Mục lục
Sự cần thiết ghi nhận quyền động vật và phác thảo luật bảo vệ quyền động vật tại Việt Nam
Tác giả: ThS. Lê Hà Huy Phát & ThS. Đặng Nguyễn Nhật Minh
TÓM TẮT
Ở Việt Nam, quyền động vật chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, pháp luật về quyền động vật ở các quốc gia trên thế giới đang ngày càng hoàn thiện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày hai vấn đề: sự cần thiết ghi nhận và thiết lập công cụ pháp lý bảo vệ quyền động vật ở Việt Nam; phác thảo một số nội dung cơ bản của Luật về Động vật ở Việt Nam.
Xem thêm:
- [CÓ ĐÁP ÁN] Đề cương ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam – Tài liệu học tập
- [CÓ ĐÁP ÁN] Nhận định đúng sai môn Luật Dân sự năm 2015 – Tài liệu học tập
- [TUYỂN TẬP] Đề thi môn Luật Dân sự 2 – Tài sản, quyền sở hữu và thừa kế – Tài liệu học tập
- Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của BLDS 2015 – PGS.TS. Trần Thị Huệ
TỪ KHÓA: Luật dân sự, Quyền động vật,
Con người thường xuyên thực hiện nhiều cách thức đối xử với mục đích khác nhau như lấy thịt, nghiên cứu, giải trí hoặc thậm chí tra tấn và làm tổn thương đến động vật. Ở Việt Nam, từ lâu đã tồn tại nhiều hình ảnh ghi lại cảnh khỉ, chó, lợn, trâu… bị hành hạ một cách tàn nhẫn, bị bịt mõm cho đến khi hoại tử, bị giày xéo gây thương tích hoặc bị treo cổ cho đến chết… Lý giải cho điều này, tác giả cho rằng nguyên nhân xuất phát từ nhận thức về quyền động vật ở Việt Nam chưa đầy đủ, đồng thời chưa có một khuôn khổ pháp lý toàn diện để bảo vệ động vật.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi động vật gây thiệt hại cho con người đã được quy định cụ thể tại Điều 601[1] và 603[2] Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề về quyền của động vật là một vấn đề khá xa lạ ở Việt Nam. Trong phạm vi bài viết, tác giả muốn trình bày hai vấn đề bao gồm: sự cần thiết ghi nhận và thiết lập công cụ pháp lý bảo vệ quyền động vật ở Việt Nam (1); phác thảo nội dung cơ bản của Luật về Động vật ở Việt Nam (2).
1. Sự cần thiết ghi nhận và thiết lập công cụ pháp lý bảo vệ quyền động vật ở Việt Nam
Động vật là đối tượng được quan tâm trong một số nền văn minh cổ, mặc dù quan niệm xưa cho rằng hành vi của con người đối xử tàn ác với động vật là bình thường. Nhìn nhận từ góc độ lịch sử, John Locke cho rằng động vật cũng có cảm xúc và tàn nhẫn với động vật là sai về phương diện đạo lý. Jean Jacques Rousseau trong Luận về sự bất công cho rằng động vật cũng phải có một số quyền tự nhiên. [3] Đến thế kỷ thứ 19, phong trào bảo vệ động vật đã lan rộng khắp các nước phương Tây như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Anh, Mỹ và Pháp. Trong những năm gần đây, việc các hội thảo nghiên cứu về hoàn thiện pháp luật để bảo vệ động vật diễn ra ngày một nhiều hơn trên thế giới đã cho thấy tư duy của loài người trong xã hội văn minh đã có sự thay đổi. Việc mở rộng phạm vi quan tâm từ việc phải bảo vệ các động vật hoang dã đến bảo vệ các động vật phục vụ lợi ích của con người (chăn nuôi, thí nghiệm, thú nuôi…) cho thấy bước tiến lớn trong nhận thức về quyền động vật, không chỉ là bảo vệ đa dạng sinh học hay thậm chí là ổn định nguồn cung cho giá trị sử dụng và các lợi ích kinh tế,[4] mà còn là những vấn đề xã hội như đạo đức con người. Ở phương Tây, các thẩm phán hầu như đã nhất trí giải thích luật chống lại sự tàn ác với động vật theo hướng luật này “không thực sự bảo vệ động vật… mà để bảo vệ con người từ sự nguy hại và ngăn ngừa sự phân rã nhân cách luân lý của họ”.[5] Trong vụ Commonwealth v. Higgins, Tòa tối cao Massachusetts cũng chỉ ra rằng những hành vi bị cấm đối với động vật “có khuynh hướng làm mờ nhạt lòng nhân đạo và làm hư hỏng đạo đức của những người quan sát hoặc có kiến thức về hành động đó”.[6]
