• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong pháp luật các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

Hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong pháp luật các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

17/05/2020 23/05/2021 ThS. Lê Trường Sơn Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1. Hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng trong các hệ thống pháp luật
    • 1.1. Vô hiệu hợp đồng
    • 1.2. Bồi thường thiệt hại
  • 2. Hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam
    • 2.1. Vô hiệu hợp đồng
    • 2.2. Chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng
    • 2.3. Bồi thường thiệt hại
  • 3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam
  • CHÚ THÍCH

Hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong pháp luật các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

TÓM TẮT

Thông tin tiền hợp đồng có vai trò rất quan trọng đối với các bên trong việc tạo lập hợp đồng. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng luôn là một trong những nội dung quan trọng của pháp luật hợp đồng của các quốc gia. Cùng với việc ghi nhận nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng, pháp luật của các quốc gia còn quy định các hệ quả pháp lý do việc vi phạm nghĩa vụ này. Bài viết khái quát việc ghi nhận hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong các hệ thống pháp luật, kết hợp với phân tích, so sánh với pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất hoàn thiện các quy định trong Bộ luật dân sự.

Hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng trong pháp luật các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

Xem thêm bài viết về “Giai đoạn tiền hợp đồng“:

  • Việc ghi nhận nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng: Thực tiễn thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Lê Trường Sơn
  • Nghĩa vụ bảo mật thông tin có được trong giai đoạn tiền hợp đồng – ThS. Lê Trường Sơn

Trong giai đoạn tiền hợp đồng, thông tin có vai trò rất quan trọng đối với các bên trong việc tạo lập hợp đồng. Nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng, vì thế, đã được ghi nhận trong các hệ thống pháp luật ở các mức độ và cách thức khác nhau.[1] Tuy nhiên, thực tế cho thấy không hiếm trường hợp bên có nghĩa vụ không cung cấp thông tin cho đối tác hoặc có cung cấp thông tin cho đối tác nhưng cung cấp thông tin không chính xác. Trong hoàn cảnh vi phạm nghĩa vụ thông tin như trên, câu hỏi đặt ra là bên có nghĩa vụ phải gánh chịu những hệ quả gì, gánh chịu những chế tài nào?

Xem thêm tài liệu liên quan:

  • Việc ghi nhận nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng: Thực tiễn thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới
  • Trách nhiệm cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm giai đoạn tiền hợp đồng
  • Quyền tiếp cận thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng ở Việt Nam
  • Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong quá trình xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
  • Người tham gia tố tụng theo pháp luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng theo quy định pháp luật một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
  • Thực trạng pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh và một số giải pháp hoàn thiện
  • Nghĩa vụ bảo mật thông tin có được trong giai đoạn tiền hợp đồng
  • Thực tiễn hợp tác đánh bắt cá trên các vùng biển tranh chấp và bài học kinh nghiệm cho các nước trong khu vực Biển Đông

1. Hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng trong các hệ thống pháp luật

Pháp luật của các nước đều có những cơ chế để xử lý và tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà pháp luật các nước quy định những hệ quả pháp lý khác nhau. Nhìn chung, các chế tài được áp dụng đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng có thể là vô hiệu hợp đồng và bồi thường thiệt hại.

1.1. Vô hiệu hợp đồng

Vì thông tin tiền hợp đồng liên quan đến quyết định xác lập hợp đồng nên việc vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng được coi là một sai phạm trong giai đoạn giao kết hợp đồng và chế tài cho việc vi phạm này có thể là vô hiệu hợp đồng. Thông thường, việc vô hiệu hợp đồng được pháp luật của các nước áp dụng cho các trường hợp sau:

– Hành vi không cung cấp thông tin tiền hợp đồng (im lặng)

Theo luật của Anh, chế tài này được áp dụng trong trường hợp bên có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng mà không cung cấp và việc không cung cấp thông tin này ảnh hưởng tới quyết định giao kết hợp đồng của bên kia. Hành vi không cung cấp thông tin trong trường hợp này được xem xét như hành vi biểu lộ thông tin sai sự thật một cách chủ động[2] . Tương tự, trong pháp luật của Mỹ, chế tài này cũng được áp dụng cho hành vi không thực hiện nghĩa vụ cung cấp các thông tin quan trọng về thỏa thuận mà các bên sẽ ký kết. Ngày nay, nhiều Tòa án ở Mỹ diễn giải việc không cung cấp thông tin tiền hợp đồng (im lặng) như là việc cung cấp thông tin không chính xác (lừa dối). Ví dụ, trong một vụ việc liên quan đến việc mua một căn nhà đã bị tàn phá bởi mối mọt và bên bán biết việc này nhưng lại không cung cấp với bên mua, theo Tòa án, đây là một thông tin quan trọng mà người mua nhà phải được biết, đặc biệt là trong giai đoạn thương thảo hợp đồng. Đó là một trường hợp mà việc không cung cấp mang tính chất pháp lý tương tự như lừa dối và người mua có quyền vô hiệu hợp đồng[3] .

