Chứng minh tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm theo pháp luật Hoa Kỳ – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
TÓM TẮT
Trước khi xác định mức bồi thường thiệt hại là bao nhiêu, nguyên đơn phải cung cấp bằng chứng để chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần là có cơ sở và phù hợp với số tiền bồi thường mà nguyên đơn yêu cầu được hưởng. Bởi lẽ, tổn thất về tinh thần có thể là một trong những vấn đề khó khăn nhất để chứng minh vì chủ yếu là liên quan đến tâm lý. Cách hiệu quả nhất để chứng minh tổn thất về tinh thần của người bị xâm phạm là xem xét các biểu hiện của nó. Khi nộp đơn khởi kiện, lời khai về những biểu hiện này sẽ được xem xét như thế nào theo pháp luật Hoa Kỳ? Sau khi trả lời câu hỏi này, tác giả đề xuất một số kinh nghiệm cho Việt Nam khi giải quyết vấn đề này.
Xem thêm về “Tổn thương về tinh thần“:
- Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm – Kinh nghiệm từ pháp luật nước ngoài – ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải
TỪ KHÓA: chứng minh, thương tổn về thể chất, người hợp lý, tổn thất về tinh thần,
Một người bị xâm phạm đến tài sản của mình, ngoài những thiệt hại về vật chất, trong một số trường hợp nếu tài sản đó có mối liên hệ về tình cảm đặc biệt với họ thì chủ sở hữu tài sản còn phải chịu đựng nỗi đau đớn về tinh thần. Thế nhưng, pháp luật Việt Nam hiện hành không chấp nhận việc bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm. Trong khi đó, pháp luật nhiều nước trên thế giới bên cạnh việc chấp nhận bồi thường thiệt hại về vật chất, còn buộc người xâm phạm tài sản phải bồi thường tổn thất về tinh thần. Theo pháp luật Hoa Kỳ, tùy từng bang và từng trường hợp cụ thể mà vấn đề bồi thường tổn thất về tinh thần cho chủ sở hữu tài sản bị xâm phạm sẽ được chấp nhận hay không được chấp nhận.
1. Bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm theo pháp luật Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ, hầu hết Tòa án các tiểu bang cho phép bồi thường vì đã gây ra những tổn thất về tinh thần kèm theo một tổn thương thể chất.[1] Các Tòa án này đã loại trừ trường hợp chỉ dựa trên tổn thất về tinh thần đơn thuần mà không kèm theo một thương tổn thể chất.[2] Tuy nhiên, một số Tòa án khác sẽ chấp nhận yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần chỉ dựa vào sự khẳng định về cảm xúc buồn khổ, thậm chí không có tổn thương thể chất và họ có những cách khác nhau để đảm bảo tính xác thực của đau khổ tình cảm.[3]
1.1. Không yêu cầu bằng chứng tổn thất về tinh thần phải kèm theo một thương tổn thể chất
Ngay từ thời kỳ đầu của lịch sử tố tụng, một số Tòa án Hoa Kỳ đã cho phép bồi thường các thiệt hại về đau khổ tinh thần, ngay cả khi không có ảnh hưởng hoặc tổn thương cơ thể, khi hành vi của bị đơn là cố ý hoặc không cố ý.[4] Các Tòa án này cho rằng, khi hành vi sơ suất của bị đơn gây ra một thương tích thân thể rõ ràng và khách quan như là kết quả của sự phiền muộn về tình cảm, nguyên đơn có thể được bồi thường những thiệt hại mà không có bất kỳ sự ảnh hưởng về thể chất nào vào lúc xảy ra tổn thất về tinh thần. Để được hưởng khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần thì phải có đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, tiêu chuẩn hành xử của người gây ra thiệt hại được xác định bằng những phản ứng mà người bình thường mong đợi – đó chính là tiêu chuẩn về “người hợp lý” (reasonable man).[5]
Thứ hai, nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh rằng tổn hại về thể chất của họ chính là hậu quả tự nhiên của sự xâm phạm đến tinh thần do hành vi của bị đơn gây ra.
Trong Rodrigues v. State, Tòa án Tối cao Hawaii lần đầu tiên công nhận sự vi phạm gây ra tổn thất về tinh thần do hành vi cẩu thả mà không có biểu hiện thương tích cơ thể. Trong Rodrigues,[6] Tòa án cho rằng bằng chứng y khoa chứng minh tổn thất về tinh thần không có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ việc đánh giá tính xác thực của yêu cầu bồi thường sẽ được xem xét bởi Bồi thẩm đoàn và Tòa án với các tình tiết cụ thể của từng trường hợp bằng cách áp dụng tiêu chuẩn “người hợp lý”.[7] Như vậy, Tòa án và Bồi thẩm đoàn đã áp dụng tiêu chuẩn hành xử của “người hợp lý” nếu được đặt vào tình huống này cũng sẽ không thể đối phó với những tổn thất về tinh thần do hoàn cảnh như trong vụ việc Rodrigues v. State.[8]
Tương tự, trong Campbell v. Animal Quarantine Station of the State of Hawaii, 63 Haw. 557, 632 P.2d 1066 (1981), Tòa án Hawaii đã chấp nhận bồi thường cho tổn thất về tinh thần đối với năm thành viên của một gia đình có con chó đã bị giết chết. Trong khi đang được vận chuyển đến một bệnh viện tư nhân do một cơ quan nhà nước thực hiện, con chó đã được chở trong một xe tải chuyên dụng không thoáng khí dưới nắng nóng. Con chó đã chết vì kiệt sức do nóng sau khi đến bệnh viện thú cưng. Tòa án đưa ra phán quyết về số tiền bồi thường là $ 1000 mặc dù gia đình đã không trực tiếp nhìn thấy con vật bị chết hoặc nhìn thấy cơ thể của nó. Họ biết được cái chết của nó thông qua một cuộc gọi điện thoại và họ đã không phải tìm kiếm sự hỗ trợ về tâm thần hoặc y tế. Tòa án ở Hawaii đã loại bỏ các điều kiện liên quan đến thời gian, địa điểm, mối quan hệ và chấn thương thể chất được áp dụng bởi Tòa án các bang khác.[9]
Tòa án cho rằng, thay vì sử dụng chứng cứ y khoa như là một điều kiện tiên quyết để bồi thường tổn thất về tinh thần, nên sử dụng chỉ số về mức độ đau khổ tinh thần cho thấy rằng nỗi đau đang phải chịu là “nghiêm trọng”.[10] Bằng chứng y tế có thể được cung cấp để giúp chứng minh tính chất “nghiêm trọng” về yêu cầu và mức độ bồi thường. Một khi Tòa án xét xử hoặc Bồi thẩm đoàn nhận thấy rằng người bị thiệt hại đã rơi vào tình trạng “nghiêm trọng”, Tòa án tiếp tục xem xét về thời gian và các triệu chứng của tổn thất về tinh thần ảnh hưởng đến yêu cầu bồi thường. Bằng cách hạn chế tổng số tiền được bồi thường thiệt hại cho năm người là $ 1.000, Tòa án đã chỉ ra mức độ nhận thức của họ về thời gian và mức độ nghiêm trọng của sự đau khổ mà các nguyên đơn đã phải gánh chịu.[11]
Tuy nhiên, việc chấp nhận yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần mà không cần có bằng chứng tổn thất này kèm theo một thương tổn thể chất đã bị nhiều bang phản đối. Để thuyết phục Tòa án thực sự chấp nhận yêu cầu bồi thường cho tổn thất về tinh thần của mình, chủ sở hữu tài sản phải cung cấp bằng chứng và giải thích rõ ràng những triệu chứng đó ảnh hưởng như thế nào đến họ. Đưa ra ví dụ cụ thể những lý do để lo lắng hoặc trầm cảm của họ, hoặc lý do tại sao họ không thể ngủ kể từ khi tài sản của họ bị xâm phạm, sẽ thuyết phục hơn là chỉ thể hiện bằng lời nói “Tôi không thể ngủ được”.[12] Các Tòa án trong vụ Molien dựa hoàn toàn vào bằng chứng cho thấy sự đau khổ về tinh thần thật sự[13] và cho rằng bằng chứng khách quan của tổn thất về tinh thần có thể ngăn cản thỏa đáng các khiếu nại gian lận.[14] Trong vụ Rodrigues v. State, Tòa án Tối cao của Hawaii yêu cầu về bằng chứng của tổn thất về tinh thần được xem xét thông qua “tiêu chuẩn về người hợp lý, thường được thiết lập, sẽ không thể đối phó đầy đủ với cảm xúc buồn khổ được sinh ra bởi các tình tiết của mỗi hoàn cảnh khác nhau”.[15] Vì thế, cơ quan lập pháp của bang vào năm 1986 đã đảo ngược chính sách đó, ban hành một đạo luật cấm các Tòa án ở bang này chấp nhận việc bồi thường đối với những tổn thất về tinh thần chỉ dựa trên thiệt hại về tài sản.[16] Tòa án Tối cao bang Ohio, viện dẫn án lệ Rodrigues v. State để cho phép bồi thường chỉ trong những trường hợp như rối loạn tâm thần hoặc rối loạn thần kinh.[17] Điều này đảm bảo những tổn thất về tinh thần là xác thực, cho dù chúng được gọi là tổn thương hay đau khổ.
1.2. Yêu cầu bắt buộc phải có tổn hại về tinh thần kèm theo một thương tổn thể chất
Gần đây, Tòa án Hoa Kỳ đang phải đương đầu với một thách thức: một mặt, họ muốn các nạn nhân được bồi thường cho bất kỳ sự phiền muộn về tình cảm nào do tai nạn gây ra bởi người khác; mặt khác, họ muốn tránh tuyên bố gian lận, trách nhiệm pháp lý không giới hạn và tình trạng kiện tụng tăng lên.[18] Kết quả là, Tòa án đang phải đối mặt với khó khăn về tiêu chuẩn và giới hạn áp dụng. Do đó, Tòa án đã thông qua các quy tắc và hạn chế. Phần này xem xét các quy tắc và hạn chế được thông qua bởi các khu vực thẩm quyền pháp lý khác nhau.
Tòa án nhiều bang đã đặt giới hạn về những người và hoàn cảnh có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần. Để đảm bảo yêu cầu bồi thường chính xác, nhiều Tòa án yêu cầu nguyên đơn trình bày biểu hiện thể chất trực tiếp gây ra bởi những tổn thất về tinh thần.[19] Các biểu hiện thể chất được xem xét bởi Tòa án ở một số bang bao gồm: giảm cân, mất ngủ, căng thẳng thần kinh, thay đổi nhân cách, thần kinh, thoái hóa mô, sẩy thai, suy nhược thần kinh, hoặc tê liệt.[20] Các điều kiện này được đặt ra để hạn chế các vụ kiện liên quan đến yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần.
Ở Florida, nếu nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần, nhưng họ không phải chịu thương tích thể chất, Tòa án bắt buộc họ phải đáp ứng các điều kiện của “học thuyết tác động”. Theo học thuyết tác động, người gây ra tổn thất về tinh thần cho người khác sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu tổn thất về tinh thần chỉ là sự kiện đau buồn đơn thuần,[21] trừ một số ít trường hợp, trong đó hành vi vô ý gây ra tổn thất về tinh thần dẫn đến hậu quả liên quan đến bệnh lý rõ rệt.[22] Điển hình là vụ National Union Fire Insurance Co.v. Harrington.[23] Tại thời điểm cháy, bà LeBlanc là một góa phụ sáu mươi chín tuổi. Mặc dù bà đã có bệnh tiểu đường, viêm xương khớp và loãng xương, bà đã chăm sóc cho các bệnh nhân nan y cao tuổi. Bà LeBlanc mô tả cho Bồi thẩm đoàn những gì bà cảm thấy khi nhìn thấy nhà của mình bị cháy. Phán quyết cũng dựa vào ảnh hưởng của yếu tố tinh thần đến thể chất của người bị thiệt hại. Cụ thể, trong vụ việc này, Bồi thẩm đoàn đã căn cứ vào tình trạng bệnh tiểu đường của bà đã trở nên tồi tệ để đưa ra mức bồi thường thích hợp.
Có nhiều trường hợp nếu người có tài sản bị xâm phạm chỉ bị tổn thất về tinh thần đơn thuần mà không dẫn đến những ảnh hưởng về mặt thể chất thì sẽ không được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Trong vụ Farr v. Johnson,[24] ngoài việc đòi bồi thường thiệt hại cho tài sản của mình, nguyên đơn đã yêu cầu bồi thường cho các thiệt hại “đau đớn tinh thần”. Bằng chứng về sự việc này là nguyên đơn phải chịu đựng sự lo lắng và khổ sở về tinh thần đối với những thiệt hại về nhà ở và tài sản của nguyên đơn cũng như công việc sửa chữa mất khoảng ba tuần. Không có bằng chứng nào cho thấy nguyên đơn vô cùng thất vọng hoặc bị bất cứ rối loạn tâm thần. Nguyên đơn đã không gặp bác sĩ, không dùng thuốc, không cần điều trị và không bị bệnh, bị thương hoặc tàn tật. Nguyên đơn tiếp tục ở trong ngôi nhà trong quá trình sửa chữa.[25] Hay như trong vụ City of Tyler v. Likes,[26] nguyên đơn đã không thể chứng minh rằng cô bị bất kỳ tổn thương nào về thể chất. Do đó, Tòa án cho rằng “đau khổ tinh thần chỉ dựa trên thiệt hại tài sản sẽ không được bồi thường”.
Có thể nhận thấy, hầu như Tòa án ở các bang của Hoa Kỳ đều cố gắng hạn chế sự bồi thường cho những tổn thất về tinh thần không nghiêm trọng. Như vậy, để được chấp nhận yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần, người yêu cầu phải đưa ra những chứng cứ để chứng minh sự liên quan đến tinh thần khi tài sản của mình bị hủy hoại hoặc mất mát phải thực sự nghiêm trọng.
Xem thêm về “Pháp luật Hoa Kỳ”
- Bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm trong quá trình vận hành tàu thuyền – Pháp luật Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam – ThS. Chung Lê Hồng Ân
- Về chế định rà soát hành chính trong pháp luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ – TS. Trần Thăng Long & ThS. Nguyễn Văn Tuấn
- Tác động của quy định về tính tương đương trong chương trình giám sát cá da trơn theo Luật Nông trại 2014 của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu cá da trơn Việt Nam – ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo
- Học thuyết Forum Non Conveniens trong tư pháp quốc tế Hoa Kỳ – Một số kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam – TS. Phan Hoài Nam
- Vấn đề bảo vệ môi trường và Hiệp định TBT trong khuôn khổ WTO qua vụ tranh chấp Hoa Kỳ – cá ngừ II – TS. Trần Việt Dũng & ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
2. Kinh nghiệm cho Việt Nam
Theo các quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015, khi tài sản bị xâm phạm, vấn đề bồi thường tổn thất về tinh thần không được nhắc đến. Như vậy, xét từ góc độ văn bản, Bộ luật Dân sự các năm 1995, 2005, 2015 không có quy định theo hướng ghi nhận rõ khả năng bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm. Tuy nhiên, những phân tích đánh giá về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và thực tiễn đối với vấn đề bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm cho thấy việc công nhận bồi thường tổn thất về tinh thần trong một số trường hợp khi tài sản bị xâm phạm là cần thiết, mang lại những giá trị thiết thực về lợi ích cho xã hội nói chung và cá nhân những người có tài sản bị xâm phạm nói riêng. Vì thế, tác giả cho rằng pháp luật Việt Nam cần thừa nhận bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm.
Qua việc phân tích vấn đề chứng minh khi có tổn thất về tinh thần trong pháp luật Hoa Kỳ, theo quan điểm của tác giả chỉ nên chấp nhận cho phép bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm đối với những tổn thất về tinh thần nghiêm trọng và các tổn thất về tinh thần thông thường như cảm giác đau, sợ hãi tạm thời và căng thẳng bình thường không được công nhận. Quyết định của Tòa án nhất thiết phải được khẳng định dựa trên sự tồn tại của các triệu chứng thể chất và kết quả từ những đau khổ tình cảm. Điều này sẽ giúp cho Tòa án có thể xem xét kỹ lưỡng số tiền bồi thường thiệt hại và hạn chế đối với các trường hợp khởi kiện mà không đáp ứng điều kiện này.
Để chứng minh rằng chủ sở hữu phải chịu đựng tổn thất về tinh thần, Tòa án có thể xem xét các nội dung sau:
i. Căn cứ vào các đánh giá y khoa của các bác sĩ hoặc nhà tâm lý học: Các khiếu nại của nguyên đơn có ghi trong hồ sơ bệnh án của họ hay không? Họ đã từng gặp bác sĩ chăm sóc sức khỏe tâm thần hoặc bác sĩ chăm sóc ban đầu và ghi lại những vấn đề đã nêu không? Hoặc họ đã từng đến gặp một nhân viên tư vấn, chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần được cấp phép, hoặc thậm chí bác sĩ gia đình của họ? Họ có ghi một câu chuyện với chuyên môn đánh giá của họ về tổn thất về tinh thần và cảm xúc của họ sau khi tài sản của họ bị xâm phạm? Nhìn chung, họ cần phải chứng tỏ rằng căng thẳng tinh thần của họ đang diễn ra, ảnh hưởng một cách cơ bản đến cuộc sống của họ và liên quan trực tiếp đến những thương tích cơ thể mà bị đơn gây ra cho họ.
ii. Mức độ nghiêm trọng của tổn thất về tinh thần: Tổn thất về tinh thần phải “nghiêm trọng” trước khi có bất kỳ khoản bồi thường nào. Chủ sở hữu có tài sản bị xâm phạm nên chứng minh sự đau khổ của họ đang diễn ra và rằng nó là nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, chủ sở hữu phải đưa ra bằng chứng để chứng minh một thương tích cơ thể nghiêm trọng đi kèm. Mức độ căng thẳng của họ là gì? Tại sao nó lại mãnh liệt? Không những vậy, đối với thiệt hại do tổn thất về tinh thần, phải có bằng chứng về tính chất, mức độ nghiêm trọng hoặc thời hạn của nỗi thống khổ của nguyên đơn làm gián đoạn đáng kể thói quen hàng ngày, hoặc nỗi đau tinh thần đó mức độ tức giận, bối rối, bực tức, lo âu, hay lo lắng. Những từ như “tôi nóng”, “tôi chỉ buồn”, “khó chịu”, đơn thuần chỉ là cảm xúc nhất thời và không đủ để phải bồi thường cho nỗi đau đớn về tinh thần.
iii. Thời gian chịu đựng tổn thất về tinh thần: Tổn thất phải kéo dài dai dẳng, liên tục hoặc định kỳ
iv. Ảnh hưởng về mặt thể chất: Thẩm phán sẽ nhìn thấy và hiểu được thương tích cơ thể thực tế dễ dàng hơn bởi nạn nhân phải có những biểu hiện ảnh hưởng đến thể chất như đổ mồ hôi ban đêm, loét dạ dày, nhức đầu, nhức mỏi thần kinh và các dấu hiệu lâm sàng khác của đau khổ.
v. Mức độ nghiêm trọng của hành vi gây ra tổn thất về tinh thần: Theo pháp luật Hoa Kỳ, nguyên đơn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cực đoan và thái quá của bị đơn gây ra tổn thất về tinh thần cho nguyên đơn. Trong tình huống này thì nguyên đơn phải chứng minh:
– Hành vi của người gây thiệt hại là cực đoan và thái quá;
– Hành vi của người gây thiệt hại đã làm cho người bị thiệt hại phải chịu đựng tổn thất về tinh thần.
Để chứng minh rằng hành vi của người gây thiệt hại là cực đoan và thái quá, nguyên đơn phải chứng minh rằng hành vi của người gây thiệt hại là hành vi không thể chấp nhận và không văn minh đến mức một người hợp lý sẽ tin rằng hành vi đó là cực đoan và thái quá.
Ngoài ra, thẩm phán có thể xem xét các bằng chứng hữu hình của tổn thất về tinh thần như:
i. Thư/email/ mạng xã hội (facebook/zalo/instagram…): Thư từ những người bạn thân, bạn bè, nhà tuyển dụng và đồng nghiệp xác nhận đã quan sát thấy tình trạng cảm xúc của người có tài sản bị xâm phạm kể từ khi tài sản của họ bị xâm phạm. Họ có thể nhận thấy nguyên đơn đã bị trầm cảm hay khóc dường như không có lý do, hoặc mệt mỏi…
ii. Nhật ký: Một quyển nhật ký ghi chép về cảm giác của nguyên đơn trong quá trình hồi phục. Các ghi chép về những suy nghĩ và cảm xúc hàng ngày của nguyên đơn có thể được sử dụng làm bằng chứng về tình trạng tổn thất về tinh thần trong một phiên tòa.
iii. Đơn thuốc: Xem xét danh sách các loại thuốc theo toa của nguyên đơn, đặc biệt là những thuốc chữa trị trầm cảm, lo lắng, hoặc các triệu chứng tâm lý khác. Làm một số nghiên cứu để tìm ra dự định và liều lượng sử dụng của nguyên đơn.
3. Kiến nghị
Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn và các quy định của pháp luật Hoa Kỳ cũng như đối chiếu với tình hình thực tế của pháp luật Việt Nam, tác giả kiến nghị về vấn đề chứng minh tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm, chúng ta chỉ chấp nhận cho phép bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm đối với những tổn thất về tinh thần nghiêm trọng còn các tổn thất về tinh thần thông thường như cảm giác đau, sợ hãi tạm thời và căng thẳng bình thường sẽ không được công nhận. Chính vì thế, cần phải bổ sung vào Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 một nội dung sau:
“Người đưa ra yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm phải chứng minh những tổn thất về tinh thần xảy ra đối với họ là nghiêm trọng”./.
Xem thêm về “Tài sản“:
- Hoàn thiện pháp luật đối với trường hợp bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho khi bên tặng cho đã giao tài sản – ThS. Lê Thị Giang
- Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân – ThS. Ngô Thị Vân Anh & ThS. Đặng Lê Phương Uyên
- Rủi ro đối với tài sản trong pháp luật dân sự Việt Nam – PGS.TS. Đỗ Văn Đại & ThS. Nguyễn Nhật Thanh
- Quy chế pháp lý về tài chính, tài sản của hội trong Dự thảo Luật về Hội – PGS.TS. Nguyễn Văn Vân
- Căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu – ThS. Châu Thị Vân
CHÚ THÍCH
[1] Markesinis and Deakin’s, Tort law (5th ed), Oxford university press, 2003, tr. 230.
[2] Các triệu chứng của cảm xúc buồn khổ bao gồm: sự lo lắng (anxiety), phiền muộn (depression), tội lỗi (guilt), sự thất bại (frustration), mất ngủ (insomnia), cay đắng (bitterness)…
[3] Xem ví dụ: Molien v. Kaiser Found. Hosps. Hosps.,27 Cal.3d 916, 616 P.2d 813, 167 27 Cal.3d 916, 616 P.2d 813, 167 Cal. Cal. Rptr. Rp, tr. 831 (1980); 831 (1980); Leong v. Takasaki, 55 Haw.Leong v. Takasaki, 55 Haw. 398,520 P.2d 758 (1974); 398,520 P.2d 758 (1974); CulbertV. Sampson’s Supermarkets Inc., 444 A.2d 433 (Me 1982); v. Sampson’s Supermarkets Inc., 444 A.2d 433 (Me. 1982); Sinn v. Burd, 486 Pa. 146, Sinn v. Burd, 486 Pa. 146, 404 A.2d 672 (1979); 404 A.2d 672 (1979).
[4] Xem: Willson v. Northern Pac. RR, 5 Wash. 621, *432 32 P. 468 (1893); Davis v. Tacoma R. & Power Co., 35 Wash. 203, 77 P. 209 (1904); McClure v. Campbell, 42 Wash. 252, 84 P. 825 (1906); Wright v. Beardsley, 46 Wash. 16, 89 P. 172 (1907); và Nordgren v. Lawrence, 74 Wash. 305, 133 P. 436 (1913).
[5] Trong trường hợp không có quy định của luật thành văn cũng như tiền lệ điều chỉnh, thông luật thường cho phép Tòa án sử dụng tiêu chuẩn khách quan về sự hợp lý, thường được nhắc đến với nhân vật giả thuyết “một người hợp lý” (reasonable man)để xác định quan điểm chung của xã hội, cộng đồng về vấn đề liên quan. Tiêu chuẩn về “người hợp lý” này sẽ đảm bảo tính khách quan và công bằng trong hoạt động xét xử của Bồi thẩm đoàn và Thẩm phán. (Xem: Henry Cheeseman, Business Law, Pearson, ed.17, 2012, tr. 103).
[6] Ông bà Rodrigueses vừa hoàn thành việc xây dựng ngôi nhà của mình. Vào thời điểm đó, một cơn mưa lớn đã khiến cho cống thoát nước bị tắc tràn vào gây ngập nhà của họ và làm thiệt hại lớn cho ngôi nhà và đồ nội thất. Gia đình Rodrigueses đã chờ đợi mười lăm năm để xây dựng nhà riêng của họ. Ông Rodrigueses rất đau lòng và không thể đứng nhìn nó, và bà Rodrigueses thì sốc và đã khóc. Ngoài sửa chữa khác, gia đình Rodrigueses dành khoảng sáu tuần cạo thảm cao su bị hư hỏng ra khỏi sàn nhà với lưỡi dao cạo. Trong vụ việc này, do sự sơ suất của nhà nước, nước tràn ngập ngôi nhà ở độ sâu 6 inches gây thiệt hại. Bên cạnh việc bồi thường thiệt hại về tài sản, Tòa án cho rằng các nguyên đơn có thể được bồi thường các thiệt hại cho tình trạng tổn thất về tinh thần của họ. Do đó, Tòa án quyết định số tiền bồi thường thiệt hại được trao cho gia đình Rodrigueses là $ 2.500 đối với“nỗi thống khổ về tinh thần và đau đớn, bất tiện, đổ vỡ của cuộc sống gia đình, quá khứ và tương lai”.
[7] Rodrigues v. State, 52 Hawaii at 173, 472 P.2d at 520.
[8] Rodrigues v. State, 52 Hawaii at 173, 472 P.2d at 520.
[9] Simons, Psychic Injury and the Bystander: The Transcontinental Dispute Between California and New York, 51 ST. JOHN’S. L. REv. 1, 22, 1976, tr. 7-8.
[10] Tiêu chuẩn “nghiêm trọng” được định lượng theo cường độ, thời gian, và bất kỳ biểu hiện thể chất nào của tổn thất về tinh thần như đau buồn, lo lắng, hoặc tức giận cùng với thương tích cá nhân (mặc dù không nhất thiết) cũng có thể hội đủ điều kiện để được bồi thường.
[11] Cường độ và thời gian của những tổn thất về tinh thần cũng góp phần vào mức độ nghiêm trọng của nó. Sự xáo trộn về cảm xúc càng kéo dài, càng có nhiều khả năng nó sẽ gây ra tổn thất về tinh thần trầm trọng. Đôi khi bản chất của hành vi được đề cập đến sẽ đủ để chứng minh rằng nạn nhân bị tổn thất về tinh thần trầm trọng. Nếu hành vi đặc biệt gây lo ngại, nguyên đơn có thể không phải cung cấp nhiều bằng chứng để hỗ trợ yêu cầu của họ; hay như sự tổn hại về thân thể cũng là một dấu hiệu cho thấy tình trạng tổn thất về tinh thần nghiêm trọng đã xảy ra. Ví dụ, loét dạ dày hoặc nhức đầu có thể cho thấy rằng nguyên đơn đã trải qua những tổn thất về tinh thần nghiêm trọng biểu hiện thông qua các triệu chứng thể chất này.
[12] Judge Anthony P. Calisi (ret.), “How Emotional Distress Affects Pain and Suffering Reimbursement”, xem tại: http://www.injuryclaimcoach.com/pain-and-suffering-reimbursement.html, tuy cập ngày: 03/01/2017.
[13] Molien, 27 Cal. 3d at 929-30, 616 P.2d at 821, 167 Cal. Rptr. at 839
[14] Molien, at 930, 616 P.2d at 821, 167 Cal. Rptr. at 839.
[15] Rodrigues v. State, 52 Hawaii at 173, 472 P.2d at 520.
[16] Haw.Rev.Stat. Ann § 663-8,9 (Michie 1995).
[17] Paugh, 6 Ohio St. 3d 72, 78, 451 N.E.2d 759, 765.
[18] Simons (1976), Psychic Injury and the Bystander: The Transcontinental Dispute Between California and New York, 51 ST. JOHN’S. L. REv. 1, 22, tr. 11 – 12.
[19] Restatement (Second) Of Torts §§ 313(1)(b), 436A comment b (1965).
[20] Comment, “Dillon to Ochoa: The Elusive Foreseeability of Emotional Distress”, 27 SANTA CLARA L. REV. at 96, 109 (trích dẫn: Robb v. Pennsylvania RR, 210 A.2d 709 (Del. 1965); F. HARPER & F. JAMES, The law of torts § 18.4 (1956)).
[21] Doyle v. Pillsbury Co., 476 So.2d 1271 (Fla., 1985).
[22] Champion v. Gray, 478 So.2d 17 (Fla., 1985).
[23] National Union Fire Insurance Co. v. Harrington, 854 So, 2d 880, 897 (La. App. 2003).
[24] Farr v. Johnson, 308 So.2d 884 (1975).
[25] Tòa án cho rằng: “tâm trạng đau đớn” mà nguyên đơn đã trải qua là lo lắng và khổ sở tinh thần. Đây là những cảm xúc bình thường mà bất kỳ chủ sở hữu nào cũng sẽ trải qua ở một mức độ nào đó khi tài sản của mình bị hư hỏng. Mọi sự cố thiệt hại về tài sản đều đi cùng với mức độ lo lắng hoặc buồn phiền về tinh thần của chủ sở hữu tài sản bị hư hỏng.
[26] City of Tyler v. Likes, 962 SW2d 489 (Tex. 1997): Vào sáng sớm ngày 5/4/1986, những trận mưa lớn tràn ngập Azalea District ở Tyler, Texas. Một kênh thoát nước chảy ngang qua phía đông ngôi nhà của Adeline Likes. Sáng hôm đó, dòng nước tràn ra từ kênh, đẩy các mảnh gỗ từ nhà của người hàng xóm đâm xuyên qua cửa sổ trong ngôi nhà phân cấp của Likes. 31/2 feet nước và mảnh vụn đổ vào tầng dưới. Likes phát hiện ra thiệt hại lúc 5 giờ 30 sáng khi cô đi xuống cầu thang để lấy báo buổi sáng. Không có nước ứ đọng trong nhà, nhưng lũ lụt đã hủy hoại các bức tường, thảm, đồ đạc và các tài sản khác nhau trong kinh doanh trang trí nội thất của cô. Nước đã phá hủy hồ sơ cá nhân của Lubson, thư tín gia đình, hình ảnh gia đình và đồ lưu niệm. Ngoài ra, lũ lụt cũng làm hỏng hai chiếc ô tô của cô đậu trên đường lái xe. Ban đầu, Likes chỉ tìm cách để được bồi thường $ 100.000 – mức tối đa theo đạo luật Bồi thường thiệt hại cho các thiệt hại về tài sản. Sau đó, cô đã sửa đổi đơn khiếu nại của cô để cáo buộc thêm $ 150.000 về những thiệt hại do tổn thất về tinh thần “từ việc mất nhiều vật dụng cá nhân không thể thay thế được” và “vì cảm giác không an toàn cả khi về nhà, tài sản cá nhân và sự an toàn cá nhân của cô trong khi trời mưa”.
- Tác giả: ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 05(117)/2018 – 2018, Trang 32-37
- Nguồn: Fanpage Luật sư Online
Trả lời