Ở Việt Nam, việc bảo vệ động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã được quan tâm từ lâu, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cấm săn bắt, nuôi, nhốt, giết, vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã, đánh bắt động vật rừng… như Luật Bảo vệ phát triển rừng năm 2004, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, Luật Thú y năm 2015 cũng đã quy định chi tiết tiêu chuẩn về vệ sinh thú y và những hành vi nghiêm cấm liên quan đến giết mổ động vật. Tuy nhiên, việc bảo vệ động vật này dường như mới dừng lại ở việc quan tâm bảo vệ động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng chứ chưa tồn tại văn bản pháp luật ghi nhận về quyền của động vật. Đây là lý do cho việc những hành vi tra tấn động vật nhằm mua vui không bị xem là hành vi trái pháp luật. Một số vụ kiện thương mại quốc tế đã dùng vấn đề quyền động vật làm rào cản như vụ kiện giữa Mexico và Mỹ về cá ngừ – cá heo [7] hay giữa EU và Canada về cấm nhập khẩu sản phẩm từ hải cẩu[8]… là kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc nội luật hóa các quy định về quyền và phúc lợi động vật trong giai đoạn hội nhập thông thương.
Tóm lại, việc ghi nhận và thiết lập công cụ pháp lý bảo vệ quyền động vật ở Việt Nam sẽ tác động tích cực đến an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng và đa dạng sinh học; duy trì lòng nhân đạo và thể hiện sự văn minh; bắt kịp xu thế của thế giới và góp phần thuận lợi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Phác thảo một số nội dung cơ bản của Luật về Động vật ở Việt Nam
Dựa trên giả thuyết một luật về động vật được xem xét xây dựng ở Việt Nam, trên cơ sở tham khảo Luật về động vật của một số quốc gia (Mỹ, Canada, Úc, Thụy Điển, Anh, Nhật Bản, Tây Ban Nha…) và phân tích thực trạng về quyền của động vật, tác giả xin đưa ra một số ý tưởng về Luật về Động vật ở Việt Nam như sau:
2.1. Chương I: Những quy định chung
Chương này sẽ quy định các vấn đề:
– Quyền động vật: Là trạng thái sinh lý và tâm lý tốt của động vật, được đo bằng chỉ số hành vi, sinh lý, tuổi thọ, và sinh sản.[9] Động vật nên được xem như là đối tượng không phải con người và là thành viên của cộng đồng đạo đức. Ngoài việc quy định những quyền như được ăn uống sạch sẽ và thích hợp với chủng loài, được chăm sóc thú y thường xuyên, được phép di chuyển,[10] được đảm bảo vệ sinh môi trường… thì cần có những quy định cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất. Quy định chi tiết về lồng nhốt, chuồng trại khi vận chuyển đảm bảo tự do không gian cho động vật nằm, đứng, ngồi, xoay. Ví dụ như Điều 4 Quyết định số 95/2008/QĐ-BNNPTNN về việc ban hành Quy chế quản lý gấu nuôi có đề cập đến tiêu chuẩn chuồng nuôi gấu phù hợp với thể trạng của gấu được nuôi.[11]
– Phúc lợi động vật: Là sự tránh lạm dụng và khai thác động vật bằng cách duy trì các tiêu chuẩn thích hợp về nơi ở, ăn uống và chăm sóc tổng quát, phòng ngừa và điều trị các bệnh và bảo đảm sự tự do không bị ngược đãi, khó chịu không cần thiết và đau đớn. Động vật khi được dùng vào mục đích đặc thù cần phải giết hoặc mắc bệnh mà việc sống tiếp đối với nó là cực khổ và không có khả năng chữa trị, thì cần được giết bằng một hành vi nhanh chóng và ít gây đau đớn nhất.[12] Luật Thú y năm 2015 không quy định rõ vấn đề này (phương pháp gì và tiến hành như thế nào). Vậy nên, chúng ta cần ghi nhận nguyên tắc chung ở phần này đó là phương pháp giết, mổ động vật phải được thực hiện nhanh chóng và ít gây đau đớn nhất cho động vật.
– Trách nhiệm quản lý của Nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các bộ và trách nhiệm hoạt động của các tổ chức được công nhận bảo vệ quyền động vật.
– Trách nhiệm quản lý của Nhà nước, trách nhiệm hợp tác với các điều ước, các tổ chức trên thế giới về bảo vệ quyền động vật trong vấn đề lập pháp, nghiên cứu khoa học, công nghệ và kiến tạo các quỹ động vật: Phần này quy định chi tiết về thời hạn và hiệu lực cấp giấy phép (ví dụ mua bán, triển lãm, thí nghiệm), các trường hợp thu hồi và hủy giấy phép do sự vi phạm quy định, mức phí duy trì và việc báo cáo thường niên các hoạt động liên quan đến động vật.
– Điều kiện hành nghề của hoạt động thú y, phòng thí nghiệm, kinh doanh động vật… Chúng ta không thể khởi kiện một cơ sở nghiên cứu khoa học do dụng cụ thí nghiệm không đạt chuẩn nếu chúng ta không tồn tại tiêu chuẩn và chứng minh họ không đủ điều kiện cần thiết để hành nghề; hoặc nếu không hợp pháp hóa việc kinh doanh chó, mèo thì rất khó bảo vệ được chúng, chưa kể đến những hệ lụy như nhập lậu, ngược đãi động vật.[13]
2.2. Chương II: Các quyền của động vật trong các trường hợp cụ thể
2.2.1. Động vật nuôi
Ngày nay, ở các nước càng phát triển thì thú nuôi càng được bảo vệ, các quyền của chúng cũng được tăng lên tương ứng trên cơ sở đạo đức và giá trị tinh thần. Để đảm bảo tốt nhất các quyền của động vật, đặc biệt là dùng để nuôi, luật nên quy định những điều sau: bất kỳ người nào giữ một con vật nuôi hoặc đã đồng ý để chăm sóc nó thì phải chịu trách nhiệm về sức khỏe và phúc lợi của nó; phải yêu thương và trân trọng vật nuôi; động vật nuôi phải được nhận dạng vĩnh viễn, nhận được một mã số duy nhất, có giấy chứng nhận sở hữu và được lưu trữ thông tin; mọi thời điểm ra khỏi nhà vật nuôi phải được đeo vòng cổ; ghi rõ họ tên chủ sở hữu, các thông tin liên lạc khác; nghiêm cấm các hành vi tổn hại đến động vật nuôi như: đánh nhau, ngược đãi, hành hạ, bỏ rơi, giam cầm…
Ngoài ra, về vấn đề chuồng trại cho vật nuôi, có thể tham khảo các quy định của Nguyên tắc phúc lợi động vật Mỹ, theo đó tại Điều 3.6:[14] phải được thiết kế và xây dựng bằng vật liệu thích hợp, phải được giữ trong tình trạng tốt; cung cấp nơi trú ẩn và bảo vệ khỏi điều kiện thời tiết có thể gây khó chịu hoặc gây nguy hiểm cho vật nuôi; cung cấp cho vật nuôi thức ăn và nước sạch; cung cấp đủ không gian để cho phép vật nuôi tự do đứng, ngồi, nằm và bước đi một cách bình thường…
2.2.2. Động vật trong nghiên cứu khoa học
Từ khi quyền động vật được xem trọng, nhiều nhà động vật học khắp nơi trên thế giới phản đối các hoạt động thí nghiệm, vì mức độ tổn thương động vật quá cao: sốc điện, thử các loại thuốc độc, ép hoạt động quá mức… Theo tác giả, chúng ta có thể vừa bảo vệ quyền động vật nhưng vẫn đảm bảo việc phát triển khoa học theo hướng như sau:
Thứ nhất, việc dùng động vật vào mục đích khoa học, thí nghiệm phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.[15]
Thứ hai, hoạt động phải hoàn toàn vì mục đích nhân đạo và tiến hành thí nghiệm một cách nhân đạo, nghiêm cấm các hành vi nghiên cứu độc ác. Sử dụng các phương pháp có thể thay thế được cho động vật trong thí nghiệm như: mô hình máy tính, bệnh nhân giả…Thứ ba, trong quá trình hoạt động, cơ sở nghiên cứu khoa học đó vẫn phải tuân thủ những quy định chung về bảo vệ phúc lợi động vật, tức là vẫn đảm bảo trong thời gian nuôi giữ, động vật đó được ăn uống đầy đủ, điều kiện nuôi nhốt với không gian, ánh sáng, nhiệt độ… hợp lý, được tự do thể hiện bản năng và không lo lắng, đau đớn…
Thứ tư, một hoạt động dù là nghiên cứu khoa học vì mục đích nhân đạo, nhưng nếu tác động đến những cá thể đang tuyệt chủng và bị các tổ chức nghiên cứu khoa học, hoặc các cơ quan bảo vệ động vật trên thế giới phản đối, thì hoạt động đó phải bị chấm dứt trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền động vật.
2.2.3. Động vật trong hoạt động thương mại
Động vật dùng trong các hoạt động thương mại, gọi là “động vật thương mại”.[16] Đối với các hoạt động mua, bán động vật thì việc đăng ký kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện nhằm bảo đảm quyền lợi động vật như: điều kiện chuồng nhốt, thức ăn nước uống, giấy chứng nhận vệ sinh, giấy chứng nhận tiêm ngừa và khám thú y thường niên. [17] Hoạt động kinh doanh thương mại, cần thiết phải có sự quản lý, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời phối hợp giám sát với các cơ quan hoạt động vì lợi ích của động vật.[18]
Đối với các cơ sở chăn nuôi với chức năng giết mổ kèm theo thì phải tuân thủ các điều kiện cần thiết về cơ sở chuồng trại, lương thực, chất lượng y tế trong tiêm phòng dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe, tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, quy tắc đối xử nhân đạo, giết mổ nhân đạo…Ví dụ: Điều 4 Luật Bảo vệ động vật năm 1988 của Thụy Điển có quy định: “Động vật được nuôi, giữ cho sản xuất thực phẩm, len, da hoặc lông thú, hoặc cho các cuộc đua, sẽ được nuôi và quản lý trong một môi trường thích hợp cho động vật và bằng một cách nào đó thúc đẩy sức khỏe và các hành vi bản năng của chúng”.
2.2.4. Động vật trong giải trí
*Sử dụng động vật trong rạp xiếc
Sử dụng động vật trong rạp xiếc đã có từ lâu, nhưng cơ chế bảo vệ động vật ở Việt Nam đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ. Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa – Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành và Quy chế Hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (ban hành theo Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/1/2006 của Chính phủ) được coi là những văn bản pháp luật mà các đơn vị nghệ thuật biểu diễn hiện nay cam kết thực hiện khi xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhưng cả hai văn bản này đều không có quy định dành riêng cho việc biểu diễn xiếc thú.
Hiện nay, việc dùng động vật trong rạp xiếc đã bị cấm ở một số quốc gia như Thụy Điển, Áo, Phần Lan, Singapore, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hy Lạp, Costa Rica, Ấn Độ, Bolivia. Tuy nhiên, Hiệp hội Các đoàn xiếc châu Âu (ECA) lại ủng hộ dùng động vật trong rạp xiếc vì điều này mang tính giáo dục, giải trí và giúp dân chúng hiểu được khả năng của động vật. Theo đó, ECA đã đưa ra những quy định rất nghiêm khắc về việc đối xử với động vật như đối xử một cách tử tế, chăm sóc tốt và kêu gọi khởi tố bất kỳ hành động lạm dụng hay đối xử tồi với chúng. Theo ECA, tất cả việc huấn luyện phải dựa trên việc thể hiện khả năng tự nhiên của động vật, không được đặt chúng vào điều kiện nguy hiểm. Theo chúng tôi, đây là kinh nghiệm mà Việt Nam cần học hỏi khi tiến hành xây dựng pháp luật về quyền của động vật.
*Sử dụng động vật trong hoạt động kinh doanh sở thú
Sở thú được hiểu là: “một cơ sở mà động vật hoang dã được lưu giữ hoặc triển lãm cho công chúng hơn là mục đích biểu diễn rạp xiếc hay làm vật nuôi”[19] hoặc là một cơ sở mà ở đó động vật được nuôi nhốt, biểu thị công khai cho công chúng và có thể được nhân giống và để hoạt động được thì phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng vấn đề giam cầm động vật thực tế phức tạp hơn con người nghĩ. Đó phải là môi trường vô cùng tốt hơn so với điều kiện tự nhiên của nó, cho nó một chế độ ăn cân bằng, chỗ ở an toàn, cùng với những lợi ích to lớn từ sự phát triển khoa học và kỹ thuật y khoa.[20] Như vậy, để bảo vệ được quyền của động vật, chúng ta cần học hỏi pháp luật nước ngoài để đề ra các quy định cụ thể liên quan đến điều kiện kinh doanh như: diện tích, vốn đầu tư, chứng nhận nguồn động vật, chứng nhận vệ sinh môi trường…[21]
2.2.5. Động vật trong các mục đích khác
Theo Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã (WWF), trong vòng 40 năm, 12 loài động vật quý hiếm đã bị biến mất hoàn toàn ở Việt Nam, đặc biệt là những loài động vật quý hiếm như hổ, tê giác. Hiện nay, các quy định liên quan đến vấn đề bảo vệ các giống loài này đã được đề cập hoàn chỉnh ở Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, do đó, quy định tại mục này có thể dẫn chiếu sang các quy định tại hai văn bản pháp luật nói trên để giải quyết.
Mục này cũng sẽ đề cập đến các đối tượng là động vật được sử dụng trong hoạt động cảnh vệ, [22] nhiệm vụ an ninh…[23] Về nguyên tắc, nhóm động vật này cũng được chăm sóc và bảo vệ[24] theo những nguyên tắc cơ bản đã được trình bày ở phần quy định chung, ngoài ra có thể có các quy định riêng ví dụ như thời gian làm việc mỗi tuần hoặc chế độ tập luyện phù hợp.
2.3. Chương III: Các hành vi bị cấm và chế tài
Trên cơ sở so sánh pháp luật nước ngoài, kết hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam, chúng tôi kiến nghị nghiên cứu đề ra các chế tài như phạt tiền hoặc các hình thức khác như tịch thu vô thời hạn/ có thời hạn các loại giấy phép[25] tùy theo mức độ nặng, nhẹ khác nhau của hành vi vi phạm. Đặc biệt, đối với hành vi ngược đãi động vật (đá gà, chọi trâu) hoặc tra tấn động vật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.[26] Ví dụ: Đạo luật phúc lợi động vật Úc năm 1985 quy định tại Điều 13: nếu ngược đãi động vật khiến nó chết, tổn thương… thì phạt tối đa 50.000 đô la hoặc giam tù tối đa 4 năm. Ở mỗi bang lại khác nhau, ví dụ ở New South Wales 1979 là phạt tù 5 năm[27] hoặc 22.000 đô la, ở Queenlands là phạt tù 7 năm[28] hoặc 235.600 đô la.
Ngày 25/7/2015, các chính trị gia ở thị trấn Triqueros del Valle của Tây Ban Nha đã bỏ phiếu đồng ý công nhận chó và mèo là “công dân không phải người”, theo đó, những động vật này được hưởng quyền ngang hàng với con người. Có lẽ, một dự luật về Quyền động vật được đưa ra ở Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải những ý kiến trái chiều. Thế nhưng, khi xã hội loài người càng văn minh, con người càng lương thiện thì sự quan tâm đến những đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có động vật sẽ ngày càng cao.[29] Và chúng ta nên hiểu rằng, những quyền này không phải do động vật đấu tranh để đòi mà là do nhận thức của con người ngày càng tiến bộ, thấy được sự cần thiết khi phải đối xử nhân đạo với động vật mà ra.
CHÚ THÍCH
[1] Lê Hà Huy Phát, “Những điểm mới về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 03 (97), 2016, tr. 59 – 66.
[2] Đỗ Văn Đại (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, 2016, tr. 488 – 489.
[3] Jean Jacques Rousseau, Discourse on Inequality, The Academy of DIJON, p. 11.
[4] Một nghiên cứu cho rằng có sự tương quan mạnh mẽ giữa phúc lợi động vật và hiệu quả tổng thể trong chuỗi sản xuất và lợi ích công cộng trong đạo đức sản xuất đóng một vai trò quan trọng trong chăn nuôi hiện đại (Szűcs E, “Considerations to ethics and ethology of animal production”, Hungarian Journal of Animal Production, Herceghalom, 1999, 48:541–552 và “Ethical views concerning how to treat animals. Part A: Social concerns” – Chapter IV. In: Geers R, Madec F, editors. Livestock Production and Society, Wageningen Academic Publishers; Netherlands, 2006. tr. 65–67)
[5] Jordan Curnutt (2001), Animals and the Law: A Sourcebook, ABC-CLIO publisher, tr. 29.
[6] Massachusetts Commonwealth v. Higgins, 178 N.E. 536 (Mass. 1931).
[7] Theo đó, Mỹ đặt ra các điều kiện để nhập khẩu cá ngừ từ Mexico liên quan tới việc yêu cầu dán nhãn “an toàn cho cá heo”. Lý do là khi đánh bắt cá ngừ bằng lưới thường cá heo cũng bị mắc lưới, sau đó dù có được gỡ ra khỏi lưới và thả lại vào biển, cá heo vẫn bị chết. Chính vì vậy, Hoa Kỳ đã ban hành tiêu chuẩn bảo vệ cá heo đối với các tàu đánh bắt cá ngừ. Nếu một nước xuất khẩu cá ngừ vào Hoa Kỳ không chứng minh được với các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ về việc tuân thủ tiêu chuẩn này thì Hoa Kỳ sẽ không cho phép nhập khẩu cá ngừ từ nước đó – Xem thêm án lệ WT/DS381/AB/R. 16 May 2012. (12-2620)
[8] Liên minh châu Âu (EU) đã ra quyết định cấm nhập khẩu các sản phẩm từ hải cẩu do sức ép của các nhà bảo vệ động vật về cách đánh bắt loài này – Xem thêm án lệ WT/DS400/16/Add.7 và WT/DS401/17/Add.7, 16 October 2015.
[9] Đậu Ngọc Hào, “Đối xử nhân đạo với động vật”, Tạp chí Khoa học Thú y, 2013, tr. 81.
[10] Trong vụ Pegg v. Gray, chủ một con chó đã bị kiện vì con chó của anh ta đã xâm phạm (đi lang thang) vào phần đất của nguyên đơn. Phán quyết của tòa án theo hướng con chó có xu hướng bản năng đi lạc hay đi lang thang tại nơi cư trú của nó miễn là nó không có ý định tấn công hoặc gây thiệt hại cho tài sản hay con người. Theo Tòa án, con chó có quyền tự do di chuyển như vậy và người chủ con chó (bị đơn) không phải chịu trách nhiệm về việc “xâm phạm gia cư bất hợp pháp” của con chó trong trường hợp này, https://h2o.law.harvard.edu/cases/445, truy cập ngày 30/11/2017.
[11] Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 95/2008/QĐ-BNNPTNT: “3. Đối với chuồng xây:
a) Kích thước chuồng: Tối thiểu dài 2 m; rộng 2 m; cao 2 m;
b) Tối đa chỉ xây ba mặt có chiều dày tối thiểu 20 cm (trường hợp bằng bê tông cốt kim loại cứng có chiều dày tối thiểu 10 cm); mặt tường và nền chuồng trát nhẵn bằng xi măng hoặc gạch, nền chuồng có độ dốc để thoát nước thải; các mặt làm bằng kim loại thì đảm bảo như quy định tại điểm b, c khoản 2, Điều 4 của Quy chế này;
c) Chuồng có máng ăn để ở vị trí thuận tiện hoặc có thể tháo lắp để dọn vệ sinh thường xuyên;
d) Vị trí xây chuồng: Xây ở nơi thoáng mát, các mặt tường xây có thể liền với chuồng khác, các mặt bằng kim loại phải cách các chuồng nuôi gấu khác hoặc tường rào, các vật thể khác tối thiểu 50 cm; riêng phía cửa chuồng phải có khoảng cách tối thiểu 3 m.”
[12] Điều 9 Luật Bảo vệ động vật năm 1988 Thụy Điển quy định: “Một động vật bị bệnh, thương tích cần phải được chăm sóc cấp thiết, trừ khi chấn thương rất nghiêm trọng mà động vật phải bị giết chết ngay lập tức.”
[13] Ở bang Ohio, Mỹ có án lệ về vụ kiện giữa Coy (một bác sĩ thú y được cấp phép) và Hội đồng cấp phép thú y Ohio. Theo đó, bà Ackerman đã mang hai con mèo của mình là Zack và Arlo đến bác sĩ thú y Coy để chải lông và tiêm ngừa. Máy cạo lông bị hư nên ông đi mua máy mới, để con mèo Zack đã già lại cho nhân viên Linda Schaefer chăm sóc – người không có chuyên môn. Trong quá trình kiểm tra, đến bước thứ 3 hoặc 4, Schaefer nhận ra con mèo Zack đã ngừng thở. Coy trở về, cố gắng cứu Zack trong vô vọng. Hội đồng Cấp phép thú y đã thông báo ông phạm tội thiếu năng lực trách nhiệm tổng hợp, khi mèo Zack đã bị tiêm thuốc an thần khi ông rời đi. Coy đã thừa nhận rằng quyết định rời đi khi con mèo Zack đang tiêm thuốc an thần là một quyết định cẩu thả. Xem: Coy v. Ohio Veterinary Med. Licensing Bd., 2005 Ohio App. LEXIS 756, www.animallaw.com/Case-law.cfm#, truy cập ngày 30/11/2017.
[14] United States Department of Agriculture, Animal Welfare Regulations, tr. 64.
[15] Điều 19 Luật Bảo vệ động vật năm 1988 của Thụy Điển quy định: “Động vật không được dùng vào việc nghiên cứu khoa học hay giáo dục, chẩn đoán bệnh, sản xuất thuốc hay hóa chất cho những mục đích khác nhau nếu động vật phải bị phẫu thuật, tiêm chích, chảy máu hay tổn thương khác mà không có sự cho phép của Chính phủ, hoặc Hội đồng quốc gia về nông nghiệp. Chỉ động vật được nuôi cho mục đích đó mới được sử dụng như vậy, việc nuôi đó phải được Hội đồng quốc gia về nông nghiệp cho phép”.
[16] Điều 1 Luật Chăm sóc động vật Canada năm 1996 có định nghĩa “động vật thương mại bao gồm:
- Ngựa, bò, cừu, lợn, gia cầm sống,
- Động vật hoang dã không được quy định trong Luật Bảo vệ động vật hoang dã,
- Động vật thuộc loại thường xuyên được nuôi để sản xuất thịt, sữa, sinh đẻ, và
- Nhiều hơn 4 con cùng loài mà không thuộc 1 lứa với nhau được tìm thấy trong cùng một nơi.”
[17] Ở bang California, Hoa Kỳ, trong vụ Farm Sanctuary, Inc. v. Department of Food & Agriculture 74 Cal.Rptr.2d 75, Farm Sanctuary, Inc. là một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy xử lý nhân đạo với động vật. Năm 1991 cơ quan lập pháp California sửa Luật Giết mổ nhân đạo bao gồm thịt gia cầm, mà nghi thức giết mổ gia cầm là trái với Luật Giết mổ nhân đạo, sau đó ủy quyền cho Cục Thực phẩm và Nông nghiệp ban hành. Farm Sanctuary đã kiện Cục Thực phẩm và Nông nghiệp để hủy bỏ điều đó vì nó cho phép giết mổ vô nhân đạo. Tuy nhiên Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng quy định yêu cầu miễn trừ đối với các phương pháp khác của nghi thức giết mổ là nhân đạo, do đó phù hợp với Luật Giết mổ nhân đạo.
[18] Điều 21 Pháp lệnh Bảo vệ động vật Thụy Điển có quy định: “Các cơ sở và khu vực dùng để kinh doanh động vật nuôi phải được sự chấp thuận của Ủy ban chính quyền địa phương, và chịu trách nhiệm giám sát theo Luật Bảo vệ động vật năm 1988”.
[19] Khoản 2 Điều 1 Đạo luật Cấp phép sở thú của Úc năm 1981.
[20] Jordan, W and Ormrod, S, The Last Great Wild Beast Show – a discussion of the failure of British animal collections, 1978, pp.13–14, London: Constable.
[21]Theo Đạo luật cấp phép sở thú của Úc năm 1981, tại Điều 11 có quy định 3 điều kiện sau: (1) Biện pháp phòng ngừa phải được thực hiện chống lại sự trốn thoát của động vật, và các bước thực hiện trong trường hợp động vật trốn thoát hoặc thả trái phép; (2) Các hồ sơ được lưu trữ lại về số lượng các loài động vật khác nhau, ngày mua bán, sinh, chết, thanh lý hoặc trốn thoát với những nguyên nhân bất kỳ; (3) Bảo hiểm trách nhiệm đối với thiệt hại do động vật gây ra.
[22] Năm 2008, Tòa án Tối cao Na Uy đã xét xử một vụ việc tấn công chó cảnh sát và ra phán quyết rằng việc tấn công chó nghiệp vụ được xem như hành vi phạm tội nghiêm trọng tương tự như hành vi tấn công trực tiếp nhân viên cảnh sát – Dẫn theo Vũ Công Giao, Nguyễn Minh Tâm, “Một số khía cạnh đạo đức và pháp lý về quyền của động vật”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15 (295) T8/2015, tr. 16.
[23] Ở Mỹ, hành vi tấn công (đấm, đá) một con ngựa hay một con chó đang thực hiện công việc diễu hành hoặc cảnh vệ được xem là một loại tội phạm liên bang và phải chịu trách nhiệm hình sự bằng hình phạt giam giữ.
[24] Ở Vương quốc Anh, hành vi làm tổn thương hay giết chó nghiệp vụ của cảnh sát được xem như hành vi phạm tội nghiêm trọng tương tự như hành vi tấn công trực tiếp nhân viên cảnh sát.
[25] Điều 19 về điều kiện của giấy phép của Đạo luật Phúc lợi động vật Úc năm 1985 có quy định:
- Một giấy phép theo phần này tùy thuộc vào điều kiện của Chính phủ qua một văn bản hoặc người có thẩm quyền.
- Không hạn chế các vấn đề liên quan đến những điều kiện nào có thể được áp dụng, Chính phủ có thể áp đặt các điều kiện như:
- Yêu cầu người chủ sở hữu giấy phép phải thiết lập ủy ban đạo đức phù hợp
- Tham khảo ý kiến ủy ban đạo đức động vật các vấn đề liên quan đến quy định, và
- Tìm kiếm sự chấp thuận của ủy ban đạo đức trước khi: Mua động vật cho mục đích giảng dạy, nghiên cứu và Sử dụng động vật cho mục đích giảng dạy, nghiên cứu
- Cung cấp thông tin liên quan tới giảng dạy, nghiên cứu, thực nghiệm liên quan tới động vật như ủy ban đạo đức yêu cầu
- Trả lời những câu hỏi liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu… có thể được đặt ra bởi ủy ban đạo đức
- Thực hiện các quy định của luật này
- Bộ trưởng có thể, bằng cách thông báo bằng văn bản cho người giữ giấy phép, thay đổi hoặc hủy bỏ hoặc áp đặt một điều kiện khác.
- Một người làm trái hoặc không tuân thủ các điều kiện của giấy phép là phạm tội.
- Hình phạt tối đa: đối với tổ chức: 50.000 đô la, đối với cá nhân: 10.000 đô la.
[26] Ở Anh theo Đạo luật Phúc lợi động vật năm 2006, một số vi phạm có thể bị truy tố hình sự như:
– Khiến một con vật bị thiệt hại không cần thiết;
– Sắp xếp, tổ chức cuộc đấu của động vật nuôi;
– Đầu độc động vật;
– Không đảm bảo các nhu cầu phúc lợi của động vật được đáp ứng, và;
– Bán con vật cho người dưới 16 tuổi;
– Nếu đang bị kết án về một tội phạm, có thể con vật nuôi bị đưa đi khỏi hoặc cấm nuôi động vật, hoặc cả hai. Tiền phạt có thể lên đến 20.000 bảng, tù tối đa là 51 tuần.
[27] Theo Điều 530 Luật Tội phạm năm 1900 bang New South Wales, Úc cho hành vi ngược đãi nghiêm trọng động vật với “ý định gây tổn hại nghiêm trọng”.
[28] Theo Điều 242 Luật Hình sự năm 1899 Bang Queenlands, Úc đối với hành vi ngược đãi động vật nghiêm trọng.
[29] Đậu Công Hiệp, “Một số vấn đề cơ bản trong nghiên cứu về quyền động vật’’, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 1, 2016, tr. 78.
- Tác giả: ThS. Lê Hà Huy Phát & ThS. Đặng Nguyễn Nhật Minh
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05(117)/2018 – 2018, Trang 25-31
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
Trả lời