Ở Pháp, theo quy định tại Điều 1116 BLDS Pháp, hợp đồng có thể bị vô hiệu trong trường hợp một bên cố ý không cung cấp thông tin quan trọng mà nếu biết được thông tin đó thì bên kia đã không ký kết hợp đồng. Do đó, một bên có thể đòi vô hiệu hợp đồng. Cũng theo Điều 1116 BLDS Pháp, “im lặng” cũng được xem là gian dối, cụ thể là “gian dối tiêu cực” (hay “gian dối miễn cưỡng”) nếu như sự im lặng này có ý gian dối và một bên có nghĩa vụ cung cấp một số thông tin nhưng đã không thực hiện đúng như vậy. Sự im lặng trong trường hợp này cũng là căn cứ làm cho hợp đồng bị vô hiệu.

Trong Bộ nguyên tắc Châu Âu về hợp đồng, hành vi không cung cấp thông tin cũng được xem là gian dối. Theo đó, mặc dù không tồn tại trách nhiệm chung là phải thông báo cho đối tác những thông tin có thể bất lợi cho họ, một bên không thể được phép giữ im lặng đối với một vấn đề có thể ảnh hưởng tới bên kia trong quyết định giao kết ghợp đồng[4] . Hệ quả pháp lý cho trường hợp này theo Điều 4.107 của Bộ nguyên tắc là một bên có thể vô hiệu hợp đồng khi bên kia gian dối không cung cấp một thông tin mà nguyên tắc thiện chí buộc phải cung cấp. Tương tự, theo Điều 3.8 Bộ nguyên tắc Unidroit, một bên có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu khi bên kia, trái ngược với những yêu cầu về thiện chí và trung thực trong lĩnh vực thương mại và một cách gian lận, đã không cho bên kia biết về những tình huống đặc biệt mà người này đáng lẽ phải cung cấp[5] .

– Hành vi cung cấp thông tin không chính xác

Thông tin được cung có thể là thông tin không chính xác và việc cung cấp thông tin không chính xác này có thể mang tính lừa dối. Ví dụ, A giao kết hợp đồng dựa trên những thông tin do B đã cố tình cung cấp cho A mặc dù B biết những thông tin này là không chính xác. Trường hợp này có sự tương đồng giữa Thông luật và Dân luật không chỉ đối với hệ quả pháp lý mà cả trong những thuật ngữ và khái niệm được sử dụng. Đa số các nước đều xem hành vi cung cấp thông tin không chính xác của B trong trường hợp nêu trên là lừa dối. Theo đó, kể cả khi lừa dối liên quan đến một vấn đề nhỏ, A sẽ có quyền vô hiệu hợp đồng.

Cụ thể, theo án lệ của Anh, hành vi lừa dối có thể làm phát sinh quyền hủy hợp đồng của bên bị vi phạm[6] . Vụ án Edgington v Fitzmaurice (1885) Ch D 459 là một ví dụ.[7] Giám đốc công ty gửi cổ đông bản cáo bạch mời đăng ký mua cổ phiếu. Trong nội dung bản cáo bạch tuyên bố rõ số tiền thu được sẽ dung để sửa sang trụ sở, mua ngựa, xe tải và mở rộng sang vận chuyển cá từ bờ biển về bán tại London. Tuy nhiên, mục đích thực sự của giám đốc công ty là sẽ dùng tiền thu được để trả nợ, bởi vì công ty đang gặp khó khăn. Ông Edgington nhầm lẫn nên tin rằng ông sẽ nhận được một khoản phí đầu tiên về sở hữu công ty, nên đã mua cổ phiếu. Ông Edgington đã yêu cầu công ty trả lại tiền dựa trên căn cứ từ những tuyên bố sai lệnh mang tính chất lừa dối. Tòa phúc thẩm cho rằng, giám đốc phải chịu trách nhiệm về hành vi lừa dối thể hiện qua nội dung tuyên bố trong bản cáo bạch và nguyên đơn có quyền vô hiệu hợp đồng.

Còn theo Luật của Mỹ, hợp đồng được ký kết trên cơ sở sự lừa dối (thể hiện dưới hình thức cung cấp thông tin không chính xác) của một bên trong giai đoạn đàm phán là vô hiệu dựa theo Restatement Second of Contracts § 164(1)[8] . Điều này đã được khẳng định trong án lệ Carpenter v. Vreeman, 409 N.W.2d 258 (Minn. Ct. App. 1987).[9] Các nguyên đơn Laurel Carpenter, Jean Sullivan và Marion Lingbeck khởi kiện bị đơn Joseph Vreeman để hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng đất và yêu cầu trả lại các khoản đã thanh toán theo hợp đồng. Nguyên đơn cáo buộc rằng bị đơn đã mô tả bất động sản đó có thể đi vào qua một con đường trong thị trấn, rằng những mô tả đó là sai và liên quan mật thiết đến giao dịch và nguyên đơn đã phải chịu thiệt hại vì họ tin vào những mô tả đó. Trong vụ án này, Tòa án đã khẳng định rằng “một hợp đồng là vô hiệu nếu một bên khẳng định đã bị xúi dục hành động bởi việc gian dối hoặc một sự trình bày sai lệch về tài liệu bởi bên kia, và là một sự khẳng định mà người nhận thông tin như vậy đã hành động dựa trên sự tin tưởng”.[10]

Tương tự, theo quy định tại Điều 1116 BLDS Pháp, một hợp đồng được coi là giao kết do bị lừa dối sẽ bị vô hiệu. Do đó, bên bị lừa dối do được cung cấp thông tin không chính xác có quyền vô hiệu hợp đồng[11] .

