né tránh việc thực hiện nghĩa vụ”… Ví dụ: mất khả năng thực hiện nghĩa vụ như việc ca sĩ bị tai nạn và chấn thương tới mức không thể lên sàn diễn đúng như dự kiến; hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực có đăng ký hành nghề nhưng đã bị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép hành nghề…
+ Quyền kháng biện của bên bị hoãn thực hiện nghĩa vụ: trong thời gian hợp lý, nếu chứng minh được khả năng thực hiện nghĩa vụ, hoặc có người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thì bên bị hoãn thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu khôi phục lại tình trạng của nghĩa vụ, hoặc nếu bị thiệt hại do bên kia nhầm lẫn, đánh giá sai nên hoãn thực hiện nghĩa vụ sai thì có thể đòi bồi thường thiệt hại.
+ Giải quyết triệt để hậu quả pháp lý của việc hoãn thực hiện nghĩa vụ: nếu trong một thời gian hợp lý, bên có nghĩa vụ sau vẫn không thể đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc có sự vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ, thì bên dự đoán bị vi phạm nghĩa vụ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng theo quy định chung (tại Điều 424, 425 BLDS 2005).
6. Sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng
– Thứ nhất: Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lập bằng văn bản, văn bản có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký thì phải theo hình thức ban đầu. Quy định này còn cứng nhắc và không hợp lý. Kiến nghị:
+ Cần phân hóa các trường hợp hợp đồng bằng văn bản với các hợp đồng theo hình thức bắt buộc (công chính chứng thư: công chứng, chứng thực, đăng ký). Theo đó, luật cần công nhận việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng theo hình thức khác nếu các bên có thỏa thuận khác (ví dụ: hợp đồng lập bằng văn bản – có thể sửa đổi, bổ sung bằng các hình thức hợp pháp khác, trừ trường hợp pháp luật quy định theo hình thức bắt buộc).
+ Cần thừa nhận các trường hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng bằng các hình thức khác vẫn có hiệu lực ràng buộc giữa các bên, nhưng có thể không có hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
– Thứ hai, cần bổ sung quy định thừa nhận những trường hợp thay đổi hợp đồng theo quy định của pháp luật, nếu xuất hiện những sự kiện “trở ngại khách quan” hay còn gọi là “hardship”.
+ Bổ sung Điều luật mới quy định về hardship:
Điều 423a. Sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi
“1- Một bên có quyền yêu cầu bên kia sửa đổi hợp đồng khi xảy ra sự kiện khách quan làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa các nghĩa vụ hợp đồng, hoặc do chi phí thực hiện nghĩa vụ tăng lên bất thường, hoặc do giá trị của khoản thu nhập đáng lẽ nhận được từ hợp đồng giảm xuống bất thường, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Được coi là ‘sự kiện khách quan’ nếu thỏa mãn các điều kiện sau đây:
– Xảy ra hoặc được bên bị thiệt hại biết đến sau khi giao kết hợp đồng, trừ những sự kiện bên đó đã biết hoặc đáng lẽ phải biết;
– Xảy ra khách quan, nằm ngoài sự kiểm soát của bên bị thiệt hại;
– Rủi ro về các sự kiện này không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 440 BLDS 2005, Điều 57 đến Điều 62 Luật Thương mại 2005 và các quy định tương tự trong BLDS 2005 và Luật Thương mại 2005;
Được coi là ‘bất thường’ nếu chi phí thực hiện nghĩa vụ tăng lên, hoặc giá trị của khoản thu nhập đáng lẽ thu được từ hợp đồng giảm xuống đáng kể, ngoài dự kiến và vượt ngoài phạm vi rủi ro về giá cả theo tập quán của lĩnh vực tương ứng.”+ Bổ sung quy định về thủ tục yêu cầu bên kia sửa đổi hợp đồng và thiết kế thành khoản 2 của Điều 423 a (mới)
Khoản 2 của Điều 423 a (mới).
“2. Quyền yêu cầu sửa đổi hợp đồng theo khoản 1 Điều này phải được bên bị thiệt hại đưa ra không chậm trễ và phải có căn cứ. Việc yêu cầu sửa đổi hợp đồng không cho phép các bên được đơn phương tạm ngừng thực hiện, chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp có căn cứ do hợp đồng hoặc do pháp luật quy định để áp dụng các quyền đó.”+ Bổ sung quy định về thủ tục yêu cầu tòa án hoặc trọng tài giải quyết khi thỏa thuận không thành, và thiết kế thành khoản 3 và khoản 4 của Điều 424a (mới)
Khoản 3, khoản 4 Điều 423a (mới):
“3. Nếu bên được đề nghị sửa đổi hợp đồng từ chối, hoặc không trả lời, hoặc các bên không thỏa thuận được việc sửa đổi hợp đồng trong một thời gian hợp lý, thì mỗi bên có quyền yêu cầu tòa án hoặc trọng tài (nếu hợp đồng có thỏa thuận chọn thủ tục trọng tài) giải quyết.”
Khoản 4 Điều 423a (mới).
“4. Nếu tòa án hoặc trọng tài xác định sự kiện khách quan xảy ra là có căn cứ để cho phép bên bị thiệt hại được quyền yêu cầu sửa đổi hợp đồng như quy định tại khoản 1 Điều này, và nếu thấy hợp lý, thì tòa án hoặc trọng tài có thể đưa ra một trong các quyết định sau đây:
a- Sửa đổi hợp đồng nhằm thiết lập lại sự cân bằng giữa các nghĩa vụ hợp đồng; hoặc
b- Chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo các điều kiện do tòa án quyết định.
Bên từ chối thỏa thuận hoặc vi phạm thoả thuận trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
7. Kết luận
Trong bài viết, tác giả đã đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm góp phần sửa đổi toàn diện các quy định chung về hợp đồng. Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung phần quy định chung về hợp đồng trong việc tái pháp điển hóa lần này cần phải bảo đảm các nguyên lý cơ bản của pháp luật hợp đồng: tôn trọng tự do hợp đồng, tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận để tạo nên “hiệu lực pháp luật” ràng buộc của hợp đồng; nguyên lý về chia sẻ thông tin, phân chia rủi ro một cách hợp lý, công bằng giữa các bên và không cho phép đề cao thái quá hiệu lực ràng buộc của hợp đồng dẫn đến những quy định thiếu công bằng giữa các bên; và, hợp đồng là sự thỏa thuận, hiệp ý, nên cần có những quy định hợp lý về cách thức tạo nên “sự hiệp ý”, sự thống nhất ý chí giữa các bên một các hợp lý. Việc tái pháp điển hóa pháp luật hợp đồng lần này cũng cần phải bảo đảm có sự kế thừa hợp lý những quy định hay trong các Bộ Dân luật của Việt Nam trước đây, đồng thời cần tiếp thu có chọn lọc các quy định tiến bộ khác trên thế giới nhằm làm cho BLDS mới vừa hiện đại, vừa hoàn thiện, góp phần làm cho Bộ luật Dân sự của chúng ta có sự hài hòa với xu thế chung của các nền pháp luật tiên tiến trên thế giới, bảo đảm “sức sống” lâu bền của Bộ luật Dân sự tương lai trong hoàn cảnh xã hội hiện đại và không ngừng thay đổi của chúng ta ngày nay.
Những đề xuất trên đây của tác giả là một ý kiến cá nhân bước đầu góp phần bé nhỏ vào công cuộc hoàn thiện các quy định chung về hợp đồng trong BLDS 2005. Quy định chung về hợp đồng trong BLDS 2005 vẫn còn nhiều bất cập: xây dựng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng, sửa đổi các quy định về giải thích hợp đồng… và đang cần các luật gia, học giả tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến để góp phần hoàn thiện hơn chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự của chúng ta./.
Xem thêm bài viết về “Bộ luật Dân sự 2005”
- Những yêu cầu cần phải được đặt ra khi xây dựng chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2005 – PGS.TS. Dương Anh Sơn
- Một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về hình thức hợp đồng – TS. Lê Minh Hùng
- Một số suy nghĩ về “tuổi thọ” của Bộ luật Dân sự 2005 – GS.TS. Mai Hồng Quỳ
- Hoàn thiện các quy định chung về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật Dân sự 2005 – TS. Lê Minh Hùng
- Một số kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật về hợp đồng bảo hiểm con người trong Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010) – TS. Nguyễn Thị Thủy
CHÚ THÍCH
* TS Luật học, Trưởng Bộ môn Luật Dân sự , Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh
[1] Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp: “Khế ước là một hiệp ước, theo đó một hay nhiều người có nghĩa vụ, đối với một hay nhiều người khác, cho, làm hay không làm một việc gì đó” (Nguyên văn tiếng Pháp: “Le contrat est une convention par laquelle une ou plusieurs personnes s’obligent, envers une ou plusieurs autres, à donner, à faire ou ne pas faire quelque chose”). Tương tự, theo Luật Hợp đồng Trung Quốc, thì “Hợp đồng theo qui định của Luật này là sự thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự giữa các chủ thể bình đẳng tự nhiên nhân, các tổ chức khác. Các thỏa thuận liên quan đến quan hệ hôn nhân, nhận con nuôi, giám hộ… thích dụng với qui định của các luật khác”. Trong Bộ Dân luật Sài Gòn có định nghĩa hợp đồng đầy đủ hơn: “Khế ước hay hiệp ước là một hành vi pháp lý do sự thỏa thuận giữa hai người hay nhiều người để tạo lập, di chuyển, biến cải hay tiêu trừ một quyền lợi, đối nhân hay đối vật”.
[2] Khoản 1 Điều 380 Bộ Dân luật Trung kỳ (khoản 1 Điều 644 Dân luật Bắc) định nghĩa hiệp ước: “Hiệp ước là một hay nhiều người đồng ý nhau để lập ra hay chuyển đi, đôi đi hay tiêu đi một quyền lợi thuộc về của cải hay về người”.
[3] Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân luật – luợc khảo, Quyển II “Nghĩa vụ và khế ước”, Phần thứ nhất: Nguồn gốc của nghĩa vụ, Nxb. Bộ QGGD, Sài Gòn 1963, tr. 58.
[4] Theo khoản 2 Điều 380 Bộ Dân luật Trung kỳ hay khoản 2 Điều 644 Dân luật Bắc, thì “Khế ước [hợp đồng] là một hợp ước của một người hay nhiều người cam đoan với một hoặc nhiều người khác để chuyển hữu, tác động hay bất tác động”.
- Tác giả: TS. Lê Minh Hùng
- Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số Đặc san 02/2013 – 2013, Trang 38-47
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời