• Trang chủ
  • Hiến pháp
  • Hình sự
  • Dân sự
  • Hành chính
  • Hôn nhân gia đình
  • Lao động
  • Thương mại

Luật sư Online

Tư vấn Pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, ly hôn, thừa kế, đất đai

  • Kiến thức chung
    • Học thuyết kinh tế
    • Lịch sử NN&PL
  • Cạnh tranh
  • Quốc tế
  • Thuế
  • Ngân hàng
  • Đất đai
  • Ngành Luật khác
    • Đầu tư
    • Môi trường
 Trang chủ » Dân sự » Điều kiện áp dụng chế định hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

Điều kiện áp dụng chế định hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

30/04/2020 21/05/2020 ThS. LS. Phạm Quang Thanh Leave a Comment

Mục lục

  • TÓM TẮT
  • 1.1. Có sự thỏa thuận giữa các bên liên quan đến lợi ích của người thứ ba
  • 1.2. Các bên đều phải thực hiện nghĩa vụ
  • 2.1. Tồn tại người thứ ba thụ hưởng
  • 2.2. Sự đồng ý của người thứ ba
  • CHÚ THÍCH
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bài viết: Điều kiện áp dụng chế định hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong Bộ luật dân sự Việt Nam – so sánh với Pháp luật Nhật Bản

  • Tác giả: Đặng Thái Bình
  • Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2019 (129)/2019 – 2019, Trang 39-51

TÓM TẮT

Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là một loại hợp đồng có điểm đặc trưng là việc thực hiện phải vì “lợi ích của người thứ ba”. Việc hiểu và áp dụng loại hợp đồng này trên thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Bài viết phân tích các điều kiện áp dụng chế định loại hợp đồng này trên phương diện của pháp luật Việt Nam và so sánh với các quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) Nhật Bản hiện hành.

ABSTRACT:

Contract for the benefit of third parties is a contract of which the performance serves a third party intertests. There remain certains issues regarding the understanding and application of this kind of contract. This article will focus on analyzing the conditions of application, based on Vietnam Civil Law while comparing with the conditions in Japanese civil law.

TỪ KHÓA: Chế định hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, Hợp đồng, Luật dân sự, Tạp chí Khoa học pháp lý

Điều kiện áp dụng chế định hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong bộ luật dân sự Việt Nam - so sánh với pháp luật Nhật Bản

Trong lịch sử lập pháp thế giới, khái niệm hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba đã xuất hiện khá sớm dưới nhiều tên gọi khác nhau như “khế ước đem lại quyền lợi cho đệ tam nhân” hoặc “cấu ước cho tha nhân”. Theo một tác giả, cấu ước cho tha nhân là một khế ước trong đó một người kêu là người cấu ước thỏa hiệp với một người khác, kêu là người dự hứa rằng người này sẽ làm một việc gì có lợi cho một đệ tam nhân, kêu là người thụ lợi.[1] Trong pháp luật Việt Nam, khái niệm hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba được ghi nhận tại khoản 5 Điều 402 BLDS năm 2015: “hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó”. Khái niệm này được giữ nguyên từ khoản 5 Điều 405 BLDS năm 1995 và khoản 5 Điều 406 BLDS năm 2005. Như vậy có thể thấy rằng khái niệm hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba đã tồn tại khá lâu trong pháp luật dân sự Việt Nam.

Trong pháp luật Nhật Bản, lý luận về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba dựa trên lý luận về “người thụ hưởng quyền lợi trực tiếp” của pháp luật Đức và Pháp.[2] BLDS Nhật Bản hiện hành không ghi nhận trực tiếp khái niệm hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba tại riêng một điều khoản cụ thể như BLDS Việt Nam. Tuy nhiên, có thể hiểu khái niệm này thông qua quy định tại khoản 1 Điều 537 như sau: “nếu một bên giao kết trong hợp đồng rằng họ sẽ thực hiện một công việc đối với bất kỳ người thứ ba nào, người thứ ba này sẽ có quyền yêu cầu thực hiện công việc đó một cách trực tiếp đối với bên có nghĩa vụ”. Theo một tác giả, đây là loại hợp đồng khi mà một bên thứ ba khác với các bên trong hợp đồng có các quyền dựa trên hợp đồng giữa các bên. Về cơ bản, một hợp đồng sẽ tạo ra các quyền và nghĩa vụ chỉ giữa các bên trong hợp đồng, nhưng quyền lợi có thể được chuyển cho một bên thứ ba bởi một thỏa thuận đặc biệt.[3]

Ở đây, có thể hiểu hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba một cách khái quát như sau: hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự; trong đó xác định người thứ ba được hưởng lợi ích phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng. Như vậy, ở đây xuất hiện hai quan hệ: (i) quan hệ giữa các bên trong hợp đồng với nhau vì hợp đồng mặc dù vì lợi ích của người thứ ba nhưng về bản chất vẫn là một hợp đồng song vụ trong đó quyền của người này ứng với nghĩa vụ của người kia; (ii) quan hệ giữa các bên trong hợp đồng với người thứ ba, đây là một quan hệ không có đền bù, người thứ ba là người được hưởng lợi mà không cần phải có một vật đánh đổi, hay nói cách khác đây là một quan hệ đơn vụ, trong mối quan hệ này, chỉ có một bên có quyền (người thứ ba) và một bên có nghĩa vụ (các bên trong hợp đồng).[4]

Việc tồn tại hai mối quan hệ trong hợp đồng như trên làm cho việc áp dụng chế định hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba hiện nay còn nhiều điểm khó khăn. Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích các điều kiện áp dụng chế định hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thông qua việc tìm hiểu các điều kiện liên quan đến các bên trong hợp đồng và các điều kiện liên quan đến người thứ ba.

1.1. Có sự thỏa thuận giữa các bên liên quan đến lợi ích của người thứ ba

Trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, nói một cách đơn giản, hai bên sẽ tiến hành thỏa thuận với nhau về việc bên có nghĩa vụ sẽ thực hiện một công việc có lợi cho người thứ ba. Về cơ bản, mối quan hệ giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ cũng tương tự như trong các hợp đồng thông thường, ngoại trừ việc bên có nghĩa vụ sẽ không thực hiện nghĩa vụ trực tiếp đối với bên có quyền mà thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba. Điều kiện đầu tiên là phải có sự thỏa thuận giữa các bên, ngay ở khái niệm về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba đã khẳng định đây là một loại “hợp đồng” và theo quy định tại Điều 385 BLDS năm 2015 thì: “hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. BLDS Nhật Bản rõ ràng cũng thừa nhận điều kiện này vì tại Điều 537 nêu ở trên cũng thừa nhận đây là một hợp đồng và theo pháp luật Nhật Bản thì hợp đồng cũng cần có từ hai bên trở lên.[5]

Có thể thấy, hợp đồng chỉ có thể tồn tại khi có từ hai bên trở lên tiến hành việc trao đổi, bàn bạc, thương lượng để đi đến sự đồng thuận và thống nhất ý chí để tạo lập các quyền và nghĩa vụ. Bản chất của thỏa thuận là kết quả của sự thống nhất giữa ý chí với bày tỏ ý chí của mỗi bên. Nói cách khác, hợp đồng chỉ có thể được tạo ra bởi sự thống nhất ý chí của hai hay nhiều bên. Ở điều kiện này không có sự khác biệt giữa pháp luật Việt Nam và Nhật Bản.

Một điểm đặc biệt đối với loại hợp đồng này là các bên cần phải xác định rõ các lợi ích mà người thứ ba được thụ hưởng. Việc xác định rõ lợi ích mà người thứ ba được hưởng từ hợp đồng có thể coi là một điều khoản cơ bản vì nếu không có nội dung liên quan đến lợi ích của người thứ ba thì đây không thể coi là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Khác với hợp đồng thông thường, việc xác lập và thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba không chỉ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết mà còn gắn liền với quyền và lợi ích của người thứ ba, mặc dù họ không phải là chủ thể của hợp đồng. Thông thường, loại hợp đồng này sẽ tạo ra các quyền cho người thứ ba, điều này thể hiện thông qua các quyền của người thứ ba được quy định trong BLDS năm 2015. Ngoài ra, theo nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì các bên trong hợp đồng vẫn có thể thỏa thuận thêm các quyền khác cho người thứ ba trong trường hợp này. Tất nhiên những thỏa thuận này phải không trái đạo đức xã hội và vi phạm điều cấm của pháp luật. Pháp luật Nhật Bản cũng quy định theo hướng tương tự. Theo đó, người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong BLDS Nhật Bản cũng có các quyền như: quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ (khoản 1 Điều 537 BLDS Nhật Bản), quyền không cho phép các bên được sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng nếu đã thể hiện sự đồng ý thụ hưởng (Điều 538 BLDS Nhật Bản). Tương tự pháp luật dân sự Việt Nam, pháp luật dân sự Nhật Bản cũng cho phép các bên được thỏa thuận thêm các quyền cho người thứ ba trong trường hợp này (Điều 3 BLDS Nhật Bản). Như vậy, cả pháp luật Việt Nam và pháp luật Nhật Bản đều có điểm giống nhau là cho phép các bên thỏa thuận thêm các quyền lợi cho người thứ ba, ngoài các quyền đã được quy định trong BLDS.

Một câu hỏi đặt ra ở đây là liệu các bên có thể thỏa thuận tạo lập các nghĩa vụ cho người thứ ba hay không? BLDS năm 2015 chỉ ghi nhận về việc người thứ ba có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba là người hưởng lợi ích, như vậy có thể hiểu ở đây chỉ có thể là các quyền lợi không?

Có quan điểm cho rằng: người thứ ba được hưởng lợi ích đồng thời không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào phát sinh từ hợp đồng.[6] Tuy nhiên cũng có quan điểm ngược lại cho rằng, lợi ích này có thể là kết hợp của quyền và nghĩa vụ nếu tổng thể cả quyền, nghĩa vụ vẫn có lợi cho người thứ ba. Đây có thể coi là một trường hợp lợi ích có điều kiện thực hiện một số nghĩa vụ nhất định (muốn được nhận một lợi ích nhất định, người thứ ba phải chấp nhận thực hiện một số nghĩa vụ).[7] BLDS năm 2015 không ghi nhận rõ ràng khả năng các bên được thỏa thuận tạo lập nghĩa vụ cho người thứ ba và vẫn còn đang tồn tại các quan điểm trái chiều.

Trong BLDS Nhật Bản cũng không ghi nhận rõ khả năng các bên có được quyền thỏa thuận tạo lập nghĩa vụ cho người thứ ba hay không. Trong một bài viết, một tác giả đã có quan điểm như sau: bên thứ ba thể hiện sự chấp nhận của mình khi có sự thay đổi hoặc hủy bỏ thỏa thuận giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ. Người thứ ba không chỉ yêu cầu việc thực hiện hợp đồng giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ mà còn có thể đưa ra yêu cầu dựa trên quyền độc lập của riêng người thứ ba, mặc dù quyền này được ghi nhận bởi hợp đồng của các bên. Trường hợp lợi ích mà người thứ ba có được là do phải chịu một phần trách nhiệm hoặc phải thực hiện một điều kiện nhất định, người thứ ba sẽ không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ nếu nghĩa vụ tương ứng chưa được thực hiện. Người thứ ba không thể chỉ chấp nhận lợi ích mà từ chối các trách nhiệm. Việc chấp nhận lợi ích bao gồm một số nghĩa vụ. Tóm lại, việc người thứ ba không thực hiện nghĩa vụ tương ứng sẽ hủy bỏ nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với người thứ ba, hoặc có thể làm giảm các trách nhiệm này.[8] Có thể thấy quan điểm này theo hướng các bên trong hợp đồng cũng hoàn toàn có thể thỏa thuận tạo lập các nghĩa vụ cho người thứ ba.

Như vậy, cả pháp luật Việt Nam và Nhật Bản đều chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, về mặt lý luận, đều có quan điểm cho rằng trong trường  hợp này, người thứ ba vẫn phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định. Quan điểm của tác giả bài viết theo hướng bên cạnh các quyền và lợi ích được hưởng, người thứ ba cũng có thể có một số nghĩa vụ nhất định. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng những nghĩa vụ phải này xuất phát từ mục đích thụ hưởng lợi ích của họ chứ không thể mang bản chất là nghĩa vụ đối kháng với quyền lợi trong hợp đồng cũng không phải là nghĩa vụ mà họ phải thực hiện với bất cứ bên giao kết nào trong hợp đồng. Về cơ bản, người thứ ba trong trường hợp này chỉ có một số nghĩa vụ đơn thuần liên quan trực tiếp tới việc thụ hưởng lợi ích của họ trong hợp đồng như: nhận hàng đúng thời gian và địa điểm được thông báo; ký xác nhận về việc đã nhận tài sản…

Một câu hỏi khác là liệu các bên có thể thỏa thuận lợi ích mang lại cho người thứ ba là gì? Trong BLDS năm 2015, không nói rõ nội dung này nhưng với quy định “vì lợi ích của người thứ ba” thì có quan điểm cho rằng “quyền mà hợp đồng mang lại cho người thứ ba có thể là một khoản tiền… và quyền này có thể là quyền đối với tài sản như quyền sở hữu, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt”.[9] Pháp luật Nhật Bản theo hướng: quyền được thụ hưởng ở đây thường là một khoản tiền nhưng cũng có thể phát sinh đối với các hợp đồng thụ hưởng vật quyền.[10] Ngoài ra, trong án lệ, Tòa án Nhật Bản cũng thừa nhận việc ký kết hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba để “bảo đảm an toàn cho thai nhi”. Như vậy, pháp luật Nhật Bản thừa nhận lợi ích mang lại cho người thứ ba ở đây có thể là một khoản tiền, các vật quyền hoặc một công việc phải thực hiện. Tác giả cũng đồng ý với quan điểm này lý do là vì chúng ta không có quy định nào cấm hoặc hạn chế các bên có thể thỏa thuận lợi ích mà người thứ ba được hưởng ở đây là gì. do đó, miễn là nó có mang lại một lợi ích nhất định cho người thứ ba thì các bên có thể tiến hành xác lập loại hợp đồng này. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc của pháp luật dân sự là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên.

1.2. Các bên đều phải thực hiện nghĩa vụ

Tại khoản 5 Điều 402 BLDS năm 2015 có quy định thêm một điều kiện liên quan đến các bên giao kết trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là “các bên đều có nghĩa vụ”. Có thể hiểu theo hướng là các bên trong hợp đồng đều có nghĩa vụ, hay nói cách khác bên có quyền sẽ có các nghĩa vụ nhất định đối với bên có nghĩa vụ và bên có nghĩa vụ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cho người thứ ba. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu bên có nghĩa vụ có phải thực hiện nghĩa vụ gì đối với bên có quyền không, trong khi họ đã thực hiện nghĩa vụ đối với bên thứ ba.

Liên quan đến vấn đề này một tác giả cho rằng trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì chỉ có người thứ ba mới được hưởng lợi ích từ việc thực hiện hợp đồng.[11] Tác giả này cũng nhận định rằng: quy định này không phù hợp với thực tế, bởi vì trên thực tế, đa số các trường hợp thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là trường hợp bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền để cho người thứ ba hưởng lợi ích.[12] Theo quy định tại Điều 415 BLDS năm 2015 về thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì “khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình”. Có thể thấy quy định này không đề cập việc bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cho bên có quyền mà chỉ ghi nhận theo hướng người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ với mình. Như vậy, liệu quy định điều kiện các bên “đều có nghĩa vụ” có cần thiết hay không?

Pháp luật Nhật Bản cũng không ghi nhận điều kiện “các bên đều có nghĩa vụ” trong tất cả các quy định liên quan đến hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 537 BLDS Nhật Bản cũng quy định: “người thứ ba này sẽ có quyền yêu cầu thực hiện công việc đó một cách trực tiếp đối với bên có nghĩa vụ”. Như vậy, điều kiện “các bên đều có nghĩa vụ” không tồn tại trong BLDS Nhật Bản, mà tương tự như pháp luật Việt Nam, BLDS Nhật Bản cũng chỉ ghi nhận bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba. Theo tác giả thì ở đây nhà làm luật đã đưa ra một điều kiện không cần thiết trong việc xác lập hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Như đã phân tích ở trên, việc ghi nhận thêm điều kiện này chỉ gây khó khăn hơn trong việc hiểu và áp dụng hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.

Một vấn đề nữa cần phải xem xét trong quan hệ giữa hai bên tham gia ký kết hợp đồng là khi các bên ký kết hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì có cần phải có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ liên quan đến nội dung này không? Có thể thấy trong BLDS năm 2015 chưa quy định rõ về vấn đề này. Liệu có thể hiểu “các bên đều có nghĩa vụ” như trên là bên có quyền trong hợp đồng cũng phải có nghĩa vụ thông báo cho bên có nghĩa vụ trong hợp đồng rằng họ phải thực hiện nghĩa vụ cho một người thứ ba nào đó và bên có nghĩa vụ có thể từ chối? Pháp luật Nhật Bản theo hướng không cần phải có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ trong trường hợp này mà chỉ cần có ý chí của người có quyền. Theo một án lệ của Nhật Bản thì trong trường hợp thông thường, người có nghĩa vụ trước trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Tuy cần thiết phải có đủ sự thể hiện ý chí của bên có nghĩa vụ mới nhưng theo án lệ này, sự đồng ý của bên có nghĩa vụ mới là không cần thiết.

Nội dung của án lệ này như sau: việc bên cho thuê chuyển nhượng vị trí của mình trong hợp đồng cho thuê đất đai, mặc dù có liên quan đến chuyển nhượng nghĩa vụ của bên cho thuê, nhưng nghĩa vụ của bên cho thuê lại có sự khác biệt về cách thức thực hiện phụ thuộc vào việc bên cho thuê là ai, ngoài ra, đây không phải là trường hợp tiếp nhận nghĩa vụ chung, vì nó không ngăn cản chủ sở hữu mới tiếp nhận nghĩa vụ khi chuyển quyền sở hữu đất đai, mà nó sẽ có lợi cho bên thuê. Trừ trường hợp đặc biệt, việc chấp nhận quyền và nghĩa vụ của người cho thuê giữa chủ sở hữu cũ và chủ sở hữu mới sẽ không cần thiết phải có sự đồng thuận của người thuê, trường hợp này có thể giải thích tương tự như có hợp đồng giữa chủ sở hữu cũ và chủ sở hữu mới.[13]

Tuy trong nội dung án lệ của Tòa tối cao thì không ghi nhận cách thức lý luận đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba nhưng trong nội dung án lệ, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, có thể được lý giải như trong phán quyết thông qua việc minh thị rằng có thể thực hiện việc chuyển giao vị trí của người đó trong hợp đồng.[14] Như vậy, có thể thấy pháp luật Nhật Bản theo xu hướng không yêu cầu cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Theo tác giả, cách hiểu như vậy là phù hợp bởi trong trường hợp này việc bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cho ai không quan trọng vì ở đây có thể xem như bên có quyền đã chuyển giao quyền được hưởng lợi ích từ hợp đồng sang cho người thứ ba. Nói cách khác, bên có nghĩa vụ ở đây chỉ cần hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với người thứ ba như đối với bên có quyền trong một hợp đồng có hai bên thông thường.

2.1. Tồn tại người thứ ba thụ hưởng

Một điểm đặc trưng của loại hợp đồng này là có sự tồn tại của người thứ ba thụ hưởng. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các quy định về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong BLDS năm 2015 thì không thể chỉ rõ được người thứ ba trong trường hợp này là ai và có cần phải đáp ứng các điều kiện gì để trở thành người thụ hưởng trong loại hợp đồng này không? Có quan điểm cho rằng người thứ ba ở đây có thể hiểu là người không giao kết hợp đồng.[15] Một tác giả khác cũng cho rằng người thứ ba ở đây không phải là khái niệm số thứ tự một, hai, ba mà là khái niệm pháp lý chỉ người không giao kết hợp đồng.[16]. Có quan điểm khác lại cho rằng rất khó để đưa ra khái niệm chính xác về người thứ ba nhưng chúng ta có thể khẳng định đó không là một trong các bên hay là người được đại diện cũng như không phải là người kế thừa tư cách của một bên trong hợp đồng.[17]. Tóm lại, có thể thấy hiện nay trong BLDS năm 2015 không có ghi nhận khái niệm cũng như những điều kiện của người thứ ba. Điều này dẫn đến một số khó khăn trên thực tế khi áp dụng những quy định liên quan đến hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Các quy định về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong BLDS Nhật Bản cũng không đề cập khái niệm “người thứ ba” trong trường hợp này phải được hiểu thế nào. Tuy nhiên, xuất phát từ việc đã thừa nhận nguồn pháp luật là án lệ từ lâu nên trong án lệ Nhật Bản đã phần nào giải quyết được các vấn đề liên quan đến khái niệm “người thứ ba”. Liên quan đến điều kiện này, pháp luật Việt Nam vẫn tòn tại một số bất cập như sau:

Thứ nhất, trong các quy định của BLDS năm 2015 chỉ sử dụng cụm từ “người thứ ba”, điều này có thể dẫn đến cách hiểu rằng “người” ở đây chỉ có thể là cá nhân. Vậy liệu pháp nhân có thể là người thứ ba trong loại hợp đồng này không? Ngoài ra, BLDS năm 2015 cũng không nói rõ “người thứ ba” ở đây có phải đáp ứng các điều kiện liên quan đến năng lực chủ thể (năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự) hay không? BLDS năm 2015 không ghi nhận rõ ràng và cũng chưa có án lệ nào điều chỉnh vấn đề này, do đó vẫn tồn tại những khó khăn nhất định trong việc áp dụng chế định này. Tuy nhiên, nếu đi vào xem xét các quy định trong BLDS năm 2015 thì không có quy định nào phủ định cách hiểu “người thứ ba” ở đây là bao gồm cả cá nhân, pháp nhân hay chủ thể không có đầy đủ năng lực chủ thể.

Cụ thể, Điều 402 BLDS năm 2015 quy định: “người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó”, ở đây chỉ ghi nhận rằng người thứ ba là người hưởng lợi ích từ hợp đồng giữa các bên. Về cơ bản, chủ thể được hưởng lợi ích ở đây hoàn toàn có thể là cá nhân hoặc pháp nhân vì không có quy định nào không cho phép pháp nhân được hưởng lợi ích từ hợp đồng. Do đó, hoàn toàn có thể hiểu “người thứ ba” ở đây là bao gồm cả cá nhân và pháp nhân. Đối với vấn đề thứ hai liên quan đến năng lực chủ thể của người thứ ba, ở Việt Nam cũng đã tồn tại nhiều quan điểm cho rằng trong trường hợp này không cần thiết phải yêu cầu “người thứ ba” phải có đầy đủ năng lực chủ thể. Cụ thể, người thứ ba trong hợp đồng không nhất thiết phải có năng lực hành vi dân sự, lý do vì người thứ ba hưởng lợi không phải là một bên của hợp đồng và vì vậy, anh ta không cần phải thể hiện ý chí ở thời điểm xác lập hợp đồng nhằm thu quyền cũng như nghĩa vụ dân sự.[18] Có thể xem xét ví dụ của một tác giả về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba như sau: cha mẹ mua bảo hiểm cho con. Theo đó, con là người thứ ba được hưởng lợi ích từ hợp đồng giữa công ty bảo hiểm và cha mẹ.[19] Trong ví dụ này, tác giả cũng đã ngầm thừa nhận người thứ ba không cần có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, vì người con ở đây có thể nằm trong trường hợp dưới 18 tuổi và sẽ chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Trong các án lệ của mình, pháp luật Nhật Bản đã từng thừa nhận thai nhi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có quyết định từ Tòa án để có người giám hộ… cũng có thể là người thứ ba trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.[20] Ngoài ra, trong một án lệ cũng thừa nhận pháp nhân chưa tồn tại trên thực tế vẫn được xem là người thụ hưởng của loại hợp đồng này.[21]

Xin được phép dẫn một bản án minh họa như sau: để chỉ dẫn các nghĩa vụ của bác sĩ đối với thai nhi tại thời điểm sinh con, một hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba đã được ký kết giữa cha mẹ và tổ chức y tế để bảo đảm cho sự an toàn của thai nhi, Tòa án Tokyo đã quyết định, sau khi đứa trẻ được sinh ra thì coi như cha mẹ đã đại diện ngầm định việc tuyên bố ý chí thụ hưởng thay mặt cho đứa trẻ.[22] Trong trường hợp này, Tòa án Nhật Bản đã thừa nhận thai nhi cũng có thể là người thụ hưởng từ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Như vậy, pháp luật Nhật Bản đã hiểu khái niệm “người thứ ba” thụ hưởng trong trường hợp này rất rộng, bao gồm cả cá nhân và pháp nhân. Trong trường hợp người thứ ba là cá nhân, pháp luật Nhật Bản cũng thừa nhận đây có thể là người không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Trường hợp người thứ ba là pháp nhân thì pháp nhân này có thể chưa được thành lập trên thực tế và chưa làm phát sinh năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân.

Từ các kinh nghiệm trong pháp luật Nhật Bản, khái niệm “người thứ ba” trong BLDS năm 2015 cũng nên được hiểu rộng như vậy để dễ dàng cho việc áp dụng chế định hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Rõ ràng người thứ ba ở đây là người thụ hưởng lợi ích nên về cơ bản không nên chỉ bó hẹp phạm vi chỉ là cá nhân có đầy đủ năng lực chủ thể. Do đó, nên hiểu khái niệm “người thứ ba” ở đây là cá nhân hoặc pháp nhân. Đối với cá nhân thì đây có thể là người đã thành niên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hay thậm chí là người bị mất năng lực hành vi dân sự (có thể xử lý thông qua cơ chế đại diện). Trường hợp người thứ ba là pháp nhân thì pháp nhân này có thể chưa tồn tại trên thực tế và chưa có năng lực pháp luật dân sự.

Thứ hai, vấn đề xác định người thứ ba “tồn tại”. Có thể thấy việc hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba có thực hiện được hay không phụ thuộc rất lớn vào sự “tồn tại” của người thứ ba. Trong trường hợp người thứ ba đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng thì không có vấn đề gì khó khăn do bên có nghĩa vụ đã biết phải thực hiện nghĩa vụ cho chủ thể nào. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm giao kết hợp đồng, người thứ ba chưa tồn tại hoặc chưa thể xác định trên thực tế thì sẽ giải quyết thế nào? Một tác giả cho rằng các quy định về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong BLDS không có quy định ràng buộc sự tồn tại của người thứ ba ở thời điểm xác lập hợp đồng hay ở thời điểm hình thành nội dung vì lợi ích của người thứ ba nên thiết nghĩ người thứ ba có thể tồn tại ở thời điểm xác lập hợp đồng, sau thời điểm hình thành nội dung vì lợi ích của người thứ ba hay sau thời điểm này nếu có cơ sở để xác định người đó là ai.[23] Một tác giả khác cũng có quan điểm trong trường hợp người thừa kế là người thành thai trước khi người được bảo hiểm chết nhưng được sinh ra sau khi người được bảo hiểm chết. Trường hợp này, người hưởng lợi không chỉ là cá nhân sống ở thời điểm xác lập hợp đồng mà còn có thể là những cá nhân được sinh ra và còn sống sau thời điểm xác lập hợp đồng.[24] Rõ ràng đây là một vấn đề rất quan trọng vì chỉ khi xác định được chính xác người thứ ba thì bên có nghĩa vụ mới thực hiện được nghĩa vụ cho đúng người được hưởng lợi ích. Các quy định về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong BLDS năm 2015 chưa đưa ra được câu trả lời.

Ở Nhật, án lệ đã thừa nhận việc không cần có sự tồn tại của người thứ ba tại thời điểm hợp đồng được ký kết. Cụ thể, đó có thể là hợp đồng cho bên thứ ba mà người thụ hưởng là những người sẽ xuất hiện trong tương lai như người chưa thành thai hoặc một công ty đang trong giai đoạn thành lập.[25] Theo đó trong án lệ này, Tòa án có đưa ra phán quyết như sau: trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, cho dù người thứ ba không tồn tại vào thời điểm xác lập hợp đồng, hoặc trường hợp không có người thứ ba nhưng dự kiến sẽ xuất hiện trong tương lai thì nên được hiểu rằng như vậy là đủ. Án lệ này đã kết luận hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì sẽ có hiệu lực ngay cả khi người thứ ba dự kiến xuất hiện trong tương lai hoặc ngay cả khi người thứ ba không tồn tại đồng thời cùng với hợp đồng.[26] Đây cũng là một vấn đề điều khoản dự kiến sẽ được bổ sung trong lần sửa đổi sắp tới của BLDS Nhật Bản, cụ thể sẽ bổ sung khoản 2 như sau: “trong hợp đồng theo khoản 1 Điều 537, ngay cả khi người thứ ba không thực sự tồn tại vào thời điểm ký kết hoặc không xác định được người thứ ba thì hợp đồng này cũng không bị cản trở hiệu lực”.[27] Như vậy, từ lâu trong các Án lệ ở Nhật đã thừa nhận người thứ ba trong trường hợp này có thể là những cá nhân hoặc pháp nhân không tồn tại trên thực tế vào thời điểm xác lập hợp đồng và rõ ràng nội dung này cũng đã được phần lớn các nhà làm luật Nhật Bản thừa nhận thông qua việc đề xuất thay đổi ngay trong BLDS Nhật Bản.

2.2. Sự đồng ý của người thứ ba

Điều 417 BLDS năm 2015 có nhắc đến “sự đồng ý của người thứ ba”. Cụ thể, “khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng”. Quy định này cho thấy sự đồng ý của người thứ ba sẽ ảnh hưởng đến khả năng sửa đổi và hủy bỏ hợp đồng của các bên. Tuy nhiên, trong các quy định của BLDS năm 2015 lại không ghi nhận rõ sự đồng ý của người thứ ba có là căn cứ để xác định sự tồn tại của hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba hay không? Liên quan đến vấn đề này, có quan điểm cho rằng quy định trong phần Dẫn nhập đưa ra định nghĩa về hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong pháp luật Việt Nam và không đòi hỏi phải có sự đồng ý của người thứ ba nên hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba hoàn toàn có thể tồn tại mà không cần có sự đồng ý của người này.[28]

Khoản 2 Điều 537 BLDS Nhật Bản quy định rõ ràng như sau: “trong trường hợp tại khoản 1, quyền của người thứ ba sẽ phát sinh khi người thứ ba thể hiện ý chí đối với bên có nghĩa vụ rằng họ mong muốn được hưởng các lợi ích của hợp đồng”. Như vậy, căn cứ vào quy định này có thể thấy pháp luật Nhật Bản thừa nhận sự đồng ý của người thứ ba là một điều kiện tồn tại của loại hợp đồng này. Ngoài ra, theo một tác giả thì nếu như người thứ ba không tồn tại như quy định tại khoản 1 Điều 537 thì khi người này xuất hiện trên thực tế thì cần phải thể hiện ý chí mong muốn thụ hưởng lợi ích.[29] Một tài liệu khác cũng cho rằng trong trường hợp này, cho dù lợi ích được hưởng ở đây là bao nhiêu thì ý chí của người thứ ba là không thể bỏ qua.[30]

Tuy nhiên, ở Nhật Bản cũng xuất hiện tranh cãi liên quan đến việc liệu quy định như vậy có quá cứng nhắc hay không và trên thực tế đã có những trường hợp cho thấy hướng xử lý của Tòa án có phần khác biệt. Trong bản án đã được dẫn bên trên liên quan đến hợp đồng vì lợi ích của thai nhi ký kết giữa cha mẹ và tổ chức y tế, Tòa án Tokyo đã quyết định sau khi đứa trẻ được sinh ra thì coi như cha mẹ đã đại diện ngầm định việc tuyên bố ý chí thụ hưởng thay mặt cho đứa trẻ.[31] Có thể thấy ở đây Tòa án đã xét xử theo hướng cho phép bên có quyền được “ngầm định” cho sự biểu hiện ý chí của người thứ ba thụ hưởng. Ngoài ra, Luật Bảo hiểm Nhật Bản năm 2010 có quy định liên quan đến hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba như hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ cho người thứ ba (Điều 8), hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho người thứ ba (Điều 42), hợp đồng bảo hiểm khi bệnh tật, thương tật cho người thứ ba (Điều 71). Đối với các loại hợp đồng này, người thụ hưởng sẽ tiếp nhận các lợi ích của hợp đồng bảo hiểm “một cách tự nhiên”. Nói cách khác, người thụ hưởng không cần phải thể hiện ý định tiếp nhận quyền yêu cầu được nhận bảo hiểm. Hơn nữa, ở Nhật, một loại hợp đồng tương tự như hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng ủy thác mà bên thứ ba là người thụ hưởng thì về mặt nguyên tắc cũng không yêu cầu việc chỉ ra việc thể hiện ý định thụ hưởng để có được các quyền của người thụ hưởng.[32]

Như vậy, có thể thấy có sự không thống nhất giữa quy định trong BLDS và các văn bản pháp luật chuyên ngành ở Nhật Bản. Do đó, đã có ý kiến cho rằng điều kiện yêu cầu sự đồng ý của người thứ ba trong trường hợp này là không cần thiết. Như đã phân tích trong điều kiện thứ hai liên quan đến “tồn tại người thứ ba” thì hiện nay pháp luật Nhật Bản cũng theo hướng thừa nhận những chủ thể như thai nhi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa có quyết định từ Tòa án để được có người giám hộ cũng có thể là người thứ ba trong loại hợp đồng này. Đây là những trường hợp mà người thứ ba khó có thể biểu hiện được sự đồng ý tiếp nhận quyền lợi của mình. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng việc tiếp nhận quyền của người thứ ba cũng có thể sẽ dẫn đến việc phát sinh các trách nhiệm của người thụ hưởng, ví dụ như trường hợp vì trật tự an ninh xã hội mà buộc phải áp đặt các trách nhiệm hoặc hạn chế thời hạn được hưởng quyền lợi nên cũng cần phải có sự đồng ý của người thứ ba.[33]

Tuy vẫn còn tranh cãi nhưng pháp luật Nhật Bản hiện nay theo xu hướng là cần phải có sự đồng ý của người thứ ba để phát sinh quyền thụ hưởng của họ. Theo tác giả, xuất phát từ việc hợp đồng này là vì lợi ích của bên thứ ba nên về cơ bản người thứ ba ở đây sẽ luôn được hưởng lợi ích từ hợp đồng này (nếu không có lợi ích thì đây không thể được coi là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba) nên việc yêu cầu cần có sự đồng ý của người thứ ba ở đây là không cần thiết.

CHÚ THÍCH

[1] Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân luật lược khảo – Quyển II – Khế ước và nghĩa vụ, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, 1963, tr. 284.

[2] Xem thêm 春田一夫, 第三者のためにする契約の法理, 信山社出版株式会社, 2003, 141 – 143 頁参照 [Haruo Kazuo, Nguyên tắc pháp lý của hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, Nxb. Shinkan, 2003, tr. 141 – 143].

[3] Hiroto Dogauchi, Outline of Contract Law in Japan, http://www.law.tohoku.ac.jp/kokusaiB2C/overview/contract.html#page_top, truy cập ngày 25/3/2019.

[4] Ngô Quốc Chiến – Nguyễn Thị Quỳnh Yến, “Người thứ ba trong BLDS năm 2015”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 10, 2016.

[5] Có thể tham khảo khái niệm về hợp đồng trong một tài liệu ở Nhật Bản như sau: Hợp đồng là sự kiện làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ, thành lập dựa trên sự thống nhất ý chí của nhiều bên đối lập nhau – 小野幸二 (編集), 高岡信男 (編集), 法律用語辞典(第4版), 法学書院、2010年、278頁 [Koji Ono (chủ biên), Nobuo Takaoka (chủ biên), Từ điển Thuật ngữ pháp lý (tái bản lần 4), Nxb. Thư viện Đại học Luật, 2010, tr. 278].

[6] Nguyễn Văn Cừ – Trần Thị Huệ (chủ biên), Bình luận khoa học BLDS 2015, Nxb. Công an nhân dân, 2017, tr. 630.

[7] Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án (tập 2), Nxb. Hồng Đức, 2018 (xuất bản lần thứ bảy), tr. 403.

[8] 長谷川光一, 契約と第三者・比較法的試論と展望, 早稲田法学会誌 [Hasegawa Koichi, Hợp đồng và người thứ ba – So sánh luật và kiến nghị], https://waseda.repo.nii.ac.jp/?action=repository_uri&item_id=7488&file_id=162&file_no=1, truy cập ngày 27/3/2019.

[9] Đỗ Văn Đại, tlđd, tr. 404.

[10] 日本司法書士会連合会・不動産登記法改正対策部, 直接移転取引に関する実務上の留意点について [Hiệp hội tư pháp Nhật Bản – Bộ phận sửa đổi luật đăng ký bất động sản, Những vấn đề thực tế về giao dịch chuyển khoản trực tiếp], http://www.kumashi.jp/youplan/dbImg/240901-3-3.pdf, truy cập ngày 26/3/2019 .

[11] Nguyễn Minh Tuấn (chủ biên), Bình luận khoa học BLDS 2015, Nxb. Tư pháp, 2016, tr. 597.

[12] Nguyễn Minh Tuấn (chủ biên), tlđd, tr. 597.

[13] 最ニ判昭 46.4.23民集25巻3号388頁 [Bản án số 46 – 4 – 23, Dân tập (quyển 25 số 3), tr. 388].

[14] 加賀山茂, 第三者のためにする契約の位置づけ: 典型契約とは異な, 契約総論に規定されている理由は何か?,明治学院大学法科大学院ローレビュー, 9 頁参照 [Kagayama Shigeru, “Vị trí của hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba: những khác biệt với hợp đồng cổ điển, lý do quy định trong phần tổng luận hợp đồng là gì?”, Tạp chí pháp luật Đại học Meiji, tr. 9].

[15] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2005 (tập 2), Nxb. Chính trị quốc gia, 2008, tr. 243.

[16] Hoàng Thế Liên (chủ biên), tlđd, tr. 243.

[17] Đỗ Văn Đại, tlđd , tr. 399.

[18] Bùi Thị Thu Hằng, “Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong pháp luật dân sự Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 9 + 10, 2001.

[19] Trương Anh Tuấn (chủ biên), Bình luận khoa học BLDS 2005 – Phần Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự, Nxb. Lao động, 2009, tr. 173.

[20] 商事法務編,民法(債権関係)の改正に関する中間試案の補足説明 (商事法務、2013 年), 379 頁参照 [Bộ Pháp vụ thương mại, Giải thích bổ sung về dự thảo liên quan đến sửa đổi Bộ luật dân sự (quyền và nghĩa vụ), 2013, tr. 379].

[21] 最三小判昭和37 年 6 月 26 日民集 16 巻 7 号 1397 頁  [Bản án ngày 26/6/1977, Dân tập (quyển 16 số 7), tr. 1379].

[22] 舩越優子,「第三者のためにする契約」・「贈与」に関する民法改正法律案の検討, [Yuko Ogoshi, Xem xét dự thảo luật về sửa đổi Bộ luật dân sự liên quan đến hợp đồng tặng cho và hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba] http://repo.kyoto-wu.ac.jp/dspace/bitstream/11173/2448/1/0150_011_010.pdf, truy cập ngày 26/3/2019.

[23] Đỗ Văn Đại, tlđd, tr. 400.

[24] Bùi Thị Thu Hằng, tlđd, tr.12.

[25] 舩越優子,「第三者のためにする契約」・「贈与」に関する民法改正法律案の検討, [Yuko Ogoshi, Xem xét dự thảo luật về sửa đổi Bộ luật dân sự liên quan đến hợp đồng tặng cho và hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba], http://repo.kyoto-wu.ac.jp/dspace/bitstream/11173/2448/1/0150_011_010.pdf, truy cập ngày 26/3/2019.

[26] 最三小判昭和37 年 6 月 26 日民集 16 巻 7 号 1397 頁 [Bản án ngày 26/6/1977, Dân tập (quyển 16 số 7), tr. 1379].

[27] 民法(債権関係)の改正に関する要綱仮案の第二次案 [Dự thảo thứ hai về sửa đổi BLDS (liên quan đến quyền và nghĩa vụ)], http://www.moj.go.jp/content/000125959.pdf?1556008295851, truy cập ngày 26/3/2019 .

[28] Đỗ Văn Đại, tlđd, tr. 406.

[29] 潮見佳男, 民法(債権関係)改正法案の概要, 金融財政事情研究会, 2015 年, 214 頁 [Tatsuo Shiomi, Tóm tắt dự luật sửa đổi Bộ luật Dân sự (Liên quan đến nghĩa vụ), Nhóm nghiên cứu tài chính và tiền tệ, 2015, tr. 214].

[30] 道垣内弘人, リーガルベイシス民法入門 (第3版),日本経済新聞出版社, 2019年,  223頁 [Hiroto Dogauchi, Giới thiệu về cơ sở pháp lý Luật Dân sự (tái bản lần 3), Nxb. Nikkei, 2019, tr. 223].

[31] Xem chú thích số 17.

[32] Khoản 1 Điều 88 Luật Uỷ thác Nhật Bản (信託法).

[33] 商事法務編, 民法(債権関係)の改正に関する中間試案の補足説明, (商事法務、 2013 年) 379 頁参照[Bộ pháp vụ thương mại, Giải thích bổ sung về dự thảo liên quan đến sửa đổi Bộ luật dân sự (nghĩa vụ), 2013, tr. 379].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Ngô Quốc Chiến – Nguyễn Thị Quỳnh Yến, “Người thứ ba trong Bộ luật dân sự năm 2015”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 10, 2016 [trans: Ngo Quoc Chien, Nguyen Thi Quynh Yen, “Third party in the 2015 Civil Code”, External Economics Review, No. 10, 2016]
  • 商事法務編, 民法(債権関係)の改正に関する中間試案の補足説明 (商事法務、2013 年) [trans: Commercial Legal Section, Supplementary explanation of interim proposal concerning amendment of Civil Code (Obligation – related) (Commercial legal, 2013)]
  • Nguyễn Văn Cừ – Trần Thị Huệ (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự 2015, Nxb. Công an nhân dân, 2017 [trans: Nguyen Van Cu – Tran Thi Hue, Commentary on the 2015 Civil Code, People’s Public Sercurity Publishing House, 2017]
  • 道垣内弘人, リーガルベイシス民法入門 (第3版),日本経済新聞出版社, 2019 [trans: Hiroto Dogauchi, Legal Basic Civil Code (3rd Edition), Nikkei Publishing House, 2019]
  • Hiroto Dogauchi, Outline of Contract Law in Japan, http://www.law.tohoku.ac.jp/kokusaiB2C/overview/contract.html#page_top, truy cập ngày 25/3/2019.
  • Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án (tập 2), Nxb. Hồng Đức, 2018 (xuất bản lần thứ bảy) [trans: Do Van Dai, Vietnam’s Contract Law – Jugments and Comments (volume 2), Hong Duc Publishing House – Vietnam Lawyer Association, 2018 (seventh edition)]
  • Bùi Thị Thu Hằng, “Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba trong pháp luật dân sự Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 9 + 10, 2001 [trans: Bui Thi Thu Hang, “Contract for the benefit of third parties”, Democracy and Law journal, No 9 + 10, 2001]
  • 日本司法書士会連合会, 不動産登記法改正対策部, 直接移転取引に関する実務上の留意点について [trans: Japan Association of Judicial Scriveners Association, Real Estate Registration Act Amendment Countermeasures Division, Practical Points on Direct Transfer Transactions], http://www.kumashi.jp/youplan/dbImg/240901-3-3.pdf, truy cập ngày 26/3/2019
  • 春田一夫, 第三者のためにする契約の法理, 信山社出版株式会社, 2003 [trans: Haruo Kazuo, Legal principles of Contract for the benefit of third parties, Shinkan Publishing House, 2003]
  • 長谷川光一, 契約と第三者, 比較法的試論と展望, 早稲田法学会誌 [trans: Hasegawa Koichi, Contracts and third parties, comparative legal essays and prospects, Waseda Journal], https://waseda.repo.nii.ac.jp/?action=repository_uri&item_id=7488&file_id=162&file_no=1, truy cập ngày 27/3/2019
  • Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự 2005 (tập 2), Nxb. Chính trị quốc gia, 2008 [trans: Hoang The Lien, Commentary on the 2005 Civil Code (volume 2), Chinh tri quoc gia Publishing House, 2008]
  • Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân luật lược khảo – Quyển II – Khế ước và nghĩa vụ, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, 1963 [trans: Vu Van Mau, Review on Vietnamese Civil Law – Volume 2 – Contract and Obligation, Ministry of National Education Publishing House, 1963]
  • 舩越優子,「第三者のためにする契約」・「贈与」に関する民法改正法律案の検討 [trans: Yuko Ogoshi, Examination of the draft law for revising the Civil Code relating to Contracts for the benefit of third parties and gifts], http://repo.kyoto-wu.ac.jp/dspace/bitstream/11173/2448/1/0150_011_010.pdf, truy cập ngày 26/3/2019
  • 小野幸二 (編集), 高岡信男 (編集), 法律用語辞典(第4版), 法学書院、2010年、278頁 [Koji Ono (chủ biên), Nobuo Takaoka (chủ biên), Từ điển Thuật ngữ pháp lý (tái bản lần 4), Nxb. Thư viện Đại học Luật, 2010]
  • 加賀山茂, 第三者のためにする契約の位置づけ: 典型契約とは異な, 契約総論に規定されている理由は何か?, 明治学院大学法科大学院ローレビュー, 2012 [trans: Kagayama Shigeru, “Position of Contract for the benefit of third parties: the differeces with typical contract, what is the reason for assigning its in the General of Contract?”,Meji University Law Review, 2012]
  • 潮見佳男, 民法(債権関係)改正法案の概要, 金融財政事情研究会, 2015 年 [trans: Tatsuo Shiomi,Outline of the bill revising the Civil Code (Obligation -related), Financial and Fiscal Situation Study Group, 2015]
  • Trương Anh Tuấn (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự 2005 – Phần Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự, Nxb. Lao động, 2009 [trans: Truong Anh Tuan, Commentary on the 2005 Civil Code – Obligation and Contract, Labor Publishing House, 2009]
  • Nguyễn Minh Tuấn (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự 2015, Nxb. Tư pháp, 2016 [trans: Nguyen Minh Tuan, Commentary on 2015 Civil Code, Justice Publishing House, 2016]
Chia sẻ bài viết:
  • Share on Facebook

Bài viết liên quan

Áp dụng Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại trong quan hệ hợp đồng
Áp dụng Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại trong quan hệ hợp đồng
Tuyển tập đề cương câu hỏi ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam có đáp án tham khảo
[CÓ ĐÁP ÁN] Đề cương ôn tập môn Luật Dân sự Việt Nam
Tuyển tập nhận định đúng sai (bán trắc nghiệm) môn Luật Dân sự năm 2015 có đáp án tham khảo.
[CÓ ĐÁP ÁN] Nhận định đúng sai môn Luật Dân sự năm 2015
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015)
Một số khía cạnh pháp lý về quyền bề mặt trong quy định của BLDS 2015
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Thực trạng pháp luật lao động về giải quyết vấn đề nhân sự khi mua bán, sáp nhập Ngân hàng thương mại và một số kiến nghị
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động
Bảo đảm tính thống nhất giữa bộ luật lao động với pháp luật thanh tra và chuẩn mực quốc tế về thanh tra lao động

Chuyên mục: Dân sự Từ khóa: Chế định hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, Đặng Thái Bình, Hợp đồng, Luật dân sự, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 08/2019

About ThS. LS. Phạm Quang Thanh

Sinh sống tại Hà Nội. Like Fanpage Luật sư Online - iluatsu.com để cập nhật những tin tức mới nhất bạn nhé.

Previous Post: « Hoàn thiện pháp luật xử phạt VPHC đối với các vi phạm về mại dâm
Next Post: Chính sách nhà nước về lâm nghiệp theo Luật Lâm nghiệp năm 2017 »

Reader Interactions

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Tìm kiếm nhanh tại đây:

Tài liệu học Luật

  • Trắc nghiệm Luật | Có đáp án
  • Nhận định Luật | Có đáp án
  • Bài tập tình huống | Đang cập nhật
  • Đề cương ôn tập | Có đáp án
  • Đề Thi Luật | Cập nhật đến 2021
  • Giáo trình Luật PDF | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | MIỄN PHÍ
  • Sách Luật PDF chuyên khảo | TRẢ PHÍ
  • Từ điển Luật học Online| Tra cứu ngay

Tổng Mục lục Tạp chí ngành Luật

  • Tạp chí Khoa học pháp lý
  • Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
  • Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
  • Tạp chí Kiểm sát
  • Tạp chí nghề Luật

Chuyên mục bài viết:

  • Cạnh tranh
  • Dân sự
    • Hợp đồng dân sự thông dụng
    • Tố tụng dân sự
    • Thi hành án dân sự
  • Đất đai
  • Hành chính
    • Luật Hành chính Việt Nam
    • Luật Tố tụng hành chính
  • Hiến pháp
    • Hiến pháp Việt Nam
    • Hiến pháp nước ngoài
    • Giám sát Hiến pháp
  • Hình sự (188)
    • Luật Hình sự – Phần chung (46)
    • Luật Hình sự – Phần các tội phạm (2)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Luật Tố tụng hình sự (59)
  • Hôn nhân gia đình
    • Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam
    • Luật Hôn nhân gia đình chuyên sâu
  • Kiến thức chung
    • Lịch sử văn minh thế giới
  • Lao động (29)
  • Luật Thuế (11)
  • Lý luận chung Nhà nước & Pháp luật (123)
  • Môi trường (22)
  • Ngân hàng (9)
  • Pháp luật đại cương (15)
  • Quốc tế (137)
    • Chuyển giao công nghệ quốc tế (1)
    • Công pháp quốc tế (22)
    • Luật Đầu tư quốc tế (16)
    • Luật Hình sự quốc tế (7)
    • Thương mại quốc tế (54)
    • Tư pháp quốc tế (6)
  • Thương mại (70)
  • Tội phạm học (4)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (7)

Thống kê: iluatsu.com

  • 10 Chuyên mục
  • 1051 Bài viết
  • 2989 Lượt tư vấn

Footer

Bình luận mới nhất:

  • Tâm trong [EBOOK] Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam pdf
  • Tiên trong [EBOOK] Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam pdf
  • Nguyễn Thị Vân Anh trong [CÓ ĐÁP ÁN] 185 Nhận định đúng sai Luật Hiến pháp Việt Nam 2013
  • TRẦN GIA BẢO trong [EBOOK] Giáo trình Luật Thuế Việt Nam pdf
  • nguyễn hoàng lộc trong [PDF] Tư duy pháp lý của Luật sư – Ebook

Bài viết mới:

  • [PDF] Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 – Phần chung 15/02/2021
  • Các bước để trở thành Luật sư ở Việt Nam 29/01/2021
  • [CÓ ĐÁP ÁN] Câu hỏi ôn tập môn Triết học 28/01/2021
  • Tăng cường thực thi pháp luật môi trường tại Việt Nam thông qua nội luật hóa Công ước Basel 1989 27/01/2021
  • Những nội dung mới của BLTTHS 2015 về bảo vệ quyền con người và quyền công dân trong TTHS 26/01/2021

Giới thiệu:

Luật sư Online (https://iluatsu.com) là một web/blog cá nhân, chủ yếu chia sẻ tài liệu, kiến thức pháp luật, tình huống pháp lý và đặc biệt là tư vấn luật hoàn toàn miễn phí…  Hi vọng bạn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trên website và đừng quên ghé thăm thường xuyên bạn nhé! Chúng tôi luôn: Tận tâm – Tận tình – Tận tụy!

Copyright © 2021 · Luật sư Online · Giới thiệu ..★.. Liên hệ ..★.. Tuyển CTV ..★.. Quy định sử dụng