Việc cung cấp thông tin không chính xác có thể không mang tính lừa dối. Đây là trường hợp A giao kết hợp đồng dựa trên những thông tin không chính xác do B cung cấp nhưng B không có hành vi lừa dối bởi vì B không hề biết rằng những thông tin đó là không chính xác. Ở các nước theo Dân luật (như Pháp, Đức), khái niệm cung cấp thông tin không chính xác bao gồm khái niệm của gian dối và lỗi[12] . Trong khái niệm đầu tiên, “gian dối” là khi có sự xuyên tạc thông tin một cách cố ý. Còn lỗi là khi một bên gây ra sự lầm lẫn thông qua việc cung cấp thông tin không chính xác nhưng người cung cấp thông tin không cố ý. Do vậy, hành vi cung cấp thông tin không chính xác trong hoàn cảnh thứ hai vừa nêu không mang tính lừa dối mà chỉ bị coi là một lỗi trong giao kết hợp đồng: Trong ví dụ trên, hành vi của B được đối xử như một dạng lỗi chứ không phải là một dạng của lừa dối[13] . Ở đây, A sẽ được vô hiệu hợp đồng dựa trên căn cứ lỗi của B nhưng với điều kiện lỗi trong trường hợp này phải mang tính nghiêm trọng: trong luật của Pháp, nếu nó liên quan đến một số chất lượng đáng kể (qualité substantielle) của đối tượng hợp đồng; trong luật của Đức, nếu có “những đặc điểm của một điều được coi là thiết yếu trong kinh doanh”[14] . Trong khi đó, theo pháp luật của Anh, vào đầu thế kỷ 19 các án lệ đã bắt đầu xác lập quy định rằng, một hợp đồng được giao kết là kết quả của một “sự biểu hiện sai” thì có thể bị hủy bỏ bởi bên tiếp nhận thông tin không chính xác ngay cả khi “sự biểu hiện sai” liên quan đến một lỗi nhỏ. Trong vụ án Redgrave v Hurd (1881) 20 Ch D1,[15] nguyên đơn là một luật sư tranh tụng đã quảng cáo bán nhà kèm theo công việc kinh doanh đến người mua đồng thời cũng là đồng sự của anh ta. Bị đơn phản hồi và trải qua hai vòng phỏng vấn, nguyên đơn đã cho là việc kinh doanh của anh ta đã đem lại khoảng £300 một năm, hoặc từ £300 đến £400 một năm. Tại buổi phỏng vấn thứ ba, nguyên đơn đã đưa ra một bản tóm tắt của công việc kinh doanh, trong đó cho thấy tổng thu nhập dưới £200 một năm. Bị đơn có hỏi về sự chênh lệch trong tổng thu nhập này thì nguyên đơn đã đưa ra một số giấy tờ mà theo đó, anh ta khẳng định, có liên quan đến những việc kinh doanh khác mà anh ta đã thực hiện. Bị đơn đã không kiểm tra những cuốn sách và giấy tờ đã được đưa ra và cuối cùng đồng ý mua căn nhà và lấy một phần trong công việc kinh doanh là £1,600. Thẩm phán phiên tòa đưa ra một kết luận rằng những bức thư và những giấy tờ đó, nếu như được kiểm tra, có thể cho thấy kết quả kinh doanh chỉ là £5 hoặc £6 một năm. Sau khi tìm hiểu và thấy rằng việc hành nghề hoàn toàn không có giá trị, bị đơn đã từ chối hoàn tất hợp đồng. Sau đó nguyên đơn đã khởi kiện yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Tòa phúc thẩm nhận định rằng trong trường hợp này nguyên đơn không có hành vi lừa dối vì không có cơ sở cho rằng nguyên đơn biết tuyên bố của mình là không đúng sự thật. Mặt khác, Nếu bị đơn tiến hành kiểm tra cẩn thận các giấy tờ thì đã có thể phát hiện ra những thông tin về thu nhập do nguyên đơn cung cấp là không đúng. Bị đơn đã có điều kiện để phát hiện ra những thông tin sai lệch đó nhưng đã không sử dụng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân. Trong trường hợp này, hợp đồng được giao kết là kết quả các thông tin không chính xác mà nguyên đơn cung cấp. Do vậy, tòa án đã cho phép bị đơn hủy bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay theo Đạo luật về Khai báo sai sự thật 1967, khi không có sự lừa dối thì Tòa án có quyền từ chối cho phép hủy hợp đồng.[16]

1.2. Bồi thường thiệt hại

Hành vi vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng có thể là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại và vấn đề bồi thường thiệt hại này được đặt ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong giai đoạn tiền hợp đồng được hình thành từ công trình nghiên cứu về học thuyết Culpa in contrahendo(lỗi trong giai đoạn đàm phán hợp đồng) có nguồn gốc từ pháp luật La Mã cổ đại của luật sư người Đức Rudolf Von Jhering[17] . Theo đó, bên có lỗi trong giai đoạn đàm phán khiến hợp đồng vô hiệu hoặc không được ký kết phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho bên kia vì đã tin tưởng vào sự giao kết hợp đồng[18] . Thoạt đầu các nhà lập pháp của Đức không công nhận học thuyết này và không ghi nhận trong pháp luật. Tuy nhiên, học thuyết này nhận được sự ủng hộ của tòa án, tạo nên một tiền lệ mới trong xét xử, từ đó đã nhanh chóng lan rộng ra khắp hệ thống luật châu Âu lục địa. Đến nay, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong giai đoạn tiền hợp đồng đã được áp dụng và thể hiện ở các mức độ khác nhau trong các quy định pháp luật quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước theo Thông luật (như Anh, Mỹ) tuy không chính thức thừa nhận học thuyết về lỗi trong đàm phán nhưng cũng có những cơ chế cụ thể áp đặt trách nhiệm với bên có hành vi vi phạm trong đàm phán hợp đồng.

Do việc vi phạm nghĩa vu thông tin tiền hợp đồng phát sinh trong giai đoạn đàm phán trước khi hợp đồng được giao kết nên khoa học pháp lý vẫn chưa thống nhất trong việc xác định bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong giai đoạn tiền hợp đồng. Liên quan đến vấn đề này hiện tồn tại ba quan điểm khác nhau. Theo quan điểm thứ nhất (được ghi nhận trong luật Đức), bồi thường thiệt hại phát sinh trong giai đoạn tiền hợp đồng là trách nhiệm theo hợp đồng. Quan điểm này được dựa trên học thuyết Culpa in contrahendotrong pháp luật La Mã cổ đại thừa nhận mối quan hệ hợp đồng giữa các bên dù trên thực tế hợp đồng chưa có hiệu lực. Theo đó, ngay khi bước vào đàm phán hợp đồng, giữa các bên đã hình thành nên một quan hệ đặc biệt, áp đặt lên các bên các nghĩa vụ tiền hợp đồng. Nếu một bên vi phạm nghĩa vụ này sẽ phải gánh chịu trách nhiệm theo các quy định điều chỉnh mối quan hệ hợp đồng[19] . Theo quan điểm thứ hai (được ghi nhận trong pháp luật của hầu hết các quốc gia trong hệ thống Dân luật), bồi thường thiệt hại phát sinh trong giai đoạn tiền hợp đồng là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Xuất phát từ quy định của pháp luật về nghĩa vụ thiện chí, trung thực, sự vi phạm nghĩa vụ này trong giai đoạn tiền hợp đồng được xem như là vi phạm pháp luật nói chung, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường như trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Mặc dù đều xuất phát từ việc thừa nhận học thuyết Culpa in contrahendo, nhưng có sự khác nhau trong pháp luật của Đức và pháp luật của Pháp khi quy định về bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này. Ở Pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên cơ sở quy định trong BLDS Pháp tại Điều 1382 và Điều 1383. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp chứng minh được giữa các bên đã hình thành nên những cam kết tiền hợp đồng thì lúc này giữa các bên có thể phát sinh trách nhiệm dân sự theo hợp đồng.[20] Theo quan điểm thứ ba (được ghi nhận trong luật Thụy Sĩ, Hy Lạp[21] ,…): bồi thường thiệt hại phát sinh trong giai đoạn tiền hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự độc lập với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong và ngoài hợp đồng do tính chất đặc biệt của giai đoạn tiền hợp đồng.

Theo luật của Đức và Pháp, bên cạnh chế tài vô hiệu hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng phải bồi thường thiệt hại trong những trường hợp : Bên vi phạm cố ý không cung cấp thông tin quan trọng mà nếu biết được thông tin đó thì bên bị vi phạm đã không ký kết hợp đồng[22] ; Bên vi phạm cố ý cung cấp thông tin mà mình biết là không chính xác (cung cấp thông tin không chính xác mang tính lừa dối) [23] ; Bên vi phạm đã cung cấp thông tin không chính xác nhưng không hề biết rằng những thông tin đó là không chính xác (cung cấp thông tin không chính xác không mang tính lừa dối), tuy nhiên, trong trường hợp này bên vi phạm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như có lỗi (bên vi phạm đáng ra phải biết thông tin đó là không chính xác).[24] Để kiện đòi bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự tiền hợp đồng cần phải thỏa mãn ba điều kiện : có lỗi, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại.[25]

Khác với pháp luật của các quốc gia theo hệ thống Dân luật, Thông luật không ghi nhận nghĩa vụ thiện chí, trung thực trong đàm phán hợp đồng và do đó không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có sự vi phạm nghĩa vụ thông tin trong giai đoạn đàm phán. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bên có lỗi gây thiệt hại trong giai đoạn đàm phán không chịu bất kỳ trách nhiệm gì đối với tổn thất của bên bị hại. Pháp luật hợp đồng của Thông luật cũng có một số cơ chế có thể áp dụng để mang lại kết quả tương tự khi áp dụng trách nhiệm dân sự tiền hợp đồng, ví dụ như hưởng lợi không chính đáng (Unjust enrichment), sự tuyên bố sai về ý định giao kết hợp đồng (misrepresentation), thuyết “hạn chế rút lại lời hứa” (promissory estoppel). Đơn cử theo luật của Anh, trên cơ sở quy định của Đạo luật về Khai báo sai sự thật 1967, hành vi cung cấp thông tin không chính xác (bao gồm 2 trường hợp: cố ý cung cấp thông tin mà mình biết là không chính xác và vô ý do cẩu thả trong việc cung cấp thông tin không chính xác) được xem là khai báo sai sự thật và là nguyên nhân làm cho bên tiếp nhận tin vào những thông tin khai báo đó để đưa ra “một tuyên bố sai về ý định giao kết hợp đồng” (misrepresentation). Do vậy, trong trường hợp này bên cạnh quyền yêu cầu vô hiệu hợp đồng, bên đưa ra tuyên bố sai về ý định giao kết hợp đồng có quyền yêu cầu bên cung cấp thông tin sai sự thật phải bồi thường thiệt hại đã gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.[26] Theo luật Anh, để được kiện đòi bồi thường thiệt hại thành công trong các trường hợp này cần phải chứng minh được trên thực tế có hành vi khai báo sai sự thật của một bên và mối quan hệ nhân quả giữa sự khai báo ấy và thiệt hại mà bên kia phải gánh chịu. Tuy nhiên, Thông luật rất dè dặt trong việc áp đặt trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các bên trong các tranh chấp trước khi hình thành hợp đồng. Luật luôn đặt nghĩa vụ chứng minh nặng nề đối với bên yêu cầu, do đó, gây khó khăn cho họ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.[27]

Xem thêm bài viết về “Cung cấp thông tin“:

  • Thực trạng pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh và một số giải pháp hoàn thiện – TS. Lê Thị Hải Ngọc & ThS. Phạm Lê Ngọc Hoàng

2. Hệ quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam

Chế tài là biện pháp được nhà nước dự kiến để áp dụng đối với các chủ thể không thực hiện đúng những yêu cầu được nêu trong phần quy định của quy phạm pháp luật. Những biện pháp này thể hiện thái độ của Nhà nước đối với chủ thể vi phạm pháp luật.Tùy thuộc vào từng loại vi phạm pháp luật khác nhau mà biện pháp chế tài được Nhà nước áp dụng khác nhau. Có bốn loại chế tài cơ bản : chế tài hình sự, chế tài hành chính, chế tài dân sự và chế tài kỷ luật.[28] Ở đây, chúng ta chỉ giới hạn ở nghiên cứu chế tài dân sự mà pháp luật áp dụng cho hành vi vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng. Tùy vào vai trò của việc cung cấp thông tin trong việc xác lập hợp đồng mà pháp luật áp dụng các chế tài tương ứng.

2.1. Vô hiệu hợp đồng

Thông thường chế tài cho những vi phạm trong giai đoạn giao kết hợp đồng là hợp đồng vô hiệu. Khi nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng như nêu ở trên không được thực hiện đầy đủ, hợp đồng có bị vô hiệu không?

Theo Điều 132 và khoản 1 Điều 410 Bô luật Dân sự (BLDS) 2005, vô hiệu hợp đồng có thể được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng giao kết do bị lừa dối. Theo đó, khi một bên tham gia giao kết hợp đồng do bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó là vô hiệu. Có tác giả cho rằng kết hợp Điều 132 và các quy định về cung cấp thông tin cho các hợp đồng chuyên biệt nêu trên, hợp đồng có thể vô hiệu. Cụ thể, theo tác giả này, “kết hợp quy định chung tại Điều 132 BLDS năm 2005 với các quy định riêng tại Điều 442, Điều 469, Điều 520, Điều 560 và Điều 573 có thể nói rằng, sự không hành động (sự bất tác vi) thông qua việc cố tình im lặng hoặc việc không cung cấp đầy đủ những tài liệu, giấy tờ cần thiết có thể được coi là yếu tố dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng”[29] .

Trong thực tiễn xét xử, đã có những trường hợp Tòa án vận dụng quy định về lừa dối theo Điều 132 BLDS năm 2005 để cho rằng, bản thân việc không cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến hợp đồng mà bên bán biết là yếu tố làm cho hợp đồng vô hiệu mà không cần kết hợp với các quy định chuyên biệt về cung cấp thông tin[30] . Như vậy, khi việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là hành vi lừa dối theo quy định tại Điều 132 BLDS năm 2005, bên không được cung cấp thông tin đầy đủ có thể yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu trên cơ sở quy định này.

2.2. Chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng

Chế tài chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng thường được áp dụng cho những vi phạm sau khi hợp đồng được giao kết hợp pháp. Khi hợp đồng bị hủy bỏ, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền (Điều 425 BLDS 2005). Khác với hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng là hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng (theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 426 BLDS 2006) là tại thời điểm giao kết hợp đồng có hiệu lực đối với các bên tham gia giao kết hợp đồng, nhưng hợp đồng hết hiệu lực kể từ thời điểm chấm dứt thực hiện. Trong trường hợp này các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.

Khi nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng không được thực hiện đầy đủ, chế tài chấm dứt (hay đơn phương chấm dứt), hủy bỏ hợp đồng có được áp dụng không? Theo Điều 442 BLDS năm 2005, trong trường hợp bên bán không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện. Khi bên mua đã yêu cầu bên bán cung cấp thông tin về tài sản mà bên bán vẫn không thực hiện và không hướng dẫn cách sử dụng thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Quy định này cho phép hủy bỏ hợp đồng khi bên bán vi phạm nghĩa vụ thông tin, tuy nhiên, chúng ta chưa rõ nghĩa vụ cung cấp thông tin ở đây là nghĩa vụ tiền hợp đồng hay nghĩa vụ hợp đồng nên rất khó có thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên.

Theo khoản 2 Điều 573 BLDS năm 2005 và khoản 2, 3 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt (đình chỉ thực hiện) hợp đồng bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được hưởng tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường và không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ngược lại, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật. Ở đây, nghĩa vụ thông tin trong quan hệ bảo hiểm là nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng. Theo quy định của Điều 132 BLDS năm 2005 thì hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật của người mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm (theo quy định tại khoản 2 Điều 573 BLDS năm 2005 và quy định tại khoản 2 và 3 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000) thực chất là hành vi lừa dối. Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất của hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm[31] và mục đích bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bên bị lừa dối nên vấn đề đặt ra là đối với hành vi “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật” để bảo vệ bên bị lừa dối thì không thể áp dụng chế tài hợp đồng vô hiệu theo Điều 132 BLDS năm 2005. Bởi vì nếu áp dụng vô hiệu, vô tình sẽ tiếp tay cho bên lừa dối (đặc biệt là người mua bảo hiểm) thoải mái cung cấp thông tin sai sự thật khi giao kết hợp đồng để được nhận tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thiệt hại vì trong trường hợp xấu nhất hợp đồng sẽ bị vô hiệu thì người mua bảo hiểm cũng chẳng mất gì. Như vậy, mục đích bảo vệ bên bị lừa dối không đạt được, các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp dồng (trung thực, thiện chí, bình đẳng,…) không được đảm bảo, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không thể hoạt động bình thường.

2.3. Bồi thường thiệt hại

* Ghi nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trong các quy định ghi nhận nghĩa vụ thông tin trong BLDS năm 2005 và một số luật chuyên ngành, bên vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng có thể còn được áp dụng biện pháp chế tài bồi thường thiệt hại cho bên kia. Trong các trường hợp hành vi vi phạm nghĩa vụ thông tin, bên có lỗi trong các trường hợp này có thể còn bị áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 131, Điều 132, Điều 137 và Điều 410 BLDS năm 2005, trong trường hợp hợp đồng bị vô hiệu do hành vi lừa dối thì ngoài việc hợp đồng vô hiệu, bên có lỗi gây thiệt hại còn phải chịu trách nhiệm phải bồi thường. Ngoài ra, chế tài bồi thường thiệt hại cũng được áp dụng đối với bên vi phạm nghĩa vụ thông tin trong hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được như quy định tại khoản 2 Điều 411 BLDS năm 2005. Theo đó, trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được, nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.

Bên cạnh các quy định chung nêu trên, các quy định chuyên biệt về nghĩa vụ cung cấp thông tin cũng quy định thêm chế tài bồi thường thiệt hại. Cụ thể, theo Điều 442 BLDS năm 2005, trường hợp bên bán không cung cấp thông tin về tài sản mua bán, bên mua yêu cầu bên bán cung cấp mà bên bán vẫn không thực hiện thì ngoài quyền hủy bỏ hợp đồng bên mua còn có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại. Tương tự, theo quy định tại Điều 573, Điều 425 BLDS năm 2005 và Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2005 thì bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên kia do hành vi vi phạm của mình gây ra.

* Bản chất pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Vấn đề đặt ra là bồi thường thiệt hại trong các trường hợp trên là bồi thường thiệt hại trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng? Vấn đề này chưa được xác định rõ trong các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về mặt lý luận và thực tế xét xử của tòa án cho thấy, thiệt hại phát sinh trong những trường hợp này là do các hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn trước khi hợp đồng được giao kết. Căn cứ khách quan để tòa án xem xét áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng (vi phạm nguyên tắc thiện chí, trung thực, nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn giao kết hợp đồng) chứ không phải là hành vi vi phạm các quy định trong hợp đồng. Do vậy, bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những trường hợp này là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam

Nếu chỉ dừng lại ở việc ghi nhận trong luật nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng thì chưa đủ để hoàn thiện pháp luật về hợp đồng, chúng ta cần nghiên cứu bổ sung cả chế tài cho nghĩa vụ này. Kinh nghiệm pháp luật của các nước cho thấy, về nguyên tắc việc vi phạm nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng có thể là nguyên nhân dẫn tới hợp đồng vô hiệu vì thông tin tiền hợp đồng tác động trực tiếp tới việc giao kết hợp đồng. Do đó, chúng ta nên phát triển hướng giải quyết này. Ở đây, quy định nên thể hiện nội dung hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong đàm phán hợp đồng có thể dẫn đến hậu quả pháp lý là hợp đồng bị vô hiệu trong trường hợp thông tin đó ảnh hưởng đến quyết định giao kết hay không giao kết hợp đồng của các bên.

Việc vi phạm nghĩa vụ thông tin cũng có thể làm phát sinh thiệt hại (ngoài hợp đồng) như đã trình bày ở trên. Do đó, bên cạnh việc ghi nhận nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng cũng như chế tài vô hiệu hợp đồng như vừa nêu, chúng ta nên có quy định trong BLDS thể hiện nội dung bên vi phạm cung cấp thông tin trong đàm phán hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.

Cũng lưu ý thêm, Tòa án nhân dân tối cao đã có quyết định phê duyệt đề án “phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao”. Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với xu hướng chung của pháp luật quốc tế và các quốc gia khác. Các án lệ về nghĩa vụ thông tin tiền hợp đồng rất hữu ích cho việc giải quyết các vụ việc tương tự. Do đó, chúng tôi hy vọng rằng đề án trên sớm đi vào đời sống và Tòa án cũng cần phải thường xuyên công bố các bản án về chủ đề này để làm cơ sở đối chiếu, xem xét trong quá trình xét xử các vụ việc tương tự./.

Xem thêm bài viết về “Hợp đồng“:

  • Bình luận về các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2015 – TS. Nguyễn Thùy Trang
  • Áp dụng Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại trong quan hệ hợp đồng – PGS.TS. Đoàn Đức Lương
  • Ba vấn đề về vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005: Kinh nghiệm nhìn từ Nhật Bản – TS. Nguyễn Quốc Vinh
  • Đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng – Nhìn từ góc độ so sánh – ThS. Lê Thị Diễm Phương
  • Một số vấn đề về giao kết hợp đồng trong pháp luật của Cộng hòa Pháp và kinh nghiệm cho Việt Nam – TS. Lê Minh Hùng & ThS. Trần Lê Đăng Phương

CHÚ THÍCH

*ThS Luật học, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh.

[1] Xem thêm Lê Trường Sơn (2014), “Việc ghi nhận nghĩa vụ cung cấp thông tin tiền hợp đồng : thực tiễn thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Pháp lýsố 05(83)/2014, tr. 11 – 18

[2] Edwin Peel, The Law of Contract, London, Sweet & Maxwell, 2011, tr. 437.

[3] Florence Caterini, Pre-contractual Obligations in France and the United states,L.L.M Theses and Essays, University of Georgia School of Law, Athens, 2005, tr. 15.

[4] Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam – tập 1, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia – sự thật, 2013, tr. 344.

[5] Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, Nxb Từ điển bách khoa, 2005, tr. 181.

[6] Edwin Pell, Sđd, tr. 436.

[7] .http://www.thomsonreuters.com.au/product/AU/files/720502512/contract_p3_edington_v_fitzmaurice.pdf

[8] Restatement Second of Contracts § 164(1) quy định : “nếu sự thể hiện đồng ý của một bên (bên nhận thông tin) bị xúi giục bởi sự xuyên tạc gian dối hay chủ yếu của bên kia mà bên nhận thông tin đã phụ thuộc vào đó, hợp đồng bị vô hiệu theo yêu cầu của bên nhận thông tin”.

[9] .https://www.courtlistener.com/minnctapp/7EFD/carpenter-v-vreeman/

[10] Florence Caterini, Pre-contractual Obligations in France and the United states,L.L.M Theses and Essays, University of Georgia School of Law, Athens, 2005, tr. 20.

[11] Corinne Renault – Brahinsky, Sđd, tr. 21, 22.

[12] Ở các nước theo hệ thống Thông luật gọi là “sự biểu hiện sai”.

[13] Florence Caterini, Pre-contractual Obligations in France and the United states,L.L.M Theses and Essays, University of Georgia School of Law, Athens, 2005.

[14] Hugh Beale, Pre – contractual Obligations : The General Contract Law Background, Juridica international XIV, 2008, tr. 44 .

[15] .http://www.oxbridgenotes.co.uk/notes/oxbridge/2013/contract-law-notes/samples/misrepresentation-2

[16] Hugh Beale, Pre – contractual Obligations : The General Contract Law Background, Juridica international XIV, 2008, tr. 45 .

[17] Rudolf Von Jhering (22/8/1818 – 17/9/1892) là học giả người Đức nổi tiếng với các tác phẩm phân tích về mối quan hệ giữa pháp luật và sự thay đổi của xã hội và mối quan hệ giữa cá nhân và lợi ích xã hội.

[18] Friedrich Kessler and Edith Fine, “Culpa in contrahendo, bargain in good faith and freedom of contract : a comparative study”, Harv.L.Rev., 1964, Vol.77, tr. 402.

[19] John Cartwright, Martijn Hesselink, Precontractual Liability in European Private Law, Cambridge University Press, 2008, tr. 33

[20] Rodrigo Novoa, tlđd, tr. 599.

[21] John Cartwright & Martijin Hesselink, Precontractual liability in private European private law, Cambridge university press, New York, 2008, tr. 37-38(tlđd).

[22] Florence Caterini, Pre-contractual Obligations in France and the United states,L.L.M Theses and Essays, University of Georgia School of Law, Athens, 2005.

[23] Hugh Beale, Pre – contractual Obligations : The General Contract Law Background, Juridica international XIV, 2008, tr. 44.

[24] Hugh Beale, Pre – contractual Obligations : The General Contract Law Background, Juridica international XIV, 2008, tr. 45.

[25] Xem thêm Trần Ngọc Dương, (2009), “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự của Cộng hòa Pháp”, Tạp chí Luật học, (số 1), tr. 63 – 72.

[26] Hugh Beale, Pre – contractual Obligations : The General Contract Law Background, Juridica international XIV, 2008, tr. 44, 45

[27] Edwin Peel, The Law of Contract, London, Sweet & Maxwell, 2011, tr. 437, 438.

[28] Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Hà Nội, Nxb.Công an nhân dân, 2013, tr. 135.

[29] Nguyễn Ngọc Khánh, Chế định hợp đồng trong bộ Luật dân sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp 2007, tr. 157 và 158.

[30] Quyết định số 521/2010/DS-GĐT ngày 19/8/2010 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao.

[31] Khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi bổ sung năm 2010.

  • Tác giả: ThS. Lê Trường Sơn
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2014 (85)/2014 – 2014, Trang 18-25
  • Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Hai cặp phân loại hợp đồng căn bản
Hai cặp phân loại hợp đồng căn bản
Trách nhiệm cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm giai đoạn tiền hợp đồng
Trách nhiệm cung cấp thông tin trong hợp đồng bảo hiểm giai đoạn tiền hợp đồng
Thực trạng pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh và một số giải pháp hoàn thiện
Thực trạng pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh và một số giải pháp hoàn thiện
Áp dụng Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại trong quan hệ hợp đồng
Áp dụng Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại trong quan hệ hợp đồng
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động

Chuyên mục: Dân sự/ Luật Dân sự Việt Nam Từ khóa: Cung cấp thông tin/ Giai đoạn tiền hợp đồng/ Hợp đồng/ Nghĩa vụ/ Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam/ Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 06/2014

Previous Post: « Bàn về thời điểm có hiệu lực của Văn bản quy phạm pháp luật thông qua một vụ án cụ thể
Next Post: Về nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền – Kinh nghiệm nước ngoài và những vấn đề pháp lý đặt ra đối với Việt Nam »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • An sinh xã hội
  • Cạnh tranh
  • Chứng khoán
  • Cơ hội nghề nghiệp
  • Dân sự
    • Luật Dân sự Việt Nam
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Pháp luật về Nhà ở
    • Giao dịch dân sự về nhà ở
    • Thừa kế
  • Doanh nghiệp
    • Chủ thể kinh doanh và phá sản
  • Đất đai
  • Giáo dục
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
    • Tố cáo
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự
    • Luật Hình sự – Phần chung
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Luật Tố tụng hình sự
    • Thi hành án hình sự
    • Tội phạm học
    • Chứng minh trong tố tụng hình sự
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Lao động
  • Luật Thuế
  • Môi trường
  • Ngân hàng
  • Quốc tế
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế
    • Công pháp quốc tế
    • Luật Đầu tư quốc tế
    • Luật Hình sự quốc tế
    • Thương mại quốc tế
    • Tư pháp quốc tế
    • Tranh chấp Biển Đông
  • Tài chính
    • Ngân sách nhà nước
  • Thương mại
    • Luật Thương mại Việt Nam
    • Thương mại quốc tế
    • Pháp luật Kinh doanh Bất động sản
    • Pháp luật về Kinh doanh bảo hiểm
    • Nhượng quyền thương mại
  • Sở hữu trí tuệ
  • Kiến thức chung
    • Đường lối Cách mạng ĐCSVN
    • Học thuyết kinh tế
    • Kỹ năng nghiên cứu và lập luận
    • Lý luận chung Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử Nhà nước – Pháp luật
    • Lịch sử văn minh thế giới
    • Logic học
    • Pháp luật đại cương
    • Tư tưởng Hồ Chí Minh
    • Triết học

Quảng cáo:

Copyright © 2023 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng